Thứ Tư, 2 tháng 12, 2009

Biển nghêu Gò Công


Biển nghêu Gò Công (kỳ 1)
Cập nhật lúc 12:08:43 PM - 17/01/2009

194-h1.jpgi và ảnh: Trần Công Nhung

Một đất nước suốt mấy nghìn năm sống nhờ nương rẫy ruộng đồng, sống nhờ hai bàn tay bươi móc kiếm ăn từng ngày, thì cho dẫu thế giới văn minh tới đâu mình vẫn không sao rời hẳn được tay hái tay liềm.

[Thành phố Gò Công Đông]


Ngày ngày hai bàn tay vẫn phải quơ quào kiếm sống. Cuộc sống càng thấp càng cần đến hai bàn tay, bàn tay trọn vẹn 5 ngón. Ngược lại trong xã hội văn minh, khoa học đã đi vào mọi ngành sinh hoạt, thì con người chỉ dùng tay bấm nút, điều khiển máy móc làm thay cho mình. (...) trong thời kỳ “quá độ lên (...)”, con người còn vất vả nhiều. Có những việc làm nếu không thấy không thể tin. Hai bàn tay đi moi giun bốc dế (1) đi bươi rác kiếm đồ thừa chất thải đổi lấy miếng ăn... Hai bàn tay phải làm việc từ tuổi còn thơ, thật kham khổ mà đầy can đảm. Trong một xã hội cơ cực như thế, con người đã không ngần ngại sử dụng hai bàn tay mình vào bất cứ việc gì, miễn có tiền.

Trong lần đi với anh em nhiếp ảnh nhóm Đồng Cảm (Q.Bình Thạnh) về Gò Công Đông, tôi đã có dịp chứng kiến sự vất vả của hai bàn tay, vất vả nhưng trong lành và đầy lương thiện: Hai bàn tay cào nghêu.

Vùng biển Gò Công Đông, những tháng 3,4,5,6, lúc thủy triều xuống, biển cạn như ruộng khô. Biển phủ một lớp bùn dày chừng 20cm, dựa vào đặc tính này người ta nuôi nghêu. Trên rừng khai hoang phá rẫy, tự tạo cuộc sống của mình (2), nhưng ở biển thì chẳng tốn một công nên phải trả tiền thuê mặt bằng cho chính quyền địa phương. Mỗi mẫu tiền thuê 700 nghìn đồng. Người dân bình thường không ai có tiền đem bỏ biển một cách bấp bênh như thế vì ngoài tiền thuê biển, tiền vốn mua giống cũng không phải ít. Chỉ những nhà tiền nhiều mới đầu tư nuôi nghêu. Việt Nam ngày nay có nhiều nghịch lý, người làm còng lưng không đủ ăn, bệnh không tiền thuốc, người vốn chỉ có cái mồm, thậm chí học hành chưa đến đâu, bằng cấp mua qua bán lại, thế nhưng tiền của dư dả tràn ra nước ngoài.

Một vài bạn ảnh cho biết, cảnh cào nghêu rất hay mà chụp không ra (nghệ thuật), họ muốn đưa tôi đi thử một chuyến. Chưa biết thế nào, song nghe mô tả hàng trăm con người ngồi cào nghêu trên biển cũng lạ lắm. Và tôi giục anh em nên đi sớm, chỉ còn vài hôm tôi phải quay về Cali. Cái khó là nắm cho chính xác lịch thủy triều lên xuống. Thăm dò mãi mới có tin: “Nước xuống lúc 3 giờ chiều”. Một cuộc họp mặt tại cà phê Phúc Âm đường Trần Bình Trọng (Bình Thạnh, Sài Gòn). Quán không hẳn cà phê vườn nhưng cũng cây cối mát mẻ, buổi sáng có hàng cơm tấm phía trước nên anh em văn nghệ quanh vùng thường tụ họp. Thông lệ đặc biệt của quán là bao giờ cũng có dĩa trái cây đãi khách trước khi ra về.

Tin con nước do anh Điển thông báo, anh là giáo viên mãn mùa song người còn hăng hoạt động nên đi tìm thú vui qua nghệ thuật nhiếp ảnh. Hôm họp mặt anh lại vắng và cho biết không đi được lúc này do công việc nhà. Thanh là người thay thế anh Điển sắp xếp chương trình và lo chuyện ăn uống dọc đường cho anh em. Đúc kết, sáng đi chiều về, sáng chụp ảnh dọc đường đến 3 giờ xuống biển, 5 giờ về lại Sài Gòn. Một ngày rất gọn.

Sáng hôm sau 7 giờ Thanh đã qua khách sạn Vỹ Hà 2 đường Cù Lao (Phú Nhuận) đón tôi, anh em tập họp điểm tâm tại Phúc Âm trước khi lên đường. Giờ chót có mấy bạn kẹt không đi được, chúng tôi 5 người 3 xe, anh em địa phương rành đường, chọn ngõ tắt ra khỏi thành phố rất nhanh. Qua đến xa lộ Nam, tức khu chung cư Phú Mỹ Hưng thì đường rộng thênh thang và mới hoàn toàn, đây là đoạn đường đẹp nhất của Sài Gòn sau 75... Khu phố mới này nghe đâu do Đại Hàn, Đài Loan đầu tư, nhà cửa xây theo tiêu chuẩn tiện nghi như ở Mỹ, mỗi nhà đều có garage, đường vuông theo lối bàn cờ Đông Tây Nam Bắc. Sài Gòn về miền Tây nếu đi theo ngã Phú Lâm thì sẽ khổ vì nạn xe ùn tắc. Trên xa lộ Nam có mấy chiếc cầu một nhịp cong sơn đỏ, màu đỏ nổi bật giữa nền cây xanh mới đẹp làm sao. Hết xa lộ Nam theo QL14 rẽ trái đến ngã ba Gò Đen đi Cần Đước. Năm ngoái tôi đi tìm Nhà Trăm Cột (3) cũng theo lối này. Hai bên đường bà con đang cấy lúa, cũng cùng công việc mà trong Nam có vẻ rôm rả tấp nập hơn ngoài Bắc. Ngoài Bắc từng nhóm năm ba người, trong Nam hàng hàng lớp lớp, ruộng đồng bao la. Cùng vất vả tay chân nhưng hai nơi khác nhau nhiều. Không hiểu do lẽ gì mà nhìn người lao động miền Bắc tôi vẫn có cảm tưởng họ khổ hơn. Và trong thực tế, người Bắc bỏ quê hương vào Nam làm ăn chứ ít ai bỏ Nam ra Bắc mặc dù miền Nam bao nhiêu năm sống dưới chế độ cũ, “thiếu văn hóa, thiếu cơm ăn, thiếu cả chén bát”(4).

194-h2.jpg[Khu du lịch Tân Thành]

Anh em tha hồ chụp cảnh đồng ruộng đầu mùa. Lao động thời nay cũng màu sắc lắm, không thấy tận mắt cứ tưởng giả tạo. Trong nhiều chuyến đi tôi đã gặp những chiếc áo đỏ thắm trên con thuyền câu, trên cánh đồng muối, trên nương khoai, trên đồi chè. Chính sự cực nhọc của người dân lao động mang đến cho nghệ thuật nhiều yếu tố thú vị bất ngờ, trong đó có màu sắc. Anh em rỉ rả kiếm hình dọc đường về đến bến phà Mỹ Lợi trời cũng vừa trưa. Phà qua sông Cầu Nổi, hỏi nguồn gốc tên sông, không ai biết. Sông khá rộng nếu làm được cầu nổi thì hóa ra trước đây lại khoa học hơn bây giờ!

Có người đề nghị qua phà ghé quán cơm, nhưng trời đang mưa lâm râm mà quán thì sơ sài nên cùng nhau chạy ráng về Gò Công, chỉ còn 12 cây số thôi. Việc gì cũng vậy cố thêm một tí, khi đạt được, sự sảng khoái sẽ tăng hơn nhiều. Vào thị xã trời bừng nắng, bạn Lê Nguyên Anh dẫn anh em vào một quán cơm trên đại lộ Nguyễn Trung Trực, quán cơm bình dân mà ngon và sạch sẽ mát mắt. Cô đầu bếp trẻ đẹp lại vui tính hỏi nhiều chuyện và cứ đòi chụp ảnh làm mấy anh trai trẻ chỉ thích đứng ăn bên quầy chứ không muốn vào bàn.

Đại lộ Nguyễn Trung trực chỉ một đoạn và cuối đường có tượng cao lớn màu đen. Thành phố vắng hoe, xe máy không nhiều, xe hơi càng ít, đời sống có vẻ trật tự ngăn nắp. Nhìn chung cảnh quan như trước 75, nếu không có những câu khẩu hiệu và cờ xí căng treo ngang đường.

Anh em ra đến bờ biển vừa đúng 1 giờ trưa, ai nấy tự động đi tìm đề tài. Một cầu tàu (Pier) ra tít ngoài biển có vẻ hấp dẫn, như kiểu cầu tàu bãi biển Bạc Liêu, song ở Bạc Liêu có quán để khách ngồi giải lao ngắm trời mây sóng nước, đây chỉ là chiếc cầu dài ngoằng khô khan trơ trụi, chẳng ai muốn ra xa hứng nắng.

Ngày nay nơi nào có bãi biển đều được biến thành khu du lịch. Biển Gò Công chưa có gì để lôi cuốn du khách ngoại trừ màu sắc của cổng chào dựng tạm: “Khu Du Lịch Biển Tân Thành”. Hai bên cổng vài ba người che dù bán cua sò ốc hến. Bãi biển có kè đá sạch sẽ mà nước đục ngầu, quanh năm phù sa từ Mekong đổ về nên không phải bãi tắm như bãi biển các tỉnh miền Trung, mà bãi bùn. Nhờ vậy Gò Công có hàng nghìn sân nghêu, một nguồn lợi thiên nhiên cho địa phương.

Thấy đã 2 giờ mà nước vẫn mênh mông, hỏi ra, nước rút lúc 7 giờ sáng, bây giờ nước đang lên. Thông tin không chính xác vậy là mất thêm một ngày. “Vỡ kế hoạch”, chúng tôi đi thăm dò kỹ xem sáng mai sân nghêu nào cào trước và chính xác mấy giờ bắt đầu, công nhân tập họp ở đâu. Tôi hình dung cảnh người đi làm ùn ùn xuống biển lỉnh kỉnh với đồ nghề sẽ là đề tài lý thú. Lại có tin, sân trong quán Cây Bàng cào trước.

Chúng tôi đi tìm quán Cây bàng, theo con đường dọc bờ biển chạy về hướng Đèn Đỏ (5) vài trăm mét có cụm rừng phi lao, có mấy túp lều giải khát, lều trống chung quanh, vài ba chiếc bàn nhựa, mấy chiếc ghế, có cả võng treo dọc treo ngang. Khách có thể nằm hoặc ngồi, nếu muốn cứ di chuyển bàn ra ngoài xa, tha hồ tâm sự. Tôi xí phần chiếc võng “thư giãn” chốc lát. Không có cà phê, anh em mở mấy chai bia để có cớ thăm dò chuyện “Nghêu sò ốc hến”. Bà quán cho biết sáng mai không cào ở đây mà phía ngoài một chút, chỗ con đường nhỏ xuống biển.

Chuyện đơn giản hàng ngày ở địa phương mà đối với người phương xa cứ loanh quanh mù mờ. Cuối cùng cũng biết được chính xác, nhờ gặp anh Luyến, người giữ sân nghêu.

Anh cho biết rõ giờ thủy triều lên xuống và những chuyện chung quanh nghề nuôi nghêu. Công việc của anh là lên chòi canh khi nước cạn và về nghỉ khi nước cao, nước cạn phải coi chừng người cào trộm. Hỏi anh lội ra biển chụp ảnh có gặp gì bất trắc, chẳng hạn có “ổ voi ổ trâu” như trên bộ, lỡ sụp hầm là tiêu đời máy móc. Anh bảo chỉ một lớp bùn non chừng 10 đến 20 phân, dưới là nền cát dẽ bằng phẳng. Chỉ sợ lội ra xa quá, khi nước lên chạy vào không kịp, lúc ấy phải leo lên chòi rồi nhờ ghe ra rước.

Chúng tôi tiếp tục săn ảnh, vào chừng cây số thì bên tay phải nguyên cánh đồng vàng nhiều đụn khói đặc ùn lên cuồn cuộn, rất hấp dẫn, mấy năm trước lên Điện Biên Phủ, tôi cũng đã gặp cảnh tương tự, có lẽ còn hay hơn nhờ hậu cảnh núi non xanh thẩm. Anh em tìm lối về hướng cánh đồng đang bốc cháy. Phải gửi xe, đi bộ men theo bờ ruộng rồi qua một cầu khỉ. Mương nước không rộng nhưng cầu quá bấp bênh, mấy cây gỗ tròn bằng bắp chân gác lên nhau, tay vịn đã muốn xiêu, phải qua từng người. Một nhu cầu cần thiết hàng ngày, và chẳng tốn kém bao nhiêu, vậy mà xóm làng chẳng ai để ý. Nhưng mọi việc khó dễ do thói quen, mình chỉ mang túi máy nhỏ gọn, mà tưởng không qua được, trong khi người dân với gánh lúa nặng trĩu trên vai, lại qua dễ dàng.

Ngày nay ruộng đồng canh tác quanh năm, vừa gặt xong là đốt rơm rạ, cày bừa (máy) làm đất để sạ hay cấy ngay. Đôi khi đám ruộng cấy liền bên đám ruộng gặt, một hình ảnh không hề có thời xưa. Ngày trước, lúa gặt về chất đống ngoài sân, thuê người đạp, hạt phơi mấy nắng mới đổ bồ hay lẫm. Bây giờ lúa phóng (6) tại ruộng, vào bao tải chở về nhà có khi bán luôn tại chỗ.

Chừng tiếng đồng hồ tôi trở lại đường lộ, anh em còn mãi tít bên kia cánh đồng. Mỗi người khi bấm máy đã sẵn dự tính trong đầu, chụp cái gì, để làm gì, do vậy công việc cũng nhanh. Một vài người thì chụp ảnh như ngư dân đi “dã cào”, biết là vùng có cá thì cứ thả lưới cào tất, về nhà tính sau.

Nắng đã dịu song trời vắng gió, nóng hầm hầm. Tôi đợi hơn tiếng mới thấy anh em quay lại. Sống mãi trong thành phố nay gặp cảnh ngày mùa, ai nấy mãi mê “sáng tác”. Mọi sinh hoạt lắng dần theo bóng chiều xuống, thôn quê ngược với phố phường, phố phường về đêm mới tưng bừng náo nhiệt.

194-h3.jpg

[Ngày mùa xã Tân Thành]

Chúng tôi về Gò Công ăn tối rồi tìm khách sạn. Bà chủ quán cơm cho biết nay là ngày lễ (2-09), đi ra ngoài một chút khách sạn rẻ hơn. Khách sạn Hoa Hồng, trên đường ra biển Tân Thành rất tiện cho công việc sáng hôm sau. Khách sạn “ven đô” yên tĩnh giá phải chăng. Thực tình đi chơi đôi khi cần những mục linh tinh, nhưng là đi chơi kiểu vô sự, còn như bọn chúng tôi thì hơi khó vì phải tính toán thời gian và giữ gìn sức khỏe, nếu mục nào cũng xả láng thì hỏng hết công việc.

Tối hôm đó duyệt lại chương trình xong, ai nấy đi ngủ sớm để hôm sau dậy trước khi mặt trời mọc. Miền biển đẹp nhất là những giây phút đầu ngày, những vùng đông dân chài, cảnh ghe thuyền ra khơi trong ánh bình minh là chủ đề hấp dẫn đối với người cầm máy. Riêng tôi trong lần này, hình ảnh những đám người cào nghêu trên biển mới là đáng lưu tâm. Chờ xem ngày mai như thế nào.

Trần Công Nhung

8 – 2008

(1) Phải làm để sống đã đăng.

(2) Khi rừng hoang đã thành rẫy ruộng thì nhà nước lại đặt “vấn đề”, vì luật VN đất đai không thuộc sở hữu người dân.

(3) Nhà Trăm Cột đã đăng

(4) Bạn đồng nghiệp của tôi là CVD có người chú Tướng CVK sau 75 đã từ Hà Nội vào Nha Trang thăm anh là Cao văn Tường (Dân Biểu), mang theo một chục bát sành, mấy xâu củ tỏi biếu anh.

(5) Địa danh, trước đây có đặt hải đăng(?)

(6) Máy tách hạt lúa chảy ra máng bên hông, rơm phóng ra ngoài. Miền Nam lúa bán theo “dạ” mỗi dạ giá (8-2008) 80 nghìn, bán tại chỗ lúa tươi còn nặng được giá hơn đưa về nhà.

Thư Độc Giả

Thưa quí độc giả thân mến,

Có lẽ “Thư độc giả” đã vắng bóng gần một năm qua. Nhiều bạn đọc cho biết mỗi thứ bảy, khi cầm tờ báo Viễn Đông, là tìm đọc “Thư độc giả” trước khi vào bài chính của mục Quê Hương Qua Ống Kính. Đây là ly rượu khai vị, là mấy cung mở đầu, là nhịp cầu nối giữa người đọc và người viết để đi vào chuyện Quê Hương.

Tại sao lại ngưng?

Xin thưa, thực sự thì không một lí do nào rõ rệt cả, nghĩa là không có lí do. Đời người như một dòng sông, “Sông có khúc, người có lúc”, có con sông nào thẳng thớm êm xuôi đâu, giả dụ có, tôi tin dòng sông đó cũng chẳng lấy gì làm đẹp. Nếu bạn đọc có dịp lên Hà Giang, các bạn sẽ thấy Lô Giang đẹp như thế nào! Đoạn nào khúc nào cũng đẹp, nhờ dòng sông quanh co thác ghềnh.

Một bạn đọc ở Magic Mountain, anh Ng. K. Hiền, khi hay tôi lay hoay đi tìm chỗ ở đã ngạc nhiên: “Oh my God, ba tháng mà anh dọn hai lần nhà! Xa quá chứ không tôi cho anh tá túc”. Trong hoàn cảnh như vậy thì nhất định không “an cư” rồi. Đã vậy làm sao “lạc nghiệp”, làm sao yên tâm để nhâm nhi “khai vị” hay tâm tình chuyện đó đây. Tôi phải cố gắng giữ đều đặn sự hiện diện của mình trên QHQOK để khỏi phụ lòng người đọc, để mỗi tháng có được “chút đỉnh lì xì”.

Tuy thế thỉnh thoảng vẫn có những niềm vui nhỏ bay về, tưởng như một hơi gió nhẹ giữa trưa hè, giúp cho mình vui vui và thêm hứng khởi: Độc giả Ng.S ở San Diego, tặng bạn nguyên bộ QHQOK, không chịu với giá giảm lại còn thêm gấp đôi tiền cước, một độc giả ở Australia, đọc trên Viendongdaily.com, thích thú chia sẻ với người viết bao nhiêu điều và order nguyên bộ để tủ sách có thêm màu sắc quê hương...

“Đến hẹn lại lên”, mọi năm thời gian này sách mới đã in, thư thông báo đã gửi, năm nay bài vở hình ảnh sẵn sàng rồi nhưng còn nằm yên trong ngăn kéo. Không nói, độc giả cũng hiểu, không riêng gì sách vở mà tất cả mọi thứ đang trong đà đi xuống (down). Nhưng, chắc chắn QHQOK, vẫn còn tiếp tục đến với người đọc, sớm hay muộn mà thôi. Nhân tiện xin nhắn cùng những độc giả đã gửi trước ấn phí như thế.

Chỉ còn không mấy ngày nữa, Chuột đi Trâu đến, dù thân nào thì cũng biểu hiện một năm mới hoàn toàn. Chúng ta có quyền hy vọng nhiều điều trong năm mới.

Quê Hương Qua Ống Kính xin chúc quí Độc Giả và Thân Hữu: Một Năm Mới Kỷ Sửu An Khang - Hạnh Phúc và Thành Công.

Trân Trọng,

Trần Công Nhung

******************

Biển nghêu Gò Công (kỳ 2)

Cập nhật lúc 3:15:11 PM - 24/01/2009

195-h1.jpgBài và ảnh: Trần Công Nhung

Khách sạn Hoa Hồng thuộc vào loại khá mà cũng không mấy khách, ban đêm cả vùng yên tĩnh không khác vùng Lawndale tôi ở bên Cali. Nước Mỹ ngoại trừ dọc hai bên Freeway, khu da đen, khu Mễ... ồn ào bát nháo, còn thì rất trật tự ngăn nắp, mọi người biết tôn trọng nhau, không có gì thái quá trong cuộc sống.

[Đặc sản Tân Thành]


Không có cảnh 2 giờ sáng mà Karaoke vang dậy phố, quán hàng rầm rập bán mua, coi thường sự nghỉ ngơi của mọi người (1). Miền quê Việt Nam đêm xuống là nghỉ ngơi, suốt ngày vất vả tay chân, một giấc ngủ no rất cần cho sức khỏe.

Nhờ thói quen nên tôi không cần để alarm phone như các anh em khác. Bên này hay bên kia, 3 giờ sáng tôi dã dậy làm công việc thường lệ, ghi chép những điều thu thập trong ngày cùng những dự tính mới, mọi thứ trong Laptop, thiếu đi là người trống rỗng, thời gian trở nên nặng nề (2). Lúc thấy bầu trời hừng sáng, tôi nhắc mọi người chuẩn bị ra biển.

Tôi hình dung nếu trời có mây đỏ, cảnh biển sẽ rực rỡ, kết hợp với dãy quán bên trái và cầu tàu, một đề tài khá lạ. Biển Gò Công, biển bùn nên không người tắm, cũng là yếu tố hay cho một bình minh êm đềm.

Khách sạn cách bãi biển 7km, mười phút chạy xe, chúng tôi đã thấy chân trời ưng ửng, mặt trời đỏ đang lên. Tiếc là mây cuộn và đặc quá, nếu được mây dải trải dài thì hay hơn. Tôi vào quán giải khát còn vắng tanh, đợi mặt trời lên vừa tầm, lấy diềm quán làm khung đóng lại một vùng “Bình minh của biển”. Mặt trời, diềm quán, cầu tàu, chất liệu đơn giản quá, thay đổi góc nhìn thì cảnh vật vẫn thế, có khác chăng là sắc hồng đậm nhạt của trời mây. Tôi đi dần ra xóm chài phía Bắc, dãy nhà chòi chênh vênh bên bờ biển, yên lặng, hiền lành, tưởng như không người ở.

Suốt bãi biển Tân Thành không thấy dấu hiệu gì của đời sống dân chài. Mãi đến lúc mặt trời lên hẳn mới có một hai ngư dân vác lưới lội ra biển, biển cạn nên chẳng cần thuyền. Vài cô cậu chạy xe ra quành một vòng rồi đi, mấy nhà sàn giải khát phía trong, sơ sài trống rỗng làm cho cảnh lặng lẽ thêm...

Cả một miền biển êm đềm có phần quạnh hiu. dân địa phương quá quen chẳng ai màng, các nơi khác như Cửa Lò, Nha Trang thì cảnh tấp nập người, tắm hay tập dưỡng sinh, thấy rõ sức sống bừng lên đầu ngày.

Tại cổng khu du lịch có phần nhộn nhịp, nhưng cũng chỉ hàng quà buổi sáng, hoặc mua bán hải sản kiểu bỏ túi, vài ba chiếc xe thồ chở hàng vặt... sinh hoạt của một địa phương hiền hòa dễ dãi. Tôi loanh quanh tìm một ít hình ảnh trong khi chờ đi sân nghêu. Màu sắc nơi thôn dã khá lạ mắt, áo quần vật dụng, họ dùng cách hồn nhiên, không cần theo nguyên tắc nào cả. Trong đám màu lao động nghèo khó lại nổi lên màu áo vàng rất vương giả hay màu đỏ chót rất xa hoa. Người hay lý lẽ cho đó là phản ứng của cuộc sống bị ức chế. Cũng có thể, quanh năm vất vả, kiếm được chiếc áo “thời đại” cho dù kiểu gì màu gì cũng mặc cho sướng tấm thân, chẳng cần hợp cảnh hợp người. Ẩn ức lắm khi bung ra bằng mọi cách bất chấp dư luận chung quanh.

Anh em đã qui tụ, một người mới từ Sài Gòn xuống, anh chạy lúc 4 giờ sáng, qua những đoạn đường vắng đêm khuya chứng tỏ cũng khá đam mê. Chúng tôi đi tìm quán điểm tâm. Ngay đầu lối ra biển có quán hủ tiếu, nhanh gọn mỗi người một tô, quả dừa tươi là có thể yên tâm chiến đấu đến trưa. Quán hàng ở thôn quê thật bình dị, chỉ có bàn và ghế, muốn có tiêu, chanh, ớt, mắm, phải gọi, mà gọi đâu đã có ngay. Một người lo cho cả 5, 7 bàn, đôi khi phải gọi mấy lần mới có. Đất lề quê thói, chẳng ai than phiền chuyện hàng ngày như vậy. Điều đáng nói là hầu như người mình buôn bán chẳng có nguyên tắc nào, thêm bớt tùy thích, trước sau tùy tiện, lắm khi người đến trước mà không chen không kêu thì cứ đứng mãi. Việt Nam nổi tiếng văn minh nhưng là thứ văn minh “miệt vườn”. Người ngoài muốn học không phải dễ, nhất là trong việc làm ăn, càng lớn càng phức tạp. Thế mới có câu “Nói vậy mà không phải vậy”. Luật pháp rõ ràng thế nhưng làm theo luật có khi rước họa vào thân. Cứ xem những chuyện tòa án thì biết. (3)

Dân đi cào nghêu kéo hàng dài trên đường, người nào cũng thụng thện áo quần, mang giỏ nhựa hoặc thau chậu bên hông, họ lầm lũi đi như một thói quen lâu ngày. Đàn bà, con gái, có cả trẻ em, người ngoại quốc thấy sẽ không hiểu họ là gì, nếu không là tù nhân. Cả trăm người dồn lại kéo nhau ra biển, hình ảnh lạ lắm, tôi giục anh em nhanh chóng lên đường... Đến nơi mới thấy biển đã biến thành đồng, nước cạn chỉ còn trên mắt cá, từng đoàn người lũ lượt ra tít ngoài xa, một vùng người trải dài mênh mông. Vài khuỷnh (sân) đã bắt đầu cào, người ngồi lúp thúp, áo màu nổi bật trên biển nước phù sa, những chiếc chòi canh cao lêu khêu một hai chiếc ghe nằm cạn. Đúng là cảnh lạ ít thấy, và chưa biết chụp thế nào.

Ghé vào nhà quán ngay bến gửi xe, tôi hỏi thăm anh chủ nhà cào nghêu đến mấy giờ thì nghỉ, anh cho biết chừng vài tiếng, 11 giờ nước bắt đầu lên. Một người hỏi:

- Ra sân nghêu có phải theo đường hay cứ đi băng ngang?

- Đi theo đường.

195-h2.jpg

[Biển nghêu]

Đúng là có một “lối mòn” thường đi nên không còn bùn, một rãnh nước lên nửa ống chân. Phải theo “lối mòn” nếu không sẽ giẫm chết nghêu. Ranh giới sân nghêu cũng đơn giản, cắm cọc, căng vài mảng lưới rách hoặc dây nhợ tượng trưng. Người mình có câu: “Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”, đúng thế thật. Tôi thong thả tiếp sau mọi người, tuy bùn cạn nhưng có chỗ cũng trơn, không quen có thể ngã. Ngã trên khô còn lấy thân đỡ máy, ngã dưới nước thì ô hô. Lúc còn cách sân nghêu một khoảng vừa tầm, thấy có chiếc ghe bỏ không, tôi tạt vào, leo lên. Mạn ghe ngang đầu nên phải cố lắm mới lên được. Điều rất bậy là ghe sạch sẽ, chén bát đang phơi, nghĩa là ghe có người ở, vậy mà tôi bê bết bùn tùm lum. Có muốn làm sạch lại cho chủ cũng không biết cách nào. Đành chịu lỗi. Nhóm nhiếp ảnh đã đến gần đám người cào nghêu đầu tiên. Họ loay hoay chụp ra điều hăng hái lắm. Người chỉa máy hướng này, kẻ hướng kia, trông họ tách biệt hẳn với những người đang hì hụp mò nghêu chung quanh.

Không hiểu sao trời nắng tươi mà bầu trời phía Bến Tre lại xám xịt như sắp có dông. Màu xám làm cho phong ảnh trong trường hợp này hóa hay. Nhờ nền xám mà những chi tiết cả một vùng sân nghêu nổi hẳn lên. Nếu trời có mây lỗ chỗ thì hỏng. Chụp phong cảnh, trời cần mây, nhưng đôi khi mây lại thừa. Tôi quan sát tính toán rồi bắt đầu “khai hỏa”. Ống kính với tiêu cự 70-300mm tha hồ lấy ảnh từ gần đến xa, đứng trên cao nên có tầm nhìn rộng, ghi được nhiều góc ảnh đẹp.

195-h3.jpg

[“Bàn tay ta...”]

Hàng trăm con người đội nón lum khum, nối tiếp nhau khắp một vùng nước bạc bao la, gần thấy rõ nhân dáng, xa chỉ là những hạt đậu đỏ đậu đen. Có chỗ họ ngồi theo hàng, có nơi không. Giữa đám đông li nhi lít nhít, sừng sững một chòi canh như ông khổng lồ đứng gác, một chiếc ghe mắc cạn như con khủng long nằm chờ... Hai chi tiết tưởng dư thừa lại là yếu tố tương phản cần thiết để nổi bật sự nhỏ nhoi lam lũ của con người. Chuyện đời thường mà lại rất mới đối với người chơi ảnh, nó khơi dậy cảm quan, nó bắt người cầm máy xoáy sâu từng góc cạnh của đề tài. Cảnh trước mặt có vẻ tĩnh mà lại động không ngừng. . Tôi rà máy qua lại, từ gần đến xa, chụp tất cả những gì trong tầm nhìn. Bấm máy thật đã tay, tôi không ngờ lại có dịp biết một vùng quê lạ lẫm như vầy. Tôi ngưng giây lát để nhận ra điều bất ngờ hôm nay, nếu cứ đường trường rong ruổi thì làm sao gặp được cảnh đặc biệt này. “Nước ta” không chỉ nổi tiếng “anh hùng”, không chỉ tự hào về những “chiến công thần thánh”, mà còn tự hào về nhiều thứ mà các nước khác không thể có.

Quê hương sách vở lúc nào cũng giàu đẹp cao sang, vào hàng cùng ngõ cụt mới thấy rõ thân phận dân nghèo. Với dân nghèo, hai bàn tay là phương tiện duy nhất để kiếm cơm. Kiếm cơm từng bữa thật sự chứ không như hai bàn tay của nhà thơ(...): “Bàn tay ta làm nên (...)”. Bàn tay vàng của nhà thơ hiếm lắm chỉ có trên “thiên đình”, hạ giới đốt đuốc tìm cũng chẳng ra...

(còn tiếp)

Trần Công Nhung

9 - 2008

(1) Trước đây tôi thường ở KS Hà Nội Sao, 2 nhà Karaoke đối diện rầm rầm suốt đêm, đồn công an chỉ cách 50m không hề có tiếng nói.

(2) Đêm nghe tiếng Cuốc in QHQOK tập 7


Biển nghêu Gò Công (kỳ 3)

Cập nhật lúc 7:47:58 PM - 31/01/2009

196-h1.jpgBài và ảnh: Trần Công Nhung

Tôi để lại mấy chục nghìn đồng vào mâm chén bát, coi như tiền nhờ lau chùi bùn bẩn trên ghe và như một lời xin lỗi, rồi đi dần đến từng sân nghêu để chụp cận cảnh. Công việc cào nghêu xem có vẻ nhàn nhã, người ngồi chồm hổm, nước ngập mông, liềm (1) tay phải cào bùn, tay trái mò hốt nghêu cho vào giỏ, họ lần từng tấc, cho đến khi đầy giỏ mới mang đến chỗ cân, hoặc có người đi gom.

[Chuẩn bị ra biển]


Tôi đã từng chụp ảnh đám đông dân chài nơi bến cá, hay ở bãi chợ miền quê, cũng chi chít người nhưng hình ảnh và cảm xúc khác hẳn. Kia chỉ là sinh hoạt bình thường của đời lao động, còn hình ảnh đám người cào nghêu lại gợi cho tôi sự nhẫn nại chịu đựng kiên trì. Trên nắng dưới nước, họ làm việc trong thầm lặng, di chuyển chầm chậm như sên bò, cào từng bụm, bắt từng nắm, cứ thế một buổi mấy cân nghêu, tiền công đủ nuôi sống gia đình. Ngày này qua ngày khác, người với nghêu nuôi nhau, không cần biết biến động của thế giới bên ngoài.

Hầu hết nhân công là phụ nữ, quả thực nơi bùn lầy con người sống cách đơn giản và chấp nhận mức sống ngang phận mình, không ai đòi hỏi gì hơn. Ở xa đến mới thấy sự cách biệt, mới thấy sự thiệt thòi của người dân xứ mình. Và điều tất nhiên trong cuộc sống như vậy khó mà tìm thấy những đóa hoa kiểu “Trong bùn gì đẹp bằng sen”. Chuyện hoa sen không thể có nơi con người đồng quê Việt Nam. Ngày nay, hoa đồng quê, bông nào coi được đã sớm chấp cánh bay xa, không bay cũng có môi giới đón về thành phố để vào nhà hàng, khách sạn, cà phê giải khát...hay ban đêm ra đứng các ngã tư đường để thản nhiên trả lời những câu hỏi của khách làng chơi : “Đi nhanh hay đi qua đêm, nhanh trăm rưởi, đêm 500”. Mặc cả mua bán bình thường như chuyện ở chợ. Mấy ai còn nhớ câu “Chữ trinh đáng giá nghìn vàng, Không cầm cho vững lại dày cho tan”. Người phụ nữ Việt ngày nay được “giải phóng” nên phạm vi hoạt động của họ đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Báo chí trong nước đưa tin, hàng trăm cô gái son trẻ trình diễn điệu bộ dáng dấp cho những đàn ông Hàn Quốc chọn vợ, thậm chí còn trần truồng phơi nguyên thân hình để khách xem tì vết trên từng vùng da thịt. Nếu được “trúng tuyển” sẽ có cơ bay đi Đài Loan, Đại Hàn, Singapore... Chưa có thời nào người phụ nữ Việt Nam đa năng đa dụng như bây giờ. Họ cam phận và hy sinh cho gia đình cho chồng con. Có những người cho vợ đi làm “Ô Xin” (2) để gửi tiền về sửa nhà cửa hay chạy thuốc khi con đau. Ai bảo đảm “Ô Xin” không mở rộng ra nhiều “ô” khác, lúc bấy giờ có biết cũng đành “Nhắm mắt đưa chân”.

Khoảng 9 giờ nắng khá gắt, đã ghi đủ mọi góc cạnh của đề tài, tôi quay vào, anh em tiếp tục lội. Những sân nghêu ngoài xa cũng không có gì khác, công ra vào không phải ít, chưa kể lúc nước lên nhanh, phải chạy. Chạy trên bộ vài ba cây số đã thở dốc, thử tưởng tượng chạy dưới bùn được mấy hơi. Trở vào, tôi gặp một nhóm du khách trẻ, có vẻ “Việt kiều”, ai nấy tươi vui như đang tham gia trò chơi. Người dẫn đầu cho biết bà con ở Mỹ về muốn ra xem sân nghêu.

Lác đác vài nhóm người đã ra về. Bây giờ thì ai cũng bê bết bùn, áo quần dính sát vào người, họ xuống vũng nước đầu bờ để rửa ráy. Bây giờ mới nghe tiếng cười nói rộn rã, niềm vui chân chất quê mùa, không ai nghĩ họ sống đời lam lũ nhọc nhằn. Tôi vào quán gửi xe ban sáng, chị chủ quán đang loay hoay mua nghêu của những người đi làm về, một người đàn ông trong nhà bước ra vui vẻ mời tôi ngồi nghỉ. Vừa nói anh vừa lấy chiếc võng mắc lên cột:

- Chú nằm nghỉ cho khỏe. Chụp được nhiều không chú?

- Cũng nhiều, lần đầu tôi được biết Gò Công có nghề đặc biệt này. Quán anh chỉ giữ xe chứ không bán gì sao?

- Dạ không, tụi em giữ xe miễn phí cho bà con đi cào nghêu, lúc về có nghêu họ bán lại cho.

- Đi làm công sao có nghêu?

- Thực ra công không đủ, bà con “cải thiện” người vài kí bù vào.

Trong khi trò chuyện tôi nghe hai bên mặc cả, khoảng 7 nghìn rưởi một kí. Tính theo giá thị trường chưa bằng nửa, tính theo giá nghêu bán quán thì lời gấp mấy. Ở Sài Gòn, quán lề đường bán cho bạn nhậu, một đĩa nho nhỏ 10 nghìn đồng. Một lát, anh chủ quán bê ra một đĩa nghêu luộc to tướng mời tôi. Thật bất ngờ, tôi mời anh cùng ngồi, anh từ chối, nghêu vừa hấp xong, còn bốc hơi, con nghêu đặc biệt, mọng như một quả vải bóc. Ăn vào mới biết nghêu tươi có khác, thịt đầy, nước ngọt, cảm giác ngon rõ rệt, thịt nghêu không khô xốp, không dai như nghêu bán quán. Anh chủ nhà giải thích đó là sự khác nhau giữa nghêu ăn tại chỗ và nghêu chợ. Nghêu đưa về thành lại càng nhạt càng khô. Tìm hiểu thêm về nuôi nghêu anh cho biết:

- Sân nghêu trước đây xã cho mướn 700 (nghìn) một năm, thời gian gần đây nghêu bị chết vì nước bị ô nhiễm, nhiều người bỏ nên giá hạ xuống còn 300 (nghìn).

- Nước biển sao lại ô nhiễm?

- Sợ nhứt dầu tràn, không biết dầu ở đâu đóng bợn đen cả bờ biển. Hai là nhà máy tẩy màu vỏ cua ghẹ trong? Đèn Đỏ xả hóa chất ra biển (3), nghêu hả miệng chết trắng bãi... Dân địa phương phản ánh khiếu nại mãi mà cũng chưa dứt điểm.

- Bà con đi làm là người địa phương hay chủ sân thuê nơi khác đến?

- Nghề này hoàn toàn có tính cách địa phương, và cũng không phải thuê mướn, hầu hết bà con cứ tự động xuống cào rồi cân kí tính tiền. Mỗi kí từ 2000 đến 5000.

- Tại sao có giá sai biệt vậy?

- Sân cào lần đầu nhiều nghêu, giá công hạ. Sân cào những lần sau ít nghêu giá công cao hơn.

- Vậy không ai làm công ngày sao?

- Công thì thường 10 ngàn một giờ.

- Nghêu giống mua ở đâu và nuôi lâu mau thì thu hoạch?

- Nghêu mua của nông nghiệp, thả giống hai năm bắt đầu cào. Hàng năm cứ đến rằm tháng mười (âm lịch), mùa gió chướng biển sạch bùn, là mùa thả giống, nghỉ cào.

196-h3.jpg

[Trở về từ biển nghêu]

Vừa hỏi chuyện vừa thưởng thức món nghêu tươi, vừa quan sát những “chân dung về từ biển cả”, không phải chân dung rạm nắng mà những chân dung mặt nạ, bịt bằng đủ các loại vải màu, chỉ chừa đôi mắt. Dù chỉ thế tôi cũng thấy rõ nụ cười nơi ánh mắt khi họ biết tôi chụp ảnh. Đây là một dạng chân dung lao động của người Việt ngày nay.

Đã một giờ trôi qua mà anh em nhiếp ảnh vẫn chưa về, tôi trả tiền nghêu, anh chủ nhà nhất định từ chối. Theo giá thị trường thì võng nằm 5 nghìn, nghêu 20 nghìn, trà đá 1 nghìn... Tôi thực áy náy, phải tìm cách nào mới được. Đợi lúc người chồng qua nhà bên cạnh tôi móc tiền trả cho chị vợ, anh lại đoán biết nên la lớn “Không được lấy”. Câu nói như một mệnh lệnh, chị vợ cười dễ dãi như người nhà: “Không sao đâu chú, mấy khi chú về đây... coi như cây nhà lá vườn”. Nói cho văn vẻ thôi, mọi thứ chị cũng bỏ tiền mua chứ có ra vườn hái vào đâu. Nhưng, tôi nghĩ đây cũng là dịp hiếm để người ta bày tỏ cảm tình, dọc đường tôi đã gặp nhiều “ca” như vậy, tôi nghiệm ra một điều, bon chen vì cuộc sống nhưng cũng cần những lúc sống với tình người. Và chính những giây phút thoáng qua ấy là gia vị cho cuộc sống thêm đậm đà.

Thủy triều bắt đầu lên, mấy nhà nhiếp ảnh đang quay về, người làm cũng về gần hết. Lúc nghe tôi quảng cáo món nghêu hấp, anh em “order” ngay 5 kg, đồng thời nhờ mua mấy chai bia, một bữa tiệc mừng thắng trận diễn ra rôm rả. Mỗi người một nhận xét về sinh hoạt của nghề nuôi cào nghêu, nhiều hình ảnh lạ lùng ít ắt gặp, anh em chụp mỏi tay, có người chụp hết luôn 2GB card. Điều lý thú nhất là cuộc đua xe ngoài biển, chuyện hiếm có. Từng bao tải nghêu được đưa vào bờ bằng xe máy. Mấy anh xe thồ thấy một đám chụp hình chỉa máy chụp, họ hứng chí đua nhau nước rẽ sóng tung tóe lên theo tiếng la ó cổ vũ, cứ như một cuộc đua thật sự.

Rổ nghêu to tướng vơi dần, xem chừng chưa đã, lại thêm 2 kí. Ai cũng bảo lần đầu được ăn thứ nghêu tươi quá ngon. Anh chủ nhà cho biết nghêu mùa này không ngọt bằng mùa mưa. Sau màn nghêu đã lưng bụng, anh em có ý chạy luôn về Sài Gòn để tránh cơn mưa chiều.

Bây giờ biển đã trắng xóa dưới cơn nắng chói chang. Trên mặt biển mênh mông chỉ còn mấy chòi canh trơ trọi, một vùng yên tĩnh như chưa hề bị hàng trăm con người khuấy động. Thủy triều lên, biển được nghỉ ngơi để hôm sau nước xuống lại phơi mình cho hàng trăm bàn tay cào cấu, ngày này qua ngày khác mà không một lời than thở. Không hiểu có ai đã nói lời cảm ơn biển chưa. Riêng tôi, vô cùng biết ơn biển, biển đã cho tôi nhiều hình ảnh hiếm có, hình ảnh đẹp lành mạnh và lương thiện. Cảm ơn biển Gò Công, cảm ơn những bàn tay lao động Gò Công, cảm ơn một ngày đẹp như hôm nay.

Trần Công Nhung

9 - 2008

(1) Dụng cụ cắt lúa, cắt cỏ.

(2) Nói nôm na là đi ở đợ.

(3) Tin cho biết, các cơ sở tẩy vỏ ghẹ, cua, tôm, mỗi tháng dùng trên 20 tấn hóa chất để tẩy trắng sản phẩm, chất thải đổ ra biển. Sân nghêu Tân Thành, có tổng diện tích trên 2.000ha bãi bồi, hiện nay chỉ có hơn 1.300ha đang thả nuôi nghêu. Hiện tại mỗi hecta nuôi nghêu đầu tư tối thiểu 200 triệu đồng, nếu không có điều gì bất trắc đến khi thu hoạch sẽ đạt năng suất khoảng 30 tấn/ha, bán với giá 15 triệu đồng/tấn, thu nhập khoảng 450 triệu đồng/ha.

************************************

source

Vien Dong Daily


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét