Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2009

Cái Mơn Chợ Lách



Cập nhật lúc 10:05:55 PM - 12/09/2008

bt-3.jpgBài và ảnh: Trần Công Nhung

Đã một thời mê say với nghề cây kiểng, đã nghe đồn nhiều về Quê Hương Cây Kiểng Cái Mơn, nhưng cũng chỉ “Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”.

[Đại lộ vào thị xã Bến Tre]


Lần này tôi quyết đến tận nơi, xem thực hư ra sao. Dựa theo bản đồ và lời chỉ dẫn của người biết chuyện thì đường đi không khó, một nơi tiếng tăm như vậy sẽ dễ tìm.

Tôi khởi hành sớm từ một làng quê huyện Tân Trụ (Long An) về Mỹ Tho. Hành trang gọn nhẹ, một túi máy, và một túi vải ít đồ dùng cần thiết. Chạy chiếc xe máy mua năm trước, tôi như một người đi chơi, chỉ khác thiên hạ chiếc áo Jacket.

Năm giờ sáng, trời còn tối, các loa công cộng đã vang điệu nhạc quân hành, để mở đầu câu chuyện nông nghiệp. Mùa nào cũng bấy nhiêu tin, vụ mùa đạt năng suất, cải tạo đất, vận dụng nhân công, dùng phân hợp lí, v.v. Thôn quê sáng sớm rất hợp với đề tài này. Chỉ tội con trẻ học bài, phải ráng sức gào cho hơn tiếng loa vang, may ra mới nhớ phần nào bài học.

Ưu điểm ở miền quê là bầu không khí trong lành, gió lồng lộng, nhất là lúc sáng tinh mơ. Vừa chạy xe vừa hít thở thật sâu, cố bơm đầy hơi hai buồng phổi, người tôi tỉnh táo nhẹ nhàng, ung dung sảng khoái. Chỉ một lát tôi đã ra quốc lộ 14, con đường huyết mạch về Miền Tây. Thừa lúc tối trời chưa có CSGT, các loại xe đua nhau chạy ào ào, đường rộng hai chiều, bờ bê tông ngăn giữa, có làn dành cho xe hai bánh. Mấy xe máy trước mặt tôi chạy khá nhanh, tôi cố vượt qua một hai chiếc, chạy trước nhỡ gặp “sự cố” có người giúp. Tôi yên tâm có bạn đồng hành, xe nào cũng hai người, còn thêm em bé, bao bị trước sau, chứng tỏ họ là người đi xa.

Đến ngã ba Trung Lương, thẳng theo con đường Ấp Bắc, qua một chiếc cầu nhỏ, rẽ phải là con đường Nguyễn Thị Thập về Bến Tre. Đường đang được đào xới mở rộng, trụ Km cho biết Bến Tre cách 18 cây số. Hết khu phố, đường tốt bình thường. Vận tốc 40km giờ và đường như vầy, tôi nghĩ chạy đến đâu cũng được. Điều đáng lo là xe đò, họ chạy không phải vì không kịp giờ mà để vượt nhau tranh đón khách dọc đường. Nhiều tai nạn thảm khốc xẩy ra chỉ vì thế.

Lúc trời sáng hẳn thì trước mặt tôi hiện ra mấy vài cầu đang dở dang. Dạng cầu thiết kế như cầu Mỹ Thuận, thân cầu uốn cong lên trông mảnh mai rất đẹp. Đến đây tôi mất hướng đi Bến Tre. Tôi đứng trước một ngã ba: Rẽ trái vào Mỹ Tho, rẽ phải đi Bình Đức. Tôi quay xe hỏi một người đi đường:
- Nhờ bác chỉ giùm lối nào đi Bến Tre?
- Ông rẽ trái, chừng 2 cây số có phà qua Bến Tre.

Đúng như lời, khách đang xuống phà. Xe và người 5000 đồng. Điều đáng mừng là ngày nay không còn cảnh chụp giựt hành khách của giới bán rong. Hai bên đường xuống phà hàng quán sạch sẽ sáng sủa, “thể hiện nét văn minh”. Chưa đầy 10 phút chiếc phà nặng nề gầm gừ rời bến. Phà rời bến không còi hụ chẳng nhả khói, hành khách tỉnh bơ không cảm xúc, khác với ngày xưa, con tàu nhổ neo mang bao người đi, để bao người ở lại:
“Biệt ly sống trên dòng sông, ôi còi tàu như xé đôi lòng.
Và mây trôi, nước trôi ngày tháng trôi cùng lướt trôi...”
(Biệt Ly của Doãn Mẫn)

Dù chưa sống trong cảnh biệt ly, nhưng âm hưởng của bài nhạc cũng làm cho người nghe nao nao buồn buồn.

