Thứ Tư, 18 tháng 11, 2009

Cây nhà, cá ao.


Cập nhật lúc 11:42:32 AM - 21/08/2007

caynha-1.jpgBài và ảnh Trần Công Nhung
(Bưởi Răm Roi)
Sau một ngày sông nước, về lại nhà thầy giáo Ngô Thành Long (1), chiều nay nhà ông thầy đãi cơm, anh em không phải đi nhà hàng. Thực ra, nói nhà hàng nghe xôm chứ ăn dù có ngon cũng không yên tâm, vì lúc nào đầu óc cũng bị ám ảnh chữ “ngộ độc”. Người trong nước cho là: “Chuyện bình thường, chả có vấn đề”. Mà, nếu “có vấn đề” thì cũng chẳng làm gì ai, huề cả làng.


Nhà bếp râm ran lo cơm nước. Rau trong vườn nhà, cá dưới ao, không gì phải lo ngại. Thường thôn quê bắt cá ao bằng lối kéo lưới hay cho cá ăn rồi dùng vợt. Ở đây, nhà bếp đã đỏ lửa, anh Xẻn mới vác cần câu ra ao. Tôi nghĩ bụng, ông này câu cá kiểu cụ Nguyễn Khuyến để quên sự đời:

“Tựa gối ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo”.

Câu thế thì bao giờ mới có cơm. Buồn cười là anh Xẻn lấy một que củi, buộc lưỡi câu vào, móc một miếng xơ mít rồi thả xuống ao, cứ như trẻ con chơi. Không ngờ chưa đầy phút, anh đã kéo lên con cá tra to tướng. Anh lại lấy mấy cọng rau muống móc vào câu tiếp. Lạ thật, câu cá bằng mồi xơ mít rồi lại rau muống, tôi hỏi anh:

- Lối câu cá của anh chẳng giống ai, cần câu, mồi câu trông buồn cười quá.
- Buồn cười mà anh thấy tui câu cá ăn ngay, nhưng con này thì phải lâu.
- Sao anh biết con này lâu?
- Vì nó thấy con kia bị bắt nên nhát, tôi thay mồi xơ mít bằng mồi rau muống để đánh lừa nó.
- Mồi câu gì lạ vậy?
- Bị cá nuôi bằng mít Tố Nữ và rau muống.

Thấy tôi không tin anh nói tiếp:

- Hằng ngày Thầy tui đạp xe ra chợ Bình Minh gom mua những rau cải bán ế về cho cá, trong vườn có nhiều mít Tố Nữ, ăn không hết cũng liệng cho cá. Vì vậy cá quen thứ mồi này, dễ câu lắm.
- Nhưng, bữa nay 2 con cá Tra, hổng có Tai Tượng.
- Thì cá nào cũng nấu giống nhau chứ gì.
- Không đâu, Tai Tượng thì chiên phùng, cá Tra thì canh chua, kho lạt hoặc thái mỏng nhúng giấm..
- Chiên phùng là sao?
- Là chiên xong vảy cá phùng ra rất đẹp. Canh chua muốn ngon phải đủ các thứ rau, bạc hà, khóm (thơm, dứa), ngò gai, cà chua, mò om, me...Món ca Tra nhúng giấm cuốn bánh tráng với các loại rau, chấm nước mắm me cũng tuyệt.

Nghe mà bụng đói cồn cào. Anh có vẻ rành bài bản lắm, thực tế nấu nướng không biết ra sao. Nếu “Tri hành hợp nhất” thì vợ được nhờ lắm. Anh lại kéo lên con thứ hai. Hai con cá, một thau nặng mấy ki lô, đủ cho cả nhà.
Trong khi nghỉ ngơi chờ cơm chiều, người nhà bê lên một đĩa bưởi lột sẵn, ông Thầy mời chúng tôi: “Các anh chị ăn thử bưởi Năm Roi của vườn nhà”. Nhìn những múi bưởi mộng nước rất hấp dẫn. Một món giải khát thật tuyệt, không ai từ chối cả. Riêng tôi thử một tép thì thấy ngon không thua gì bưởi Đoan Hùng (QHQOK 1). Điều tôi thắc mắc là tên bưởi. Thường thì hoa quả sản xuất nơi nào, mang tên địa phương nơi ấy. Bưởi Biên Hòa, Bưởi Bố Trạch, Bưởi Đoan Hùng, Cam Bố Hạ, quít Thanh Cần..vv. Bưởi Năm Roi, có địa danh nào là Năm Roi? Hay tên ông Năm Roi chăng? “Tranh thủ tham gia” với các bạn xong đĩa bưởi, tôi quay sang hỏi thầy Long:

- Thưa Thầy, sao lại gọi bưởi Năm Roi.

Ông Thầy vui vẻ à một tiếng rồi kể sự tích của giống bưởi đang nổi tiếng hiện nay.

caynha-2.jpg - Mấy chục năm trước miệt này có ông hội đồng Qui là anh em cô cậu với ông già tui. Một bữa đi chơi trong vùng, ông Hội Đồng được người ta biếu cặp bưởi, về ăn cũng thường, không có gì đặc biệt. Ăn xong vứt hạt ngoài gò trầu. Ít lâu sau, thấy có cây bưởi mọc, ông đem trồng ra một nơi đàng hoàng, gọi là trồng chơi. Cây lớn có quả, quả chín ăn thử thấy ngon ngọt hơn các thứ bưởi xưa nay. Ông gọi gia nhân (ông Hội Đồng ngày trước nhà có nhiều người làm) ra dặn: “Bưởi này để đãi khách, đứa nào ăn tao đánh năm roi”. Dân chúng quanh vùng nghe tiếng ông Hội Đồng có cây bưởi quí, hỏi giống bưởi gì, người nào cũng trả lời “Bưởi năm roi”. Ngày tháng qua, tên nói đùa “năm roi” thành tên bưởi Năm Roi. Bây giờ ở đâu cũng đồn tiếng bưởi Năm Roi ngon mà không mấy ai thắc mắc nguồn gốc tên tuổi giống bưởi này.

( Bưởi ngoài chợ)

Có tiếng ai đó: “Sau này nếu có giống bưởi ngon hơn chưa chừng là bưởi “Mười Roi”. Tiếp chuyện bưởi Năm Roi, thầy Long kể cho chúng tôi những câu chuyện buồn vui trong nghề dạy học của thầy mấy thập niên trước. Đặc biệt là tình thầy trò, đúng như sách dạy: “Quân Sư Phụ”. Thầy nói:

- Ngày xưa đời sống của thầy giáo đơn sơ đạm bạc, thầy giáo ít ai la cà quán xá như bây giờ. Mỗi buổi sáng tôi sai một đứa học trò chạy mua tô cháo lòng và bún. Một tô trộn hai thứ, no cho tới trưa.

Cháo lòng ăn chung với bún là món đặc biệt của thầy Long, nay thầy vẫn giữ thói quen đó. Tôi chưa hề thấy ai ăn như vậy bao giờ.

Bữa cơm kết thúc một ngày sông nước (1), và cũng kết thúc chuyến về miền Tây lần này. Một chuyến đi nhiều hương vị, nhiều hình ảnh, từ La Cà quán xá đến Bè Cá Vườn Cò (2)ợ, đất nước miền Tây cũng rất đa dạng rất màu sắc, nếu có thì giờ đi sâu vào các vùng sông lạch thì không thiếu gì hình ảnh để ghi, những điều để chép.
Quê Hương nơi nào cũng đẹp và đầy tình cảm đậm đà, rất nên gìn giữ tô bồi, có vậy mới xây dựng được nền văn hóa cá biệt của xứ sở đã có từ bốn nghìn năm. Tiếc thay, điều ước mơ ấy còn xa vời quá. Bao nhiêu biến cố đổi thay, khiến đời sống con người lâm vào tình cảnh cay nghiệt, để rồi chỉ nghĩ đến miếng ăn, quên đi nghĩa vụ phải làm cho sơn hà xã tắc ngày càng rạng rỡ tươi thắm thêm.

Trần Công Nhung (August - 2006)

(1) Một ngày sông nước đã đăng
(2) Đề bài đã đăng

Thư Độc Giả

Vui một thoáng

Một thân hữu tâm đắc đọc Thăng Trầm rồi viết cho tôi như sau:
“Thấy tựa đề cuốn sách, tôi đã rùng mình. Không biết có phải “Kinh cung chi điểu” chăng. Thăng trầm là lên xuống, nhưng thăng trầm của một đời người đâu phải thăng trầm của thi ca, của âm nhạc! Nó như một đóa hoa nở bung, một bầu trời rực sáng hoa đăng và rồi sụp tối đầy bi thiết sầu thảm. Tôi chưa đọc hết tập sách, chỉ mới một hai truyện, quả thật tác giả đã sống trong thăng trầm. Cái làm cho tôi lý thú là bị thăng trầm lôi cuốn một mạch, và khiến tôi không còn sợ “Thăng Trầm” như lúc đầu. Nhưng nếu hỏi tôi: “Muốn thăng trầm không? Xin thưa: Chả dám”.

Cảm ơn quí thân hữu đã chia sẻ với người viết về những ghi nhận trong Thăng Trầm. Vâng, “Thăng Trầm” không là cung bậc của bản nhạc mà là cung bậc của cuộc sống. Có ai muốn nghe bản nhạc chỉ có một cung, một âm? Cuộc sống mà không cung bậc thì quả thật buồn hơn cả mùa Đông. Trong văn chương sử sách, không thiếu gì những cuộc đời sống gió và cũng đã có người bảo rằng:

Ví thử đường đời bằng phẳng cả
Anh hùng hào kiệt có hơn ai.

Với một người bình thường như tôi, quanh quẩn cũng chỉ cơm áo qua ngày, tình cảm bâng quơ, thì Thăng Trầm là một số hoài niệm tiếc thương ray rứt riêng tư, nay có người đồng cảm, thật quí hóa vô cùng. Vị độc giả còn tiết lộ thêm: “Chữ ký của anh như sóng biển mùa Surfing, cũng còn thăng trầm đấy”.

Vâng, có thể thế thật.
“Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao”

(Kiều)

Vậy thôi, tôi biết làm sao bây giờ.

************

source

Vien Dong Daily

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét