Thứ Hai, 6 tháng 12, 2010

Cà phê Gió Nước.


Cà phê Gió Nước.
Cập nhật lúc 8:55:59 PM - 03/12/2010
Bài và ảnh: Trần Công Nhung/Viễn Đông

294-h1.jpg
Nét độc đáo của “wNw”.

Khi hỏi “Cà phê Gió Nước” Bình Dương, có người bảo đường Lý Chiêu Hoàng (Q. 6) cũng có Gió Nước. Tôi nghĩ nơi này cũng cùng công ty với “Gió Nước” Bình Dương, nên tìm xem trước. Phải nhiều lần hỏi thăm mấy bác xe ôm, phải qua nhiều đoạn đường đang cày xới, mới tìm ra đường Lý Chiêu Hoàng, xe cộ tránh nhau cọ quẹt thấy mà ghê. Con cháu thật vô tình, đường lớn thênh thang mang toàn tên xa lạ, có cả tên hư cấu hoang đường, có được bà Chúa, sử sách rành rành, lại nhét vào xó xỉnh tìm muốn lòi con mắt. Đến nơi, tôi chưng hửng, không phải cà phê mà là nhà hàng đám cưới.
Nhà hàng cao 6 tầng lầu, mặt tiền ốp tre, mấy hộp kính như cửa sổ gắn lồi lên, tôi chẳng thấy nghệ thuật tí nào, nó nửa ngói nửa tranh, nửa thành thị nửa núi rừng, nó hoàn toàn trơ trọi lạc điệu với mọi thứ chung quanh, rõ ràng không gian chẳng phù hợp với kiểu “gió nước” này.

294-h2.jpg

Thị trấn TDM.

Tuy mất hứng thú lúc đầu, nhưng đã đến, cứ vào xem bên trong ra sao. Tòa nhà cao tầng như một khách sạn, phòng tiếp tân khá rộng, tôi nhìn quanh không thấy ai. Mãi một lúc, mới có người thanh niên ra chào. Anh đưa cho tôi danh thiếp: Phạm Văn Dương, Sales Executive. Anh cho biết đây là một bộ phận của wNw (wind and water) Bình Dương, cùng một kiến trúc sư thiết kế. Nhìn vào sảnh tầng trệt chẳng có gì lạ, anh Dương cho biết: “Ở đây có hai sảnh được làm theo mẫu ‘gió nước’, cháu sẽ đưa chú đi xem”. Tôi theo Dương vào thang máy lên sảnh thứ nhất:
- Đây là sảnh trang trí theo ý tưởng Á Đông, bàn ghế phủ khăn màu vàng.
Đúng là màu của Hoàng Gia cao sang, nhất là nhìn lên vòm trần được trang trí bằng tre hun khói, đường nét nhịp nhàng mới lạ, tạo một vòm trời ấm áp, và nghệ thuật. Lên sảnh thứ hai Dương giới thiệu:
- Sảnh này bàn ghế toàn màu trắng, phù hợp với dạ tiệc Tây Phương. Mỗi sảnh đủ chỗ cho 500 khách.
Lối dùng tre trang trí ở đây cũng khác với sảnh vừa rồi, đơn giản, nhẹ nhàng hơn. Tôi hỏi thăm qua loa rồi đi tìm “Cà phê Gió Nước. ” cho kịp giờ:
- Anh biết đường đi Bình Dương chỉ giùm tôi.
- Chú chạy Đại lộ Cộng Hòa lên Hóc Môn, đến cầu vượt Quang Trung sẽ thấy đường đi Bình Dương.
Đi Hóc Môn tôi đã quen, đúng là chui qua cầu vượt rẽ phải là về Bình Dương, tuy nhiên cũng hỏi thêm cho chắc. Theo chỉ dẫn của khách đi đường thì không khó, chạy khoảng 11km có ngã ba, rẽ trái về Bình Dương. Lúc chạy vào đường Hà Huy Tập, tôi được biết rõ thêm vị trí Gió Nước: “Chú chạy qua cầu Phú Long rồi đi miết mươi cây nữa sẽ gặp thị trấn Thủ Dầu Một, Cà phê Gió Nước ngay đấy.
Vào thị trấn Thủ Dầu Một, thấy “tượng đài” nhọn hoắt như mũi kiếm chĩa lên trời. Mẫu mã trang trí công viên công trường nơi nào cũng, đồ sộ và tân kỳ, tôi có cảm tưởng nhà nước và kiến trúc sư rất giàu óc “sáng tạo”, tỉnh này thi thố tỉnh kia, nên không nơi nào giống nơi nào, nhất là các đài liệt sĩ. Có dư luận cho rằng, mấy ông xây dựng lợi dụng người chết không biết nói, nên cứ cho “đài liệt sĩ” mọc khắp nơi, một nhóm dăm ba người cũng có “đài”, chỗ không ai chết “đài” vẫn mọc như thường. Nha Trang một thời mang nặng “dấu ấn” đài liệt sĩ ngay tại bờ biển, chỗ đẹp nhất. Về sau có lẽ do tiếng vào lời ra, thấy vô duyên quá, nên “đài” biến thành “hoa”: Hoa biển. 18 tỷ đồng nở ra “Hoa biển”, nhưng do tiền bơm chưa đúng mức, nên “hoa” mới hé nở đã khép lại, hoa màu xi măng cao ngồng như lô cốt đứng “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Nha Trang là thành phố du lịch, du lịch đang làm giàu cho thành phố, không thể để mãi một cây chông trước mắt khách quốc tế, nên một một ngày đẹp trời, “hoa biển” biến thành “tháp trầm hương”. Hoa, trầm, đều có mùi thơm, chả sao. Tuy không là đài liệt sĩ, nhưng mỗi khi có lễ lạc, quan chức cũng đến thắp hương, ngày thường chẳng thấy ai vào tháp làm gì.
Do mải nhìn “tượng dài”, tôi chạy lố mấy cây số, phải quay lui 2 ngã tư trên đường 30-4, quẹo trái vào đường Trần Bình Trọng, con đường nhỏ hơn, ngắn hơn, “Cà phê Gió Nước ” nằm ngay đoạn giữa. Không bảng hiệu lớn, không gì gọi là nguy nga đồ sộ như lời đồn, đến nỗi đến nơi rồi còn không biết đây là quán Cà phê Gió Nước nổi tiếng.

294-h3.jpg

“Nhà nấm” café .

Điều khiến người ta ngạc nhiên, là một nhà tranh hình nấm khổng lồ in bóng rõ mồn một xuống mặt nước. Nhà thiết kế đã tinh ý cho nước hồ cao quá bậc cửa sổ, nên khách có cảm tưởng như “nhà nấm” từ dưới nước trồi lên. Nước chỉ một lớp mỏng, để tạo hơi mát cho không gian, chứ không phải sâu như thành hồ nhìn bên ngoài. Trong nhà nấm cũng bày biện bàn ghế nhưng cửa ra vào đóng kín.
Từ đây, một lối đi nhỏ rợp bóng tre hun hút, cuối đường là “khung cửa” tối đen như cửa hầm. Cảnh trí rõ ràng kích thích sự tò mò và trí tưởng tượng của khách. Đúng là quán cà phê lạ, lôi cuốn từng bước, từng bước. Ở xa phải tìm đến, đến rồi phải vào tận nơi mới biết thực hư. Có nhiều quán cà phê mới nhìn qua đã thấy ngay “hay dở”, cái “hay dở” hiển hiện rõ nơi tiếp viên. Những quán cà phê như thế chỉ cần có nhiều bông hoa tươi thắm, cười nói đa tình, là khách đông từ sáng đến chiều.
Chụp mấy tấm ảnh phía trước xong, tôi thả bộ lần vào. Không gian êm ắng, tiếng nhạc vọng từ trong xa, càng vào “khung cửa” đen càng mở rộng, bây giờ mới thấy thực tế của quán. Nhà quán thiết kế theo vòng cung của một hồ nước lớn. Mái cánh diều mở rộng trên 150 độ, hai đầu cánh cung nhỏ dần, có thể hình dung như một vầng trăng khuyết (điểm rộng nhất 12m). Sườn nhà toàn bằng cây tầm vông (họ tre) mái lợp tranh. Hai làn mái được hai hàng trụ chạy song song chống đỡ. Trụ (3) do nhiều cây tầm vông chụm lại trông khá chắc chắn. Mỗi gốc trụ còn thêm nhiều cây đưa lên theo hình rẽ quạt, cong dài ra thay kèo, chống đỡ sườn mái, đường nét nhịp nhàng, cân bằng những ô vuông rui mè thô cứng của mái. Đây là ưu điểm của thiết kế, một tác phẩm thủ công “tân kỳ” bằng vật liệu nhẹ, nhẹ mà an toàn, phù hợp với không gian Gió Nước.
“Sàn” chính bày bàn theo dưới hai làn mái cánh diều. Bàn ghế bằng tre và xếp được. Vòng ngoài của mái cánh diều cũng có những “mảng nước” tạo mát. Ngoài trời, toàn bàn kính, ghế nhựa đặt dưới từng khóm tre, theo lối đi vòng cung đúc xi măng.
Mặt nước theo nguyên tắc chung, là chỗ nào cũng được nâng ngang tầm khách ngồi. Hơi nước, bóng râm (tre) và gió sẽ là máy điều hòa thiên nhiên, chắc chắn mang lại cho khách cảm giác tuyệt vời, ngồi giữa phố phường mà như ở nơi đồng quê lộng gió.

294-h4.jpg
Cà phê Gió Nước.

Khi không có “sô diễn”, một vài bàn rải rác đặt trên mặt hồ. Mỗi bàn vài ba ghế kê trên mặt kính dày, chơ vơ trống trải, không hay mấy, có lẽ chỉ tận dụng được mặt phẳng. Trong khuôn viên Cà phê Gió Nước, có một khu vườn tre khá đẹp, lại bỏ không. Theo tôi, nếu mặt phẳng trồng cỏ hay rải sạn (thay vì đá dăm làm đường), vườn tre sẽ đẹp biết bao, đây đó một vài bàn dưới bóng tre xanh, thơ mộng hơn là ngồi chóc ngóc trên mặt hồ cho thiên hạ nhìn vào. Tôi hỏi một nhân viên:
- Cà phê Gió Nước hoạt động được bao lâu rồi?
- Dạ, 4 năm.
- Tôi thấy khách không bao nhiêu?
- Dạ, cuối tuần và ban đêm đông hơn.
- Tại sao “nhà nấm” không mở cửa?
- Dạ, hoạt động 2 năm, sau đó chỉ dành cho khách đến thăm viếng.
- Tôi có thể vào xem?
- Dạ mời chú.
Tôi theo anh nhân viên ra ngôi nhà đặc biệt, lên mấy bậc tam cấp gỗ, anh mở cửa, bên trong là một nhà vòm cao rộng, kết cấu hoàn toàn khác với các bộ phận bên ngoài. Tre kết thành đường tròn, càng lên cao càng nhỏ, rõ ràng khách ngồi trong một bầu trời khác lạ, ấm cúng vàø lãng mạn.
Toàn cảnh Cà phê wNw đồ sộ, công phu, lạ mắt, nhưng cũng chỉ về mặt kiến trúc, khung cảnh đặc biệt thiên nhiên. Nếu khách đến không vì tò mò về vóc dáng của Cà phê Gió Nước, mà nhắm vào “hàng tiêu thụ” và “cung cách phục vụ”, thì sẽ hoàn toàn thất vọng. Giá cả và tiếp viên thì dư luạân chê nhiều hơn là khen: Thức uống đắt, phẩm chất kém, nhân viên luộm thuộm trong ăn mặc và thiếu “văn hóa giao tế”, chẳng để ý đến khách hàng. Nhạc thì không phù hợp với khung cảnh “gió nước” đồng quê, không tạo được cảm giác êm đềm thơ mộng cho khách như lời quảng cáo. Nhiều người kết luận: “Đến một lần cho biết, chứ không đáng với công khó đi tìm để phải trả giá cao mà đồ uống chẳng có gì hơn nơi khác”. Tâm trạng khách tìm “Gió Nước” cũng như người xưa đi thăm cảnh Lô Sơn:

“Vị đáo sanh bình dạ bất tiêu,
Đáo đắc hoàn lai vô biệt sự”
(Không đi thì lòng không yên,
Đi rồi mới biết chẳng gì đáng coi).

Trần Công Nhung
07 – 2010

Sách đã in: Quê Hương Qua Ống Kính tập 1 đến tập 10, Buồn Vui Nghề Chơi Cây Kiểng, Mùa Nước Lũ (Truyện), Về Nhiếp Ảnh, Thăng Trầm (chuyện buồn vui một đời người), sách dày trên 200 trang, có 8 phụ bản ảnh màu và cả trăm ảnh đen trắng minh họa.
Độc giả muốn có sách xin Liên lạc: Tran Cong Nhung P.O. Box 254 Lawndale, CA. 90260 email:trancongnhung@yahoo.com, Website: www.ltcn.net

source
© Copyright by VienDongDaily.com