Phà ra giữa sông mới nom rõ hai trụ cầu chính cao vút, tôi hỏi chàng thanh niên đứng cạnh:
- Cầu đang làm tên gì hả anh?
- Cầu Rạch Miễu, qua sông Tiền.

Phà Rạch Miễu, cầu rạch Miễu, chắc là một thời nào đó có ngôi miễu linh thiêng lắm nên dân chúng mới lấy làm tên, như khu chung cư Miếu Nổi trên Sài Gòn, bây giờ là một làng cà phê, suốt ngày hàng nào cũng đông khách.

Phà chạy lài lài về phía trái, vòng qua cù lao trước mặt, thấy hai chữ Cồn Phụng, tôi nhận ra đây là nơi ông Đạo Dừa tu ngày trước. Kỹ sư Nguyễn Thành Nam tốt nghiệp bên Pháp, về nước trong cảnh “Nam Bắc phân tranh” nên “bức xúc” vì thời cuộc mà lập ra Đạo Dừa.

bt-2.jpg[Cồn Phụng (Đạo Dừa)]

“Trời hanh nắng tôi đi thăm Cửu Trùng Đài của ông Đạo Dừa, cách đó không xa. Vé vào cửa 5000 đồng. Nói vào cửa nhưng thực ra chẳng cổng ngõ, không ai soát xét gì cả. Mấy nhân viên ở dãy nhà bên cạnh để thu tiền. Công trình ông Đạo tuy không qui mô vĩ đại nhưng lạ mắt. Trên một sàn đúc khá chắc từ trong bờ ăn rộng ra sông, kỹ sư Nguyễn Thành Nam (tục danh ông Đạo), xây một giả sơn cao chừng 5m trên đỉnh dựng một tháp 9 tầng, và ông ngồi trên đó để tu luyện. Trước tháp chín tầng là một “Sân Rồng”. Tám trụ cao, hoa văn chạm trỗ mỗi trụ có một Rồng Thăng, quấn từ dưới lên. Trong sân có nhiều chậu kiểng gọi là trang trí chứ không xuất sắc. Có một nhà chuông một lư nhang cao 3m, trên lư khắc mấy dòng về ông Đạo: “ Cậu Hai Nam Nguyễn Thành 1928-1935 du học Pháp, trường đại học Hóa Chất tại Caen. Sau 3 năm tranh tài để làm gì, về xứ lên Thất Sơn Huyền Bí tìm giải pháp hòa bình, Thiên Định theo lý số Âm Dương, bất chiến bất bạo động”.

Tôi không hiểu ai ghi những điều mù mờ khó hiểu như vậy. Hỏi xem có tài liệu gì khác về ông Đạo thì ai cũng nói chỉ có bấy nhiêu. Tôi có cảm tưởng bộ phận coi ngó thu tiền không “mặn mà” lắm với cơ ngơi mình khai thác”. (1)

Phà cập bến, con đường chạy thẳng, sạch sẽ và cây trồng hai bên cũng lạ. Lề bên phải toàn cây dầu thân trắng cao vút, bên trái toàn phượng vĩ. Tôi chưa biết đường về đâu, tuy có nhớ mấy câu thơ ai đó:
Bậu sang phà Rạch Miễu, ngoe nguẩy xuống Bến Tre
Về
Cái Mơn, Lương Hòa hay là, về Sơn Đốc, Ba Tri?

Lại phải hỏi thăm:
- Thưa bác, đây là đường gì, về thị xã Bến Tre đi lối nào và bao xa nữa bác?
- Đây là QL 60, ông chạy chừng 3km, đến cuối đường rẽ trái, đó là đường vào thị xã.

Từ ngã ba rẽ trái là đại lộ hai chiều, có bồn cây phân cách, đèn cao áp tăm tắp mấy hàng, sạch đẹp. Mỗi trụ đèn gắn một tấm bảng hình thoi sơn màu xanh, tạo nét trang trí hay hay.

Phần nhiều đường vào các thành phố trên cả nước ngày nay mở rộng và trang trí thành đại lộ khang trang mới mẻ. Điều đáng phàn nàn là đa số người dân không gìn giữ “bộ mặt” của mình, coi đường cái, công viên như thùng rác. Hễ có rác là cho ra đường.

Đại lộ vào thành phố chừng vài cây số, cuối đường là ngã ba: Rẽ trái, đường Đồng Khởi vào thị xã, rẽ phải đi Mõ Cày. Đồng Khởi là phố chính của thị xã Bến Tre, nhà cửa còn đơn sơ, có chỗ còn nguyên chái tôn tạm bợ kiểu nhà ổ chuột. Xuống gần bùng binh tượng đài, phố xá khang trang hơn, nhưng không tấp nập. Không tiếng còi, ít bụi bặm, không thấy du khách, không một bóng Tây, Đầm. Chạy một vòng cố tìm quán phở mà thấy toàn hủ tiếu bánh canh, bún cua... Tôi hơi lạ, dường như dân thành phố không ai đi ăn ngoài, ít quán ăn, nhiều tượng đài. Tôi phải dừng xe, nhắm tướng hỏi một người đi đường: “Xin bác mách cho một quán phở”. Ông khách nhìn tôi cười rồi đưa tay vẽ một vòng vừa nói: “Ông chạy bọc lại con đường này, xuống gần dưới chợ mới có phở ngon, trên này dở lắm”.

Vòng qua mé đường bên kia, chạy một đoạn tôi thấy có tiệm phở rất đông khách. Không phải đắn đo, tôi dựng xe vào quán, đang liếc tìm một chỗ thì chị bưng phở chỉ tôi ngồi chung bàn với một thiều nữ đang ăn. Trong khi đợi tô phở lên tôi làm quen người đối diện. Tôi hỏi một câu bâng quơ:
- Hình như Bến Tre ít quán phở phải không cô.
- Dạ.
- Và nhiều tượng đài.
- Đây là gốc cách mạng mà chú.
- Cô chắc ở đây từ nhỏ, tôi muốn hỏi thăm đường về Cái Mơn, cô biết chỉ giùm.
- Dạ chú hỏi mấy xe ôm họ rành, cháu chỉ nghe nói thôi.

Mỗi địa phương có thói quen riêng. Tôi gọi tái nước trong, tô phở bưng lên như phở bò kho, có cả cà rốt. Cũng ăn được, một lát họ cho thêm chén tái, tôi cười, nghĩ là cô hàng đã bê nhầm. Cô bồi bàn như đoán được ý, nói cách tự nhiên: “Sao cười chú, kiểu ở đây, một phần, một tô một chén”. Nhìn quanh thấy ai cũng thế. Tô phở 15 nghìn vậy là rẻ lắm.

Cái Mơn là nguồn cung cấp giống cây trồng cho hầu hết các tỉnh trong Nam kèm thêm nghề tạo cây kiểng. Trước đây tôi đã có thời cộng tác với cơ sở Hoa Kiểng Sáu Quí (2) ở Sài Gòn, mỗi mùa Tết, Sáu Quí chở từng ghe cây miệt Cái Mơn lên Sài Gòn bán lại cho các vựa. Hồi ấy tôi chỉ mường tượng trong trí: Cái Mơn là miền nào đó tít tịt heo hut dưới Miền Tây. Cái tên nghe cũng đã quê mùa cô quạnh rồi.

Một anh xe ôm chỉ cho tôi đường đi:
- Chú chịu khó đi xa một chút mà êm, đi đường Mõ Cày xấu và bụi lắm. Chú lấy viết tui vẽ bản đồ chú đi dễ thôi.

Tôi đưa anh cây bút, cuốn sổ, anh vừa hí hoáy vẽ vừa nói:
- Đây chú xuống đường bờ sông chạy miết, gặp phà Hàm Luông, qua phà chạy về Chợ Lách, Cái Mơn thuộc huyện Chợ Lách.

Đường bờ sông là đường Hùng Vương, sạch đẹp, có cây trang trí, tương tự như đường Trưng Vương Mỹ Tho, Bạch Đằng, Đà Nẵng. Mốt của hầu hết các thành phố bây giờ là thế. Dừng nghỉ một lúc, nhìn xuôi ngược dòng sông, bấm vài tấm ảnh. Sông nước trong Nam không phải để cho văn nhân thi sĩ sáng tác, tuy đã có những nhạc phẩm như Dòng An Giang; với tôi, sông nước miền Nam là nguồn sống của con người. Mỗi năm bao nhiêu phù sa bồi đắp cho ruộng đồng, bao nhiêu tôm cá cho dân chúng. Lại còn là huyết mạch giao thông chẳng khác gì đường sá trên bộ.

Trần Công Nhung
4 - 2008

(1) Trích một đoạn trong QHQOK tập 4 của tác giả viết về ông Đạo:
(2) Đọc Buồn Vui Nghề Chơi Cây Kiểng của tác giả.

**********************************************************

source

Vien Dong Daily

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét