Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2009

La Cà Cần Thơ


Cập nhật lúc 5:00:32 PM - 07/05/2007

laca-1.jpg(Bài và ảnh Trần Công Nhung)

Khách Sạn 65
Một người bạn ảnh ở Orange County cho hay quê anh ở Thốt Nốt (Miền Tây) rất nhiều cảnh lạ có thể làm đề tài cho bài viết của tôi. Nào Bè Cá, Vườn Cò, đặc biệt là “đảo Đài Loan”, một cù lao ở Thốt Nốt mà hầu hết con gái đều lấy chồng Đài Loan. Tôi thấy hay lắm, phải thu xếp thời gian để đi với anh. Anh hứa sẽ hướng dẫn tận tình, ăn ở và ghe thuyền anh lo. Lại gặp mùa nước nổi, chuyện may bất ngờ. Nước nổi trong film “Len Trâu”, nghĩ đến là muốn lên đường ngay.


Không cùng chuyến bay, tôi đi sau anh một tuần, nhưng chương trình thì đã lên sẵn: Anh dành 2 hôm để cùng tôi đi săn ảnh và “thăm dân cho biết sự tình”. Anh cẩn thận dặn: “Từ Sài Gòn về Cần Thơ, không nên đi bến xe Miền Tây, ra Phú Vĩnh Long trên đường Lê Hồng Phong, xe nhỏ, lúc nào cũng có. Xe về đến Bình Minh, qua phà đi xe ôm vô Cần Thơ (3Km) chỉ mấy nghìn, nếu đi xe Cần Thơ, kẹt phà có khi mấy tiếng”. Tôi làm y như lời anh dặn.

Trời tháng bảy mưa thất thường. 12 giờ đang nắng, chiều về Cần Thơ lại mưa. Trên xe ai cũng biết chỗ bảo xe dừng, riêng hai thầy trò tôi thì lại ú ớ. Anh bạn chỉ dặn xuống Bình Minh, bác tài hỏi: “Xuống Bình Minh là xuống đâu”. Tôi nói đại: “Cho xuống chỗ gần bến phà”.

Trời chiều mưa bay, mát mát thật dễ chịu. Ngồi trên boong phà nhìn dòng sông mênh mông nước màu đất sét như nước sông Hương vào mùa lũ. Hai con sông lớn nằm hai dầu đất nước đều cùng một nơi xuất phát (Trung Quốc) cùng “màu da”, nhưng dòng Cửu Long mang màu mỡ cho đồng bằng Nam Bộ, còn sông Hồng thì hăm dọa hạn hán lũ lụt hàng năm.

Phà cập bến, trời vẫn mưa, chúng tôi gọi xe ôm vô thành phố:
- Anh cho tới một khách sạn trung tâm.
- Dạ 10 ngàn
- 3 cây số mà dữ vậy? 5 nghìn.

Hai xe đưa chúng tôi đến khách sạn 65, trên trục lộ chính, đường rộng phố cao. Lễ tân cho biết phòng đầy đủ tiện nghi nhưng kiểm tra thì máy lạnh còn yếu hơn quạt bàn. Bên kia đường có khách sạn Hùng Vương của nhà nước, ở được giá phải chăng. Nhận phòng xong là trời sập tối. Tôi hỏi cô Lễ Tân:
- Gần đây có quán ăn nào không cháu.
- Nhà hàng La Cà đầy đủ các món và ngon chú.

laca-2.jpgNhà hàng La Cà

Tôi ngạc nhiên về tên quán.
- La Cà có vẻ quán nhậu?
- Dạ, nhà hàng lớn chú à, nhiều món, khách đông lắm.
- Có xa không?
- Dạ chừng 3 cây.

Ba cây (số) thì đi bộ cũng được nhưng trời tối lại mưa nên chúng tôi tìm một xe lôi cho ra vẻ nhàn tản. Chờ mãi không có, phải đi taxi. Chỉ mấy phút đã đến nhà hàng. Dù đêm tối cũng nhận ra nhà hàng La Cà rộng lắm, trang trí mỹ thuật thoáng mát. Vào trong mới thấy nhiều dãy nhà lợp tranh vững chắc, Dãy nào cũng đông khách, “tấp nập” vầy mà tên “la cà” như ám chỉ quán tạm dành cho dân nhậu lai rai. Tôi đưa thực đơn cho người bạn tỏ mắt, tìm món cá lóc nướng hay hấp, cuốn bánh tráng. Miền Tây là xứ cá, cá lóc, cá ba sa, cá rô...

- Cá lóc nướng trui 50 nghìn thêm dĩa gỏi ngó sen tôm thịt, được không anh.
- Được lắm, gọi thêm chai Heiniken cho đúng điệu.

Mỗi lần đi nhà hàng tôi rất ngại chuyện gọi thức uống, có nhiều nhà hàng kiếm lời nhờ bia rượu, gọi một chai họ bê ra một thùng, mình chỉ nhấm tí cho có lệ, họ lại nghĩ mình hà tiện. Ăn nhậu, ẩm thực, phải đề huề mới thú vị, nhưng không phải ai cũng sành chuyện nâng cốc nâng ly.

Trong khi đợi thức ăn lên, tôi nhìn quanh thấy sinh hoạt của nhà hàng rất nhộn nhịp,. Điểm đặc biệt của La Cà là không la cà tí nào, nhân viên chạy bàn trang phục áo màu cà rốt, đầu chít khăn, bê thức ăn lướt nhanh bằng giày patin, hai tay hai dĩa đầy mà không rơi vãi. Có lẽ họ phải tập luyện dữ lắm. Lối chạy bàn vui mắt, nhanh thoăn thoắt, tăng thêm phần thu hút khách. Ngoài trời tối đen, mưa rơi nhè nhẹ trên mái tranh, dưới ánh đèn vàng, khách từng bàn thưởng thức món ăn vừa chuyện trò, nhạc hòa tấu làm nền cho cảnh trí êm đềm ấm cúng. Không ai bị quấy rầy bởi tiếng hò reo: “1,2,3 dô” như những tụ điểm ăn uống ở Sài Gòn.

Sau một hai cuốn, người bạn khen:
- Cá ngon không thua gì hôm mình ăn ở Cát Lái.
- Cá là đặc sản miền Tây, khỏi phải nói. Chỉ ngại rau thôi.
- Nước chấm cũng ngon.
- Các món cuốn ngon nhờ nước chấm. Nhiều quán, khách ghiền cũng do pha chế nước chấm, chẳng khác gì pha chế cà phê.

Hai chúng tôi rỉ rả vừa hết con cá lóc lớn. Ngoài trời mưa vẫn rơi. Tôi lẩm nhẩm mấy câu ( của Nguyễn Vỹ?) :

Mưa chi mưa mãi,
Mưa mãi mưa hoài
Lòng biết nhớ thương ai
Trăng lặn về non không trở lại
Lại nhớ thương ai!

Thơ của thi sĩ chứ có phải của mình đâu.

Nhiệm vụ của thi nhân là nói hộ cho quần chúng, quần chúng có tâm trạng thì mới thích.

Ngày xưa anh đi học, có biết nhậu đâu mà vẫn thích thơ say của Tản Đà:

Đất say đất cũng lăn quay
Trời say mặt cũng đỏ gay ai cười.
Người tỉnh cũng thấy hay chứ riêng gì say.

Bạn không nói gì cho là tôi ngụy biện. Càng khuya khách càng đông, chúng tôi trả bàn để về lo chuyện ngày mai.

laca-3.jpgQuán điểm tâm

Theo lời dặn của anh bạn Thốt Nốt thì sẽ có xe đến đón chúng tôi, xe của mấy nhiếp ảnh gia Cali đi từ Sài Gòn xuống. Không quen nhưng quá giang được thì tốt quá.

Trước khi nghỉ ngơi cần kiểm soát lại máy móc, pin charge đầy, memory card chuyển (load) hết hình qua bộ lưu giữ, để giữa đường không thiếu đạn. Thời đại tin học, chuyện gì cũng nhấp nháy cấp kỳ, nhớ những năm làm ăn theo kiểu “truyền thống cổ điển”, mỗi lần ra trận là phải chạy mua film đen trắng, film màu, đi xa phải tính toán bao bọc, chụp xong còn hồi hộp qua nhiều “công đoạn” mới biết được hay mất. Cảm ơn các nhà sáng chế. Thế nhưng, cũng có người thích “chơi cổ ngoạn”. Một bài viết trong một tập sách ảnh bảo rằng máy chụp film cho ta nhiều cái thú: Lắp ráp film, tráng rửa film, rồi vào buồng tối (Darkroom) rờ rẫm giấy thuốc v.v... Tôi thì thấy mọi việc làm ngoài “buồng sáng” vẫn dễ chịu hơn. Nhất là về kỹ thuật thì nhanh cấp kỳ mà không hao tốn gì, không cần Kodalith như xưa, chỉ mất thì giờ.
Miền Tây, tôi đã đôi lần đi qua, đã về Tràm Chim Đồng Tháp, nhưng chưa biết Thốt Nốt, Vườn Cò. Địa danh Thốt Nốt gợi ra nhiều hình ảnh lạ, tôi chắc có nhiều lý thú. Tôi giục bạn: “Nghỉ sớm để lấy sức cho ngày mai”.

Trần Công Nhung (Aug. 2006)

Thư Độc Giả

Bỏ chạy
Bỏ chạy chẳng có gì đặc biệt, đang mải mê làm công việc, bất thần có chuyện nguy hiểm thì bỏ chạy để được an toàn. Đi đường gặp lúc trời dông bão, bỏ chạy. Đi rừng gặp thú dữ, bỏ chạy. Đi đêm bị ma đuổi bỏ chạy. Cũng có khi chạy để không phải nợ: Chạy làng. Cờ bạc gặp vận đen phải chạy làng, không chạy lấy gì chung!
Sau (...), ý nghĩa bỏ chạy lại mở rộng thêm, mang tính “quốc gia quốc tế”. Chạy ra khỏi (...), chạy bán sống bán chết, bỏ của chạy lấy người. Tại sao chạy, ai cũng biết rồi, nhưng hỏi cho ra thì nhiều người trả lời khác nhau, hoặc làm lơ xem như không (có vấn đề).
Có điều, chạy gì thì rồi cũng trở lại: Sợ cọp, chạy, nhưng vì cuộc sống cũng phải quay lại rừng. Thua bạc, chạy, nhưng “máu me” rồi cũng tìm sòng trở lại. Bỏ quê hương xứ sơ,û chạy, nhưng quê hương vẫn mang nặng trong lòng, nhớ quá cũng tìm cách trở lại. Đúng như câu hát: “Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh”.
Một độc giả lớn tuổi, đọc những bài trong QHQOK, gọi phone tâm sự với tôi: “Đọc ông, tôi muốn về thăm nhà quá, nhưng khốn nỗi ông nhà tôi đã nói như đinh đóng cột: Chừng nào (...) tôi mới về. Ông nhà tôi suốt một đời hy sinh cho vợ con, bây giờ nỡ nào tôi lại bỏ ông ấy mà đi”. Tôi rất hiểu tấm lòng của vị độc giả, bên tình quê hương, bên khí tiết chồng. Có lẽ bà muốn tôi chia sẻ nỗi niềm, nhưng tôi không nói gì được, không phải cứ hiểu là nói được. Không nói được, tôi làm lơ, tôi bỏ chạy.

*************

source

Vien Dong Daily

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét