Thứ Tư, 2 tháng 12, 2009

Phải làm để sống (Kỳ 2)



Cập nhật lúc 12:23:02 AM - 23/08/2008

h-1-0808a.jpgBài và ảnh: Trần Công Nhung

Sẵn chuyện giun, tôi đến thăm một “trại dế”, cũng trong xã Nhơn Trị. Vừa vào nhà đã nghe tiếng dế kêu ran.

[Dế đẻ trong dĩa cát]


Dế nuôi từng chuồng như chuồng trẻ em, chuồng vây bằng nylon, trải cỏ một lớp dày cho dế ở vừa làm thực phẩm. Giống dế đá học trò thường chơi. Người hướng dẫn giới thiệu tôi với bà già chủ “trại dế”, bà tỏ vẻ vui mừng, gọi người con gái trong nhà ra, bà nói:
- Đây là chú nhà báo muốn tìm hiểu nghề nuôi dế, con nói cho chú nghe.
- Dạ, chú muốn hỏi chi cháu trả lời.
- Cô cho biết dế này mua giống ở đâu?
- Dạ, trên Đức Hòa, ông anh nuôi.
- Giống mua một lần bao nhiêu con?
- Dạ mua trứng.

Cô gái lấy trong chuồng ra một đĩa cát, dùng ngón tay khều khều lớp cát trên mặt rồi chỉ cho tôi:
- Chú thấy trứng dế không, mua nguyên dĩa về cho nở.
- Không ủ ấp gì hả?
- Dạ không. Dế nở ra trắng tinh, chừng 2 tiếng đồng hồ nó đen thui.
- Nuôi bao lâu thì bán?
- Dạ 2 tháng, 1 kí giao cho nhà hàng 120 nghìn, bỏ mối 80 nghìn.
- Một dĩa trứng bán ra bao nhiêu?
- 80 nghìn.

Tôi thấy nghề nuôi dế xem ra ít vốn, nhẹ công, lại phát triển nhanh. Nhưng “vệ sinh môi trường” như thế nào, tôi hỏi thêm:
- Nuôi dế khó không? Có trở ngại gì cho sinh hoạt hàng ngày?
- Dạ không gì khó, nhưng lúc khách đến nhà mà dế đồng loạt kêu lên thì không sao nói chuyện được.
- Dế có bị bệnh dịch gì không, chánh quyền ngăn cấm không?
- Dạ không, dế là côn trùng vô hại, bất cứ con gì cũng có thể giết nó, chim gà thấy là mổ ngay. Không ai cấm việc nuôi dế.
- Không hiểu dế chiên ăn như vậy có hợp vệ sinh?
- Dạ trước khi chiên, cho dế vào một thau nước, chúng lội một lúc là sạch.
- Một cân dế khoảng bao nhiêu con?
- Khoảng 8 trăm đến 1 ngàn con.

Chủ nhà mời tôi ngồi chơi để chiên dế đãi, tôi tìm cách rút lui đi thăm dê.

h-2-0808.jpg[Sống nhờ dê]

Dê cũng là nghề kiếm ăn hàng ngày. Thành phố nào cũng đầy quán lẩu dê, cari dê... Phan Rang là nơi nuôi dê cừu nhiều nhất. Tại một vài địa phương người dân cũng “cải thiện” đời sống bằng cách nuôi đôi ba chục con dê. Cạnh nhà giun có nhà dê. Dê nuôi kiểu tài tử, sáng thả ra đồng gặm cỏ, chiều lùa về chuồng, đời sống của dê cũng khá tự do, một vài con không thích ngủ chuồng thì chui ra nằm ngoài sân hay quanh hè. Tôi hỏi anh chăn dê:
- Dê anh nuôi để cung cấp thịt hay cho đẻ?
- Trước tôi nuôi bầy, cho đẻ, nhưng thấy không kinh tế nên nay chỉ nuôi để cung cấp cho nhà hàng.
- Lợi nhuận trung bình của anh ra sao?
- Nghề này cũng chỉ “dặm” thêm cho vui, chứ cũng không thường. Mỗi khi có người đặt thì đi bắt ở những nơi nuôi lẻ mang đến cho họ. Thường mua 20 nghìn một kg, bán 27 nghìn. Nhưng bao giờ mình cũng lỗ một hai cân. Vì khi mua gặp lúc người nuôi cho dê ăn giây thanh long, nó no nước nặng kí, dọc đường nó đái hao hụt có khi hai ba kí.
- Một con thường bao nhiêu kí?
- Ba chục đổ lại. Nếu nhà nuôi cho dê ăn chuối thì mình chẳng được bao nhiêu, lại bị nhà hàng chửi.
- Tại sao?
- Một kí chuối có 6000 đồng, một con dê nuốt 3 kí nhấp nháy. Dê nặng 30 kí mổ thịt phải được 15 kí, nếu dưới 15 kí lần sau họ không mua nữa.
- Sao lại hao kí nhiều vậy?
- Vì dê bụng to chứa toàn cỏ nước, mổ ra nó xẹp lép, không bao nhiêu thịt. 50/50 là đạt (trọng lượng thịt mổ bằng ½ trọng lượng thịt hơi). Thế nên một kí thịt dê sáu bảy chục ngàn đổ lên. Dạo này dê “cháy”, chạy hàng rất gay.
- Công việc hằng ngày của anh có vất vả lắm không?
- Vất vả chớ, sáng thả dê ra đồng, có lái kêu thì đi bắt, mối kêu thì đi bỏ. Chiều lùa dê về, rảnh thì dọn chuồng, cắt cỏ cho dê... mệt lắm.
- Anh à, tôi nghe nói, một chuồng dê chỉ nuôi một dê đực? Tại sao?
- Tại vì nhiều đực chúng giành gái, phá tùm lum hư cả bầy.
- Tôi thấy nghề anh thế mà sướng. Thả dê, bắt dê, lùa dê, suốt ngày quanh quẩn với dê mà chẳng có gì vi phạm luật pháp. Ở xứ người, thả dê linh tinh là tù ngay. Không phải nơi nào cũng chăn dê được. Việt Nam quả là xứ tự do!

Anh chủ dê cười cười không nói gì.

h-3-0808.jpg[Dê ra đồng sớm]

Tôi hỏi thăm nghề nuôi ếch. Nuôi ếch cũng đã một thời nở rộ ở các tỉnh Miền Tây. Ếch giống Thái Lan to con, sinh sản nhanh, nhưng chỉ bán chạy lúc đầu về sau không tiêu thụ được. Đùi ếch chiên bơ, dân nhậu rất ưa, nhưng ếch Thái không có đùi mà bụng thì như quả dừa, lại thêm chuyện ếch lớn ăn ếch bé, ghê lắm. Nó xé thịt ăn nhau. Người nuôi phải mất công lựa cỡ ếch ra từng chuồng, lớn theo lớn nhỏ theo nhỏ. Cứ 15 ngày lựa một lần. Bây giờ không ai nuôi ếch nữa mà chờ mùa nước đi bắt ếch đồng, đồng thời bắt chuột. Chuột cũng là món “hảo xực” của dân nhậu, nhưng không ai nuôi chuột, có thể chưa ai thử nghiệm. Trong làng nhậu miền Nam, rắn cũng được liệt kê vào bảng “phong thần”. Rắn càng độc, thịt càng ngon. Món độc đáo là rượu rắn (5).

Cứ nhìn qua, cuộc sống người (...) ngày nay thật phong phú đa dạng. Dân thành phố ngày thì tất bật trong nhà máy, hãng xưởng, công ty, văn phòng, chiều lại “meeting” nhà hàng quán nhậu, ca nhạc ì xèo, lại còn cá cược bóng đá chọi gà, số đề huê hụi, Karaoke thuốc lắc... và hàng trăm món ăn chơi “quí hiếm” trên đời. Trong lúc đó ở thôn quê, người nông dân thấp thỏm theo từng mùa lúa, khi được khi mất, khi trắng tay. Đã thế còn khổ thêm vì nạn đất bị qui hoạch làm khu công nghiệp, làm sân golf. Một tỉnh quê mùa như (...) mà qui hoạch 13 sân Golf, mất đi hàng trăm nghìn mẫu đất. Thời sự đài truyền hình (...) cho biết đất nông nghiệp bị mất dần, lúa gạo hao hụt mức báo động. Cái hay của cơ cấu quyền hành ở (...) là tinh thần độc lập. Địa phương nào muốn làm gì cứ việc “triển khai”. Sai thì sửa mấy hồi. Người dân đành tự xoay sở bằng mọi thứ nghề, dù có chật vật vất vả đến đâu cũng “Phải làm để sống”.

Trần Công nhung
3-2008

(4) Dế đẻ trong một dĩa dựng cát mịn.
(5) Rượu Xica QHQOK 4 đã in.

*****************************

source

Vien Dong Daily

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét