Chợ Ma bán chiếu (kỳ 2)
Bài và ảnh: Trần Công Nhung
Chạy chừng tiếng đồng hồ, qua một khu cư dân có ngôi chợ Cái Tắc, tôi dừng lại hỏi đường. Một ông lão cho biết đi Định Yên không cần qua thị trấn Lấp Vò. Từ chợ Cái Tắc đi tiếp QL 80 qua cầu thứ hai có đường nhựa bên trái, về Định Yên 10km.
[Làng chiếu Định Yên]
Đúng thế, và đây chính là ngã ba mà bác nông phu đã nói. Con đường rộng khoảng 3m mang tên 26/3 (5) xuyên qua cánh đồng lúa có chỗ đã chín vàng. Một kênh đào men theo đường về tận Định Yên. Những cây bạch đàn cao đổ bóng, đường mát rượi, không khí trong lành, người qua lại không ai bịt mặt. Tôi cũng thoải mái tháo khẩu trang để hít thở gió đồng lồng lộng thơm mùi lúa. Thỉnh thoảng hai bên lộ có hàng quán giải khát, khách vài ba người. Cảnh xa lạ mà thân quen, tôi yên tâm hơn những lúc chạy xe trong phố đông người. Không khí trong lành, cảnh trí thoáng đạt, con người cũng nhẹ đi bao nỗi buồn phiền.
Qua một chiếc cầu nhỏ, nhà cửa đông dần. Đã thấy dấu hiệu của làng nghề: Lác, chiếu, phơi dài dài hai bên đường, màu thắm tươi, xanh, đỏ, vàng, chiếu hoa mẫu mã rất đẹp. Một vài nhà, bà con đang dệt chiếu trước hiên. Đến ngay giữa làng tôi vào thăm một nhà. Hai người đàn bà lặng lẽ bên khung dệt, thấy tôi vào họ chỉ nhìn không nói gì. Một người chuồi lác qua khung, một người kéo thanh gỗ ngang ép sợi lại, thong thả đều đều cho đến khi hết chiều dài chiếc chiếu. Chiếu bán thường có khổ: dài 2m, rộng 1m2, 1m4, 1m6... Mãi một lúc tôi mới hỏi:
- Hai người mỗi ngày dệt được mấy chiếc hả chị?
- Dạ, được 2 đôi.
- Rồi bán thế nào?
- Mỗi đôi 48 ngàn bán cho lái, bán lẻ đắt hơn.
- Chợ chiếu nghe nói họp tại bến đình vào nửa đêm?
- Đó là lâu rồi, bây giờ họp trước trụ sở xã.
Đến một đoạn nữa có chiếc cầu đúc qua kênh. Bên này cầu có văn phòng xã, bên kia cầu là chợ Định Yên. Trước mặt xã có đám đất rộng, cạnh có quán hàng ăn. Tôi ghé uống nước và tìm hiểu thêm. Bà quán cho biết, dạo này chợ họp lúc 1 giờ sáng, 4 giờ chợ tan. Sự tích chợ họp về khuya là do mấy chục năm trước từ thời Tây, người bán cũng như mua muốn trốn thuế. Chợ quê thu thuế bằng cách dán một mẩu giấy màu bằng lóng tay lên nón như biên nhận. Ở đây mỗi người một cây đèn dầu, cảnh chợ lù mù le lói, người thu thuế không sao nhớ rõ ai nộp ai chưa. Một lẽ nữa, ban ngày người dân làm công kia việc nọ hoặc lo dệt chiếu, đêm mới có thì giờ. Trước đây người ta đồn chợ này là chợ ma, vì con trai trong làng thường rình ôm con gái đi bán chiếu. Từ nhà ra chợ xa mấy cây số, giữa đêm khuya, hai tay lo giữ chiếu trên đầu, các cậu trai thừa cơ núp hai bên đường nhảy ra ôm. Anh nào bị nhìn mặt, làng sẽ phạt một đôi bông tai cho người con gái, vì làm mất duyên người ta. Tôi hỏi thực hư thế nào, chị chủ quán cười:
- Chuyện đó chấm dứt từ năm tám mấy rồi. Hồi trước làng xóm vắng, an ninh chưa có chứ bây giờ không còn nữa.
