Thứ Tư, 2 tháng 12, 2009

Chuyện đi về

Cập nhật lúc 12:16:28 AM - 04/10/2008

h3_SFW.jpgBài và ảnh: Trần Công Nhung

Năm nào tôi cũng có một chuyến đi xa. Thường là về nơi trước đây do thời cuộc mà phải ra đi.

[Cảnh đồng Hà Nam]


Đi về như vậy không phải khó khăn chuyện vé xe vé tàu như người quốc nội. Người ta làm ăn theo cung cách quốc tế nên chẳng bao giờ có chuyện cửa trước cửa sau, chuyện thập thò mua vé chợ đen. Tuy nhiên mỗi chuyến đi cũng có những vấn đề làm khách không hài lòng. Máy bay đi Việt Nam ngày nay có nhiều hãng, giá cả chênh lệch chút đỉnh song vấn đề phục vụ thì khác nhau xa. Nhất là an toàn và giờ giấc. Tôi đã nhiều lần đi VN Airline, China Airline, Eva... Cuối cùng tôi chọn Cathay. Cathay máy bay mới, nhân viên vui vẻ lịch sự, giờ giấc chính xác.

Sau khi làm thủ tục “check in”, khách ra cổng 121 đợi giờ lên máy bay. Cổng này chung cho 2 chuyến bay 883 và 881 Cathay Pacific. Gần đến giờ ra cổng, có loan báo đổi Gate, chuyến bay 881 chuyển qua cổng 112. Lần đầu tiên tôi thấy bất mãn với phi trường LAX. Một ba lô, một túi xách ước chừng 40 pound mà đi bộ hơn cả cây số thì chẳng thú vị gì. Những đường chuyền lại không hoạt động. Chẳng lẽ nước Mỹ tiết kiệm điện đến mức như vậy! Thật hạnh phúc cho những ai chỉ một túi nhỏ trên vai. Chẳng phải mình tham lam hay buôn chạy bán chuyến đến phải vác theo người một khối lượng è vai như thế, mà do công việc bắt buộc, không thể khác. Ba lô lỉnh kỉnh máy ảnh máy quay, laptop, hard drive tư liệu, và bao nhiêu thứ phụ tùng đi kèm, làm sao gửi theo hành lý, nhân công họ chỉ liệng nhẹ một cái là nát hết. Và, nếu chẳng may thất lạc (1), thì biết xoay sở ra sao. Đành tự an ủi : Coi như một “ super exercise”. Đến giờ lên tàu, loa phóng thanh cho biết khách ra cổng theo thứ tự ghế ngồi: 70, 60,... 30... ấy thế nhưng vẫn có ông bà theo “truyền thống”, vé số nhỏ vẫn chen lên trước để các tiếp viên phải liên tục: Please…please have a seat. Số nhỏ lên trước sẽ cản trở người có ghế phía đuôi máy bay. Một số ông bà mang xách quá nhiều cũng phiền người khác không ít!

Lần này Cathay Pacific lại dùng xe đưa khách ra máy bay, chiếc xe như nêm người, tìm được một chỗ cho đôi chân thật khó, có gia đình dẫn theo những 3 em bé, tuổi mới lên sáu mà cũng mang ba lô như người lớn. Lối dạy con của người Mỹ khác xa người Việt, họ tạo cho đứa trẻ tinh thần tự lập, không như người mình lúc nào cũng cáng đáng, lo lắng cho con mọi thứ dù con dư sức tự làm lấy.

Đoạn đường đến cửa máy bay khá xa. Cảnh lên tàu xuống xe tôi thấy phần đông người mình ở đâu cũng thích chen lấn, muốn hơn thua từng chút, và ưa khoe sự hiểu biết thô thiển của mình. Nhiều người cứ oang oang chuyện riêng tư trước chốn đông người, nhất là trên xe, trên tàu.

h2_SFW.jpg[Nhìn xuống HongKong]

Đến HongKong, khách đi VN chuyển qua chuyến bay khác, lúc nhìn bảng đèn thông báo thấy VN 176… nhiều người thất vọng, lại phải ngồi máy bay VN. Máy bay các hãng uy tín có đắt một chút nhưng yên tâm, VN Airline dùng máy bay Airbus của Pháp, trong thời gian qua có nhiều tai tiếng: Mất hành lý, “sự cố” kỹ thuật, phi công ngủ quên, v.v., đa số khách bây giờ không còn thích chuyện “đồng hương giúp đồng hương”. Tôi cũng như mọi người tưởng Cathay đã xí gạt mình nhưng không, vẫn máy bay của Cathay, VN 176... là chuyến bay VN đi ké.

Chỉ còn chừng 2 tiếng là về Sài Gòn. Máy bay vào không phận VN, bản đồ chỉ đường bay ngang qua Đà Nẵng Qui Nhơn, nhìn xuống thấy giữa vùng biển xanh nổi lên một quần đảo, những đảo lớn xếp thành ô vuông, không thấy dấu hiệu gì của đời sống. (...) hay (...)? Vấn đề (...) trong thời gian qua đã là nỗi “bức xúc” của tuổi trẻ (...). Chỉ vì sục sôi lòng yêu nước mà nhiều tầng lớp thanh niên bị tai vạ tù tội trấn áp. Kể cũng lạ, phản đối ngoại bang chiếm đất lấn biển mà mang tội gây rối lọan, tội nghe “bọn xấu” xúi giục... Những cuộc biểu tình ôn hòa của (...) được (...) chiếu cố dẹp ngay. Trong lúc khách Trung Quốc du lịch biểu tình trước lãnh sự quán để ủng hộ chính phủ họ, (...) lại bảo vệ tận tình. Phải chăng đây lòng hiếu khách của (...). Lịch sử sau này sẽ ghi thế nào?

Lúc máy bay đổi hướng từ đại dương vào đất liền, thấy giữa vùng núi non khô cằn, cư dân thưa thớt dọc theo những con đường đất đỏ ngoằn ngoèo, chứng tỏ đời sống cơ cực ngần nào. Suốt đời không hề biết đến thứ âm thanh và ánh đèn màu của Sài Gòn xa hoa. Bên ngoài sân khấu cuộc đời là nỗi lầm than cực nhọc của lớp dân đen mà thời đại nào cũng chỉ biết tung hô để được ăn “bánh vẽ”.

Còn 20 phút máy bay đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, nhìn xuống nhiều hồ nước lớn rải rác giữa núi đồi không cây, nước màu lục đậm, màu đen sì, không hồ nào có nuớc trong. Nhà cửa lưa thưa quanh hồ, một con đường nhựa lớn chạy từ nơi xa đến hồ rồi thôi, chẳng hiểu để làm gì, không lý để lấy nước. Cảnh quan y như một vùng đất chết.

Suốt chuyến bay tôi nghe bà con bàn tán chuyện (...) nhiều ít khi trình giấy tờ ra cửa. Đến bây giờ mà vẫn còn nhiều người cứ muốn dùng tiền mua chuộc sự dễ dãi của chính mình. Đã có đôi vợ chồng trẻ hỏi tôi: “Mình cho bao nhiêu chú, mười hay hai chục”. Tôi trả lời thẳng, không cho gì cả, trừ khi buôn lậu hay mang đồ quốc cấm. Trường hợp mình có nhờ vả anh em khuân vác thì nhiều ít tùy mình, nghĩa là tránh chuyện lo lót.

h1_SFW.jpg[Nhìn xuống sông Hồng]

Hành lý của tôi bao giờ cũng có mục “hàng tạm nhập và tái xuất”. Tôi khai rõ ở phần cuối. Anh (...) trẻ tuổi xem các giấy tờ, nhìn qua diện mạo của tôi rồi hỏi một câu cho có chuyện: “Nơi sinh của chú”... Anh làm việc với cung cách miễn cưỡng, chả có vẻ gì welcome. Trước đây đã có tin cho hay tất cả nhân viên (...) phải đi học một khóa “cười”, họ đã biết cười với du khách một đôi lần. Nhưng rồi nụ cười cứ nhạt dần theo thời gian. Tưởng chừng mỗi lần nở một nụ cười là hao mòn thân thể, suy yếu thần kinh. Họ lại trở về với tính cố hữu “gằm gằm” nét mặt, khiến cho khách muốn nói một câu xã giao cũng ngại ngùng.

Khi nhận hành lí, tôi đứng ở quầy chuyền số 3, mãi không thấy đồ của mình, may có anh công nhân chỉ cho “Hành lí HongKong bên số 1”. Tại sao không có bảng thông báo cho hành khách. Việt Nam nổi tiếng “tự do”, “tự chọn” nên cứ để mặc khách “tự tìm”, thế mới “đậm đà bản sắc dân tộc”. Đã nhiều lần đi về, tôi không thấy khó chịu, nhưng giá khâu tổ chức thêm được mục thông báo nơi nhận hành lý cho từng chuyến bay thì hay hơn. Khá vất vả mới tìm được hành lý của mình. Tôi đẩy xe tìm cửa ít khách để ra cho nhanh thì nhân viên các quầy vẫy tay kêu ơi ới: “Tới đây, tới đây”, y như cảnh đón mời khách nhậu trên đường phố. Tôi hơi ngạc nhiên, không lí họ nhiệt tình lo cho khách đến vậy. Tới một quầy gần nhất, tôi trình giấy tờ cho hai cô nhân viên, học xem xong trả lại tôi và bảo tôi cho hành lý chạy qua máy kiểm tra. Lúc tôi qua nhận đồ thì nhân viên kiểm tra bảo trở lại quầy khai báo. Tôi hơi khó chịu, khai báo đã trình rồi, còn khai gì nữa.

- Chú mang về nhiều máy móc, yêu cầu khai báo.

- Tôi đã khai và đưa trình các cô rồi.

- Đâu, chú đưa lại xem.

Tôi sực nhớ không biết họ đã trả lại cho mình chưa. Vì cứ nghĩ chuyện bình thường nên không để ý, không nghĩ sẽ “khai báo lại”. Lục bốn năm túi áo vẫn chưa thấy, tôi hơi cuống, các cô còn dằn mặt: “Nhiều túi quá chú làm sao nhớ”. Cái áo Jacket 16 túi quả thật như một trận đồ bát quái. Càng nôn càng lạc lối, có khi giấy tờ chỉ để ngay túi ngoài lại đi tìm những chỗ hóc hiểm bí mật. Cuối cùng tôi cũng tìm được, tôi lật xem có đầy đủ, có cả tờ khai hải quan.

- Đây các cô xem lại đi. Tôi đã khai rõ trong này.

Hai cô liếc qua rồi trả lại tôi mà không nói gì. Tôi biết các cô chỉ muốn thả một quả “bong bóng” thăm dò thôi. Tôi cảm ơn và bỏ nhẹ một câu:

- Bận sau các cô vui lòng đọc kỹ giấy tờ khách khai báo để đỡ mất thì giờ cho cả đôi bên.

Tôi cũng hiểu tâm lí những người làm nhiệm vụ khám xét, thỉnh thoảng gây khó một chút, may ra có tí quà. Tôi đã đôi lần làm thứ “nghĩa vụ” đó. Nhưng rồi thấy không nên, “dân ta” nổi tiếng có “văn hóa”, “văn hóa” từ ngõ hẻm đến làng xã thị thành, “nước ta” nổi tiếng “văn minh hiện đại”, tại sao a tòng đẻ ra một thứ lệ làng trái ngược. Tôi lại thấy một điều nghịch lý, những người hạnh họe bao nhiêu lại càng sợ “ánh sáng lẽ phải” bấy nhiêu. Có lần tôi nhờ anh công nhân trong nhà ga đưa hộ va li lên xe đẩy, tôi biếu anh mấy đồng, anh quay mặt qua chỗ khác và nói nhỏ: “Tới chỗ này bác”. Anh tránh vào nơi khuất mới dám nhận. Tại phi trường Los những người đẩy xe cho ông già bà cả, nếu cho tiền “tip” họ nhận công khai. Tại sao xứ mình lại phải “làm cao”, có lẽ do lương tâm không ngay thẳng, việc làm thì chiếu lệ nên thế chăng.

Ngoài nhà ga nắng chói chang, một rừng người đi đón thân nhân chen chúc tại cửa ra quốc tế. Ngược sáng, tôi chỉ thấy lố nhố những bóng đen, nhưng chắc chắn ai cũng hăm hở chờ gặp người thân để nở một nụ cười. Tôi không có ai đợi nên cũng không phải tìm ai, tôi đẩy xe qua mặt mọi người như một kẻ xa lạ. Ra đến lề đường đã có sẵn Taxi. Tài xế là một bác già, tôi phụ một tay đưa hành lí lên xe. Xe chạy, bác tài quay qua hỏi tôi: “Ông không có ai đón à”. – “Không, bác cho tôi về khách sạn Hoàng Khánh đường Bùi Viện quận Nhất”.

Trần Công Nhung

3 - 2008

(1) Pacific Airline quốc nội thường làm mất hành lí, có người mất 4 Laptop, chỉ được an ủi 2 vé khứ hồi HN-SG (tin báo Tuổi Trẻ)

*******************

source

Vien Dong Daily

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét