Thứ Năm, 12 tháng 11, 2009

Phố Hội (Kỳ 2)



Cập nhật lúc 3:59:10 AM - 25/10/2009

236h1.jpg


Đêm đèn lồng


Bài và ảnh: Trần Công Nhung

Hội An xưa nay nổi tiếng món Cao Lầu. Tôi vào một quán cách đó không xa. Quê hương bé nhỏ, con người bé nhỏ ...thứ gì cũng bé cũng xinh, nên tô mì tô phở cũng chỉ lớn hơn bát ăn cơm một tí. Không có tô nhỏ, tô trung, không xe lửa, không hàng không mẫu hạm...quê hương chỉ có thế, chỉ bấy nhiêu...Dù vậy tôi cũng cảm thấy thú vị khi được hưởng cái phong cách bình dị trong quán hàng Việt Nam.


236h2.jpg


Chùa Cầu


Một cảnh đẹp của quê nhà, rất Việt Nam mà từ lâu tôi mơ ước có một tấm hình, nhưng đến nay vẫn còn là ước mơ: Cảnh kéo rớ trên sông. Tôi vòng xuống phía dưới chợ Hội An, qua cầu Cẩm Nam. Chiếc cầu xây lúc nào không biết, vào thập kỷ 50 thì chưa có. Đến giữa cầu tôi lấy máy, đặt lên chân ba càng (tripod), với ống kính Tele zoom 80-200, tôi rà máy theo hoạt động của mấy chiếc rớ như thuyền trưởng của một tiềm thủy đỉnh theo dõi mục tiêu trong viễn vọng kính. Cách mười lăm phút, lưới được kéo lên một lần. Màu rớ vàng tơ, óng ánh những giọt nước, tuy đứng khá xa nhưng khi rớ từ từ lên khỏi mặt sông, dường như tôi nghe rõ tiếng nước nhỏ giọt như tiếng mưa rơi. Chỉ một lát, khách đi đường dừng lại bao quanh tôi. Họ nhìn tôi rồi nhìn ra sông nơi có mấy chiếc rớ. Bấm mấy cái thấy đã đủ, song trước sự tò mò của bao nhiêu người, tôi lại hứng chí nổ thêm mấy phát nữa để gọi là đãi khách. Mấy miếng film thì có là bao. Tiếng máy nhảy xạch xạch, khách tỏ vẻ khóai chí. Một chị người Tây đứng cạnh, nhìn tôi cười như muốn nói chuyện. Tôi gợi trước:

- Sao, chị thấy hình ảnh này có đẹp không ?

Người đàn bà cười cởi mở:

- Đẹp, đẹp lắm và lạ nữa.

Tôi lại muốn tán một câu: “Nhưng không đẹp bằng chị”.

- Một lối đánh cá đặc biệt của xứ tôi.

- Bắt cá dễ dàng thật.

- Không phải dễ mà "thanh bình và dân chủ".

- Anh nói vậy có nghĩa gì ?

- Chị có thấy người ngư phủ ngồi chơi hút thuốc lá trên cái chòi nhỏ kia không? Anh ta không hề bận rộn bao vây, lùa cá, không dùng thuốc nổ...không màng đến bất cứ một phương tiện khoa học hiện đại nào cả. Anh để cho cá tự do lựa chọn, muốn anh bắt thì vào lưới nằm, không muốn thì đi chỗ khác.

Chị Tây cười vui vẻ hỏi lại:

- Cá vào trong lưới rồi muốn trở ra được không?

- Được chứ. Chị từ đâu đến ?

- Tôi ở Mỹ.

- Tiểu bang nào ?

- New York.

- Còn tôi ở Cali, Los Angeles.

Chị Mỹ reo lên "thế à" và tỏ ra thân mật hơn. Bao nhiêu người bu lại quanh chúng tôi như cùng tham gia vào câu chuyện. Tôi không thấy có gì rắc rối, không ai hạch hỏi gì cả. Lại nhớ cảnh cũng như vầy năm (...), hồi đó có lần tôi đứng chụp ảnh trên cầu Hà Ra (Nha Trang), vừa mới đặt máy ngắm, đã có (...) đến:

- (...) công tác ở cơ quan nào ?

- Tôi chả công tác cơ quan nào, tôi dạy học. (tôi tưởng cơ quan là dành cho hành chánh).

- (...) dùng máy ảnh có giấy phép không?

- Giấy phép? Sao lại phải giấy phép ? Ai cấp?

- (...) cấp, anh không thể tùy tiện dùng máy ảnh.

Nghe mà muốn phát cáu. Tôi cứ thẳng thừng đáp:

- Trong Miền Nam người ta dùng máy ảnh như dùng bút máy. Chẳng phải giấy tờ gì lôi thôi.

Thấy mấy anh (...) cố tìm cách gây sự tôi vội nói tiếp:

- Tuy không có giấy phép nhưng tôi có thẻ hội viên. Tôi móc bóp đưa cái thẻ của Hoàng Gia Anh Quốc, anh công an cầm tấm giấy màu xanh toàn chữ ăng lê, nhìn một lúc rồi trả lại:

- Khẩn trương lên, kẻo đồng bào tụ tập đến bây giờ.


236h3.jpg


Nhìn vào phố Hội An


Hội An tuy trẹo đường, song du khách lại đông. Có thể nói phố xá luôn luôn như ngày hội. Có thể do phạm vi Phố Hội không rộng, chỉ mấy con đường, đường dài nhất chưa tới một dặm (mile).


236h5.jpg


Nhìn qua An Hội


Nhưng đúng là khách nước ngoài đến đây nhiều hơn nơi nào hết. Tôi có cảm tưởng người ngọai quốc biết rõ Hội An hơn người trong nước. Họ ăn mặc theo cách của họ, nghĩa là rất mát mẻ. Các cụ ngày trước mà thấy chắc phải la làng. Bây giờ dân mình cho đó là tự nhiên và nhiều người, nhất là giới trẻ cũng hòa nhập theo, nên sự cách biệt phong tục không còn ai nói đến nữa.


236h6.jpg


Phố cổ


Ban đêm mới là đẹp, những nhà làm đèn lồng được khách đặc biệt chú ý. Không biết du khách có lấy làm lạ về nếp sống của người Việt? Buôn bán, ăn ở, chung một nơi. Không tách riêng biệt như Âu Mỹ. Ngay cửa ra vào, vừa bán hàng, vừa làm việc linh tinh bếp núc.

Mỗi tháng, vào đêm 14 âm lịch, toàn thành phố không có đèn đường, nhà nhà đều treo đèn lồng trước hiên, thành phố trở nên lung linh mộng ảo. Về đêm, khách dồn ra đường Bạch Đằng ở đoạn rẽ qua Chùa Cầu, có nhà hàng nổi, đèn màu soi bóng như cảnh thần tiên.


236h4.jpg


Hàng điểm tâm


Tôi chọn một bàn "cafe lưu động" ở mé sông. Hơi nước từ mặt sông Thu Bồn tỏa lên mát như máy lạnh. Tôi lắng nghe xem có tiếng hàng rong trên sông như nhà văn Nguyễn Tuân tả mấy mươi năm về trước? Dòng sông tối om, lung linh ánh đèn nhà hàng nổi bên Cẩm Nam. Tiếng gió nhẹ và tiếng lao xao nước vỗ vào bờ. Bất chợt tôi quay về một thời quá khứ khá xa. Nơi đây, tại căn nhà phía bên kia đường, có một loài Hoa Nở Về Đêm. Chính khúc sông này đã có một người ngồi thuyền gởi cho Hoa qua tiếng sáo trúc, bài Em Tôi của Lê Trạch Lựu vào mỗi tối thứ bảy ..... Một chuyện tình Trương Chi, lãng mạn kiểu "Tự Lực Văn Đoàn" mà ngày nay chắc không ai còn có thì giờ để nghĩ tới...Câu kết của bài Em Tôi :"Đường đời tôi muốn Em còn mơ..." Và Em đã mơ, Em mơ những mấy tầng trời. Từ đó, người thổi sáo cũng bắt đầu một cuộc đời trôi dạt lênh đênh...


Trần Công Nhung

08-2001

******************

source

Vien Dong Daily

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét