Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2009

Hàng rong Hà Nội



Cập nhật lúc 4:29:38 AM - 28/11/2009

241h1.jpg


Bốt Hàng Đậu


Bài và ảnh: Trần Công Nhung

Mấy anh em nhiếp ảnh hẹn gặp nhau tại một quán cà phê ở góc đường gần khách sạn Hàng Dầu. Tôi dậy sớm, năm giờ đã mang máy xuống đường. Buổi sáng, phố xá thật yên tĩnh. Đa số là xe đạp của giới lao động qua lại.

Chọn một góc phố, tôi chờ những gánh hàng rong. Một vài hàng quán vỉa hè đang nhóm bếp, khói tỏa mịt mù. Nếu ở Cali, thế nào cũng có người gọi 911. Hàng rong đối với anh em địa phương có lẽ quá quen, với tôi, đó là hình ảnh "đặc sản" quê hương.


241h2.jpg


Hàng rong vỉa hè


Những cô gái ăn mặc đơn giản, gánh hai đầu rổ nào trái cây, hoa, bánh đa, bánh dầy ..., xem ra hàng hóa không có gì nhiều, cân lượng chẳng bao nhiêu. Họ thong dong từ phố này qua phố khác, như dạo chơi, không rao mời. Ai mua thì gọi, không thì cứ thế đi cho hết ngày. Có sống xa quê, có sống trong một xã hội tất bật máy móc, mới thấy cái dễ thương hiền hậu của quê nhà.

Hàng rong đầu ngày ở Hà Nội có nét rất "văn hóa nghệ thuật". Đó là những cô gái bán hoa. Những gánh hoa vàng tươi hay hồng thắm, họ đến rất sớm, xếp hàng dài, dọc theo lề đường. Trời không nắng mà lúc nào nón lá cũng trên đầu. Chiếc nón lá là hình ảnh muôn đời của nghệ thuật. Khách ngang qua, dừng xe, cúi xuống chọn lựa, mua bán rất thoải mái.


241h3.jpg


Hàng rong trên đường


Không phải tìm chỗ parking rồi mới lo công việc như ở Mỹ. Ở Mỹ, trong những khu buôn bán của người Việt, parking thật khó khăn. Parking là chỗ đậu xe, lại dành cho những chiếc ghế, những cái thùng giấy, vậy mà coi được. Không hiểu người bản xứ có cười cái lối ích kỷ lố bịch của người mình chăng. Điều này tôi không hề thấy trong khu thương mại của người Mỹ hay bất cứ của cộng đồng thiểu số nào. Người Việt đúng là có truyền thống lạ đời, sống xứ mình hay nơi xứ người chẳng có gì thay đổi, chẳng cần hội nhập chi cho mệt. “Đường ta ta cứ đi, ruộng ta ta cứ cày...”.

Trời đã sáng hẳn. Từ bên này ngã tư đường, ẩn mình sau một gốc cây, tôi bắt đầu bấm máy. Cô hàng hoa áo hồng, đang trao hoa cho khách, vừa lúc có chiếc xích lô chạy qua, "xạch", với tốc độ máy 30, xích lô sẽ bị nhòe một phần, ảnh có động và tĩnh. Lại một gánh hoa vừa tới nhập bọn, "xạch", thêm một hình ảnh mới. Tôi dời qua vị trí khác và tiếp tục bấm. Trong một thoáng tôi chợt nhớ truyện Gánh Hàng Hoa của Nhất Linh, một người tình tuyệt vời, một người vợ hết lòng lo sự nghiệp cho chồng. Rồi một âm thanh gợi nhớ nhạc phẩm Mơ Hoa của Hoàng Giác:

"Cô hái hoa tươi,

hãy dừng bước chân, trên đường thầm xa, tôi nhắn cô em đôi lời.

Lòng không lưu luyến, sao đành cô lãng quên, quên người gặp gỡ, trong một chiều mơ ..."

Tuổi hoa niên mà gặp được người tình “trong một chiều mơ” quả là lãng mạn. Hình ảnh đẹp ngày xưa ấy nay chắc hiếm.


241h4.jpg


Hàng rong Ô Quan Chưởng


Giữa phố phường Hà Nội, âm hưởng bài hát đưa tôi trở về với dư âm ngày cu. Tôi bồi hồi nhìn lại tuổi học trò của mình, mà thấy tiếc thương những mất mát thiếu thốn liên miên ... Cho đến ngày có điều kiện để nhận ra vẻ đẹp của quê hương xứ sở, thì thời gian đã mất đi quá nhiều, mất cách vô vị, và mình thì đã quá tuổi mộng mơ. Tôi mang tâm trạng của người ăn trả bữa sau cơn bệnh. Tôi say sưa ghi nhận, say sưa ngắm nhìn, và muốn ôm tất cả vào lòng. Tôi thương những con phố vắng thơ thẩn một cụ già, hay một gánh hàng rong đi qua, một gốc đa cổ buông tóc xuống vỉa hè hẳn đã chứng kiến bao nhiêu thăng trầm của thế sự.

“Lòng không lưu luyến, sao đành cô lãng quên, quên người gặp gỡ, trong một chiều mơ ...".

Bỗng dưng tôi được sống trong giây phút cái cảm xúc của nhạc sĩ Hoàng Giác, ngay trên quê hương. Tôi thấy bài nhạc quá hay và thấm thía hơn bao giờ, hay hơn khi nghe một ca sĩ thượng thặng hát trên sân khấu với trăm thứ ánh đèn màu ở Cali. Tôi nghĩ, có lẽ do thực tế gợi lại những hình ảnh đã một thời cùng âm hưởng của bài nhạc ăn sâu vào tâm khảm mình. Giữa thành phố Hoa Lệ Ước mà nghe nhạc bản Làng Tôi thì thật vô duyên lạc điệu. Mới đó mà đã mấy mươi năm. Thuở mộng mơ bay qua cái vèo. " Hãy dừng bước chân..." thời gian dù không vô tình cũng không sao dừng bước.

Nắng đã lên, sinh hoạt khu phố Hàng Dầu bắt đầu rộn rịp. Xe đạp, xe gắn máy chạy vù vù. Dân "cửu vạn" đi từng tốp, mỗi người sau xe đạp có cặp theo gióng gánh thúng rổ, áo quần lem luốc. Đàn bà thì nón, đàn ông thì mũ, đủ các loại, họ kéo nhau ra tụ họp ở một nơi nào đó, để chờ người mướn, giống như mấy anh Mễ đợi tìm việc ở khu chợ Vanco, Home Depot.vv... Cũng thì tìm việc, nhưng hai hình ảnh thật khác xa nhau. Một bên nét lam lũ khắc khổ thấy rõ, một bên như rỗi việc ngồi chơi. Tôi không hiểu đến mùa mưa dầm gió bấc, họ xoay sở ra sao.

Hàng hoa dạo chỉ bán buổi sáng, nửa buổi là các loại hàng rong khác. Rau đậu, gạo, trái cây... cứ từng gánh đi từ phố này qua phố khác. Hình ảnh tôi thích nhìn, nhìn trong sự hồi hộp, đó là gánh hàng rong băng qua đường. Ở Hà Nội bộ hành qua đường chỗ nào cũng được, không phải đến ngã tư có vẽ lằn trắng. Mặc xe chạy người cứ thong thả đi. Những chiếc xích lô Hà Nội thùng xe rộng và thấp, không cao như xe Sài Gòn. Nhưng tiếng chuông thì rất lạ, nó leng keng như tiếng chuông tàu điện. Phố ngắn đường hẹp, sinh hoạt linh tinh, âm thanh hỗn tạp, tất cả tạo ra sự tấp nập ồn ào rất "tiểu thương" của một khu phố lao động nghèo nàn.

Đã đến giờ hẹn đi ăn điểm tâm. Tôi trở lại quán, anh Đặng Ngọc Thái đến cùng với một anh nữa, người nào cũng mang một túi máy ảnh. Vừa dừng xe anh Thái đã quay sang giới thiệu:

- Đây là anh Nhung ở Mỹ mới về, đây là anh Minh cũng là dân nhiếp ảnh.

Sau màn chào hỏi tôi mời tất cả vào quán. Miến lươn có vẻ lạ, tôi gọi thử. Các anh, mỗi người một món. Hàng quán có vẻ bình dân không được tươm tất như những quán phở trong Nam. Chật hẹp đã đành, lại còn luộm thuộm, không được sạch sẽ. Đũa tre lớn gần bằng ngón tay út, vót cách sơ sài (rẻ tiền). Giấy lau bé tí và bằng đủ các loại giấy, không như napkin. Trong quán không có bảng giá. Sau 75, có lần phái đoàn nhiếp ảnh Hà Nội vào Nha Trang săn ảnh, lúc ngồi uống cafe bên Tháp Bà, một nhiếp ảnh gia Hà Nội, anh Chu Chí Thành, đã ngạc nhiên khi thấy mỗi tách cafe có một muỗng riêng. Anh nói:

- Ở Hà Nội, ngồi chung bàn chỉ có một cái thìa. Thìa còn bị đâm thủng ba lỗ.

Tôi không hiểu, hỏi:

- Sao vậy anh?

- Phải làm thế chứ không thì mất hết thìa.

Mọi người chưa hết ngạc nhiên, anh tiếp:

- Các anh biết, những tấm tôn kẻ bảng hiệu cũng vậy, cứ phải đâm thủng mới không bị gỡ.


241h5.jpg


Hàng rong phố Kim Liên


Bây giờ không đến nỗi, nhưng so với miền trong vẫn còn kém xa. Có một đặc điểm về sinh hoạt buôn bán của người Việt là hàng hóa lộn xộn (tạp hóa) và dọn lấn ra lề đường. Có lẽ một phần do người mua. Khách ngang qua, cứ ngồi yên trên xe mặc cả mua bán, thế nên hàng hóa phải lê dần ra. Đôi lúc nhờ thế mà phố xá có vẻ tấp nập hơn. Tôi không rõ ba mươi sáu phố phường ngày xưa ra sao, ngày nay không còn "chuyên ngành" như tên gọi. Phố hàng Hàng Dầu nhưng kinh doanh đủ thứ. May mặc, tạp hóa, ăn uống ..vv…mà chẳng thấy dầu đâu cả.

Món miến lươn tưởng có hương vị đặc biệt, hóa ra chẳng có gì ngon. Lươn xào khô róm như những cọng kim châm (nấu bún tàu), để sẵn, khi ăn rắc lên tô miến, không còn mùi vị của lươn nữa. Trong lúc uống nước anh Thái phác họa chương trình:

- Sáng nay mình đi Chùa Thầy. Ở đấy làm việc chừng hai tiếng đồng hồ.

- Có xa không anh ?

- Khoảng 20 km.

- Vùng nào anh?

- Hà Tây.

Điểm tâm xong quay ra, gặp một gánh hàng rong đi tới, chị bán hàng dừng lại mời:

- Bác mua hộ em nải chuối.

- Bao nhiêu một nải ?

- Dạ ba ngàn.

- Chị cho tôi hai nải.

Đúng là mua giúp chứ chẳng ai buồn ăn, vả lại mang xách lôi thôi. Gánh chuối của chị khoảng mươi nải, bán hết được ba chục nghìn. Tính nhẩm, nhiều lắm chừng hai chục. Khoảng hơn một đô la. Chuối bên mình trái ốm, không mập như chuối ở Mỹ, màu vàng sẫm và lấm tấm vỏ trứng chim, thơm và ngọt đậm đà. Một giống chuối ngày còn nhỏ tôi thường nghe là chuối Tiêu hay chuối Ngự, có huơng vị đặc biệt, bây giờ dường như tuyệt giống.


241h6.jpg


Hoa trên phố Hà Nội


Chúng tôi lên đường, tôi ngồi chung xe Honda với anh Minh. Dọc đường anh kể chuyện xứ mình xứ người, anh nói:

- Tôi có con gái ở Úc. Tôi đã đi du lịch sang đấy.

- Anh thấy thế nào

- Thì tất nhiên là mọi thứ đầy đủ hơn quê nhà, nhưng vẫn có cái gì đó không ổn. Nhất là đối với lớp người lớn tuổi như bọn mình.

- Tôi hiểu. Lắm khi mình thấy thiếu thốn và lạc điệu.

- Đúng thế. Thứ gì cũng có nhưng toàn đóng hộp và ướp lạnh. Ở đây muốn ăn gà chạy ra chợ lựa ngay một con vừa mập vừa tơ. Thịt gà ra thịt gà. Thịt heo ra thịt heo... Ở bên ấy, tôi ăn thịt mà như có cái mùi gì lạ lắm cơ.

- Có thể nói hầu hết các nước phương Tây đời sống đều tổ chức như thế cả. Về văn hóa có đôi nét khác nhau. Chẳng hạn Paris và Los Angeles đều là đô thị lớn, nhưng Paris có vóc dáng trí thức, cổ kính, còn Los Angeles thì máy móc và hỗn tạp.

- Bởi thế tôi đi một vòng cho biết chứ vẫn mê cái xứ sở của mình.

- Điều đó người Việt nào cũng cảm thấy như thế. Tuy vậy thực tế lại khó cho từng người, không phải ai cũng mong muốn mà được.

Quả thật “...quê tôi nghèo lắm ai ơi ...", nhưng mỗi hình ảnh của quê hương đã gợi cho tôi biết bao kỷ niệm, nhìn cái gì lòng tôi cũng như muốn rưng rưng… Tôi lại nhớ một câu trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư: “Không nơi nào đẹp bằng quê hương cả".


Trần Công Nhung

08-2001

*******************

source

Vien Dong Daily

Thứ Hai, 23 tháng 11, 2009

Đình Nại Nam và Thần Đèn


Cập nhật lúc 12:05:53 AM - 14/03/2008

Bài và ảnh Trần Công Nhung

0112-dnn1.jpgBuổi chiều anh bạn (1) đưa tôi về phía Nam thành phố để xem một vài công trình mở rộng đô thị, sau đó qua cầu Tiên Sơn đi xem khu Furama Resort qui mô không kém Resort Bảo Ninh (Đồng Hới), Victoria (Hội An), Mũi Né (Phan Thiết). Ở đây có Công Viên Nước (Water Park) rộng mênh mông nhưng rất vắng. Công viên nước hầu như tỉnh nào cũng có, khu vui chơi của trẻ em. Nhưng thực tế trẻ Việt Nam thiếu dinh dưỡng, thiếu tiền sách vở nên số được vui chơi chẳng bao nhiêu. Công viên dành cho con cháu các đại gia, các quan chức, dân dã thì họa hoằn lắm, năm một hai lần. Trong khu giải trí có đình Nại Nam, ngôi đình nặng hai trăm tấn, được cả nước biết đến do Thần Đèn Nguyễn Cẩm Lũy nâng cao nền lên hai mét. Tôi phải mua vé 5000 đồng để vào thăm Đình.


Đình nằm nép bên hông phải của công viên ở vị trí rất khiêm nhường. Nghe nói khi Công Viên Nước hoàn thành thì đình Nại Nam nằm dưới trũng sâu. Như vậy Đình sẽ hứng những thừa thải của công viên và sẽ bị ngập mỗi khi trời mưa. Sau khi được nâng nền, Đình nằm trên cùng mặt phẳng với mọi công trình khác chung quanh. Tiếng là Đình nhưng vóc dáng bé nhỏ và giản dị, chỉ lớn hơn miễu làng một tí, trái hẳn với những ngôi Đình miền Bắc. Sân Đình khá rộng có thể làm nơi mít tinh cho hàng trăm người. Từ cổng vào có bức bình phong dạng thư cuốn, ngoài đắp hình Hổ, trong đắp hình Lân, màu vôi còn mới, hai màu vàng đỏ nổi bật.

Đình Nại Nam có từ lâu nhưng do di dời tu sửa nên không có vẻ gì một di tích cổ. Không người trông nom. Bên trong thờ tự đơn giản, 4 bàn thờ, mỗi bàn có một bộ tam sự. Ngôi đình thờ 12 tộc họ người Hoa đầu tiên đến Đà Nẵng và thành lập làng Nại Nam. Bên cạnh Đình có nhà bia khắc tên mười hai họ sáng lập làng Nại Hiên Nam.

Tôi đi quanh một vòng, không phát hiện dấu vết gì việc di dời và nâng nền, tôi hỏi một người làm trong Công viên:

-Người ta cho hay Đình Nại Nam được nâng cao hai mét đúng không anh?

-Đúng thế, báo có loan tin.

-Theo anh nguyên trạng của Đình có bị ảnh hưởng gì trong khi nâng nền?

-Không bị sây sứt gì cả, hai cây cổ thụ đàng trước dời ra sau cũng y nguyên như chú thấy đó

Hiện tượng “Thần Đèn Nguyễn Cẩm Lũy” nhiều năm trước đây làm xôn xao dư luận trong nước. Với trình độ học vấn bậc tiểu học mà sáng tạo được phương cách di dời những công trình kiến trúc nặng hàng trăm tấn, những cổ thụ lâu đời từ nơi này qua nơi khác cả trăm mét mà vẫn giữ được an toàn. Một nhân vật có thể ví như Thạch Sanh trong cổ tích.

Cho đến năm 2002, Thần Đèn Nguyễn Cẩm Lũy đã thực hiện 150 công trình di dời. Đình Nại Nam nặng 200 tấn là một công trình ông phải suy tính nhiều ngày. Lối suy tính rút từ kinh nghiệm thực tiễn, do đó những sơ đồ ông phác thảo khó có ai hiểu, ngoại trừ người con phụ tá ông. Có người hỏi ông bí quyết, ông cho hay: "Phải mất vài tháng mới hoàn thành, công việc kéo dài nhiều ngày chứ không phải ngày một ngày hai".

Đình Nại Nam chân không móng, kết cấu mái bằng kèo gỗ theo lối chồng rường giả thủ, ngói âm dương. Nâng nó lên, làm sao khỏi chấn động, không nứt, gãy? Ông Nguyễn Cẩm Lũy cho biết đã làm hàng trăm công trình. Ông kể: "Ở quê tôi, bà con nông dân chở trứng gà trứng vịt lên Sài Gòn bán, ít khi nào trứng bị vỡ. Đó là do người ta lót bọc rơm giữa các trứng với nhau, bây giờ thì họ dùng sọt nhựa nên không có sự va chạm hoặc chấn động. Từ chuyện chở trứng tôi đã tìm ra cách tránh chấn động khi dời nhà". Nói thế nhưng theo tinh thần khoa học khó thuyết phục.

Đình Nại Nam ở Đà Nẵng, theo ông Lũy rất quan trọng, vì đây là di tích lịch sử cấp quốc gia. Hãng truyền hình NHK (Nhật Bản) và Hãng thông tấn AP đã đặt vấn đề ghi hình toàn bộ quá trình di dời, song Thần Đèn đã không chấp thuận (?).

Sau đình Nại Nam Thần Đèn muốn chỉnh sửa Chùa Cầu (Hội An). Chùa đã hơn bốn trăm tuổi có nguy cơ sụp móng. Trong thời gian thi công đình Nại Nam, ông Nguyễn Cẩm Lũy đã đến Hội An để tiến hành khảo sát hiện trạng chùa Cầu.

0112-dnn2.jpgQua xem xét, ông Nguyễn Cẩm Lũy khẳng định: "Tôi có thể sửa được chùa Cầu mà không cần phải đụng chạm gì đến phần thượng gia như phương án trùng tu phía Nhật Bản đưa ra trong hội thảo quốc tế về chùa Cầu năm 1998. Phương án thứ nhất là ép cọc bê tông chịu lực dưới móng chùa Cầu, sau đó trải vỉ móng bè cho dầm thép chạy ngang bên dưới móng để giữ cho chùa Cầu không bị lún nữa. Phương án này có nhược điểm là chỉ chống lún chứ không giữ được độ bền của toàn bộ công trình trong điều kiện thiên tai lũ lụt. Phương án thứ hai là làm lại cả trụ mới và móng mới, sau đó dùng đá ốp của trụ cũ để ốp vào móng mới trả lại nguyên trạng. Phương án này bền vững hơn nhưng bắt buộc phải làm trụ mới cho công trình.” Trong quá trình thi công, ông Lũy sẽ xem xét và chỉnh sửa lại độ nghiêng của chùa Cầu cho phù hợp.

Chùa Cầu là di sản văn hóa thế giới. Trong những năm gần đây, công trình độc đáo này đã bị lún phần móng và nghiêng nhẹ. Nguy cơ di tích này có thể bị hư hại hoặc sập đổ trong mùa nước lũ. Nhà cầm quyền địa phương đã bốn lần tổ chức hội thảo quốc tế về trùng tu phần móng chùa Cầu.

Trong các cuộc hội thảo này phía đối tác nước ngoài đưa ra phương án tháo dỡ toàn bộ phần mái (thượng gia) để tiến hành trùng tu phần trụ, móng (hạ kiều). Phương án này đã không được chính quyền thị xã nhất trí vì sẽ phá vỡ nguyên trạng của di tích quan trọng này. Một quan chức có trách nhiệm ở thị xã Hội An cho biết, nếu ông Nguyễn Cẩm Lũy làm được thì rất tốt. Nhưng trước mắt, ông Lũy phải lập phương án thi công cụ thể, rồi đến các bước cân nhắc tiếp theo.

Mới đây Thần Đèn Nguyễn Cẩm Lũy lại dời nguyên cổng chùa Vĩnh Nghiêm (quận Phú Nhuận Sài Gòn) nặng cả 100 tấn trên đường Nguyễn Văn Trỗi (Công Lý) vào sâu 4 mét để nới rộng lộ giới.

Ông Nguyễn Cẩm Lũy năm nay đã 60 tuổi, sinh năm Mậu Tý, trong một gia đình nông dân ở xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Ông chỉ học hết lớp 4 rồi nghỉ. Năm 21 tuổi, ông đã là một thợ xây dựng lành nghề. Ông Lũy cho hay: "Tôi cũng có bí quyết, nhưng bí quyết đó cũng phải xuất phát từ thực tế. Tôi là một anh nhà nông, làm việc gì cũng làm đến nơi đến chốn, làm miệt mài say sưa nên mới thành công như ngày hôm nay. Công việc của tôi tính toán kỹ lắm, không thể làm liều làm ẩu được. Mỗi công trình tôi đều có cách làm riêng nên buộc phải suy nghĩ cách làm liên tục".

Nay công ty của Thần đèn đã được thành lập, máy móc đã đóng vai trò quan trọng hơn. Khi di dời các công trình ông Lũy tính toán có khoa học, riêng bản vẽ thì chỉ có... mình ông và anh "thần đèn con" Nguyễn Trung hiểu mà thôi! Người khác nhìn vào như nhìn bụi tre gai!

Công việc của ông Lũy đối với các nước tiên tiến không có gì lạ, nhưng ở Việt Nam, một anh nông dân có sáng kiến như vậy trong khi hàng trăm công ty xây dựng khác không làm được là điều khó tin. Ước mong của "thần đèn" Nguyễn Cẩm Lũy hiện nay là cứu những di tích xuống cấp và viết hẳn một cuốn sách về kinh nghiệm di dời để cho những người trong nghề xây cất tham khảo. Một ý tưởng trong sáng như vậy tưởng nên mở rộng vòng tay chào đón và hoan nghênh.

Trần Công Nhung

(1) Đà Nẵng (QHQOK 8)

**********************************

source

Vien Dong Daily

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2009

Cây nhà, cá ao.


Cập nhật lúc 11:42:32 AM - 21/08/2007

caynha-1.jpgBài và ảnh Trần Công Nhung
(Bưởi Răm Roi)
Sau một ngày sông nước, về lại nhà thầy giáo Ngô Thành Long (1), chiều nay nhà ông thầy đãi cơm, anh em không phải đi nhà hàng. Thực ra, nói nhà hàng nghe xôm chứ ăn dù có ngon cũng không yên tâm, vì lúc nào đầu óc cũng bị ám ảnh chữ “ngộ độc”. Người trong nước cho là: “Chuyện bình thường, chả có vấn đề”. Mà, nếu “có vấn đề” thì cũng chẳng làm gì ai, huề cả làng.


Nhà bếp râm ran lo cơm nước. Rau trong vườn nhà, cá dưới ao, không gì phải lo ngại. Thường thôn quê bắt cá ao bằng lối kéo lưới hay cho cá ăn rồi dùng vợt. Ở đây, nhà bếp đã đỏ lửa, anh Xẻn mới vác cần câu ra ao. Tôi nghĩ bụng, ông này câu cá kiểu cụ Nguyễn Khuyến để quên sự đời:

“Tựa gối ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo”.

Câu thế thì bao giờ mới có cơm. Buồn cười là anh Xẻn lấy một que củi, buộc lưỡi câu vào, móc một miếng xơ mít rồi thả xuống ao, cứ như trẻ con chơi. Không ngờ chưa đầy phút, anh đã kéo lên con cá tra to tướng. Anh lại lấy mấy cọng rau muống móc vào câu tiếp. Lạ thật, câu cá bằng mồi xơ mít rồi lại rau muống, tôi hỏi anh:

- Lối câu cá của anh chẳng giống ai, cần câu, mồi câu trông buồn cười quá.
- Buồn cười mà anh thấy tui câu cá ăn ngay, nhưng con này thì phải lâu.
- Sao anh biết con này lâu?
- Vì nó thấy con kia bị bắt nên nhát, tôi thay mồi xơ mít bằng mồi rau muống để đánh lừa nó.
- Mồi câu gì lạ vậy?
- Bị cá nuôi bằng mít Tố Nữ và rau muống.

Thấy tôi không tin anh nói tiếp:

- Hằng ngày Thầy tui đạp xe ra chợ Bình Minh gom mua những rau cải bán ế về cho cá, trong vườn có nhiều mít Tố Nữ, ăn không hết cũng liệng cho cá. Vì vậy cá quen thứ mồi này, dễ câu lắm.
- Nhưng, bữa nay 2 con cá Tra, hổng có Tai Tượng.
- Thì cá nào cũng nấu giống nhau chứ gì.
- Không đâu, Tai Tượng thì chiên phùng, cá Tra thì canh chua, kho lạt hoặc thái mỏng nhúng giấm..
- Chiên phùng là sao?
- Là chiên xong vảy cá phùng ra rất đẹp. Canh chua muốn ngon phải đủ các thứ rau, bạc hà, khóm (thơm, dứa), ngò gai, cà chua, mò om, me...Món ca Tra nhúng giấm cuốn bánh tráng với các loại rau, chấm nước mắm me cũng tuyệt.

Nghe mà bụng đói cồn cào. Anh có vẻ rành bài bản lắm, thực tế nấu nướng không biết ra sao. Nếu “Tri hành hợp nhất” thì vợ được nhờ lắm. Anh lại kéo lên con thứ hai. Hai con cá, một thau nặng mấy ki lô, đủ cho cả nhà.
Trong khi nghỉ ngơi chờ cơm chiều, người nhà bê lên một đĩa bưởi lột sẵn, ông Thầy mời chúng tôi: “Các anh chị ăn thử bưởi Năm Roi của vườn nhà”. Nhìn những múi bưởi mộng nước rất hấp dẫn. Một món giải khát thật tuyệt, không ai từ chối cả. Riêng tôi thử một tép thì thấy ngon không thua gì bưởi Đoan Hùng (QHQOK 1). Điều tôi thắc mắc là tên bưởi. Thường thì hoa quả sản xuất nơi nào, mang tên địa phương nơi ấy. Bưởi Biên Hòa, Bưởi Bố Trạch, Bưởi Đoan Hùng, Cam Bố Hạ, quít Thanh Cần..vv. Bưởi Năm Roi, có địa danh nào là Năm Roi? Hay tên ông Năm Roi chăng? “Tranh thủ tham gia” với các bạn xong đĩa bưởi, tôi quay sang hỏi thầy Long:

- Thưa Thầy, sao lại gọi bưởi Năm Roi.

Ông Thầy vui vẻ à một tiếng rồi kể sự tích của giống bưởi đang nổi tiếng hiện nay.

caynha-2.jpg - Mấy chục năm trước miệt này có ông hội đồng Qui là anh em cô cậu với ông già tui. Một bữa đi chơi trong vùng, ông Hội Đồng được người ta biếu cặp bưởi, về ăn cũng thường, không có gì đặc biệt. Ăn xong vứt hạt ngoài gò trầu. Ít lâu sau, thấy có cây bưởi mọc, ông đem trồng ra một nơi đàng hoàng, gọi là trồng chơi. Cây lớn có quả, quả chín ăn thử thấy ngon ngọt hơn các thứ bưởi xưa nay. Ông gọi gia nhân (ông Hội Đồng ngày trước nhà có nhiều người làm) ra dặn: “Bưởi này để đãi khách, đứa nào ăn tao đánh năm roi”. Dân chúng quanh vùng nghe tiếng ông Hội Đồng có cây bưởi quí, hỏi giống bưởi gì, người nào cũng trả lời “Bưởi năm roi”. Ngày tháng qua, tên nói đùa “năm roi” thành tên bưởi Năm Roi. Bây giờ ở đâu cũng đồn tiếng bưởi Năm Roi ngon mà không mấy ai thắc mắc nguồn gốc tên tuổi giống bưởi này.

( Bưởi ngoài chợ)

Có tiếng ai đó: “Sau này nếu có giống bưởi ngon hơn chưa chừng là bưởi “Mười Roi”. Tiếp chuyện bưởi Năm Roi, thầy Long kể cho chúng tôi những câu chuyện buồn vui trong nghề dạy học của thầy mấy thập niên trước. Đặc biệt là tình thầy trò, đúng như sách dạy: “Quân Sư Phụ”. Thầy nói:

- Ngày xưa đời sống của thầy giáo đơn sơ đạm bạc, thầy giáo ít ai la cà quán xá như bây giờ. Mỗi buổi sáng tôi sai một đứa học trò chạy mua tô cháo lòng và bún. Một tô trộn hai thứ, no cho tới trưa.

Cháo lòng ăn chung với bún là món đặc biệt của thầy Long, nay thầy vẫn giữ thói quen đó. Tôi chưa hề thấy ai ăn như vậy bao giờ.

Bữa cơm kết thúc một ngày sông nước (1), và cũng kết thúc chuyến về miền Tây lần này. Một chuyến đi nhiều hương vị, nhiều hình ảnh, từ La Cà quán xá đến Bè Cá Vườn Cò (2)ợ, đất nước miền Tây cũng rất đa dạng rất màu sắc, nếu có thì giờ đi sâu vào các vùng sông lạch thì không thiếu gì hình ảnh để ghi, những điều để chép.
Quê Hương nơi nào cũng đẹp và đầy tình cảm đậm đà, rất nên gìn giữ tô bồi, có vậy mới xây dựng được nền văn hóa cá biệt của xứ sở đã có từ bốn nghìn năm. Tiếc thay, điều ước mơ ấy còn xa vời quá. Bao nhiêu biến cố đổi thay, khiến đời sống con người lâm vào tình cảnh cay nghiệt, để rồi chỉ nghĩ đến miếng ăn, quên đi nghĩa vụ phải làm cho sơn hà xã tắc ngày càng rạng rỡ tươi thắm thêm.

Trần Công Nhung (August - 2006)

(1) Một ngày sông nước đã đăng
(2) Đề bài đã đăng

Thư Độc Giả

Vui một thoáng

Một thân hữu tâm đắc đọc Thăng Trầm rồi viết cho tôi như sau:
“Thấy tựa đề cuốn sách, tôi đã rùng mình. Không biết có phải “Kinh cung chi điểu” chăng. Thăng trầm là lên xuống, nhưng thăng trầm của một đời người đâu phải thăng trầm của thi ca, của âm nhạc! Nó như một đóa hoa nở bung, một bầu trời rực sáng hoa đăng và rồi sụp tối đầy bi thiết sầu thảm. Tôi chưa đọc hết tập sách, chỉ mới một hai truyện, quả thật tác giả đã sống trong thăng trầm. Cái làm cho tôi lý thú là bị thăng trầm lôi cuốn một mạch, và khiến tôi không còn sợ “Thăng Trầm” như lúc đầu. Nhưng nếu hỏi tôi: “Muốn thăng trầm không? Xin thưa: Chả dám”.

Cảm ơn quí thân hữu đã chia sẻ với người viết về những ghi nhận trong Thăng Trầm. Vâng, “Thăng Trầm” không là cung bậc của bản nhạc mà là cung bậc của cuộc sống. Có ai muốn nghe bản nhạc chỉ có một cung, một âm? Cuộc sống mà không cung bậc thì quả thật buồn hơn cả mùa Đông. Trong văn chương sử sách, không thiếu gì những cuộc đời sống gió và cũng đã có người bảo rằng:

Ví thử đường đời bằng phẳng cả
Anh hùng hào kiệt có hơn ai.

Với một người bình thường như tôi, quanh quẩn cũng chỉ cơm áo qua ngày, tình cảm bâng quơ, thì Thăng Trầm là một số hoài niệm tiếc thương ray rứt riêng tư, nay có người đồng cảm, thật quí hóa vô cùng. Vị độc giả còn tiết lộ thêm: “Chữ ký của anh như sóng biển mùa Surfing, cũng còn thăng trầm đấy”.

Vâng, có thể thế thật.
“Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao”

(Kiều)

Vậy thôi, tôi biết làm sao bây giờ.

************

source

Vien Dong Daily

Làng cổ Đường Lâm


Làng cổ Đường Lâm (phần 1)
Cập nhật lúc 7:30:55 PM - 29/06/2007

duonglam-1.jpgBài và ảnh Trần Công Nhung

Cổng vào Đường Lâm
Trong một bữa cơm khách, chủ nhà hỏi tôi: Bác đã về làng cổ Đường Lâm chưa, vừa rồi em thấy TV giới thiệu, đẹp lắm. Nghe qua tên làng tôi cứ ngỡ một nơi nào đó bên Tàu, na ná như Tô Châu, Hàn Giang, Quế Lâm. Thấy tôi ậm ự anh vừa nhâm nhi vừa nói: “Em mới được họa sĩ Phan Kế An, thủ lĩnh làng văn nghệ Hà Tây tặng tập Đặc San Xứ Đoài, nhiều bài hay lắm.


Bác đã viết về Hà Tây mà chưa qua làng cổ Đường Lâm là còn thiếu đấy”. Điều chủ nhà nói chí phải, đã mang tiếng lên Đông xuống Đoài, dọc ngang thiên hạ mà ú ớ Đường Lâm thì khó coi lắm. Kỳ thực, Hà Tây có xa gì, tôi đã mấy lần về chùa Thầy, chùa Tây Phương mà sao không nghe danh làng cổ này. Tôi hỏi mượn tập đặc san để tìm hiểu thêm trước khi đi.

Hôm sau nhờ người bạn ở Hà Nội có xe máy chở đi Đường Lâm. Chính người bạn nhỏ này tuy sinh trưởng ở đất Tràng An (Hà Nội) mà cũng không rõ Đường Lâm đi lối nào. Hỏi mãi mới có người chỉ cho: Theo đường Láng - Hòa Lạc, rẽ vào thị trấn Thạch Thất rồi hỏi đường lên thị xã Sơn Tây(1).

Lộ trình phác họa nghe đơn giản nhưng đường đi thì khá quanh co. Đoạn đường 6km vào Sơn Tây, toàn đất đỏ sình lầy rất dễ ngã xe. Tôi không hiểu sao thị xã của một tỉnh lớn như Hà Tây mà đường sá lại thảm hại vậy. Đi đường đã vất vả, vào trung tâm thị xã thấy sao mà đìu hiu, không người qua lại, chẳng mấy quán hàng, tôi có cảm tưởng dân cư địa phương rất ít, hoặc bỏ đi làm ăn nơi khác. Tìm mãi mới có quán cà phê trong ngõ hẻm: Cafe Chín. Buổi sáng mà cà phê như chợ chiều, vài ba khách le ngoe, không có nhạc, chỉ có con Cưởng đang tập nói, chốc chốc nó hít lên nghe ê cả tai. Nhưng cũng là nơi dừng chân phủi bớt bụi đường.

Qua khỏi thị xã 4km có một cổng chào màu mè (chẳng cổ tí nào) dựng ngay bên quốc lộ: “Làng Cổ Đường Lâm được xếp hạng di tích quốc gia”. nghe 3 chữ “được xếp hạng” tôi thấy chương chướng trong người. (2)

duonglam-2.jpg(Chợ Mía)

Xe rẽ vào chỉ mấy phút đã thấy chợ họp dài dài hai bên đường, chợ Mía. Ngoài con đường cái lớn, các lối vào xóm chỉ vừa cho xe máy chạy. Tôi không thấy chỉ dẫn đâu là Đường Lâm. Trong khi loanh quanh vào một ngõ thì gặp một nhân sĩ, ông cho biết thêm nhiều chi tiết cụ thể về làng cổ này. Nói là làng Đường Lâm, thực ra đây là một quần thể gồm 4 làng: Mông Phụ, Đông Sàng, Đoài Giáp và Cam Thịnh.

- Thưa bác, ngay đây là làng nào?

- Đây là Mông Phụ, có ngôi nhà cổ của Thám Hoa Giang Văn Minh. Ra ngoài đường cái có chợ Mía, chùa Mía, đấy là Đông Sàng. Cứ đường cái đi thẳng lên là Đoài Giáp, trên Đoài Giáp là Cam Lâm quê của hai Vua: Phùng Hưng và Ngô Quyền. Ngày 3 tháng 9 âm lịch năm nay, Hà Nam Ninh sẽ khởi công đúc tượng vua Phùng Hưng.(3)

- Hay quá, may gặp bác, chúng tôi chẳng có tài liệu gì, chỉ nghe tiếng mà đi thôi. Cảm ơn bác.

Tôi định quay đi thì ông khách lại cho biết thêm:

- Địa phương này có tiếng lắm. Hàng năm các ông lớn thường về chùa Mía lễ bái. Lại còn có một cô sinh viên Nhật Bản đến ở đây một năm để nghiên cứu xã hội học. Cô này bảo, người Hải Dương, Thái Bình rất căm thù Nhật, còn dân vùng này thì không.

- Xin hỏi thêm: Có phải hầu hết nhà đều xây bằng đá tổ ong?

- Vâng, vì đây là ngọn đồi đá tổ ong.

Có lẽ thời xa xưa là đồi thật, bây giờ, có để ý thì mới thấy, từ ngoài lộ vào có hơi dốc tí thôi, chứ không đồi gò rõ rệt như trên miền trung du, thượng du.

duonglam-3.jpg(Lối đi trong làng Đông Sàng)

Giã từ ông khách, tôi chạy vào các đường làng quanh khu vực chợ Mía. Tiếng là chợ nhưng chỉ là quán sạp dựng tạm bày bán hai bên đường, trông rời rạc luộm thuộm kiểu thôn quê. Nhà cửa đa phần đã xây cất chắp vá không còn nét cổ xưa. Tường đá tổ ong đã được tô xi măng, quét vôi màu, loang lổ vài ba mảng cho thấy đá. Làng cổ ở đây không có nét tập trung tiêu biểu như phố cổ Hội An, nó rời rạc và đã sửa sang hầu hết. Có thể nói nét cổ chung chung cũng như làng Cổ Loa, làng Chuông. Nét cổ nổi bật ở đây là chùa Mía, tên chùa mang tính dân dã có lẽ tên tục do dân quen gọi cũng như chùa Đậu vậy.

Đối diện cổng chùa có vài ba hàng nước, chúng tôi ghé nghỉ chân để hỏi thêm đôi điều. Chị bán quán đon đả mời, nước chè, bánh tẻ, chuối một bà cụ áo nâu sồng khăn mỏ quạ cũng mau mắn gợi chuyện với chúng tôi. Dáng cụ trên 80 nhưng tiếng nói còn oang oang. Tôi hỏi:

- Thưa cụ, sao lại gọi chùa Mía, chắc ngày trước đây là ruộng mía?

- Hai cháu ngồi uống nước rồi Bầm kể cho nghe. Chùa này linh có tiếng đấy cháu ạ.

Thấy bà cụ ăn nói còn tỉnh táo lắm, chúng tôi gọi nước chè và cái bánh tẻ lót dạ. Nước chè đã ngon, bánh tẻ (4) cũng ngon. Lần đầu ăn thứ bánh này tôi thấy hương vị gần với bánh lá của Huế, nhưng bánh lá gói đầy bằng nắm tay, bánh tẻ nhỏ như ngón chân cái và dài chừng một gang. Mỗi chiếc 1000 đồng, 2 bánh tẻ một cốc nước là yên bụng lo công việc. Tôi quay lại để nghe tiếp câu chuyện bà cụ.

- Lúc nãy cháu bảo nơi này trồng mía, không phải, đây là ngọn đồi đá tổ ong, nhà cửa quanh đây xây bằng đá ấy cả. Chùa này có từ lâu đời, nhưng theo sách sử Bầm biết thì vào thời Vua Lê Thần Tông, có cung phi Ngọc Dong còn gọi Ngô Thị Ngọc Diệu (5), vợ chúa Trịnh Tráng (1623 - 1657) vốn là người làng Nam Nguyễn tổng Mía Nhân, kêu gọi dân trong vùng Đông Sàng, Mông Phụ, Cam Thịnh, Cam Toàn, thuộc tổng Cam Giá (tổng Mía), góp công sức tiền của sửa sang tôn tạo. Dân chúng Tổng Mía đúc tượng bà đưa vào thờ trong chùa, và gọi bà là Bà Chúa Mía. Từ đó có tên chùa Mía, tuy chùa được tu bổ nhiều lần nhưng vẫn giữ nguyên qui mô cũ.

(còn tiếp)

Trần Công Nhung (November - 2006)

(1) Trước (..) nơi này có trại tù binh (...), một đội đặc nhiệm được đưa đến giải cứu nhưng khi nhảy xuống thì tù đã được chuyển đi nơi khác rồi. Người ta bảo nhờ điệp viên (...) tiết lộ tin.
(2) Qua nhiều nơi, tôi thấy nhiều di tích được xếp hạng nhưng lại chẳng coi ra gì: Thành Nhà Mạc (thị xã Thái Nguyên), cổng Thắng Quan (thành Đào Duy Từ) Đồng Hới.
(3) Phùng Hưng 9761-802), dòng dõi Quan Lang, có sức mạnh phi thường, một mình đẩy lui 2 trâu đang chọi nhau. thương và lo cho dân hết lòng nên được xem như bậc cha mẹ : Bố Cái Đại Vương.
(4) Bánh tẻ: gạo ngâm 1 ngày thay 4 lần nước. Xay bột lại ngâm và thay ngày 4 lần, nhân bánh: mộc nhĩ, thịt nạc
(5) Sách Chùa Chiền Lăng Tẩm của nhà Văn Hóa Thông Tin ghi Nguyễn thị Rong (trang 446)

Làng Cổ Đường Lâm (phần 2)

Cập nhật lúc 12:18:06 AM - 11/08/2007

LangCoduonglam-1-.jpgBài và ảnh Trần Công Nhung

(Cổng chùa Mía)
Lối gọi tên của người mình thật giản dị, chẳng có gì xa xôi. Nhưng cứ theo lời vị nhân sĩ và bà cụ thì chùa vừa có tiếng cổ vừa nổi tiếng linh thiêng. Nhưng sao hoang vắng, tưởng như không ai ngó ngàng đến.

- Thưa cụ chùa nổi tiếng thế mà có vẻ hoang phế, tưởng chẳng ai coi sóc?


- Đấy, từ lâu rồi chứ có phải mới đâu. Để Bầm đọc cho hai cháu nghe bài thơ của Bầm:

Khách qua chùa Mía mà xem

Lù lù cỏ rác hai bên cửa chùa

Trời nắng cứ tưởng trời mưa

Cống rãnh chảy bừa càng mất vệ sinh

Hỏi ai có việc của mình

Tại sao họ cứ mần thinh tảng lờ

Vì đâu họ cứ làm ngơ

Bài thơ còn mấy câu nữa, tôi ghi không kịp. Quả như lời của bà cụ, hai bên và trước chùa, lều sạp chợ búa trông chẳng đẹp mắt tí nào.

Chùa Mía không có Cổng Tam Quan mà chỉ có một cổng lớn kiểu vọng lâu, hai tầng tám mái, tam cấp ngay lề đường bước lên, cao hơn mét. Ngoài đường trông bề thế, bước lên mới thấy cảnh nhếch nhác, thúng rổ gióng gánh, rác rến bừa bãi như một góc nhà kho. Trên gác “vọng lâu” có treo chiếc chuông cổ, đúc từ thời Cảnh Hưng thứ 6 (1745) và một chiếc khánh đồng đúc năm Thiệu Trị thứ 6 (1846).(5)

Bên trong có khoảng sân rộng, có cây đa cổ thụ cao to. Một tòa tháp 9 tầng mới xây thờ xá lợi Phật. và cũng là biểu tượng ngọc bút kinh thiên trấn giữ “mạch văn” làng Đông Sàng. Tiếp đến qua một cổng nhỏ gọi là bát Nhã Môn, vào khu nội điện, gồm có Tiền Đường, Đại Hùng Bảo Điện, Thượng Điện, được kiến trúc theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Tiền đường là nơi khách sửa soạn tư thế lễ lạt để vào chánh điện chiêm bái Tam Bảo.

Chánh điện là một dãy nhà dài 7 gian. Gian chính giữa thờ thờ Phật. Bệ thờ nhiều bậc, bậc cao nhất trong cùng có tượng Thích Ca, rồi xuống dần mỗi bậc có nhiều tượng Phật và Bồ Tát. Các gian bên thờ Bà Chúa Mía, Bát Bộ Kim Cương, Chúa Liễu Hạnh. Trong chùa cũng thờ cả Nam Tào Bắc Đẩu, và nhiều vị Thánh râu ria áo mão, Phật tử trong Nam ra, sẽ rất ngạc nhiên. Hai hành lang hai đầu có bệ xi măng trưng bày tượng Thập Bát La Hán (mỗi bên 9 tượng). Hầu hết các tượng ở chùa Mía cũng cùng một phong cách như phần đông các chùa khác ở miền Bắc, tượng được sơn son thếp vàng, dù tượng gỗ hay đất. Chùa Mía có tổng cộng 287 tượng (6 đồng, 107 gỗ, 174 đất). Tuy sơn phết màu mè nhưng tượng của chùa Mía có nét nghệ thuật sắc sảo riêng, nhiều pho tượng thật sống động chứ không như đồ mã: Tượng Kim Cương, tượng Bá Đại Hòa Thượng v.v..

Đa số đình chùa miền Bắc cột bằng gỗ quí và lớn, chùa Mía cũng thế song mái rất thấp so với các chùa khác, y như lời bà cụ trước cổng chùa nói, nét nguyên thủy cổ xưa của chùa Mía vẫn còn nguyên. Chúng tôi đi quanh một vòng mà chẳng gặp vị Thầy nào, dường như chùa ở miền Bắc chỉ tấp nập vào những ngày hội lớn, ngoài ra lúc nào cũng tĩnh mịch. Trong Nam chùa thường có các sinh hoạt về xã hội nên lúc nào cũng đông người lui tới.

Rời chùa Mía tôi trở lại làng Mông Phụ để xem ngôi nhà của Thám Hoa sứ giả Giang Văn Minh. Rất tiếc, cửa đóng then cài, chẳng có ai để hỏi. Tôi đến ngôi nhà thứ hai, nhà ông Giang Nguyễn Biềucách đó không xa. Người đàn ông ra mở cổng tiếp tôi với dáng vẻ dè dặt. Tôi nói mấy câu để anh yên tâm và khi hỏi ra thì anh chỉ là người được mướn ở trông coi. Ngôi nhà do một cán bộ mua lại của dòng họ Giang. Ngôi nhà còn nguyên chưa sửa sang gì. Song nếu không có phương cách bảo trì thì thời gian sẽ xâm thực hư hại dần. Một di tích quí là bài sớ cầu an bằng chữ Hán do Thạc sĩ Hán Học Nguyễn Xuân Diện phát hiện và dịch (1979).

Đường Lâm quả thật có nhiều điều đáng xem, đáng nói nhưng xưa nay lại ít nghe, ngay trong tập Đặc san Xứ Đoài cũng không nhắc nhở mà toàn thơ ca nơi xa (Hà Nội heo may, Quan Tham đón Tết...). Người nữ sinh viên Nhật mãi tận phương trời Đông dành một năm để nghiên cứu Đường Lâm kể cũng còn ít. Không hiểu sinh viên Việt có ai về Đường Lâm chưa!

Trần Công Nhung (November - 2006)

(5) Niên đại theo tài liệu của chùa Mía, một vài sách lại ghi (1743, 1848)

*********************

Vien Dong Daily

Thứ Hai, 16 tháng 11, 2009

Bè cá Tân Lộc



Cập nhật lúc 1:36:02 PM - 14/06/2007

beca-1.jpgBài và ảnh Trần Công Nhung

Cho cá ăn
Tôi dậy sớm, trong khi người bạn trẻ còn ngủ say. Sáng tinh mơ là thời điểm có nhiều hoạt cảnh, nhất là ở thành phố. Xách máy ảnh xuống đường tôi đi dài dài dọc đại lộ Hùng Vương. Phố xá sao mà êm, chưa mấy nhà mở cửa, hai bên hè không thấy dấu hiệu gì của cà phê hủ tiếu. Một vài xe đạp, đôi ba xe máy, lâu lâu mới có chiếc xe khách đường dài chạy rề rề tìm thêm mối.... Tôi có ý kiếm một bàn cà phê vỉa hè, tìm mãi chẳng thấy. Một thành phố hiền hòa (1).


Lên xuống mấy vòng, trời sáng hẳn, hôm qua mưa, nay mây trời đẹp thật, da trời xanh, mây trắng nuột nà từng mảng, tôi chỉa máy lên chụp, nhiều người đi đường tưởng có gì lạ. Tôi đặc biệt thích mây, mây có muôn hình vạn trạng. Mây đứng hay mây trôi, mây không hề vướng bận ai trừ khi mây nổi cơn thịnh nộ (mây báo dông bão). Tôi cho là mây có cuộc đời vô ngại, thong dong, một cuộc đời lãng tử. Tôi có một bộ sưu tập mây, và, nếu tản mạn về mây thì cả buổi cũng không hết.

Quay lại gần khách sạn, có mấy bàn cà phê vừa dọn ra trên hè, tôi là người thứ hai. Uống cà phê vỉa hè lỗ tai không bị tra tấn bởi loại nhạc rẻ tiền, không phải hít khói thuốc, không phải nghe những chuyện dấm dớ, mà còn chớp được những hình ảnh đời thường khó gặp.
Bà già bưng ra cho tôi ly cà phê đen không đường, tôi xin thêm nước sôi rồi tự làm một ly cà phê sữa. Lúc trả tiền, cô bé phụ việc hỏi: “Chú cà phê sữa nóng hả?”. Tôi định giải thích thì người đàn bà ra kịp: “Chú đen nóng”. Đen nóng 1500 đồng (10 cent). Tôi đưa tờ giấy bạc 2000, bà già cứ đòi trả lại tiền dư.
Trên đường phố từng tốp nữ sinh áo trắng đạp xe qua lại. Các cô nhân viên công sở áo dài màu, ngồi xe máy lướt nhanh. Một vài em bé bán vé số, không thấy những gánh hàng rong như ở Huế hay Hà Nội. Nắng đã lên, tôi phôn cho người bạn xuống đi ăn sáng để kịp giờ xe.
Hỏi mãi mới tìm ra được một con hẻm có hàng ăn. Quán bình dân, hủ tiếu, phở, bún rẻ, ăn cũng được chỉ ngại vệ sinh. Quay về khách sạn, gần 8 giờ, có chiếc xe Van đến, tôi chắc là xe mình đợi. Quả nhiên, trên xe hai người xuống mừng rỡ chào, cô gái gọi đích danh tôi, thì ra cô phụ tá bác sĩ của tôi, cứ mỗi 4 tháng cô lại cân đo cho tôi một lần, thế mà anh bạn Thốt Nốt làm như chúng tôi chưa hề quen, Đôi bạn trẻ là thành viên của một hội nhiếp ảnh ở quận Cam. Người nào cũng đai bị máy móc ra vẻ rất “thiện xạ”. Tôi đưa họ vào hỏi nhận phòng xong là lên xe ngay.
Chạy được một lúc, các bạn phôn hỏi đường, tiếng hướng dẫn qua phôn:
- “Qua cầu Thốt Nốt là tới chợ, có tui đón”.

Cần Thơ Thốt Nốt hơn 40 cây, đường tuy không xấu nhưng cũng phải cả tiếng mới tới nơi. Anh bạn đang đứng ngong ngóng đằng xa, trông anh hơi lạ, dân thị trấn không ai mang khẩu trang, riêng anh lại bịt mặt nạ tránh ô nhiễm. Lát sau mới biết, anh vừa nhổ răng để làm hàm răng mới. Mỗi lần nhắc đến răng tôi không khỏi giật mình, vì đã khổ vì răng, mà chỉ nhổ một cái thôi (2). Anh chu đáo chuẩn bị cho mỗi người một xe (ôm) lên bến đò Trà Úi (cách chợ Thốt Nốt hơn cây) qua cù lao Tân Lộc xem bè cá. Anh nói hờ: “Anh em chạy xe là bà con quen, các bạn khỏi lo”. Đã một đôi lần nghe “bè cá”, nhưng chỉ hiểu mường tượng chứ thực sự chưa được xem tận mắt bao giờ.

beca-2.jpgRa bè cá

Cù lao Tân Lộc, nhà cửa làng quê xúm xít kề nhau, đường hẹp chừng hơn mét, chạy quanh co xóm này qua xóm nọ. Từ chỗ gửi xe chúng tôi đi bộ qua một cầu ván đến một ngôi nhà bên bờ sông, có người đàn bà vui vẻ ra chào, anh bạn hướng dẫn giới thiệu sơ rồi chỉ ra một căn nhà nổi: “Chúng ta ra xem bè cá”. Cầu ra bè cá chừng 10m, những miếng ván mỏng dài gác tiếp nhau, có người đi là lún xuống nước. Tôi không vội, để mọi người qua trước, chị chủ nhà dẫn đầu. Không nguy hiểm song cũng ngại, có “sự cố” là máy móc tiêu đời.
Căn nhà sàn ván trống trơn, chính giữa chừa một khoảng bằng chiếc chiếu con, cho cá ăn. Thức ăn của cá đổ một đống trên sàn, chị chủ nhà xúc rải xuống, cá nổi lên đớp, quậy nước văng tung tóe. Cá màu da bạc lúc nhúc đặc cứng. Ở đây cá không lội mà cá quậy, có hàng tấn cá dưới sàn.

- Mỗi ngày cho cá ăn mấy lần?
- Dạ, hai lần.
- Thức ăn chị tự làm hay mua.
- Dạ mua một phần làm một phần.
- Thức ăn tự làm có khó không?
- Dạ đơn giản, gồm có cám gạo, bột cá tạp làm thành viên.

Đồ ăn của cá trông như những quả lạc (đậu phụng).
Rời bè cá chúng tôi đi thăm đầm cá. Đầm thì lớn hơn đìa, đìa cá thôn quê thường chỉ bằng nửa cái sân, đầm rộng cả mấy trăm mét vuông. Đầm cá của anh Đàm Tất khá lớn, có cầu ra nhà sàn cho cá ăn, mọi thứ được cấu trúc chắc chắn và khoa học không như bè cá. Chúng tôi đứng xem cá quậy như khán giả trên khán đài xem đá bóng. Mỗi lần thức ăn tung ra, tiếng cá quây nổi lên lao xao. Tôi hỏi anh chủ đầm:

- Thường cá giống thả cỡ nào anh?
- Cỡ 1cm, sau 7 tháng là xuất được.
- Đầm cá của anh mỗi lần xuất được bao nhiêu?
- Dạ, 150 tấn.
- Bè cá thì trữ lượng ít hơn?
- Dạ, trung bình từ 10 tấn đến vài chục.
- Đầm cá nước sâu cạn, bắt cá như thế nào?
- Bình thường nước sâu 2m, khi bắt, xả nước bớt rồi chăng lưới kéo.
- Cá nuôi bè chắc đơn giản hơn?
- Cá bè thì bắt bằng vợt nhưng trước khi bắt phải xuống tháo lưới inox, thu hẹp đáy để dồn cá, công việc cũng vất vả.
- Có bao nhiêu giống cá đồng bào đang nuôi?
- Cá tra, cá chim, cá rô Phi, cá điêu hồng.

beca-4.jpgCầu qua xóm cá

Cà điêu hồng, nấu cháo, lẩu hay hấp, ngon không thua gì cá mú mà không đắt.
Tuy hình ảnh bè cá, đầm cá không mấy lạ nhưng ai cũng hăm hở bấm máy, hẳn mỗi người có cái nhìn riêng. Tôi bấm một vài cảnh “ngoại vi”: Các cô qua cầu, ảnh một con chó ham vui cũng ra bè xem cá. Cái thú nhất là được về một miền quê sông nước, được tiếp xúc thực sự với đời sống dân dã hiến hòa, với con người cởi mở chân chất, không phải nhìn trước ngó sau như khi vào chôn đông người nơi phố thị.
Công việc nuôi cá nghe có vẻ đơn giản, không nhọc nhằn như làm lúa, nhưng thực tế không dễ. Giá cả thị trường lúc thấp lúc cao, nhà đầu tư cũng phải lo toan đủ thứ. Chưa kể chuyện giao động bất trắc khác như bệnh dịch, phẩm chất. Tiêu thụ trong nước không nói gì, ra quốc tế là vấn đề phức tạp. Thế nên gần đây lại xuất hiện nghề nuôi ếch. Nuôi ếch được mô tả như một ngành chăn nuôi mới, ít tốn, an toàn mà thu nhập cao.
Nhìn chung người dân quê Việt Nam bị động thường xuyên trong sản xuất. Đay, tiêu, ốc, điều, dưa hấu, tôm cá. Thứ nào (...) cũng cổ xúy hô hào, rồi nửa đường làm ngơ khi không còn ký được hợp đồng xuất khẩu. Người dân lại tự lo xoay sở lấy. Cho nên đã có cảnh đốt mía, chặt điều, phá ruộng dưa...“còn lợi hơn thuê người thu hoạch rồi chẳng biết bán đi đâu”.

Trần Công Nhung (August - 2006)

(1) La Cà Cần Thơ
(2) Làm răng (Thăng Trầm tập 2)

Thư Độc Giả


Báo Hiếu
Báo có nghĩa là trả, đền đáp lại, hiếu là hết lòng thờ cha mẹ. Thông thường nói báo hiếu có nghĩa bày tỏ lòng biết ơn, tôn kính cha mẹ. Đạo lý Á Đông dạy con người lấy chữ hiếu làm đầu.
Sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư có bài Chuyện ông Tử Lộ: “Ông Tử Lộ, xưa nhà nghèo, phải đội gạo để lấy tiền nuôi cha mẹ. Vậy mà lúc nào ông cũng vui vẻ trong lòng, vì có thế thì con mới tỏ hết lòng hiếu với cha mẹ”.
Ngày nay xã hội không còn như xưa, Đức Khổng Tử đã lùi xa vào quá khứ, do đó con người cũng nhiều đổi thay về “Báo hiếu”. Một bà cụ đã 90 được con gái “nuôi”, cho ở cái nhà 5 phòng, đầy đủ tiện nghi, cụ tự do muốn làm gì thì làm. Trong nhà có mấy đứa cháu, nhưng ai lo phần nấy, chúng đi làm suốt ngày, khuya mới về. Con gái thì ở một biệt thự tuốt trên núi ngoài Pamdale. Bà cụ cơm mắm tự lo, rồi còn quét dọn nhà cửa trong ngoài. Cụ như một người tôi tớ mà không có được một đồng công. Trong khi tiền cấp dưỡng và tiền người săn sóc, con cụ nhận tất. Có lần cụ đi bộ bị xe đụng, người hàng xóm phải giúp đưa đi cấp cứu.
Trước đây nhiều năm hồi chưa qua Mỹ tôi có nghe một truyện ngắn đọc trên đài VOA thuật lại nỗi buồn tủi của một bà cụ, khiến bà phải nhảy lầu tự vận. Tôi cho là chuyện không thực, nay thì rõ chuyện trước mắt tôi. Thêm một chuyện báo đăng: Con đi Las Vegas để mẹ chết ở nhà chẳng ai hay.
Xã hội tuy có đổi thay nhưng chẳng lẽ báo hiếu ngày nay là như vậy hay sao!

********************

source

Vien Dong Daily

Hồ Ba Bể


Cập nhật lúc 4:57:13 PM - 18/05/2007

babe-1.jpgBài và ảnh Trần Công nhung

(Thành phố Bắc Cạn)
Trời đã sáng mà thành phố còn ngủ êm. Tiếng loa phát thanh công cộng lẫn với tiếng nhái ở bìa rừng làm cho tôi có cảm tưởng như mình đang sống trong một thành phố mới hồi cư. Thành phố đang phá núi đồi nới dần ra, nên ngồi trong phố mà nghe được tiếng động của rừng núi ngoài xa, song tuyệt nhiên không nghe tiếng chim. Ở Hà Nội sáng sớm, tiếng Họa Mi, tiếng Khướu hót vang, đây là quê hương của chim thì lại không nghe tí gì. Nhưng âm thanh nhiều quá có khi làm cho chúng ta thêm mệt mỏi. Đôi lúc vắng vẻ lại hóa hay. Trời đã sáng mà thành phố còn ngủ êm. Bến xe miền núi sao mà buồn, lơ thơ có mấy chiếc, khách chẳng một người.


Theo lời chỉ dẫn của nhà trọ, tôi cứ ra bến xe cách nhà chỉ mấy phút đi bộ. Gọi ly cafe ở quán ngay cửa vào bến, tôi ngồi chờ xe. Bến xe khách chia thành nhiều lô, mỗi tuyến xe có vị trí riêng. Chỗ xe Chợ Rã đang bỏ trống. Mãi đến gần 7 giờ mới có tiếng loa mời khách lên xe. Điều này ít nơi nào có, tôi nghĩ, do sinh hoạt vắng lặng quá nên nhân viên bày chuyện mời gọi cho xôm trò vui tai, chứ khách có bao nhiêu đâu. Không mời họ cũng chằm hăm chực sẵn, còn giành nhau lên nữa là khác. Dù vậy, tôi cũng rời quán cafe. Lúc ngang qua phòng điều hành bến, chị nhân viên làm vệ sinh than phiền: “Một tên làm bẩn môi trường bến”. Một hành khách nào đó vừa vứt bao thuốc lá giữa sân.. Thói quen của người dân trong nước là ưa dùng từ một cách quá trịnh trọng trong những trường hợp thông thường. Năm 75, lúc còn làm nghề thầy, một em học sinh miền Bắc cũng đã nói một câu rất tự nhiên : “Yêu cầu các bạn ghi vào sổ nghị quyết của Tổ”. Chuyện học tập ghi chép bình thường, có gì quan trọng mà phải thế.

Xe Chợ Rã đã đến, chiếc xe 15 chỗ ngồi, tôi là người đầu tiên. Đúng giờ xe chuyển bánh, nhưng lại chạy bốc hàng, đón khách chỗ này chỗ nọ, khách chẳng vui tí nào. Phải tập thói quen chịu đựng, nôn nóng chẳng ích gì. Tôi được dịp “tham quan” quanh thành phố Bắc Cạn. Thành phố vắng hoe, quán hàng lại ít . Chẳng có gì đặc biệt, có lẽ những tỉnh miền Việt Bắc có lịch hoạt động vào thời điểm riêng mà mình chưa gặp. Cảm giác chung chung là buồn trầm lắng.

Xe chạy lòng vòng kiếm thêm khách lấy thêm hàng một đỗi, mới chịu rời thành phố.

babe-2.jpg(Bên đường về hồ Ba Bể)

Hồ Ba Bể là thắng cảnh nổi tiếng và đáng xem, cách Bắc Cạn chừng 60km, đi hướng Chợ Rã. Từ Phủ Thông về chợ Rã qua 3 con đèo: Vi Hương, Mỹ Phương và Chu Hương. Đèo không cao nhưng trên đèo nhìn xuống cảnh bản làng có chỗ rất đẹp, nhất là đoạn sắp xuống đèo vào chợ. Những nếp nhà sàn lợp tranh rải rác theo triền núi xanh, hay chiếc cầu nhỏ qua con suối cạn, có người đàn bà gùi con che dù đỏ, những màu sắc ngẫu nhiên, tạo nên bức tranh đẹp.

Từ chợ Rã đi Ba Bể chỉ có xe ôm. Khách đi Ba Bể bất thường, lại ít, nên không có buýt đưa đón như những nơi khác. Khác đoàn thì có xe riêng đi từ Bắc Cạn. Lúc xuống xe, bác tài nói nhỏ với tôi: “Để xem thằng nào đàng hoàng tôi gọi cho bác, đây bọn hút đông lắm”. Anh đảo quanh một vòng rồi kêu cho tôi một anh lớn tuổi, vẻ mặt hiền lành. Tôi phác họa lịch trình với anh xe:

- Thường mấy giờ còn xe về Bắc Cạn?
- Dạ hai ba giờ là hết xe.
- Vậy đi một vòng Ba Bể rồi về lại có kịp không? Bây giờ mới 9 giờ?
- Dạ kịp.
- Đi, về, anh tính bao nhiêu?
- Dạ 40 nghìn.
- Được rồi, chúng ta đi ngay.

Đèo Ba Bể, một phần thuộc khu Vườn Quốc Gia. Theo tài liệu thì Vườn Quốc Gia Ba Bể có nhiều loài động vật và thực vật quí hiếm, đặc biệt có 400 loài bướm. Đèo Ba Bể không cao lắm nhưng ngoằn ngoèo. Suốt từ chỗ trạm kiểm soát cũng nơi đặt văn phòng của Vườn Quốc Gia không có nhà dân ở. Lúc xuống gần hết đèo, trước mắt tôi hiện ra một vùng nước trong xanh, bao quanh là núi. Tôi đập vào vai anh xe mấy cái, xe dừng, tôi tìm một chỗ cao để chụp ảnh. Anh xe làm ra vẻ hiểu biết: “Xuống bến còn nhiều cảnh đẹp, bác tha hồ chụp”. Tôi lặng nhìn hồ nước bao la, không thuyền qua lại, rừng cây soi bóng lung linh, cảnh thật hoành tráng và đẹp khôn tả. Một ý nghĩ thoáng qua “Đất nước thế này mà con người cứ lôi nhau ra quần thảo triền miên kể cũng lạ”. Từ thời Thập Nhị Sứ Quân đến thời Trịnh Nguyễn qua thời cận đại, người dân cứ phải lo chống đỡ tên đạn gươm đao thì xứ sở làm sao theo kịp người.

Tiếp tục ngồi xe, tôi hỏi:

- Có 3 hồ, đây là hồ thứ mấy?
- Hồ thứ nhất.
- Hai hồ kia cũng nằm gần đây?
- Dạ ba hồ chung một, thông nhau bằng mấy eo nhỏ.

babe-3.jpg(Hồ Ba Bể)

Vài phút sau, xe xuống một bến đò. Hồ bây giờ trước mặt tôi là vùng nước trong xanh. Xa tít bờ bên kia, một khóm nhà mái ngói đỏ. Anh xe bảo đấy là bản Pó Lù và là bến đò đi chợ Đồn. Tại bến vài ba chiếc thuyền máy cho khách thuê, thuyền có ghế và mui che, khách có thể ngồi nhìn ra bốn phía để ngắm cảnh và chụp ảnh.

Trên bến, mấy anh nhân viên chơi bài, đấu láo tại bàn giải khát của quán nước. Gần đấy có một nhà hàng, không thấy ai vào ra. Tôi hỏi thuê thuyền đi xem hồ. Người nhân viên ngưng tay bài:

- Đi một vòng hồ, thăm Ao Tiên (Fary Pond), thác Đầu Đẳng, giá 150 nghìn. Nếu giá 100 nghìn thì chỉ đi Ao Tiên, thăm hồ rồi quay về.

Tôi sợ không kịp giờ nên chỉ đi theo giá 100 nghìn đồng thôi. Du thuyền kiểu bình dân, không như thuyền rồng sông Hương xứ Huế. Tôi rủ anh xe cùng đi, tiện thể nhờ anh mang ba lô. Trước khi xuống thuyền tôi mua chai nước khoáng, mấy bánh “lương khô”. Quán nghèo đến quả chuối củ khoai cũng không có.

Con thuyền máy chạy rất êm, vận tốc vừa phải, tôi ngồi đầu mũi thuyền cho dễ làm việc. Lần đầu tiên tôi phân biệt được rừng nguyên sinh khác với rừng thường. Rừng nguyên sinh là rừng chưa có bàn tay người sờ vào, cây mọc thẳng tắp, tàng lá xếp lớp gọn gàng và mượt mà. Tôi có cảm tưởng toàn khu rừng là những cây kiểng gom lại. Có những cây lá hoe vàng trong thế trực (upright), tàng lá phân từ dưới lên, đều đặn và đúng cách chẳng khác gì một cây kiểng hoàn chỉnh. Và quả thật nghệ thuật Bonsai là nghệ thuật bắt chước thiên nhiên để thu gọn cây trong chậu. Rừng nguyên sinh như mái tóc của người con gái được chải bới gọn gàng mướt bóng, không như những khu rừng bị chặt phá, cành nhánh đâm loạn xạ như một đầu tóc khô khốc rối bù.

Anh sáng bây giờ trong hơn, cảnh trí sắc hơn, tuy nhiên đầu núi vãn âm âm mâu mú, có gì đó hơi huyền bí. Cứ theo trí tưởng tượng thì vào những hang động trên cao ấy chắc gặp nhiều điều kỳ bí. Chẳng vậy mà xưa nay người ta kể lại bao nhiêu chuyện thần tiên. Tôi thở mấy hơi thật sâu, người sảng khoái thật sự.

(còn tiếp)

Trần Công Nhung (May - 2003)

Thư Độc Giả

Vui một thoáng

Lại một thân hữu tâm đắc đọc Thăng Trầm rồi viết cho tôi như sau:
“Thấy tựa đề cuốn sách, tôi đã rùng mình. Không biết có phải “Kinh cung chi điểu” chăng. Thăng trầm là lên xuống, nhưng thăng trầm của một đời người đâu phải thăng trầm của thi ca, của âm nhạc! Nó như một đóa hoa nở bung, một bầu trời rực sáng hoa đăng và rồi sụp tối đầy bi thiết sầu thảm. Tôi chưa đọc hết tập sách, chỉ mới một hai truyện, quả thật tác giả đã sống trong thăng trầm. Cái làm cho tôi lý thú là bị thăng trầm lôi cuốn một mạch, và khiến tôi không còn sợ “Thăng Trầm” như lúc đầu. Nhưng nếu hỏi tôi: “Muốn thăng trầm không? Xin thưa: Chả dám”.

Cảm ơn quí thân hữu đã chia sẻ với người viết về những ghi nhận trong Thăng Trầm. Vâng, “Thăng Trầm” không là cung bậc của bản nhạc mà là cung bậc của cuộc sống. Có ai muốn nghe bản nhạc chỉ có một cung, một âm? Cuộc sống mà không cung bậc thì quả thật buồn hơn cả mùa Đông. Trong văn chương sử sách, không thiếu gì những cuộc đời sóng gió và cũng đã có người bảo rằng:

Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả
Anh hùng hào kiệt có hơn ai.

Với một người bình thường như tôi, quanh quẩn cơm áo qua ngày, tình cảm bâng quơ, thì Thăng Trầm chỉ là một số hoài niệm tiếc thương ray rứt riêng tư, nay có người đồng cảm, thật quí hóa vô cùng. Vị độc giả còn tiết lộ thêm: “Chữ ký của anh như sóng biển mùa Surfing, cũng còn thăng trầm đấy.”

Vâng, có thể thế thật.

“Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao”

Vậy thôi, tôi biết làm sao bây giờ.

Hồ Ba Bể (phần 2)

Cập nhật lúc 5:51:03 PM - 26/05/2007

babe-1mail.jpgBài và ảnh Trần Công Nhung

Nhìn qua bản Pó Lù
Hồ Ba bể rộng bao la nhưng không giống như những hồ tôi thường biết, Hồ gươm, hồ Than Thở, (Hà Nội) hồ Lòng Hồ (Tây Ninh) ...Thường hồ nào cũng có bờ hồ chạy quanh. Ở đây hồ là một thung lũng ngập nước, và nước sâu lắm nên mặt hồ mới rộng mênh mông như thế. Nhưng tên hồ không thấy sinh hoạt gì của ngư dân. Chỉ thấy một hai thuyền độc mộc buông lưới. Chiếc thuyền bé tí và dài như lá tre, thật mỏng manh, tương phản với cảnh trí hoành tráng, gợi cho tôi ý niệm sáng tạo nghệ thuật cách sinh động. Sát bờ bên kia có chiếc lưới cá màu đỏ, không hiểu vì thói quen dùng màu hay do ý thức nghệ thuật, chiếc rớ màu đỏ nổi hẳn lên nền núi xanh thật bắt mắt.


Thuyền chạy gần bờ bên tả, có nhiều vách đá đẹp như những tác phẩm tranh sơn dầu. Từng vẹt màu vàng sẫm, màu cam, màu cơm cháy, màu xám mốc, vẽ theo nhiều hình thù kỳ dị vĩ đại, mà trí con người khó tưởng tượng được. Có chỗ, gân đá như nét vẽ bút lông, trông chẳng khác gì tranh thủy mạc! Thỉnh thoảng một vài cây lâu đời nằm ngã ra mặt hồ, bóng soi trong vắt mượt mà, đẹp kỳ lạ. Thật sự là nhìn không chán mắt. Thì ra con người học ở thiên nhiên nhiều thứ và còn nhiều thứ chưa được học. Tôi lại chợt nhớ câu nói của vị Bác Sỹ khám bệnh thường kỳ cho tôi, “...Trong vũ trụ còn cả triệu điều bí ẩn, con người chưa khám phá ra, nên con người thường tự cao tự đại về cái biết của mình”.
babe-2-mail.jpg(Vách đá Ba Bể)

Hôm nay trời khá trong, đi trên hồ mát thoáng, người thấy nhẹ và sảng khoái vô cùng. Giá có thì giờ cho thuyền chạy mãi thì còn gì thú bằng. Tiếng máy nổ tự nhiên hạ thấp, thuyền chậm lại và từ từ vào bờ. “Chú lên tham quan Ao Tiên”, nói xong người tài công lại châm một câu hài:

Có gặp Tiên chú cũng phải về, kẻo cháu mất công báo cáo nghe chú.

Tôi cũng thấy vui:

- Cậu yên tâm. Tôi đã từng gặp Tiên, không sao đâu.
- Đường lên Ao Tiên theo những bậc đá tự nhiên, có chỗ dốc đứng, khó đi. Song cũng chỉ một chốc là đến. Không hiểu sao gọi là ao, thực ra đây là hồ, hồ khá rộng. Ao Tiên ở độ cao tách hẳn với Hồ Ba Bề, nhưng người địa phương cho biết khi nước hồ xuống thì nước ao cũng xuống. Hồ và Ao có ăn thông nhau? Nếu ăn thông thì nước Ao đã trút hết xuống Hồ.

Ngay chỗ đầu tiên bước lên, có một sàn gỗ tay vịn trườn ra mặt hồ, vừa cho một hai người đứng để chụp ảnh. Cảnh trí đẹp đối với con người trước thiên nhiên, về mặt thẩm mỹ thì bình thường. Ai đã đặt tên Ao Tiên?

Theo truyền miệng, ngày xưa, đêm đêm, nhất là lúc có trăng, Tiên thường xuống tắm, và cả bầy chứ không phải một hai. Nhưng rồi vì người trần rình xem, nên Tiên không xuống nữa. Tôi thì cho rằng trước đây vùng này có người Dân Tộc ở, Ao Tiên là chỗ phụ nữ tắm hàng ngày, người mình bắt gặp và thấy đẹp cho là Tiên.

Những thiếu nữ da ngăm, thân hình nẩy bở tự nhiên, da thịt rắn chắc, bấy nhiêu cũng đã khác với các tiểu thư ẻo lả, vậy mà “một đàn tang tình” xuống tắm thì không Tiên hỏi ai vào đây. Trần thèm Tiên chứ Tiên ước mơ gì Trần, biết lòng dạ của Trần, Tiên phải bỏ đi nơi khác.

Chụp một ít ảnh, tôi trở lại thuyền và đi tiếp. Người tài công thấy còn sớm nên nài mời tôi đi thác Đầu Đẳng.

- Đến đây là hết Hồ Ba, trên đường về qua Hồ Hai và Hồ Một. Còn sớm, chú đi thác Đầu Đẳng cháu đưa đi.
- Em liệu 1 giờ về bến được không? Chú phải có mặt tại Chợ Rã lúc 2 giờ để về Bắc Cạn.
- Đảm bảo chú kịp, cháu chạy quen cháu biết.
- Vậy thì đi.

Máy sình sịch nổ, thuyền tiếp tục chạy về hướng Bắc. Cảnh sắc thay đổi liên tục, có những cây xanh màu lá mạ soi bóng mặt hồ, đẹp ơi là đẹp. Những hang đá miệng toang hoác, tối om, như những con quái vật đang há mồm. Một lát sau, tự nhiên thuyền vào một vùng nước đục ngầu. Anh xe ôm cho biết do nước mưa trên nguồn đổ về theo con sông Năng. Tôi lại ngạc nhiên hỏi:

- Vậy Hồ Ba Bể thông với sông à?
- Dạ đúng thế, đây là sông Năng đổ ra thác Đầu Đẳng rồi chảy về Tuyên Quang.
- Điều làm cho tôi chưng hửng là, lâu nay, cứ tưởng Hồ Ba Bể nằm tách biệt trên đỉnh núi. Hóa ra cũng là hồ bình thường ăn thông với sông. Thuyền ghé vào một bến đã có mấy thuyền khách tới trước.
- Mời chú xuống đi bộ ra thác.
- Thác còn xa không?
- Dạ gần đây thôi.

babe-3-mail.jpg(Hồ Ba Bể)

Trên bến có chừng dăm nhà dân, hầu như toàn người Dân Tộc. Nhà vừa là quán hàng, quán hàng kiểu thôn quê, mấy lon nước ngọt, vài gói thuốc lá...
Theo con đường mòn ven sông, đi một lát thì vào một khu cây cối um tùm rậm rạp. Tôi đã nghe tiếng nước đổ. Càng gần càng mạnh. Lúc leo lên một dốc khá đứng thì có tiếng người nói lao xao. Một đoàn khách bắt đầu ra về. Bây giờ đã rõ tiếng thác. Thác không cao như thác Prenn ở Đà Lạt, không lớn như thác Bản Giốc Cao Bằng (1), nhưng hung hãn lắm. Thác đổ qua nhiều dốc đá nên dòng nước chảy mạnh, âm vang rầm rầm cả một vùng rừng núi.
Anh xe kể cho tôi chuyện trước đây có hai người vô ý trượt chân, bị thác nuốt luôn không tìm thấy xác. Một cô gái người ngoại quốc, tuổi mới đôi mươi, một cậu trai người Tuyên Quang chưa có gia đình. Bình thường thiên nhiên trông hiền lành êm đềm, nhưng khi nổi cơn thịnh nộ thì sức người khó mà chống nổi.
Trở lại bến vừa đúng mười hai giờ. Khách đang dùng cơm trưa đầy các quán. Tôi dục thuyền quay về cho kịp giờ xe. Ngồi thuyền ngắm cảnh hai bên hồ vẫn thích. Không một tiếng động nào ngoài tiếng máy nổ. Thỉnh thoảng thấy một vài con ó, anh xe cho biết trước đây vùng này khỉ rất nhiều nhưng người Dân Tộc săn bắt hết.
Trở về, thuyền chạy vòng qua hồ hai rồi cập bến. Về lại chợ Rã đúng 2 giờ chiều. Tôi đinh ninh vẫn còn xe đi Bắc Cạn, nhưng ra ngã ba ngồi chờ một lúc không có xe. Tôi hơi lo, nếu phải ở đến hôm sau thì nhỡ hết công việc. Anh xe trấn an tôi: “Bác không phải lo, em chở bác ra Phủ Thông đón xe Cao Bằng về, lúc nào cũng có”. Cuối cùng tôi phải đi xe ôm qua 3 con đèo ban sáng, 40 cây số, vừa nắng vừa mệt. Nhưng bù lại cũng chụp được nhiều ảnh hay.

Tại ngã ba Phủ Thông, chờ cả tiếng đồng hồ vẫn không thấy xe Cao Bằng. Mấy anh xe ôm lại kè kè gạ gẫm. Ôm thì cũng được nhưng vừa ôm suốt 40 cây số nên ngán lắm, ôm không cũng chẳng ham. Để khỏi sốt ruột, tôi hỏi mua một ki lô trái vải, giải khát trong khi chờ đợi. Cô chủ quán nhìn tôi có vẻ lạ nên hỏi:
- Chú đi có một mình thôi à?

Mấy mình thì cô đã thấy. Tôi làm thinh, người cứ như say nắng, chỉ muốn nghỉ một lúc cho khỏe. Cô gái lại hỏi:
- Chú đi Ba Bể về?
- Vâng, thường giờ này còn xe về Bắc Cạn không cô?
- Chợ Rã còn một chuyến chưa lên sao chú không đi?

Chợt có người hô “Xe kìa”. Đúng! Một xe đò lên từ hướng chợ Rã. Tôi mừng rỡ nhảy ra đón. Hỏi mới hay, lúc nào Chợ Rã cũng còn chuyến xe cuối, 3 giờ chiều. Anh xe đã dấu tôi. Lúc ở ngã ba, anh trao đổi bằng tiếng Dân Tộc với ông chủ quán bên đường và ông này khẳng định với tôi, không còn xe Chợ Rã nữa. Anh đã lừa tôi để chạy thêm 40km. Nghĩ thế thôi chứ cũng không phiền gì, chuyện cơm áo còn khối người mánh mung táo tợn hơn nhiều. Kết thúc một ngày thế là tốt đẹp. Trở lại nhà nghỉ, tôi chuẩn bị ngày hôm sau đi Cao Bằng.

Trần Công Nhung (May - 2003)
(1) Thác Bản Giốc QHQOK 3

Thư Độc Giả

Vạch lá tìm sâu
Sâu là thứ phá hại mùa màng, trồng lúa mà không thuốc trừ sâu là xem như mất không lúa giống. Rau lại càng dễ bị sâu, sâu rau còn khó hơn sâu lúa, nó núp trong kẽ lá, đêm xuống, bò ra gặm nhấm, rau cải rau xà lách dù cho xanh tốt mà có dấu sâu cắn là không ai mua. Ai chơi cây kiểng, có trồng hoa hồng (nhất là bên nhà), mới thấy sự vất vả vạch lá tìm sâu. Phải dùng đèn pin, soi từng ngọn lá vào ban đêm mới bắt được sâu. Chuyện vạch lá tìm sâu tôi biết rõ khi còn ở bên nhà. Hồi ấy gần chỗ tôi (đường Đồng Nai, khu trồng bông Nha Trang) có một chuyên gia trồng hồng, anh Lục, đêm nào anh cũng vạch lá tìm sâu.

Trong đời thường, khi nói “vạch lá tìm sâu” là ám chỉ người có tính ưa xoi bói. Chuyện chẳng đáng gì cũng làm ầm lên, chuyện bé xé ra to. Làm kiểu “Chí Phèo ăn vạ”. Tôi nhớ mấy năm trước trong một bài viết, đánh máy nhầm con số năm sinh của cụ Nguyễn Huỳnh Đức, đã bị một người tự xưng đại tá F 5, vua Furniture ở Bolsa gửi thư chửi bới thậm tệ.

Bất cứ địa hạt nào, hễ đã dấn thân ắt không thể tránh khỏi lỗi lầm, (lớn hay nhỏ, vì chúng ta không là Thánh). Có lần tôi nghe câu trả lời của học giả Thái Văn Kiểm cho một người phàn nàn chuyện đúng sai, ông bảo: “Muốn không sai thì đừng làm gì cả”. Thật vậy, cứ làm ông bình vôi, ông phỗng đá là chẳng bao giờ sai.

Chuyện phải làm, thích làm, cứ làm và sẵn sàng chấp nhận sự phê phán, nhưng phê phán khác với “vạch lá tìm sâu”.

******************

source

Vien Dong Daily