Thứ Năm, 12 tháng 11, 2009

Một ngày sông nước


Cập nhật lúc 1:42:24 AM - 20/01/2007
motngaysn1SFW.gif(Bài và ảnh Trần Công Nhung)
Chiếc Tác Ráng đưa chúng tôi từ Vườn Cò (1) trở lại cầu Bàng Lăng, trời đã muốn tối, thế mà còn một chiếc xuồng máy đưa khách Tây đi xem Cò. Đoạn đường trở về Cần Thơ bây giờ như xa hơn. Mưa không nặng hạt, nhưng trời tối mau, nhìn ra ngoài không còn biết cảnh vật đâu là đâu, xe chạy chừng mươi cây số lại nghe tiếng anh Xẻn (2): Thị trấn Thơm Rơm, thị trấn Ô Môn, thị trấn Trà Nóc. Lúc sáng không thấy gì giờ lại nghe nhiều thị trấn nên đường dài thêm. Xem ra ai cũng mong mau về để có bữa tối. Một người lên tiếng:
- Bác tài cho tới tiệm phở nào ngon ngon.
- Cần Thơ có Phở Hoa (?) là số dách.

Phở dễ ăn, tương đối an toàn, tôi thấy ý kiến hay. Gần tiếng đồng hồ, xe chạy qua khách sạn Hùng Vương, chạy thêm một hai ngã tư rồi dừng lại trước một dãy phố đèn sáng trưng. Quán phở bên kia đường. Quán đông khách, tuy vậy chúng tôi cũng có một bàn riêng. Tùy sở thích, mỗi người tự gọi, tôi thì đơn giản, lúc nào cũng tái nước trong. Bên ngoài mưa lâm râm, trời mát mát, thới tiết rất hợp để thưởng thức một bát phở, nhưng ai cũng nhanh để về khách sạn, khác với không khí ở La Cà (3) đêm qua thật thi vị.
Theo lời anh trưởng đoàn, ngày mai sẽ có nhiều mục khá hấp dẫn: “Du thuyền” trên sông Cái Vồn nhỏ, sông chợ Bình Minh, rạch Trà Cuồng thăm chùa Tịnh Quang, tại đây nhà chùa sẽ đãi bánh xèo.,,và còn nhiều nữa..
Sáng hôm sau, anh Xẻn trở lại hướng dẫn chúng tôi về chợ Cái Khế ăn điểm tâm. Chợ Cái Khế cũng là trung tâm thương mãi lớn của Cần Thơ, đang được xây cất mở rộng. Xe dừng ngay dãy hàng quán đông khách vào ra. Khói nướng thịt bay mịt mù. Nhìn qua quán nào cũng, bún, mì hủ tiếu. Không hiểu do ngẫu nhiên hay cố ý mà chúng tôi được đưa vào quán có hai nữ tiếp viên trẻ đẹp, rất có duyên. Không ai bảo ai, người nào cũng đưa máy lên bấm, màng trập nhảy rào rào, các cô cứ nhìn mà cười, chẳng hiểu chuyện gì. Mãi một lúc, mọi người mới ngồi vào bàn. Người bún bò Huế, người phở, riêng anh Xẻn gọi một tô bún nước. Cô gái tưởng trêu nên ú ớ không đi. Một người trong bàn giải thích rõ chuyện anh vừa nhổ răng, chỉ có thể nuốt chứ không nhai, cô gái hiểu ra mới chịu làm cho anh tô đặc biệt. Miền Nam có lẽ nổi tiếng về lẩu, Lẩu: Lẩu Mắm, Lẩu Lươn còn Phở Bún thì tôi chưa gặp nơi nào ngon. Tôi hỏi đùa cô chạy bàn:

- Người Nam nấu bún sao lại gọi Bún Bò Huế?

- Dạ, mình bắt chước.

- Cứ để Bún Bò Nam như Phở Nam, hay Bún Bò Cái Khế cũng hay.

Rời chợ Cái Khế xe chạy về nhà một thầy giáo của 50 năm trước ở huyện Bình Minh. Từ đó sẽ có Tác Ráng đưa chúng tôi đi các nơi. Chỉ một lúc, xe tách lộ rẽ vào con đường nhỏ chạy về chợ Bình Minh, đường Ngô Quyền dối dài.. Nhà ông thầy vườn rộng, thông từ lộ trước ra lộ sau. Cổng trước ngay bờ sông, chỉ khi nào cần mới mở, cây cối lên um tùm, có ý che mắt kẻ gian dòm ngó. Anh Xẻn giới thiệu chúng tôi với ông thầy, và cũng là nhạc gia của anh.

Ông về hưu gần 10 năm nay nhưng người còn tráng kiện. Ông chuẩn bị ngày mai đi Tour Thai Lan. Trong khi chờ người kêu đò, chúng tôi đi xem vườn, nhiều cây ăn trái, đặc biệt mít Tố Nữ được mọi người ngắm nghía trầm trồ. Mít tố nữ quả nhỏ, gai mịn, ra ngay dưới gốc, lúc chín gai không nở như loại mít thường. Biết khách thích mít, ông cụ cho người hái những quả chín thết đãi.

Đã có thuyền, chúng tôi ra bến, ông cụ cũng đi. Chiếc Tác Ráng không lớn chạy theo con sông Cái Vồn nhỏ,ø nhà cửa san sát thấp tè. Ngồi trên thuyền có thể thấy các thứ trong nhà. Đa số nghèo, cứ nhìn áo quần phơi bên ngoài thì biết. Cũng những sinh hoạt như dân ở hai bên con rạch vô Vườn Cò, giặt giũ, tắm rửa và bao nhiêu chuyện khác đều nhờ nước từ dòng sông. Đoạn sông Cái Vồn nhỏ không dài, không nhà nào mở hàng quán, có lẽ vùng này người dân mua bán bằng đường bộ, không như dọc thủy lộ về Năm Căn, Ông Trang (4). hàng quán quay mặt ra sông như trên đường phố. Thuyền đi lại cũng ít, tới chỗ nhập vào sông Chợ Bình Minh mới thấy vài chiếc đò ngang đưa khách.

Lối chèo đò trong Nam khác hẳn ngoài Trung. Con đò đã không có dáng thon thả, người chèo lại dùng cả hai tay, hai chèo một lượt nên có nhanh mà không đẹp, thiếu nhịp nhàng. Nhìn cô lái dò trên sông Hương hay trên sông Kiến Giang (Lệ Thủy Quảng Bình) tôi thấy đẹp và rất có “nhạc điệu”. Một mái chèo phân làm nhiều nhịp uyển chuyển nhẹ nhàng theo đà đưa đẩy của thân hình, của đôi tay. Nhìn cô lái đò không có vẻ gì gấp gáp vất vả. Nếu hình dung được một câu hò Mái Đẩy thì hình ảnh càng đẹp tuyệt vời. Thuyền chúng tôi chun qua một cầu đúc trên sông Chợ Bình Minh. rồi ra sông Cái Vồn Lớn
Bây giờ cảnh không có gì đặc biệt, tôi lại có dịp ngắm mây trôi trên bầu trời trong xanh, và chụp đủ các dáng kiểu mây trên trời. Đến khi rẽ vào rạch Trà Cuồng, Tác Ráng chạy rất chậm, con rạch nhiều lục bình, chốc chốc phải chui qua cầu khỉ, cầu thấp sát nóc thuyền. Dọc con rạch này nhiều cảnh cũng lạ, bầu không khí và cảnh quang thu hẹp, yên tĩnh ấm cúng, đúng là miền quê sông nước.
Thuyền ghé bến, khách vào nghỉ chân nhà người bà con của anh Xẻn, tôi ngạc nhiên thấy trên bàn thờ có hình ông Phan Khắc Sửu, vị Nguyên Thủ của miền Nam trước 75. Hỏi ra, phía vợ anh Xẻn cũng là trong vòng thân tộc.
Nghỉ ngơi một lúc, cuộc hành trình lại tiếp tục: Thăm Đình Thần Trà Cuồng cách 5km ở xóm trên nên ai cũng đi bộ. Đường làng rợp bóng tre, mát mẻ, lại qua các vườn cây trái đang mùa, tội gì ngồi ghe. Quả thật, đi một đoạn đã thấy cảnh nhà dân Nam Bộ. Nhà vách ván liếp lá, dưới hiên một hàng lu đựng nước. Người Nam ăn uống bằng nước mưa nên nhà nào cũng nhiều lu vại lớn chứa nước. Một em bé trần truồng đang tắm, một bà già khom lưng quét rác vườn. Và nữa, mấy chị lái buôn từ thị trấn về mua nhãn. Mấy giỏ bội dầy nhãn để bên đường.

- Nhãn này bán không?

- Dạ, mới mua.

- Mua xong thì bán chớ?

- Dạ, về cân cho bạn hàng.

- Thì tụi tui mua lẻ vài kí.

- Dạ được.

Giá cả chưa xong mà ai cũng xúm vào thử, mỗi người rứt một chùm, chị bán hàng phải kêu lên: “Ăn giùm những trái rời”. Thử mà cứ lôi từng nhánh thì người ta còn buôn bán cái gì. Hai cô trong đoàn được yêu cầu ra làm mẫu. Tác phẩm: “Trái cây đầu mùa”.. Nhãn miền Tây cơm dầy và ngọt đậm. Mấy phút giải lao vừa sáng tác, ai nấy xem ra rất hứng khởi. Con đường làng chạy men rạch Trà Cuồngchỉ một lát đã đến Đình. Ngôi đình không lớn và như mới xây. Bình thường cửa khóa, không ai trông coi. Ông cụ mở cửa, gia đình vào thắp nhang.

Tôi hỏi anh Xẻn:

- Đình làng mới xây? Cũng không lớn như những ngôi đình làng thường thấy?

- Đây không phải đình thờ Thần Hoàng của làng. Đình Trà Cuồng ngày trước đã bị bom đạn san bằng, kiểu như chùa Tịnh Quang. Về sau nhạc mẫu của tôi bỏ tiền ra xây cất, và kêu gọi chúng tôi và một số dồng hương ở Mỹ đóng góp. Từ đó Đình thuộc quyền sở hữu của chúng tôi (6).

motngaysn3SFW.gifChùa Tịnh Quang (ảnh Trần Xẻn)

Tác Ráng tiếp tục đưa chúng tôi Từ Trà Cuồng trở lại sông Chợ Bình Minh, qua sông Trà Ôn rồi rẽ vào rạch Tra thăm chùa Tịnh Quang. Đây là ngôi chùa cổ đã mấy trăm năm nhưng qua các thời kỳ chiến tranh chùa đã được trùng tu nhiều lần và hiện cũng đang được sửa sang. Sau Phật đường là nhà sinh hoạt, thầy trù trì còn trẻ, thầy Trường (5), vui vẻ tiếp chúng tôi. Trời nóng nên có bao nhiêu quạt Thầy cho mang ra, và móc nhiều võng cho khách nghỉ. Tôi mang máy dạo một vòng quanh chùa. Vườn chùa rất rộng, ít công trình phụ, nhiều cây trái: Bưởi, ổi, chôm chôm và rau cải. Trước chùa có hồ sen và tượng Quan Âm. Chùa không có cổng tam quan, vào chùa qua một cổng đơn sơ ngay bến bước lên. Nét khác biệt ở đây là trong hay ngoài chùa đều thông thoáng, không xây cất linh tinh, không thờ tự rườm rà, trái hẳn với miền Bắc.

Nhà bếp đã bê thức ăn lên, mọi người ngồi bàn, những dĩa bánh xèo to tướng vàng ngậy, rau sống nước chấm màu sắc khá hấp dẫn. Bánh xèo cùng họ với bánh khoái ở Huế. Bánh khoái nhỏ bằng chiếc đĩa con, giòn vàng ngon đặc biệt. Trước kia bánh khoái cầu Đông Ba nổi tiếng, muốn có bánh ăn phải ngồi chờ cả giờ đồng hồ. Nhớ thời còn đi học, có lần than phiền “lâu quá”, bà hàng đáp ngay “Lâu đói mới ngon chớ”.

Bánh xèo tương tự như Pizza của ý. Nếu người Ý ăn bánh xèo thể nào họ cũng nghĩ mình bắt chước họ. Món tráng miệng cũng khá ngon: Ổi xá lị. Ổi trong vườn chùa thì không phải ngại thuốc sâu, hay thuốc kích thích quả mau lớn. Nhiều nhà vườn lạm dụng phun thuốc tăng năng suất, không nghĩ như thế là gieo mầm bệnh độc hại cho người tiêu dùng..

Trong khi trà nước, anh trưởng đoàn cho biết chùa Tịnh Quang có tiếng rất linh và khó ở. Ngày xưa ngay trước bến chùa, mỗi tháng đến rằm, mồng một, có con Rùa rất lớn nổi lên nghe kinh. Thời gian gần đây không thấy nữa, người ta bảo có lẽ con rùa đã chết vì quá già. Lại trong thời kỳ chiến tranh, (...) dùng chùa làm nơi ẩn núp, máy bay quân đội Cộng Hòa thường đến thả bom. (...) chết nhiều nên chùa nổi tiếng có ma. Chỉ thầy Trù Trị mới ngủ yên giấc, còn người khác bị phá suốt đêm.

Đã đến giờ, chúng tôi lên chánh điện lễ Phật và làm công đức. Anh Xẻn đứng ra nói lời cảm ơn nhà chùa và xin cáo từ.

Nắng đã xế, chúng tôi xuống ghe để về lại Bình Mình. Chiều nay ông Thầy đãi cơm, không phải đi nhà hàng. Một ngày sông nước không gì vất vả nhưng đi nhiều, biết nhiều sự tích, biết được thực tế lịch sử của đất nước mà trong thời chiến tranh ai cũng nhận phần tốt về mình.

Trần Công Nhung (August - 2006)

(1) QHQOK 6 đã in

(2) Tên tuổi thường là dễ nghe, dễ nhận, đẹp và ý nghĩa. Anh trưởng đoàn có cái tên rất tượng hình “ruộng rẫy”. Trước khi đi VN, anh cẩn thận cho tôi 4 số phone, tới ngày hẹn, gọi 3 số đều không liên lạc được. Số thứ tư có tiếng trả lời: “Nhà này không có ai tên Xẻn”. Sau mới hay, ở nhà anh có tên “Hia Nghí”. Không ai gọi Xẻn bao giờ.

(3) La Cà Cần Thơ QHQOK 6 đã in.

(4) Đất Mũi QHQOK 4.

(5) Thầy Trường mới sinh ra đã được cha mẹ đem gửi chùa. Lơn lên, khi thầy Trù Trì viên tịch, thầy Trường lên Trù Trì.

(6) Anh Xẻn cho biết: “Đất ở Trà Cuồng phần lớn của ông bà ngoại vợ tui. Ông ngoại là anh ruột ông Phan Khắc Sửu, đậu luật sư bên pháp (thập niên 30). Về nước ông không hợp tác với Pháp mà tổ chức chống Pháp quyết liệt. Ông bị bắt, ra tòa tư biện hộ, được thả. Năm 1947 (...) thuyết dụ ông, ông hất đổ mâm cơm và phản đối. Ông bị bắt và bị xử tử bằng cách đóng cọc tầm vong từ trên cổ xuống.

Thư Độc Giả

Chịu chơi

Trong mấy năm qua, thấy có một số độc giả thường đặt thêm sách để gửi tặng, bố mẹ, bạn bè hay con cái nhân ngày sinh nhật hoặc trong dịp lễ Tết. Thế nên, trong thông báo gửi độc giả chuyện phát hành QHQOK tập 6, tôi có báo tin: Tập 7 sẽ dành riêng 1 trang, trang 4 để in hình của người tặng hay người được tặng với lời ghi gọn phía dưới. Nhận được thư, một vài vị đã gọi phone order ngay. Tôi cũng vui nhưng do dự chưa biết tính sao, vì là chuyện bày trò để chơi, và chưa bắt tay vào làm thì tính thế nào.
Thấy tôi do dự, bác Châu Hoa (W.Covina) nói ngay:
“Tui chịu chơi chớ không chơi chiu đâu, ông Nhung đừng ngại”.
Bác Châu là người Việt gốc Hoa, cũng như độc giả Lucian Lu, vậy mà rất yêu Quê Hương Việt, yêu mới “chịu chơi” như vậy. Tôi chợt nhớ có một tape nhạc hài giọng Bảo Quốc (danh hài trong nước) nhại bài Biệt Ly của Doãn Mẫn, độc giả biết bài Biệt Ly thử hát:
“Chịu chơi, đã chơi thì chơi. Chơi mà còn tính lỗ với lời. thì đừng chơi, đến khi mình hết hơi là hết chơi”.
Người hết hơi cũng như bánh xe xì lốp, còn chơi nỗi gì! Thế nên người viết cũng theo người đọc “chịu chơi” luôn. Trong thư có nói gửi hình rõ và đẹp, nhưng, không hiểu lý do gì ai cũng gửi cái ảnh bằng bàn tay, chup trong nhà hàng tiệc cưới, chụp ngoài vườn nguyên cả cảnh nhà có giàn hoa lý. Thế này là rơi vào tình cảnh “bụng làm dạ chịu”. Phải mất một buổi crop hình ra cho to, tô điểm sao cho coi được. Lại có một bà ngoại, sau khi xem một vài mẫu ghi dưới hình, đã thực thà yêu cầu: “Ông là nhà văn chữ nhiều, tôi thêm tiền, ông ghi thêm cho chứ vầy thì hơi ít?.
Độc giả là người quí mình, nay yêu cầu có thế mà tìm cách tránh né thì coi sao đặng.
Bao nhiêu khó khăn lẩm cẩm đành phải gánh. Cũng tự mình bày chuyện mà ra.
“Chịu chơi, đã chơi thì chơi.”

Sách mới: Đã có QHQOK tập 6, mời quí độc giả order, ấn phí như thường lệ.
Ấn bản đặc biệt: QHQOK 6 : Của các độc giả: Châu Hoa (West Covina), Xuân Nguyễn (Nevada), Vẹn Nguyen (Gardena) .
Anh Phong Ngo: Đã nhận được thư. Cảm ơn nhưng information anh forward, nhưnh Lịch 2007 cô Yếm Thắm bị distortion hơi nhiều.
Đã ra: Quê Hương Qua Ống Kính tập 1 , 2, 3, 4, 5 và 6, Buồn Vui Nghề Chơi Cây Kiểng, Mùa Nước Lũ (Truyện tình trên quê hương), Về Nhiếp Ảnh, Thăng Trầm (chuyện buồn vui một đời người), sách dày trên 200 trang, mỗi tác phẩm đều có nhiều phụ bản ảnh màu (20$ một cuốn + 3$ cước phí).
Liên lạc: Tran Cong Nhung P.O.Box 2197. Hawthorne, CA 90250. Tel.(310)848-9939 Email:trancongnhung@yahoo.com, Web:www.ltcn.net

**************************

source

Vien Dong Daily

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét