Thứ Tư, 2 tháng 12, 2009

Chợ Ma bán chiếu


Chợ Ma bán chiếu
Cập nhật lúc 2:05:00 AM - 10/10/2008

181-h2wa.jpgBài và ảnh: Trần Công Nhung

Chiếu có lẽ là vật thân thiết cả một đời người. Chiếu được xem như một đề tài cho giới văn nghệ sĩ sáng tác, chiếu đã đi vào thi ca (1).

[Kênh Họa Đồ]


Thời thế có đổi thay, khoa học có phát triển, nhưng chiếu cói, chiếu lác, vẫn sống và ngày một đẹp hơn. Chợ chiếu vẫn còn đó đây khắp mọi miền đất nước. Có nhiều chợ chiếu tên tuổi xuyên thế kỷ: Chợ chiếu Bàn Thạch Duy Xuyên (Quảng Nam), chợ chiếu Định Yên Lấp Vò (Đồng Tháp)...

Những sinh hoạt về đêm thường được gọi là Ma là Âm Phủ. Huế có quán cơm Âm Phủ nổi tiếng một thời, một hai giờ khuya quán mới mở cửa, thực khách là giới sống về đêm, giang hồ tứ chiến...(2). Chợ chiếu Định Yên còn được gọi là “Chợ Ma bán chiếu” vì chợ họp vào nữa đêm khuya khoắt. Lại nghe đồn người bán kẻ mua trên bến dưới thuyền, đèn dầu le lói lập lòe, hư ảo âm dương... Cảnh thật gợi cảm, ai cũng muốn xem một lần cho biết. Lộ trình về chợ chiếu Định Yên: Sài Gòn - Vĩnh Long - Sa Đéc, từ Sa Đéc đi Lấp Vò. Định Yên cách thị trấn Lấp Vò 10km.

181-h1wa.jpg

[Chiếu Thanh Hóa]

Khởi hành thật sớm, 8 giờ 20 tôi đến ngã ba Vĩnh Long Sa Đéc. Nắng đã lên cao, nắng đầu mùa hạ chưa gắt lắm, mà con đường thì xấu tệ, lở lói hang lỗ, chạy xe như cỡi ngựa. Qua chợ Cái Tàu Hạ, dân cư còn nghèo, chỉ mỗi nhà thờ Tin Lành cạnh chợ, màu mè như mới xây... Con sông Cái Tàu không rộng, nhà cửa hai bên bờ cũng na ná như những con sông dọc đường về miền Tây. Nhờ chợ Cái Tàu, bến thuyền tấp nập, có đề tài cho nhiếp ảnh. Tuy chủ đề quen nhưng đường nét lạ nên rất hấp dẫn. Tôi đang mải mê chụp cảnh thuyền lui tới trên sông thì một người đàn bà mất trí đến lải nhải xin tiền. Chẳng biết thực hư, song cách ăn mặc và cử chỉ nói năng thì rõ là người không bình thường. Chuyện “không bình thường” là chuyện bình thường ở Việt Nam ngày nay. Có anh bạn văn nghệ bảo “...đấy là đặc sản của nước ta. Chính nhờ đặc sản này mà du khách đến VN ngày càng tăng. Nếu nước ta cũng văn minh đàng hoàng như những nơi khác thì họ đến đây làm gì”. Nghe mà xót xa cho bốn nghìn năm văn vật!

Những cây cầu trên đoạn đường này đang làm lại, xe cộ chạy rất chậm, bụi bay mịt mù. Vĩnh Long Sa Đéc mười mấy cây số mà phải hơn tiếng đồng hồ mới về tới. Gần đến thị xã Sa Đéc, đối diện chợ Tân Bình, bên kia sông là một làng lò gạch chạy dài, hình ảnh rất lạ. Lò hình chóp nóc vòm, ống khói bên hông, nối tiếp nhau, trông như kiến trúc người Ả Rập. Không như lò gạch miền Trung xây theo khối vuông, khói ra trên miệng. Chẳng hiểu tại sao có sự khác biệt này.

Hình ảnh trước mặt làm tôi vui hẳn lên, quên đoạn đường vất vả vừa qua. Chụp ảnh một lúc thấy vẫn chưa thỏa, tôi xuống bến đò Tân Xuân qua thăm làng gạch có một không hai này. Trí tưởng tượng thúc hối: “Sẽ còn nhiều thứ mới lạ khác”. Tôi cứ ngỡ qua sông rồi rong xe trong làng, bao nhiêu hoạt cảnh đời thường của vùng quê Nam Bộ. Nhưng không, lên bến như vào ngõ cụt, đường hẹp tí, lỗ chỗ ổ gà, khúc khuỷu quanh co, xe rất khó chạy, cũng chẳng biết về đâu. Bà quán ngay bến bảo muốn xem lò phải gửi xe đi bộ. Tôi làm theo và len lỏi như vào hang động. Lò này sát lò kia, không có lấy một khoảng cách tối thiểu để chụp những gì chung quanh. Nhiều lò bỏ trống, vào trong mới thấy lò xây theo vòng tròn càng cao càng nhỏ, nóc có miệng vuông. Lò nung bằng trấu, ghe bán trấu đậu san sát dưới bến sông. Một vài nơi nhân công đang đẩy xe, xếp gạch, gánh trấu..., hình ảnh người lao động Việt Nam lúc nào cũng kham khổ nhưng đẹp. Đẹp không trau chuốt, không kiểu cách (3), đấy chính là cái đẹp của tình người, cái đẹp chân chất, cái đẹp của nghệ thuật. Tôi không tìm thấy những gì mình mường tượng lúc đầu. Tôi hỏi một người, có lẽ nhân viên quản lý :

- Lò gạch của hợp tác xã phải không thưa anh?

- Không, của tư nhân.

- Gạch nung trấu, lâu mau được một mẻ ?

- Hai tháng.

- Lương công nhân chắc khá?

- Đủ ăn, mọi khâu ở đây đều khoán. Khâu đúc, khâu nung... Nhưng dạo này giá gạch xuống, nhiều lò phải đóng cửa.

181-h3w.jpg

[Lò gạch]

Rảo qua mấy vòng, không có gì hơn, tôi trở lại thị xã Sa Đéc. Nhiều chủ đề phải đứng xa mới thấy hay, từ trên cầu Hòa Khánh nhìn qua chợ hoa quả, một dãy tăng bạt dọc bờ sông, đẹp, sạch sẽ. Dòng sông tuy nước đỏ nhưng không rác bẩn, không lục bình. Chợ Sa Đéc nằm ngay quốc lộ 80, ngăn nắp sáng sủa, không buôn bán nhăng nhít trước mặt chợ như chợ Hàn (Đà Nẵng) Đông Ba (Huế)... nghĩa là có “nếp sống văn minh”.

181-h4wa.jpg

Đã trưa, tôi ghé vào quán bên đường kiếm thứ ăn. Ăn gì cũng phải tránh rau sống. Nước uống và rau sống là đầu nguồn của bao nhiêu thứ ngộ độc. Cố gắng thôi chứ thực ra mầm bệnh độc hại bao trùm khắp mọi nơi. Hàng ngày báo vẫn kêu hộ cho dân nghèo. Vì nghèo phải sống bên sông lạch dơ bẩn, phải chịu hít thở bầu không khí ô nhiễm. TV đã đưa một cảnh ở Bình Dương, mỗi mùa mưa dân chúng hứng chịu bao nhiêu chất thải hôi thối của nhà máy tuôn ra. Người đàn bà khốn khổ mếu máo trả lời phóng viên truyền hình: “Khổ lắm mà không biết kêu ai, mưa xuống nước dâng, bao nhiêu dơ bẩn của nhà máy tràn vào nhà”. Có vùng dân ở gần nhà máy, phải đóng cửa trước, đi cửa sau để tránh mùi... Nếu du lịch bằng xe hơi thì phải công nhận từ Nam chí Bắc nơi nào cũng “hồ hởi” vui chơi, của ngon vật lạ tràn đầy. Thành phố nào cũng rầm rộ hoạt động du lịch. Người Việt sáng tạo giỏi, bắt chước nhanh, thế giới có gì ta có nấy, có đến mức dư thừa. Cứ nhìn kiểu cách ăn mặc, các trò giải trí vui chơi, nhìn những tòa bin đinh, nhìn xe cộ chạy đầy đường, không ai tin chuyện dân kêu ca khiếu kiện, chuyện bán vợ đợ con để sống qua ngày. Hoa Hậu Hoàn Vũ một vé 1800 USD, ai dám bảo VN còn nghèo.

Tiếp tục về Lấp Vò, trời càng nắng gắt, quốc lộ 80 chạy theo con kênh nước đục vàng. Không hiểu con đường có tự bao giờ, mặt đường mấp mô, ổ trâu ổ voi, cứ như đường từ đầu thế kỷ trước. Chạy xe máy trên những đoạn nầy thật vất vả. Bên kia bờ kênh nhà nào cũng có bến để tắm giặt. Vài con thuyền lá chụm đầu dưới lùm cây, trên cầu ao, người thiếu nữ nghiêng mình múc nước... Những chiếc ghe buôn đầy ắp hoa quả thong thả ngược xuôi, cảnh thanh bình mà quá vắng lặng. Nơi đây không bị khuấy động bởi sinh hoạt thị thành. Mọi thứ êm đềm trôi như dòng kênh mộc mạc.

Vừa dừng chân nghỉ dưới bóng cây bên đường thì có một bác đạp xe qua, tôi đưa tay ra dấu muốn hỏi chuyện. Người đàn ông đen đúa, dáng con nhà nông cực nhọc, ông nhìn tôi với vẻ lạ lùng. Tôi nói mấy câu xã giao thân mật cho bác yên tâm:

- Bác à, con đường này xấu quá sao nhà nước chưa làm lại?

- Đường này do Pháp làm.

- Đây là kênh gì, chắc mới đào?

- Không, cũng do Pháp, kênh Họa Đồ.

- Kênh này chảy về tận đâu hả bác?

- Nó chạy theo lộ về Lai Vung rồi tẻ ra nhập với sông Hậu.

Tôi hỏi đùa bác nông phu một câu: “Chắc (...) ở đây không có ai (...)?” Không ngờ câu hỏi chạm mạnh vào nỗi “bức xúc” sâu kín, bác ta kể một hơi về các nhân vật Đồng Tháp, rồi qua chuyện (...) lấy chồng ngoại quốc. Chính bà dì của bác cũng (...) đứa con chỉ được một triệu rưỡi “VND”. Chợt ông im bặt, nhìn tôi như tra hỏi:

- Thôi, nói với ông một hồi tui đi ở tù bây giờ. Ông là nhà báo hả?

- Không đâu, tôi đi về Lấp Vò để thăm chợ chiếu Định Yên.

Người đàn ông như vẫn chưa tin. Tôi phải đưa cuốn sách ra chứng minh việc làm của mình. Ông lật xem qua nhiều trang rồi cười: “Ông cho tui một cuốn”. Tôi lại phải giải thích, cuốn sách như một thứ “CMND” để khi cần “thanh minh thanh nga” với người làm nhiệm vụ (...). Xứ mình nhiều “bọn xấu và thù nghịch”, (...) khắp mọi nơi nên phòng xa, chứ tôi cũng chưa gặp rắc rối bao giờ.

- Bác chỉ giùm tôi đường về Định Yên.

- Ông cứ thẳng một đường, cách Lấp Vò độ 10 cây, có lộ nhựa quẹo trái là đường về Định Yên.

- Còn bao xa nữa bác?

- Ba mươi cây.

Nói xong ông lẳng lặng đạp xe đi. Tôi cũng nổ máy chạy tiếp. Con đường càng lúc càng xấu, nhất là đoạn qua thị trấn Lai Vung. Cầu nào cũng cắm bảng “đang gia tải” (4). Dân vùng này cũng như vùng chợ Cái Tàu, không có vẻ sung túc mấy. Đặc biệt nem chua treo bán lủng lẳng, quán này tiếp quán kia. Nem lại gói bằng giấy màu xanh dương chứ không bằng lá chuối. Mùa nắng ruồi nhặng nhiều, đồ tươi sống rất dễ nhiễm độc, thế nhưng giới bình dân vẫn coi như không. Nơi nào cũng ăn nhậu thoải mái. Đến bây giờ tôi thực sự cũng chưa hiểu sao thịt heo sống giả nhuyễn, gói lá chuối để năm ba hôm là thành món nhậu độc đáo (có lẽ chỉ riêng VN).

(còn tiếp)

Trần Công Nhung

4 - 2008

(1) Tình anh bán chiếu đã đăng

(2) Quán có nửa thế kỷ trước, cạnh sân vận động, dành cho khách chơi đêm 1, 2 giờ sáng về ghé quán. Giờ đấy thì món gì cũng ngon. Ngày nay vẫn còn quán Âm phủ nhưng bán cả ngày và địa điểm khác chủ nhân khác.

(3) Có những hình ảnh của giới lao động không có gì nguy hại, như gánh hàng rong trong phố cổ Hà Nội, một trong những nét đẹp của 36 phố phường. Bây giờ (...) VN đã đẩy Hà Nội lên “thành phố công nghiệp hiện đại”. Muốn Hà Nội như Hong Kong Thượng Hải. Không hiểu rồi Hà Nội còn gì cho du khách tìm đến.

(4) Cầu làm lại để chịu được trọng tải lớn hơn.

***************************************************

source

Vien Dong Daily

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét