Thứ Tư, 2 tháng 12, 2009

Về Hòn Khói


Cập nhật lúc 2:20:06 AM - 30/08/2008

honkhoi-1.jpgBài và ảnh: Trần Công Nhung

Thắng cảnh Nha Trang thường được nhắc đến những tên quen như: Hòn Chồng, Tháp Bà, Ba Hồ, Trí Nguyên, Đại Lãnh...

[Ruộng muối Hòn Khói]


Ngày nay, trong thời giao thông và tin học “bùng nổ”, du lịch nổi lên nhiều “điểm nóng” nghe lạ tai: Vinpearl (Hòn Ngọc Việt), Bãi Tiên, Bãi Dài, Sông Lô, Văn Phong (Đầm Môn), Yang Bay sinh thái, Dốc Lết Resort, v.v..

Thời trước đi Hòn Khói cốt để xem ruộng muối và làng chài. Hòn Khói là vựa muối của cả nước và cũng là kho đề tài của giới nhiếp ảnh. Đã có những tác phẩm muối đoạt huy chương quốc tế nhiều thập niên trước. Tôi còn nhớ năm 1983 có đoàn nhiếp ảnh ở Sài Gòn ra Hòn Khói “sáng tác”. Chẳng rõ cơ duyên nào mà tôi cũng được tháp tùng, bởi sau khi (...) về, tôi bị (...) “khóa tay chân” (1), không cho làm bất cứ việc gì để kiếm sống, chỉ được ngồi chơi xơi nước (giếng). Lần ấy có một vài nhà nhiếp ảnh kỳ cựu như: Cụ Phạm Văn Mùi, Trần Xắn Vinh (đều đã qua đời). Lúc đoàn nhiếp ảnh ra cánh đồng muối thì ai nấy đều hít hà nhốn nháo. Trước mắt mọi người sừng sững một tác phẩm vĩ đại, một tác phẩm sống động, một tác phẩm với đường nét tuyệt vời mà không cần thêm bớt bởi bàn tay nhà nhiếp ảnh, cho dù nhà nhiếp ảnh bậc thầy.

Giữa cánh đồng mênh mông của “Hòn Khói quê ta”, một ngọn đồi trắng tinh (muối), ngọn đồi khá lớn, dài chừng 50m, cao mười mấy mét, đoàn người gánh muối nối đuôi nhau từ chân lên đỉnh đồi theo hình chữ chi dzíc dzắc. Hình ảnh khá lạ trong đời lao động của dân Việt, cực nhọc mà hiếm có.

Quanh tôi tràn ngập máy ảnh nhảy rào rào. Cả đoàn nhiếp ảnh bấm máy hăng say. Ai cũng cầm chắc tác phẩm đang nằm trước mặt. Trong lúc nhà nước hô hào cổ xúy tôn vinh: “Lao động là vinh quang”, thì đây là tác phẩm tiêu biểu, một tác phẩm nói lên sự nỗ lực của con người trong giai đoạn cùng khổ.

Vài năm sau, nghe tin nhiếp ảnh gia Trần Xắn Vinh được huy chương vàng quốc tế với tác phẩm “Muối Hòn Khói”. Năm 2001 đại học Cypress (California) có cuộc triển lãm “Nhiếp ảnh đương đại VN” (2), tôi đã được chọn tác phẩm này để triển lãm, có khán giả Mỹ hỏi mua nhưng vì còn bản duy nhất nên phải giữ lại (3).

honkhoi-2.jpg[Đồi muối]

Lúc bấy giờ dân Hòn Khói còn nghèo, đường sá chưa được mở mang, Dốc Lết chỉ là một bãi biển của địa phương không mấy ai để ý. Muốn ra bãi biển phải qua một đồi cát vài trăm mét. Nhiều người khôi hài bảo: Qua được đồi cát là lết luôn. Vì thế mới có tên Dốc Lết. Ngày nay Dốc Lết là điểm du lịch khá hấp dẫn, cách Nha Trang chừng 50km về phía Bắc. Tiếng tăm Doclet Resort đã qua mặt muối và xi măng Hòn Khói.

Tôi đi thăm Dốc Lết nhân thể “rô đa” chiếc xe máy mới mua. Mỗi lần về VN cứ phải thuê mượn xe, vừa tốn kém lại bất tiện (4), nay giá xe chỉ 6 triệu 4 (400 USD), tôi nhờ con gái đứng tên mua cho một chiếc. Chủ bán xe là ông bộ đội về hưu, người mua nhà của tôi ngày trước nên đáng tin cậy. Chiếc Funky trông cũng trẻ trung thể thao ra phết. Tôi chọn chiếc màu đen xám nhưng người bán bảo: “Bác chạy chiếc nửa đỏ nửa đen cho nó thanh niên, màu này đang ăn khách bác ạ”. Tôi ngẫm nghĩ “nửa đỏ nửa đen” là huề vốn. Sống đời này mà huề vốn là quí rồi, tôi đồng ý ngay. Mà ngẫm cho cùng, xưa nay chả mấy khi mình ăn ai, cũng không thua gì nhiều, làng nhàng “tiền hung hậu kiết”, đen (chi) trước đỏ (thu) sau, thế là huề!

Tôi và người bạn nhỏ thay nhau “điều khiển xe máy tham gia giao thông” như lần đi Hòn Kẽm. Chúng tôi khởi hành sớm để dừng điểm tâm tại quán Gió bên đường vào Ba Hồ. Người chọn nơi làm quán Gió rất tinh ý. Từ Nha Trang đi Ninh Hòa 30km, Gió tại cây số 25, nằm dưới chân dèo Rọ Tượng. Đây là cánh đồng nước mặn, trước kia toàn cây mắm, bây giờ ruộng nuôi tôm. Tiếng là Gió nhưng không phải gió chướng mà gió hiu hiu. Trước 75 Gió chỉ một, nay đến ba, quán nào cũng Gió, chỉ khác cách trình bày bảng hiệu. Gió nguyên thủy là Gió giữa, Gió hai bên mới dựng sau này. Ở đây có đủ các món hải sản, món cháo rất ngon, hương vị ngọt ngào của sò, tôm... ăn không ngán. Gió ở đường biển Trần Phú (Duy Tân) cũng do đây mà ra. Vì lẽ Gió nổi tiếng nên mới sinh ra nhiều Gió.

Ngồi ở quán Gió nhìn quang cảnh chung quanh, nhìn đèo Rọ Tượng, nhìn cánh đồng Phú Hữu chạy vào tận núi xanh nơi có thắng cảnh Ba Hồ. Thỉnh thoảng nghe tiếng cá móng dưới sàn. Trong không khí thanh bình thoáng đạt, khách có cảm giác thích thú mới mẻ. Điểm tâm một nơi như vầy còn đâu bằng. Vào hàng quán tù túng nóng nảy ở thị trấn Ninh Hòa để làm gì. Thế nên khách đường xa thường dừng chân bên quán Gió. Buông xả tất cả, để nghe dư âm đâu đó một thời, tâm trạng của kẻ phiêu bạt trở về:

Tới đây nơi xưa, gió êm êm đưa áng mây trôi tới xa xôi khuất nơi sau đồi.

Quán tranh xiêu xiêu, chốn đây cô liêu, nhắc cho ta biết bao nhiêu dáng xưa yêu kiều.

Tiếng ca xa xa lắng trong bao la, với tiếng ru khẽ rung lên trong chiều gió

Đã bao năm qua, sống nơi phương xa, về quê cũ đành dừng bước chân giang hồ.

(Dừng Bước Giang Hồ, nhạc: Hoàng Trọng, lời: Quang Khôi)


Âm hưởng của bài hát thật thú vị, khiến tôi cảm thấy gần gũi thân thương với tất cả mọi thứ chung quanh. Nếu được làm kẻ giang hồ thật sự thì giây phút này tôi còn sung sướng biết bao. Tôi ngồi lại khá lâu cho tất cả dư âm ngày cũ trở về thấm đậm vào tâm. Rồi dòng suy tư cứ lan man qua bao vùng trời kỷ niệm tôi chợt nhớ một hơi trong bài “Trở về mái nhà xưa” (Come back to Sorrento, nhạc Ý, lời của Phạm Duy):

Về đây nhé! Cắm xong chiếc thuyền hồn

Ôi lãng du quay về điêu tàn” (5)


Điểm tâm xong, chúng tôi tiếp tục lên đường. Trên đỉnh đèo Rọ Tượng nhìn xuống làng chài Tri Thủy, trước đây rải rác mái ngói mái tôn, nay cả làng đỏ thắm, thêm một ngôi chùa lớn bên sườn đèo, làm nổi bật bức tranh vốn không có gì đặc sắc trước đây. Ngày nay ngắm cảnh chỉ thấy cảm xúc thích thú chứ không có tâm trạng dòm ngó tìm đường vượt biển như trước. Theo quốc lộ 1 không vào thị trấn Ninh Hòa, đời sống dân chúng nay cũng khá hơn, nhất là vùng đất trống trải chỗ rẽ lên đồi Bạch Mã, nơi đồn trú của quân đội Nam Hàn trước 75, giờ là một khu phố khang trang, buôn bán tấp nập.

Xuống đèo Bánh Ít rẽ phải theo con đường nhựa, đây là đường tôi thường về Hòn Khói trước đây. Chạy gần hết đường mà chẳng thấy một đám ruộng muối nào, chẳng lẽ Hòn Khói không còn làm muối, tôi nghi mình bị lạc. Trụ ki lô mét lại chỉ khu công nghiệp Huyndai? Lúc ra sát bờ biển mới biết nhầm thật. Về Hòn Khói Dốc Lết đi con đường ngoài, đường này riêng của khu công nghiệp mới làm. May có người chỉ cho gần đấy có ngã ba băng qua Dốc Lết vừa nhanh lại biết thêm nhiều cảnh lạ. Xui lại hên.

honkhoi-3.jpg

[Thị trấn Hòn Khói]

Đúng là “vật đổi sao dời”. Xưa, đường đất quanh co, nay đường nhựa, đường bê tông thẳng tắp, tôi không tài nào nhận ra. Chỉ mươi phút gặp một bùng binh lớn, thấy bên đường có bảng chỉ đi Dốc Lết, chạy thêm chừng một dặm, có bảng rẽ phải, Dốc Lết cách 800m.

Qua một cánh đồng muối, nhiều đụn muối trắng tinh rải rác theo bờ đập, từng nhóm công nhân gánh muối, bóng in như soi gương. Sáng sớm nắng nhẹ, không khí trong mát, thật dễ chịu. Đàn cò trắng nghỉ ngơi trong đám ruộng nước bỏ hoang, thấy xe chạy qua, cất cánh một loạt. Cò không bay tung như chim sẻ mà từ tốn nhịp cánh là là hàng dài thong thả qua ruộng muối được cào thành đống nhỏ từ chiều hôm trước. Màu trắng và màu trắng rất hài hòa đẹp mắt. Hình ảnh đồng muối nay như thu hẹp lại, đẹp nhẹ nhàng chứ không tất bật vất vả như xưa.

(Còn tiếp)

Trần Công Nhung
6-2007

(1) Thăng Trầm của tác giả in 2003

(2) Về Nhiếp Anh in 2004

(3) Đổi đời trong Thăng Trầm

(4) Hòn Kẽm Đá Dừng trong tập này.

(5) Tôi quen miệng ghép hai câu ở đoạn 3 và đoạn 1 của bài nhạc theo cảm xúc của mình. Ký ức chỗ này không chắc lắm, nếu có sai lầm xin bạn đọc cho biết.

**********************

source

Vien Dong Daily

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét