Thứ Tư, 2 tháng 12, 2009

Sài Gòn giỗ Tổ


Sài Gòn giỗ Tổ
Cập nhật lúc 1:51:02 AM - 21/12/2008

190-h2-w.jpgBài và ảnh: Trần Công Nhung

Đối với dân tộc Việt Nam ngày lễ lớn hàng năm là ngày giỗ Quốc Tổ, ngày 10 tháng 3 âm lịch. Xưa nay ai cũng thuộc câu truyền miệng:

Dù ai đi ngược về xuôi,

Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba.

[Mâm quả cúng Tổ]


Năm nay tôi dự lễ giỗ Quốc Tổ ngay tại Sài Gòn. Đúng ra, về Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh mới phải, trong ngày hội lớn này, con dân cả nước ai có điều kiện cũng muốn về thắp nhang nơi đất Tổ (1). Lễ tại các địa phương, chỉ làm theo thông lệ chứ không qui mô bằng. Báo đưa tin, Sài Gòn sẽ tổ chức giỗ Tổ lớn nhiều nơi: Thảo Cầm Viên, Văn Hóa Du Lịch Suối Tiên, Đầm Sen...

Hẹn với vài bạn ảnh địa phương, 6 giờ sáng tôi đã đến cổng sở thú. Mùa hè ngày dậy sớm hơn, đi sớm không kẹt xe, đỡ bụi bặm. Cổng Thảo Cầm Viên hôm nay được trang trí đơn giản theo cổng vòm: Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương. Dọc đường Thống Nhất có treo một số áp phích (Poster) nội dung tương tự.

Đền Hùng Thảo Cầm Viên ngay bên phải cổng vào, đối diện “Nhà Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam”. Đền có trước 75. Ban tổ chức đang thiết trí giàn Kiệu, một đường thảm đỏ trải từ nhà Bảo Tàng qua Đền, trên Đền cũng nhộn nhịp chuẩn bị nghi lễ. Đặc biệt lễ vật cúng Tổ là mâm quả kết theo hình thú Tứ Linh (Long Lân Qui Phượng) xếp hai hàng dài trước sân Đền. Đây là môn nghệ thuật dân gian đặc biệt của Việt Nam. Nghệ nhân dùng toàn quả hạt, củ và lá để kết thành hình thú. Hàng năm khu Du Lịch Suối Tiên có tổ chức cuộc thi loại hình nghệ thuật này, và các nghệ nhân vùng Hóc Môn đã đoạt nhiều giải lớn. Mấy năm trước khi đi thăm làng mây tre Hóc Môn, tôi đã ghé xem một vài nhà sống nghề kết thú. Hoàn toàn do bàn tay khéo léo và óc nhận xét tinh tế, các nghệ nhân (phần nhiều các cô còn trẻ) dùng hoa, quả, lá, chồi, từ cây trong vườn hoặc đặt mua, kết thành những con thú quen thuộc trong lễ hội truyền thống: Rồng, Phượng, Lân, Rùa, Hạc, v.v.. Có những nghề gọi là thủ công sự thực vẫn dùng máy một vài công đoạn, riêng nghề thú hoa quả chính danh là “thủ công”. Tác phẩm tuy không giữ lâu nhưng môn nghệ thuật mới này cũng đáng được tưởng thưởng để khuyến khích những người có bàn tay khéo léo.

190-h1-w.jpg

[Lễ Giỗ Quốc Tổ]

Trong khi đang vắng người, tôi ghi vội một số hình ảnh, lúc người dự lễ tràn vào thì khó mà được những tấm ảnh nguyên vẹn. Điểm qua một vài mâm quả đặc biệt: Mâm Du Lịch Văn Hóa Suối Tiên: Hai Rồng lớn trong thế Long Giáng, mâm Công Ty Công Viên Cây Xanh: Kỳ Lân đang múa, mâm của Ngân Hàng Công Thương VN: Ba Rồng một đuôi... và nhiều nhiều nữa của các đoàn thể dâng cúng Quốc Tổ. Nét độc đáo chung là sự chọn lựa tài tình các loại quả, hạt, phù hợp với các bộ phận của Tứ Linh. Vảy Lân bằng quả cau kiểng xanh, tỏi làm răng, tai thơm làm râu bờm... các loại quả cà chua, cam, tắc, thanh long, ớt đỏ... được sử dụng cách khéo léo cho từng bộ phận của Linh Vật. Mâm quả nào cũng rực rỡ màu sắc, có nhiều mâm dùng hệ thống điện làm cho hình thú cử động rất ý nghĩa.

Nhìn qua nhà bảo tàng các cô thiếu nữ trẻ trong ban nghi lễ, lăng xăng trang điểm, kẻ ngồi người đứng, cười đùa, không khí buổi lễ tươi tắn hấp dẫn hẳn lên. Dưới chiếc khăn vành với áo tứ thân, hay áo dài tha thướt, họ trở thành người mẫu cho bao nhiêu tay ảnh đi tìm chân dung. Nhiều chân dung đẹp hồn nhiên, khác xa với chân dung trong studio, mỗi cô một vẻ, nét vui buồn, trầm lắng, hiện lên rõ ràng. Đã cầm máy (ảnh), đã từng săn tìm (ảnh), trong những dịp hội hè lễ lạc, ai mà không hăng say “sáng tác”. Về phía người đẹp cũng không dấu được nụ cười trong ánh mắt khi biết ống kính đang hướng về mình. Tôi thấy ngày nay trong chốn hội hè đình đám các cô thiếu nữ có phần tự nhiên hơn trước kia, họ không quá e thẹn hay điệu dáng nên cũng dễ lấy ảnh.

Những cô trong trang phục cổ truyền Kinh Thượng ba miền, loay hoay sắp đặt mâm lễ vật, nhang đèn, bánh chưng bánh dày chung quanh giàn Kiệu. Các chàng trai trang phục lính thú, trên tay một cán cờ đuôi nheo màu đỏ rực. Mấy bô lão, áo thụng xanh, một đoàn phụ nữ áo lễ màu vàng. Chốc chốc anh thủ máy quay truyền hình phải kêu to để người xem không đi vào tầm ống kính. Cảnh càng lúc càng náo hoạt, người dự lễ đã đông nghẹt hai bên lối lên Đền.

Giờ làm lễ bắt đầu. Kiệu di chuyển chầm chậm qua Đền. Dẫn đầu là chiêng trống, chiêng bên trái, trống bên phải, hai bô lão cầm dùi, cứ ba tiếng trống một tiếng chiêng. Lâu lâu dặm hai hoặc ba tiếng chiêng. Theo sau chiêng trống là đoàn cờ đuôi nheo, tiếp đến hai lọng và Kiệu. Sau cùng là đoàn phụ nữ y phục gấm vàng, đầu đội khăn vành, tay bê lễ vật. Đám rước tuy đơn giản nhưng không kém phần trang trọng ý nghĩa.

Kiệu đi qua, người xem nhốn nháo chen nhau chồm ra nhìn, chụp ảnh quay phim hoạt động rộn ràng. Cuộc rước Kiệu kết thúc khi đoàn rước lên Đền làm lễ dâng hương. Bấy giờ hai đoàn nam nữ tháp tùng dàn ra hai bên bậc tam cấp. Lễ niệm hương, rồi diễn văn của ban tổ chức.

Giỗ Tổ tất nhiên con cháu có bổn phận tấu trình công trạng sự nghiệp lên Quốc Tổ. Các Vua Hùng hẳn đã hãnh diện về con cháu hôm nay. Qua 4000 năm hy sinh bao nhiêu xương máu, chống ngoại xâm lẫn chém giết nhau (Trịnh Nguyễn...), đất nước mới được như hôm nay. Nhưng khi nghe đến “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào...” liệu các Vua Hùng có hiểu? Nếu các Vua Hùng thấy “Phó TT. VNCH” đang bàn chuyện làm ăn ở Sài Gòn, Hà Nội, thấy cờ Mỹ tung bay trên đường Láng Hạ (Hà Nội) hay trên đường Lê Duẩn (Sài Gòn), liệu Tổ có thắc mắc chăng. Tôi nghĩ, nếu Tổ đặt câu hỏi: “Tại sao...”, sẽ có người trả lời: “Chuyện bình thường”.

Phần cuối buổi lễ là tiếng trống cúng Tổ và tấu lên Thiên Đình. Với tôi đây là bài diễn văn hùng hồn nhất, súc tích nhất, lôi cuốn nhất và cảm động nhất. Tôi đã nhiều lần dự lễ tại Đền Hùng Phú Thọ nhưng chưa được xem buổi diễn trống nào như hôm nay.

Trước hiên Đền một giàn trống: Một trống đại, ba trống vừa, một trống đồng, một đàn đá, và một tù và.

Thoạt tiên, ba hồi trống đại nổi lên như dạo khúc mở đầu... Tiếng trống nhịp ba... nhịp năm, càng lúc càng mạnh... rồi đổ hồi, âm vang từng đợt truyền qua rừng cây quanh Đền.... Bỗng tiếng trống đại nổi lên ầm ầm như sấm dậy. Tiếp theo là tiếng trống vừa phụ họa, tiếng đàn đá như than, âm thanh thở dài của tù và, tiếng trống đồng thật ấm rền rền như dư âm vang vọng của những trang sử oai hùng mấy nghìn năm qua.... Tất cả hòa tấu nên khúc nhạc tế lễ thật đặc biệt.

Các nghệ nhân luôn trong thế “trung bình tấn” của nhà võ, hai dùi trống trên tay múa liên tục khi nhặt khi khoan. Đặc biệt anh trống đại diễn tấu trong nhiều thế khác nhau tùy nhịp, tùy cường độ, lúc anh dạng hai chân, lúc chân sau chân trước, có lúc quì hẳn xuống, hai tay anh múa dùi thật nguyễn, tiếng trống của anh khiến người nghe vừa hồi hộp vừa hăng say như người lính xông trận, tiếng trống sôi sục dồn dập, thôi thúc hùng tráng... rồi trở lại êm đềm, bình thường như trời sau cơn dông... Tôi mơ hồ cảm nhận trong tiếng trống như có lời kể lễ ta thán, có lời trình tấu van xin, tiếng trống đắng cay của nhân gian gióng lên Thiên Đình... Bài trống tiếp tục luân chuyển nhịp điệu và cường độ, có lúc ầm vang như tiếng hò reo của ba quân ngoài trận địa. Người nghe tưởng chừng bị cuốn theo, lòng trào dâng hùng khí. Trong khoảnh khắc hào hùng ấy nếu có một tiếng hô, tôi tin mọi người sẽ tiến lên.... Cả một không gian đang rền vang âm thanh của các loại trống, trống đồng tuy chỉ một nhưng người nghe vẫn nhận ra âm sắc đằm thắm, chững chạc, và ngân xa. Tiếng đàn gõ, tiếng tù và phụ họa tạo nên bản hùng ca bi tráng... Rồi cả “bầu trời sấm sét” dịu dần dịu dần, tiếng trống bây giờ êm êm và đều đều như tiếng kinh cầu, mọi người đang bừng bừng khí thế sực tỉnh quay lại mình. Ai nấy như trầm ngâm trong phút tưởng nhớ tiền nhân, những anh hùng đã xả thân cho tổ quốc, những oan khiên bao lớp người đi trước phải gánh chịu cho quê hương sống còn. Tôi không nhớ bài trống kéo dài bao lâu nhưng bấy nhiêu âm thanh không lời mà có sức thu hút kỳ lạ. Không những thế tiếng trống đã thực sự dẫn dắt người nghe vượt qua quãng thời gian dài 4000 năm lịch sử để ngậm ngùi, để hưng phấn, để xót thương, để tự hào về đất nước mình. Và, điều rõ nét là tiếng trống giỗ tổ hôm nay đã truyền cho mọi người niềm tin bất diệt, niềm tin dân tộc Việt vẫn tràn đầy hùng khí, đất Việt sẽ lớn mạnh và trường tồn.

190-h3-w.jpg

[Kiệu qua Đền]

Tôi không còn thấy những màu sắc hào nhoáng của lễ hội, tôi không nghe không nhớ gì ngoài tiếng trống, tiếng trống đã cuốn chìm tôi trong nguồn cảm xúc lạ lùng. Cảm ơn các nghệ sĩ trong buổi lễ hôm nay.

Rất tiếc, tôi không là nhạc sĩ, không có đủ khả năng để thể hiện cảm xúc của mình trong lúc này thành bài ca xiển dương sự hy sinh của tiền nhân. Tôi cảm động và ngẩn ngơ khi tiếng trống chấm dứt trên Đền.

Mọi người ra về, tôi chạy đến chân Đền xin mấy anh trật tự cho lên gặp những người trong ban nhạc trống để hỏi đôi điều và gửi một lời tán thưởng. “Lệnh không cho ai lên Đền để giữ vẻ nghiêm trang”, lời của anh công an áo xanh. Năn nỉ mãi không được, tôi nói: “Anh nhìn lên Đền xem, mấy đứa nhỏ chạy tung tăng, mấy cô gái ăn mặc hở hang đang ăn uống nhồm nhoàm, thế là nghiêm trang sao?”. Họ nhìn tôi sượng sùng không nói gì.

Và, tôi đành kêu vói lên: “Thưa anh, tôi muốn gặp anh một tí được không?”. “Người nghệ sĩ trống”, vui vẻ bước xuống tam cấp, trông anh không còn tuổi thanh niên nhưng người vạm vỡ, anh nhìn tôi cười:

- Anh hỏi việc gì?

- Tôi vừa theo dõi buổi diễn trống của các anh, tôi hết lòng khâm phục và thích thú vô cùng. Tôi muốn hỏi thêm vài điều chưa rõ.

- Anh cứ hỏi.

- Tôi đã nhiều lần dự lễ giỗ Tổ, nhưng đây là lần đầu được nghe bài trống thật hấp dẫn. Anh vui lòng cho biết nội dung bài trống.

Người nghệ sĩ có thân hình rất thể thao nhìn tôi cười như dò xét, tôi hiểu ý, giải thích về công việc của mình. Anh vui vẻ cho biết:

- Bài trống này phối hợp giữa tiếng trống trận Quang Trung và tiếng trống Ngũ Lôi.

- Anh có thể nói rõ về tiếng trống Ngũ Lôi, tôi chưa từng nghe bao giờ.

- Tiếng trống Ngũ Lôi có nghĩa là năm tiếng sấm tế trời đất để cầu mưa thuận gió hòa, cầu quốc thái dân an. Người miền đồng bằng gọi là trống sét, người miền núi gọi trống sấm. Trống được bịt hai mặt bằng da trâu đực và cái. Bình thường trống chỉ đánh một mặt. Ngày lễ lớn được phép đánh cả hai mặt. Tang trống miền xuôi do nhiều thanh gỗ ghép lại, tang trống miền núi đục từ một thân cây lớn, như thuyền độc mộc.

- Thưa anh, trống đồng là trống thời cổ hay mới đúc?

- Trống cổ, giá trị của tiếng trống đồng khác nhau ở thời gian, không gian và tinh thần.

- Bài trống này là do người xưa để lại?

- Không, chúng tôi chỉ dựa vào phần chính rồi sáng tác thêm cho phù hợp với ngày nay.

- Hay thế mà ít ai biết, các anh ở trong ban nhạc văn hóa thành phố?

- Chúng tôi là nhóm trống Phù Đổng, chúng tôi đã từng đi biểu diễn trên 30 quốc gia, Đức Dậu trưởng nhóm, Mạnh Hùng, Mạnh Tuấn, Thu Hiền và tôi là Quang.

Tôi cảm ơn người nghệ sĩ trống, chụp với các anh mấy tấm hình kỷ niệm. Buổi lễ không “hoành tráng” bao nhiêu, nhưng tôi đã có những giây phút thú vị và xúc động thật sự, những phút giây lịch sử hào hùng qua tiếng trống Quang Trung và tiếng trống Ngũ Lôi.

Trần Công Nhung

4 - 2008

(1) Đền Hùng Phú Thọ (QHQOK 3 và 6)

******************************************

source

Vien Dong Daily

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét