Thứ Năm, 11 tháng 3, 2010

Nắng Sài gòn


March 12, 2010


NGUYỄN THỊ LAN ANH - Việt Tribune

Chỉ các văn nghệ sĩ là yêu nắng Sài Gòn, bất chấp nắng yếu nắng mạnh, nắng to nắng bé, nắng đổ lửa ban trưa hay nắng quái chiều tà, chứ người bình thường ở Sài Gòn, trong những ngày tháng Ba này, sợ nắng hơn sợ giặc. Không sợ sao được khi từ bảy giờ sáng tới năm giờ chiều nhiệt độ ngoài trời thường xuyên 36 độ. Ngồi trong sạp chợ tiểu thương nào cũng quạt tay, quạt máy liên tục. Người bán hàng rong, khuân vác, phụ hồ ai cũng mồ hôi mồ kê nhễ nhại trên mặt, trên lưng trần. Trong khi các siêu thị, công sở, văn phòng cao ốc, nhà hàng bật máy lạnh tối đa thì nhà thương, trường học, tiệm buôn, nhà dân chỉ giải nhiệt bằng một trong hai món truyền thống (hoặc cả hai) là quạt máy và nước đá. Ác nỗi, nhè đúng hai thứ này, ông điện ông nước đồng loạt nâng giá từ đầu tháng Ba trong khi ông xăng dầu nhanh chân hơn, đã tăng từ hồi tết (về sự tăng giá, ông xăng dầu thuộc hàng Ghi- nét Việt Nam vì chỉ trong năm qua, thiên hạ tính được không dưới chục lần xăng lên giá). Nếu chủ đề thời sự của thế giới là động đất lớn ở Haiti, Chilê, Thổ Nhĩ Kỳ, tàn phá một lúc nguyên cả làng, cả thành phố, cướp đi sinh mạng hàng trăm, hàng ngàn con người trong nháy mắt thì chủ đề của Sài gòn là nắng nóng và những hệ lụy của nó.

Thời trang mát mẻ Sài gòn hiện nay. HÌNH NGUYỄN THỊ LAN ANH/VIỆT TRIBUNE

Đi trên đường phố Sài Gòn, hình ảnh phụ nữ tự nhiên ngồi rửa giặt quần áo, chén bát, xe cộ trước cửa nhà hoặc dọn cơm ăn ngoài thềm, phụ nam cởi trần, bắc ghế bố, giăng võng ngủ thoải mái, trẻ con đá banh, chạy nhảy ngoài đường bất chấp xe cộ…khiến người ta có cảm giác đang ở đâu đó trong một làng quê Bắc Bộ. Thêm kiểu ăn mặc chống nóng của các kiều nữ Sài Gòn với áo yếm, áo dây càng củng cố nhận định đó (kiểu áo trói lưng như trói…lợn này người mặc mát, còn người nhìn nóng mắt). Đàn ông Sài Gòn không chỉ cởi trần quần soóc chống nóng mà chiều đi làm về hay tụ ba tụ bẩy quanh két bia xị rượu. Bữa cơm dù mát mẻ bát canh rau mùng tơi nấu cua đồng hay canh chua tép rang thì cả vợ chồng con cái chỉ ăn chiếu lệ, để bụng chứa cà rem, bia lạnh, cà phê đá.

Chợ búa mùa viêm nhiệt, đắt hàng và đắt giá nhất vẫn là rau củ quả tươi các loại. Bốn giờ sáng là chợ sỉ. Năm giờ chợ mối. Sáu giờ mới dành cho người tiêu dùng bình thường. Tới mười giờ các loại chợ gánh, chợ xe đạp, chợ cóc, chợ chạy…coi như xong. Chỉ còn chợ lì, chợ cầm cự. Các bà nội trợ, dù giầu hay nghèo, dù ra đầu hẻm hay vào siêu thị thì đều chung nhau một lời phàn nàn về giá cả leo thang, đồng tiền Việt Nam mất giá. Họ cho biết một trăm ngàn đồng trước đây có thể đủ cho bốn miệng ăn trong hai ngày. Bây giờ bằng đó tiền, phải tính toán nát óc mới được một ngày chợ. Có vẻ, đối với khách du lịch, với nhà nghiên cứu kinh tế-văn hóa, việc đi chợ đem lại nhiều niềm vui, nhiều thông tin bổ ích, trong khi với chị em phụ nữ thì đó là việc đáng sợ. Sợ giá cả một phần. Phần khác sợ thực phẩm nhiễm độc. Chỉ sợ thôi chứ không tìm cách tránh vì từ nước đóng chai, gạo, cà phê, tôm cá thịt, gia vị, mỹ phẩm, thuốc uống…thứ gì không độc ít cũng độc nhiều. “Muốn tránh chỉ có nước nhịn đói. Ăn cũng chết, nhịn đói cũng chết, thì thà ăn. Chừng nào trời kêu mình dạ một tiếng thiệt lớn rồi chui luôn vô hòm”, nghe một bà nội trợ nói tưng tửng như vậy, kẻ viết bài có cảm tưởng bà ta phát ngôn thay cho ý chí của toàn dân tộc Sài Gòn!

Ngồi xe bus ra khỏi nội thành Sài Gòn, đến các huyện vùng ven như Bình Chánh, Củ Chi, Gò Vấp, không gian có phần thoáng đãng hơn nhưng gương mặt của người dân không dấu được vẻ căng thẳng, lo âu. Chỉ thửa đất trồng dưa leo, bạc hà, một nông dân cho biết hai ba mùa liên tiếp bị khô hạn, kênh mương không còn hột nước nên phải phá lúa chuyển qua trồng màu. Không riêng Sài Gòn khô hạn, các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, dài xuống tận Sóc Trăng, Bạc Liêu, chỗ nào cũng kêu mực nước sông Tiền sông Hậu xuống thấp chưa từng thấy trong vòng một trăm năm qua, nước biển vào sâu nội đồng, đe dọa sự phát triển của gần một triệu héc ta lúa vụ hè thu và hoa màu các loại. Ngoài Bắc, nông dân ven sông Hồng cũng khốn khổ tương tự vì hạn nặng. Mọi sinh hoạt hàng xã hàng tổng đều tạm ngưng hết để mọi người ra đồng khơi kênh mương, lập trạm bơm dã chiến, lắp dài đường ống ra tận giữa sông, vét nước cứu một trăm ngàn héc ta lúa của Hà Nội và các vùng Hà Nam, Hà Đông mới cấy xong. Chỗ nào cũng kêu cần nước, thiếu nước thảm thiết.

Thế cũng chưa ghê bằng tiếng gào thất thanh “Cháy! Cháy!”. Đi chợ Bến Thành, chợ Bình Tây những ngày này có thể nghe loa của ban quản lý liên tục nhắc nhở tiểu thương không đốt nhang đốt đèn nơi bán hàng. Ban quản lý cao ốc, chung cư, ký túc xá cũng liên tục cảnh báo nguy cơ chập điện, cháy nổ khi sử dụng bình ga, bếp than tổ ong, dụng cụ điện. Không gian sống của thành phố Sài Gòn, ngày thường vốn đã nhỏ hẹp chật chội, trong những ngày này càng có vẻ bức bối hơn bao giờ hết. Một số liệu điều tra xã hội học gần đây cho thấy, về thu nhập, phần lớn dân Sài Gòn đều kiếm được hơn 1,000 đôla một năm trên một đầu người, nhưng chất lượng cuộc sống lại tỷ lệ nghịch với thu nhập. Anh L., làm thợ cơ khí, quê miền ngoài đưa ra nhận xét: “Sài Gòn chỉ dễ làm ra tiền còn sống không bằng ngoài ấy.” Và anh L. đơn cử ví dụ “hôm tết về Hà Nam, con cá chắm to vật vã chỉ hai mươi lăm ngàn một cân trong khi lễ Tám tháng Ba vừa rồi, cành hồng bé tí mua nịnh bạn gái cũng hết ngần ấy tiền”. Cô bạn nếu biết được cách so sánh cá chắm và hoa hồng nọ nghĩ thế nào không rõ chứ phần lớn phụ nữ theo chủ nghĩa thực dụng của Sài Gòn cho biết đối với họ, Tám tháng Ba hay Ba tháng Tám không quan trọng. Cốt nhất là vợ chồng chí thú làm ăn, đừng thượng cẳng chân hạ cẳng tay, con cái học hành tử tế, không mang công mắc nợ…còn với tặng phẩm của “bọn chúng nó” cống nộp, họ chỉ cảm động không quá 30 giây. Sự bồi hồi xao xuyến nhanh chóng nhường chỗ cho ký ức buồn và sự nghi kỵ, so sánh.

Theo dõi tin tức qua các phương tiện truyền thông đại chúng mấy hôm nay, bên cạnh những tin chó cán xe, xe cán chó, người ta ghi nhận một sự kiện được cho là quan trọng. Đó là việc kéo (và nhấn chìm) đốt hầm đầu tiên, nặng 27.000 tấn (trong tổng số bốn đốt hầm) từ bể đúc Nhơn Trạch-Đồng Nai về vị trí dự kiến đặt hầm ngầm Thủ Thiêm ngay phía trước bến Bạch Đằng, thành công tốt đẹp. Có lẽ cũng phải công nhận, về mặt xây cầu làm đường, thì năm 2009 vừa qua là năm cầu đường được mùa. Hàng loạt những cầu mới như cầu Calmette, cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu chữ Y, cầu Phú Mỹ được khánh thành. Đường vượt Ngã tư Bình Phước, Ngã tư An Sương, Ngã tư Gò Dưa, đường cao tốc Trung Lương đã xong, và sắp tới là hầm ngầm vượt sông Sài Gòn. Trong tương lai đường cao tốc Dầu Dây, đường vành đai Tân Sơn Nhất, đại lộ Đông Tây, cầu vượt Ngã ba Cát Lái, đường ven biển liên tỉnh duyên hải Trung Nam Bộ …cũng gấp rút thi công, đưa vào sử dụng. Nghe vậy người dân mừng vì đi lại nhanh chóng, dễ dàng nhưng mặt khác không khỏi băn khoăn vì các công trình đó quá lớn, sử dụng toàn vốn vay ưu đãi của các tổ chức tài chính quốc tế. Sâu mọt bự cỡ (...)– tha hồ đục khoét!

Tết con cọp mới qua một tháng, kẻ viết bài ghi nhận bấy nhiêu chuyện ở Sài Gòn. Có lẽ đến tháng Tư sau, còn nhiều chuyện hay hơn![NTLA]

source

Viet Tribune Online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét