Thứ Ba, 27 tháng 10, 2009

Áo dài Sài gòn


October 23, 2009


NGUYỄN THỊ LAN ANH-Việt Tribune

Nếu có dịp chứng kiến những cuộc thi hoa hậu nước trong nước ngoài vài năm gần đây, chắc chắn mọi người sẽ lóa mắt vì vẻ sang trọng cực kỳ của bộ áo dài Việt Nam, cụ thể là bộ quốc phục với chủ đề Rồng Việt do cô Hoàng Yến mặc dự cuộc thi Miss Universe năm 2009. Chưa tính công xá, chỉ riêng tiền vải và phụ liệu đã hết 2000 đôla. Trước khi đạt tới trình độ thẩm mỹ hoàn hảo trên đấu trường quốc tế như vậy, áo dài Việt Nam đã chịu biết mấy thăng trầm.

Hoa Hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2009 Võ Hoàng Yến lộng lẫy với áo dài Rồng Việt tại cuộc thi Miss Universe 2009 tại Bahamas. AP Photo

Áo dài xưa Tiền thân của chiếc áo dài hai vạt điệu đàng bây giờ là chiếc áo tứ thân, rồi áo dài Le Mur, áo dài Lê Phổ đầu thế kỷ XX. Suốt trăm năm kế tiếp, hai miền Nam- Bắc Việt nam lúc tan lúc hợp, chiếc áo dài cũng tan hợp đủ trò. Hết xẻ vạt trước thành hai vạt, hạ cổ lưới cao năm bảy phân thành cổ thuyền (do bà Trần Lệ Xuân, vợ ông Ngô Đình Nhu lăng xê nên kiểu cổ này còn được gọi là kiểu cổ Trần Lệ Xuân), nâng eo lên cao, thu hẹp bề ngang vạt áo, cắt ngắn vạt áo, vẽ vạt áo, thay vải cặp tay bằng ren, cắt rời phần tay, sau đó may nối lại với thân áo bằng một đường xéo. (kiểu may này do nhà may Dung ĐaKao sáng chế, gọi là áo tay Raglan). Đi kèm với áo dài là chiếc quần dài. Dù chỉ hai màu đen trắng nhưng quần dài cũng đổi thay liên tục- hết ống túm hai tấc lại chân voi ống xéo thùng thình. Hết gấu lá hẹ lại gấu lớn, thêu hoa. Hết ngắn tới mắt cá chân lại dài lê thê quét đất. Hết lồng thun lại cài nút…

Nữ sinh Đà Lạt trong tà áo trắng tinh khôi-Photo Nguyễn Đạt

Áo dài cách điệu.Tường Linh/Việt Tribune

… Dù sao cũng phải công nhận rằng chính nhờ những cải biến đó vẻ đẹp hình thể của người mặc được tôn lên nhiều. Chẳng vậy mà dòng thơ ca ngợi áo dài, nhất là áo dài nữ sinh- của thi sĩ Sài Gòn lại nhiều và hay đến vậy. Hỏi thăm nhiều bà cụ sáu bảy mươi tuổi về ký ức thời Gia Long, Đồng Khánh ‘áo trắng đơn sơ mộng trắng trong’, mặt cụ nào cũng tươi hẳn. Các cụ kể vanh vách, những là ‘em đi dịu dàng, bờ vai em nhỏ…tóc dài, tà áo vờn bay’, những là chàng X, chàng Y đánh nhau, tranh nhau bám đuôi ‘anh theo Ngọ về, chân anh nặng nề, lòng anh nức nở.’

Áo dài nay
Thời ‘mõm chó mực’ nhất của áo dài, nói trộm vía nhà nước xã hội chủ nghĩa, là sau năm 75, kéo dài hơn chục năm liền. Áo dài bị coi là không hợp thời đại mới, bị treo bán rẻ rúng ngoài đường, bị cắt phăng hai vạt lấy vải may áo ngắn. Dịp hội họp, lễ lạc quan trọng, kể cả cưới hỏi, các bà các cô cứ ‘đánh’quần đen áo bà ba, áo kiểu, đi guốc dép nhựa (thậm chí dép cao su, dép lốp cải cách). Những tấm hình hồi đó, gửi cho bạn bè nước ngoài, hay cất giữ trong album gia đình, giờ xem lại thấy rất…lịch sử (!). Mãi tới đầu thập niên 90 thế kỷ trước, cùng với sự phát triển của kinh tế, nhiều nét đẹp văn hóa mới hồi sinh, trong đó có nét đẹp tà áo dài. Nhờ thế đường phố mới lại dập dìu áo trắng nữ sinh, áo tếch- ních- cô- lo nữ giáo viên, nữ viên chức…

Áo đỏ Vân Anh.Tường Linh/Việt Tribune

Áo Trắng.Tường Linh/Việt Tribune

Áo Vàng Vân Anh.Tường Linh/Việt Tribune

Áo Xanh Y Lan.Tường Linh/Việt Tribune

Có thể nói thập niên 90 chính là thời kỳ vàng son của áo dài Việt Nam. Với bộ sưu tập ‘Mười khúc biến tấu áo dài’ của Minh Hạnh và ‘Mười hai áo dài vẽ’ của Sỹ Hoàng, người Sài Gòn được chứng kiến sự cách tân hết sức ấn tượng của vải may áo dài, kiểu may áo dài, các loại phụ liệu đính lên áo dài. Nhờ ‘dịch’ thi hoa hậu các loại nở rộ, nhà thiết kế, nhà may áo dài thả sức sáng tạo, cho ra đời những chiếc áo dài ‘đẹp cực’.

Còn nhớ năm 2007, trong chương trình ‘Duyên dáng Việt Nam’ lần thứ hai mươi tổ chức tại Anh Quốc, khi chứng kiến ‘rừng áo dài’ Việt Nam diễu qua sân khấu, khách quốc tế nào cũng xuýt xoa khen ngợi. Năm 2008, lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức cuộc thi Miss World. Tối 24/6, tại rạp hát Hoà Bình, khách xem được một bữa rửa mắt cực kỳ ấn tượng khi chiêm ngưỡng 80 hoa hậu đến từ các nước đẹp lộng lẫy, nẩy lửa trong trang phục áo dài của bốn nhà tạo mẫu Sĩ Hoàng, Thuận Việt, Liên Hương, Võ Việt Chung (hoa hậu Venezuela, cô Dayana Mendoza đạt danh hiệu người mặc áo dài đẹp nhất). Liên tục từ bấy đến nay, cùng chiếc nón lá, tà áo dài đã đàng hoàng đại diện sắc đẹp Việt Nam trong tất cả cuộc thi trong và ngoài nước. Đàn ông Việt Nam, và cả đàn ông nước ngoài, khi được hỏi đều trả lời rất thích, rất vui nếu ‘người ấy’của mình, ngoài những trang phục tây phương, trang phục đời thường, còn biết diện trang phục áo dài trong ngày lễ tết cổ truyền. ‘Một không gian văn hóa thích hợp, kết hợp một tà áo dài đẹp, là cả một bài thơ’, anh Tick, chàng trai người Mỹ có vợ Việt Nam đã nói rất sâu sắc như vậy.

Các thiếu nữ với Áo dài và chợ Bến Thành Sàigòn .Tường Linh/Việt Tribune

Mặc áo dài không dễ
Áo dài, đành là rất ‘hoàng hậu’, rất gợi cảm nhưng với nhiều thiếu nữ Việt Nam, phải xỏ tay vào áo dài là cực hình. Các em phân bua ‘Thời tiết Sài Gòn càng ngày càng khó chịu. Nóng cực kỳ mà mưa lụt cũng cực kỳ. Mặc áo vô mồ hôi nhễ nhại. Tan học mưa tầm tã, phải thắt vạt, nhét vào lưng quần để lội nước’. Kẻ viết bài từng trông thấy điều đó, nơi các cổng trường cấp ba, giờ tan học. May mà ông Nguyên Sa đã mất chứ nếu còn sống sẽ lên máu mà chết không chừng. Vì ngoài những nàng Ngọ dáng đẹp, còn vô khối những nàng Dần đi hùng hổ như cọp, nàng Sửu đi ục ịch như trâu – khuy cổ, khuy eo mở ra cho mát, vạt áo dắt vào cạp quần, tay áo xắn lên, không phải để lội nước mà để khỏi vướng khi ‘choảng mấy con ngựa phe kia’. Nhiều nàng lướt qua, ‘hương thơm’ toát ra từ lưng áo, nách áo khiến cây si khoẻ mạnh nhất cũng viêm mũi viêm họng, héo hắt dần mòn. Thời ông Trịnh Công Sơn, không biết các nàng ăn gì để được ‘gầy guộc nhỏ, như cánh vạc về chốn xa xăm’. Ngày nay, số ‘vạc’ đó giữ nguyên trong khi số ‘không vạc’ lại tăng đáng kể. Có lẽ nhờ siêng ăn fastfood, không chít chát, chơi game, thì vùi đầu vào sách vở thi cử hoặc lăn ra ngủ nên từ eo’vạc’hóa thành…bụng sửu cũng nên!

Dù đang thời khủng hoảng, suy thoái nhưng năm nay vải may áo dài không hề ế ẩm. Tháng Ba có ngày Quốc tế phụ nữ. Tháng Tám học sinh nữ chuẩn bị tựu trường. Tháng 11 Tết Nhà giáo. Ba tháng cuối năm âm lịch là mùa cưới (chưa kể Việt kiều ào ào về nước ăn tết). Bao nhiêu lễ lạc là bấy nhiêu tấm áo dài được chọn mua. Không cần vào những tiệm VIP, nơi vải áo dài tính bằng tiền đô, chỉ ghé sạp chợ Soái Kình Lâm, Bến Thành, Tân Định, Bà Chiểu, Tân Bình hoặc các siêu thị lớn, các cửa hàng đại lý của công ty Thái Tuấn, các tiệm vải tư nhân đường Hai Bà Trưng, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Đình Chiểu……khách dù khó tính bằng trời cũng phải hoa mắt chóng mặt vì hằng hà sa số kiểu vải mới lạ, hoàn toàn made in Vietnam. Giá trung bình hai mươi đôla một bộ cả quần lẫn áo. Vải tơ tằm, vải voan (voan giấy, voan kính) hai lớp, một lớp rưỡi (một vạt ngoài dài, một vạt trong ngắn ngang eo), vải gấm (gấm nội, gấm Tầu), vải nhung (nhung Thái, nhung Tầu, tuyết nhung)… có thể tới 100 đôla một bộ. Người bán đa số đều có địa chỉ tiệm may ruột. Khách mua vải xong, đưa may chừng hai tuần là đã có áo mặc. Công xá thì tùy vải, tùy mặt. Tiệm Như Hảo, đường Trường Sơn, chuyên áo dài cho tiếp viên Hàng Không, giá hai trăm ngàn một bộ. Tiệm Tuyết Thu, đường Lê văn Sĩ, nhận áo dài học sinh, 90.000 đồng một bộ. Các tiệm Thiết Lập đường Pasteur, tiệm Liên Hương đường Ba tháng Hai, tiệm Võ Việt Chung đường Nam Kỳ Khỏi Nghĩa, tiệm Sỹ Hoàng đường Lý Tự Trọng…thì lại đông nghệ sĩ, doanh nhân cao cấp, hoa hậu, Việt kiều, vợ quan chức lớn.

Một tà áo dài là nguồn hứng khởi cho các nghệ sĩ .Tường Linh/Việt Tribune

Đối với đại đa số phụ nữ Sài Gòn, có năm bảy chiếc áo dài trong tủ áo là đủ. Chỉ các MC, diễn viên, giáo viên…mới mớ bảy mớ ba. Nhưng dù áo nào, rẻ tiền hay đắt giá, mới hay cũ, đẹp hay xoàng thì quan trọng không phải là tấm áo, mà chính là người mặc áo. Áo không chỉ che thân, chống nóng lạnh, mà áo còn là bề dầy văn hóa, bề sâu nhân cách. Mong phụ nữ, nhất là phụ nữ Việt Nam – luôn nhớ vậy, để biết trân trọng quốc phục và quốc sỉ, đừng ‘chẳng cầm cho vững, lại giày cho tan’[NTLA]

**************************************************

source

Viet Tribune Online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét