Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

Cảnh biển Cam Ranh


Cam Ranh ngày nay
(VienDongDaily.Com - 28/10/2011)
Cam Ranh tiếng là thành phố (loại 3) nhưng xe cộ không bao nhiêu, chỉ trục lộ chính, QL 1A thỉnh thoảng có xe đường dài chạy qua, gây ồn ào chốc lát.
Bài và ảnh: Trần Công Nhung


Cảnh biển Cam Ranh

Hôm sau tôi dậy sớm, chạy vào cầu Trà Long phía nam thành phố Cam Ranh. Sáng tinh mơ, thành phố nào cũng tương đối yên tĩnh mát mẻ. Cam Ranh tiếng là thành phố (loại 3) nhưng xe cộ không bao nhiêu, chỉ trục lộ chính, QL 1A thỉnh thoảng có xe đường dài chạy qua, gây ồn ào chốc lát. Tôi dừng nơi cầu, chụp mấy tấm ảnh của xóm chài bên hữu ngạn (nay một số biến thành quán nhậu) rồi quay lại rẽ xuống con đường nhỏ về hướng biển. Hình ảnh chung chung sinh hoạt buổi sáng, nơi nào cũng giống nhau: Cà phê ăn sáng. Đa số quán lề đường, hoặc hàng gánh bày trên vỉa hè: Bún riêu, bún bò, cháo… Dân cà phê thì dài dài hai bên hàng phố. Phải phục người mình, điểm tâm bát bún, uống ly cà phê mà nửa ngày chưa dứt, nhưng ngả tư đèn đỏ còn 10 giây đã nhấn còi giục nhau chạy. Thế giới ít có dân tộc nào nhàn nhã như người Việt Nam. Ăn uống, buôn bán, từ trên lề xuống lòng đường, họp chợ ngay bảng cấm, chẳng ai nói gì. Nếu có chú công an cảnh sát nào rắn mắt đi qua thì người dân lại “dấm dúi” tí ti là xong. Luật pháp Việt Nam “linh động dễ sống” chứ không rạch ròi cứng ngắc như xứ tư bản.
Ra đến mé biển mới thấy hết những sinh hoạt của dân chài, nhà cửa chống đỡ xiêu vẹo, bến bãi chẳng ra bến bãi, vừa bến thuyền vừa bến rác. Nhưng tách ra, cảnh vẫn đẹp nhờ “chất liệu” đơn sơ mộc mạc của đời sống. Một góc nhà sàn soi bóng lung linh, đôi ghe câu neo nghỉ gần bờ, ngoài xa vài ba tàu đánh cá, đến hậu cảnh dãy đảo xanh, nền trời mấy vệt mây mỏng dài chéo góc. Nghệ thuật không cần cao sang, đơn sơ mà gợi cảm.
Đi lần về phía có một bãi đóng tàu, trông lộn xộn không chuyên nghiệp tí nào. Đây là bãi đóng tàu tư nhân: Bà Né. Nhiều tàu đánh cá nằm ụ mà không thấy thợ thầy làm việc. Ra phía ngoài nữa là cầu tàu, loại tàu 8 máy đậu san sát. Bạn đánh cá phần lớn là trai tráng khỏe mạnh, họ đang túm tụm trên mui tàu uống cá phê. Tôi hỏi chuyện một thanh niên:
- Tàu Cam Ranh có đánh cá xa bờ?
- Dạ có, xa bờ mới có cá.
- Có khi nào bị “tàu lạ” bắt chưa?
- Dạ, không ra Hoàng Sa nên không bị. Tàu Quảng Ngãi bị nhiều vì họ đánh sát Hoàng Sa.
- Tàu mình thường đánh cá gì nhiều nhất?
- Cá chuồn, cá thu.


Bến cá mồi

Nhìn tàu đánh cá lớp lớp hàng hàng tôi không nghĩ Cam Ranh lại nhiều tàu như thế mà toàn tàu lớn. Thì ra có cả tàu Quảng Ngãi vào neo. Tuy nhiều tàu cập bến nhưng không có cảnh mua bán như ở cầu tàu Cửa Bé hay Lương Sơn (Nha Trang). Tôi trở lên QL1A ra xem cảng Cam Ranh. Trên đường ra cảng lại gặp một bến cá khá tấp nập ồn nào, ngay trên đường Nguyễn Trọng Kỷ. Tôi lấy làm lạ, không phải bến tàu sao cá đâu tuôn về nhiều thế mà toàn cá nhỏ. Xe ba gác, xe máy thồ, xe đạp, xích lô…bạn hàng xúm nhau cân mua đưa lên xe, họ chen nhau, mặc cả, la lối huyên náo. Màu sắc những vỉ nhựa đựng cá vàng đỏ thật vui mắt. Ngay đó có nhà máy xay nước đá để cung cấp cho con buôn ủ cá trước khi chở đi. Tôi quan sát, chụp ảnh chẳng ai để ý, tôi hỏi người đứng cạnh:
- Sao đây không phải bến tàu, cá đâu nhiều vậy, mà không thấy cá lớn.
- Đây là cá tạp nham các tỉnh chở về bán cho những nhà nuôi cá.
- Họ nuôi cá gì?
- Cá chẻm, cá mú, cá rô Phi, cá lóc.
Cam Ranh ngày nay có hẳn một ngành nuôi cá công nghiệp. Nhưng nuôi cá cho ăn cá thế cũng tốt hơn thức ăn tăng trọng. Bây giờ nhà chăn nuôi nào cũng dùng thực phẩm tăng trọng thúc ép heo, gà, cá lớn nhanh. Người ăn vào cũng gián tiếp ảnh hưởng, cứ nhìn những trẻ con mới 8, 9 tuổi mà thân hình đã mập phì là biết.

Phố Đá Bạc

Trước khi rẽ qua đường vào Cảng Cam Ranh, có phố Đá Bạc, tôi không ngờ con phố vắng vẻ buồn hiu như vậy, cứ như đường phố thời chiến tranh. Vắng đến rợn người, tôi chỉ chạy một đoạn rồi quay lui ra Cảng. Vào cổng tôi bị “bảo vệ” chận lại. Người ngoài không được phép vào. Tôi hỏi đây không phải khu quân sự sao cấm? Có bảng cấm đâu? Người gác cổng gầm gừ “Cảng sản xuất cấm vào”. Nhớ mấy tên gác siêu thị (Sài Gòn) đánh học sinh mềm xương, tôi im lặng lui xe. Biết đâu trong đó không sản xuất, mua bán thứ quốc cấm. Tránh cho yên thân.


Quán “Gà Chỉ”

Tôi đi tìm quán “gà chỉ”. Lời đồn “gà chỉ” là món gà đặc biệt của Cam Ranh. Thực tình thì tìm cho biết chứ không hẳn chuyện ăn uống. Mấy năm trước, tôi đã đi tìm thưởng thức món gà nấu lá giang ở tận xã Ninh Quang huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa). Đi để biết cảnh biết người chứ món ngon thì chưa chắc đã có gì hấp dẫn. Do lời đề nghị của một tay văn nghệ địa phương, tôi cứ tưởng chỉ hai người, anh lại kéo thêm cô bồ. Lúc ghé trạm xăng anh nói nhỏ vào tai tôi: “Đổ cho cổ bình xăng cho cổ vui”, ra quán Gió gọi thêm một bạn, ra Ninh Hòa rủ thêm hai ông (ngành văn hóa) kéo vào quán cà phê. Ra đi 2 người giữa đường thành 6, đến nơi không biết sẽ bao nhiêu. Đây cũng là kiểu “đậm đà bản sắc dân tộc”. Nhưng gà lá giang cũng chẳng có gì đặc biệt, chỉ thêm vị chua chua của lá rừng mà thôi. “Gà Chỉ” Cam Ranh không biết ra sao. Hỏi đường một ông xe ôm, ông đòi 10 nghìn dẫn đi. Chẳng phải kỳ kèo, nhanh cho được việc. Chạy theo xe ôm chưa được 5 phút, đã thấy quán “Gà Chỉ”. Một đoạn dài trên đường Lê Duẩn, con đường như đất đồi mới khai hoang lại nhiều quán nhậu. Hầu như các quán đều chung món gà chỉ. Tôi vào quán Hai Lễ, quán vắng khách, mỗi bà già ngồi dưới góc xoài. Nghe tiếng tôi hỏi, có chị đàn bà trong nhà bước ra, chị cho biết thế nào là “Gà Chỉ”. Chị đưa tôi ra xem chuồng gà vườn sau, chị nói “Gà nuôi thả trong vườn, mỗi ngày bắt nhốt chuồng mươi con, cho ăn thóc. Khách tùy thích lựa, chỉ con nào bắt làm thịt con đó”. Tôi cười: “Gà chỉ nghĩa là chỉ con gà mình thích”.


Xóm chài

- Rồi nấu những món gì?
- Vài món đơn giản như gà hấp, nướng, nấu lá giang, luộc, bóp gỏi, chiên mắm, nấu cháo, rang muối… Tùy khách yêu cầu.
- Thời gian làm lâu mau? Giá cả thế nào?
- Từ 20 đến 30 phút. Con 1kg 500g làm thành món giá 195 ngàn.
- Nhanh vậy làm sao kịp?
- Mỗi người một khâu, nhanh thôi.
- Như vậy, muốn ăn gà phải vài ba người?
- Dạ.
- Chị biết quán nào có món gà làm bán sẵn chỉ dùm.
- Chú ra quán Vui ngoài QL 1 có cơm gà cũng ngon. Quán nớ đông khách.
Nghe người đàn bà nói giọng Huế, tôi hỏi thêm trước khi đi:
- Chị vô đây từ hồi nào?
- Đây nhà người em, nó vô từ năm 75.
- Một nhà mà đất rộng quá vậy?
- Hồi đó rừng rú có ai mô. Muốn khai hoang mấy không được.
- Người Huế quanh đây nhiều không?
- Không nhiều, họ vô cả Long Khánh, lên Buôn Mê Thuộc. Ở Huế thì mần chi sống nổi.


Tàu đánh cá

Quán Vui phía ngoài khách sạn Thạnh Mỹ một đoạn. Quán không lớn, đông khách. Dĩa cơm, một phần tư con gà giá 85 nghìn, ăn được nhưng tính theo giá “gà chỉ” thì hơi đắt. Cam Ranh là phố biển mà nổi tiếng lại là món gà. Tiếc là chưa có dịp thực sự nếm món “gà chỉ” xem ra sao. Đôi khi thiên hạ ưa đồn đãi cho có chuyện chứ ngon thì đã chắc gì. Có điều tuy đã nâng lên “thành phố loại 3” nhưng Cam Ranh chưa thoát ra khỏi nếp sống của làng chài, nhất là vấn đề vệ sinh. Nhà cửa lem nhem đường phố rác bẩn bụi bặm rất tệ. Phố Đá Bạc là hình ảnh tiêu biểu. Dẫu sao, đến Cam Ranh, có nơi để tìm xem, có món để thưởng thức cũng là điều thú vị rồi.

Tháng 7 - 2011

Sách mới: QHQOK tập 12, đã phát hành đầu tháng 10-2011.
Sách đã in: Quê Hương Qua Ống Kính tập 1 đến tập 12, Buồn Vui Nghề Chơi Cây Kiểng, Mùa Nước Lũ (Truyện), Về Nhiếp Ảnh, Thăng Trầm (chuyện buồn vui một đời người), sách dày trên 200 trang, có 8 phụ bản ảnh màu và cả trăm ảnh đen trắng.
Độc giả muốn có sách (discount 50% 10 tập đầu, 126 Mỹ kim luôn cước phí gửi), xin liên lạc: Tran Cong Nhung, P.O. Box 254, Lawndale, CA 90260.
Điện thoại: (310) 978-4182 - Email: trancongnhung@yahoo.com - Website: www.ltcn.net
source
VienDongDaily

Làng nghề Sơn Đồng





(VienDongDaily.Com - 04/11/2011)
Sau khi thăm làng nghề Lai Xá tôi theo đường 32, chạy tiếp chừng cây số đến ngã tư Trôi (1), rẽ trái là vào làng Sơn Đồng.
Trần Công Nhung/ Viễn Đông

Sau khi thăm làng nghề Lai Xá tôi theo đường 32, chạy tiếp chừng cây số đến ngã tư Trôi (1), rẽ trái là vào làng Sơn Đồng.
Tên làng Sơn Đồng song nghề lại chuyên điêu khắc gỗ. Xưa nay trùng tu tái tạo chùa đền, nhà cổ, đều rước thợ Hà Tây, thợ Huế. Riêng ngành điêu khắc tượng Phật Thánh và chạm đồ thờ là nghề truyền thống của dân Sơn Đồng (2).


Cổng làng Sơn Đồng

Con đường vào làng Sơn Đồng rộng như quốc lộ nhưng chỉ được một đoạn hơn trăm mét ngang qua UBND huyện Hài Đức, còn thì đường hẹp bằng nửa, lại ổ gà ổ vịt, chưa thoát khỏi hình ảnh một làng xưa, nhiều cổng cổ còn tìm thấy đầu các lối rẽ vào làng. Qua khỏi trụ sở huyện, đã thấy một hai nhà tiện gỗ bên đường. Nhà cửa mở toang, thợ thầy làm ngay phía trước. Thấy bảng hiệu ghi thợ Đồng Kỵ Bắc Ninh, tôi thắc mắc hỏi người thợ trẻ, anh bảo “Sơn Đồng bác chạy vào mấy cây nữa”. Mấy cây số nhà thưa thớt, có chỗ nền nhà bên hồ nước, cảnh quê mà hay. Đây là trục lộ chính qua làng, vào gần ngả tư Sơn Đồng thì nhà thợ tiện san sát hai bên đường. Tiếng đục đẽo lách cách nhà nọ sang nhà kia. Một thứ âm thanh rộn ràng mà không ồn ào. Đa số thợ ở tuổi thanh niên, sức lực dồi dào rất hợp với nghề vất vả chân tay. Hỏi một hai người thợ về sự tích làng nghề, họ tỏ ra không hiểu lắm, kế nghiệp cha ông qua nhiều đời, họ chỉ biết sản phẩm của làng đã có từ hàng trăm năm nay. Những tượng Phật Thích Ca, Phật Di Đà, Phật Bà nghìn mắt nghìn tay, tượng ông Thiện, ông Ác, tượng La Hán, kiệu bát cống, những bức hoành phi, câu đối, cuốn thư.... Nói chung nghề tạc tượng thờ đã mang lại vinh quang cho làng, đã có nhiều nghệ nhân từng được vua Khải Định (1916-1925) ban thưởng.

Mỗi năm, làng làm ra hàng nghìn sản phẩm xuất đi khắp các miền Trung Nam Bắc, và có cả một số sản phẩm đưa ra nước ngoài. Dừng lại ở một cửa hàng đồ thờ, tôi hỏi ông chủ:
- Thưa bác, hàng đặt của khách hay hàng bày bán?
- Những đồ tế tự, tượng Phật lớn phải có người đặt, hàng nhỏ thì làm sẵn để bán.
- Nhà bác có bao nhiêu thợ chuyên làm?
- Mười thợ, thợ làm chỗ khác, đây là nơi trưng bầy sản phẩm.
- Sản phẩm thường làm bằng gỗ gì hả bác?
- Nhiều thứ, mít, gụ…
- Như cái uốn thư này khi hoàn tất giá bao nhiêu?
- Khoảng 8 – 9 triệu.
- Sơn Đồng có đền thờ Tổ nghề chứ bác?
- Có đấy, ông lên ngả tư trên, rẽ phải chừng trăm mét, có đền thờ.

Tôi đi ngay, đã quá trăm mét vẫn không thấy đền Tổ làng nghề, chỉ có nhà liền nhà, bày tượng, đồ thờ ra sát lề đường. Một hai nhà kê nguyên pho tượng Phật cao cả 2 mét trước cửa nhà, tượng đã đổi màu mốc bạc. Có lẽ khách hàng đặt rồi bỏ chăng. Lối buôn bán của người mình, thứ gì cũng muốn phô ra đường, trái với người phương Tây, mọi thứ bày trong nhà kín đáo, không quấy rầy khách đi đường. Lúc mới đặt chân lên đất Mỹ tôi khá ngạc nhiên về lối buôn bán của họ. Đi trên đường phố tưởng như phố không người, nhà nào cũng kín cửa, chỉ có bảng hiệu. Vào trong mới thấy hàng hóa đầy ắp cửa hàng.
Chợt thấy cổng ngôi miếu nhỏ bên đường tưởng đền thờ Tổ, trên cổng có đề: “Ai về Tam Phủ dừng chân trình ngài Quan Án”. Chữ mới tinh mà cổng thì rõ xưa. Người đi đường cho biết đó là mộ Quan Án Sát ngày trước ở hạt này. Nhìn qua song cửa sắt thấy một bi ký khá cao lớn, phong đen chữ Hán trắng rất nét, nhưng chung quanh toàn đồ tạp nham phế thải bừa bãi, chẳng ai trông nom. Tôi hỏi một nhà bán đồ thờ đền Tổ làng nghề, họ chỉ ngay ngõ bên kia đường vào một trăm mét. Tôi ngờ ngợ như đi vào chùa, cuối có một cổng trên đắp 3 chữ Tàu. Không nhận ra dấu hiệu đền thờ, tôi quay ra đường cái hỏi lại, một bà già bảo: “Đền ở sau lưng chùa, ông cứ đi qua cổng ấy rồi ra sau, có người trông Đền”. Quay lại, đẩy cửa bước vào, không thấy ai nhưng có con chó buộc bên góc tường sủa inh tai. Mãi mới có một bác già ra tiếp.


Tượng Phật đồ thờ

- Thưa bác, đây là đền thờ Tổ làng nghề, bác là Thủ Từ giữ Đền?
- Vâng, tôi Nguyễn Xuân Dừng, trông Đền, mời ông vào.
Bác thủ từ có vẻ mau mắn và hiếu khách, bác trả lời tất cả những điều tôi thắc mắc, bác cũng tỏ ra rành rẽ mọi sự tích về ngôi Đền. Bác cho biết: “Đền có từ thời Lê đã hơn nghìn năm. Lúc đầu chỉ là ngôi miếu tranh tre, qua thời gian được trùng tu tôn tạo lớn như hôm nay”. Hỏi về gốc gác Thánh Tổ, bác cho biết Thánh sinh năm 960, năm 20 tuổi, ngài xếp bút nghiên lên đường giúp vua Lê Đại Hành đánh quân Tống. Sau khi đuổi được giặc, nhà vua mời Ngài vào kinh giúp việc nước, Ngài từ chối và xin về địa phương này dạy dân cấy lúa nước, trồng dâu nuôi tằm và nghề mộc. Trước khi đi đánh giặc ngài làm thầy dạy chữ Hán. Năm 986 Ngài bay về Trời, như Thánh Gióng thuở trước. Ngài có công lớn, được Vua Lê Đại Hành phong: Lê Tướng Công Nguyên Soái Thượng Đẳng Thần. Hữu Công Ư Dân. Thánh cũng là người truyền dạy chữ Hán cho dân làng.
Bàn thờ nhà tiền tế sơn son thếp vàng, nét chạm trổ tinh vi đúng là sản phẩm của làng nghề Sơn Đồng. Trên bàn thờ bày biện đơn giản cân phân, không quá rườm rà hoa quả lọ bình. Hai Hạc vàng cao lớn chầu hai bên. Nghi môn cẩn thếp vàng sáng sủa. Tôi nhờ bác Thủ từ thắp nhang để chụp tấm hình. Khi tôi ngõ ý xin vào hậu điện, nơi thờ Tổ, ông định mở cửa thì bà vợ nhảy xổng vào cản. Từ lúc tôi vào hòi chuyện bác thủ từ, bà này cứ theo dõi và hay ngăn chặn vô cớ. Không hiểu bà có ý gì nhưng trông điệu bộ thật khó ưa. Có lúc ông chồng gắt lên: “Thì bà đi lo chuyện của bà”. Một nơi di tích mà cung cách của người coi ngó như vậy thật đáng tiếc. Khách ra về làm sao không khỏi có lời than phiền. Dẫu sao làng nghề truyền thống Sơn Đồng cũng được tiếng là nơi giữ gìn và phát triển những tinh hoa văn hóa trong nghệ thuật điêu khắc của nước nhà. Trải qua bao thăng trầm sóng gió cùng với lịch sử dân tộc, làng nghề Sơn Đồng cho đến ngày nay vẫn là nơi được lựa chọn đầu tiên khi mọi người cần đến những hoành phi, câu đối, những tượng phật, đồ thờ….

Theo sử liệu, Sơn Đồng là một làng khoa bảng, với tám tiến sĩ qua các triều đại trước đây. Trong đó, nổi danh nhất là tiến sĩ Nguyễn Viết Thứ, từng làm đến chức Tham Tụng (Tể Tướng) dưới triều Lê Trung Hưng. Làng nổi tiếng với nghề làm hoành phi, câu đối. Đâu đâu cũng thấy chữ Hán, chữ Nôm trong các xưởng mộc. Ngày nay Sơn Đồng có lớp Hán Nôm của thầy giáo Vết rất được hâm mộ. (3)
(Kỳ tới: Chùa Diên Phúc và Thánh Tổ Đào Trực)

Tháng 8 - 2011

(1) Hà Nội, Sài Gòn thường gọi các ngả tư bằng tên thị trấn, phường… Ngả tư Trỗi, ngả tư Sở, ngả tư Vọng, ngả tư Bảy Hiền, ngả tư Bình Phước, ngả tư Gò Mây.
(2) Làng Sơn Đồng huyện Hoài Đức trước thuộc Hà Tây, nay thuộc Hà Nội. Làng Nhị Khê, quê của Nguyễn Trãi cũng làm nghề tiện, nhưng không tinh xảo chỉ chuyên về bát nhang, độc bình, đồ thờ nho nhỏ. Đọc “Ao Huê Trại Ổi” trang 101, QHQOK tập 10.
(3) Ông đồ Vết tên thật là Nghiêm Quốc Đạt. Ông vốn dòng dõi Nho gia, ông nội là thầy đồ có tiếng. Ông học chữ Hán Nôm từ chính ông, cha mình. Không một ngày học trường sư phạm, nhưng ông Vết vẫn được người làng gọi là ông giáo, ông đồ. Ông giáo Vết nổi tiếng cả vùng, bởi ông là người duy nhất dạy chữ Hán Nôm ở huyện Hoài Đức, và cả mạn phía tây của Hà Nội. Hơn nữa, lại dạy miễn phí. Hiện giờ, lớp Hán Nôm có 70 học trò, mỗi tuần đều đặn hai buổi học. Tuổi đã ngoại thất thập, ông không chịu nghỉ ngơi. Được hỏi, ông Vết tâm sự: "Tôi thấy bọn trẻ bây giờ có điều kiện học hành hơn trước. Nhưng nhiều đứa không biết đến gia phong, không biết kính trên nhường dưới. Tôi mở lớp dạy Hán Nôm để dạy chữ, đồng thời, để dạy đạo làm người cho các cháu". Năm 2006, lớp học của ông Vết ra đời, với tên gọi lớp học Hán Nôm Sao Khuê. Truyền thống hiếu học, truyền thống khoa bảng của đất này được khơi dậy. Rất nhanh chóng, lớp Hán Nôm đã thu hút khoảng 40 học trò. Ban đầu, môn sinh theo học phần lớn là người Sơn Đồng, dần dần, có cả người nơi xa mấy chục cây số cũng đến học.
Lớp học Sao Khuê đủ hạng tuổi, cụ già tóc bạc ngồi chung với trẻ tiểu học. Học trò cao tuổi năm nay đã 82, học trò lớp tuổi từ 10 đến 12 khá đông. Khác nhau về lứa tuổi, nhưng lớp học Hán Nôm Sao Khuê luôn diễn ra trong tiếng cười rộn rã. Đấy là cái tài của người dạy học. Những lễ Tết, ông giáo Vết tổ chức cả đoàn "ông đồ nhí" đi viết chữ tặng mọi người. Những cô, cậu học trò chừng 14, 15 tuổi, đã biết bày mực tàu, giấy đỏ, nắn nót những chữ "Phúc", chữ "Thọ"... mừng tuổi ông bà, bố mẹ. Sau năm năm, lớp Hán Nôm Sao Khuê đã có 420 môn sinh tốt nghiệp.


Sách mới:
QHQOK tập 12, đã phát hành đầu tháng 10-2011.
Sách đã in: Quê Hương Qua Ống Kính tập 1 đến tập 12, Buồn Vui Nghề Chơi Cây Kiểng, Mùa Nước Lũ (Truyện), Về Nhiếp Ảnh, Thăng Trầm (chuyện buồn vui một đời người), sách dày trên 200 trang, có 8 phụ bản ảnh màu và cả trăm ảnh đen trắng.
Độc giả muốn có sách (discount 50% 10 tập đầu, 126 Mỹ kim luôn cước phí gửi), xin liên lạc: Tran Cong Nhung, P.O. Box 254, Lawndale, CA 90260. Điện thoại: (310) 978-4182 -
Email: Trancongnhung@yahoo.com - Website: www.ltcn.net
Nguồn: http://www.viendongdaily.com/lang-nghe-son-dong-5tJl5sgY.html
Trần Công Nhung/ Viễn Đông
source
VienDongDaily