Thứ Ba, 23 tháng 11, 2010

Người viết mướn cuối cùng ở Bưu điện Trung tâm Sài Gòn


November 22, 2010

Người viết mướn cuối cùng ở Bưu điện Trung tâm Sài Gòn

THANH TRÚC / RFA

Bưu Điện Sài Gòn, một kiến trúc lâu đời mang dáng nét Tây Phương, là điểm đẹp của nơi được mệnh danh “Hòn Ngọc Viễn Đông” thuở trước và thành phố Hồ Chí Minh bây giờ.

Đến bưu điện trung tâm Sài Gòn, thể nào quí vị cũng thấy một người đàn ông cao tuổi, tóc bạc trắng, dáng dấp nghiêm nghị, nụ cười thân tình, cặm cụi ngồi viết bên cạnh tấm bảng có kẻ hàng chữ: “Nơi Chỉ Dẫn Và Viết Giúp”.

Lặng lẽ và cặm cụi với công việc của mình. Photo courtesy N Minh Duc


Người viết thư xuyên thế kỷ

Đó là ông Dương Văn Ngộ, năm nay tám mươi tuổi, đang làm công việc mà ông gọi là ‘viết mướn’ đã hai mươi năm qua. Chả biết đây có phải là người viết mướn sau cùng của thời đại này không, vào khi mà trong thành phố nhộn nhịp mọc lên nhan nhản các trung tâm hay văn phòng dịch thuật, có thể phiên dịch bất cứ loại đơn từ thư tín nào từ tiếng Việt sang tiếng Anh hay tiếng Pháp.
Người đã nhìn thấy, đã quan sát, đã ghi lại hình ảnh độc đáo của người viết mướn đó, nhiếp ảnh gia Nguyễn Minh Đức, chia sẻ:
“Mình đã mất mấy ngày để làm quen với bác, rồi thấy rất cảm kích cái việc bác làm. Có thể dùng cái từ gọi là lạc thời, cái người lạc thời ấy mà. Bởi vì cái thời buổi cơm áo gạo tiền cuộc sống xô bồ mà cái việc bác làm mình cũng thấy nó giống như một cái biểu tượng văn hoá của thành phố còn sót lại.”

Sáng nào cũng như sáng nào cứ 8h10' là ông Dương Văn Ngộ bước vào bưu diện. Photo courtesy Ng Minh Duc

Như vậy hàng ngày ông Dương Văn Ngộ ngồi ở đó, tại một góc chính của bưu điện thành phố, để khách hàng có nhu cầu viết đơn từ bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp có thể hỏi ý kiến và và nhờ ông giúp một cách nhanh chóng.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Minh Đức kể tiếp:

“Thường là những kiểu như văn phòng luật sư hoặc những chỗ dịch thư từ đơn thuê đó, thứ nhất là chi phí sẽ cao, thứ hai không ai ngồi dịch ngay như vậy đâu, họ sẽ hẹn mình một hai ngày và không có được cái tình cảm giao tiếp như với bác Ngộ đâu, đó là một dạng khác rồi.
Nhưng có một cái khiến tôi cảm kích là mặc dù bác lớn tuổi rồi, con cái của bác có công ăn việc làm, mức thu nhập thực tế của họ vẫn đảm bảo cho bác có thể ở nhà an hưởng tuổi già, vui với con cháu thôi. Nhưng cái quan niệm ở bác mà tôi thấy quí nhất là bác nói “nếu không làm việc thì tôi cảm thấy không khỏe. Tôi còn làm việc được còn tự kiếm tiền được thì tôi không muốn làm phiền con cháu”.
Vừa rồi là vị khách mời thứ nhất trong mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi tối nay. Bây giờ đến vị khách mời thứ hai, ông Dương Văn Ngộ, người tự cho mình là kẻ viết mướn cuối cùng của thời đại vi tính hiện nay.

Gắn bó với Bưu Điện Saigon từ năm 17 tuổi

Năm mười bảy tuổi, cậu thanh niên Dương Văn Ngộ khởi sự làm việc tại bưu điện Sài Gòn. Năm 1990 ông về hưu, được phép làm nghề mà ông gọi là nghề viết mướn:
“Trước thì có năm sáu người, bây giờ chết hết với già hết còn một mình tôi, thành ra tôi là người duy nhất. Thiệt ra chỉ có bưu điện trung tâm Sài Gòn là có công việc này thôi, mà phải xin. Nhưng tôi chưa xin thì lãnh đạo đã cho ra ngồi đó. Có lẽ họ thấy tôi làm việc giỏi, vậy thôi.”

Hình ảnh của ông Dương Văn Ngộ, chắc sẽ tồn tại trong trí nhớ mọi người một thời gian, chẳng như một mai không còn bóng dáng ông ngồi cặm cụi viết thơ viết đơn...Courtesy Ng M Duc

Ông Dương Văn Ngộ quên kể với Thanh Trúc rằng để làm nghề viết mướn ở Sài Gòn thì trước nhất phải có khả năng ngoại ngữ. Đúng vậy, xuất thân từ chương trình Pháp trung học Petrus Ký, bây giờ là trường Lê Hồng Phong, ông Dương Văn Ngộ nói lẫn viết tiếng Pháp thông thạo:
“Còn Anh văn đó, khi tôi làm ở bưu điện tới ba mươi sáu tuổi thì bưu điện cho tôi đi học Anh Văn để phục vụ khách hàng của bưu điện, cho học tại hội Việt Mỹ. Nhưng mà xong lớp Chín thôi, không đủ đâu hết, ra ngoài phải học thêm thôi.”

Phương châm làm việc

Châm ngôn, mà người viết mướn Dương Văn Ngộ theo đuổi suốt hai mươi năm hành nghề, là qui tắc, chuẩn mực, chỉ viết hay chỉ dịch những gì được yêu cầu, không thêm thắt không bịa đặt. Hãy nghe ông trình bày:
“Tôi cố gắng làm sao cho người ta hiểu mình, câu nào ra câu nấy, ngắn gọn, chấm phết đàng hoàng. Ai viết sẵn ra là tôi dịch thôi, tôi không thêm thắt gì hết, tôi chỉ sửa câu văn cho nó gọn chứ còn chuyện tình cảm của họ thì họ phải viết ra. Tôi không bịa đặt, cái đó là nhất định.”

Bao giờ cũng vậy, ông yêu cầu khách hàng thảo đơn hay thư bằng tiếng Việt trước, rồi theo đó chuyển dịch sang tiếng Anh hay tiếng Pháp:

“Cái lối viết Anh văn nó khác với tiếng Việt. Một cái đơn bằng Anh văn đó, vô thì phiá bên tay mặt, ở phiá trên, là địa chỉ của mình, địa chỉ của người gởi mà không có tên, rồi ngay dưới đó là ngày tháng.

Phia bên trái là tên của chỗ đến và cả địa chỉ nữa. Đặc biệt của cái Anh văn nó là chỗ đó, cả chỗ nhận mà cả địa chỉ chỗ nhận nữa, giống như ngoài bao thơ. Rồi mới thưa ông thưa bà gì đó và muốn trình bày gì thì trình bày.

Bởi vì, theo tôi, dầu mình có viết giỏi cách mấy mà cái hình thức không hay thì người ta cũng chê mình. Cái đó là tôi học riêng chứ trường không có dạy.
Tiếng Pháp thì cũng như vậy, cũng có formule (công thức) của nó. Thí dụ như trên cùng là ngày tháng, dưới đó là “A Monsieur Le Directeur” Hay giả tỉ “Monsieur Le Consul General De France”, thì không có địa chỉ mà ghi là Hồ Chí Minh Ville thôi. Xuống dưới mới là “Thưa Ông Lãnh Sự” rồi mới tiếp theo “J’ai l’ honneur…” gì đó. Mỗi cái nó có một formule riêng mình phải theo cung cách của người ta thì người ta mới nể mình.

Tôi không bao giờ biến chế, chỉ có hình thức là tôi sửa thôi, còn công chuyện thì người ta phải trình bày, người ta đưa ra chi tiết mình mới làm được.”
Được hỏi thêm về công việc mà ông cảm thấy lý thú khi có dịp thực hiện mỗi ngày, ông Dương Văn Ngộ giải thích thêm:

“Thí dụ thư gởi cho em ruột mà muốn em rể người ngoại quốc đọc được thì bắt buộc mình phải dịch thôi. Nhưng mà tôi không bao giờ viết lấy hết, người ta viết sao thì tôi mới ý tứ đó tôi lấy ra tôi dịch. Điều có cái là mình sửa đổi, chẳng hạn như “tôi muốn” đó, thì không phải là “I want” mà “I wish” hay là “I would like”, thí dụ như vậy. Phải khéo léo chứ còn muốn xin tiền mà I want I want …thì chừng vài lần là tiêu.”

Qua bao năm làm việc, ông Dương Văn Ngộ tâm sự, rằng khi am hiểu nền văn hoá của chính mình và nền văn hoá của tiếng nước người qua chữ nghĩa thông dụng hàng ngày, ông cảm thấy mình đã học được rất nhiều và yêu thích công việc của mình hơn, dù việc đó không giúp ông kiếm được nhiều tiền, trong lúc tuổi ngày càng cao và sức ngày càng yếu:
“Thường thường thì 8 giờ hoặc 8 giờ 10 tôi vô sở, có khi nhiều khách, có khi ít khách, có khi trọn ngày không có người nào viết thơ, chỉ có viết bao thơ ít cái vậy thôi.
Còn có khi làm không hết. Nhưng có cái là lúc này tôi chỉ dịch một bản dưới hai trang giấy học trò, lãnh hơn làm không nổi. Mà nếu làm cho người đó lâu quá rồi người kế tiếp sao làm cho người ta. Còn nếu đem về nhà làm thì sau bốn giờ tôi về tôi mệt không làm nổi nữa.”
Đã thế, ông nói tiếp, làm công việc này mà không hiểu luật lệ của bưu điện thì sẽ rất khó, chuyện gì không hiểu thì phải chịu khó đi hỏi những người biết rõ hơn mình:
“Vì bưu điện có luật lệ riêng của bưu điện mình phải học. Thí dụ như bây giờ, điện thoại ở Việt Nam cứ thay đổi số hoài, nhiều khi con số thêm không biết đâu mà rờ. Mấy cái đó phải chạy đi hỏi mấy cô ở bưu điện thôi vì nó thay đổi nhiều lắm. Không phải như bên cô, mã vùng 408 là cứ 408 đâu. Ở đây thay đổi nhiều lắm, chỗ tôi là 38, còn có chỗ 37, có chỗ năm mươi mấy nữa.”

Biết bao kỷ niệm khó quên

Dịch xong cho khách hàng một đơn từ hay một bức thư, ông Dương Văn Ngộ lại bắt tay vào lá đơn hay lá thư kế tiếp mà không bao giờ tiết lộ những chuyện riêng tư của khách.
Ông bảo kỷ niệm thì nhiều, tình cảm mà khách hàng quen hay không quen dành cho ông cũng lắm. Ông được sự tín nhiệm và quí trọng của bà con là vì đức tính giản dị, khiêm tốn và chuyên nghiệp:
“Tôi kể cái này là câu chuyện tếu thôi chứ không phải thật đâu. Có cái ông đó lập trình vi tính, ông khoe với bạn là ông lập cái máy dịch hay lắm. Ông kia biểu dịch thử, mà nhè đưa ra cái câu’Out Of Sight Out Of Mind,” tức là Xa Mặt Cách Lòng đó. Mà cái máy nó dịch “out of sight..ngoài sự thấy” nó dịch là “đui”; rồi “out of mind …ngoài đầu óc” nó dịch là “điên” . Ông kia ông cười quá. Dịch đúng từng chữ từng chữ nhưng trật lất. Xa mặt cách lòng mà nó dịch đui với điên, cái đó chuyện tếu thôi nhưng trên thực tế có thể có như vậy đó.”
Nhưng cũng có đôi lần ông tranh cãi với khách hàng, ông kể lại, chỉ giản dị để làm sáng tỏ vấn đề rối rắm của chữ và nghĩa:

“Có một lần tôi cãi với một cô đầm, tôi nói là tôi không bao giờ viết “merci beaucoup” hay “merci bien”. Thì trong sách vở người ta dạy mình tránh nhưng người ta không cắt nghĩa tại sao.

Cô đầm hỏi tại sao thì tôi mới trả lời bởi vì “bien” và “beaucoup” là trạng từ, trạng từ đi chung với động từ. Mình có thể nói “je vous remercie bien” hay “je vous remercie beaucoup,” bởi vì remercier là động từ. Động từ đi với trạng từ là đúng rồi, còn merci là danh từ, không đi với trạng từ.
Thì cô đầm đó hỏi “mais c’est le Francais courant,” nhưng đây là tiếng Pháp thông dụng kia mà. Tôi phản ứng liền, tôi nói tôi đồng ý với bà, nhưng mình viết nó khác, nói nó khác.
Một bà người Pháp khác vì thương tôi viết khá nên bà sửa. Thay vì
“beaucoup avant” thì phải nói là “bien avant”. Đó, nghĩa là có người sửa nhưng người ta thấy mình khá thì người ta sửa cho mình hay hơn.”
Bây giờ, nếu phải rời bỏ công việc thường ngày này, ông Dương Văn Ngộ bày tỏ, lòng ông sẽ thấy tiếc lắm:
“Nếu mà từ giã thì buồn lắm bởi vì mình quen việc mấy chục năm rồi. Hơn hai chục năm rồi. Khi vô gặp người khách quen trời ơi họ mừng không thể tưởng. Mình làm mình ăn tiền của họ mà họ mừng không thể tưởng. Thành ra ráng được ngày nào hay ngày nấy.”

Ngoại quốc cũng biết
“Người Viết Thư Xuyên Thế Kỷ”

Người viết mướn Dương Văn Ngộ, mà nhiếp ảnh gia Nguyễn Minh Đức ở trong nước gọi là Người Viết Thư Xuyên Thế Kỷ, bởi trước ông chỉ đôi ba người hiếm hoi mà nay không còn, rồi sau ông chắc chẳng ai tiếp nối công việc đặc biệt đó nữa. Điều an ủi là ông đang được nhiều người chú ý, kể cả báo chí nước ngoài:
“Nếu ở Mỹ thì có tờ Việt Tribune, một ông đó gốc Hải Phòng, trước ở Sài Gòn, ông vô ra bưu điện thường lắm thành ra khi thấy cái địa chỉ của tôi trong đó cái ông cắt bài báo gởi về cho tôi. Còn ở Canada thì có tờ Travel. Mà trước khi đó là một tờ báo Đức, tờ Spiegel, tạp chí có tiếng ở bên Đức, đăng lên trước, thành ra đài truyền hình mới biết tôi mới là theo sau.

Cũng vui lắm chứ, mình cũng phải sao đó người ta mới thích mình. Nhưng mà cũng mệt lắm. Bây giờ mỗi tháng hoặc là đài truyền hình truyền thanh gì đó hay báo, ít lắm là hai chỗ tới phỏng vấn. Còn những người họ coi báo này kia, họ ưu ái tới hỏi là thường lắm. Có những bữa mà ba bốn chục người đến chụp hình. Người ngoại quốc họ biết hay người hướng dẫn nói cho họ biết, họ tới chụp hình.

Người ngoại quốc thì phần nhiều họ lịch sự lắm. Họ không quấy rầy tới mình, nhưng có những lúc mình rảnh ngó lên chào hỏi họ thì họ lại xin chụp riêng với mình.
Có lẽ cái nghề này là cái nghề hơi lạ, bên xứ họ không có. Ở Việt Nam này thì ngoài Hà Nội không có, còn ở Sài Gòn chỉ có tôi thôi. Không kể mấy trung tâm mà có bảng hiệu thì nó lại khác.”

Đó là câu chuyện của người viết mướn Dương Văn Ngộ, tuổi đã cao, ngày rời công việc cũng gần kề. Chị Diễm, con gái của ông Ngộ, cho biết thị giác của thân phụ đã kém nhiều, nếu qua lần giải phẩu mắt cườm sắp tới thì không chắc ông có thể làm việc trở lại.
Hình ảnh của ông Dương Văn Ngộ, tấm bảng “Nơi Chỉ Dẫn Và Viết Giúp” theo ông bao năm, chắc sẽ tồn tại trong trí nhớ mọi người một thời gian, chẳng như một mai không còn bóng dáng ông ngồi cặm cụi viết thơ viết đơn giùm tại bưu điện trung tâm Sài Gòn nữa.
Nhưng thà vậy, ông cứ về vui hưởng tuổi già, còn hơn có lúc ngồi đó mà gợi cho người ta nhớ những câu thơ man mác sầu của Vũ Đình Liên, nói về một ông đồ lạc thời: Ông đồ vẫn ngồi đấy, Qua đường không ai hay. Lá vàng rơi trên giấy, Ngoài đường mưa bụi bay. THANH TRÚC
2010-07-22

source

Viet Tribune Online

Thứ Năm, 18 tháng 11, 2010

Khúc Ca Đồng Tháp


Khúc Ca Đồng Tháp
Cập nhật lúc 8:22:16 PM - 10/09/2010
Bài và ảnh: Trần Công Nhung/ViễnĐông

w-h4-282.jpg

Đường về Gò Tháp.


“Đây Tháp Mười... phương Nam tôi thân yêu. Sông lúa vờn... vợn trong ánh nắng chiều.
Vang tiếng chày... khắp chốn cô liêu. Đây Tháp Mười... mênh mông này quanh năm. Có những mùa... trồng dâu ta ươm tằm. Có những mùa ... trồng khoai hay hái cà.
Tháp Mười ơi... Đây miền Na... Say tự do...Vui bình an...
Hò ơ hò hò ơi. Ai vô Đồng Tháp mà nghe. Có chiều chiều về em bé. Em bé hát vè... vè mà chơi. Đồng xanh xanh ngát chân trời.
Ơ ơ ời ... ời ơ ờ ờ ơi. Hò ơi ...Quanh năm đồng lúa phì nhiêu. Lúa nhiều... Nuôi dân no ấm tang tình... tình tình tang.
Ai đi xin nhớ xóm làng. Quanh năm cày cấy cho nhà. Nhà Việt Nam...”

(Khúc ca Đồng Tháp của Thu Hồ - Trọng Danh)

w-h1-282.jpg
Shopping center

Có lẽ không một người miền Nam nào không từng nghe “Khúc ca Đồng Tháp” của nhạc sĩ Thu Hồ, bài hát phổ biến như một bài dân ca. Âm điệu và ca từ rõ ràng dễ dãi như tâm tình người miền Nam. Ca khúc vẽ ra một thời thanh bình của miền Tây sông nước, một thời chan hòa tình người đó đây. Không ai còn lạ với tên Gò Tháp (Mười). Nhưng, hỏi vào chi tiết thì hầu hết không ai trả lời một cách chính xác rõ ràng. Tại sao gọi Gò Tháp Mười? Ở đó có tháp 10 tầng, hay tháp thứ 10? (1) Có từ bao giờ? Của Miên hay của ta?... Tháp có từ thời Phù Nam hay cận đại? Chính tôi cũng mơ hồ, mặc dù rất thích “Khúc Ca Đồng Tháp” của Thu Hồ, đã xem Như Quỳnh duyên dáng trong một vũ khúc về Tháp Mười. Dư âm điệp khúc “Tháp mười ơi.., Tháp Mười ơi..., Tháp Mười ơi...” là tiếng gọi âm u than vãn, làm cho tôi nao nao một cảm xúc rất lạ, khi hình dung ngôi tháp cổ giữa cánh đồng mênh mông nước bạc từ Biển Hồ đổ về, y như khi nghe Sơn Nữ Ca của Trần Hoàn mà nhớ núi đồi Việt Bắc. Nghe như có tiếng gió hú về đâu đây...
Năm ngoái tôi đã lên lịch đi tìm Gò Tháp, nhưng trúng mùa nước nổi, nhiều người cho hay vào Gò Tháp đường đất bị ngập, khó đi, nên dành lại năm nay. Trong một buổi họp mặt với các bạn nhiếp ảnh ở Sài Gòn, nhạc sĩ lão thành Ngọc Sơn, tác giả ca khúc “Một trăm phần trăm” (2), bản nhạc mà người lính Cộng Hòa ai cũng thuộc. Anh Ngọc Sơn cho biết: Dưới thời TT Ngô Đình Diệm, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông (Đại Tá) đã có công tổ chức ba buổi đại nhạc hội gây quỹ để xây Tháp Mười (10 tầng). Sau năm 1960, đối phương cho là tháp do thám, vì mùa nước lên chỉ có Gò Tháp không bị ngập, họ đã giật sập tháp, nay chỉ còn lại di tích nền. Chi tiết khá hay, tôi nhờ anh Ngọc Sơn tìm giùm địa chỉ nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, để đến thăm và tìm hiểu thêm về Gò Tháp Mười, trước khi đi. Thăm Nguyễn Văn Đông thì chắc chắn không có gì rắc rối, tuy là lính mang trên vai ba hoa mai bạc (Đại Tá), nhưng nhạc ông chứa đựng toàn tình cảm mộc mạc, trong sáng và đẹp lung linh:

Chiều nay thấy hoa cười chợt nhớ một người
Chạnh lòng tôi khơi... bao niềm nhớ
Người nơi xa xăm phương trời ấy
Người còn buồn còn thương còn nhớ
Nắng phai rồi... em ơi !

(Nhớ một chiều xuân)

w-h2-282.jpg

Chuẩn bị đ
ến nhà trai.

(...) ngày nay tuy đã “thông thoáng” nhưng “đi đứng gặp gỡ” còn nhiều “vấn đề nhạy cảm”, mặc dù mình chẳng có mưu đồ gì, mà, đôi khi chỉ do lòng hâm mộ tài hoa khí phách “người đương thời”. Trước 75, tôi đã có một bộ phim về những cây “đại thụ” trong làng văn thơ, những hình ảnh (theo tôi nghĩ) rất cần cho các thế hệ mai sau tìm hiểu, nghiên cứu (3). Nhưng thời cuộc đổi thay như cơn bão ập đến cuốn đi tất cả... Ngày nay mỗi lần về thăm quê nhà, hễ có dịp tôi cũng muốn ghi chân dung của những người đã đóng góp tài năng tâm huyết của mình cho nền học thuật nước nhà, nay tóc đã ngả màu, chẳng mấy chốc sẽ vĩnh viễn ra đi. Công việc không nặng nhọc, mà không đơn giản...
Theo chỉ dẫn của anh Ngọc Sơn, tôi tới góc đường Nguyễn Trọng Tuyển - Nguyễn Văn Trỗi (Công Lý), vào một buổi sáng. Đây là quán bánh mì Nhiên Hương số 271A, căn phố hẹp, tủ bánh choán gần hết lối đi. Từ bên kia đường tôi bước qua, khi nghe tôi nói đến thăm nhạc sĩ, một người đàn bà lớn tuổi da ngăm đen ra chào và nói: “Ông nhà tôi đi tập thể dục không có nhà, ông cho biết tên và số phôn, tôi sẽ báo sau”. Tôi trao bà cái danh thiếp và giải thích thêm ý định của mình. Suốt ngày hôm đó không thấy tin, tôi nghĩ nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông không muốn cho tôi gặp. Tự nhiên tôi mất đi hăm hở lúc đầu, sự việc hoàn toàn khác với thời tôi đi chụp chân dung văn thi sĩ trước 75. Tuy nhiên tôi không ngạc nhiên, dù là nghệ sĩ cũng phải phòng xa, nhất là tuổi càng cao càng sợ đủ thứ, mọi thứ đã bị thời gian bào mòn, bị thời thế làm teo tóp. Chuyện ai cũng có thể hiểu trong hoàn cảnh quê hương hôm nay (4).
Đi tìm Gò Tháp Mười, tôi được hai bạn nhiếp ảnh trẻ (Dũng và Tú) xung phong chở. Tú có ông cậu làm giám đốc khu di tích, và biết đường đi, thường người ta về Tháp Mười phải qua ngả An Hữu - Cao Lãnh, xa hơn.
5 giờ sáng Dũng đã nháy máy (phone) đợi tôi trước khách sạn Vỹ Hạ 2, hẹn với Tú tại lò bánh mì Như Lan trên đại lộ Hàm Nghi rồi qua xa lộ Nam (Phú Mỹ Hưng) đi Long An. Xa lộ Nam là đoạn đường thoáng đẹp, chưa bao giờ có nạn kẹt xe, nhà cửa thiết kế theo phong cách phương Tây; tuy vậy những khu “tập kết” ve chai hai bên đường vừa mất vệ sinh vừa phá vẻ mỹ quan của khu đô thị mới. Đây cũng là hình ảnh phổ biến trong xã hội VN ngày nay, quán ăn, nhà hàng, cạnh hố rác, cạnh nhà vệ sinh. Hình ảnh những nhà vệ sinh ở Hà Nội (bờ Hồ), Sài Gòn (bến xe buýt), biến thành “shopping center”, bán đủ thứ hàng hóa cả nước uống bánh kẹo. Thật ghê tởm. Một “đất nước anh hùng” mà khốn khổ vậy sao? Nơi nào cũng đầy khẩu hiệu “Văn minh, Văn hóa, Thân thiện”, sao lại “bảo dưỡng” một loại hình như vậy! Nói ra thì đau lòng, nhưng có muốn khác cũng “bó tay”.
Đến Long An, trời vừa sáng, chúng tôi rẽ về Mộc Hóa. Các bạn muốn ghé điểm tâm, tôi đề nghị: “Còn sớm, ở đây bụi bặm ồn ào, cứ chạy ra khỏi hẳn thành phố rồi gặp quán cháo cá thì dừng. Về miền Tây mà ăn phở, không hợp lý, cháo cá lóc rau đắng mới là đặc sản”. QL 62 đi Mộc Hóa, không rộng nhưng tốt, ít xe. Tưởng ra ngoại ô có quán hàng, hóa ra càng xa càng vắng, chỉ có cà phê cốc lai rai. Đường về Mộc Hóa cảnh trí bình bình, con sông đào cặp theo lộ chẳng có gì đặc biệt, mãi mới gặp chiếc cầu khỉ, một hình ảnh ngày nay đã hiếm. Chạy thêm một đỗi, chợt bên kia sông hiện ra một mảng màu vàng đỏ rực rỡ lung linh bóng nước: Đám cưới nhà quê. Thời nay chuyện cưới hỏi ở thôn quê khá linh đình, rạp lều, phong màn chuẩn bị cho ngày hội lứa đôi, có cả ban nhạc xập xình khuấy động xóm làng. Chưa đến giờ hành lễ, chưa thấy nhà trai nhà gái, chỉ một vài cô trong tà áo dài trắng thấp thoáng vào ra, điểm thêm màu sắc cho bức tranh sông nước đồng quê trong ngày vui hôm nay. Mặt sông lặng như tờ, cảnh vật soi bóng nét như gương. Tôi lần xuống mé sông để tránh mấy lùm cây trước mặt, tôi xê dịch qua lại, chờ đợi, chụp thật nhiều. Màu sắc đám cưới thì đâu cũng có, nhưng
màu sắc đầu ngày thế cũng đã làm nóng máy, chúng tôi hăm hở chạy tiếp. Lại một hồ nước rộng, có rừng cây dài in bóng, hình ảnh của hòa bình an lạc, lại dừng chân ghi thêm hình ảnh của một miền quê. Lúc này ai cũng mong gặp quán ăn, ngon dở không cần, sau hai lần bấm máy, bụng đã cồn cào làm reo.
Mãi đến lúc về thị trấn Tân Thạnh mới có phở, hủ tiếu. Điểm tâm xong đã gần 8 giờ. Chúng tôi tiếp tục qua tỉnh lộ 829, sau đó rẽ theo tỉnh lộ 865 về huyện Tháp Mười. Thị trấn huyện, nhà cửa đơn sơ, xe cộ chỉ một vài, không gì nổi bật, hình ảnh như bao nơi khác của miền đồng bằng sông Cửu Long. Chiếc cầu nhỏ còn dang dở, người đi bộ vẫn qua. Chúng tôi vào chợ Mỹ An tìm thăm một người quen để hỏi thêm tin tức. Đi Gò Tháp không gì khó: Từ thị trấn theo tỉnh lộ 845 vô xã Mỹ Hòa khoảng 7km, sẽ có bảng chỉ vào Gò Tháp. Nhìn lại đồng hồ hãy còn sớm, hy vọng kịp về chiều nay. Thực ra tôi còn ở lại để về chùa Phước Kiến tìm một giống sen lạ, nhưng trái đường đi; vả chăng trời nóng quá, người tháo mồ hôi đã thấm mệt, nên mong xong việc trở về nơi nghỉ ngơi lấy sức.

w-h3-282.jpg

Bưu Điện huyện Tháp Mười.

Lúc chúng tôi chạy qua cầu Kinh 12000, có bảng lớn bên đường: Gò Tháp 1km500. Tôi thấy có gì khó đâu, đường nhựa phẳng phiu dẫn vào một khu nhiều cây cao bóng cả, vậy mà cứ đồn “đường đất ngập nước”. Chúng tôi vào ngay văn phòng ban quản trị Gò Tháp và được một cô hướng dẫn trẻ niềm nở tiếp. Trong khi trà nước, tôi gợi chuyện để biết sơ những điều căn bản trước khi đi thăm từng điểm.
- Xin lỗi cháu.. cháu làm đây lâu chưa?
- Cháu là Hươngï, cháu ra trường Cao Đẳng Du Lịch, về đây được 1 năm.
- Tên Tháp Mười nghĩa là sao, có từ bao giờ?
- Dạ theo những gì cháu học thì tên Tháp Mười có từ thế kỷ XIX, và xa xưa nữa, có 2 giả thuyết: Thuyết thứ nhất nói đây là tháp thứ 10 tính từ các tháp đền Angkor dưới thời vua Chân Lạp. Thuyết thứ hai nói đây là tháp canh thứ 10 tính từ Cần Lố Ba Sao (Cao Lãnh) trong thời kháng chiến chống Pháp của hai vị anh hùng Thiên Hộ Dương, Đốc Bình Kiều. Đến thời chính quyền Ngô Đình Diệm cho xây một tháp 10 tầng cao 42m. Đêm 19-12-1959 tháp bị đặc công tỉnh Kiến Phong (Đồng Tháp) đánh sập. Sau này có dự án làm lại nhưng vì tháp do “ngụy quyền” xây nên thôi.
- Mặt bằng khu di tích rộng bao nhiêu? Người nước ngoài có hay đến nghiên cứu?
- Toàn khu di tích 400 hecta. Khu trung tâm 50 hecta. Khu sinh thái 166 hecta. (tràm, sen), còn lại là khu xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Chưa thấy người nước ngoài đến nghiên cứu. Thỉnh thoảng có một hai người đi theo đoàn du lịch.
- Ngày hội Gò Tháp vào tháng nào cháu?
- Dạ, hàng năm có 2 ngày: Rằm tháng 3 vía Bà Chúa Xứ, rằm tháng 11 lễ hội hai vị anh hùng Thiên Hộ Dương, Đốc Binh Kiều. Hai ngày này có hàng ngàn người các nơi về dự.
- Bây giờ mình đi, mỗi điểm có xa nhau lắm không?
- Dạ gần, dọc hai bên đường vào trong một đoạn thôi.
(Còn tiếp)

Trần Công Nhung
05-2010

(1). Tương tự Dinh Mười (chuyện Người con gái Dinh Mười trang 183 QHQOK tập 1).
(2). Của Ngọc Sơn và Tuấn Hải (hiện ở Úc). Có nhiều bài viết trên net ghi của Lê Dinh, Anh Bằng... là không đúng. “Tản mạn đường xa 10” sẽ ghi sự tích nhạc bản “Một trăm phần trăm”.
(3). “Chân dung văn nghệ sĩ”, từ Duyên Anh đến Vũ Hoàng Chương, Lãng Nhân, Vi Huyền Đắc.. (triển lãm năm 1972 tại Nha Trang), mấy chục chân dung luôn cả sinh hoạt đời thường, mỗi vị mấy cuốn phim. Tiếc thay trong lần vượt biển bị gạt, chủ ghe mang nộp tất cả cho công an, bao nhiêu công lao của tôi vào thùng rác. Nay chỉ còn những hồi ức ghi lại trong “Về Nhiếp Ảnh” in 2004.
(4). Không riêng gì NS Nguyễn Văn Đông mà còn nhiều nhiều tầng lớp được gọi là trí, vì quá lo xa, quá sợ hãi đến nỗi hôm nay bầu trời đẹp cũng không dám nhìn...
source
Vien Dong Daily

Thứ Năm, 11 tháng 11, 2010

Thú tiêu khiển


Thú tiêu khiển
Cập nhật lúc 7:22:18 PM - 15/10/2010
Tản mạn đường xa 11

Bài và ảnh: Trần Công Nhung

w-h1-287.jpg
Thú chơi chim.

Tiêu khiển hay giải trí là món không thể thiếu trong đời sống con người. Mỗi dân tộc, mỗi thời đại, mỗi lứa tuổi, tùy hoàn cảnh xã hội, tùy điều kiện sinh sống, ai cũng có những môn tiêu khiển riêng: Du lịch, thể thao, âm nhạc, sách báo, chim cá cảnh, nhiếp ảnh…, đều là những môn bổ ích cho tâm trí. Nhiều người chung sở thích thường họp thành Nhóm, Câu lạc bộ, Hội...
Từ ngày “mở cửa”, Việt Nam nổi tiếng là xứ sở ăn chơi (tiêu khiển thư giãn). Một loạt băng hình vidéo “Ăn chơi xả láng” do trong nước sản xuất đưa ra hải ngoại, đã thu hút một số lượng khách không ít về Việt Nam góp phần (ăn chơi) xây dựng đất nước. Rồi du lịch bùng nổ, đi đâu cũng nghe “Du lịch sinh thái”, “Resort”, không ngõ ngách nào bỏ sót. Nơi đâu có hang có động đều được cải tạo trang trí thành “Ổ Rồng”, “Ao Tiên”. Nhà hàng khách sạn mọc lên không kịp để cung ứng, mọi thứ làm ra đều tập trung phục vụ cho thú tiêu khiển của con người. Một đất nước tưng bừng ăn chơi như thế rất đáng mừng. Thời kỳ bo bo, sắn độn đã lùi quá xa. Nhìn qua thấy vậy, nhìn vào cận cảnh, mỗi trò tiêu khiển giải trí có cái lợi hại riêng, có thể làm cho đời sống thăng hoa, cũng có thể đẩy xã hội sa vào bế tắc suy đồi.
Mỗi buổi sáng đi ngang qua công viên Yến Phi (Nha Trang), tôi thấy rất đông các ông, mỗi người một lồng chim, gom thành một cụm mấy chục lồng, trên khoảng đất rộng của công viên; họ ngồi quây tròn nghe chim chóp mào hót, ré, bàn luận tán thưởng, vừa nhâm nhi cà phê. Khách đi đường ai cũng tưởng người chơi chim cá sinh hoạt hàng tuần.
Một hôm tôi ghé vào, chưa kịp hỏi thăm, đã có người lấy ra một chiếc ghế trong chồng ghế bên cạnh mời tôi ngồi. Đảo mắt một vòng, thấy người chơi đủ các lứa tuổi, nhưng đa số là lớp “6x-7x” (cách tính năm sinh theo báo chí trong nước 6x=những năm 60). Tôi hỏi người kế bên:
- Các anh là nghệ nhân cùng hội?
- Dạ không, cá nhân chơi vui. Không hội hè gì cả.
- Tôi thấy sáng nào cũng sinh hoạt như vậy thì làm việc vào lúc nào?
- Hầu hết anh em đều làm tư, thì giờ không bó buộc, người rảnh chơi lâu, ai bận, về sớm đi làm.
- Chơi vậy có thi thố đấu đá gì không?
- Dạ thi hót, không đá. Tập trung như vầy để chim ganh nhau trổ tài, chim yếu thì học tập thêm. Nha Trang cũng có hội Họa Mi, Chích Chòe...
- Tại sao có một hai lồng treo riêng trên cây?
- Đó là chim con, treo riêng cho nó tập.
- Chim con nuôi từ mới nở?
- Không, chim ra ràng bẫy về.
- Sao không nuôi chim bổi như khướu, họa mi?
- Như vậy lâu, chim không dạn, chim lớn có giọng sẵn không tập được. Chim con gần những chim hót hay nó học mau hơn.(1)
- Chơi như vầy có bán không?
- Có chớ, nhiều người đến xem, con nào hay họ mua.
- Trung bình một con chơi được, giá bao nhiêu?
- Một “chai”, con khá bốn năm “chai”, con nổi tiếng chục “chai”, ông kia có con lông trắng, trả 25 “chai” chưa bán (2). Đó là chim “độc”. Những người mới chơi, mua chim rất dễ bị lầm.
- Lầm thế nào?
- Có những tay lái chim không lương thiện, nhuộm lông chim để bán.
- Nuôi chim con, lâu mau thì chơi được?
- Hai mùa (3).
- Theo anh như thế nào gọi là chim hay?
- Chú nhìn trong đám lồng chim, con đứng một cục là dở, con vừa hót vừa chuyền cành là hay. Con nào vừa hót vừa rung cánh (4) là chim hay nhất. Như trong cả mấy chục lồng ở đây, chỉ có một hai con vừa hót vừa rung cánh.
- Còn lồng chim giá có đắt lắm không?
- Lồng thường thì vài trăm, lồng chiến như lồng Huế, vài “chai”.
Mỗi buổi sáng, làng chim chóp mào nhóm từ 7 giờ rồi tan dần đến trưa. Tôi phục sự đều đặn góp mặt của những người chơi chim, hẳn là còn nhiều điều lý thú mà người ngoài khó biết. Họ gặp nhau hàng ngày, bàn tán trao đổi chung quanh chuyện con chim bé chừng ba ngón tay, vậy mà luôn luôn rôm rả hào hứng, nhưng không ồn ào kiểu bàn nhậu. Nhìn qua cách ăn mặc, họ thuộc hàng dân dã chứ chẳng phải đại gia. Xem ra ai cũng điệu nghệ, dân chơi thứ thiệt. Trò tiêu khiển có vẻ mất thời gian, nhưng không có gì tác hại.
Qua các góc phố, lại có những nhóm thanh niên nam nữ cũng họp suốt ngày quanh bàn cà phê. Giới này ăn mặc màu sắc hơn, “văn minh” hơn, trên tay lúc nào cũng có điện thoại Iphone hệ 3G, cứ như những thương gia làm việc online 24/24. Thế nhưng hỏi ra, thì chẳng có chuyện gì ghê gớm, chuyện hình sự, chuyện “chat sex”, trai gái bốn mùa. Đây là vấn đề đau đầu của các bậc cha mẹ. Nhiều người than thở, lo sợ cho đứa con gái mới 14 tuổi đầu mà biết nhiều quá. Không điện thoại tốt - không đi học; không xe gắn máy xịn - không đi học; không áo quần đẹp, bỏ học luôn... Điều này không ngoa, cứ mỗi chiều ra bãi biển Nha Trang, sẽ thấy nhan nhản từng đôi loắt choắt tuổi “teen” ôm nhau cặp kè, cô cậu nào chờ đợi thì điện thoại kềm tai mải miết (5). Xã hội ngày nay “văn minh” hơn xưa, nên thừa sức cung ứng phương tiện, phương pháp, tiêu khiển cho mọi lứa tuổi.

w-h2-287.jpg

Tuổi “teen” vào đời.

Cửa hàng bán “Dụng cụ hỗ trợ tình yêu” (6) trên đường Bắc Sơn (Vĩnh Hải – Nha Trang), dành cho mọi lứa tuổi (không như ở Mỹ dành riêng cho người lớn). Tuổi “teen” lại càng được chiếu cố chăm sóc kỹ hơn, rượu bia, thuốc lá trẻ con mua thoải mái. Cửa hàng Net một loại dịch vụ lôi cuốn trẻ rất mãnh liệt. Có nhiều trẻ mới học lớp 3 lớp 4, mà ngồi suốt ngày trong hàng Net, cha mẹ không hề biết cứ nghĩ là con đến trường. Internet đã giúp trẻ phát triển trí thông minh nhanh, đồng thời gây nhiều điều không tốt. Trước mắt, trẻ ngày nay mười em, hết 7, 8 em mang kính cận. Nếu không có dịp tiếp xúc, sẽ không tưởng tượng nổi mức độ khiếm nhã hỗn láo của các em như thế nào. Trách nhiệm về ai? Chắc chắn là không hẳn do các em, mà chính là nhà trường và gia đình đã bỏ phế con em. Một bạn đọc ở Phan Thiết tâm sự: “Thằng con em năm nay mới lớp 10, mà ghiền chơi “game” hơn ghiền xì ke. Em phải cho nó đi “cai nghiện” ở Sài Gòn, mỗi tháng 5 triệu, một năm mới hết bệnh”. Nghe như chuyện hoang đường. Việt Nam thì đầy trung tâm cai nghiện ma túy, trung tâm phục hồi nhân phẩm (cho gái mại dâm), nay còn thêm cai nghiện Internet. Theo dõi tin tệ nạn xã hội trên VnExpress, thì quả là đáng sợ. Bức tranh xã hội Việt Nam, ngoài sắc màu lòe loẹt của hội hè đình đám, của Festival biển gọi, Festival Huế, Festival Tây Nguyên, Festival Carnaval (Hải Phòng), của Hoa Hậu Hoàn Vũ, Hoa Hậu Việt Nam..., thì có thể nói màu xám của yếu đuối bạc nhược, ích kỷ, màu tím của bệnh tật, phủ khắp quê hương. Trên TV mỗi tối vẫn có mục “Hình ảnh và bình luận”, những ảnh chụp dịch heo gà, vệ sinh thực phẩm, môi trường... được bình luận, báo động về hậu quả tai hại; nhưng người dân vẫn tỉnh bơ, ăn nhậu khắp nơi, chẳng ai thắc mắc chuyện báo chí phanh phui.

w-h3-287.jpg

Tuổi “teen” trông chờ.


Mới hôm kia, tôi và một người bạn từ Nha Trang đi Vạn Giã tìm một ngôi chùa có vị sư đặc biệt theo lời đồn... Trên đường đi ghé quán điểm tâm, bạn làm nguyên đĩa bánh cuốn có đủ rau thơm, rau sống (!), hành phi (7), kèm ly cà phê đá. Tôi khuyên gạt bỏ bớt những thứ chứa “mầm bệnh”, bạn cười: “Ăn có chết ai đâu mà”. Trên đường về, “dông bão” lùng bùng nổi lên, may ngang Phú Hữu có quán Gió, tạt vào trút bỏ “bầu tâm sự”. Đã thế còn hỏi: “Chả biết ăn gì mà Tào Tháo đuổi”?
Người Việt trong nước cập nhật khá nhanh nếp sống ngoại quốc, nhất là trang phục, áo quần đủ mốt, đủ màu. Có những nơi “chụp ảnh Hàn quốc, cắt tóc Hàn quốc v.v… Nhiều người bảo nhìn lên sân khấu (TV) mà ngượng. Thực lòng mà nói, thì đó là hậu quả tất nhiên của một nền giáo dục mất gốc, một nền giáo dục suốt bao nhiêu năm, mà cứ loay hoay mãi trong vũng lầy, không tìm được lối ra. Để cuộc sống sôi động, họ kéo nhau đi “giao lưu” la hét (ca nhạc). TV đã chiếu cảnh hàng trăm cô cậu tập trung “kêu gào” trước chợ Bến Thành. Nhiều lần tôi thử nghe những ca khúc họ “la hét”, mà thú thật chả hiểu gì. Nghe nhạc và lời lơ lớ kiểu thơ Bút Tre “... dở mu ra chào”.

w-h4-287.jpg

Chơi cổ ngoạn.


Nhìn qua một góc khác, nhiều thú tiêu khiển thanh tao và trí thức cũng nẩy nở khá mạnh: Thú chơi cây, chơi đá, chơi gỗ lũa, chơi đồ cổ. Tôi không ngờ các môn này ngày nay vượt lên tầm cao như vậy. Có lẽ do thời kỳ người Việt được nhìn ra ngoài, người ngoại quốc được vào Việt Nam du hí, nên mọi sinh hoạt phát triển theo. Ngày trước tôi chơi cây, loại Bonsai lớn lắm cũng chỉ 1m50 đổ lại, nay có những gốc bồ đề, sanh si cao năm bảy mét. Giá cây nay lên năm bảy chục triệu là thường. Một bạn chơi cổ ngoạn ở đường Huỳnh Thúc Kháng (Nha Trang) mời tôi đến nhà, tôi thật sự không ngờ trong thời buổi nhốn nháo tranh giành này, lại có một lớp người nặng lòng mê say môn cổ ngoạn như thế. Đứng trước mấy tủ bày đầy các bộ sưu tập bình trà và bát đĩa cổ cùng nhiều thể loại khác, tôi tưởng mình đang lui về một thời đã qua thật xa. Điều bất ngờ hơn nữa, anh còn sưu tầm được những di vật, bút tích của một số tên tuổi như Nguyễn Tuân, Nguyễn Hiến Lê, Tam Ích, Võ Hồng v.v…

(Còn tiếp)

Trần Công Nhung
08 - 2010


(1). Xem bài nuôi chim trang 11 sách Buồn vui nghề chơi cây kiểng của tác giả in 2003
(2). Tiếng lóng “chai” là 1 triệu đồng.
(3). Hai mùa thay lông tức 2 năm (Nuôi chim trang 11 sách “Buồn Vui nghề chơi cây kiểng” của tác giả in năm 2003).
(4).Vũ ca xem bài Tiếng hót Sơn ca trang 53 sách đã dẫn.
(5). Nếu đem chuyện 2 điện thoại làm nổ trứng gà để chứng minh sự nguy hiểm khi dùng cell phone, thì họ sẽ cười như khi nghe chuyện ma.
(6). Ngày nay tiếng Việt được “chế biến” canh tân rất tài tình. Ngày xưa trại tù nay là trại “giáo dưỡng”, nghe rất tình cảm, văn minh. Súng của công an là “dụng cụ hỗ trợ”, “lái cái phương tiện” này đi chỗ khác nghĩa là lái chiếc xe này ra nơi khác. Tôi nghĩ là do có quá nhiều “quan chức tiến sĩ” (giấy) muốn chơi trội khác người, nên cứ đẻ bừa ra cách nói cao siêu, kỳ cục, rồi cứ bắt dân (trẻ con) nói theo hiểu theo, đến một lúc nào đó sự sai trái giả dối sẽ trở thành có nghĩa lý. Tôi vừa chọâp được một câu trên báo: “Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng
và năng suất trong chế biến sản phẩm dạng màng sợi từ gạo”, đố ai biết nhà tiến sĩ nói gì? Bình dân học vụ nói: “Nghiên cứu cách làm bún, miến”. Nhưng nói dễ như thế thì uổng công “6 tháng” sách đèn tiền bạc để lấy bằng Tiến sĩ, phải nói khó mới là bản lãnh quan quyền.
(7). Hành phi, rau sống đã được báo trong nước mô tả ô nhiễm hàng đầu.

Sách đã in: Quê Hương Qua Ống Kính tập 1 đến tập 10, Buồn Vui Nghề Chơi Cây Kiểng, Mùa Nước Lũ (Truyện), Về Nhiếp Ảnh, Thăng Trầm (chuyện buồn vui một đời người), sách dày trên 200 trang, có 8 phụ bản ảnh màu và cả trăm ảnh đen trắng.
Thú tiêu khiển
Cập nhật lúc 5:53:13 PM - 22/10/2010
Tản mạn đường xa 11
(Tiếp theo và hết)

Bài và ảnh: Trần Công Nhung

w-h1-288.jpg

Tuổi thơ thành thị.

Xã hội dù thế nào, chúng ta cũng thấy vẫn còn những tâm hồn trong sáng, những mẫu người mực thước, những tấm lòng đầy nhiệt huyết dám hiến thân cho công bằng lẽ phải, dù chỉ trong một vài “góc khuất” của cuộc đời. Nhưng khi ra đường, mọi người lại quên hết những gì cao quí để đuổi theo cuộc sống trước mặt. Đời sống thúc ép con người gia tăng tốc độ tối đa trong công việc (để có tiền), trong ăn chơi giải trí (vì ngày tháng qua mau, “Không chơi thiệt ấy ai bù”). Rõ ràng suốt ngày đêm ở quán hàng nghẹt khách từ sáng tới khuya, ăn uống ca hát, vui chơi, giải trí, thư giãn... Làm việc đầu tắt mặt tối, có tiền “phải chơi chứ”. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu chẳng ảnh hưởng gì đến đời sống (ăn chơi) ở Việt Nam. Lớn nhỏ có món chơi riêng, nhưng tiền moi đâu ra thì không ai thắc mắc. Chắc chắn một điều, tiền kiếm không phải chỉ do sức lao động tự mình, mà còn nhiều cách khác để cuối cùng tạo ra nhiều tệ nạn xã hội: Cháu bóp cổ bà, con châm điện giết cha, trai gái yêu nhau rồi chặt người yêu thành nhiều khúc... (7) Xét cho cùng, mọi thứ thoát thai từ một nền giáo dục què quặt khiếm khuyết. Trên Vnexpress ngày 3-10-2010 có bài báo: “Không học thêm không được” có đoạn: Chờ đón con lúc 18g, anh H., phụ huynh có con học lớp 3 Trường tiểu học Nguyễn Văn Kịp, kể: “Từ đầu năm cô giáo chủ nhiệm đã nhắc tất cả HS phải tham gia học thêm tại nhà cô, nếu không sẽ bị điểm kém, lúc đó giáo viên không chịu trách nhiệm”. Hằng tuần, vào các ngày thứ Ba, Năm và Sáu, anh H. cho con đi theo cô giáo về nhà cô ngay gần trường. Ở đây, con anh được cô giáo ôn bài từ 16g30-18g, học phí 150.000 đồng/tháng”.

w-h2-288.jpg

Tuổi thơ thôn quê.

Khi bị dồn nén về một khía cạnh nào đó, con người sẽ trở nên bất thường, sẽ nổi điên, sống bất cần luật pháp. Tiêu khiển là cần thiết, nhưng hay dở, nên hư, không phải từ mỗi cá nhân, mà từ xã hội. Trong một xã hội có kỷ cương luật pháp, có văn hóa, văn minh, con người đương nhiên dần dần trở nên hoàn thiện. Trong bài bút ký “Bên đời hiu quạnh” của ca sĩ Khánh Ly có đoạn: “… Nếu bây giờ có ai hỏi tôi rằng, tuổi trẻ Việt Nam ở Hải Ngoại làm gì. Xin thưa, chúng nó đang ngồi trong thư viện. Tuổi trẻ ở trong nước đang làm gì. Xin thưa, chúng đang hát karaoke. Dĩ nhiên không phải các em nhỏ ở đây đều ở trong thư viện, còn các em ở Việt Nam đi hát, hoặc đi chích hoặc ra trường rồi, nhưng đang đi lang thang xin việc làm...”. Ca sĩ Khánh Ly quên hai mục giải trí hàng đầu của trẻ em Việt Nam: Game và Chat, đây mới thực là thế giới của tuổi “Teen”. Dịch vụ Internet tràn đìa từ hẻm phố đến đường quê, mỗi tiệm vài ba chục máy, ít khi máy ở không. Có những lúc lỡ đường cần đọc điện thư (check mail), tôi phải gồng mình chui vào cái thế giới loi choi loắt choắt, để nghe những câu văng tục ê cả mặt, chửi thề điếc cả tai. Không hề thấy ai có lời khuyên bảo loại “thượng đế” này. Trong khi đó, một lớp trẻ khác khốn khổ suốt ngày, lang thang khắp nẻo để bán vé số, từ sáng sớm tinh mơ mãi tới tận đêm khuya. Tôi hỏi một bé 6 tuổi: - “Cháu bán một vé lời bao nhiêu?”. –“Dạ, một ngàn” – “Mỗi ngày bán được bao nhiêu vé?” – “Dạ, 40 vé”. – “Nhà có mấy chị em đi bán?” – “Dạ 3, cả ba mẹ nữa”. Tuổi thơ như vậy thì còn học hành gì. Càng xóa nghèo càng đói, càng xóa mù chữ càng kém văn hóa, càng thiếu văn minh. Đất nước anh hùng, rừng vàng biển bạc, mà xứ sở luôn luôn bị thế giới xếp hạng áp chót.
Trước (...), miền (...) chửi miền (...) đĩ điếm (quán bar), cờ bạc (vé số kiến thiết, cả nước mỗi tuần chỉ một kỳ); ngày nay không biết nên nói thế nào... Có nhiều “sản phẩm” dư thừa còn xuất cảng ra ngoại quốc.

w-h3-288.jpg

Tuổi “teen” khóc M. Jackson.

Xã hội(...) ngày nay so với trước (...), riêng (...), đã có nhiều thay đổi; có nơi đổi thay vượt bậc, từ đường sá, cầu cống, cao ốc bin-đinh (building) thấy choáng ngợp. Điều lạ là trong khi “văn minh khoa học” lên đến tầm cao, thì giáo dục, y tế, và nhiều thứ “tế” đi xuống một cách đáng ngại. Ấy thế nhưng tình cảm của lớp thanh thiếu niên ngày nay, không phải lúc nào cũng chai đá, trái lại còn lãng mạn bi thảm không ngờ. Khi Mcihael Jackson qua đời, tuổi Teen Hà Nội đã kéo nhau ra công viên lập bàn thờ dâng hoa khóc M. Jackson còn hơn khóc cha, khóc mẹ. Có lẽ tình cảm của họ động đến thiên đình, nên trời cũng “khóc” theo đầm đìa. Nhìn đám trẻ sụt sùi dưới mưa mà đau lòng. Phải một nền giáo dục thiên tài, mới đào tạo được lớp rường cột nước nhà như vậy. Những suy sụp đạo đức, giáo dục không nghe quan chức nào có ý kiến, nhưng khi được tin một người Pháp gốc Việt (NBC) nhận giải thưởng Field, thì cả nước dấy lên phong trào tự hào, xúm nhau cho huy chương, tặng biệt thự.
Trong một show truyền hình trên đài VTV 4, bao nhiêu người lên sân khấu để vinh danh ca ngợi, để tự hào (ké) về nhà toán học. Trong hội trường ai cũng cười vui rạng rỡ, vỗ tay bôm bốp, nhất là vị ngồi cạnh NBC, cười hả hê tỏ vẻ sung sướng hơn cả người trúng giải. Thật vậy, nếu tinh ý sẽ thấy suốt buổi tung hô ca ngợi, nhà toán học cúi đầu tay chống trán như suy nghĩ (họ nói gì vậy), chẳng tỏ vẻ gì thích thú; miễn cưỡng vỗ “đầu 3 ngón tay”, chứ không vỗ nguyên bàn tay như mọi người.
Trước những suy đồi về đạo đức, trước những đau khổ về bất công của lớp dân ngu khu đen, hàng “trí thức” như vô cảm. Một đôi lần uống cà phê với bạn đồng nghiệp cũ, tôi có cảm tưởng ai cũng muốn tránh những dao động của cuộc sống chung quanh, dù chỉ để tỏ bày một chút xót xa đối với những người kém may mắn hơn họ. Họ hãnh diện và tự hào về mái nhà của mình, vợ con mình, đừng ai hỏi họ nghĩ gì về ngày mai. Thú tiêu khiển của tầng lớp này là khoe khoang của cải, khoe khoang sự nghiệp của con cái... Họ hả hê khi cho ai đó biết con họ vừa đậu vào đại học Y, vừa tốt nghiệp kỹ sư Nông nghiệp... nhà họ vừa lên lầu, họ vừa mua lại chiếc xe hơi ...

w-h4-288.jpg

Giải lao thay giải trí.

Nhưng, nếu gần đám dân lao động “xe ôm”, “buôn chui bán nhủi”, “buôn thúng bán mẹt”... thì tha hồ nghe họ tả oán. Tất nhiên là tả oán kẻ không tên, người không tên chửi mới thỏa thích. Giới này biết đủ thứ “thượng vàng hạ cám”, họ nói oang oang không cần che đậy. Chính đây cũng là cách tiêu khiển của giới lao động nói chung. Giới này chỉ cần xị đế là có thể xả “stress” thoải mái. Trong khi đó hàng “đại gia” thì có trò tiêu khiển cao cấp, qua đường dây nóng. Ngày nay người ta thường nhắc đến “Hoa hậu chân dài”, với nhiều thứ hạng, giá cả khác nhau. Đi với chân dài phải có xe hơi xịn cỡ như “Cường đô la”(8). Một câu chuyện luân lưu trên mạng: “Xài vợ quá phí”, nói về một đại gia cưới 3 cô vợ hàng hoa hậu trong một năm. Ba tháng một đám cưới, chẳng khác gì người chơi hoa, hoa chưa tàn đã thay, vợ đang đẹp như tiên nga giáng trần đã vội đổi vợ mới. Phải thừ nhận thời đại hôm nay, con người Việt Nam (hàng đại gia), hưởng thụ dư thừa, tự do dư thừa, tiền bạc dư thừa, chẳng còn gì để than vãn kêu ca.
Khởi đầu, ai cũng đi tìm thú tiêu khiển để đời sống bớt căng thẳng. Nhưng, điều kiện đời sống, hoàn cảnh xã hội, lòng tham sân đã đẩy đưa bao nhiêu người vào vòng tù tội. Xã hội ngày một xấu xa, cũng chỉ vì tiêu khiển, thư giãn tí thôi. Một hình ảnh dù bảo thủ cách mấy, cũng khó lòng che đậy như hình ảnh của những nhân vật tai mắt (...) mới đây (9). Nếu nhìn với con mắt đạo đức, thì phán thế nào cho êm! “Giấy rách phải giữ lấy lề”, lề còn nát hơn thì giữ bằng gì? Tội danh như vậy mà hình phạt chỉ: “Đề nghị ngưng chức”. Trong lúc tại các nước đế quốc tư bản, một anh Thị Trưởng say rượu lái xe bị bắt, thì tự động xách cặp về vườn. Lại có người cho rằng: “Truyền thống” dân ta sống có tình có nghĩa,nên lúc nào cũng nhẹ tay. Chỉ có bọn phản động bố láo, thì phải thẳng tay dạy bảo chúng tới nơi tới chốn. Có thế chúng mới nên người”.

Trần Công Nhung
08 - 2010

source

Vien Dong Daily