Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2009

Sàigòn múa lân

Dân đô thị phải biết mình có và không có quyền gì
Dân đô thị phải biết mình có và không có quyền gì magnify
Ngày 13.01.2009 Giờ 07:13

Dân đô thị phải biết mình có và không có quyền gì

Đô thị là một không gian sống nhân tạo, đường sá, cầu cống, hệ thống thắp sáng trên không, thoát và cấp nước dưới đất chằng chịt, mật độ dân số đặc biệt cao... đòi hỏi không những quy hoạch khoa học từ phía chính quyền, mà còn cần tới ý thức cộng đồng của cư dân, mới có thể đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh cũng như thẩm mỹ của môi trường sống

Trong phần trước, chỉ là ba trong hàng ngàn nghị định nhỏ nhặt về việc quản lý đô thị của chính quyền thuộc địa ở Sài Gòn trước Cách mạng Tháng Tám, nhưng chính từ những quy định nhỏ nhặt ấy, mà họ đã từng bước xây dựng cho cư dân Sài Gòn ý thức văn minh đô thị, nổi bật là ý thức tôn trọng lợi ích của cộng đồng. Hơn ai hết, cư dân đô thị phải ý thức được mình có quyền gì, và không có quyền gì, tức phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định hành chính từ lớn tới nhỏ, vì phương thức sống đô thị luôn mang tính định hướng, mẫu số chung cho phương thức sống của cư dân toàn quốc. Nam Kỳ địa phận số 270, ngày 19.3.1914 có đưa một tin như sau:

Cột vợ. Có thị Xẩm kia tới sở tuần thành mà cáo chồng nó, vì cột chơn nó lại không cho đi đâu, và chơn nó còn sợi dây cột nó, tra hỏi thì chồng nó chịu có cột vợ lại, vì con ấy hay đi hoài, bỏ không lo việc nhà cửa, nên làm vậy mà răn dạy nó, chớ không có đánh đập nó, hay là làm thế nào khác, làm như vậy cho nó ở nhà mà thôi. Song tên Khách ấy phải toà phạt tù giam hậu một tháng vì tội ấy.

“Tù giam hậu” đây tức tù treo, chỉ bị ghi vào lý lịch tư pháp, tóm lại chỉ là xử phạt tượng trưng. Nhưng điều quan trọng là pháp luật thuộc địa ở Sài Gòn lúc ấy nghiêm cấm sự bạo hành trong các quan hệ xã hội, một cái lỗi nhỏ trong quan hệ gia đình như thế cũng có thể bị chế tài để không phát triển tới mức phá rối trật tự trị an xã hội. Khác với nông thôn, ở đó con người bị chi phối nhiều bởi các quan hệ nguyên thuỷ (gia đình, gia tộc, láng giềng), đô thị là nơi con người bị hút vào các quan hệ chức năng (nghề nghiệp, công việc). Điều này khiến đô thị trở thành một nơi, ở đó con người có hệ thống giao tiếp vô danh, chẳng hạn một người có thể cư trú suốt nhiều tháng trong một ngôi nhà mà tất cả láng giềng đều không biết tới cả tên y. Đặc điểm về hệ thống giao tiếp xã hội ấy, khiến các chuẩn mực đạo đức khó có thể phát huy tác dụng toàn diện và triệt để đối với cư dân đô thị, nên việc quản lý đô thị tất yếu phải hướng tới việc dùng các chuẩn mực pháp luật để định hướng và kiểm soát hành vi của cá nhân trên tất cả các mặt sản xuất, sinh hoạt và giao tiếp, thậm chí ngay hoạt động quản lý của lực lượng quản lý đô thị. Sau đây là một đoạn trong bài “Phép luật cần nên biết” in trên Nam Kỳ địa phận số 49, ngày 28.10.1909:

Lính tuần thành không phép xét nhà người ta, trừ ra khi bề trên của chúng nó cho phép riêng thì mới đặng. Dầu chúng nó biết chắc trong nhà nào, hoặc dưới ghe, có chứa đồ gian của ăn trộm ăn cắp, hoặc khí giái, vân vân, thì phải cáo báo, có một người lính Langsa đến mới đặng phép xét. Chớ chúng nó chẳng đặng tự ý mà xét nhà ai.

Lính chẳng đặng vào nhà ai, khi chủ nhà ngăn cản, thì nó chẳng đặng vào.

...

Có một tên Biện Chà thuật lại rằng:

– Bữa kia ông cò sai tôi đi hỏi biên tên mấy người Tây lai, tôi vô nhà kia, thấy một người đờn bà An Nam mặc áo cụt ngồi trên ghế, tay cầm trái ổi mà ăn. Nó thấy tôi vô, nó cũng cứ ngồi cạp ổi, nó hỏi tôi đi đâu. Tôi nói tôi là lính phú lít (police). Nó lấy tay khoát, nói:

– Phú lít thì a la bót (à la porte - đi ra)!

– Ông cò sai...

Nó ngồi dậy, khoát nữa, nói:

– A la bót!

Tôi giở nón xá sâu, nói:

– Xin lỗi cô...

Nó miệng nói và tay khoát, chơn hách búng ngay ra cửa, “a la bót” nữa. Tôi phải lui ra mà đi về.

Người nghe nó thuật chuyện này thì hỏi:

– Sao chú không cắt nghĩa nói ông cò biểu...?

– Thì tôi đã giở nón, xin lỗi, làm đủ, mà nó có chờ cho tôi nói đâu, cứ “a la bót” mãi. Phải nói không, thì ít giận, nó lại thêm chơn hách, tay chỉ ra cửa, xấu hổ tôi quá, mắc tôi không có giấy quan cho, chớ phải bên Pondichéry tôi đánh chết, mà đây không dám. Con mẹ dữ thiệt, mà nó trúng phép…

Người cảnh sát Ấn Độ trên đây tiếc là y không ở quê nhà để có thể lộng quyền cảnh sát vì đây là Nam Kỳ thuộc Pháp, nhưng cũng thừa nhận người phụ nữ Việt Nam hung dữ kia có quyền theo pháp luật tống cổ y ra cửa. Cách nay đúng một thế kỷ, con người Việt Nam ở Sài Gòn đã có ý thức về quyền lợi pháp lý của mình như thế, và đó chính là sản phẩm ý thức của việc điều hành hệ thống hành chính nghiêm minh của chính quyền thuộc địa thời Pháp thuộc ở Sài Gòn.

Không ai phủ nhận rằng, với sự áp đặt hệ thống chính trị, người Pháp đã gây ra cho dân tộc Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám rất nhiều thảm hoạ. Nhưng cần sáng suốt và công bằng để nhìn nhận rằng, trong việc quy hoạch và quản lý đô thị ở Sài Gòn trước đây, họ đã xây dựng được một hệ thống hành chính khá hoàn thiện, từ các quy định pháp luật tới bộ máy hành chính, nên về khách quan, đã góp phần đưa con người thành phố này bước nhanh hơn, sớm hơn vào quỹ đạo của xã hội hiện đại. Hệ thống hành chính vẫn độc lập tương đối với hệ thống chính trị, nên trong nhiều trường hợp, hệ thống hành chính tiên tiến vẫn có tác động tích cực khách quan tới lối sống và ý thức của người dân, mặc dù phải phụ thuộc vào các định hướng chính trị lạc hậu hay phản động. Ngược lại, một hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa đỉnh cao của trí tuệ nhân loại như ở Việt Nam hiện nay, mà không có hệ thống hành chính tiên tiến với quy định nghiêm minh và bộ máy trong sạch, thì cũng không lấy gì mà thể hiện được bản chất tốt đẹp, càng không thể phát huy quyền làm chủ, và nói rộng ra là quyền dân chủ của người dân.

Cao Tự Thanh

source

http://sgtt.com.vn/Detail23.aspx?ColumnId=23&newsid=46005&fld=HTMG/2009/0111/...

pix-source

www.tuoitre.com.vn

Tags: | Edit Tags
Tuesday January 13, 2009 - 10:33am (EST) Edit | Delete | Permanent Link | 0 Comments
Sàigòn múa lân
Sàigòn múa lân magnify

January 03, 2009

Sàigòn múa lân

Nguyễn Thị Lan Anh-Việt Tribune

Xem múa lân vào dịp tết đến xuân về, đối với mọi người là những phút giây giải trí tuyệt vời. Nhất là với trẻ em. Chỉ cần nghe trống lân khua dạo đầu “tùng cắc tùng cắc..” là việc gì cũng bỏ đó để chạy đi xem. Dịp tết Mậu Tí vừa qua, vài chục đoàn lân lớn nhỏ Sài gòn đã đồng lọat tỏa đi khắp nơi, đem niềm vui đến cho người thưởng ngọan và nhận về những bao lì xì, những tràng pháo tay tán thưởng.

Múa lân là múa gì?
Khi nói đoàn lân Hằng Anh Đường, đoàn lân Nhơn Nghĩa Đường ai cũng ngầm hiểu là đoàn đó không chỉ múa lân mà múa đủ ba lọai lân- sư- rồng. Sở dĩ vẫn gọi là đoàn lân vì trong thực tế, tuy “thực đơn” có đủ “ba món ăn chơi”, nhưng “thực khách” chỉ ưa gọi “món” lân. So với múa rồng, múa lân không đòi hỏi nhân sự đông, không gian rộng. So với múa sư, múa lân lại biểu đạt được nhiều sắc thái tình cảm phong phú, phô diễn được nhiều công phu tuyệt kỷ hơn nên người múa lẫn người xem đều “chấm” múa lân. Từ phút Giao thừa trở đi, tới qua tiết Nguyên Tiêu…hơn ba bốn chục đoàn lân lớn nhỏ ở Sài Gòn- chưa kể các đội lân phường quận, khu phố- đều kín lịch biểu diễn.

Lân múa mừng xuân tại Saigòn. Photo Nguyễn thị Lan Anh/Việt Tribune

Với những ai lần đầu xem múa lân thì chỉ nín thở hồi hộp theo dõi từng động tác điêu luyện của người múa chứ chưa có khái niệm thế nào là hay dở, cao thấp, chưa biết họ hàng nhà lân có những lọai nào, mầu gì.
Kẻ viết bài đến đoàn lân Phù Đổng nhờ “xóa mù”, mới biết: nếu chỉ một con lân biểu diễn thì gọi là màn Độc chiếm Ngao đầu, hai con cùng múa là Song Hỉ (tượng trưng âm dương hòa hợp) ba con là Tam Anh (tích Lưu Bị- Quan Vũ- Trương Phi), bốn con là Tứ Quí Hưng Long (tượng trưng bốn mùa). Múa Độc chiếm Ngao đầu (lân đỏ) thì phải dũng mãnh ngang tàng. Múa Song Hỉ (hai lân đỏ, hoặc một đỏ một vàng) thì quyến luyến, quấn quít không rời. Múa Tam Anh phải thể hiện cảnh Đào viên kết nghĩa thật hào sảng, thiết tha giữa Lưu Bị (lân vàng), Quan Vũ (lân xanh lục), Trương Phi (lân đen). Múa Tứ Quý Hưng Long tượng trưng cho bốn phương vui vẻ, bốn mùa tươi tốt, vạn vật sinh sôi phải có bốn lân đỏ- vàng- xanh- trắng.
Múa lân có sức vóc dẻo dai, có bộ pháp gọn đẹp, tấn thóai dứt khóat, phối hợp ăn ý với bạn diễn, với tiếng trống mới chỉ đạt 60% yêu cầu. Còn phải múa làm sao cho ra con lân bằng xương bằng thịt – một con lân biết buồn biết vui, biết ngủ biết thức, biết thu mình rình rập, biết tấn công dồn đuổi kẻ thù... Đây chính là tiêu chí để phân định hơn thua một khi hai đội lân thi đấu bằng điểm nhau về mặt kỹ thuật, ông Lưu Kiếm Xương – linh hồn của đội lân Nhơn Nghĩa Đường, đồng thời từng ngồi ghế giám khảo nhiều cuộc thi múa lân khu vực Châu Á cho biết như vậy.

Múa lân là nghề sinh sống của các võ đường Sàigòn trong ngày Tết.

Múa lân- một nghề nguy hiểm
Xem lân múa ai cũng mê, nhưng học và theo nghề múa lân thì ai cũng ngại. Vì “mới cầm cái đầu lân nặng vài ký lô (đầu rồng có cái nặng…hai chục ký!) lập tức muốn xụi tay. Bặm môi bặm miệng cố giở cái đầu lân lên cao, làm động tác nhảy qua nhảy lại chưa được hai phút là lân đi đằng lân, người đi đằng…đất”, một thành viên của đội lân Hào Dũng Đường hồi tưởng lại những ngày đầu mới vào nghề của mình. Bốn năm trước, mười hai tuổi, theo học múa lân. “Em nghĩ xin vô đoàn là được học múa liền. Đâu ngờ phải học võ trước, mất hai năm trời. Ngoài tố chất tốt ra, tụi em còn phải không sợ độ cao, gan dạ, chịu khó….”
Kẻ viết bài đến xem buổi tập luyện buổi tối ngoài trời của đội viên đội Nhơn Nghĩa Đường mới hình dung phần nào mức độ gan dạ và chịu khó của họ. (Cần nói thêm, Nhơn Nghĩa Đường là đội lân “bốn nhất”- Họat động sớm nhất (từ năm1937), có đông thành viên nhất (180 người), xuất ngọai biểu diễn và thi đấu nhiều nhất, nổi tiếng có nhiều tiết mục “độc”nhất (trong đó tiết mục lân leo cột cao 15 thước chưa đội nào qua được)
… Trên dàn mai hoa thung bằng thép dài 13,8m gồm 21 trụ, trụ thấp nhất 1,2m, trụ cao nhất 2,66m đặt trước nhà số 78 đường 14 quận Bình Tân (đại bản doanh của lò Nhơn Nghĩa Đường) là hai vận động viên Hùynh Công Phát (18 tuổi đời, 8 tuổi lân) và Vương Vĩ Nguyên (22 tuổi đời, 12 tuổi lân) nhún nhảy qua lại liên tục, thực hiện các động tác phối hợp chồng người, xoay người trên không, dưới sự chỉ đạo của huấn luyện viên Lưu Hóan Phi- con trai Trưởng đòan Lưu Kiếm Xương. Dưới đất chỉ trải vài tấm nệm bảo hộ cũ kỹ, và bốn năm người đứng chực sẵn phòng khi vận động viên trượt chân té. Nhìn những cột thung bằng thép kẻ viết bài lo âu, cao quá, lỡ mà…Mới “lỡ mà” được vài phút, đã thấy Huỳnh Công Phát nhào xuống, cổ va vào trụ thép. Xoa bóp xong, nghỉ lấy sức một chút, Phát lại phi thân lên, và lại té. May lần này đồng đội đỡ kịp.
Một đội viên cười thản nhiên bảo “chuyện trặc chân tay, gãy xương trong khi tập luyện là thường. Anh em ai cũng trải qua. Ngay thầy Lưu Hóan Phi, tối 1-10 năm 2007 khi thực hiện động tác “quay dĩa” (xoay người 360 độ) trên thung do thầy mới sáng tác, cũng bị trượt chân, té va vào mâm sắt, phải may mười mấy mũi ở bắp chân”. Thấy tôi lấy chiếc máy ảnh du lịch nhỏ xíu ra, anh ta khoát tay ngăn, đừng chụp, đèn lóa lên, anh em mất tập trung, té nữa. Vậy chứ cuối tháng 12 vừa rồi, dự Liên hoan Lân- Sư- Rồng ở Trung tâm Văn hóa Quận 5, bao nhiêu đèn pha, máy quay phim, chụp ảnh chớp lia lịa sao không té? Cả đám thanh niên cười ồ, tranh nhau giải thích “Nguyên con lân trùm kín, thấy đèn pha gì nữa đâu mà té. Lúc nhảy lên mai hoa thung, người phía trước “bợ” cái đầu lân bự chảng nhưng còn thấy thung để “độ” điểm đáp chân. Chứ người phía sau bị nguyên đuôi lân bùng nhùng, thêm phần lưng người phía trước che khuất tầm nhìn, đâu thấy gì. Mọi động tác nhảy santo ngược, chồng người, xoay sau… lúc đó đều chỉ làm theo phản xạ”. Trong nghề múa lân, tính về độ khó, tíết mục lân lên mai hoa thung chỉ chịu nhường tiết mục lân leo cột. Cả đội lân Nhơn Nghĩa Đường đông tới 180 đội viên, mà ngoài cặp Vương- Huỳnh chỉ 2, 3 cặp nữa là biểu diễn được tiết mục này.

Mưu sinh bấp bênh
Đoàn lân gốc Quảng Đông giỏi về múa lân. Đoàn lân gốc Phúc Kiến thiên về múa rồng. Tất cả đầu lân, đầu rồng và các dụng cụ biểu diễn khác, các đòan lớn như Nhơn Nghĩa Đường, Hằng Anh Đường, Tinh Võ, Thắng Nghĩa đều tự chế tác, ngoài ra còn bán cho thị trường trong và ngoài nước. “Hàng kỹ”- là hàng xuất theo đơn đặt hàng- làm đẹp đã đành, nhưng “hàng chợ”- hàng bỏ mối cho các tiệm đường Lương Nhữ Hộc, Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Trãi Quận 5- cũng bắt mắt không kém, giá lại phải chăng. Một bộ gồm đầu lân bằng giấy bồi cứng, thêm đầu ông Địa, chập chõa, trống, được bán 100.000 đồng. Bộ lân làm bằng nan tre, bán giá gốc cho các đòan múa chuyên nghiệp thì dao động từ 400.000 đồng tới 1.000.000 đồng. Đội lân thiếu nhi, “lân mới nở”, chỉ đủ tiền sắm một bộ. Trong khi đoàn lân lớn như Hằng Anh Đường sở hữu đến 20 bộ lân sư rồng đủ loại, đủ mầu. Đã vậy, đoàn này lại “chơi sang”, mỗi năm mỗi thay mới toàn bộ đầu lân – sư – rồng. Trước giờ xuất quân đi múa luôn tổ chức lễ điểm nhãn long trọng. Chính nhờ chịu o bế “đồ nghề” mạnh vậy nên trong Liên hoan Lân – Sư – Rồng vừa qua, tiết mục Lân lên mai hoa thung dạ quang và Múa rồng dạ quang của đoàn Hằng Anh Đường rực rỡ huyền ảo át hẳn các đòan bạn.
Khi tập thành công nhiều tiết mục độc đáo, chuẩn bị đổi mới, sửa sang các đầu lân sư rồng đâu vào đó rồi, các đoàn bắt đầu quá trình ăn tết ngoài đường suốt tháng giêng – là tháng vui chơi giải trí nhiều nhất, tháng cúng tế đình miếu, tháng khai trương, mừng tân gia, chúc thọ, tiếp tân… Không chỉ người Hoa thích đón lân đến múa chúc mừng mà giới buôn bán làm ăn người Việt mấy năm trở lại đây cũng bị lân mê hoặc. Anh phụ trách chi nhánh công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential đường Lê Văn Sĩ quan niệm “rồng là quyền uy, lân là yên ổn thịnh vượng, sư là dũng mãnh, xông xáo…Làm ăn cần mấy thứ đó hết. Khai trương cứ thuê múa lấy hên”. Còn ông N., doanh nhân kinh doanh địa ốc quận Tân Bình lại “khai” số tiền mời một đoàn lân- sư- rồng xuống cơ sở làm ăn của ông biểu diễn, tất cả mọi tiết mục từ Cao không hái lộc, Sư tử hí cầu, Long lân tương hội, Lưỡng long tranh châu, Lân mẫu xuất lân nhi…kết hợp biểu diễn võ thuật, nội công là mười triệu đồng trọn gói.
Hỏi về thu nhập cá nhân, một thành viên của đội Thanh Nghĩa Đường tươi tỉnh khoe kẻ viết bài mỗi sô diễn em được chia một trăm ngàn đồng. Từ mùng một tới hết rằm tháng giêng, trung bình mỗi ngày diễn từ ba cho tới năm sô. Mệt nhưng rất mừng vì kiếm được khá. Cả năm, chỉ trông mấy ngày tết. Ngày thường, anh em tản mác kiếm việc làm thêm mới tạm đủ sống. Nhiều đứa tội lắm…Té ra các thành viên trong đoàn lân- đa số gia nhập đoàn ở tuổi chín mười – đều là trẻ mồ côi, hoặc gia cảnh bất hạnh, nghèo khổ, học hành dang dở. Lấy trường hợp Tôn Ngộ Không, “kép” giỏi nhất của đoàn Thanh Nghĩa Đường mà nói. Hỏi sao lấy biệt hiệu Tôn Ngộ Không, anh trả lời “Không”đây là không biết cha mẹ là ai, không được học hành, không giấy tờ tùy thân, không nhà…Vậy đó, “ngộ không”? Dĩ nhiên không ngộ mà lo giùm anh cùng những số phận tương tự. Bỏ học chữ quá sớm (thậm chí mù chữ), chỉ học võ, sống theo tín điều nhân nghĩa, bằng hữu kiểu bang hội, dễ bị khích bác, ít khả năng phân biệt tốt xấu thực sự, hay bắt chước đàn anh trong tác phong, ngôn ngữ giang hồ, nhuộm tóc “hai lai” hoặc cạo đầu, xâm mình, hút thuốc, tụ bạ nhậu nhẹt, đánh bài …..
Hiện chưa có giải pháp căn cơ nào dành cho vài chục đoàn lân đang sinh họat ở Sài Gòn. Các đoàn vẫn tự xoay xở là chính. Người Trưởng đoàn được coi là ông bố kiếm cơm nuôi cả nhà, không những giỏi nghề, mà còn quan hệ xã giao rộng để “móc sô” biểu diễn, nhận mối làm hàng, đưa đoàn tham dự các liên hoan nghệ thuật trong và ngoài nước (nhằm quảng bá thương hiệu, ký hợp đồng …). “Các con” ông ta, ngày thường mạnh đứa nào đứa nấy “binh”: lập đội lân cò con múa trong xóm, giữ xe, bảo kê quán ăn…Chừng nghe “bố” gọi thì mau mau tụ về đủ mặt, chuẩn bị đi diễn. Giữa các đoàn, giữa thành viên từng đoàn, hầu như không giấy tờ ràng buộc cụ thể gì. Nhưng với người Hoa chỉ “tín” là đủ, không cần giấy.
Từ các lò võ ở quận 5 Chợ Lớn, phong trào múa lân hiện nay lan rộng sang các quận Nhà Bè, Bình Tân, Quận 7, Quận Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Gò Vấp…Đi đến đâu, những đoàn lân- sư- rồng cũng nổi đình nổi đám. Nhưng khi những tràng vỗ tay lặng đi, người xem giải tán, chỉ còn lại xác lân bèo nhèo ướt sũng mồ hôi, người diễn viên nằm mỏi mệt nhìn mớ đạo cụ chung quanh. “Đến bao giờ kiếp múa lân mới không phải nhờ tới cột tre, cọc mai hoa thung mà vẫn có được chiều cao của người bình thường, và sống được như người bình thường?” Câu hỏi này xem ra vẫn không có lời đáp.
Và Tôn Ngộ Không của Thanh Nghĩa Đường vẫn tiếp tục là “Không. Huỳnh Công Phát của Nhơn Nghĩa Đường vẫn tiếp tục sinh ư nghệ, tử ư nghệ trên dàn thung không hề nở một hoa mai nào tặng riêng cho anh và đồng đội. [NTLA]

source

Việt Tribune

Tags: | Edit Tags
Monday January 12, 2009 - 01:43am (EST) Edit | Delete | Permanent Link | 0 Comments
Tết này không “sạch” bằng tết trước?
Tết này không “sạch” bằng tết trước? magnify
Tags: | Edit Tags
Saturday January 10, 2009 - 09:27pm (EST) Edit | Delete | Permanent Link | 0 Comments
Cà phê một nét Sài Gòn
Cà phê một nét Sài Gòn magnify
Ngày 08.01.2009 Giờ 16:12

Cà phê một nét Sài Gòn

Cả ba ông nhà văn đều cho rằng, đi uống cà phê là một nét sinh hoạt rất riêng của Sài Gòn, mặc dù quán cà phê thì tất cả các thành thị lớn nhỏ trong nước đều có

Nhà văn Trung Trung Đỉnh cho biết, thời chiến tranh ông có mười mấy năm chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Sau 30.4.1975 ông lên Buôn Ma Thuột và sống ở đó hơn năm. Ở cái “thủ đô” cà phê ấy người ta cũng không có cách “sinh hoạt cà phê” như ở Sài Gòn, không có cái kiểu sáng ra thì đàn ông trai tráng rủ nhau ra quán cà phê. Cà phê lề đường là cà phê mang không khí Sài Gòn. Ở đó, có đủ hạng người và dù lần đầu mới gặp mà cứ ngỡ như ai cũng quen nhau. Thường thấy là mỗi người ngồi trước ly cà phê đá, với tờ báo trên tay. Họ thông tin rồi trò chuyện với nhau về những điều mới lạ vừa đọc trên báo. Trò chuyện rất bình đẳng và sôi nổi. Cho dù chốc sau, một anh bước ra quán và lên xe hơi đời mới, còn anh đối diện thì leo lên đạp xích lô.

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến, một người khí chất mạnh mẽ, đi liên miên, viết nhiều và nhậu cũng rất mạnh thì tuyên bố dứt khoát mình không phải là “công dân cà phê”. Ông Tiến cho biết, cả đời sống ở Hà Nội nhưng chưa bao giờ có ý muốn bước chân vào một quán cà phê nào, nếu không vì sự lôi kéo của bạn bè. Nhưng ở nhà thì thỉnh thoảng ông cũng pha cho mình tách cà phê, và luôn phải là cà phê rất ngon. Ông Tiến nhận xét, quán cà phê Sài Gòn là nơi hẹn hò, là chỗ ngồi thư giãn hơn là một chốn thưởng thức ẩm thực. Vì theo ông thì gu uống cà phê của dân Sài Gòn khá dễ tính, gọi nhau tới một quán cà phê thì họ chọn một chỗ ngồi là trước hết và cà phê Sài Gòn sự ngon cũng vào loại thường thường bậc trung. Khoái một chuyện là giữa thành phố mênh mông và ồn ào này người ta dễ dàng gặp nhau tại một địa chỉ cà phê nào đó. Những điểm cà phê ấy, tự nó cũng tụ tập khách theo “nhóm nghề nghiệp”. Cà phê điện ảnh ở Lê Quý Đôn, cà phê văn chương ở 81 Trần Quốc Thảo, cà phê cải lương trước rạp Hưng Đạo v.v…

Nhà văn Bảo Ninh theo cánh quân vào Sài Gòn từ hướng Củ Chi trong ngày 30.4.1975. Ông kể lại là mình hết sức ngạc nhiên trong buổi sáng ấy, khi vào đến ngã tư Bảy Hiền, trong khi đạn pháo vẫn còn nổ đùng đùng ở hướng sân bay Tân Sơn Nhất, thế mà các quán cà phê ở đây vẫn đông đúc, khách uống vẫn nói cười vui vẻ, còn gọi: “Anh bộ đội ơi, vô uống cà phê chơi!”. Và ngay từ ngày ấy, ông đã có nhận xét sắc sảo về nét khác nhau giữa cà phê Hà Nội và cà phê Sài Gòn. Hà Nội, cà phê thường nằm trong ngõ sâu, nhà kín, người uống cà phê thường quay lưng ra đường. Sài Gòn thì cà phê tràn ra vỉa hè, không cần phải mất công, cứ dừng ở một ngả đường, chỉ cần nhìn quanh, chí ít cũng thấy ngay một quán cà phê. Và, dân Sài Gòn khi uống cà phê luôn chọn chỗ ngồi quay mặt ra đường.

Cách đây mấy hôm, tình cờ cả ba ông nhà văn này cùng có mặt ở Sài Gòn và muốn hẹn đi nhậu với tôi. Cuộc hẹn gặp rốt cuộc cũng không phải tại một quán nhậu mà lại là một quán cà phê, để nhất trí địa điểm sẽ tới nhậu. Nể bạn, tôi hẹn đến quán Sỏi Đá, thuộc nhóm cà phê sang trọng, hơi đắt tiền dù cái ngon thì mỗi người mỗi ý. Phạm Ngọc Tiến la lớn trong điện thoại khi còn ở sân bay rằng, kiếm một cái quán lề đường kia, phải là quán lề đường thì mới là cà phê Sài Gòn chứ cà phê máy lạnh thì nơi nào mà chẳng có.

Bài: Nguyễn Trọng Tín
Ảnh: A.Q

source

http://sgtt.com.vn/detail83.aspx?newsid=45815&fld=HTMG/2009/0107/45815

Tags: | Edit Tags
Thursday January 8, 2009 - 04:29am (EST) Edit | Delete | Permanent Link | 0 Comments
Không gian cà phê, văn hoá cà phê
Không gian cà phê, văn hoá cà phê magnify
Ngày 08.01.2009 Giờ 14:24

Không gian cà phê, văn hoá cà phê

Không hiểu sao, mỗi khi tiết trời thay đổi. Hay, có cơn mưa bất chợt tới… Mọi người lại thích uống một ly cà phê!?

Cà phê và ký ức

Cà phê - là thứ nước uống, mà người Pháp du nhập vào nước ta. Hồi trước năm 1975, không hiểu do chiến tranh, hay sở thích mà người dân Hà Nội ít uống cà phê. Mọi người có thói quen uống nước chè (trà). Lúc đó, Hà Nội chỉ có dăm quán bán cà phê. Quán thường không có bảng hiệu, người ta gọi tên chủ quán, là tên quán. Như cà phê Tuyên, ở phố Trần Hưng Đạo, quán nằm trên gác,cầu thang nhỏ xíu, một người đi còn chật. Bàn ghế, được sắp chung với giường chiếu trong nhà, để tận dụng chỗ bán. Khách lui tới, chủ yếu là khách quen, mỗi người đều có gu riêng, chỉ cần ngồi xuống, chủ quán đã biết mình uống gì, không cần phải gọi. Phần đông, quán phục vụ cho mấy bác văn nghệ sĩ, có trụ sở làm việc ở nhà số 51, cùng phố. Mùa đông, mỗi lần chủ quán rang cà phê, cả phố sực mùi thơm ngậy, thấy trong người cũng ấm lên. Cà phê Lâm, ở phố Bà Triệu, rất nổi tiếng, chủ quán là người sưu tập tranh có tiếng, ở xứ Hà thành. Cà phê lúc đó, thường biểu thị cho một sự “xa xỉ”, dành cho người có tâm trạng, suy tư, dùng nó để kích thích thần kinh, tìm một cái gì đó.

Ở Sài Gòn, người Sài Gòn không uống trà như người Hà Nội. Người Sài Gòn uống cà phê! Bây giờ cũng vậy. Sài gòn có nhiều loại quán cà phê. Cà phê cóc, ngồi vỉa hè - phục vụ cho giới lao động bình dân. Quán mở rất sớm, từ bốn, năm giờ sáng. Cà phê pha bằng vợt, người Sài Gòn gọi là cà phê “vớ”. Không hiểu do vội vàng uống, để kịp đi làm, hay là một thói quen, nhiều người đổ cà phê đen nóng ra đĩa, để uống!? Xung quanh các trường đại học, cũng có nhiều quán cho sinh viên. Góc đường Duy Tân với đường Phan Đình Phùng, bây giờ đặt lại là đường Phạm Ngọc Thạch và Nguyễn Đình Chiểu, có quán cà phê không bảng hiệu, chỉ biết sinh viên trường Kiến Trúc và trường Luật, thường hay gọi là quán Nhà mồ. Không hiểu cái tên Nhà mồ ấy, ai đặt và nghĩa của nó là gì? Không ai biết. Mỗi khi tiết trời thay đổi, hay cơn mưa bất chợt ập đến, sinh viên hay trốn học, rủ nhau - Cà phê nhé! Sang hơn, dành cho giới thượng lưu, ở góc đường Nguyễn Huệ với đường Lê Lợi, khách sạn Rex có cafeteria.

Sài Gòn lúc đó, hay bây giờ cũng vậy, mỗi khi rảnh rỗi, có tâm sự gì, người ta thường rủ nhau đi uống cà phê.

Bán không gian

Bây giờ có nhiều người gọi Sài Gòn là thiên đường cà phê!? Lên mạng tìm, thấy cả ngàn quán cà phê. Đủ kiểu.

Cuộc sống khá hơn, con người đòi hỏi nhu cầu phục vụ và tiện ích tốt hơn. Từ cà phê bình dân, ghế gỗ thấp, chuyển sang ghế có tựa, rồi phải có nhạc, có video, máy lạnh… và tiếp viên phục vụ. Tùy vào sở thích của khách, người ta trang trí và để nhạc theo từng thể loại. Thế là, một cuộc chạy đua về hình thức, không gian kiến trúc của các quán cà phê, nhằm tạo ra những không gian mới hơn, đặc sắc hơn, để bán! Bởi người bán hiểu rằng, nhu cầu của người mua, không phải là cà phê. Họ cần mua, một cái không gian, theo sở thích và tâm trạng của họ.

Một quán cà phê vỉa hè điển hình ở hà nội hiện nay

Cái không gian của cà phê nhạc, trong một căn nhà, dù có trang trí, tạo không gian, kết hợp với cây xanh… để tạo ra cái không gian chung và riêng cần thiết, cũng không đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi cái không gian “thật riêng” cho nhiều đối tượng. Thế là, “cà phê” đèn mờ, máy lạnh ra đời. Thực khách, bao giờ cũng một nam, một nữ. Già, trẻ đủ cả. Gọi là đèn mờ, nhưng trong quán không có ngọn đèn nào cả, tối thui. Muốn vô quán, phải có người dẫn đường, mò mẫm. Ở quán này, người ta bán cái không gian “đêm ba mươi”. Không cần thiêt kế!

Những năm gần đây, Sài Gòn rộ lên nhiều loại cà phê sân vườn “cao cấp”. Đúng là “thiên đường” cà phê! Thiên đường ở đây được hiểu là, thiên đường của không gian kiến trúc cà phê. Không phải thiên đường của các loại cà phê. Ở những quán cà phê này, chủ quán và kiến trúc sư thiết kế đều nhìn thấy, và cùng đồng cảm với nhau, về đối tượng khách hàng của mình. Khách hàng của họ thường là nam thanh nữ tú, trẻ tuổi, có thời gian, có tâm trạng, thích “tám”… và đương nhiên là “sành điệu”.

Triết lý kinh doanh ở các quán cà phê này, đều giống nhau. Họ bán - KHÔNG GIAN và THỜI GIAN! Vì, thức uống không phải chỉ có cà phê. Có đủ tất cả các thứ - nước ngọt, nước sinh tố… cả bia, rượu. Và, một ít đồ ăn điểm tâm, ăn nhẹ. Vì vây, sự sống còn của quán, phụ thuộc vào thiết kế không gian và trang trí kiến trúc. Việc thiết kế thường bắt đầu từ cái ý, cái tâm trạng… để sau này đặt thành tên quán, như Cõi riêng, Vẫn chờ, Một thuở, Niết bàn, Hội ngộ, Khúc giao mùa, Windows… đủ cả. Nhưng, thực chất vẫn phải đi tìm cho mình, một hình thức, một không gian kiến trúc đặc sắc. Cái không gian ngồi suốt ngày không chán. Cái không gian mà trời nắng, trời mưa, lúc nào cũng phù hợp. Không gian ở đây, không kín, không hở. Không tối, không sáng. Có cái chung, cái riêng. Bên ngoài, sơn thuỷ hữu tình, có những khoảng trời riêng, đẹp bất ngờ. Bên trong thân thiện, ấm áp. Khách có thể ngồi cả buổi, với một ly nước. Không sao, vì ở đây, người ta đã tính tiền không gian và thời gian vào trong ly nước rồi. Đơn giản vậy thôi, nhưng có nhiều quán, mở ra một thời gian, không có khách, ế, đóng cửa. Để luôn có cái mới, nhiều quán, vài năm phải trang trí lại, cho phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Nhưng cũng có những quán, trở thành thương hiệu thời thượng, đối với thưc khách giới trẻ. Kiến trúc của quán, đã làm nên tên tuổi của nhiều kiến trúc sư trong làng thiết kế.

Ở Sài Gòn, có những quán cà phê, người ta bán không gian, rất đep! Nhưng không phải của họ. Người Sài Gòn gọi các quán đó là: cà phê “bệt”. Đó là các quán cà phê ngoài trời, người uống cà phê, cứ ngồi bệt xuống đất. Ở công viên 30 tháng 4, trước dinh Thống Nhất, có một quán cà phê có một không hai. Cả công viên đều là quán. Khách ở đây, đủ mọi thành phần. Quán không có bàn ghế, khách uống cà phê cứ viêc ngồi bệt trên vệ cỏ, sẽ có người đến hỏi: Uống gì? Chỗ pha chế cà phê, nước giải khát ở đâu? Không thấy. Chỉ thấy người phục vụ từ đâu mang tới, rồi tính tiền. Ly uống bằng nhựa, uống xong cứ việc bỏ lại, không mất! Đúng là quán, bán không gian, của trời. Tuyệt đẹp! Mà, không cần kiến trúc sư thiết kế.

Ngày nay, ở rất nhiều các thành phố của các nước phát triển, ta thấy có nhiều quán cà phê mang hiệu Starbucks. Nó là biểu tượng cho mọi đối tượng uống cà phê. Quán thường có không gian không lớn, nằm ở một góc đường, hay góc một trung tâm thương mại nào đó, thuận tiện. Quán thiêt kế không cầu kỳ, đơn giản, cùng một hình thức kiến trúc. Chỗ ngồi cũng không nhiều, khách thường mua mang đi! Ở đây có nhiều loại cà phê, từ Espresso, Latte cho đến Cappuccino… nhưng ly uống bằng… giấy. Người uống, thưởng thức hương vị của cà phê, không phải thưởng thức cái không gian của quán. Có người nói, “Coffee Starbucks” sẽ khó vào thị trường Viêt Nam, cũng như hệ thống nhà hàng McDonalds. Mặc dù, nước ta đã hội nhập. Nhưng ở nước ta, người dân sống chậm!?

Các quán đầu tư vào nội ngoại thất, tạo ra không gian để bán... một chỗ ngồi Đà Lạt? Không, một quán cà phê ở TP.HCM tạo không khí giống như ở Đà Lạt
Trong một quán cũng có những không gian khác nhau cho nhu cầu khác nhau Sân vườn là một loại quán được đầu tư nhiều ở TP.HCM
Bài: KTS Nguyễn Trường Lưu
Ảnh: A.Q - T.Huy - T.T- N.T

source

http://sgtt.com.vn/Detail83.aspx?ColumnId=83&newsid=45814&fld=HTMG/2009/0107/45814

Tags: | Edit Tags
Thursday January 8, 2009 - 03:03am (EST) Edit | Delete | Permanent Link | 0 Comments

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét