Thứ Hai, 16 tháng 11, 2009

Bè cá Tân Lộc



Cập nhật lúc 1:36:02 PM - 14/06/2007

beca-1.jpgBài và ảnh Trần Công Nhung

Cho cá ăn
Tôi dậy sớm, trong khi người bạn trẻ còn ngủ say. Sáng tinh mơ là thời điểm có nhiều hoạt cảnh, nhất là ở thành phố. Xách máy ảnh xuống đường tôi đi dài dài dọc đại lộ Hùng Vương. Phố xá sao mà êm, chưa mấy nhà mở cửa, hai bên hè không thấy dấu hiệu gì của cà phê hủ tiếu. Một vài xe đạp, đôi ba xe máy, lâu lâu mới có chiếc xe khách đường dài chạy rề rề tìm thêm mối.... Tôi có ý kiếm một bàn cà phê vỉa hè, tìm mãi chẳng thấy. Một thành phố hiền hòa (1).


Lên xuống mấy vòng, trời sáng hẳn, hôm qua mưa, nay mây trời đẹp thật, da trời xanh, mây trắng nuột nà từng mảng, tôi chỉa máy lên chụp, nhiều người đi đường tưởng có gì lạ. Tôi đặc biệt thích mây, mây có muôn hình vạn trạng. Mây đứng hay mây trôi, mây không hề vướng bận ai trừ khi mây nổi cơn thịnh nộ (mây báo dông bão). Tôi cho là mây có cuộc đời vô ngại, thong dong, một cuộc đời lãng tử. Tôi có một bộ sưu tập mây, và, nếu tản mạn về mây thì cả buổi cũng không hết.

Quay lại gần khách sạn, có mấy bàn cà phê vừa dọn ra trên hè, tôi là người thứ hai. Uống cà phê vỉa hè lỗ tai không bị tra tấn bởi loại nhạc rẻ tiền, không phải hít khói thuốc, không phải nghe những chuyện dấm dớ, mà còn chớp được những hình ảnh đời thường khó gặp.
Bà già bưng ra cho tôi ly cà phê đen không đường, tôi xin thêm nước sôi rồi tự làm một ly cà phê sữa. Lúc trả tiền, cô bé phụ việc hỏi: “Chú cà phê sữa nóng hả?”. Tôi định giải thích thì người đàn bà ra kịp: “Chú đen nóng”. Đen nóng 1500 đồng (10 cent). Tôi đưa tờ giấy bạc 2000, bà già cứ đòi trả lại tiền dư.
Trên đường phố từng tốp nữ sinh áo trắng đạp xe qua lại. Các cô nhân viên công sở áo dài màu, ngồi xe máy lướt nhanh. Một vài em bé bán vé số, không thấy những gánh hàng rong như ở Huế hay Hà Nội. Nắng đã lên, tôi phôn cho người bạn xuống đi ăn sáng để kịp giờ xe.
Hỏi mãi mới tìm ra được một con hẻm có hàng ăn. Quán bình dân, hủ tiếu, phở, bún rẻ, ăn cũng được chỉ ngại vệ sinh. Quay về khách sạn, gần 8 giờ, có chiếc xe Van đến, tôi chắc là xe mình đợi. Quả nhiên, trên xe hai người xuống mừng rỡ chào, cô gái gọi đích danh tôi, thì ra cô phụ tá bác sĩ của tôi, cứ mỗi 4 tháng cô lại cân đo cho tôi một lần, thế mà anh bạn Thốt Nốt làm như chúng tôi chưa hề quen, Đôi bạn trẻ là thành viên của một hội nhiếp ảnh ở quận Cam. Người nào cũng đai bị máy móc ra vẻ rất “thiện xạ”. Tôi đưa họ vào hỏi nhận phòng xong là lên xe ngay.
Chạy được một lúc, các bạn phôn hỏi đường, tiếng hướng dẫn qua phôn:
- “Qua cầu Thốt Nốt là tới chợ, có tui đón”.

Cần Thơ Thốt Nốt hơn 40 cây, đường tuy không xấu nhưng cũng phải cả tiếng mới tới nơi. Anh bạn đang đứng ngong ngóng đằng xa, trông anh hơi lạ, dân thị trấn không ai mang khẩu trang, riêng anh lại bịt mặt nạ tránh ô nhiễm. Lát sau mới biết, anh vừa nhổ răng để làm hàm răng mới. Mỗi lần nhắc đến răng tôi không khỏi giật mình, vì đã khổ vì răng, mà chỉ nhổ một cái thôi (2). Anh chu đáo chuẩn bị cho mỗi người một xe (ôm) lên bến đò Trà Úi (cách chợ Thốt Nốt hơn cây) qua cù lao Tân Lộc xem bè cá. Anh nói hờ: “Anh em chạy xe là bà con quen, các bạn khỏi lo”. Đã một đôi lần nghe “bè cá”, nhưng chỉ hiểu mường tượng chứ thực sự chưa được xem tận mắt bao giờ.

beca-2.jpgRa bè cá

Cù lao Tân Lộc, nhà cửa làng quê xúm xít kề nhau, đường hẹp chừng hơn mét, chạy quanh co xóm này qua xóm nọ. Từ chỗ gửi xe chúng tôi đi bộ qua một cầu ván đến một ngôi nhà bên bờ sông, có người đàn bà vui vẻ ra chào, anh bạn hướng dẫn giới thiệu sơ rồi chỉ ra một căn nhà nổi: “Chúng ta ra xem bè cá”. Cầu ra bè cá chừng 10m, những miếng ván mỏng dài gác tiếp nhau, có người đi là lún xuống nước. Tôi không vội, để mọi người qua trước, chị chủ nhà dẫn đầu. Không nguy hiểm song cũng ngại, có “sự cố” là máy móc tiêu đời.
Căn nhà sàn ván trống trơn, chính giữa chừa một khoảng bằng chiếc chiếu con, cho cá ăn. Thức ăn của cá đổ một đống trên sàn, chị chủ nhà xúc rải xuống, cá nổi lên đớp, quậy nước văng tung tóe. Cá màu da bạc lúc nhúc đặc cứng. Ở đây cá không lội mà cá quậy, có hàng tấn cá dưới sàn.

- Mỗi ngày cho cá ăn mấy lần?
- Dạ, hai lần.
- Thức ăn chị tự làm hay mua.
- Dạ mua một phần làm một phần.
- Thức ăn tự làm có khó không?
- Dạ đơn giản, gồm có cám gạo, bột cá tạp làm thành viên.

Đồ ăn của cá trông như những quả lạc (đậu phụng).
Rời bè cá chúng tôi đi thăm đầm cá. Đầm thì lớn hơn đìa, đìa cá thôn quê thường chỉ bằng nửa cái sân, đầm rộng cả mấy trăm mét vuông. Đầm cá của anh Đàm Tất khá lớn, có cầu ra nhà sàn cho cá ăn, mọi thứ được cấu trúc chắc chắn và khoa học không như bè cá. Chúng tôi đứng xem cá quậy như khán giả trên khán đài xem đá bóng. Mỗi lần thức ăn tung ra, tiếng cá quây nổi lên lao xao. Tôi hỏi anh chủ đầm:

- Thường cá giống thả cỡ nào anh?
- Cỡ 1cm, sau 7 tháng là xuất được.
- Đầm cá của anh mỗi lần xuất được bao nhiêu?
- Dạ, 150 tấn.
- Bè cá thì trữ lượng ít hơn?
- Dạ, trung bình từ 10 tấn đến vài chục.
- Đầm cá nước sâu cạn, bắt cá như thế nào?
- Bình thường nước sâu 2m, khi bắt, xả nước bớt rồi chăng lưới kéo.
- Cá nuôi bè chắc đơn giản hơn?
- Cá bè thì bắt bằng vợt nhưng trước khi bắt phải xuống tháo lưới inox, thu hẹp đáy để dồn cá, công việc cũng vất vả.
- Có bao nhiêu giống cá đồng bào đang nuôi?
- Cá tra, cá chim, cá rô Phi, cá điêu hồng.

beca-4.jpgCầu qua xóm cá

Cà điêu hồng, nấu cháo, lẩu hay hấp, ngon không thua gì cá mú mà không đắt.
Tuy hình ảnh bè cá, đầm cá không mấy lạ nhưng ai cũng hăm hở bấm máy, hẳn mỗi người có cái nhìn riêng. Tôi bấm một vài cảnh “ngoại vi”: Các cô qua cầu, ảnh một con chó ham vui cũng ra bè xem cá. Cái thú nhất là được về một miền quê sông nước, được tiếp xúc thực sự với đời sống dân dã hiến hòa, với con người cởi mở chân chất, không phải nhìn trước ngó sau như khi vào chôn đông người nơi phố thị.
Công việc nuôi cá nghe có vẻ đơn giản, không nhọc nhằn như làm lúa, nhưng thực tế không dễ. Giá cả thị trường lúc thấp lúc cao, nhà đầu tư cũng phải lo toan đủ thứ. Chưa kể chuyện giao động bất trắc khác như bệnh dịch, phẩm chất. Tiêu thụ trong nước không nói gì, ra quốc tế là vấn đề phức tạp. Thế nên gần đây lại xuất hiện nghề nuôi ếch. Nuôi ếch được mô tả như một ngành chăn nuôi mới, ít tốn, an toàn mà thu nhập cao.
Nhìn chung người dân quê Việt Nam bị động thường xuyên trong sản xuất. Đay, tiêu, ốc, điều, dưa hấu, tôm cá. Thứ nào (...) cũng cổ xúy hô hào, rồi nửa đường làm ngơ khi không còn ký được hợp đồng xuất khẩu. Người dân lại tự lo xoay sở lấy. Cho nên đã có cảnh đốt mía, chặt điều, phá ruộng dưa...“còn lợi hơn thuê người thu hoạch rồi chẳng biết bán đi đâu”.

Trần Công Nhung (August - 2006)

(1) La Cà Cần Thơ
(2) Làm răng (Thăng Trầm tập 2)

Thư Độc Giả


Báo Hiếu
Báo có nghĩa là trả, đền đáp lại, hiếu là hết lòng thờ cha mẹ. Thông thường nói báo hiếu có nghĩa bày tỏ lòng biết ơn, tôn kính cha mẹ. Đạo lý Á Đông dạy con người lấy chữ hiếu làm đầu.
Sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư có bài Chuyện ông Tử Lộ: “Ông Tử Lộ, xưa nhà nghèo, phải đội gạo để lấy tiền nuôi cha mẹ. Vậy mà lúc nào ông cũng vui vẻ trong lòng, vì có thế thì con mới tỏ hết lòng hiếu với cha mẹ”.
Ngày nay xã hội không còn như xưa, Đức Khổng Tử đã lùi xa vào quá khứ, do đó con người cũng nhiều đổi thay về “Báo hiếu”. Một bà cụ đã 90 được con gái “nuôi”, cho ở cái nhà 5 phòng, đầy đủ tiện nghi, cụ tự do muốn làm gì thì làm. Trong nhà có mấy đứa cháu, nhưng ai lo phần nấy, chúng đi làm suốt ngày, khuya mới về. Con gái thì ở một biệt thự tuốt trên núi ngoài Pamdale. Bà cụ cơm mắm tự lo, rồi còn quét dọn nhà cửa trong ngoài. Cụ như một người tôi tớ mà không có được một đồng công. Trong khi tiền cấp dưỡng và tiền người săn sóc, con cụ nhận tất. Có lần cụ đi bộ bị xe đụng, người hàng xóm phải giúp đưa đi cấp cứu.
Trước đây nhiều năm hồi chưa qua Mỹ tôi có nghe một truyện ngắn đọc trên đài VOA thuật lại nỗi buồn tủi của một bà cụ, khiến bà phải nhảy lầu tự vận. Tôi cho là chuyện không thực, nay thì rõ chuyện trước mắt tôi. Thêm một chuyện báo đăng: Con đi Las Vegas để mẹ chết ở nhà chẳng ai hay.
Xã hội tuy có đổi thay nhưng chẳng lẽ báo hiếu ngày nay là như vậy hay sao!

********************

source

Vien Dong Daily

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét