Thứ Hai, 27 tháng 9, 2010

Sài Gòn và ‘hàng ngoại’ ngày nay


Sài Gòn và ‘hàng ngoại’ ngày nay
Sunday, September 26, 2010



Sài Gòn Cô Nương/Người Việt

Hệ thống siêu thị Metro đã làm ăn ở Việt Nam, trong đó hầu hết là hàng ngoại. (Hình: Hoàng Ðình Nam/Getty Images)

“Hàng ngoại” là cách gọi các loại hàng ngoại quốc vào VN bằng con đường nhập cảng chính thức đi qua hàng rào quan thuế, hoặc lậu thuế bằng cách luồn lách qua biên giới, qua hàng xách tay...

Nhiều nhất là hàng tiêu dùng, hàng kim khí điện máy, thực phẩm đóng gói, vải vóc quần áo,... chiếm lĩnh hầu hết thị trường VN. Gần đây, nổi bật ô tô, xe gắn máy, điện thoại iPhone,... ồ ạt tràn vào VN. Nhiều nhãn hiệu cao cấp nước ngoài về quần áo, mỹ phẩm, đồng hồ... cũng xuất hiện nhan nhản khắp nơi. Hàng xa xỉ giá cao vọt hẳn nên rất ít người với tới như: Ðồ chơi trẻ em giá từ vài trăm ngàn đến bạc triệu, quần jean hơn một triệu... nằm ở siêu thị sang trọng dành cho số ít người giàu nơi mà ngay cả dạo chơi, “hóng mát,” người nghèo cũng không dám bước chân vào.

Vừa túi tiền hơn là hàng Thái lan, Ðài loan, Indonesia... Những xứ láng giềng này không những cung cấp hàng hóa giá thấp mà còn rất phong phú đủ mọi thứ không thiếu thứ gì. Nhiều nhất từ Ðông Nam Á do vị trí láng giềng gần gũi, không tốn nhiều thời gian, công sức vận chuyển là hàng Mã Lai, Singapore, Hongkong...

Hàng Thái Lan, Trung Quốc có mặt ở Tịnh Biên (An Giang), hàng Trung Quốc tung hoành độc chiếm chợ Tân Thanh (Lạng Sơn), hàng Thái, Lào, Trung Quốc ở cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh)... Tuy nhiên điểm mặt khắp nơi bán sỉ, bán lẻ thấy ngay áp đảo là hàng Trung Quốc.

Vì sát kề một bên nên hàng Trung Quốc dễ dàng vào Việt Nam đâu có cần phải làm thủ tục xuất nhập khẩu. Cứ đường bộ mà đi. Chợ biên giới được chính thức lập ra. Bên cạnh đó, đoàn quân cửu vạn hàng ngày kìn kìn thồ, vác theo mọi ngõ ngách lối mòn, cắt rừng, băng núi chuyên chở hàng lậu hàng trăm tấn mỗi ngày.

Hàng Trung Quốc trước kia gọi là Trung Cộng tức hàng Tàu không thiếu thứ gì. Ðồ chơi của con nít trừ hàng cao cấp Lego, búp bê Barbie... dành cho số ít khá giả và hàng VN là vài món đồ chơi bằng gỗ, bằng nhựa đơn điệu, màu sắc xám xịt không thể nào trụ nổi với cơn bão táp đồ chơi Trung Quốc. Từ cửa tiệm lớn đến tấm bạt dã chiến trải dưới đất ở mọi ngôi chợ chồm hổm đều bán hàng Tàu: từ hàng kim khí điện máy: TV, đầu máy cassette, bàn ủi, radio... đến hàng gia dụng: bộ ly tách, chén đũa, đèn pin... cho tới... hạ cám: dép, guốc, tất vớ, tăm xỉa răng... thảy đều hàng Trung Quốc.

Cứ đi ra ngoài đường nhìn quanh chẳng có món hàng nào bày ra trước mắt mà không dán nhãn “Made in China.”

Hình thức hàng ngoại lại rất hấp dẫn: vừa nhẹ, vừa đẹp, vừa xinh, vừa gọn... Ngoài đường hầu như không còn thấy ai mặc quần áo vá. Bà hàng cá “lên” áo hai dây đính hột đá, ông vé số áo pull Cá sấu, cô bồi bàn quần xệ... nếu không phải quần áo cũ SIDA vài ngàn một chiếc thì đều là hàng Trung Quốc. Bộ đầm xòe màu mè kết ren đính hột dành đi đám giá hơn trăm ngàn, áo gió trời lạnh nhún bèo xinh xắn chỉ ba chục ngàn... cũng là hàng Tàu. Hàng Tàu rẻ không thể tưởng tượng được. Với dân số một tỷ ba, giá nhân công thấp và tính cần cù nhạy bén kinh doanh. Nhiều người Việt không sản xuất trong nước mà sang Trung Quốc đặt hàng. Số lượng ít mấy họ cũng làm, mẫu mã thay đổi mấy cũng chịu và giá nào cũng ừ...

Chủng loại hàng hóa phong phú, giá rẻ mạt, rẻ còn hơn cho nhưng đúng là “tiền nào của nấy,” chất lượng hàng Tàu luôn bị mang tiếng.

Chị Linh đi du lịch phía Bắc. Tận dụng cơ hội đến khu chợ biên giới nổi tiếng bán hàng rẻ. Bà bạn dặn dò kỹ lưỡng:

“Chị không biết coi máy móc chớ mua TV, cát-sét làm chi, bây giờ đang mùa mưa, cứ mang về mấy chục cây dù đi mưa với một rổ điện thoại di động nhét dưới thùng xe, đâu có sợ choán chỗ. Mấy thứ đó thông dụng ai cũng cần, lúc nào cũng hút hàng, coi như mình gỡ tiền tàu xe du lịch...”

Các loại “hàng Tàu” nhập lậu với giá rẻ mạt. (Hình: H.A/Người Việt)

Ghé chợ biên giới Tân Thanh. Chị Linh thấy người ta mua sắm như điên mà hoa cả mắt. USB dung lượng 2G bốn chục ngàn đồng, dù mười lăm ngàn một cây. Bà bạn quân sư thật chí lý, kẹt là chị không có máu buôn bán nên cứ ngắm nghía hết hàng này đến hàng khác rồi... thôi. Về tới Sài Gòn mới hú hồn vì USB thì câm điếc, còn dù long gọng vứt thùng rác nguyên bó. Riêng mền bông Trung Quốc giá trăm ngàn một chiếc, về tới Hà nội giá đã tăng trăm ba, hí hửng dùng được hai tuần thì mền bung chỉ, toạc vải, bông rơi lả tả vứt đi thật tiếc người ta bỏ bao nhiêu công để làm nên những món hàng dối gạt như vậy.

Ðúng là Trung Quốc chuyên sản xuất những loại hàng đẹp mã nhưng chất lượng không phải chỉ xấu mà còn nguy hại cho sức khỏe: Xe gắn máy gãy cổ, đũa gỗ gây ung thư, dép cao su đi trong nhà khiến lở loét da, đồ chơi trẻ có nồng độ chì cao, vải gây dị ứng da, cả giày cao cấp do Trung Quốc làm nhái giày Ý cũng có thể gây bệnh ung thư phổi... Cuối năm ngoái, hơn hai chục giáo viên và học sinh ở Thanh Hóa bị ngộ độc hóa chất trong đồ chơi “hạt nở” của Trung Quốc. Dị ứng, viêm da là những ca thường gặp ở bệnh viện Da Liễu và Nhi Ðồng từ hàng hóa Trung Quốc.

Thức ăn “Made in China” cũng đặc biệt: Lẩu Tàu một gói nhỏ sáu ngàn đồng nấu được cả nồi nước dùng, vừa ngọt như hầm nhừ mấy ký xương vừa hít hà thơm điếc mũi nên không phải chỉ các bà nội trợ mua về nấu nướng, mà cả hàng quán từ vỉa hè cho chí tiệm ăn nhà hàng lớn đều mua về dùng, giá sỉ còn rẻ dữ dội hơn; Sudan là chất nhuộm công nghiệp được chứng minh gây ung thư cho chuột và thỏ được dùng trong son môi, trong tương ớt, bột ớt, trong thức ăn gia cầm khiến trứng có màu đỏ thắm tuyệt đẹp; trái cây cam quýt lê táo “trường sinh” bày bàn thờ hương nến, thời tiết nắng oi nóng nực cả tháng trời vẫn đẹp mơn mởn, bổ ra ăn vẫn giòn ngon, chừng hai tháng... trở lên mới hỏng bên trong nhưng bên ngoài đúng là “bất tử,” màu sắc không hề suy suyển. Hoành thánh là món ăn đặc sản của người Hoa cũng có thuốc trừ sâu trong đó, kem đánh răng chứa chất diethylene glycol (DEG) cao gấp năm mươi lần hàm lượng an toàn cho phép đã gây tử vong người ...

Bà Hà xách giỏ ra chợ cẩn thận hỏi cà rốt củ nào trồng ở Ðà Lạt, củ nào xuất xứ Trung Quốc. Người bán trả lời dễ ợt nhìn là biết liền, củ cà rốt sạch sẽ, mập mạp, hồng hào đẹp như trong phim hoạt họa đích thị hàng Trung Quốc; còn củ nào quắt queo, đầy mắt, đầy rễ, đất đỏ dơ bám đầy mình là hàng Ðà Lạt. Cho nên ai chọn củ cà rốt èo uột mới là người... sành ăn! Riêng trứng nhìn bằng mắt chịu thua, quả nào nhìn cũng giống nhau.

Nếu thích “chưng” vẫn dùng hàng Trung Quốc. Anh Tài giáo viên thương thằng con sáu tuổi dữ lắm bấm bụng mua một chiếc máy bay điều khiển tự động giá một trăm ngàn. Giá đó khá cao nên máy bay nhìn đẹp lắm, màu trắng bạc, từng chi tiết tỉ mỉ đẹp không chê vào đâu được. Chỉ có điều vừa cất cánh lên đúng nửa thước thì rớt phịch xuống, văng bánh xe nằm thẳng cẳng dưới đất. Sau lần cất cánh duy nhất đó, chiếc máy bay chui thẳng vào nằm luôn trong hangar là chiếc tủ búp phê kê ngoài phòng khách.

Bởi “mất uy tín” quá nên hàng Trung Quốc phải nhái các nhãn hiệu khác. Ông Ất xem quảng cáo trong TV máy hút bụi Tây Ban Nha khuyến mãi với giá cực rẻ, được dịp ít tiền dùng món đồ xa xỉ nên ông bèn điện thoại đặt mua ngay. Nhân viên giao hàng đến nhà gặp hôm cúp điện.

Theo đúng tinh thần “vọng ngoại” miễn hàng của Tây, không phải hàng ta đương nhiên là thứ tốt nên ông trả tiền ngay, khỏi chờ thử. Nào ngờ, tối đến có điện, thì máy đứng ỳ ra chẳng thèm hắt hơi lấy một tiếng. Cả nhà săm soi tìm mãi mới lòi ra hàng chữ “Made in China” ở góc kẹt chiếc máy. Ðiện thoại hỏi thì được hãng trả lời hàng Tây Ban Nha nhưng sản xuất bên Tàu.

Ngoài ra đồ chơi Trung Quốc dán nhãn Singapore, xe gắn máy Tàu nhái hàng Nhật, nào là: Waver, Dreamer, Hongda... Mới nhác qua tưởng Wave, Dream, Honda... Người đi loại xe này nâng xe như nâng trứng, hứng như hứng hoa, chạy nhẹ nhàng, tránh dằn xóc, vì đã từng nhiều trường hợp sứt càng gãy gọng gây tai nạn, thương tật. Giá xe chỉ bằng một phần ba xe chính hãng, không đủ tiền mua xe thật thì người ta đành đi chiếc xe nhái cho nó... đỡ ghiền vậy.

Trước kia, trẻ con bú sữa đặc có đường nếu con nhà nghèo hoặc Dielac trung bình hay Guigoz nếu nhà khá khá. Khoảng chục năm lại đây, đời sống thị dân khá lên, lại có chính sách mỗi nhà chỉ có một đến hai con nên dân có tiền thi nhau đi mua sữa ngoại để chứng tỏ đẳng cấp. Sữa càng đắt càng tốt, trẻ càng thông minh. Sữa nhiều tiền tới đâu, trẻ thông minh tới đó!

Bây giờ nhiều hãng sữa tha hồ lựa chọn. Rồi sữa F. 1 dành cho bé từ 6 tháng đến 8 tháng, F. 2 cho bé từ 8 đến 10 tháng, F. 3 từ 10 đến 12 tháng... Rồi cạnh tranh nhau nhau hàng sữa này có thêm chất DHA, ARA làm cho trẻ thông minh, học giỏi, chất Prebiotic giúp tăng cường hệ tiêu hóa, chất Palatinose làm cho bé học hỏi không ngừng, Omega 3, Omega 6 cho trẻ năng động...

Sữa vẫn uống thường ngày vẫn tưởng là xuất xứ từ các nước chuyên nuôi bò sữa như Úc, Hà Lan, Ðan Mạch... tới bây giờ mới té ngửa là lắm khi sữa Úc nhập từ... Bắc Kinh. Giờ thì vụ sữa Trung Quốc gây sạn thận mới tá hỏa. Sữa của họ bị phát hiện nhiễm melamine, một loại hóa chất vốn chỉ dùng cho việc sản xuất chất dẻo và phân bón. Sữa Trung Quốc vào được lãnh thổ VN mới bắt đầu biến hóa. Thời buổi này bao bì là chuyện nhỏ nên ruột là sữa Trung Quốc đâu có ai biết, còn hộp thì muốn sao được vậy. Các kho chứa đầy bao sữa bột Trung Quốc chiết ra hộp thiếc dán nhãn. Người tiêu dùng chuộng Made in... nào thì người bán dán nhãn Made in ... đó. Toàn là Made in New Zealand, Made in Australia, Made in Holland...

Nhiều kho chứa bột sữa Tàu có date tháng 9, 2008 giờ này còn ở trong kho, đến lúc ra thị trường bán lẻ thì chắc chuyển lên thành date tháng 9, 2010 !!!

Hàng ngoại là vậy nhưng hàng hóa VN chẳng thèm nhúc nhích chớp lấy thời cơ. Khó đổ tại cho tâm lý sính hàng ngoại của người dân khi hàng nội kém về chủng loại, số lượng lẫn chất lượng. Cho nên chất lượng kém cỏi mấy hàng ngoại vẫn bình chân như vại và hàng Việt Nam khoanh tay nhìn...

source

NGUOI-VIET Online

Thứ Sáu, 10 tháng 9, 2010

Chùa Tà Cú Phan Thiết


Chùa Tà Cú Phan Thiết
Cập nhật lúc 8:33:17 PM - 03/09/2010
Bài và ảnh: Trần Công Nhung

(Tiếp theo và hết)


w-H1-281.jpg

Tượng Tổ Hữu Đức


Toàn bộ ngôi chùa đang thời kỳ thi công tái thiết. Chánh điện 3 tầng mái, khu nhà đông nhà tây hai tầng mái, sau chánh điện là nhà Tổ. Tất cả đồ tế tự, tượng ảnh đều dời về ngôi nhà tạm bên hông. Tuy thợ thầy đang làm việc, mà chùa vẫn yên tĩnh, tôi vào nhà phụ lễ Phật. Có hai bà huơ huơ hai bó nhang trên tay miệng lẩm bẩm cầu xin, khói tỏa mịt mù(8). Chờ hai bà ra, tôi lẳng lặng đảnh lễ mà không thắp nhang. Vừa cúi đầu lạy thì nghe tiếng chuông trên bàn Phật vang lên, tôi giật mình, thẳng người lạy thứ hai, tôi thấy một vị Tăng trong bộ áo lam đang thỉnh chuông. Lúc tôi hoàn tất ba lạy, thì vị Tăng cũng vừa quay lui khuất sau bàn thờ. Lễ Phật thường có thỉnh chuông, hoặc tự mình, hoặc do người khác giúp. Tôi vòng ra nhà sau có ý tìm gặp nhà sư để hỏi đôi điều.

w-H2-281.jpg

Nhìn xuống chân núi Tà Cú

w-H3-281.jpg

Mái chùa Tà Cú

w-H4-281.jpg

Thầy Minh


Sau gian thờ Phật là nhà nghỉ của chùa. Tôi đang tần ngần có ý dò xem, thì nhà sư lúc nãy bước ra; nhà sư còn trẻ tướng người đạo mạo chững chạc. Tôi định chào hỏi vài câu rồi đi, nên không ngồi xuống ghế; nhưng Thầy cố nài, tôi đành ngồi xuống:
- Thưa Thầy, lâu nay nghe tên chùa Tà Cú nay mới có dịp đến thăm. Thưa Thầy hình như tên chùa trước kia là Trà Cú?
- Đúng vậy, tuy nhiên sách vở viết Tà Cú, lý do đó là tiếng Chăm, tên của ngọn núi này. Ở đây có 4 ngọn núi: Tà Đặng, Tà Dôn, Tà Ban, Tà Cú, bốn ông Tà ở bốn núi. Sư Tổ sáng lập chùa, thêm chữ r thành Trà Cú.
- Thưa, Thầy là trụ trì chùa?
- Không, tôi là thầy Minh, trợ lý sư bà BaLa trụ trì.
- Thưa Thầy, trước khi có cáp treo, đường lên chùa ở lối nào?
- Cũng theo hướng của cáp treo. Hồi đó trai trẻ có thể đi chừng 2 tiếng, còn thường phải 3, 4 tiếng. Do mất thì giờ như vậy, nên khách lên đây phải ở lại hôm sau mới xuống.
- Thưa Thầy, chùa trùng tu khá qui mô, như vậy chừng nào mới hoàn mãn?
- Phải 4 năm nữa.
- Thưa chùa có tài liệu gì xin Thầy để cho một tập.
- Hiện thì không còn, chú cho địa chỉ khi nào có tôi gởi cho.
Tôi ghi địa chỉ và xin gửi chút đỉnh lệ phí, nhưng thầy Minh từ chối không nhận. Thầy còn hướng dẫn tôi đi xem tượng của Sư Tổ mới tạc bằng đá xanh.
- Chú đã thấy tượng Sư Tổ mới làm chưa?
- Dạ chưa.
- Đi, chú lên coi tượng lớn và đẹp lắm.
Thầy Minh dẫn tôi vào nhà Tổ. Toàn phạm vi trùng tu được chăng bạt che kín, khách chỉ đi vòng ngoài khu vực đang thực hiện để lên xem tượng Niết Bàn. Nhà tổ khá rộng, ngổn ngang vật liệu, phần sườn đúc chưa xong, chính giữa có pho tượng bằng đá xanh cao cỡ 3 mét, trong tư thế kiết già, toàn pho tượng toát lên nét từ bi tự tại. Tôi nghĩ, phải là tác phẩm của một nghệ sĩ điêu khắc có tâm Phật. Nhiều tượng Phật, tượng Bồ Tát đồ sộ nhưng thiếu nét đạo hạnh, gây phản ứng ngược đối với người xem. Người tạc tượng Phật Thánh, không chỉ biết đục đẽo, mà còn phải thể nhập được tinh thần của đạo lý mới đạt.
Chánh điện, nhà Đông nhà Tây, nhà Tổ, mái lợp ngói vảy cá đỏ tươi, sóng mái đắp đầu rồng cách điệu theo dạng mũi hài, nhẹ nhàng mà nghệ thuật. Kiểu rồng cổ điển râu ria, mắt mũi lồ lộ, rườm rà kém trang nghiêm. Phần sườn bên trong từ cột kèo xuyên trến, đúc toàn xi măng sắt thép, không có gì bằng gỗ.

w-H5-281.jpg

Tượng Niết Bàn

Sau khi giảng giải cho tôi đôi điều, thầy Minh trở lại trai phòng, tôi men theo đường mòn đi xem tượng Phật. Du khách nối đuôi quanh co lần từng bậc đá. Có những em bé theo chị, theo mẹ, lẽ ra không nên, bởi nguy hiểm có thể đến bất ngờ. Lên được một đoạn, nhìn xuống thấy toàn cảnh ngôi chùa: Mái ngói đỏ giữa rừng cây xanh lá trong ánh nắng mai, dưới xa là đồng bằng mênh mông tận chân trời. Nơi đây du khách đã cảm thấy nhẹ nhõm Thân-Tâm, dù không muốn cũng tạm quên tất cả, để hòa mình với thiên nhiên, lắng đọng giây phút, thoát khỏi những ràng buộc của cuộc sống thường ngày. Trong không gian vắng lặng, chúng ta chiêm ngưỡng những pho tượng chư Bồ Tát và chư Phật một cách trọn vẹn: Thẩm mỹ và tâm linh. Trong ánh nắng mai, những góc mái chùa nổi bật nét nghệ thuật cổ kính về đại thể và mới mẻ ở chi tiết sáng tạo. Một hình ảnh theo tôi nghĩ, không thể có dưới đồng bằng. Đi tìm di tích hay danh lam, đôi lúc chỉ cần khám phá một vài chi tiết nhỏ cũng mãn nguyện rồi.
Đầu tiên là tượng Địa Tạng Vương cao lớn, nét mặt hiền từ, tượng trắng toàn thân, cả đài sen cao mấy mét, tất cả đặt trên bệ xây 4 bậc quét vôi vàng. Ai qua cũng dừng lại đảnh lễ. Ngài là vị Bồ Tát tiếp dẫn hương linh lúc quá vãng. Kế đến là khu tượng Di Đà Tam tôn. Nhóm tượng xếp thành hàng ngang, xây trên đài sen: Tượng Phật A Di Đà ở giữa cao 7 mét, bên trái là tượng Bồ Tát Quán Thế Âm và bên phải tượng Bồ Tát Đại Thế Chí đều cao 6,5 mét, cách thiết trí qui mô hơn tượng Bồ Tát Địa Tạng. Dưới chân mỗi tượng có lư nhang, bệ thờ và thùng phước sương. Lên nữa là tượng Niết Bàn, tượng Phật Thích Ca nằm, bức tượng lớn nhất Việt Nam (9), được khởi công từ năm 1960. Tác phẩm do ông Trương Định Ý chủ trì, được đúc làm bằng bê tông, sơn trắng (loại chống thấm nước), dài 49 mét, cao 7 mét, hoàn chỉnh trong đợt trùng tu năm 1963. Tượng nằm trên bệ cao, giữa rừng cây xanh, chung quanh vắng lặng, không một sinh hoạt nào khác của con người. Trước tượng có khoảng sân rộng, có bệ cúng hương, có ghế đá cho du khách nghỉ chân. Quanh năm không khí ở Tà Cú trong lành, mát mẻ. Nhiệt độ trung bình từ 18 đến 22 độ C. Theo tài liệu về địa chất, thì xưa kia nơi này là một ngọn núi lửa thuộc đệ nhất nguyên đại. nên trong đất có vàng sa khoáng và sulfur, trong nước suối có hoạt chất của các loại rễ cây thuốc như ngũ gia bì, thần xạ, đỗ trọng bắc... rất tốt cho những người bệnh gan hoặc bệnh ngoài da. Chính Tổ khai sơn Sư Trần Hữu Đức (1812-1887), pháp danh Thông Âm, pháp hiệu Hữu Đức từ Phú Yên một mình vượt núi, xuyên rừng vào Bình Thuận, dựng một thảo am ở làng Kim Thạnh (Bàu Trâm) vừa tu hành vừa bốc thuốc. Ông đã góp nhiều công sức chăm lo Phật sự ở nhiều chùa tại Bình Thuận như chùa Cổ Thạch, Linh Sơn (Tuy Phong), Phước Hưng (Phan Thiết) và một số chùa ở đảo Phú Quý. Năm 1872, nhà sư lên núi Tà Cú tu trong một hang đá (sau này gọi là hang Tổ). Mãi 7 năm sau, những người đi rừng mới khám phá ra hang đá nơi tu hành của nhà sư và đã góp công của để xây dựng một thảo am cho sư. Từ đó cho đến lúc mất, sư Hữu Đức không xuống núi nữa; vừa tu hành vừa bốc thuốc chữa bệnh cho dân chúng. Được 16 năm thì sư Hữu Đức viên tịch (ngày 5-10-1887). Sau đó sư Tâm Hiền lập ngôi chùa mới ở phía dưới, nay này gọi là chùa Dưới hay chùa Long Đoàn và chùa Linh Sơn Trường Thọ là chùa Trên.

w-H6-281.jpg

Tượng Phật và Bồ Tát

Nhiều người ao ước được một lần đến chùa Tà Cú lễ Phật, được chụp một tấm ảnh kỷ niệm trước tượng Niết Bàn. Ngày nay nhờ có cáp treo, chuyện không còn khó khăn và cũng không tốn kém bao nhiêu, ai cũng có thể đến chiêm ngưỡng một thắng tích vừa bày tỏ lòng tín ngưỡng của mình. Điều nên nói là về lâu dài, giữ sao cho cảnh trí luôn luôn được nghiêm trang, thanh tịnh, không nên biến nơi tôn nghiêm thành chốn chợ trời.
Trần Công Nhung
06 - 2010

(8). Phần đông bá tánh cứ nghĩ đốt nhang thật nhiều mới tỏ được lòng thành, quên rằng khói nhang do tẩm hương liệu độc hại cho sức khỏe. Nhiều chùa ngày nay chỉ cho cắm nhang vào lư lớn trước sân.
(9). Tại tu viện Liễu Quán (San Diego) của Hòa Thượng Nguyên Đạt, cũng có tượng Niết Bàn tạc bằng đá xanh từ Biên Hòa đưa sang. Tượng dài 50 mét.


Sách đã in: Quê Hương Qua Ống Kính tập 1 đến tập 10, Buồn Vui Nghề Chơi Cây Kiểng, Mùa Nước Lũ (Truyện), Về Nhiếp
nh, Thăng Trầm (chuyện buồn vui một đời người), sách dày trên 200 trang, có 8 phụ bản ảnh màu và cả trăm ảnh đen trắng.
Độc giả muốn có sách xin Liên lạc: Tran Cong Nhung P.O.Box 254 Lawndale, CA. 90260. email:trancongnhung@yahoo.com, Website: www.ltcn.net
source
VienDong Daily

Chùa Tà Cú Phan Thiết


Chùa Tà Cú Phan Thiết
Cập nhật lúc 6:29:35 PM - 28/08/2010
Bài và ảnh: Trần Công Nhung

w-280h1.jpg

Cáp treo lên núi Tà Cú.

Trước 75, tôi thường nghe nhiều người hành hương đến chùa Tà Cú, một ngôi chùa trên núi cao ở Phan Thiết, ngôi chùa có tượng Niết Bàn lớn nhất nước. Phan Thiết thì quá quen, lại dễ đi, nhưng không hiểu sao mãi đến năm nay tôi mới có dịp. Đến Phan Thiết, việc đầu tiên, tôi tìm thăm một bạn ảnh đàn anh, anh Ngô Đình Cường, đường Nguyễn Trường Tộ. Xa nhau quá lâu, tôi chẳng còn nhớ số nhà và mang máng Nguyễn Trường Tộ đâu quanh quanh khu gần chợ... Hỏi không ai biết, có thể đường đã đổi tên, người cũng chắc gì còn. Một bà bán cơm đầu hẻm lại biết rất rõ: “Ổng bị tai biến mà còn khỏe, nhà ổng trong đường này này”. Bà chủ quán vừa nói vừa chỉ con đường ngay bên cạnh.

w-280h3.jpg
Khu du lịch Tà Cú.


Đường Nguyễn Trường Tộ nhỏ xíu như ngày trước, nhà cửa buồn hiu, chạy xe vào một đoạn đã thấy hiệu ảnh Đình Cường. Trí óc dù sắc bén bao nhiêu cũng bị bụi thời gian phủ mờ, gặp nhau phải hàn huyên một lúc, anh mới nhớ. Lúc nhận ra nhau, anh lại nhớ những chi tiết rất nhỏ: “Tôi thích tác phẩm Trở Lòng (1) của anh, catalogue Thế Giới Trẻ Em tôi còn giữ”. Tôi đùa khen anh một câu: “Bao nhiêu người đổi đời, anh vẫn nguyên vóc dáng tuổi tác”. Anh đưa tay dở cái mũ trên đầu, cười: “Ngày xưa tôi hói đầu, nay đầu vẫn hói”. Hói đầu thì nhiều người, nhưng tôi thấy anh Cường hói đặc biệt hơn bởi khuôn mặt anh tròn vo.

w-280h2.jpg
Lên núi Tà Cú.



Chuyện thăm viếng xong, tôi hỏi qua chùa Trà Cú, anh gọi người con rể ra chỉ dẫn cho tôi. “Chùa Tà Cú (2) chứ không phải Trà Cú. Chú đi xe buýt hay chạy xe máy rất tiện. Chùa Tà Cú ở xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam cách Phan Thiết khoảng 28km. Trên núi Tà Cú có chùa Linh Sơn Trường Thọ, bình dân thường gọi chùa Núi, sách vở ghi: Chùa Tà Cú. Ngày nay có cáp treo, vé lên xuống 50 nghìn, không còn phải leo trèo mất sức, mất thời gian”. Nghe mà mừng, nếu phải leo núi thì cũng ngại mặc dù năm trước tôi đã lên núi Thần Đinh cao chưa từng thấy (3).
Năm giờ sáng hôm sau, từ thành phố Phan Thiết tôi chạy xe gắn máy mất 40 phút, đến cây số 28 có cổng chào ngay ngã ba: Du Lịch Cáp Treo Tà Cú – Hân Hoan Chào Đón Quí Khách. Từ cổng vào núi chừng cây số, đường hai chiều cách nhau bằng dải bồn hoa, có trụ đèn nê-ông, lối trang trí na ná khu du lịch Cần Giờ, Đồ Sơn... hoa lá cành cho vui mắt khách. Từ ngoài cổng chào nhìn đỉnh núi cao mờ mờ trong mây, tôi có cảm giác mình sắp làm công việc của một nhà thám hiểm. Núi xanh mù mù thế kia thì biết tìm chùa nơi đâu.

w-280h4.jpg

Nhà ga cáp.


Khu du lịch gồm nhiều gian, đầu tiên là nhà hàng, quầy vé, nhà xe. Đã có một vài xe đò đi theo đoàn, họ đang dùng điểm tâm, cười đùa vui vẻ trong nhà hàng. Tôi đưa xe vào gửi, 2.000 đồng, rồi trở lại mua vé 65 ngàn đồng để lên núi Tà Cú. Tôi hỏi cô bán vé: “Nghe nói vé 50 ngàn mà?” – “Dạ, 50 ngàn vì hồi đó chưa có xe đưa khách ra nhà ga cáp”. Hỏi cho biết chứ cũng chẳng hơn thua gì, điều đáng nói là lối làm ăn của “nhà nước ta” ưa xé lẻ để tính tiền, chứ không muốn lấy trọn gói. Tỉ như mua vé tàu tại ga Hà Nội 700 ngàn đi Nha Trang, khách đi tiểu phải trả 2.000 đồng. Chuyện giữ xe ở đây là nằm trong tổ chức du lịch, sao lại phải trả thêm tiền gửi xe.

w-280h5.jpg

Thùng rác.


Tôi vào cổng chính của “Khu du lịch Tà Cú”, cổng tam quan mô phỏng cổng nhà chùa, nhưng cách điệu rườm rà, ô tròn, ô vuông, nét cong, nét thẳng, một lối kiến trúc không biết thuộc trường phái kiến trúc nào; lạ mắt chứ chẳng ý nghĩa gì. Bên trong cổng có nhiều công trình hoa viên trang trí qui mô, nhiều quầy bán đồ lưu niệm, có nhà ga cáp trên đồi đá. Đặc biệt dọc theo lối đi có những chiếc bàn gỗ, bên dưới là hai ngăn chứa rác: Một bên dành cho “Chất thải tiêu hủy (Non recyclable)”, một bên dành cho “Chất thải tái chế (Recyclable)”. Tuy vậy tôi thấy khách vứt cả chai nhựa vào ngăn “non recyclable”. Người mình có tính dễ dãi, không bận tâm ba chuyện nhỏ nhặt.
Tôi đi về phía có hai chiếc xe điện đang chờ khách, đây là loại xe của Trung Cộng, chạy êm không máy nổ, mấy năm trước lên Lào Cai tôi đã qua Hà Khẩu, thị trấn biên giới của Trung Cộng, thuê riêng một chiếc dạo chơi quanh thành phố (4).
Trong lúc đợi thêm khách cho đủ chuyến tôi hỏi anh xe:
- Khu du lịch này thuộc tư nhân hay nhà nước?
- Trước là thuộc Tổng Cục Du Lịch, sau cổ phần hóa, 19% nhà nước, còn lại của công nhân viên làm ở đây.
Một đoàn khách kéo ra, từng xe (10 người), chạy vào nhà ga trên đồi cách xa chừng cây số. Tại đây cũng nhiều quầy lưu niệm, bán các thứ tranh ảnh. Từng tốp người lướt qua chẳng ai mua gì... Khách đã chật nhà ga mà cáp vẫn treo yên một chỗ, hỏi sao chưa chạy mới biết “đang chỉnh lại hệ thống...”. Nhân viên làm công việc “phục vụ khách” buồn hiu như người đi “cải tạo” (5), khách hỏi không muốn trả lời. Cuối cùng tôi cũng được lên một cabin, cáp di chuyển êm (6), lên, lên dần, cảnh rừng nguyên sinh đẹp lạ lùng. Từ trên nhìn xuống nhiều cây cao hàng chục mét mà lá nhỏ li ti, có những cây màu lá trắng, có cây thân uốn rất mỹ thuật, có cây thẳng đứng to như cột đình. “Rừng vàng”. Đúng vậy! Song không khéo giữ gìn thì chẳng mấy chốc “rừng vàng” sẽ trở thành núi trọc đồi hoang. Trước mắt biết bao nhiêu “rừng vàng” là những món hàng béo bở cho kẻ có quyền mua qua bán lại. Đã nghe tiếng kêu: “Rừng chảy máu”!
Lúc cáp vừa lên, toàn cảnh núi Tà Cú ngược sáng, chân núi thật sắc nét rồi nhạt mờ dần trong sương mai, tia nắng hình rẽ quạt, đẹp lung linh, cảnh ít thấy dưới đồng bằng. Tôi đưa máy chụp, một vài em bé cũng chụp. Ngày nay máy ảnh như điện thoại ai cũng có, chỉ trừ ông bà già lụm khụm. Máy ảnh càng phổ biến, giới chụp dạo càng ít đi.
Cáp dừng ở nhà ga cách chùa không xa nhưng đường đi phải quanh co một đoạn mới tới cổng. Cổng chùa thấp thoáng qua lá cây trông rất đẹp và gợi cảm, đến gần chỉ là tam quan đơn giản, mái ngói mũi hài, bốn cột trơn, chia thành ba lối đi, 1 chính 2 phụ không cửa đóng. Có thể chùa đang tái thiết, nên cổng chưa hoàn tất. Phải lên mấy chục bậc tam cấp mới đến sân chùa. Do thế núi nên mặt bằng, các hạng mục của chùa nằm ở độ cao khác nhau. Trước khi lên sân chùa, có Bửu Tháp Tổ khai sơn (6) ngay bên phải. Tấm bảng giới thiệu tháp Tổ của Sư Bà Ba La đã quá cũ, tróc sơn phai màu. Bửu Tháp ba tầng tương đối nhỏ.

(Còn tiếp)

Trần Công Nhung
06 – 2010

(1). Giải Chao Mờ 1970.
(2). Tà Cú là gọi theo âm của tiếng Chăm, nên nhiều cách viết khác nhau: Tà Kou, Tà Kú, Tà Cú...
(3). Núi Thần Đinh trang 135 QHQOK tập 10.
(4). Trạm quan thuế Lào Cai trang 105 QHQOK tập 8. VN cấm loại xe 4 bánh Daihashu thì xe điện TQ ào sang VN. Tương tự năm nay (2010), VN điện ngày có ngày không, quạt bình TQ bán chạy như tôm tươi.
(5) Một du khách kể lại trên Internet: 10g sáng ngày 5 – 4 - 2010 tôi mua 2 vé khứ hồi cáp treo lên núi Tà Cú thăm viếng chùa Linh Sơn Trường Thọ, lúc xuống cáp chạy được nửa đường thì chậm dần và dừng hẳn. Tôi hoảng hồn, mở vé ra xem, không có 1 dòng tin tức nào hướng dẫn khi gặp trục trặc, kể cả số điện thoại nóng nguội hay số điện thoại của công ty quản trị cáp treo. Tôi chợt nhớ là điện thoại có GPRS và lập tức tra Google ngay, lùng sục mãi sau 5 phút, may mắn có 1 trang cũng nói về việc Khu du lịch này cũng bỏ rơi một đoàn khách trong đó có 1 em bé 2 tuổi.
Tìm được số 0623869109 có người nghe máy, cô này trả lời là do không có ai đi nên tắt máy nghỉ, tôi nghe xong muốn xỉu; một cô khác gọi điện thoại lại và nói rằng do trục trặc cúp điện nên mới bị dừng, và nói chịu khó chờ, hơn 25 phút treo giữa trời. Xuống đến ga tôi thấy chỉ có 1 nhân viên nam ngồi trong phòng điều khiển nghe điện thoại, anh này bước ra cho biết cáp bị kẹt thắng phải dừng lại sửa (?)
Đến phòng kế hoạch gặp 2 cô, tôi phản ảnh tình hình và được trả lời do cúp điện. 3 lý do: Dừng nghỉ vì không khách – Kẹt thắng cần sửa chữa– Cụp điện ráng chờ - 3 lý do khác nhau đều vô lý. Thật không thể chấp nhận kiểu làm ăn của 1 Công ty du lịch như thế.
(6). Cáp treo được thiết kế theo công nghệ của hãng Doppelmayr (Áo), hãng đã lắp đặt cáp treo Xuân Hương - Đà Lạt. Cáp treo Tà Cú có 25 cabin, mỗi cabin 6 người, tốc độ 5m/giây. Công suất tối đa 35 cabin.


Sách đã in:
Quê Hương Qua Ống Kính tập 1 đến tập 10, Buồn Vui Nghề Chơi Cây Kiểng, Mùa Nước Lũ (Truyện), Về Nhiếp Ảnh, Thăng Trầm (chuyện buồn vui một đời người), sách dày trên 200 trang, có 8 phụ bản ảnh màu và cả trăm ảnh đen trắng.
Độc giả muốn có sách xin Liên lạc: Tran Cong Nhung P.O.Box 254 Lawndale, CA. 90260 email:trancongnhung@yahoo.com, Website: www.ltcn.net
source
Vien Dong Daily