Thứ Năm, 12 tháng 11, 2009

Tranh làng Sình



Cập nhật lúc 1:15:04 AM - 20/06/2009

217-h1.jpg


(Tranh làng Sình)

Bài và ảnh: Trần Công Nhung


Nhiều địa phương có những tên làng nghe thật lạ tai. Trong Nam từ Long An về miền Tây có Cái Bè, Cái Lậy, Cái Vồn, Cái Răng, Cái Khế, Cái Mơn…

Huế đặc biệt hơn, tên một chữ mà âm hưởng, ý nghĩa quá xa lạ nghe kỳ cục hết sức: Sình, Sịa, Nông, Truồi… ai mà hình dung được gì ở những địa phương như thế! Vậy mà Sình, một làng không xa thành phố Huế, đã nổi tiếng trong dòng văn hóa nghệ thuật dân gian: Làng Sình làm tranh cúng, tựa như tranh Hàng Trống của Hà Nội năm xưa.


217-h2.jpg


(Đò trên sông Hương)


Theo sử liệu, làng Sình nằm bên hữu ngạn sông Hương cách Huế chừng 7 cây số, được thành lập vào khoảng thế kỷ XV, đối diện bên kia sông là Thanh Hà, một cảng sông nổi tiếng thời các chúa Nguyễn Đàng Trong, sau này có phố Bao Vinh, đã một thời là trung tâm buôn bán sầm uất ở ngoại ô thành Huế. Bao Vinh ngày nay được xem như khu phố cổ, có chùa Sùng Hóa, một trong những chùa lớn nhất vùng Hóa Châu xưa. Ngang qua Bao Vinh ta có cảm tưởng như đang đi ở Hội An phố cổ.

Bao nhiêu năm sống ở Huế, sát bên làng Sình, suốt thời hoa niên mà tôi nào biết “tranh làng Sình”! Đến nay (2008) mới chợt nhận ra. Một người bạn sinh trưởng ở Huế khi nghe tôi hỏi cũng ú ớ không hơn gì, biết hướng “về Sình” nhưng chưa bao giờ đến và cũng chưa từng thấy tranh làng Sình. Nhờ thế, nghe tôi rủ, anh đi ngay. Hai anh em một xe máy chạy qua Vỹ Dạ, xuống ngả ba Tây Thượng, anh dừng lại hỏi làng Sình. Chẳng có gì rắc rối, đi thẳng về làng Lại Ân, chính là làng Sình, tên gọi xưa nay. Hỏi nhà làm tranh nổi tiếng, ai cũng chỉ nhà ông Kỳ Hữu Phước. Chúng tôi quanh co chạy ra con đường bờ sông, một bà giặt áo dưới bến chỉ cho nhà ông Phước ngay đầu ngõ phía dưới rẽ vào.

Đây rồi, căn nhà gạch lóc tường nham nhở không tô vôi, trước nhà có hàng rào chè tàu. Chè tàu là một loại cây hàng rào phổ biến ở Huế. Có người cho rằng nguyên thủy giống cây này theo người Tàu du nhập qua Việt Nam nên tên gọi như vậy. Chè tàu lá nhỏ, nhiều nhánh, cứng và sống lâu nên hầu hết dân Huế ai cũng trồng làm hàng rào. Miền Bắc có dâm bụt, nhưng dâm bụt chỉ được cái màu xanh, còn đẹp, bền, thì không bằng.

217-h3.jpg


(Phố Bao Vinh)


Khách vào đến thềm rồi mà nhà chẳng thấy ai. Kêu mãi mới có người đàn bà từ dưới nhà bếp bước ra. Bà cho biết ông Phước đang cuốc đất vườn sau, mời chúng tôi ngồi chờ bà đi gọi. Nhìn căn nhà gần như trống trơn, tôi thì thầm với người bạn: “Nghệ nhân nổi tiếng mà nghèo vậy sao” – “Tiếng rứa chớ có chi mô”. Ông Phước tuổi chừng trên 60, gầy đen nhưng khỏe. Có lẽ đã quen cảnh hỏi han thăm viếng chụp ảnh quay phim nên ông không tỏ ra ngỡ ngàng mà tự nhiên thân mật. Ông nói năng chậm rãi từ tốn hiền lành.

Sau màn xã giao tôi vào đề:

- Chúng tôi từ lâu nghe tiếng tranh làng Sình và nghệ nhân được đề cao là bác. Hôm nay xin đến thăm bác tìm hiểu thêm về nghề làm tranh, có chi phiền bác không?

- Dạ, cái nớ thì xưa chừ cũng nhiều báo đài đến phỏng vấn quay phim chụp hình. Tui thì không có chi trở ngại. Nhưng chừ thì kẹt, phải cuốc cho xong đám đất.

- Vậy xin lỗi bác, khi nào bác rảnh để tôi trở lại.

- Dạ mai sáng chừng chín mười giờ, để tui chuẩn bị các thứ : Tranh, màu, giấy cho mấy chú chụp hình, chừ răng kịp.

Tôi vui vẻ hỏi thêm một vài chuyện để chủ nhà yên lòng:

- Trước đây đã có nhiều báo chí viết về bác, bác còn giữ tài liệu đó không?

- Dạ còn, nhiều lắm.

- Vậy nhờ bác phô tô giùm, để mai tôi có làm tài liệu.

Vừa nói xong ông đứng dậy vào trong lôi ra mấy tập báo cũ, lật cho tôi xem qua mấy bài.

Tôi đưa một ít tiền cho ông Phước và hẹn 10 giờ sáng mai trở lại.

Nắng chiều đã dịu, cảnh làng quê yên ắng, dòng Hương Giang lững lờ, giá mà có con thuyền chèo qua với tiếng hò “mái đẩy” thì hay biết mấy. Sông Hương ngày nay không còn những con đò duyên dáng như xưa. Đò bây giờ trông như túp lều, đời sống vật chất đã biến đổi bao nhiêu phong tục thói lề.

Ngang qua Vỹ Dạ, tôi nói với bạn: “Mình kiếm cái gì ăn tối rồi về, nhưng xin đừng vào Quỳnh Hương nghe” (1). Người bạn hỏi lại: “Chừ anh muốn ăn chi? Bún, phở, bánh khoái, thứ chi”? Chúng tôi vào một quán phở. Phở thì không phải lo lắm, tránh ăn rau sống là yên tâm. Bánh phơ,û lượng formone có thể cao nhưng không ăn thường thì cũng chẳng thành vấn đề. Thực tình mà nói, trong một xứ sở khấp khểnh mọi mặt thì “có tránh vỏ dưa cũng gặp vỏ dừa”.

Sáng hôm sau, tôi qua chỗ văn phòng trung tâm luyện thi của anh bạn, trà nước một lúc lại kéo nhau đi ăn sáng. Tôi lại được hỏi “Chừ anh muốn ăn chi”, lại nhớ bún bò ớt dầm (4), tôi bàn xuôi: Trên đường về Sình, ngang qua Vỹ Dạ mình ăn bún. Trúng ý, anh đáp ngay: “Bún bò ớt dầm hí”. “Đất có lề, quê có thói”, không phê bình được kiểu cách ăn uống từng nơi, hay món ăn từng miền, đi lại nhiều, tôi đã quen, thứ gì không ăn được, cứ lẳng lặng bỏ ra, không phải thắc mắc. Mỗi lần về Vỹ Dạ tôi lại nhớ Hàn Mặc Tử, nhưng Vỹ Dạ ngày nay đã vắng bóng hàng cau, cũng khó tìm hình ảnh “hoa bắp lay”. Cồn Hến còn chè bắp, ruộng bắp vẫn xanh nhưng hình ảnh như Hàn Mặc Tử mô tả: “Dòng nước buồn hiu, hoa bắp lay” thì e khó. Sông Hương còn đâu thơ mộng khi vắng bóng những con đò xưa, thuyền rồng chạy máy xoành xoạch vội vàng đưa khách “tham quan” chứ làm gì có: “Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó, Có chở khách về kịp tối nay”. Ôi, một thời hoa mộng!

217-h4.jpg


(Nghệ nhân K.H. Phước)


Lúc chúng tôi đến thì nghệ nhân Kỳ Hữu Phước đã sẵn sàng, ông chuẩn bị đủ các thứ để trình bày từng công đoạn về ngành tranh làng Sình. Theo ông Phước nghề làm tranh cúng có từ đời cụ Tổ Kỳ Hữu Hòa, cụ ở miền ngoài vào đất Thuận Hoá định cư, ông Kỳ Hữu Hoà mang theo nghề làm tranh giấy mộc bản, từ đó có tranh làng Sình. Ông Hoà được coi là ông tổ nghề tranh Sình, ông Phước là hậu duệ đời thứ 9. Đã chín đời sống chuyên một nghề, điều cũng hiếm có.

Tranh làng Sình từ đó lan ra cả làng, họ tự tìm tòi học hỏi với nhau chứ không do lớp hướng nghệ nào cả. Nghề làm tranh sống trong điều kiện hết sức eo hẹp chật vật nên không được phổ biến như những nghề khác, nhất là qua những giai đoạn đất nước đổi thay. Ông Phước ngậm ngùi kể lại việc làm tranh chui:

Sau (..), (...) cấm lưu hành những sản phẩm mê tín dị đoan, những tác phẩm đồi trụy do “địch” để lại. Tranh cúng bị loại trừ tuyệt đối, (...) đi từng nhà lục soát kiểm tra. Do đó gia đình ông phải đào hầm chôn dấu khuôn in cũng như lén lút làm tranh dưới hầm. Nghĩ đến công lao của cha ông, đã nhờ nghề của cha ông sống đến hôm nay nên không nỡ hủy bỏ những gì ông cha để lại. Mỗi khi chui xuống hầm làm tranh phải có người canh gác, sợ (...) đến bất thần. Hầm đào trong nhà, không được rộng rãi chắc chắn gì mà cả nhà chen chúc nào khuôn, nào mực, giấy… thật khổ hơn thời tản cư. Vì điều kiện làm tranh cực như vậy nên lắm lúc tranh nhòe, màu loang cũng đành chịu, không còn cách nào hơn. Người mua cũng phải chấp nhận, có là quí rồi. Làm nghề trong tình cảnh như thế gia đình ông Phước cũng không biết tương lai ra sao. Được ngày nào hay ngày đó.

(Còn tiếp)

Trần Công Nhung

6 - 2008

(1) Ngộ độc trang 179 QHQOK 7

(2) Một buổi sáng trang 117 QHQOK 8

Đã có QHQOK tập 9 (Sách đã gửi đến độc giả từ 17-6 ). Mỗi tập $20 (+$3 shipping). Quí độc giả nên có tập này để biết “Chợ tình Khâu Vai”, mỗi năm chỉ 1 ngày, có hàng ngàn người đua nhau về dự hội.

Sách đã in: Quê Hương Qua Ống Kính tập 1 đến tập 8, Buồn Vui Nghề Chơi Cây Kiểng, Mùa Nước Lũ (Truyện tình trên quê hương), Về Nhiếp Ảnh, Thăng Trầm (chuyện buồn vui một đời người), sách dày trên 200 trang, mỗi tác phẩm đều có 8 phụ bản ảnh màu đặc sắc và cả trăm ảnh đen trắng minh họa theo bài.

Liên lạc: Tran Cong Nhung, P.O. Box 254 Lawndale, CA 90260, phone: (310) 808-4563

Email: trancongnhung@yahoo.com, Web:www.ltcn.net.

*************************************************************

source

Vien Dong Daily

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét