Thứ Năm, 12 tháng 11, 2009

Chợ tình Khâu Vai



Cập nhật lúc 3:16:15 AM - 03/10/2009

233h1.jpg

Người sắc tộc vùng Đồng Văn

Bài và ảnh: Trần Công Nhung


Con đường ngang thị trấn Đồng Văn đã mấy năm vẫn không có gì khác. Quán cơm bình dân ngay lối vào bên hông chợ Đồng Văn vẫn như cũ. Ăn uống ở những nơi xa xôi rừng núi tưởng đắt đỏ, kỳ thực giá cả dễ chịu hơn dưới đồng bằng rất nhiều. Miền núi ít cá nhiều thịt, một đĩa thịt heo rim khô, một bát canh, một đĩa rau xào…đơn giản thế mà an toàn. Ăn xong chúng tôi ghé quán nước bên cạnh để có chỗ ngồi nghỉ một lúc, rồi mua các thứ cần thiết mang theo. Tôi hỏi người bán hàng:

- Chị biết từ đây đi Khâu Vai còn bao xa?

- Tầm tầm bốn mươi cây.

- Ở đấy có khách sạn, phòng trọ không chị?

- Có một nhà sàn dài, người ta cho thuê cứ mỗi chiếc chiếu 100 nghìn, nhưng nếu đến muộn thì cũng không còn chỗ. Tốt hơn, bác thuê khách sạn ở Mèo Vạc, ra đấy chơi đến khuya về lại, chứ ở đấy suốt đêm người ta hát xướng nghỉ thế nào được.

Ý kiến chị bán hàng hay lắm, tôi mua mấy hộp bánh khô, mấy chai nước rồi giục Thạch lên đường.

Chợ tình Khâu Vai phát xuất từ một huyền thoại nhưng đã tồn tại như chuyện đời thường, suốt dòng lịch sử của các bộ tộc Nùng và Dáy tận vùng cao heo hút huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang. Khâu Vai như nơi hẹn hò của “Ngưu Lang Chức Nữ” mỗi năm chỉ một lần. Nhà thơ Võ Sa Hà đã xót xa:


Đây là chỗ được em, được khóc

Đây là chỗ dành cho nước mắt

Chỉ có một đêm thôi,

Còn lại ba trăm sáu mươi tư

Em lại mím môi cắn nước mắt cho đời…

………………………………………………

Chợ tình thành biển nhớ biển đau

Ai đến đây mà chẳng có một đời dang dở phía sau…


Truyện kể rằng, ngày xưa có một chàng trai Nùng, tuấn tú khôi ngô, giỏi giang tốt bụng hay giúp người. Anh hát hay và thổi sáo giỏi, tiếng sáo réo rắt làm xiêu lòng nhiều cô gái cùng trang lứa. Bộ tộc Dáy, bản bên cạnh, có một cô con gái xinh đẹp nết na, ai cũng khen ngợi ngắm nghía. Nhiều Tộc Trưởng đến hỏi vợ cho con nhưng cô gái Dáy nhất mực không ưng. Cô chỉ mê tiếng sáo của chàng trai Nùng. Trớ trêu thay, gia đình nhà gái không bằng lòng cuộc hôn nhân, vì đàng trai quá nghèo lại thêm khác bộ tộc. Không lấy được nhau nhưng đôi trai tài gái sắc nhất quyết không xa nhau. Họ bỏ nhà trốn lên núi Khâu Vai. Thế là cuộc chiến giữa hai bộ tộc bùng nổ. Từ trên núi nhìn về, hai người thấy cảnh chém giết giữa hai bản làng, nguyên do chính vì họ mà ra. Để tránh chuyện đổ máu tiếp diễn, hai người đành đau đớn giã từ và hẹn đúng ngày này (27-3 âm lịch) năm sau gặp nhau nơi đây (1). Từ đó ngày hẹn hò của họ trở thành ngày tái ngộ của những ai từng lỡ duyên và cũng là ngày những người biết yêu đi tìm bạn.


233h2.jpg


Khu phố cổ tại Đồng Văn


Câu chuyện nghe thật đơn giản, trong xã hội Việt Nam ngày trước cũng không thiếu những mối tình như thế. Nhưng cái hay của Khâu Vai là người ta đã tạo ra một tục lệ, một truyền thống mang tính nhân bản thiêng liêng, một huyền thoại có sức thu hút người đủ chủng tộc, đủ lứa tuổi về dự hội mỗi năm. Hơn nữa, câu chuyện tình xẩy ra một nơi hẻo lánh xa xôi, tận địa giới biên thùy, càng thêm hấp dẫn.

Từ Đồng Văn đi Mèo Vạc toàn núi đá, đường chưa hoàn chỉnh, quanh co lên xuống chênh vênh núi đồi. Tuy khó đi nhưng không đến nỗi vất vả như đoạn đường hôm qua. Lúc chạy được 1/3 đường thì gặp một bảng áp-phít (affiche) vĩ đại tại một điểm cao: “Lễ hội chợ tình Khâu Vai”. Con đường từ đây về Mèo Vạc, ngoằn ngoèo như rắn bò, bên trái là vực sâu, thỉnh thoảng có khóm nhà tôn, trên cao nhìn xuống chẳng khác gì một tổ trứng màu xam xám. Không hiểu mùa mưa, nước lũ tràn về thì tránh làm sao. Vùng này núi vôi cao sừng sững, tạo thành vực sâu. Chỗ có con sông Nho Quế chảy về Mèo Vạc, vách đá dựng đứng hai bên, dòng sông xanh bé tí lượn quanh chân núi, sâu thăm thẳm, vĩ đại rợn người. Khoa học chinh phục được thiên nhiên, nhưng thiên nhiên có những công trình, con người khó lòng làm nổi. Nhìn vực thẳm với dòng sông mới biết mình quá vô nghĩa đối với vũ trụ bao la. Chưa thấy Mèo Vạc, chưa thấy Khâu Vai, chỉ thấy núi tiếp núi, con đường chỉ bạc lăng quăng vắt vẻo lên xuống theo triền. Núi không rừng, cây cỏ mịn như một lớp rêu, từng vạt bị cạo đi, màu xanh non vừa nhú, đấy là màu những khoảnh đất mới được gieo trồng. Bản năng sinh tồn giúp người miền núi vượt qua những khó khăn phi thường. Sườn núi gần như thẳng đứng, lên xuống đã vạn nan, nói chi cuốc xới trồng tỉa. So sánh công trình canh tác với sức người mới thấy đáng khâm phục sự chịu đựng dẻo dai của họ.


233h3.jpg


Giữa đường về Khâu Vai


Vượt qua mấy lần đèo, thị trấn Mèo Vạc hiện ra trước mặt tận dưới xa. Nhớ lời người đàn bà trong quán nước, chúng tôi chạy kiếm ngay nơi trọ. Mèo Vạc nhỏ hơn Đồng Văn, con đường chính có mấy khách sạn đều “cháy phòng”. Không ngờ người phương xa về đông như thế. Chạy vào những đường trong xóm, khách sạn cũng để bảng “hết phòng”. Mèo Vạc cũng đang ầm ĩ lễ hội chợ tình, thực ra nhân ngày hội Khâu Vai, Mèo Vạc cũng mở hội chợ để mua bán vui chơi. Đã hai giờ chiều, không còn cách nào, đành chạy thẳng về Khâu Vai.

Mèo Vạc Khâu Vai đường nhựa êm được 12 km, còn lại là đường đá sỏi gập ghềnh. Mấy lần lên dốc xuống đồi, tôi đã thấy Khâu Vai từ xa: Một dải nhà màu thẫm kéo dài theo hình chữ “y” trên lườn một ngọn núi oằn xuống như yên ngựa. Khoảng chừng hai ba chục mái nhà tôn xi măng mốc cũ, một vài nhà xây xen lẫn giữa những khóm tre xanh. Đặc biệt cả vùng núi này chỉ có ngọn đồi Khâu Vai là có bóng cây. Về đến Khâu Vai mới thấy chỉ phía lối vào mới tươi tốt hơn, mặt sau tiếp với đồi núi toàn màu vàng cháy khô cằn. Chung quanh triền đồi là vườn bậc thang mới làm đất, thấy rõ nét từng luống. Chợ Khâu Vai dù có màu xanh cũng không giấu được vẻ nghèo khó, khô cằn hiu quạnh. Mới 3 giờ chiều mà người đã lũ lượt đổ về vô số kể, tiếng ca nhạc trên loa vang vang, làm cho ai nấy đều náo nức. Vào cổng, xe gửi tại một bãi riêng ngoài xa. Con đường vào chợ bụi tung mịt mù theo bước chân người đi. Tôi lướt nhanh vào điểm trung tâm, nơi có sân khấu “Văn nghệ chợ” trên thềm cao. Tôi không hiểu ban tổ chức tiếc gì không thêm chữ “tình”. “Văn nghệ chợ” nghe có ý bình dân rẻ tiền.


233h4.jpg


Cheo leo đường đi chợ tình


Từ sân khấu nhìn ra mới thấy sự tấp nập ồn ào nhốn nháo của đoàn người trẫy hội tuôn vào liên tục. Nếu bảo đây là “chợ tình” thì không đúng, chợ tình mà trẻ em kéo nhau đi từng đám, chợ tình có cả ông già bà lão móm mém cũng đi. Chợ tình Khâu Vai, nhưng người Kinh nhiều hơn dân thiểu số… Người Kinh hay có thói quen huyền thoại hóa, thần thánh hóa và thi vị hóa những danh lam thắng cảnh, những tập tục hội hè truyền thống. Đó cũng là ý hướng muốn thăng hoa cuộc sống tinh thần, nhưng nếu quá đáng sẽ trở thành mê tín. Ngày lễ hội “chợ tình khâu vai cũng thế”. Nếu không biết qua về huyền thoại tình yêu của đôi trai Nùng gái Dáy thì ai cũng nghĩ đây là một ngày hội của các sắc tộc miền cao. (Còn tiếp)


Trần Công Nhung

04-2008

source
Vien Dong Daily

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét