Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2009

Một ngày Vu Lan ở Sài Gòn


September 04, 2009


Nguyễn Thị Lan Anh-Việt Tribune

Hướng dẫn nhóm bạn vừa Mỹ rặt vừa Mỹ lai đi xemVu Lan Sài Gòn – dù chỉ một ngày ngắn ngủi, đối với kẻ viết bài không dễ chút nào vì các bạn cứ đòi ‘dĩ lễ vi tiên, dĩ hội vi thứ, dĩ thực vi hậu’, dịch nôm là đi chùa trước hết, kế tới tham dự vài nghi thức, tục lệ lễ Vu lan, cuối cùng mới nếm thử đồ chay.

Khách ăn buffet chay ở nhà hàng Vân Cảnh.Photo NTLANH/Việt Tribune

Đi chùa
Sài Gòn có nhiều cơ sở thờ tự ở lẫn với khu dân cư, rất tiện cho việc lễ bái của Phật tử lớn tuổi ngại xe cộ đường xá. Ngoài các chùa cổ Việt-Hoa có tiếng trước đây, các chùa mới sau này đều to rộng, mái chùa cong vút, chạm trổ cầu kỳ bằng xi măng. Vài chùa ‘xi măng hóa’ khá đẹp là chùa Vĩnh Nghiêm quận 3, chùa Phổ Quang quận Tân Bình và chùa Kim Sơn quận Phú Nhuận. Năm nay, để đón mừng đại lễ Vu Lan, chùa trên địa bàn Sài Gòn, dù theo hệ phái Phật giáo nào, đều trang hoàng cờ hoa lộng lẫy, làm lễ đài trang nghiêm. Đi lễ chùa nhỏ trong xóm ấp, không khí trang nghiêm, thân tình. Khách và trụ trì chùa đều biết nhau. Các chùa lớn không được vậy. Ngoài sân chùa, trong chính điện chỗ nào cũng rác và nhang khói mù mịt. Khách thản nhiên mang giầy dép vào nơi hành lễ, vô hình trung các động tác quì lạy đều miễn hết. Người ta đứng rì rầm ‘tâm sự’ với Phật tổ, huơ huơ bó nhang to như bó củi,’cuốc’ sơ sơ mấy nhát rồi ‘chôn’ luôn vào lư hương. Khói cuộn lên như khói cháy nhà. Nước mắt nước mũi trào ra
May sao, ngoài sân chùa, không khí dễ thở hơn. Các em nhỏ trong Gia đình Phật tử ríu rít mời chào những bông hoa cài áo. Hai ngàn đồng một bông hoa bằng giấy – hoa trắng cho người mất mẹ, hoa đỏ cho người còn mẹ. Rất mừng, năm nay, mầu hoa đỏ tràn ngập sân chùa Vĩnh Nghiêm, Dược Sư, Xá Lợi, Phổ Quang tạo nên một cảnh rất cảm động.
Đám bán chim cá phóng sinh ‘đến hẹn lại lên’ ngồi thành dãy trong sân chùa. Chim sẻ phóng sinh ba chục ngàn mười con vẫn có nhiều người mua nhưng không đắt hàng bằng cá. Muốn mua cá, chỉ cần gọi điện thoại trước. Đúng hẹn, ‘nhà cá’ có mặt, giao hàng. Năm chục ngàn một ký cá rô, cá bống nhỏ (trên 60 con) đựng trong thùng hay bọc nilon. Người phóng sinh thuê thuyền, đem cá ra giữa giòng trút xuống. Thế là xong! Suốt tháng Bảy – đông nhất là ba ngày 14, 15, 16 – bến cá chùa Diệu Pháp không lúc nào ngớt người lui tới. Chỗ này xếp mấy bọc cá bảy mầu, chỗ kia hai giỏ cá trê, sát bực lên xuống sông, hơn chục thùng sắt vuông đầy lươn, ếch, cá bống. Ông lái đò cho thuyền ra vào liên tục. Ông cho biết lúc cao điểm mình ông thả vài tấn cá các loại là thường.

Kinh sách – cải lương
Đứng trước rừng sách báo, tranh thư pháp, băng đĩa nhạc, đồ thờ tự, trang sức, áo tràngbán trong phòng kinh sách thiền viện Vạn Hạnh, chùaVĩnh Nghiêm, chùa Phổ Quangkhách đi lễ hoa mắt vì so với trước, những thứ hỗ trợ cho người đi tu quá phong phú, mua sắm quá dễ dàng.
Món quà tặng được chọn lựa nhiều nhất năm nay, có lẽ là tiểu phẩm Bông Hồng Cài Áo của thiền sư Thích Nhất Hạnh do nhà xuất bản Thanh Niên tái ấn hành. Nhớ lại đâu hồi 40 năm trước, khi mới ra mắt lần đầu, tiểu phẩm này đã rất nổi tiếng. Từ đó đến nay, Bông Hồng Cài Áo chưa bao giờ nhạt phai hương sắc trong lòng những thế hệ con cái hiếu kính cha mẹ. Cùng là quà tặng như Bông Hồng Cài Áo nhưng hiếm hơn, được coi là ‘hàng độc’, chưa từng xuất hiện ở Việt Nam, là hộp thẻ kinh Pháp Cú và hộp thẻ kinh Khuyến Tu.
Về hình thức, hộp thẻ kinh Pháp Cú chứa 423 thẻ kinh, mỗi thẻ có kích thước bằng một card visit, mặt này in một bài kinh Pháp Cú (bản dịch của Tịnh Minh), mặt kia in một trong 112 hình Phật Thích Ca Mâu Ni chụp trực tiếp từ các pho tượng Phật khắp thế giới. Còn hộp thẻ kinh Khuyến Tu chứa 500 thẻ kinh. Mặt trước in một bài kinh hoặc kệ khuyến tu, mặt sau in một trong 112 hình Phật-Bồ Tát. Hai hộp thẻ kinh đều được in màu, trình bày mỹ thuật trên giấy cứng láng. Giá 100.000 một bộ.
Kẻ viết bài tìm gặp người thực hiện công trình này – một Việt kiều ở Houston, chị N. K Chị K. cho biết, từ năm ngoái, nhân dịp Vesak Hà Nội 2008 – thông qua ban tổ chức – chị từng cúng dường đại biểu đến từ các nước, mỗi vị một hộp thẻ kinh làm quà tặng. Năm nay, nhờ một hòa thượng trụ trì đứng tên giấy phép, chị tiếp tục ấn tống 1,000 hộp thẻ kinh Pháp Cú, 1,000 hộp thẻ kinh kệ Khuyến Tu vừa tặng các chùa vừa đáp ứng Phật tử quen biết. Cách sử dụng thẻ kinh rất đơn giản – mỗi ngày rút tình cờ trong hộp ra một thẻ (như kiểu lắc ống xin xăm). Được thẻ có lời kinh gì, hình Phật gì, bài học đạo đức gì, người rút sẽ tự suy nghiệm. Một ngày. Nhiều ngày. Một thẻ kinh. Nhiều thẻ kinh. Cứ thế, Phật tính được khơi lên dần.

Dâng cúng mẹ Quan Âm ở chùa Phổ Quang- nhân lễ Vu Lan .Photo NTLANH/Việt Tribune

‘Mua kinh sách nhiều nhưng không có thì giờ đọc. Phải chi có hình thức nào hấp dẫn, dễ nhớ, dễ thuộc kinh Phật mà khỏi đọc thì tốt hơn.’ Bắt mạch được nhu cầu của các Phật tử này, giới điện ảnh, sân khấu đã nhanh chóng có sản phẩm đáp ứng. Năm trước là bộ phim ‘Duyên trần thoát tục’ nói về cuộc đời Đức Phật. Năm nay vở cải lương ‘Thái tử A Xà Thế’ được dàn dựng. Lấy tích thái tử Xà Thế ở Ấn Độ, thời Phật Thích ca còn tại thế, vì ham ngôi báu đã âm mưu giết cha. Âm mưu bại lộ, vua cha chẳng những không hài tội thái tử, ngược lại còn nhường ngôi. Lên làm vua, việc làm đầu tiên của thái tử là giam cha vào ngục cho chết dù vợ và mẹ hết lời van xin. Đến khi nhà vua có con, nghĩ lại biết thương cha mẹ, sám hối tội lỗi thì đã muộn… Ở buổi tổng duyệt, ‘Thái tử A Xà Thế’ cho thấy sự đầu tư khá công phu về mọi mặt, hứa hẹn thành công lớn lúc công diễn ở Sài Gòn- Đà Lạt trong vài ngày tới.

Ăn chay
Nói tới lễ Vu Lan, sẽ thật thiếu sót nếu bỏ qua tiết mục ăn chay. Cùng rằm tháng Giêng, rằm tháng Mười thì rằm tháng Bảy được coi là dịp ăn chay thích hợp nhất. Có nhiều cấp độ chay. ‘Bản lĩnh’ nhất ‘chơi’ nguyên tháng, nửa tháng, thường thường thì ba ngày 14, 15, 16. Bét nhất mới một ngày 15. Có người ăn chay vì vái xin một điều gì trước đó, được toại nguyện, bây giờ ăn ‘trả ơn’. Có người vì ‘rằm lớn, ăn cả nhà để lấy phước’. Người khác ăn vì tránh sát sanh, thực hiện lòng quí trọng sinh mạng vạn vật của Phật giáo. Người khác nữa thì ‘thấy khoẻ, giảm cân, người nhẹ nhàng hẳn nên ăn luôn’. Mỗi người một nhu cầu, một cách thức ăn chay. Nghiêm nhất là các Phật tử thuần thành. Nghêu ngao và buồn cười nhất là các vị ‘chay đụng’ trẻ tuổi. Vái thi đậu, ăn chay nhưng ăn được vài lần thấy đuối, bèn ‘nhờ má ăn giùm con cho đủ tháng’. Vái hết bệnh, ăn chay nhưng Chủ nhật phải đi cái đám cưới có gà quay, lẩu cá, tôm hấp. Đành phá giới, hôm sau ăn chay bù. Không thiếu kẻ lý sự cùn kiểu ‘đi tu thì phải ăn chay. Thịt chó ăn được, thịt cầy mới kiêng’ để phá bỏ hợp đồng ăn chay đã ký với Phật tổ.
Trong tâm trí người ngoại đạo, thực đơn chay của nhà Phật rất đạm bạc, nghèo nàn. quanh đi quẩn lại chỉ chao tương, đậu hũ, dưa leo, nấm rơm. Nghĩ vậy đúng, nhưng lạc hậu rồi. Vì hiện nay ẩm thực chay Sài Gòn đã được nâng cao, mở rộng thành trường phái ẩm thực chay, đối chọi ngang ngửa với trường phái ẩm thực mặn. Ngoài hệ thống quán chay bình dân, hàng loạt nhà hàng cao cấp thi nhau mọc lên, phục vụ món chay quanh năm. Khách vào nhà hàng khá đông người nước ngoài, người ngoại đạo. Hai chị em gái ngồi trong quán chay Thuyền Viên cho biết ‘đơn giản tụi em bệnh, bác sĩ khuyên nên ăn nhiều rau củ, tránh thịt, mỡ động vật’. Quán Thuyền Viên tọa lạc ở đường Nguyễn Văn Đậu – Phú Nhuận. Nhân viên hơn 30 người chạy như con thoi vẫn không đáp ứng xuể nhu cầu của khách ăn tại chỗ, mua mang về, mua qua điện thoại. Thực đơn phong phú gần 50 món, giá lại rẻ – 3.000 đồng một cuốn gỏi cuốn, 15.000 đồng một tô bún, hủ tiếu, mì các loại, 25.000 đồng một dĩa mì xào, gỏi ngó sen, 100.000 đồng một cái lẩu thập cẩm… nên hơn chục năm lại đây, địa chỉ Thuyền Viên luôn ‘cháy chỗ’ suốt tháng chay.
Một hình thức chay khác, đang được giới trẻ Sài Gòn ưa chuộng, là hình thức buffet chay. Người sành ăn rất ‘kết’ buffet chay của nhà hàng Vân Cảnh – đường Phạm Ngũ Lão – đối diện chợ Bến Thành. Anh Maurice, nhân viên văn phòng ở cao ốc Nguyễn Huệ, cho biết từ 7 năm qua, Vân Cảnh năm nào cũng tổ chức bán vé buffet chay nguyên tháng. Và anh là một trong số thực khách trung thành của Vân Cảnh. Lý do? ‘Gần chỗ làm, ban trưa ban chiều đều ăn đó. Ăn ba chục ngày không hề đụng món cũ. Món nào cũng ngon miệng, đẹp mắt. Hết một tháng chay, xuống được bốn kílô mà người có vẻ trẻ khoẻ hẳn ra.’ Gia đình ông Phú năm người, ngồi thành một bàn riêng. Ông nhận xét ‘100.000 đồng/ vé ăn trưa, 120.000 đồng/ vé ăn chiều. Đây đắt, nhưng nêm nếm hết sức sắc sảo. Nấu nướng sạch sẽ, phòng ăn rộng, mát mẻ. Coi như nhất Sài Gòn!’
Một địa chỉ khác, vừa bán món chay, vừa phục vụ buffet chay, cũng rất được khen ngợi, là nhà hàng Việt Chay. Từ một cơ sở khiêm tốn, hiện Việt Chay đã phát triển thêm vài chi nhánh miền Bắc, miền Trung. Ở Sài Gòn, Việt Chay nằm trong khuôn viên chùa Vĩnh Nghiêm quận 3. Trong nhà hàng trang trí nhiều thư pháp, tranh ảnh Phật giáo. Bàn ghế, đồ dọn ăn, người phục vụ… đều khá bài bản. Lượng thực khách của Việt Chay là tăng ni sinh trường Phật học (cũng đặt trong chùa Vĩnh Nghiêm) và khách nước ngoài, khách hành hương mỗi dịp lễ tết.
Buffet chay của Việt Chay chất lượng bình thường. Số món cũng kém phong phú, giá cả lại không hề rẻ nhưng nhờ chỗ ngồi tiện nghi, sang trọng nên khách vẫn đổ xô đến trước khi thở dài ‘chắc không có lần hai’. Ngồi một bàn trong góc, nhóm bạn già nhìn thực đơn, tấm tắc khen ‘Cửu niên diện bích (gỏi) Niêm hoa vi tiếu (sa kê xắt lát chiên mè), Kiến Phật kiến tâm (súp), Thưởng nguyệt luyến hoa (rau câu) toàn Phật tích, Phật điển. Thực là sâu sắc, trang nhã’. Và họ thi nhau ‘trang nhã’. Đứng dậy, bấm bụng trả hơn 300.000 đồng. Có chuyện vui vui không thể không kể. Là trước khi về, các vị rủ nhau ‘thăm’ toa lét. Đứng trước hai tấm biển gắn trên hai toa lét, thay vì ghi ‘nam-nữ’rõ ràng như thường lệ, thì thay bằng hình vẽ lá sen, búp sen, các vị phân vân rồi đùn đẩy nhau ‘thám hiểm’. Một vị gào nho nhỏ (!) ‘đàn ông- đàn bà, biết ai là lá, ai là búp, hả trời!
Một ngày rong ruỗi Sài Gòn trong mùa Vu lan mưa ngâu nho nhỏ, se lạnh, cảm giác để lại cho khách phương xa là ‘rất vui, rất ngon, rất hay’. Kẻ viết bài chỉ tin họ 50%. Căn cứ vào cái lắc đầu kín đáo khi nhìn cảnh rác rến bát nháo trong chính điện Vĩnh Nghiêm và nét mặt ngạc nhiên lúc chứng kiến không ít người ăn buffet chay kiểu ‘rừng’ – thi nhau chuốc hàng đống đồ ăn về bàn, nếm qua loa rồi bỏ mứa, tiếp tục tha lôi thêm thứ khác… Người ta tế nhị không nói ‘rất dở, rất tệ, rất kỳ cục’, nhưng không phải vì thế mà ‘văn hóa rằm tháng Bảy’ của ta không có nhiều sạn cần phải loại trừ.[NTLA]

********************

source

Viet Tribune Online

Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2009

Sài Gòn xưa

Sài Gòn xưa (1930) Nguồn: schloemp.de

Sài Gòn, niềm tin
Ngày: 27-06-2006
Đề tài: Lịch Sử
Trần Gia Phụng

1.- Sài Gòn, thành phố trẻ trung

So với Hà Nội hay với Huế, Sài Gòn trẻ trung hơn. Hà Nội tức cố đô Thăng Long, do vua Lý Thái Tổ lập ra năm 1010, cho đến nay gần một ngàn năm. Huế được vua Chăm là Chế Mân tặng Đại Việt làm sính lễ năm 1306 trong cuộc hôn nhân với công chúa Huyền Trân, vừa đúng bảy trăm năm. Còn Sài Gòn chỉ mới nhập Việt tịch hơn 300 năm, cùng một lần với đợt Nam tiến cuối cùng của dân tộc Việt, bắt đầu từ thời các chúa Nguyễn, vào thế kỷ 17 trở đi.Người dẫn đường cho dân Việt đến Sài Gòn và vào miền Nam là bà Nguyễn Phúc Ngọc Vạn. Bà là con gái thứ hai Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên (cai trị Đàng Trong từ năm 1613 đến năm 1635). Năm 1620, bà kết hôn với vua Chey-Chetta II (trị vì 1618-1628) và trở thành hoàng hậu Cambodia. Ba năm sau, tức năm 1623, do sự vận động của bà Ngọc Vạn, vua Chey-Chetta II thuận theo lời yêu cầu của Sãi Vương, để cho người Việt đến định cư và canh tác tại khu dinh điền Mô Xoài, gần Bà Rịa ngày nay. Như thế bà Ngọc Vạn đưa người Việt vào Sài Gòn một cách êm thắm, giống bà Huyền Trân đưa người Việt đến Huế trên ba trăm năm trước đó. Sau khi vua Chey-Chetta từ trần năm 1628, vương triều Cambodia thường xảy ra tranh chấp ngôi báu. Các hoàng thân tranh giành địa vị, liền nhờ Xiêm La (tức Thái Lan) hay Đại Việt giúp đỡ. Sau mỗi lần được ngọai bang đặt lên ngôi, các vua Cambodia lại tặng đất làm quà tạ lễ. Lý do vương triều Cambodia dễ dàng nhượng vùng hạ lưu sông Cửu Long, vì nguyên thủy vùng đất nầy không phải là đất của Cambodia, mà là nước Phù Nam (Funan) cũ. Vì không phải là đất của mình, lại ít dân sinh sống, vua chúa Cambodia dễ dàng dùng đất nầy làm quà tạ lễ các chúa Nguyễn đã giúp họ lên ngôi, hoặc giúp họ chống lại Xiêm La. Như thế có nghĩa là người Việt không xâm lăng Cambodia mà chỉ đến thay thế người Cambodia, trên vùng đất nguyên thủy của nước Phù Nam, với sự thỏa thuận của các vương triều Cambodia. Người Việt dần dần tiến xuống tới mũi Cà Mau một cách ôn hòa và chỉ đánh trả những khi bị khiêu khích hay tấn công. Trong khi đó, năm 1698, Sài Gòn chính thức trở thành đơn vị hành chánh của Đại Việt, khi kinh lược sứ Nguyễn Hữu Cảnh (hay Kính) lấy đất Đồng Nai đặt thành huyện Phước Long, lấy đất Sài Gòn đặt thành huyện Tân Bình. Hai huyện nầy họp lại thành phủ Gia Định.Tuy nhập vào gia đình nước Việt khá trễ, nhưng nhờ vị trí trung tâm, thuận lợi cả đường bộ lẫn đường sông và đường biển, và nhất là nhờ hoàn cảnh lịch sử, Sài Gòn phát triển nhanh chóng, và sớm trở thành thủ phủ miền Nam năm 1731. Vào năm nầy, chúa Nguyễn lập Sở Điều Khiển tại Gia Định (trung tâm là Sài Gòn), để chỉ huy toàn bộ lực lượng quân sự tại miền Nam. Từ đó, vai trò của Sài Gòn càng ngày càng quan trọng, nhất là sau khi Nguyễn Phúc Ánh tái chiếm Gia Định năm 1787. Ông xây dựng thành Sài Gòn theo kiểu thức Tây phương năm 1790.Đến thời Pháp thuộc, Sài Gòn trở thành thủ đô của Liên Bang Đông Dương năm 1887, nơi đặt trụ sở viên toàn quyền (gouverneur général). Sài Gòn tiếp tục giữ vai trò thủ đô Việt Nam dưới chính thể quốc gia, do Quốc trưởng Bảo Đại thành lập sau hiệp định Élysée ngày 8-3-1949, và dưới chính thể Cộng hòa từ 1955 đến 1975.

2. Sài Gòn, thành phố đa dạng

Sài Gòn hôm nayNguồn: alovelyworld.com
Ngay từ đầu, Sài Gòn đã mang tính chất đa dạng. Sài Gòn vốn là nước Phù Nam. Vương quốc nầy hiện diện từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ sáu, đã triều cống Trung Hoa trong khoảng thời gian từ năm 253 đến năm 519, và là một vương quốc độc lập, theo văn minh Ấn Độ. Vào giữa thế kỷ thứ 6, nước Cambodia xâm lăng và sáp nhập nước Phù Nam. Địa bàn gốc của Cambodia cao, nên gọi là Lục Chân Lạp. Nước Phù Nam thấp, hay bị ngập lụt, nay nhập vào Cambodia, được gọi là Thủy Chân Lạp.Sau hai nền văn minh Phù Nam và Cambodia (đều dựa trên nền tảng văn hóa Ấn Độ), Sài Gòn tiếp thu nền văn hóa bản địa Việt và cả văn hóa Trung Hoa. Văn hóa Trung Hoa được tô đậm do sự xuất hiện của hai nhóm người Hoa từ giữa thế kỷ 17. Nhóm thứ nhất là Mạc Cửu ở Hà Tiên, và nhóm thứ hai là Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên ở Biên Hòa và Mỹ Tho. Sự hiện diện của người Hoa làm cho thương cảng Sài Gòn thêm nhộn nhịp. Nhiều thương thuyền Trung Hoa, Nhật Bản, và các nước Đông Nam Á thường cập bến Sài Gòn để trao đổi hàng hóa. Vào thế kỷ 19, Pháp đến chiếm Sài Gòn. Pháp phát triển Sài Gòn theo mô thức đô thị Tây phương. Sài Gòn là cánh cửa Việt Nam mở rộng sớm nhất đón luồng văn hóa Tây phương. Thương thuyền các nước Tây phương, nhất là Pháp, ra vào đông đúc ngay khi người Pháp mới chiếm Sài Gòn. Pháp tự động biến Sài Gòn thành hải cảng thương mại tự do ngày 22-2-1860. Trong bốn tháng đầu tiên, 60,000 tấn gạo đã được xuất cảng; đến cuối năm thì có 111 tàu Âu Châu, 140 thuyền buồm Trung Hoa và gần 100,000 tấn hàng xuất cảng. Sự lui tới của thương nhân nước ngoài làm cho sự giao thoa văn hóa càng phong phú đa dạng.Như thế, tại Sài Gòn, cùng hiện diện các nền văn hóa Ấn Độ, Trung Hoa, và Tây phương, cùng bổ túc vào nền văn hóa Việt. Đây là điểm khác biệt giữa Sài Gòn với Hà Nội và Huế. Hà Nội và Huế lớn lên trong không khí văn hóa cổ truyền Việt, chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, và theo tam giáo cổ điển Phật Nho Lão. Trong khi đó, tuy mới nhập Việt tịch, Sài Gòn ngay từ đầu đã có nền văn hóa đa nguyên (nhiều nguồn), và theo nhiều tôn giáo, vì ngoài tam giáo cũ, còn có thêm Hồi giáo của người Chăm và đạo Thiên Chúa phát triển tại đây khá sớm. Điều nầy góp phần giải thích sự xuất hiện của ĐẠO CAO ĐÀI ở Tây Ninh và Sài Gòn năm 1925, là tôn giáo tổng hợp tất cả các đạo giáo lớn trên thế giới. Không khí đa văn hóa rất phù hợp với xã hội di dân và giúp cho xã hội di dân thêm sinh động, chóng phát triển. Xã hội di dân là môi trường thuận tiện cho không khí đa văn hóa.Sắc thái đa văn hóa ở Sài Gòn thể hiện rõ nơi đặc tính của người Sài Gòn. Trước hết, cần chú ý, lúc đầu, Sài Gòn là nơi quy tụ những di dân, đa số từ Thuận Quảng (Thuận Hóa, Quảng Nam), hoặc xa hơn, từ Thanh Nghệ (Thanh Hóa, Nghệ An) trở vào. Di dân thường là những người can đảm, sáng tạo, tự lập, mạo hiểm, siêng năng, bình dân, cởi mở, ưa hòa đồng, và thích xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng và khai phóng. Với những đặc tính đó, khi vào miền Nam, nơi có khí hậu ôn hòa, đất đai phì nhiêu, di dân Nam bộ thành công nhanh chóng trong việc xây dựng đời sống kinh tế, tương đối sung túc so với nguyên quán ở phía bắc. Bên cạnh đó, lúc đầu di dân thường không phải là dân khoa bảng, ít có điều kiện học hành, nên ít chịu ảnh hưởng Nho học, ít thích chuyện lý thuyết và thường hành động theo trái tim nồng ấm của mình. Có thể vì những đặc tính trên, cộng với sự thành công nơi vùng đất mới, người miền Nam nói chung và người Sài Gòn nói riêng, nổi tiếng hào hiệp, hào phóng và hảo hán. Điểm đáng chú ý, tuy tính tình cởi mở, phóng khoáng, tiếp xúc rộng rãi với nhiều nền văn hóa khác nhau, người miền Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng vẫn luôn luôn giữ gìn nguồn cội và cương quyết bảo vệ nguồn cội của mình, kể cả khi Nam Kỳ trở thành thuộc địa của Pháp từ 1874. Pháp chủ trương tách Nam Kỳ ra khỏi Việt Nam, nhưng những cuộc kháng chiến chống Pháp không ngừng xảy ra.

(..........)


Toronto, 25-6-25-6-2006
Trần Gia Phụng
********************
source
DCVOnline