Thứ Tư, 9 tháng 12, 2009

Về Châu Đốc


Về Châu Đốc
Cập nhật lúc 5:05:10 PM - 08/12/2009

242h1.jpg


Nước thốt nốt


Bài và ảnh: Trần Công Nhung

Thói đời hễ cái gì mình sẵn có thì coi thường, nhưng khi mất đi lại nhớ tiếc. Tôi cũng mang tâm trạng đó khi biết mình sắp đến ngày đi Hoa Kỳ định cư. Xưa nay vì điều kiện đời sống không cho phép, hoặc vì lười biếng nên ở đâu cứ ở một chỗ. Giờ mới sực nhớ: Mình chưa biết gì về Quê Hương cả. Hơn nửa đời người mà chỉ có Nha Trang - Sai Gòn - Đà Lạt thì yếu quá. Phương chi mình lại là người chơi ảnh. Chơi ảnh mà không biết đất nước đẹp xấu ra sao thì đáng chê trách.

Dịp may đã đến, trong lúc đi tìm ngoại cảnh cho một bộ phim, đạo diễn Hồ Quang Minh (Việt kiều Thụy Sĩ) ghé qua nhà tôi chơi. Thấy tôi treo biển bán nhà, ông ta hỏi:

- Anh bán nhà rồi đi ở đâu?

- Có lẽ gia đình tôi đi Mỹ vào cuối năm nay.

Ông ta đứng yên một lúc, đưa mắt đảo quanh sân kiểng của tôi rồi chợt hỏi:

- Thế cây kiểng của anh?

- Ai mua tôi bán luôn.

- Anh bán bao nhiêu?

- Ba cây (vàng).

Ông lại làm thinh và như đang nhẩm tính đắt rẻ. Tôi nói thêm:

- Còn cả vườn sau nữa, ít ra cũng gần hai trăm chậu lớn nhỏ.

Sau khi ra xem vườn, nhà đạo diễn lên tiếng:

- Tôi không biết vàng bao nhiêu, tôi đưa anh 1.200 Mỹ kim, và anh chở về Sài Gòn giùm tôi.

Tất nhiên là tôi chịu, giá mà ông ta bảo 500 thôi, cũng đã quí rồi. Dầu vậy, đâu phải ra đó. Tôi đáp:

- Anh là người thích cây kiểng, giao cho anh là điều may mắn, hơn thiệt chút đỉnh chẳng sao. Cốt chỗ điệu nghệ với nhau, chứ mọi sự ở đời chẳng có gì bền lâu. Riêng chuyên chở ...

Tôi nói chưa hết câu ông ta đã tiếp lời:

- Tôi gởi anh thêm triệu rưởi để thuê xe và công chở vào Sài Gòn. Nếu anh đồng ý, tối nay mời anh ra khách sạn Hải Yến tôi gởi trước anh một ít.

Bàn tính mọi việc xong, khi người khách ra về, tôi mới sực nhớ mình đã hơi “đại ngôn”, bán mua cứ sòng phẳng chuyện gì phải “triết lý, thuyết giảng”…

Tôi có một người em định cư ở Mỹ, đã hơn 10 năm, khó khăn lắm mới gửi về cho 50 Mỹ kim, với số tiền trên phải nói là quá lớn đối với tôi. Năm trước, khách mua “trâu rừng” (1), tôi tưởng đã hào hoa, nay lại gặp người còn hào sảng hơn. Tôi tính ngày nhà đạo diễn quay về Sài Gòn, sẽ đưa cây vào ngay.

Chỉ mấy ngày sau, tôi đã đưa hết cây kiểng vào Sài Gòn cho nhà đạo diễn. Cây phải bê lên sân thượng chật hẹp trên lầu 3. Về sau mới biết, anh có cơ ngơi lớn trên La Ngà, nơi rất thích hợp cho số cây này.

Mọi chuyện xong xuôi, tôi làm một bài tính cho cuộc du hành Nam Bắc. Du lịch như Việt Kiều thì với số tiền này chẳng thấm vào đâu. Phải tính theo kiểu dân nội địa. Tôi mượn chiếc Cub 70 của người con rể, thay dầu nhớt, kiểm tra máy, hành trang gọn nhẹ, tôi chuẩn bị lên đường. Có thể làm một chuyến xuyên Việt. Chặng Nha Trang - Sài Gòn tôi đi suốt bằng xe lửa. Từ Sài Gòn đi Châu Đốc bằng Honda. Điều cần là làm sao để có hình ảnh qua từng chặng.


242h2.jpg


Rắn Đồng Tâm


Đến Mỹ Tho tôi vào thăm trại rắn Đồng Tâm. Ở đây nuôi đủ thứ rắn độc, dùng chế dược liệu. Có những loại rắn chưa bao giờ thấy, nhất là các giống rắn hổ. Rắn nuôi dưới những hầm sâu chừng một mét hoặc trong các chuồng lưới sắt. Xem để cho biết chứ thấy ghê lắm. Hổ báo cũng là thú dữ nhưng không ghê bằng. Thân hình của rắn làm cho ta nghĩ đến sự thâm độc. Truyện cổ có nhiều huyền thoại về rắn. Trong văn học có chuyện vụ án Lệ Chi Viên cũng được thần thoại hóa thành chuyện “Rắn Báo Oán”: Thị Lộ hiện thân của rắn hại ba đời công thần Nguyễn Trãi!

Trại có một trạm xá chữa rắn cắn mà bệnh nhân toàn là những người nuôi rắn. Đúng câu “Sinh nghề tử nghiệp” (Sống nhờ nghề, chết cũng vì nghề). Điều cũng dễ hiểu. Hai bên lối đi trong trại có trồng một loại cây trang trí, lá như lá răm. Nhân viên trại bảo đấy là cây thuốc trị rắn cắn. Có người bảo đó là cây khỉ, khỉ mẹ thường nhai làm thuốc cho khỉ con mỗi khi khỉ con bị thương tích. Một lần tôi về thăm quê Quảng Bình, người bà con đi trầm kể cho nghe:

- Đi trầm cực lắm, nhiều chuyến đi cả 10 ngày mà có được chi mô. Có bận đi tuốt qua biên giới Lào, chút nữa là bỏ mạng.

- Sao vậy anh, gặp cọp à ?

- Có mô, đụng ong.

- Đụng ong mà chết?

- Rứa mới sợ, ong chi không biết, nó chích tui một phát là mặt sưng liền. May trong bạn trầm có người biết, chạy hái cho tui một thứ lá, nhai nuốt là xẹp ngay. Tui tởn tới tra (tôi sợ đến già)

Tiếc là đời sống thôn quê gặp chăng hay chớ. Một loại thần dược như vậy mà không ai nghĩ cách nuôi trồng phòng khi hữu sự. Trong thiên nhiên còn bao nhiêu điều kỳ diệu mà con người chưa hề biết.

Rời trại rắn Đồng Tâm, tôi chạy về hướng Cao Lãnh. Cảnh đồng quê Nam Bộ nhìn cứ phẳng lì. Ruộng cò bay thẳng cánh. Làng mạc xa xa và rời rạc chứ không quần cư như Miền Trung. Tuy vậy trên sông lạch, sinh hoạt ghe thuyền rất hấp dẫn, tôi không còn cảm thấy đường xa hay mệt nhọc nữa. Trái lại, khám phá ra muôn vàn vẻ đẹp tiềm ẩn trong cuộc sống của giới bình dân lam lũ. Nếu không đi, khó mà biết được. Lúc dừng chân trên cầu Cao Lãnh để ngắm cảnh trời mây, tôi chợt thấy ba chiếc xuồng thi nhau chạy rẽ nước.


242h5.jpg


Trên sông Cao Lãnh.


Vừa chuẩn bị đưa máy lên chụp thì không hiểu sao, lúc gần đến cầu, ba chiếc xuồng bỗng quay một vòng đổi hướng. Cả mặt sông nhăn lại, dưới ánh sáng ngược, váng nước nổi lên thật tuyệt vời. Tôi chỉ kịp bấm một tấm là tất cả ra ngoài tầm máy. Một tác phẩm nhờ may mắn, bình thường không biết đâu tìm. Nhẩn nha vừa ngắm cảnh vừa chụp hình, đến chiều tối, chúng tôi vào thị xã Châu Đốc.


242h3.jpg


Đường đi Châu Đốc


Thành phố Châu Đốc không lớn, không có công trình xây cất gì mới mẻ. Chợ Châu Đốc làm từ thời Pháp còn lại nét hay hay. Phương tiện di chuyển phổ thông ở Châu Đốc là xe đạp, xe lôi. Một chiếc xe gắn máy kéo một bình thùng phía sau chở năm sáu người, chở thêm hàng hóa, rất dễ bị lật. Xe lôi đạp thì phần dành khách ngồi tương tự như thùng xe kéo thời trước, chỉ chở hai người, trông lịch sự và an toàn hơn.


242h4.jpg


Xe lôi


Mặt trời chưa lên, tôi đã rời quán trọ. Vòng xe ra chỗ công viên, trung tâm thành phố, chợt gặp một hoạt cảnh rất lạ, khiến tôi vội dừng lại: Những người đàn bà gánh những bó ống tre dài, từ các nẻo, đến tụ họp phía bên kia đường. Không hiểu họ bán gì, tôi hỏi một người đang tập thể dục nơi công viên:

- Mấy người kia bán gì vậy hả bác?

- Họ bán nước thốt nốt.

- Nước thốt nốt là...

- Là nước lấy từ cây thốt nốt.

Thật sự tôi chẳng hiểu gì, vì đã thấy cây thốt nốt bao giờ đâu, tôi hỏi thêm:

- Vậy họ họp chợ bán ở lề đường?

- Không, chút xíu mặt trời lên, mỗi người đi mỗi ngả.

Nghe vậy tôi vội lôi máy ảnh ra, không kịp cảm ơn bà khách. Tôi leo lên trụ rào công viên và đưa máy đóng khung một đám gánh thốt nốt. Tôi thầm nghĩ, một hình ảnh đặc biệt của đời sống Miền Nam, mà sao lâu nay không ai chụp. Nhưng rồi chợt hiểu, hễ có mặt trời thì họ đã tản ra như sương gặp nắng thì ai còn thấy gì. Trong điều kiện ánh sáng yếu như vậy, tôi phải cố gắng lắm mới bấm được một tấm.

Sáng sớm sinh hoạt thành phố Châu Đốc không có gì đặc biệt, không nghe tiếng thức dậy của quán hàng. Nhà nhà kín cửa, đường vắng hoe, cảnh thật yên tĩnh.


Trần Công Nhung

05-1992

(1) Bán Trâu Rừng trang 111 BVNCCK

*******************************************
source
Vien Dong Daily

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét