Thứ Năm, 3 tháng 12, 2009

Thác Mai Định Quán


Thác Mai Định Quán (kỳ 1)
Cập nhật lúc 2:56:41 AM - 24/03/2009

ThacMaiDinhQuan201-h1.jpg

Định Quán ngày nay - (Bài và ảnh: Trần Công Nhung)

Trước 75, một đôi lần tôi đi xe đò từ Sài Gòn lên Đà Lạt, cách Sài Gòn khoảng 110 km, có một nơi mà hầu như xe nào ngang qua cũng dừng nghỉ chốc lát, đó là Định Quán, giống như qua đèo Hải Vân (1), ai cũng đỗ xe trên đỉnh đèo để làm cốc cà phê, ngắm cảnh trong không khí lành lạnh sương mù.


Quán hàng trên đèo đơn sơ hiền lành, thiên nhiên không bị phá, đây là điểm đẹp nhất của đèo. Thời ấy Định Quán chỉ có vài ba hàng giải khát, những cụm khối đá đen khổng lồ, có chỗ chồng lên nhau, tạo thành cảnh đá đặc biệt nổi hẳn trên gò đất cao. Khách dừng chân chụp ảnh và mua hoa quả, đặc biệt trái bơ (avocado) rất rẻ (2), không nghe nói gì về du lịch. Bây giờ sau nhiều năm trở lại quê nhà, Định Quán đã là khu du lịch sinh thái lớn, có Thác Mai thơ mộng, một nơi không thể bỏ qua. Chuyến đi này có người bạn tháp tùng nên tôi càng yên tâm. Chương trình đi về trong hai hôm, nếu có những “phát sinh” hấp dẫn thì kéo thêm một vài ngày chẳng sao.

Khởi hành thật sớm từ quận tư, chúng tôi dự tính ra ngoài thành phố rồi điểm tâm để tránh kẹt xe. Kẹt xe là một vấn nạn mà hiện nay (...) không cách nào giải quyết nổi. Hàng tiếng đồng hồ đứng hít khói xe thì phổi voi cũng phải bệnh.... Không ít người còn lợi dụng khoe của, chốc chốc rồ ga cho khói phun vào mặt (ống bô xỉa lên) người sau, muốn mọi người chú ý chiếc xe đắt tiền (3). Ai cũng biết chuyện chạy xe, nhất là xe máy, các thành phố lớn như Sài Gòn Hà Nội, người “điều khiển phương tiện tham gia giao thông” (4) không những cẩn thận mà còn lanh tay lẹ mắt vì rủi ro ập tới không biết lúc nào. Đường sá ngày nay đã tốt hơn, nhưng xe chạy rất đáng ngại, nhất là xe khách, họ dành đường chạy cho kịp giờ để bù lại những đoạn chạy chậm (sợ bắn tốc độ). Luật giao thông cắm nhan nhãn dọc đường, nhưng chẳng ai đọc, đọc cũng chẳng hiểu nói gì. Có nhiều chỗ chỉ cần một dấu hiệu (sign) thì nguyên một bài văn dài lê thê: “...người điều khiển phương tiện tham gia giao thông hạ quyết tâm tuân thủ luật giao thông đường bộ để không gây tai nạn, vì tai nạn là thù. An toàn là hạnh phúc của mọi người..."v.v. và vv.. Cho dù xe chạy với vận tốc 40km (chậm nhất thế giới) tài xế cũng không tài nào đọc hết bảng cáo thị dài lê thê như sớ ông táo! Có lẽ vì phải đọc những thứ nhăng nhít ấy nên tai nạn xẩy ra dài dài. Ở Việt Nam ai cũng thích nổi tiếng văn chương chữ nghĩa, diễn văn quan chức đành một lẽ, bảng chỉ đường cũng một bài văn. Hàng ngày phát sinh vô số từ mới, và luôn cãi biên cách viết (5). Con trẻ khổ do cải cách giáo dục triền miên.

