Thứ Ba, 2 tháng 3, 2010

Đá gà và cá độ



Cập nhật lúc 4:39:34 AM - 01/03/2010

daga1.jpg


Gà chuẩn bị lâm trận – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông


Cỏ May/Viễn Đông



Sau ngày Tết, ở Miền Tây phong trào đá gà càng ngày càng dữ dội hơn và kéo dài cho đến hết rằm tháng Giêng. Từ thành thị cho đến những vùng thôn quê hẻo lánh, nơi nào cũng có một “trường gà” không nhỏ thì lớn. Hầu hết cánh đàn ông thích đi xem đá gà để chơi cá độ…, nhiều độ lớn có khi lên đến 10 triệu đồng. Tuy vậy ổ đá gà nào càng lớn, mức cá độ càng cao thì mức độ an toàn càng dữ, vì đã có “đàn anh bảo kê” lấy xâu.

Ở Miền Tây giới đá gà thừa biết câu hát dân gian: “Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh. Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân”. Theo các con đường miền quê, cứ chạy xe gắn máy vài phút là thấy một gia đình úp những cái lồng nhốt gà đá cặp theo hông nhà hay trước sân, hoặc thấy một tốp thanh niên một tay hút thuốc một tay cặp cái giỏ đeo đựng gà, đi đến trường gà, hoặc từ trường gà về.


daga3.jpg


Thanh niên quẩy giỏ đệm đi đá gà – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông


Họ bàn tán chuyện ăn thua, chuyện gà người nầy hay hơn gà người kia, kể cả chuyện hên xui trong khi cá độ…

Gà đá thường là gà nòi ô lông đen tuyền, hoặc gà điều màu vàng đỏ, hoặc gà chuối bông lốm đốm trắng ưỡn ngực cất cao tiếng gáy.


daga2.jpg


So kè – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông


Nhà chú Ba Tám Tự là một người có tiếng trong nghề nuôi gà nòi hơn 30 năm qua. Ông dành hết khoảng sân rộng xung quanh nhà để nuôi gà nòi. Mỗi con gà trưởng thành được nhốt riêng trong cái lồng đan bằng nan tre. Coi cái cách của ông cho gà uống nước cũng thấy hết sức kỹ lưỡng. Phải là nước mưa, đựng trong lu có nắp đậy đàng hoàng. Tới cữ uống mới đem ra cho vô cái ca nhựa móc trên thanh tre của lồng. Chuyện cho gà ăn càng công phu hơn, theo như ông cho biết: “Phải ‘ví’ sẵn năm bảy chục giạ lúa trong nhà, mà phải là lúa phơi khô giê sạch như tiêu chuẩn lúa xuất khẩu. Trước bữa cho gà ăn phải ‘giũ’ lúa bằng cách ngâm nước, ủ cho ra mộng. Mà cho ăn cũng phải có chừng mực, sao cho vừa đủ chất vừa không dư mỡ, nếu không gà sẽ nặng nề, xoay trở chậm chạp. Cũng giống như huấn luyện cầu thủ bóng đá vậy, ăn uống phải đầy đủ dinh dưỡng và chế độ tập luyện nghiêm ngặt gà mới khỏe, nhanh nhẹn và chịu đòn dai, sẵn sàng ‘nạp’, hứng chịu mọi cú va chạm của đối thủ”.

Để con gà có da thịt săn chắc, hằng ngày ông tẩm nghệ, phun rượu toàn thân gà. Các thứ lông cánh, đuôi, chân, cổ… được cắt tỉa cẩn thận. Ông nói, làm vậy “để cho thân gà gọn nhẹ, không vướng víu khi lâm trận. Còn tẩm gà thì có bài thuốc riêng thuộc loại bí truyền, đủ sức tẩm gà tới mức da nó dày như da… ngựa, cựa thường đâm không lủng, trừ cựa sắt mà thôi”.


daga4.jpg


Vô nước cho gà khoẻ lại, đá đợt hai – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông


Gà sau khi được bán cho các tay mua gà đi đá bắt độ, thì mỗi người tự chuẩn bị tập dợt cho gà đá thử (bịt cựa) để làm quen, làm liên tục như vậy một thời gian gà sẽ sung và rất “máu”. Nhiều dân chơi gà chuyên nghiệp còn cho gà ăn lòng đỏ trứng gà, thịt sống hoặc cá sống để cho gà sung sức trước khi “lâm trận”. Ông THV ở Thới Long, Ô Môn thì có các tẩm bổ gà kiểu quí tộc, cho gà ăn lươn tươi nhỏ chặt khúc. Ngoài ra dặm thêm các thứ cà chua, đậu xanh, đậu nành... mỗi sáng sớm cho gà uống một lần, có ly, chén đong đo cẩn thận. Làm như vậy để gà bền sức khi đá, không “hóc” nước.


daga5.jpg


Gà bay đá – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông


Sau đó đem gà ra tắm sương, dùng khăn sạch lau gà cho đều rồi phun ít rượu. Cách này để gà dai sức, đá không hết “pin”. Và điều tối kỵ là không bao giờ để cho gà đạp mái. Chứ nếu không, đang đá nửa chừng mà bị run chân là gà “cúng mạng” đối phương liền.

Hiện nay, các “lò” nuôi gà xuất hiện ở đều khắp các tỉnh chứ không riêng gì Cao Lãnh. Có thể thấy nổi lên khá rầm rộ ở miệt Gò Công (Tiền Giang), Đức Hòa (Long An), Hóc Môn - Bà Điểm (Sài Gòn), Ô Môn (Cần Thơ), Châu Đốc (An Giang)... đều là những nơi có nuôi gà nòi truyền thống từ xưa.


daga6.jpg


Bán bội nhốt gà đá – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông


Ngày nay, ít ai nuôi gà để đá xem chơi, mà phần lớn nuôi gà để đá bắt độ. Gà đá độ giá thường cao gấp 5 đến 10 lần gà trống bình thường, nhiều con bách chiến bách thắng giá cả chục triệu đồng cũng có người mua. Ông Sáu Hành ở Châu Phú, An Giang lại có cách tuyển gà kiểu kỳ lạ, ông chuyên mua những chú gà đá thua về rồi dưỡng, cho đến khi gà hoàn toàn mạnh khỏe, sung sức trở lại. Sau đó ông qua tận miệt Bến Tre, Tiền Giang tìm những con mái tơ nòi đem về phối giống. Dựa vào câu nói dân gian “Chó giống cha, gà giống mẹ”, ông tìm mua cho được gà mái Mỹ nhập từ nước ngoài. Theo suy luận của ông, gà mái Mỹ có lá phổi nhỏ, cho lai gà nòi Việt sẽ cho ra lứa “gà giống mẹ” là có phổi nhỏ. Điều này hết sức có lợi cho gà khi lâm trận. Bởi vì khi đá, gà thường đâm vào nách đối thủ, nếu trúng phổi thì thua liền. Nếu gà có lá phổi nhỏ thì xác suất bị đâm trúng sẽ không cao. Ngoài ra, do đặc tính của gà Mỹ là sung sức, mạnh mẽ, khi lai với gà nòi Việt nhanh lẹ, khôn ngoan sẽ cho ra lớp kế thừa có đầy đủ yếu tố của dòng gà vừa khỏe vừa tinh khôn, có đòn hiểm.
****************
source
VienDongDaily

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét