Thứ Tư, 5 tháng 5, 2010

“Chiến trường xưa”



Cập nhật lúc 4:57:38 AM - 02/05/2010

Tản mạn đường xa 8


262h1.jpg


Kỹ thuật bắt tôm giống.


Bài và ảnh: Trần Công Nhung


(Trong cuộc sống, dù tầm thường đến đâu, nếu chịu khó soi rọi, chúng ta cũng thấy có những trùng lặp rất lạ, tùy theo thân phận mỗi người. Ngày 30 - 4 năm ngoái, bất chợt nghe những ca khúc ca ngợi sự hy sinh của người lính (...) qua tiếng hát của Chế Linh, tôi đã ghi nhanh cảm xúc nóng hổi qua bài “Con đường xưa em đi” (a). 30-4 năm nay lại về thăm “Chiến trường xưa”, đúng lúc Asia ra DVD 55 năm nhìn lại. Những cảm xúc năm nào như còn đây, khiến tôi không cầm được nước mắt trước những hình ảnh tang thương đau khổ…trước những hy sinh vô bờ của bao nhiêu người nằm xuống cho quê hương mà “Nếu ai không nhớ, không lớn nổi thành người” ).

“Chiến trường xưa”, xin nói ngay đây không phải là chiến trường của (...) ngày trước. Tôi nhớ mấy năm qua, trong nước có tin một chuyến xe đưa các “cựu sĩ quan chỉ huy quân đội nhân dân VN” về thăm “chiến trường xưa” ở Tây Nguyên. Lúc xe đến đúng vị trí, đúng thời điểm thì lao xuống vực sâu, không ai còn sống sót. Thăm “chiến trường xưa” như vậy còn nguy hiểm hơn xông vào trận chiến mới. Nếu tôi là lính tôi không dại gì đi thăm như vậy.

Nhưng, tôi đã đi thăm “chiến trường xưa” của tôi, tức trại tù (...), ở huyện Hòa Phong Tuy Hòa. Chính nơi đây, mấy chục năm trước, tôi và hàng ngàn anh em (...) được “học tập” để trở thành người “công dân tốt”. Nghĩ cũng đau, công ăn học nên người, bao nhiêu năm đóng góp cho xã hội, bỗng chốc trở thành người có tội mà chính mình không rõ tội gì! (1)


Trời Nha Trang sau mấy cơn bão, đang nắng đẹp, bỗng mưa gió mấy ngày, lại áp suất thấp nhiệt đới. Hôm nay trời ngưng gió có vẻ tạnh ráo, nhưng sáng sớm khá lạnh. Tôi khởi hành từ lúc 5 giờ sáng, trời còn tối om. Đi sớm để kịp về trong ngày. Nha Trang - Tuy Hòa khoảng 120km, từ ngã ba Phú Lâm lên A 30 chừng 25km. Nha Trang ra phía Bắc, con đường biển chạy dài đến ngoài Lương Sơn (18km), đường tốt cảnh đẹp, ít xe. 5 giờ sáng, biển tối đen, trừ những vùng có đèn của ngư dân chiếu sáng.

Qua khỏi dốc Bãi Tiên, quành ra hướng Lương Sơn, đường tối và vắng tanh, bên núi bên biển, tôi chợt rùng mình nghĩ đến bất trắc, cảm giác y như lần chạy xe từ Lấp Vò về Đinh Yên giữa đêm khuya (3). Chừng nửa tiếng, con đường đã nhập vào QL1A, có nhiều hàng quán bên đường, tôi yên tâm. Dự tính ra Quán Gió Phú Hữu dừng chân ăn sáng, nhưng thấy trời vẫn còn tối, nên chạy tiếp ra Vạn Giả, nơi ngày xưa một thời tôi hành nghề “gõ đầu trẻ”. Lúc qua xã Lạc An, “căn cứ cách mạng”, tôi rờn rợn nhớ lại ngày trước mỗi sáng thứ hai chạy xe từ Nha Trang ra, đều thấy xác người xếp hai bên đường, mặt đường thì khẩu hiệu vôi trắng: “Đả đảo (...)”.

Vạn Giả nay khác hẳn, Quốc lộ qua thị trấn là đại lộ hai chiều, hoa lá cành lịch sự và vương giả (4). Nhà cửa nhiều chỗ lên cao mấy tầng. Đến ngã ba rẽ vào chợ, góc đường có nhiều quán cà phê vỉa hè, tôi dựng xe điểm tâm. Món an toàn vẫn là bánh mì trứng chiên, tuy nhiên cũng dòm chừng xem trứng giả hay thiệt. Phải nói người Tàu thứ gì họ cũng làm để có tiền, không nghĩ gì đến sinh mệnh người dùng. Nói đến hàng hóa của người Hoa, ai ai cũng biết, nhưng dường như không mấy ai quan tâm tránh né. “Chết no hơn sống thèm”. Người trong nước đang trên đà đầu độc nhau, chính vì vậy mà nhiều kẻ phất giàu rất nhanh, rồi ngã bệnh cũng nhanh. Ly cà phê 3.000 đồng, bánh mì 6.000 đồng, bữa sáng chỉ 60 cent, cho dù đang trong cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Việt Nam ăn uống vẫn rẻ (đối với thế giới) không đâu bằng.

Ra ngoài thị trấn Vạn Giả là Tu Bông, tưởng gặp gió to, “Mưa đồng Cọ, gió Tu Bông”, nhưng thời tiết bình thường, trong trẻo mát mẻ.


262h2.jpg


Trên đèo Cổ Mã


Qua đèo Cổ Mã, đèo như một dốc cao, lên đèo ôm một đường cong, xuống đèo đường ngoằn ngoèo dài hơn. Trên đỉnh đèo có nhà hàng Cổ Mã vắng hoe. Nhưng từ đây nhìn ra hòn đảo (không rõ tên) cách bờ chỉ vài trăm mét, đảo có hình dáng đẹp mà hoang vắng.


262h6.jpg


Biển Đại Lãnh


Nhìn về Đại Lãnh, cảnh đẹp như thuở nào. Bãi biển cong cong cát trắng ngà, sóng nhè nhẹ, bãi dài đến tận chân đèo Cả, nơi ghe chài lớp lớp hàng hàng. Tôi dừng chân từng chặng để chụp ảnh. Trên đỉnh đèo thấy đã hay, xuống lưng chừng đèo cảnh càng hay hơn. Đại lãnh là bãi tắm lý tưởng: Nước cạn, không sóng to, sạch đẹp nên thơ, vậy mà du lịch như không mấy khá. Một dãy nhà hai tầng dựng xong bộ sườn rồi bỏ mặc cho gió mưa gặm nhấm đã mấy mươi năm, còn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Đúng là mang bạc tỉ bỏ biển!


262h4.jpg


Khu du lịch Bãi Tiên bỏ hoang


Tôi lại ghé vào một quán nghỉ chân. Quán chỉ một hai người khách, gọi ly cà phê đen không đường, xin thêm ly nước sôi, một tí cà phê pha với sữa bột mang theo để có ly cà phê sữa. Cà phê chỉ để có mùi vị tí thôi, cũng là cách giảm thiểu mầm độc hầu hết trong thức ăn nước uống tại Việt Nam ngày nay. Nhìn ra hàng dương ngoài bãi, tôi chợt nhớ nhiều năm trước, đi tìm đền Lương Văn Chánh (Tuy Hòa), lúc dừng chân giải lao, tôi đã gặp một cô gái duyên dáng hiếm có. Tôi không nghĩ ở một nơi xa xôi như vầy lại có cô hàng xinh đẹp như thế. Đôi mắt to long lanh lúc nào cũng như muốn cười. Khuôn mặt đẹp nhu mì, tôi kéo dài thời gian bằng cách nhâm nhi cà phê tí một, và nảy ý tìm một ảnh minh họa cho truyện “Mùa nước lũ”: Cảnh Thảo thay áo trên đồi Thiên An (5).


262h5.jpg


Quán bên đường


Nghĩ vậy nhưng chưa biết gợi chuyện thế nào, đúng lúc cô hàng mang ra bình trà và cười hỏi tôi:

- Chú là nhà báo hả?

- Không, chú chỉ đi du lịch tìm cảnh đẹp thôi. Đại Lãnh đẹp lắm nhưng giá có được người mẫu nữa thì hay biết mấy?

- Người mẫu là sao chú?

- Ý là chụp cảnh có bóng dáng người, nhất là có một tà áo thì tuyệt...hay là...

- Chú nói sao?

- Hay chú nhờ cháu làm người mẫu rồi chú trả công nhé?

- Cháu biết gì mà làm mẫu, làm mẫu là làm những gì chú?

Tôi chợt nhớ trường hợp chị Vân gánh than ở Bát Tràng năm xưa (6) và tự nhủ “cố thuyết phục chắc được”.

- Thực ra làm mẫu là chẳng làm gì cả.

- Thế sao chú nhờ?

- Thì gọi là cho có người thôi.

- Vậy thì ai chẳng được, họ ngồi ngoài bãi biển nhiều đó.

- Nhưng mà họ không giúp được, nghĩa là người vừa đẹp, vừa sẵn lòng làm những động tác mình yêu cầu.

- Như động tác gì hả chú?

- Chẳng hạn đứng bên gốc thông, đi men theo bãi biển, hoặc chỉ mỉm cười v.v…

- Như vậy là có làm, sao chú bảo không làm gì?

- Thế chú mới trả công.


262h3.jpg


Hình minh họa


Trong lúc cô hàng suy nghĩ, tôi thuyết thêm:

- Cháu cũng nên biết, việc gì cũng phải có cơ duyên mới thành, nghĩa là có sự cảm thông tâm đắc, chứ không phải “bạ đâu xâu đấy”. Cháu có áo dài không?

- Dạ có.

- Thế thì quá hay, giúp chú nhé?

- Vâng cháu chỉ giúp thôi chứ không công cán gì đâu. Chú làm văn nghệ mà.

- Được cháu giúp chú vui lắm, mọi việc tính sau. Bây giờ cháu cứ mặc áo cánh như vậy, mang theo áo dài thay sau. À cháu tên gì?

- Dạ mây trắng.

- Là Bạch Vân?

- Dạ đúng .

Cô hàng này cũng khá thông minh không kém cô gái Liêu Trai (7), tự nhiên tôi có cảm xúc pha trộn, vừa vui vừa hồi hộp. Bạch Vân gọi người trông quán rồi cùng tôi băng qua đường ra bãi biển. Qua khỏi chiếc cầu gỗ, tôi đưa Bạch Vân đến gốc thông già chênh vênh bên bờ lạch, cách xa cầu vài chục mét. Gốc cổ thụ sẫm màu làm nổi bật chân dung người con gái. Nhìn ngoài, khuôn mặt đã đẹp, nhìn qua máy, càng đẹp hơn, tôi bấm liên tục nhiều góc độ khác nhau, nhưng không cho người mẫu cười. Khuôn mặt Bạch Vân phảng phất nỗi buồn trầm tư mới gợi cảm. Đôi mắt lơ đãng nhìn vào lòng mình, như nhìn dòng nước lặng lờ chảy qua cầu, giây phút ít nhất một lần trong đời ai cũng có - Thiếu nữ nào mà không từng mang nỗi bâng khuâng xao xuyến… Tôi xoay máy, đổi góc nhìn, tôi tìm cho hết những nét đẹp thùy mị của người con gái may mắn lắm mới gặp. Khuôn mặt “cô gái miền Tây” (8) vui tươi rạng rỡ bao nhiêu, thì ở đây Bạch Vân trầm lắng bấy nhiêu.


(Xem tiếp Tản mạn 9)

Trần Công Nhung

02-2010

source

VienDongDaily