Qua Biên Hòa Hố Nai, gặp những hình ảnh quen thuộc một thời, các bà cụ Bắc 54 áo dài khăn quấn đi lễ. Nhà thờ hai bên đường sáng sủa ngăn nắp và đông người. Đến gần Dầu Giây, tôi ghé vào quán nước hỏi thăm đường. Một đoạn nữa thôi là gặp QL 20 đi Định Quán. Qua khu rừng cao su, làng “quán võng” dài dài, từng dãy lều lá nối tiếp, mắc võng cho khách nghỉ giải lao, nghỉ đỡ mệt chứ không phải nghỉ “thư giãn” kiểu thành phố. Gọi là quán nhưng tài sản chỉ một thùng đựng đá, một quầy dừa, vài ba chai nước ngọt, dăm bảy gói thuốc lá. Chiều, tất cả cuốn dọn về, bỏ lại lều không, chẳng còn gì cho kẻ cắp. Đơn sơ vậy nhưng cũng sống qua ngày. Tại VN lắm khi lại dễ sống cho người ít vốn, tất nhiên bấp bênh vô định...

Đường lên Định Quán tương đối ít xe đò, lúc qua chỗ rẽ vào hồ Trị An, tôi muốn vào thăm cho biết, nhưng sợ không kịp sẽ gặp cơn mưa chiều, miền Nam đang vào mùa mưa. Qua Thị trấn Gia Kiệm không có gì lạ, đến La Ngà thì buộc phải dừng chân. Làng nổi nay đông hơn, đường nét hay hơn. Ngày trước làng chỉ phía sông trên cầu, nay thêm một làng phía dưới, nhưng xa tít trông như những con đò lúp thúp của dân chài. Trời đã kéo mây báo hiệu sắp có mưa. Chụp vội mấy tấm ảnh rồi tăng tốc độ, không còn xa mấy song gặp mưa giữa đường dễ bị cảm cúm. Từ La Ngà lên Định Quán, cảnh núi dồi lên xuống tiếp tiếp nhau, đất đai màu mỡ thấy rõ, những đồi chè xanh um mà cư dân thì thưa thớt.

201-h2.jpg

Chợ

Lên đến đầu dốc thị trấn, chỗ chùa Thiện Chơn, đúng lúc cơn mưa ập tới. Chúng tôi vào ngay quán bên đường kiếm thứ ăn trưa vừa tránh mưa luôn thể. Quán không bao nhiêu người khách mà chờ mãi chẳng thấy ai hỏi. Tôi phải đến quầy nhờ làm giùm mấy quả trứng chiên ăn bánh mì. Ăn đơn giản vầy cũng là cách tránh bớt rủi ro ngộ độc. Ngớt cơn mưa, việc đầu tiên đi tìm chỗ trọ. Thị trấn Định Quán dài theo quốc lộ hơn cây số, phố xá không đồng đều, sầm uất có lẽ chỉ quanh chỗ chợ và bến xe. Chạy mấy vòng, tìm mãi không thấy nhà nghĩ nào, rẽ vào các ngõ hai bên, vài chục mét là hết phố, dạng phố nghèo.

Biểu tượng của Định Quán là những cụm đá sát bên đường, nay bị nhà cửa vây quanh, chỉ còn thấy thoang thoáng đầu chõm, nét đẹp khoáng đạt oai vệ của ngày xa xưa đã mất. Riêng cụm Đá Voi, cụm đầu tiên từ hướng Biên Hòa lên, cạnh chùa Thiện Chơn còn giữ được vị thế. Cụm đá này bình dân gọi “Đá Ba Chồng” (ba tảng chồng lên nhau). Tôi không hiểu sao khi lập thị trấn huyện, chính quyền không thấy ưu thế của Định Quán là quần thể đá nổi để khai thác du lịch, không nữa cũng tạo cho thị trấn bộ mặt có “văn hóa” đặc biệt hơn. Giả sử lợi dụng vị thế của đá, dành một diện tích vừa phải, tạo một hoa viên, tôi tin du khách sẽ ngạc nhiên thích thú dừng chân. Nhiều địa phương khác cũng đã đánh mất lợi thế của mình chứ không riêng gì Định Quán, nghĩa là chẳng ai thấy giá trị danh lam kỳ tích mà chỉ biết khai thác cái lợi nhỏ nhặt trước mắt. Đến khi thấy thì sự đã rồi (6).

Chạy lui tới mấy vòng, trời lại mưa, may tìm ra được khách sạn Lucky, có lẽ khách sạn duy nhất của thị trấn. Khách sạn chỉ mấy phòng, vắng hoe, tôi hỏi chị tiếp tân:

- Định Quán không mấy khách sạn chị nhỉ?

- Dạ, chỉ khách sạn này thôi, ít ai dừng chân ở đây, thường người ta đi thẳng lên Đà Lạt, hoặc về luôn Sài Gòn.

- Quanh đây có tiệm ăn nào không?

- Chú lên phía trên chợ, có quán cháo vịt ngon mà bình dân.

Thị trấn chỉ có dãy phố chạy qua khu chợ và bến xe là sáng sủa, nhưng im lìm. Chúng tôi vừa tìm ra quán cháo thì trời đổ mưa to. Trước hiên quán có lò bánh xèo, chị bán bánh liền tay phục vụ khách. Bánh xèo là món hợp với cảnh trời mưa gió. Bánh xèo Định Quán lại giống bánh khoái Huế, bánh nhỏ bằng chiếc đĩa con chứ không lớn kiểu bánh Sài Gòn. Người bạn đề nghị thử bánh trước rồi cháo thịt vịt sau. Hai chiếc bánh vàng rụm, nóng thơm, nước mắm rau sống, mùi thật hấp dẫn. Tôi không dám đụng đến rau, dù vậy, bánh cũng ngon không kém bánh Điện Biên Phủ Huế. Đến món vịt thì không chê được, vịt mềm và ngọt làm sao. Có nhiều nơi bán vịt già, thịt dai và khô như bã mía. Nói đến các món vịt, tôi không quên vịt Cầu Dứa (Nha Trang) nhất là món vịt nướng, được tẩm bằng thứ gia vị riêng, chỉ nghe mùi thơm đã thèm (7). Mưa vẫn nặng hạt nên thực khách nhiều người còn nấn ná chưa về, thấy có ông già đang ngồi nhâm nhi, tôi qua làm quen:

- Chào bác, xin phép hỏi bác vài điều.

Ông già nhìn tôi như không nghe và tiếp tục nhắm rượu. Tôi cứ hỏi:

- Xin lỗi, bác ở đây bao lâu rồi bác?

- Từ khi lập huyện Định Quán, năm 91 (8). Ông hỏi chi vậy?

- Không có gì đâu bác, tôi ở xa đến muốn hỏi thăm thôi, nghe nói Thác Mai đẹp lắm, đi thế nào bác chỉ giùm.

- Đẹp gì, đường đất đỏ đang cày xới, mưa này ai mà đi. Ông muốn đi, xuống phía dưới có bảng chỉ đường vô thác.

- Từ ngoài quốc lộ vào thác xa không bác?

- 20 cây.

- Xe máy chắc chạy được?

- Chạy được chừng mười mấy cây, còn lại là sinh lầy...

Nghe qua tôi hơi rụt chí, sực nhớ có người thắc mắc ý nghĩa Định Quán, tôi hỏi ông già:

- Còn tên Định Quán nghĩa là sao bác?

- Người ta nói hồi xưa chúa Nguyễn vào Nam, ngang qua đây cho quân nghỉ lại, kêu là định quân, riết đọc thành Định Quán.

- Hay quá, vậy mà tôi hỏi nhiều người họ bảo Định Quán là ngày trước đây có đình thờ Thần Hoàng dân buôn bán biến thành quán gọi là “quán đình” rồi Định Quán! Đây lên Đà Lạt bao xa nữa bác?

- Hai trăm cây.

Được ít thông tin sơ khởi, tôi quay về khách sạn, trời chiều càng lạnh thêm, mưa vẫn rả rích. Sáng mai đi thác rồi về luôn Sài Gòn, nếu Đà Lạt còn chừng trăm cây có khi làm một vòng lên Đà Lạt, xuống đèo Ngoạn Mục về Phan Rang cũng hay. Chương trình dự tính thế nhưng mai mưa to chắc phải ở lại thêm một ngày.

201-h3.jpg

Đá Ba Chồng

Khoảng nửa đêm không còn nghe tiếng mưa rơi, bầu trời từng vùng sao lấp lánh, dấu hiệu nắng ngày mai, tôi yên tâm nối tiếp giấc ngủ. Trời mờ sáng đã dậy, nhắc bạn thu dọn các thứ, đi sớm xuống quán dưới chùa Thiện Chơn điểm tâm. Quán nằm ngay đầu đường vào thác. Thị trấn miền núi, quán hàng tương đối êm đềm yên tĩnh, ngay cung cách ăn uống cũng khác, ở đây không ồn ào, không nhẩn nha như ở thành phố. Chúng tôi lại cũng bánh mì trứng chiên như hôm qua. Trời sáng hẳn nắng lên theo, quang cảnh tươi sáng ấm áp, đúng thời tiết cho một cuộc đi rừng. Con đường nhựa có trụ km ghi khoảng cách đến thác: 15, 14, 13...đến lúc thấy : Thác Mai 7km, thì gặp một trạm kiểm soát, cây chắn ngang đường. Khách phải dừng mua vé. Thấy chúng tôi, một người đàn ông bước ra chào.

- Tôi nghe nói đường vào thác đang làm, khó đi phải không anh?

- Một vài chỗ chịu khó đẩy xe cũng qua được.

- Anh cho hai vé.

- 5000 đồng một vé.

- Đường chưa làm xong sao đắt vậy?

- Đắt gì, giá từ năm 2002 chưa tăng.

Tôi chuyển qua hỏi một câu ngoài lề:

- Anh à, tôi thấy suốt mười mấy cây số, hai bên đường toàn đất hoang, kiếm một miếng được không?

- Thấy vậy chớ đất có chủ cả. Rờ vô không nổi đâu.

(còn tiếp)

Trần Công Nhung - 7 - 2007

(1) Thời xa xưa, đường đèo hẹp, xe lên đèo một lúc cả hai bên, dừng nghỉ trên đỉnh đèo, chờ người gác chân đèo báo không còn xe lên mới cho “xổ đèo”. Về sau đèo mở rộng đủ cho hai xe tránh nhau thì chuyện dừng nghỉ trên đỉnh đèo không còn là chuyện bắt buộc. Bây giờ lại có đường hầm xuyên đèo, dành cho xe ô tô, xe máy vẫn phải đi đèo.

(2) Trước 75 miền Nam trồng hai loại trái cây Bơ, Trứng gà như để chơi, không ai ăn. Sau 75 thì bán có giá, nhưng cho đến nay (2008) bơ vẫn là thứ rẻ nhất. 1kg/ 8000 đồng, Buôn Ma Thuột chỉ 3000$. Bơ đắt nhất ở Mỹ, quả bằng nắm tay 90 cent.

(3) Cái tính cố hữu của người Việt là ưa khoe, khoe kiến thức, khoe địa vị, khoe gia tài. Nhiều trường hợp thật lố bịch, tôi biết một ông mua ve chai, rác nylon ở Đồng Bò (Khánh Hòa), nhà ở như chòi chăn vịt nhưng ông in danh thiếp: “Giám Đốc công ty TNHH thu mua phế liệu…”

(4) Chữ của “quan chức lục lộ VN”

(5) Báo Tuổi trẻ viết: “Duy tu đường biến thành sông”, chắc độc giả ít ai hiểu. Thời gian gần đây, các MC Radio hải ngoại, có lẽ do nghề nghiệp, họ học những “chữ Việt mới” khá nhanh, không khác gì người trong nước, cũng “tuyến đường, phong cách (?) hàng hóa, ấn tượng... nghe như đài Hà Nội (đây là sự thành công lớn của “Ban TVVH”). Trong một “cuộc hội thoại” (quảng cáo) của hai luật sư Th và D, nghe họ dùng những chữ: Hộ gia đình, tình huống, chủ yếu, khả năng... mà phục hết sức. Nếu đây là luật sư du sinh thì không có gì lạ.

(6) Nhà của BS Yersin ở xóm cồn Nha Trang phá làm nhà nghỉ bộ nội vụ.

(7) Về lại Nha Trang (QHQOK tập 1)

(8) Gồm 1 thị trấn (Định Quán – huyện lị) và 13 xã (Thanh Sơn, Phú Tân, Phú Vinh, Ngọc Định, La Ngà, Phú Lợi, Phú Hoà, Gia Canh, Phú Ngọc, Túc Trưng, Phú Cường, Phú Túc, Suối Nho).

Trước kia Định Quán là quận trực thuộc tỉnh Long Khánh; từ ngày 10 tháng 4 năm 1991, huyện Định Quán được tái lập trên cơ sở các xã của huyện Tân Phú tách ra, thuộc tỉnh Đồng Nai.

Thác Mai Định Quán (tiếp theo)

Cập nhật lúc 3:53:34 AM - 10/04/2009

202-h1.jpg

Đường vào thác
Bài và ảnh: Trần Công Nhung

Sau khi có vé, cây chắn giở lên cho chúng tôi qua. Từ đây đường rải đá dăm, khô ráo xuyên qua rừng hoang. Rừng đủ loại cây tạp nham chứ không phải rừng cây nguyên sinh. Nói về rừng nguyên sinh, tôi thấy có hai nét đẹp riêng biệt, một là tàng lá, hai là thân cây.


Nếu độc giả có dịp đi thuyền trên lòng hồ Nà Hang Tuyên Quang (8) hay hồ Ba Bể Bắc Cạn (9) sẽ thấy vẻ đẹp của rừng nguyên sinh khác hẳn với rừng cây thường thấy. Tàng lá rừng nguyên sinh được kết cấu xếp đặt nhịp nhàng từ đường nét đến màu sắc, tôi có cảm tưởng như đang xem một chậu kiểng (bonsai) vĩ đại, do bàn tay tài tình của Tạo Hóa chăm sóc cắt tỉa. Tách ra bất cứ một cây nào cũng thấy cành nhánh xếp đặt hợp lý gọn gàng và hài hòa với cây đứng cạnh. Không vươn tua tủa tranh nhau, có lẽ trải qua thời gian dài, nắng gió và môi trường đã tạo dáng cho cây. Đặc biệt cây rừng nguyên sinh lúc nào cũng thẳng đứng, cây có khuynh hướng lên cao để hứng ánh sáng mặt trời. Nếu xuyên qua rừng nguyên sinh bằng xe máy, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những cây đại thụ có vóc dáng rất kỳ lạ. Một mảng vỏ của cây có thể là một tác phẩm của họa sĩ phái trừu tượng (10).

Đoạn đường rải đá chưa tới cây số là bắt đầu lầy lội; có chỗ, nước lên nửa bánh xe. Chạy một khoảng lại dắt xe lội bì bõm, cực nhất là sình đất đỏ, chân cắm xuống bùn nhổ lên rất khó, có lúc mất thăng bằng ngã cả xe. Đúng như lời ông già trong quán cháo, chẳng có ma nào đi Thác Mai ngoài chúng tôi. Chuyện đã lỡ, ráng xem thế nào. Chỉ còn hy vọng tới nơi xem ra sao, chứ dọc đường thì chẳng có gì để nói ngoài chuyện vất vả mất thì giờ. Qua một đoạn, xe múc đất như một tảng đá khổng lồ nằm chắn ngang, phải tự tìm cách mà qua, chẳng ai để ý đến khách đi đường nơi này. Tuy cực nhọc thế nhưng là tự mình chuốc lấy chứ có phải vì cơm áo đâu, trong lúc người đàn bà một mình lái xe hủ lô cán đường giữa rừng mưa gió để có cơm áo cho gia đình, tự nhiên tôi thấy mình chẳng có gì phải than thở cả, nhất là khi thấy chị tài xế mỉm cười nhìn vào ống kính máy ảnh. Hì hục hơn tiếng đồng hồ chúng tôi qua được quãng đường “trần ai” để vào thác. Sự thực hết đoạn đường sình lầy là vào một khu đất trống trãi có nhiều cây cao và một dòng sông. Bên trái có gian nhà nhỏ bán giải khát vắng người, cạnh một nhà mát dưới tàng cây cổ thụ. Sau lưng quán giải khát là một con lạch nhỏ có cầu gỗ qua mấy nhà sàn bờ bên kia, nhà cho du khách nghỉ lại. Có thể nói đây là một nơi du ngoạn, cắm trại... Nếu khách cá nhân chẳng ai ở lại làm gì, thậm chí ngồi giải lao ăn uống cũng không lấy gì làm thú vị. Cảnh tiêu sơ bình thường quá, nhìn qua chả có gì để dừng lâu.

202-h2.jpg

(Thác Mai)

Thác Mai, một dòng sông lặng lờ nước đục, một chiếc cầu cây thấp lè tè bắc qua mấy mỏm đá ngoài xa, có lẽ để làm cảnh chơi. Ngay trong bờ một đoạn cầu chừng vài mét, bắc qua chỗ nước sâu, để từ đó du khách nhảy từng mỏm đá ra cầu giữa sông (?). Nhà chức trách cẩn thận có bảng cảnh cáo: “Khu vực nước xoáy rêu trơn trợt nguy hiểm”. Nếu thác như vầy thì con sông Lô ở Hà Giang thác muôn trùng và còn đẹp gấp mấy. Đá sông Lô là loại đá phong hóa, có đường nét nghệ thuật chứ không trơn lu kiểu đá cuội Thác Mai. Hay là đây cũng là một dạng thác? Nếu thế thì không thể xếp Thác Mai chung với thác Dray Sáp (11), thác Prenn, thác Bản Giốc (12), ngay như thác Yang Bay (Khánh Hòa) chưa phải là thác cũng còn hơn xa Thác Mai.

202-h3.jpg

(Đặc biệt của Thác Mai)

Thác Mai theo sự tích là thác giữa rừng mai, tôi không tìm thấy cây mai nào chung quanh khu trung tâm, chỉ có cây hoang, một số cây còn sót lại (cây chặt xuống chưa mang đi hết) của rừng già. Thác Mai có lẽ tên gọi từ thời xa xưa, bây giờ mà có mai tôi nghĩ chỉ một mùa Tết thôi là không còn một cây. Ấy thế mà đã cĩ “nhà văn” viết về Thác Mai như sau:

“....Thác Mai hiện lên đầy kỳ bí, gây ngỡ ngàng cho những ai xưa nay vẫn nghĩ Đồng Nai chỉ có những rừng cao su ngút ngàn. Ngay từ ngã ba rẽ vào lâm trường Tân Phú, bạn đã có cảm giác như đang lạc vào khu rừng Amazon hoang sơ, mát lạnh. Hãy thả lỏng người sau chặng đường gió bụi, hít căng lồng ngực không khí trong lành ấy và lắng nghe tiếng chim rừng xao xác vọng về".

Đúng là văn chương, nghe kêu như đại hồng chung. Tôi chưa được hân hạnh đi trong rừng Amazon, nhưng nếu rừng Amazon giống như rừng hoang Tân Phú thì đến cũng uổng công. “Tiếng chim rừng xao xác vọng về” thì rõ là một sự tưởng tượng phong phú, tôi đã qua nhiều rừng, kể cả 20km rừng nguyên sinh Cúc Phương, nhưng hiếm khi nghe được tiếng Chích Chòe hay Chóp Mào (Chào Mào) có đâu mà “xao xác vọng về”. Lý do tại sao vắng bóng chim, có người bảo do môi trường ngày càng độc hại, do người săn bắn... Súng hơi là phương tiện sát hại chim muông rất phổ biến ở Việt Nam ngày nay. Trong thành phố không còn một bóng chim sẻ, nhà điểu học Võ Quí, bảo toàn miền Bắc chỉ còn 18 con Quạ (1990)... “Đất lành chim đậu” ai cũng biết, nhưng vùng đất mà người còn bỏ đi thì chim đậu vào đâu!

202-h4.jpg

(Nơi nghỉ lại)

Tôi đi quanh tìm xem có gì đặc biệt, có hai hình ảnh đáng chú ý: Một gốc cổ thụ tên Konia, dạng rất lạ, gốc như được kết bằng những tai voi to bành ra đâm dần xuống đất. Có lẽ phải qua hàng mấy trăm năm mới có bộ gốc như thế. Thân cây tưởng như biểu bì đã rã mục, đồi mồi rêu xanh loang loang từ dưới gốc lên tuốt trên cao. Bên cạnh còn có một gò mối to rêu xanh mướt, rêu này khác với rêu nghệ nhân bonsai thường cấy lean non bộ, rêu có lá mịn. Thoạt trông gò mối như một hòn núi đá xanh um. Nếu biết lợi dụng trồng lên đó vài cây đúng tỉ lệ, gò mối sẽ thành một Thái Sơn, chung quanh tạo làng mạc cư dân... Một tiểu cảnh đặc biệt cho du khách ngắm, tại sao không? Một người có tài gia chánh, chỉ với thịt cá, mắm muối tầm thường cũng có thể làm thành món ăn ngon, khoái khẩu thực khách, không cứ phải sơn hào hải vị.

Thác Mai chỉ là cái đích cho mình vượt khó, còn giá trị du lịch có lẽ phải chờ vài năm nữa, đường sá và hạ tầng xây dựng xong mới có thể gọi là nơi đi chơi vào những tháng hè cần xa cái oi bức ở thành phố. Tuy nhiên nếu thích thiên nhiên sông núi thì vẫn tìm được cái hay cái đẹp lẩn khuất khắp đó đây. Chỉ qua một đêm gió thổi, sáng hôm sau đồi cát đã biến dạng hoàn toàn, rừng cây mỗi mùa mỗi khác. Chiêm ngưỡng vẻ đẹp tổng thể của vạn vật dưới nhiều góc cạnh tùy người, hoặc đi sâu vào chi tiết bằng phương tiện “close up” sẽ khám phá nhiều điều thú vị không ngờ. Con người tất già nua với tháng năm, thiên nhiên thì đổi thay mới mẻ mãi theo thời gian bất tận. Sống như thế nào, sống làm sao để thế giới chung quanh lúc nào cũng đẹp lại là vấn đề riêng của mỗi người.

Trần Công Nhung

7-2007

(8) Đọc “Hành trình về chợ tình Khâu Vai”
(9) Hồ Ba Bể (QHQOK tập 3)
(10) Rừng Cúc Phương ( QHQOK tập 9)
(11) QHQOK tập 8
(12) QHQOK tập 3

(13) Danh họa Daly (Spain) giữ lại bức tường rêu phong của căn nhà cũ ông mua, những tác phẩm trứ danh của ông từ đó mà ra.

***************

source

Vien Dong Daily

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét