Thứ Tư, 2 tháng 12, 2009

“Vắng như chùa Bà Đanh” (Kỳ 2)


Cập nhật lúc 11:29:00 AM - 13/12/2008

189-ha_SFW.jpgBài và ảnh: Trần Công Nhung

Chạy hết khúc quanh theo đúng như lời bác nông phu, có bảng chỉ lối rẽ vào chùa. Con đường rải đá dăm xuyên qua rừng nhãn sum suê chừng vài trăm mét. Cuối đường là bờ sông, cổng chùa ngay bên trái.

[Chùa Bà Đanh]


Cổng chùa là một tiền đình nhìn ra sông, ba gian ba cửa ván rộng, mái mũi hài đơn giản hai tầng, không hoa văn rồng phượng. Hai bên có hai cửa phụ nhỏ hơn cũng hai tầng tám mái. Tất cả các cửa đều đóng kín. Nét cổ mấy trăm năm thấy rõ, riêng tường thành bao quanh nhiều chỗ đã xây lại. Cây hoa đại cổ thụ trước cổng chùa, gốc đã đổ nghiêng, khoảng trống trước chùa cách bờ sông Đáy vài chục mét, đủ chỗ cho một ngày hội vài trăm người. Nhưng chùa Bà Đanh thì chẳng phải lo chuyện đông người.

Bên kia sông Đáy là Ngũ Động Sơn, còn gọi Núi Cấm, dãy núi như bức trường thành, một vùng sông núi âm u vắng lặng, trời không bóng chim, sông không bóng thuyền, cảnh tịch liêu. Tôi hiểu phần nào ý nghĩa tên ngôi chùa.

Đang tìm xem vào chùa bằng lối nào thì có một tốp thanh niên đi ra phía cuối tường. Hỏi, họ bảo đi tuốt vào trong. Đám nam nữ, một xe hai người, ăn nói bô bô lấc cấc, không có vẻ gì là học sinh đi ngoạn cảnh. Tôi dựng xe khóa hẳn hoi, chờ cho đám choai choai đi hẳn mới vào chùa. Đây là lối riêng ra sau mấy gian nhà phụ. Ngôi chánh điện phía trái đã tháo dở hoàn toàn. Một đám thợ đang hì hục cưa, đục dưới lều bạt căng tạm. Vừa lúc một bà sãi bước ra tôi xin phép vào thăm và chụp vài tấm hình. Nghe vậy bà lên tiếng ngay:

- Ông vào cúng xin phép Thánh trước đã, không là bị Thánh quở đấy. (5)

Tôi theo bà thầy vào ngôi nhà nhỏ ba gian bày biện tượng thờ chật kín. Gian giữa tượng Phật tượng Thánh hàng hàng lớp lớp từ trên cao xuống dần. Một án thờ lớn phía trước dành thờ Bà Chúa Đanh tức Thần Pháp Vũ. Gian trái thờ các Tổ trụ trì. Gian phải thờ Thánh, bàn thờ nào cũng đặt một “Hòm công đức” to tướng, rất khó coi (6). Cũng tương tự các chùa đền khác, hầu hết tượng đều sơn son thếp vàng, râu ria áo mão, khó mà phân biệt ngôi thứ danh vị.

189-hb_SFW.jpg

[Tượng Thần Pháp Vũ (Bà Đanh)]

Bà thầy đốt cho tôi mấy cây nhang, tôi đặt tiền cúng vào đĩa con để sẵn trên bàn thờ rồi khấn xin về công việc của mình. Chỉ một phút tôi quay ra hỏi vị chủ chùa:

- Thưa tại sao người ta thường nói: “Vắng như chùa Bà Đanh”?

- Chuyện là thế này: Ngày trước đây là thôn Đanh, rừng núi cheo leo, người ít thú nhiều, đời sống cơ cực, bệnh dịch thiên tai, sau có một vị nữ thánh hiện xuống cứu độ dân chúng, giúp cho mưa thuận gió hòa, để nhớ ơn, dân lập miếu thờ Bà. Từ đó có tên chùa Bà Đanh.(7)

Tôi ngờ chuyện chùa Bà Đanh không chỉ tóm tắt đơn giản như vậy nhưng thấy bà thầy muốn cho qua nên xin phép đi loanh quanh chụp ảnh.

Chánh điện chỉ còn khung sườn trống rỗng, tất cả dời về nhà Tổ nơi tôi vừa cúng hương. Trong không gian u tịch, tiếng dùi đục nghe chan chát. Nhóm thợ mộc cắm cúi đục đẽo chạm trổ, làm lại những phần lâu ngày bị mối mọt. Ngổn ngang cây gỗ từ trong ra ngoài. Thợ phần lớn còn trẻ có cả nữ, trong Nam hiếm thấy phụ nữ làm nghề mộc. Lần về chợ quê Sơn Vi (8), tôi cũng gặp một cô thợ chạm, tay dùi tay đục mà nhan sắc đậm đà tuyệt đẹp, vẻ đẹp lành mạnh trong sáng, gái thị thành khó sánh kịp. Tôi hỏi thăm bác thợ cả:

- Thưa bác, đây là thợ ở đâu về làm?

- Hà Tây.

Tôi cũng đoán thế, Hà Tây xưa nay nổi tiếng về các nghề thủ công. Ngôi nhà cổ (9) trong Thanh Hóa cũng do thợ Hà Tây vào làm.

- Bao giờ thì hoàn thành hả bác?

- Cũng phải sang năm, còn tùy ngân khoản nữa.

- Tôn tạo là do tiền nhà chùa hay ai tài trợ?

- Nghe nói nhà nước đầu tư trên chục tỉ.

Trong những năm gần đây chính quyền có chủ trương tôn tạo phục dựng nhiều đền chùa di tích, điều đáng mừng, song không hiểu sao còn rất nhiều lệch lạc cộc kệch. Những di tích mang ý nghĩa lớn về văn hóa lịch sử rất cần chăm sóc thì lại gần như lãng quên hoang phế rất đau lòng (10). Chùa Bà Đanh theo như bác thợ mô tả thì khi hoàn thành sẽ là ngôi chùa “hoành tráng”, thập phương bá tánh sẽ tấp nập đổ về. Chùa được ưu thế nằm bên hữu ngạn sông Đáy, sơn thủy hữu tình lại là nơi thanh vắng xa khu cư dân. Nếu lùi lại mươi thế kỷ thì quả thực nơi nầy chẳng ai dám đến. “Vắng như chùa Bà Đanh” là phải. Chỉ sợ một khi chùa trở thành tự viện nguy nga mà cũng là trung tâm mua bán thì chúng ta đã trần tục hóa cửa Thiền. Thực tế cho thấy nhiều di tích tôn tạo chỉ là cách sơn phết hào nhoáng để câu khách du lịch. Tôi có dịp tâm sự với nhiều anh em hiểu biết trong giới văn học nghệ thuật thì đa số cho rằng “tất cả đều lấy danh nghĩa bảo tồn bảo tàng để kinh doanh trục lợi (nôm na là buôn thần bán thánh) (11).

Đã hiểu được phần nào ngôi chùa có tiếng xưa nay, tôi quay ra ghé thăm Núi Ngọc. Núi Ngọc nằm bên phải ngoài đầu lối vào chùa, sát mé sông. Cạnh núi có ngôi miếu nhỏ, cửa ván kín mít chẳng biết gì bên trong, chung quanh cây cỏ um tùm. Trên vách một cáo thị viết vôi trắng ngăn cấm xâm phạm di tích. Núi Ngọc là một đụn đá cao phủ cây xanh. Có cây si (nghe nói) 1000 năm tuổi, trông không có vẻ đại thụ, gốc nhiều chi tủa xuống hơi lạ, ngoài ra toàn cây hoang bụi rậm. Núi Ngọc không phải là nơi cho du khách leo trèo như núi Hàm Rồng (Thanh Hóa) hay núi Rồng ở Sapa.

189-hc_SFW.jpg

[Quanh chùa Bà Đanh]

Người mình thường tự hào con Rồng cháu Tiên nên quê hương nơi nào cũng địa linh nhân kiệt, nơi nào cũng ao Tiên, núi Ngọc, hang Rồng. Nhiều nơi lập danh mục các khu di tích du lịch nghe kêu như chuông đồng, thực tế quá tầm thường ngoại trừ tên gọi, có đi mới biết. Nói vậy nhưng vẻ đẹp của quê hương bàng bạc mọi miền, nhiều nơi không được VHTT công nhận nhưng không vì thế mà kém rung cảm lòng người. Đến chùa Bà Đanh được cái thú là ngoạn cảnh dọc đường, cảnh đồng quê ngày mùa, tuy đất nước đã “điện khí hóa, công nghệ hóa, hiện đại hóa...” nhưng đời sống mộc mạc, chân lấm tay bùn vẫn còn nguyên, điều làm tôi thấy gần gũi với quê hương hơn là cảnh nhốn nháo thị thành.

Dọc đường Bắc Nam còn nhiều cảnh trí đa dạng phong phú hơn, chiều tà miền sơn cước, hay bình minh vùng biển làng chài đều là cảnh đậm đà tình tự nếu chúng ta đã có một thời gắn bó với quê hương. Càng đi tôi càng có nhiều hứng thú, nhiều khám phá bất ngờ. Chính lẽ đó tôi luôn luôn thấy mới mẻ và không hề mệt mỏi trong mọi cuộc hành trình, những cuộc hành trình mà nhiều năm trước tôi không nghĩ là mình có cơ hội thực hiện được. (12)

Trần Công Nhung

6 - 2008

(5) Câu nói như một hăm dọa tống tiền, cửa Thiền không nên mặc cả cách trắng trợn như vậy.

(6) Hầu hết các chùa đền miền Bắc ngoài thờ Phật, còn thờ các Thánh, Mẫu và nặng vấn đề công đức và dung dưỡng những việc làm khó coi như để du khách dắt tiền lên tay tượng Phật Thánh, có ý bảo “Con trao tận tay Thánh, Thánh ban phước cho con”. Tiền cúng lại là thứ tiền trên thực tế không ai dùng: Giấy bạc 200 đồng. Nhưng con buôn vẫn có tiền mới nguyên “lóc” bán lại cho khách. Không lí ngân hàng nhà nước tiếp tay vào việc này!

(7) Chùa Bà Đanh ở xã Ngọc Sơn huyện Kim Bảng, cách thị xã Phủ Lý 10km, nằm ở phía tả ngạn sông Đáy, có diện tích khoảng 10ha. Tương truyền chùa có từ thế kỷ thứ 7, ban đầu nơi đây là một ngôi đền nhỏ thờ Tứ Pháp: Pháp Vũ (Thần Mưa), Pháp Lôi (Thần Sấm), Pháp Phong (Thần Gió). Về sau dân làng Đanh Xá (xã Ngọc Sơn bây giờ) rước chân nhang từ chùa Phúc Nghiêm về ngôi đền làng mình và chỉ thờ Pháp Vũ để cầu mưa. Đến đời Lê Hy Tông (1675-1705) đền được xây dựng lại to đẹp, khang trang hơn. Rồi rước tượng Phật về thờ chung. Từ đó có tên chùa Bà Đanh.

(8) Chợ quê Sơn Vi (QHQOK 8)

(9) Đọc “Quanh thành nhà Hồ” ( QHQOK 6)

(10) Khu lưu niệm Nguyễn Du nếu không có bài thơ Vương Trọng thì giờ này chẳng hơn gì mộ Đạm Tiên (QHQOK 3). Ao Huê Trại Ổi, mộ Nguyễn Trãi (làng Nhị Khê, Thường Tín), nhà thờ Nguyễn Biểu (Đức Thọ, Hà Tĩnh), thấy mà ngao ngán “lời nói việc làm” của người đời.

(11) Riêng hệ thống tự viện dòng Trúc Lâm do Hòa Thượng Thích Thanh Từ chủ xướng thì không có chuyện “hòm công đức” hay “donation” trong Thiền Viện.

(12) Đọc “Tản mạn đường xa”

********************************

source

Vien Dong Daily

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét