Thứ Tư, 10 tháng 3, 2010

Ước vọng từ rác lẻ


Ngày 27.01.2010 Giờ 10:49


SGTT - Người dân Sài Gòn đã quá quen với những người nhập cư đi chiếc xe đạp cọc cạch, chở lặc lè, cồng kềnh đủ loại rác, phế liệu. Họ không còn ruộng và không đủ trình độ làm công trong các khu công nghiệp địa phương. Mỏ rác Sài Gòn trở thành cứu tinh của họ.

Một người trong số họ nói: “Làm nặng thế này thì bõ bèn gì so với cày ruộng ở quê, khối người như chúng em cứ cần cù mà làm dành dụm cuối năm mang tiền về cho con cái, bố mẹ, trời cho may mắn nữa thì đổi đời, chứ giờ ở quê làm sao sống?” Câu nói đó là mẫu số chung của những thân phận đang thu thập phế liệu khắp thành phố.

Sự may mắn của họ là gặp được hoặc canh chừng công trình vào giai đoạn thu dọn, làm sạch hiện trường. Bất chấp nguy hiểm trong khi các máy cạp đang làm việc, họ lao vào nhặt các bao ximăng, túi bạt nilông, thanh thép, nhôm phế liệu

Họ rời chỗ trọ từ sáng sớm, cọc cạch từng nhóm, rong ruổi khắp thành phố để thu nhặt phế liệu, vật liệu có thể bán được từ những thứ mà người ta quen gọi là rác. Trọ, ăn uống cực kỳ đạm bạc, những mong kiếm tiền nuôi “khúc ruột” ở quê và một khát vọng đổi đời

Anh Lâm là công nhân xây dựng công trình ở quận 2, sau khi hết ca làm việc đã tranh thủ mượn xe kéo số phế liệu mà vợ và đồng hương của anh thu lượm được tại công trình. Mối liên kết giữa nhóm lượm phế liệu và nhóm làm công công trình giúp những người có trước thông tin về các “mỏ” phế liệu mới

Vợ chồng anh Vượng, quê Hà Tây, chủ một vựa phế liệu ở một khu lao động quận 1, đưa hai con từ quê vào thành phố tập trung chăm lo cho việc ăn học. May mắn hai đứa trẻ đều ngoan và chăm học. Những vựa thu mua nằm rải rác trong các khu lao động, tạm cư, nhập cư, khắp thành phố, trong đó nhiều vựa mà chủ cũng chính là những người thu nhặt phế liệu từ miền ngoài, dành dụm vốn, để dần biến thành chủ vựa, và đa số họ đều mang hoài bão đổi đời, cho chính họ và cả cho con cái

Vốn có sức lực của những người làm nông, những người mót phế liệu các công trình mà đa số là phụ nữ, đều không ngại nai lưng quần quật để đập vỡ các cốt bêtông phế liệu, tách bóc các cốt thép, cọng thép, kim loại, thứ vật phẩm bán có giá nhất – 5.000 đồng/kg

Loanh quanh khắp các quận huyện, cật lực từ sáng sớm đến tận 20 – 22 giờ, họ bới tìm, đãi lọc từng chút rác một để có những những bao phế liệu gồm sắt – 5.000 đồng/kg, bao ximăng còn nguyên và sạch – 4.000 đồng/trăm bao, còn rách hoặc bẩn – 2.500 đồng/trăm bao... nhựa và các phế liệu khác cũng quanh những giá đó, nhưng không quá 7.000 đồng. Họ ra về với những lúc may mắn chở kĩu kịt đầy những bao phế liệu đủ loại, quá khổ nặng nề trên những chiếc xe đạp cọc cạch, thậm chí không có cả thắng xe

Lê Quang Nhật thực hiện

source

http://sgtt.com.vn/detail21.aspx?newsid=62383&fld=HTMG/2010/0126/62383

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét