Thứ Ba, 1 tháng 12, 2009

Chùa Thầy


Cập nhật lúc 12:13:50 AM - 18/04/2008

ct-2.jpgBài và ảnh: Trần Công Nhung

Qua một cánh đồng rồi theo một con đường rẽ phải, chúng tôi đến một làng quê có nhiều núi vôi. Hầu hết núi Miền Bắc đều có đường nét tròn trịa hiền hòa, có cây xanh, không như núi đá Miền Trung. Núi Miền Trung chạy dài, đỉnh như răng cưa, có chỗ trơ đá xanh, trông dữ dằn hăm dọa ...Tới gần, tôi nhận ra ngay khu vực Chùa Thầy.


Trước giờ, qua những hình ảnh Chùa Thầy mà rất nhiều nhiếp ảnh gia đã chụp, đã in lịch, in sách, đó là một ngôi đền nhỏ nằm giữa hồ nước mênh mông. Nhiều lần tôi tự hỏi: "Chùa như thế thì mỗi lần lễ bái bà con phải đi thuyền sao".. Nay thấy tận mắt, lại càng ngạc nhiên. Chùa chỉ là cái am lớn, chu vi dưới 20 mét vuông, trống trải, chơ vơ giữa một đầm nước bạc. Tôi hỏi anh Minh vừa lúc anh dừng xe:

- Chùa sao lạ vậy anh?

- Anh bảo lạ sao?

Tôi chỉ ra cái am và nói:

- Chùa gì mà nhỏ xíu lại trống trơn?

- À, đấy không phải chùa, Chùa Thầy trong kia?

- Sao bao nhiêu tác phẩm tôi xem đều ghi Chùa Thầy ?

- Đấy là Thủy Đình. Nơi đoàn múa rối nước diễn vào dịp lễ hội tháng Ba. Trước mặt anh là núi Long Đẩu.

ct-1.jpgTôi phải điều chỉnh lại ký ức của mình. Không hiểu sao những người làm nghệ thuật lại có thể lơ đãng đến thế. Nếu không có dịp đi, suốt đời tôi cứ đinh ninh Chùa Thầy là thế kia, bao nhiêu người khác chắc cũng hiểu như vậy. Người đời thường rủa mấy ông nhà báo: "Làm báo nói láo ăn tiền", chụp ảnh, chuyện gì phải phịa cơ chứ?

Chúng tôi đưa xe vào gửi ở nhà dân trước khi vào khu vực chùa. Nơi nào cảnh làm ăn cũng có hai "mảng", bên cạnh nhà nước, có nhà dân. Một dãy quầy bán các thứ quà bánh, vật lưu niệm, nhang đèn, nối dài bên đường. Tôi chậm chân để ngắm nhìn, các cô bán hàng nhao nhao:

- Mời bác mua hộ cháu. Bác mua giùm cháu.

Tôi cười, "Tiền đâu mà mua các cháu, mua rồi ai vác các cháu đây". Vừa đi tôi cứ vâng vâng..., họ lại càng mời.

Một anh bảo tôi:

- Ông đừng nói gì cả, ông "vâng vâng" là họ níu ông đấy.

- Thế à !

Đã một lần rồi mà không chừa cái tật xã giao. Hồi mới qua Mỹ, tôi được người bà con đưa đi chơi Las Vegas. Thứ gì đối với tôi cũng mới mẻ lạ lùng. Có một điều lạ là nhiều anh Mễ đứng phát báo không mà chẳng ai thèm nhận. Tôi không hiểu báo viết những gì, nhưng lịch sự nhận một tờ. Thế là cả đám ùa tới đưa cho tôi một ôm. Tôi phải đi như chạy mới thoát khỏi vòng vây đám phát báo. Tôi tìm một bụi cây bên đường và đấu vào đó. Tất nhiên cũng đã liếc sơ bên trong, quảng cáo toàn một loài hoa, hoa biết nói.

Trong khi đi vào thăm chùa, anh Đặng Ngọc Thái giải thích:

- Chùa dựng từ đời nhà Lý và được trùng tu qua nhiều thế kỷ. Đây là một trong những ngôi chùa cổ của nước ta.

- Trước kia đã có lần đến vãn cảnh chùa Vĩnh Nghiêm ở xã Đức Lai, Bắc Giang, tôi thấy hầu hết lối kiến trúc chùa ở miền Bắc đều lợp mái mũi hài, trông thật oai linh. Chùa trong Nam, ngay những ngôi chùa cổ như Chùa Cát chùa Hải Đức ở Nha Trang, mái không khác mái nhà ở.

- Vâng, đúng thế.

Chùa Thầy gồm một cụm ba ngôi nhà lớn, dựng trên nền cao, bao quanh bằng đá xanh. Nhà ngoài lễ bái, giữa thờ Phật, trong thờ Thiền Sư Từ Đạo Hạnh. Ngôi nhà thờ Thiền Sư có ba pho tượng diễn tả ba kiếp của ngài: Giữa là Tượng Thành Phật đắp y vàng, đội tòa sen, đặt trên bệ đá quí có chạm trỗ. Bên trái tượng gỗ toàn thân bằng gỗ bạch đàn, tứ chi chốt khớp cử động như con rối để ghi lại sự tích lúc ngài tu ở am Hương Hải, có làm thuốc chữa bịnh và bày trò múa rối nước giải trí cho dân (Thủy Đình phát xuất từ sự tích này). Bên phải là tượng Thiền Sư đầu thai thành vua Lý Thần Tông. Đầu đội mũ bình thiên, khoác long bào, ngồi trên ngai vàng. Các bậc sinh thành của ngài Từ Đạo Hạnh cũng có tượng thờ đặt trên ngai và được chạm trỗ khá đặc biệt.

ct-3.jpgTôi đi một vòng qua xem hang Cắc Cớ, hang Phật Tích.... . Sau đó leo lên đỉnh núi Thầy, được xem là nơi tụ hội của chư Tiên thượng giới. Phải nghỉ chân ba chặng mới lên đến đỉnh. So với núi Bà Đen độ cao cũng xấp xỉ. Mệt muốn tắt thở, tuy nhiên trên cao nhìn xuống cảnh mới đẹp làm sao. Cứ lên được một đoạn tam cấp tôi lại dừng nghỉ lấy sức và ngắm cảnh. Càng lên cao cảnh càng đẹp, càng bao la. Diện tích trên đỉnh không rộng, có vài đền miếu. Chung quanh vách đá dựng đứng lởm chởm. Tôi lần tới những vị trí có thể nom rõ Thủy Đình, tôi tìm thấy một khoảng trống chỉ vừa hai người đứng, ví trí nhìn xuống Thủy Đình rất đẹp, nhưng rất cheo leo. Có nhiều võ hộp phim vứt lại. Tôi chợt hiểu, những tác phẩm chụp Thủy Đình đều giống nhau là do ai cũng đứng ở vị trí này. Mõm đá nhọn tua tủa đâm thẳng lên chứ không bằng phẳng, rất nguy hiểm. Không có chỗ xê dịch để có cái nhìn khác người.

Bên dưới cánh đồng màu xanh, nhà cửa rải rác quanh chân các núi vôi. Màu xanh của cánh đồng chạy tít rồi sương lam xóa nhòa ngay nơi ranh giới đất trời. Cảnh như thực như hư, mấy đỉnh núi vôi khi ẩn khi hiện, ngắm mãi không muốn rời. Mùa này hoa gạo đã tàn nên Thủy Đình thiếu màu hồng thắm. Tuy vậy cũng đáng để lên nhìn. Tôi thích những bậc tam cấp lên Đền, tam cấp bằng đá màu vàng đất, cao thật cao, xếp theo đường cong uyển chuyển, một vẻ đẹp trang nghiêm đường bệ. Đợi lúc vắng người đi, bấm máy mới thích. Trong trường hợp này theo tôi, cho người mẫu vào là hỏng, trái lại cái chổi vô tình bỏ xó lại hay. Cái thú chụp ảnh là cảm hứng trước cảnh lạ. Biết rằng rồi sẽ chọn bỏ rất nhiều nhưng không bấm thì lòng không yên. Cứ từ tốn sẽ thấy nhiều hình ảnh rất hay mà thoáng qua ta tưởng tầm thường.

Đến bên hàng nước, có nhiều du khách đang nghỉ chân, một người hỏi cô bán hàng:

- Đây là địa phương nào hả cô:

- Thưa bác đây là xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây ạ.

- Ở đây mùa nào đông du khách?

- Mùa nào cũng có khách, trừ những ngày mưa gió. Những lúc như thế khách chỉ vào tham quan chùa Cả chứ ít lên Đền.

- Thế ngày hội của chùa là vào tháng mấy cô nhỉ?

- Dạ, ngày 7 tháng 3 ta đấy ạ. Ngày ấy thì đông người lắm, thiên hạ đến để xem múa rối nước ở Thủy Đình vừa lễ Phật.

Dừng chân giải khát vừa nghe lóm, tôi biết thêm nhiều điều về chùa Thầy.

Đã đến giờ "rút quân", tôi lần xuống. Xuống thì nhẹ, khỏe, lại nhanh. Lúc lên sao mà vất vả thế. Bây giờ tôi mới để ý hai chiếc cầu "Thượng Gia Hạ Kiều" (cầu trên có mái, tựa như Cầu Ngói Thanh Toàn Huế), kết hợp với đầm Long Chiểu cùng Thủy Đình, tạo cho Chùa Thầy vẻ đẹp riêng biệt độc đáo. Tiếc một điều, với vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt tác như vầy mà tăng bạt che chăng loạn xạ, làm cho hình ảnh thành chắp vá chẳng ra sao. Tôi than phiền:

- Các anh à, đáng lẽ ở những danh lam thắng tích, du khách thường lui tới, Sở Văn Hóa phải thấy những rác rến như loại cáo thị: "Cấm bẻ bông ỉa bậy". Để thế người ngoài sẽ đánh giá dân trí mình.

- Coi vậy mà chẳng có ai lo. Mình có góp ý cũng chẳng đi đến đâu.

Ra đường cái, tôi dừng lại ngắm cảnh chùa lần chót. Đất nước mỗi miền mỗi vẻ, không sao ôm hết theo mình. Ghi một chút trong tâm, thu vội dăm ba tấm ảnh chẳng sao nói được tình tự quê hương. Chỉ là một vài kỷ niệm.

Trần Công Nhung

6-2001

*******************

source

Vien Dong Daily

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét