Thứ Sáu, 26 tháng 3, 2010

Khi dân Sài Gòn đi... trốn nóng



Wednesday, March 24, 2010



medium_VN-TronNong-02.JPG

Các quán cà phê võng ven biển Long Hải không còn chỗ nghỉ trưa. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

medium_TronNong-01.jpg

Các quán cà phê ở vườn Tao Ðàn đông nghịt người đi trốn nóng. (Hình: Văn Lang/Người Việt)




  • Văn Lang/Người Việt

Trời Sài Gòn buông nắng như đổ lửa, bầu không khí lại hiếm gió vì nhà cửa san sát thiếu những khoảng không gian xanh, cộng thêm tiếng ồn và khói xả của mấy triệu chiếc xe gắn máy, xe ba gác máy, xe bus, xe hơi, xe tải... Thành phố như một cái lò bánh mì với những gương mặt người đỏ gay. Những ngày, giờ làm việc phải trân mình chịu trận, còn những phút thảnh thơi hay ngày nghỉ cuối tuần mọi người đều đua nhau tùy nghi di tản đi... trốn nóng.

Một người bạn cho biết văn phòng anh có gắn máy lạnh nên cũng đỡ, nhưng căn phòng anh thuê tại một chung cư thì máy lạnh cũ nên rất yếu vì thế chỉ còn cách chiều nào cũng lui cui làm việc ngoài giờ trong khi mọi người đều đã về. Thực ra anh chờ trời mát khi căn phòng thuê kia nhả bớt cái nóng thì anh mới dám trở về phòng.

Ngày nghỉ cuối tuần, trưa anh trốn nóng trong những quán cà-phê máy lạnh ngủ gà ngủ gật với cuốn sách trên tay. Anh khen, được cái cà-phê máy lạnh Sài Gòn khá ngon mà lại rẻ, biết tìm những quán vắng yên tĩnh thì ngồi bao lâu tùy thích, chẳng ai làm phiền mình.

Các nhân viên văn phòng ở Sài Gòn hầu hết đều là các chuyên gia trốn nóng có “nghề”. Vì họ có một ngàn lẻ một cách trốn nóng giữa những trưa hè hầm hập. Một nhân viên làm việc cho công ty Úc trên đường Nguyễn Huệ, cho biết, những trưa nắng anh vào Temple Club nằm trên đường Tôn Thất Thiệp. Quán là một lối nhà xưa với gạch mộc nguyên thủy, âm nhạc dịu êm, bài trí theo lối tĩnh, đặc biệt trưa rất vắng khách. Hai người kêu một bình trà sen, xin thêm chút mật ong, giá chỉ có 30 ngàn đồng. Vừa có trà thơm, vừa có một buổi trưa yên tĩnh giữa những đồ vật theo lối xưa tĩnh lặng và âm nhạc dìu dịu ru êm trốn khỏi cái nắng bụi của Sài Gòn.

Mùa nóng, các quán hớt tóc thanh nữ có máy lạnh khá nhiều khách tới massage vào buổi trưa. Ða số khách mày râu này là dân văn phòng đi nghỉ trưa, họ vừa có tiền, dĩ nhiên có chức và cũng có... tuổi, đa số thuộc loại trung niên sồn sồn. Sở thích của mấy vị khách này là thích ngả lưng trong phòng máy lạnh được một em trẻ trung, nhí nhảnh vừa nhổ tóc sâu vừa thủ thỉ tâm tình. Thực sự không có mát-xa mà cũng chẳng có mát gần, chỉ đơn giản là một dịch vụ nghỉ trưa, giá cả là 60 ngàn đồng một giờ, tiền boa khoảng 100 ngàn, nếu thích có thể cho nhiều hơn để giữ mối quan hệ lâu dài...

Ngoài những buổi trốn nóng buổi trưa, nhân viên văn phòng, hoặc nhân viên giao dịch kinh doanh bên ngoài thường trọn những quán cà-phê vườn có wifi dễ làm việc. Vừa được việc, vừa tranh thủ trốn nóng. Cà-phê Sài Gòn nhiều quán có wifi để tiện cho khách làm việc và dĩ nhiên wifi được dùng miễn phí.

Người bình dân thì ít có điều kiện đi vô cà-phê máy lạnh, hơn nữa họ cũng không thích. Ðể trốn nóng mà gần gũi với thiên nhiên, ở các vùng ven Sài Gòn có mở ra dịch vụ cà-phê võng ở gần đường để tiện đón khách qua đường hoặc trong những khu vườn nhiều bóng mát để “dụ” khách xa, gần.

Trưa nóng, người lao động sau bữa cơm ăn vội tranh thủ kiếm một quán cà-phê võng nằm ngả lưng trước khi vào lao động đầu giờ chiều. Giá cả cà-phê võng vùng ven rất mềm, hợp túi tiền dân lao động. Ly nước mía mát lạnh, thơm, đảm bảo không pha đường hóa học, bán 4 ngàn đồng một ly. Ly cà-phê đá 6 ngàn, trái dừa tươi ướp lạnh 7 ngàn. Khách nằm võng bao lâu tùy thích, chủ quán người miền Nam vùng ven Sài Gòn tánh tình thoải mái, mến khách. Dĩ nhiên ngoài cà-phê võng bình dân cho khách trốn nóng trưa hầm hập, thì cũng có những quán cà-phê võng có em út, nhưng loại này rõ ràng không phục vụ việc trốn nóng mà trái lại gia tăng cái “nóng” thì trong tiết trời nóng đến “le lưỡi” như vầy chắc họa có người điên mới... ham.

Những người dân vùng trung tâm, không có điều kiện ra cà-phê vùng ngoại ô thì chọn những cà-phê trong các khu công viên gần nhà. Một điểm mà nhiều người ưa đến là cà-phê trong công viên Tao Ðàn. Giá cả bình dân, sáu ngàn đồng cho một ly cà-phê đá, sáng ngồi tới trưa, trưa ngồi tới chiều, mát thì về, vì là công viên nên chẳng sợ phiền ai vụ ngồi lâu. Dân có tuổi, dân thất nghiệp thích tới đây và dĩ nhiên dân văn nghệ vỉa hè thích tán dóc cũng hay lui tới. Ở đây toàn những cây cao bóng cả bậc nhất Sài Gòn, không khí trong lành, lâu lâu chim chóc sà xuống và một vài chú sóc mon men bò xuống gốc cây, ngó nghiêng nghe bàn dân thiên hạ tán dóc...

Một cái thú vui nữa trong mùa đi trốn nóng của dân Sài Gòn là ra vùng ven như Nhà Bè, Bình Chánh, Thanh Ða, Bình Quới... để đi câu. Mùa nóng được ra vùng sông nước, mới nghĩ tới thôi đã thấy... mát.

Giăng câu thì có hai loại, loại thứ nhất câu tại các ao có chủ với giá từ 10 ngàn, 20 ngàn, tới 30 ngàn một giờ, tùy theo ao có cá nhiều hay ít. Loại này thì dành cho dân a-mơ-tơ, hóng gió với đem bạn gái theo tán dóc là chính, nhưng được cái tiện vì khỏi chuẩn bị, có thể thuê cần câu cũng như mua mồi tại ao, lại có khăn lạnh, nước uống phục vụ tận nơi. Nếu câu được cá, có thể kêu phục vụ chế biến thành món nhậu tại chỗ, dĩ nhiên dịch vụ này bị tính thêm tiền. Loại thứ hai là dân câu tự do, tự kiếm một khúc sông vắng, hay một cái ao mà cá tự ngoài sông vô, không thấy cắm biển báo: “Cá nuôi” hoặc “Cấm câu!” thì cứ thoải mái giăng câu. Dân câu tự do có cái thú tìm được một nơi vắng vẻ buông câu mà cá cắn câu lia lịa, dù thú vui này “một mình mình biết, một mình mình hay” nhưng cũng làm cho người ta sung sướng chất ngất những trưa hè hây hây gió thổi ngoài sông...

Ði trốn nóng những ngày cuối tuần không chỉ ra vùng ven, ngoại ô giăng câu, mà còn phải kể tới việc ra vùng biển để đổi gió. Với những người lao động, bình dân thì việc ra tới Vũng Tàu kể cũng đã là xa, dù ngày nay phương tiện đi lại khá thuận tiện, đường tốt. Có thể ra Vũng Tàu bằng xe Honda, xe đường loại du lịch 16 chỗ, có gắn máy lạnh, phục vụ khăn và nước với giá 55 ngàn đồng, nếu không thích có thể đi bằng tàu cánh ngầm khởi hành tại bến Bạch Ðằng. Nhưng sau này Vũng Tàu tuy có thể đi về trong ngày nhưng ít được dân Sài Gòn lựa chọn, lý do là biển Vũng Tàu không đẹp lắm.

Dân đi tắm biển bình dân thường chọn Long Hải, vì biển ở đây xanh, sạch và đẹp hơn Vũng Tàu, hoặc đi Cần Giờ vì biển ở đây tuy không đẹp nhưng gần và có những thú vui như thăm Ðảo Khỉ... nhất là tiền xe rất rẻ, hai chặng xe bus, cộng thêm tiền phà, cả lượt đi và về cho một người khách hết có 15 ngàn đồng. Ði xe Honda thì chừng một tiếng đồng hồ đã thấy những cánh rừng đước xanh mướt của Cần Giờ hiện ra lung linh trong ánh nắng vùng ven biển. Và bầu không khí ở huyện đảo này thật trong lành, dễ thở dù bên ngoài có nắng chói chang đến đâu nhưng được thả bộ trên những con đường với bốn bề xung quanh là sông nước, rừng đước, chim kêu, vượn hót lòng thấy khỏe khoắn, sảng khoái vô cùng...

Ngoài những cách trốn nóng trên thì người Sài Gòn còn có thú vui tắm sông, thả diều... Nghĩa là có 1001 cách miễn là ra khỏi phố thị ồn ào để trốn nóng. Nhưng trong trường hợp không có điều kiện đi đâu như chú Tư xóm tôi thì ổng “trân” mình ra chịu trận bằng cách mở quạt máy vù vù, kèm theo ca nước đá bên cạnh liên tục tự làm mát bằng trà đá, còn nói mùa nóng mới thấy làm đàn ông sướng thiệt, vì được tự do... ở trần. Hễ bà con trong xóm ai than nóng thì ổng biểu, “Nắng nóng cỡ bên Phi Châu thiên hạ còn chưa ai chết, nắng bên mình đây thì đã nhòm nhò gì!” Thím Tư nghe vậy “độp” lại liền, “Ðúng là chưa nhằm nhò gì, mới chỉ có... le lưỡi !!!”

source

Nguoi Viet Online

Thứ Ba, 23 tháng 3, 2010

Vài nét sinh hoạt Sài Gòn qua ống kính Nick Út


Vài nét sinh hoạt Sài Gòn qua ống kính Nick Út
Cập nhật lúc 9:52:46 PM - 21/03/2010
SÀI GÒN – Nhiếp ảnh gia Nick Út vừa thực hiện một chuyến đi Việt Nam trong tháng 3-2010. Ông cho biết chụp được nhiều hình ảnh về những khía cạnh cuộc sống người dân Việt trong chuyến đi này. Về lại Los Angeles lúc 1 giờ sáng thứ Bảy, 20-3, ông đã gửi ngay một số hình ảnh chụp tại Sài Gòn đến quý độc giả Viễn Đông.

nut-saigon_MG_3081w.jpg

Chở hàng ra chợ sớm - ảnh: Nick Út, chụp từ trên lầu khách sạn Saigon Boutique Hotel, số 57 Phạm Viết Chánh, Quận 1.

nut-saigon_MG_5391w.jpg

Hàng ngày tần tảo đẩy xe đi bán rau củ quả dạo - ảnh: Nick Út, chụp từ trên lầu khách sạn Saigon Boutique Hotel, số 57 Phạm Viết Chánh, Quận 1.

nut-Vespa02w.jpg

Một đôi tình nhân không đội mũ bảo hiểm, chở nhau trên chiếc Vespa ở trung tâm Sài Gòn, tháng 3-2010 – ảnh: Nick Út.

source

Vien Dong Daily

Thứ Năm, 11 tháng 3, 2010

Nắng Sài gòn


March 12, 2010


NGUYỄN THỊ LAN ANH - Việt Tribune

Chỉ các văn nghệ sĩ là yêu nắng Sài Gòn, bất chấp nắng yếu nắng mạnh, nắng to nắng bé, nắng đổ lửa ban trưa hay nắng quái chiều tà, chứ người bình thường ở Sài Gòn, trong những ngày tháng Ba này, sợ nắng hơn sợ giặc. Không sợ sao được khi từ bảy giờ sáng tới năm giờ chiều nhiệt độ ngoài trời thường xuyên 36 độ. Ngồi trong sạp chợ tiểu thương nào cũng quạt tay, quạt máy liên tục. Người bán hàng rong, khuân vác, phụ hồ ai cũng mồ hôi mồ kê nhễ nhại trên mặt, trên lưng trần. Trong khi các siêu thị, công sở, văn phòng cao ốc, nhà hàng bật máy lạnh tối đa thì nhà thương, trường học, tiệm buôn, nhà dân chỉ giải nhiệt bằng một trong hai món truyền thống (hoặc cả hai) là quạt máy và nước đá. Ác nỗi, nhè đúng hai thứ này, ông điện ông nước đồng loạt nâng giá từ đầu tháng Ba trong khi ông xăng dầu nhanh chân hơn, đã tăng từ hồi tết (về sự tăng giá, ông xăng dầu thuộc hàng Ghi- nét Việt Nam vì chỉ trong năm qua, thiên hạ tính được không dưới chục lần xăng lên giá). Nếu chủ đề thời sự của thế giới là động đất lớn ở Haiti, Chilê, Thổ Nhĩ Kỳ, tàn phá một lúc nguyên cả làng, cả thành phố, cướp đi sinh mạng hàng trăm, hàng ngàn con người trong nháy mắt thì chủ đề của Sài gòn là nắng nóng và những hệ lụy của nó.

Thời trang mát mẻ Sài gòn hiện nay. HÌNH NGUYỄN THỊ LAN ANH/VIỆT TRIBUNE

Đi trên đường phố Sài Gòn, hình ảnh phụ nữ tự nhiên ngồi rửa giặt quần áo, chén bát, xe cộ trước cửa nhà hoặc dọn cơm ăn ngoài thềm, phụ nam cởi trần, bắc ghế bố, giăng võng ngủ thoải mái, trẻ con đá banh, chạy nhảy ngoài đường bất chấp xe cộ…khiến người ta có cảm giác đang ở đâu đó trong một làng quê Bắc Bộ. Thêm kiểu ăn mặc chống nóng của các kiều nữ Sài Gòn với áo yếm, áo dây càng củng cố nhận định đó (kiểu áo trói lưng như trói…lợn này người mặc mát, còn người nhìn nóng mắt). Đàn ông Sài Gòn không chỉ cởi trần quần soóc chống nóng mà chiều đi làm về hay tụ ba tụ bẩy quanh két bia xị rượu. Bữa cơm dù mát mẻ bát canh rau mùng tơi nấu cua đồng hay canh chua tép rang thì cả vợ chồng con cái chỉ ăn chiếu lệ, để bụng chứa cà rem, bia lạnh, cà phê đá.

Chợ búa mùa viêm nhiệt, đắt hàng và đắt giá nhất vẫn là rau củ quả tươi các loại. Bốn giờ sáng là chợ sỉ. Năm giờ chợ mối. Sáu giờ mới dành cho người tiêu dùng bình thường. Tới mười giờ các loại chợ gánh, chợ xe đạp, chợ cóc, chợ chạy…coi như xong. Chỉ còn chợ lì, chợ cầm cự. Các bà nội trợ, dù giầu hay nghèo, dù ra đầu hẻm hay vào siêu thị thì đều chung nhau một lời phàn nàn về giá cả leo thang, đồng tiền Việt Nam mất giá. Họ cho biết một trăm ngàn đồng trước đây có thể đủ cho bốn miệng ăn trong hai ngày. Bây giờ bằng đó tiền, phải tính toán nát óc mới được một ngày chợ. Có vẻ, đối với khách du lịch, với nhà nghiên cứu kinh tế-văn hóa, việc đi chợ đem lại nhiều niềm vui, nhiều thông tin bổ ích, trong khi với chị em phụ nữ thì đó là việc đáng sợ. Sợ giá cả một phần. Phần khác sợ thực phẩm nhiễm độc. Chỉ sợ thôi chứ không tìm cách tránh vì từ nước đóng chai, gạo, cà phê, tôm cá thịt, gia vị, mỹ phẩm, thuốc uống…thứ gì không độc ít cũng độc nhiều. “Muốn tránh chỉ có nước nhịn đói. Ăn cũng chết, nhịn đói cũng chết, thì thà ăn. Chừng nào trời kêu mình dạ một tiếng thiệt lớn rồi chui luôn vô hòm”, nghe một bà nội trợ nói tưng tửng như vậy, kẻ viết bài có cảm tưởng bà ta phát ngôn thay cho ý chí của toàn dân tộc Sài Gòn!

Ngồi xe bus ra khỏi nội thành Sài Gòn, đến các huyện vùng ven như Bình Chánh, Củ Chi, Gò Vấp, không gian có phần thoáng đãng hơn nhưng gương mặt của người dân không dấu được vẻ căng thẳng, lo âu. Chỉ thửa đất trồng dưa leo, bạc hà, một nông dân cho biết hai ba mùa liên tiếp bị khô hạn, kênh mương không còn hột nước nên phải phá lúa chuyển qua trồng màu. Không riêng Sài Gòn khô hạn, các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, dài xuống tận Sóc Trăng, Bạc Liêu, chỗ nào cũng kêu mực nước sông Tiền sông Hậu xuống thấp chưa từng thấy trong vòng một trăm năm qua, nước biển vào sâu nội đồng, đe dọa sự phát triển của gần một triệu héc ta lúa vụ hè thu và hoa màu các loại. Ngoài Bắc, nông dân ven sông Hồng cũng khốn khổ tương tự vì hạn nặng. Mọi sinh hoạt hàng xã hàng tổng đều tạm ngưng hết để mọi người ra đồng khơi kênh mương, lập trạm bơm dã chiến, lắp dài đường ống ra tận giữa sông, vét nước cứu một trăm ngàn héc ta lúa của Hà Nội và các vùng Hà Nam, Hà Đông mới cấy xong. Chỗ nào cũng kêu cần nước, thiếu nước thảm thiết.

Thế cũng chưa ghê bằng tiếng gào thất thanh “Cháy! Cháy!”. Đi chợ Bến Thành, chợ Bình Tây những ngày này có thể nghe loa của ban quản lý liên tục nhắc nhở tiểu thương không đốt nhang đốt đèn nơi bán hàng. Ban quản lý cao ốc, chung cư, ký túc xá cũng liên tục cảnh báo nguy cơ chập điện, cháy nổ khi sử dụng bình ga, bếp than tổ ong, dụng cụ điện. Không gian sống của thành phố Sài Gòn, ngày thường vốn đã nhỏ hẹp chật chội, trong những ngày này càng có vẻ bức bối hơn bao giờ hết. Một số liệu điều tra xã hội học gần đây cho thấy, về thu nhập, phần lớn dân Sài Gòn đều kiếm được hơn 1,000 đôla một năm trên một đầu người, nhưng chất lượng cuộc sống lại tỷ lệ nghịch với thu nhập. Anh L., làm thợ cơ khí, quê miền ngoài đưa ra nhận xét: “Sài Gòn chỉ dễ làm ra tiền còn sống không bằng ngoài ấy.” Và anh L. đơn cử ví dụ “hôm tết về Hà Nam, con cá chắm to vật vã chỉ hai mươi lăm ngàn một cân trong khi lễ Tám tháng Ba vừa rồi, cành hồng bé tí mua nịnh bạn gái cũng hết ngần ấy tiền”. Cô bạn nếu biết được cách so sánh cá chắm và hoa hồng nọ nghĩ thế nào không rõ chứ phần lớn phụ nữ theo chủ nghĩa thực dụng của Sài Gòn cho biết đối với họ, Tám tháng Ba hay Ba tháng Tám không quan trọng. Cốt nhất là vợ chồng chí thú làm ăn, đừng thượng cẳng chân hạ cẳng tay, con cái học hành tử tế, không mang công mắc nợ…còn với tặng phẩm của “bọn chúng nó” cống nộp, họ chỉ cảm động không quá 30 giây. Sự bồi hồi xao xuyến nhanh chóng nhường chỗ cho ký ức buồn và sự nghi kỵ, so sánh.

Theo dõi tin tức qua các phương tiện truyền thông đại chúng mấy hôm nay, bên cạnh những tin chó cán xe, xe cán chó, người ta ghi nhận một sự kiện được cho là quan trọng. Đó là việc kéo (và nhấn chìm) đốt hầm đầu tiên, nặng 27.000 tấn (trong tổng số bốn đốt hầm) từ bể đúc Nhơn Trạch-Đồng Nai về vị trí dự kiến đặt hầm ngầm Thủ Thiêm ngay phía trước bến Bạch Đằng, thành công tốt đẹp. Có lẽ cũng phải công nhận, về mặt xây cầu làm đường, thì năm 2009 vừa qua là năm cầu đường được mùa. Hàng loạt những cầu mới như cầu Calmette, cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu chữ Y, cầu Phú Mỹ được khánh thành. Đường vượt Ngã tư Bình Phước, Ngã tư An Sương, Ngã tư Gò Dưa, đường cao tốc Trung Lương đã xong, và sắp tới là hầm ngầm vượt sông Sài Gòn. Trong tương lai đường cao tốc Dầu Dây, đường vành đai Tân Sơn Nhất, đại lộ Đông Tây, cầu vượt Ngã ba Cát Lái, đường ven biển liên tỉnh duyên hải Trung Nam Bộ …cũng gấp rút thi công, đưa vào sử dụng. Nghe vậy người dân mừng vì đi lại nhanh chóng, dễ dàng nhưng mặt khác không khỏi băn khoăn vì các công trình đó quá lớn, sử dụng toàn vốn vay ưu đãi của các tổ chức tài chính quốc tế. Sâu mọt bự cỡ (...)– tha hồ đục khoét!

Tết con cọp mới qua một tháng, kẻ viết bài ghi nhận bấy nhiêu chuyện ở Sài Gòn. Có lẽ đến tháng Tư sau, còn nhiều chuyện hay hơn![NTLA]

source

Viet Tribune Online

Thứ Tư, 10 tháng 3, 2010

Ước vọng từ rác lẻ


Ngày 27.01.2010 Giờ 10:49


SGTT - Người dân Sài Gòn đã quá quen với những người nhập cư đi chiếc xe đạp cọc cạch, chở lặc lè, cồng kềnh đủ loại rác, phế liệu. Họ không còn ruộng và không đủ trình độ làm công trong các khu công nghiệp địa phương. Mỏ rác Sài Gòn trở thành cứu tinh của họ.

Một người trong số họ nói: “Làm nặng thế này thì bõ bèn gì so với cày ruộng ở quê, khối người như chúng em cứ cần cù mà làm dành dụm cuối năm mang tiền về cho con cái, bố mẹ, trời cho may mắn nữa thì đổi đời, chứ giờ ở quê làm sao sống?” Câu nói đó là mẫu số chung của những thân phận đang thu thập phế liệu khắp thành phố.

Sự may mắn của họ là gặp được hoặc canh chừng công trình vào giai đoạn thu dọn, làm sạch hiện trường. Bất chấp nguy hiểm trong khi các máy cạp đang làm việc, họ lao vào nhặt các bao ximăng, túi bạt nilông, thanh thép, nhôm phế liệu

Họ rời chỗ trọ từ sáng sớm, cọc cạch từng nhóm, rong ruổi khắp thành phố để thu nhặt phế liệu, vật liệu có thể bán được từ những thứ mà người ta quen gọi là rác. Trọ, ăn uống cực kỳ đạm bạc, những mong kiếm tiền nuôi “khúc ruột” ở quê và một khát vọng đổi đời

Anh Lâm là công nhân xây dựng công trình ở quận 2, sau khi hết ca làm việc đã tranh thủ mượn xe kéo số phế liệu mà vợ và đồng hương của anh thu lượm được tại công trình. Mối liên kết giữa nhóm lượm phế liệu và nhóm làm công công trình giúp những người có trước thông tin về các “mỏ” phế liệu mới

Vợ chồng anh Vượng, quê Hà Tây, chủ một vựa phế liệu ở một khu lao động quận 1, đưa hai con từ quê vào thành phố tập trung chăm lo cho việc ăn học. May mắn hai đứa trẻ đều ngoan và chăm học. Những vựa thu mua nằm rải rác trong các khu lao động, tạm cư, nhập cư, khắp thành phố, trong đó nhiều vựa mà chủ cũng chính là những người thu nhặt phế liệu từ miền ngoài, dành dụm vốn, để dần biến thành chủ vựa, và đa số họ đều mang hoài bão đổi đời, cho chính họ và cả cho con cái

Vốn có sức lực của những người làm nông, những người mót phế liệu các công trình mà đa số là phụ nữ, đều không ngại nai lưng quần quật để đập vỡ các cốt bêtông phế liệu, tách bóc các cốt thép, cọng thép, kim loại, thứ vật phẩm bán có giá nhất – 5.000 đồng/kg

Loanh quanh khắp các quận huyện, cật lực từ sáng sớm đến tận 20 – 22 giờ, họ bới tìm, đãi lọc từng chút rác một để có những những bao phế liệu gồm sắt – 5.000 đồng/kg, bao ximăng còn nguyên và sạch – 4.000 đồng/trăm bao, còn rách hoặc bẩn – 2.500 đồng/trăm bao... nhựa và các phế liệu khác cũng quanh những giá đó, nhưng không quá 7.000 đồng. Họ ra về với những lúc may mắn chở kĩu kịt đầy những bao phế liệu đủ loại, quá khổ nặng nề trên những chiếc xe đạp cọc cạch, thậm chí không có cả thắng xe

Lê Quang Nhật thực hiện

source

http://sgtt.com.vn/detail21.aspx?newsid=62383&fld=HTMG/2010/0126/62383

Thứ Năm, 4 tháng 3, 2010

Về quê


nhabaoduchien's blog
Cập nhật lúc 11:44:07 PM - 27/04/2009

Nó xấu xí thế nhưng đó là nơi tốt nhất để ngắm nhật thực toàn phần 14 năm trước.

Du khách kéo về nườm nượp. Để rồi sau đó Mũi Né trở thành thành phố resort nhiều nhất nước.

Nhưng Mũi Né nằm phía bên kia núi, bên này thì cứ năng chang chang và nghèo miết


Tháng tư, đường về nắng chang chang. 350 km nghe quen từng cái ổ gà.

Chắc không phải mình nhớ dai, mà vì cảnh vật chẳng có gì thay đổi. Như ngọn Tà Zôn này.

DSC00155 by nhabaoduchien.


Nhà bạn ở bên sông. Bạn rủ ở lại bắt cá sông lên nhậu và ngắm hoa vàng, nhưng vội quá, hẹn mày ngày khác. Làm ăn thời khủng hoảng, đóng cửa công ty ở nhà đi câu và chơi phong lan lại hóa hay. Mấy chục khúc rễ cổ thụ gắn đầy phong lan bây giờ đáng giá một gia tài.

DSC00175 by nhabaoduchien.

Bờ sông đầy nắng, xương rồng nở hoa. Hồi xưa chạy xe đạp chở thằng K’lu ngã vào bụi xương rồng, nó đâm cả trăm mũi, may không mũi nào vào mắt. Giờ, không còn hàng rào xương rồng nữa, vì tốn đất.

DSC00178 by nhabaoduchien.

Làng gốm giờ ít khói hơn xưa, những lò nung đã mọc lên thay cho việc nung lộ thiên. Em gái ngày xưa mười sáu đẹp như mơ, da trắng nõn, giờ đã hai con và rám nắng. Hồi đó em học cách ngâm đất, pha cát, giờ đã là bà chủ lò gốm. Lấy một anh giáo làng, chồng đi dạy, vợ ở nhà tíu tít gói đồ cho khách.

DSC00204c by nhabaoduchien.

Hai mươi năm rồi. Những đứa bé thì tiếp tục ra đời và lớn lên.

DSC00201 by you.

Bức tượng gãy tay, bể nham nhở,. Em nói khi nặn tượng, cố gắng làm cho nó thật hoàn chỉnh, sau đó gõ cho nham nhở ra rồi đem nung. Nó khiến người ta nhớ bức tượng gãy tay của Pô Yang (Pô-rô-mê) trên tháp. .Anh thấy không, khuôn mặt cô ấy rất Chăm- em nói vậy. Mình nói: cả ngực nữa, rất Chăm.

DSC00197b by nhabaoduchien.

Nhà cũ, hoa giấy vẫn đỏ lối vào, nhưng cỏ dại um tùm trước ngõ, sen chưa nở. Ghé về nhìn cái rồi đi.

DSC00206 by nhabaoduchien.

Lên núi thăm bạn. Hai mươi năm, thằng bạn học già quá. Đến mức mình tưởng đấy là bố của bạn hai mươi năm trước. Cụ mất rồi, thằng bạn lại dạy đúng ngôi trường ngày xưa nó học, cái lớp ngày xưa bố nó dạy.

PIC-0951 by nhabaoduchien.

Về chút rồi đi. Gốm làng, hoa mướp hoa bí thì để lại sau lưng.

PIC-0945 by nhabaoduchien.

Chỉ mang theo bức tượng Chăm ngực trần. Ký ức đôi khi cũng vỡ và cũ kỹ như pho tượng vậy.

PIC-0955 by nhabaoduchien.

source

VienDongDaily

Thứ Ba, 2 tháng 3, 2010

Đá gà và cá độ



Cập nhật lúc 4:39:34 AM - 01/03/2010

daga1.jpg


Gà chuẩn bị lâm trận – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông


Cỏ May/Viễn Đông



Sau ngày Tết, ở Miền Tây phong trào đá gà càng ngày càng dữ dội hơn và kéo dài cho đến hết rằm tháng Giêng. Từ thành thị cho đến những vùng thôn quê hẻo lánh, nơi nào cũng có một “trường gà” không nhỏ thì lớn. Hầu hết cánh đàn ông thích đi xem đá gà để chơi cá độ…, nhiều độ lớn có khi lên đến 10 triệu đồng. Tuy vậy ổ đá gà nào càng lớn, mức cá độ càng cao thì mức độ an toàn càng dữ, vì đã có “đàn anh bảo kê” lấy xâu.

Ở Miền Tây giới đá gà thừa biết câu hát dân gian: “Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh. Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân”. Theo các con đường miền quê, cứ chạy xe gắn máy vài phút là thấy một gia đình úp những cái lồng nhốt gà đá cặp theo hông nhà hay trước sân, hoặc thấy một tốp thanh niên một tay hút thuốc một tay cặp cái giỏ đeo đựng gà, đi đến trường gà, hoặc từ trường gà về.


daga3.jpg


Thanh niên quẩy giỏ đệm đi đá gà – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông


Họ bàn tán chuyện ăn thua, chuyện gà người nầy hay hơn gà người kia, kể cả chuyện hên xui trong khi cá độ…

Gà đá thường là gà nòi ô lông đen tuyền, hoặc gà điều màu vàng đỏ, hoặc gà chuối bông lốm đốm trắng ưỡn ngực cất cao tiếng gáy.


daga2.jpg


So kè – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông


Nhà chú Ba Tám Tự là một người có tiếng trong nghề nuôi gà nòi hơn 30 năm qua. Ông dành hết khoảng sân rộng xung quanh nhà để nuôi gà nòi. Mỗi con gà trưởng thành được nhốt riêng trong cái lồng đan bằng nan tre. Coi cái cách của ông cho gà uống nước cũng thấy hết sức kỹ lưỡng. Phải là nước mưa, đựng trong lu có nắp đậy đàng hoàng. Tới cữ uống mới đem ra cho vô cái ca nhựa móc trên thanh tre của lồng. Chuyện cho gà ăn càng công phu hơn, theo như ông cho biết: “Phải ‘ví’ sẵn năm bảy chục giạ lúa trong nhà, mà phải là lúa phơi khô giê sạch như tiêu chuẩn lúa xuất khẩu. Trước bữa cho gà ăn phải ‘giũ’ lúa bằng cách ngâm nước, ủ cho ra mộng. Mà cho ăn cũng phải có chừng mực, sao cho vừa đủ chất vừa không dư mỡ, nếu không gà sẽ nặng nề, xoay trở chậm chạp. Cũng giống như huấn luyện cầu thủ bóng đá vậy, ăn uống phải đầy đủ dinh dưỡng và chế độ tập luyện nghiêm ngặt gà mới khỏe, nhanh nhẹn và chịu đòn dai, sẵn sàng ‘nạp’, hứng chịu mọi cú va chạm của đối thủ”.

Để con gà có da thịt săn chắc, hằng ngày ông tẩm nghệ, phun rượu toàn thân gà. Các thứ lông cánh, đuôi, chân, cổ… được cắt tỉa cẩn thận. Ông nói, làm vậy “để cho thân gà gọn nhẹ, không vướng víu khi lâm trận. Còn tẩm gà thì có bài thuốc riêng thuộc loại bí truyền, đủ sức tẩm gà tới mức da nó dày như da… ngựa, cựa thường đâm không lủng, trừ cựa sắt mà thôi”.


daga4.jpg


Vô nước cho gà khoẻ lại, đá đợt hai – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông


Gà sau khi được bán cho các tay mua gà đi đá bắt độ, thì mỗi người tự chuẩn bị tập dợt cho gà đá thử (bịt cựa) để làm quen, làm liên tục như vậy một thời gian gà sẽ sung và rất “máu”. Nhiều dân chơi gà chuyên nghiệp còn cho gà ăn lòng đỏ trứng gà, thịt sống hoặc cá sống để cho gà sung sức trước khi “lâm trận”. Ông THV ở Thới Long, Ô Môn thì có các tẩm bổ gà kiểu quí tộc, cho gà ăn lươn tươi nhỏ chặt khúc. Ngoài ra dặm thêm các thứ cà chua, đậu xanh, đậu nành... mỗi sáng sớm cho gà uống một lần, có ly, chén đong đo cẩn thận. Làm như vậy để gà bền sức khi đá, không “hóc” nước.


daga5.jpg


Gà bay đá – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông


Sau đó đem gà ra tắm sương, dùng khăn sạch lau gà cho đều rồi phun ít rượu. Cách này để gà dai sức, đá không hết “pin”. Và điều tối kỵ là không bao giờ để cho gà đạp mái. Chứ nếu không, đang đá nửa chừng mà bị run chân là gà “cúng mạng” đối phương liền.

Hiện nay, các “lò” nuôi gà xuất hiện ở đều khắp các tỉnh chứ không riêng gì Cao Lãnh. Có thể thấy nổi lên khá rầm rộ ở miệt Gò Công (Tiền Giang), Đức Hòa (Long An), Hóc Môn - Bà Điểm (Sài Gòn), Ô Môn (Cần Thơ), Châu Đốc (An Giang)... đều là những nơi có nuôi gà nòi truyền thống từ xưa.


daga6.jpg


Bán bội nhốt gà đá – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông


Ngày nay, ít ai nuôi gà để đá xem chơi, mà phần lớn nuôi gà để đá bắt độ. Gà đá độ giá thường cao gấp 5 đến 10 lần gà trống bình thường, nhiều con bách chiến bách thắng giá cả chục triệu đồng cũng có người mua. Ông Sáu Hành ở Châu Phú, An Giang lại có cách tuyển gà kiểu kỳ lạ, ông chuyên mua những chú gà đá thua về rồi dưỡng, cho đến khi gà hoàn toàn mạnh khỏe, sung sức trở lại. Sau đó ông qua tận miệt Bến Tre, Tiền Giang tìm những con mái tơ nòi đem về phối giống. Dựa vào câu nói dân gian “Chó giống cha, gà giống mẹ”, ông tìm mua cho được gà mái Mỹ nhập từ nước ngoài. Theo suy luận của ông, gà mái Mỹ có lá phổi nhỏ, cho lai gà nòi Việt sẽ cho ra lứa “gà giống mẹ” là có phổi nhỏ. Điều này hết sức có lợi cho gà khi lâm trận. Bởi vì khi đá, gà thường đâm vào nách đối thủ, nếu trúng phổi thì thua liền. Nếu gà có lá phổi nhỏ thì xác suất bị đâm trúng sẽ không cao. Ngoài ra, do đặc tính của gà Mỹ là sung sức, mạnh mẽ, khi lai với gà nòi Việt nhanh lẹ, khôn ngoan sẽ cho ra lớp kế thừa có đầy đủ yếu tố của dòng gà vừa khỏe vừa tinh khôn, có đòn hiểm.
****************
source
VienDongDaily