- Quanh chợ có nhà trọ không hả chị?
- Làm gì có, chú hỏi văn phòng xã người ta cho ngủ.
Chị tưởng tôi là người nhà nước đi công tác nên thực thà góp ý, mình mà mò vào đấy là “rách việc” ngay. Chợ Định Yên bên kia cầu, lều sạp bao quanh đình chợ, như tổ chim. Cố tìm một xe bán bánh mì mà chẳng thấy. Hàng ăn bày bán ra tận lộ về thị trấn Lấp Vò, cháo cơm phở bún... nhưng hàng nào cũng ruồi nhặng bu đen. Đã một hai lần “ngộ độc” nên không dám, tôi đành vào quán cà phê, ăn tạm mấy chiếc bánh AFC mang theo. Tôi gọi ly đen không đường, xin một cốc nước sôi rồi tự pha thành ly cà phê sữa. Tôi luôn luôn mang theo ít sữa bột, vài cây Power Bar Glucerna, Zone... để dùng trong trường hợp không kiếm được thức ăn. Cứ một cốc với thành phần đơn giản như thế cũng có thể chống cự được nửa ngày.
Nắng chói chang, quán cà phê mỗi mình tôi, anh chủ quán đánh trần phì phạch quạt. Anh cho biết tại thị trấn Lấp Vò có nhiều nhà nghỉ. Nhớ lại chuyện “Đêm nghe tiếng Cuốc” (6), tôi không dại ngủ nhờ để rồi thấp thỏm lo sợ. Tôi phải về Lấp Vò, khuya sẽ quay lại. Chạy đến ngã ba bắc Vàm Cống, phải ngược lại QL 80 ba cây số mới đến thị trấn. Nhưng ngay đấy không xa có nhà nghỉ Kim Phát, tôi vào luôn. Ban ngày vài chục cây số chẳng sao, đêm khuya một hai cây cũng đáng ngại. Nhà nghỉ vắng hoe, dường như chỉ có khách thuê giờ còn nhỡ đường như tôi chẳng mấy ai. Gọi mãi một lúc mới có người ra tiếp. Hỏi qua điều kiện nghỉ lại như thế nào, giá phòng bao nhiêu, cô “lễ tân” chỉ cười cười chẳng nói gì. Hỏi mấy lần cô mới cho hay cô chỉ đến trông giúp cho bà dì nên không rõ. Tôi lấy phòng và sắp xếp để nghỉ ngơi.
Chiều tối trời đổ mưa, càng lúc càng to, chẳng biết quán hàng đâu, tôi nhờ khách sạn mua hộ bát bún. Bún riêu Nam ăn cho có chứ không bằng bún riêu Bắc. Mưa tiếp tục rào rào trên mái tôn, mưa ở miền quê nghe rõ mồn một, ngoài tiếng mưa rơi chẳng còn tiếng gì khác. “Khuya nay mà mưa vầy, không biết rồi làm sao”. Tôi phân vân mãi mới chợp mắt một lúc. Một giờ thức giấc, mưa đã dứt, tôi vội lên đường.
Trời không mưa nhưng chạy xe thấy lạnh. Từ ngã ba bắc Vàm Cống về chợ Định Yên trời lờ mờ ánh trăng 13, cả một vùng lặng yên như say ngủ, qua những vườn cây trời tối đen tưởng như xuyên qua rừng. Bấy giờ mới thấm thía nỗi quanh hiu, mới thấy ghê ghê cảnh vắng dặm trường, may có trăng làm bạn. Bầu trời không trong xanh nhưng không mây dày nên trăng không bị khuất, trăng như người bạn đồng hành giữa đêm khuya. Lúc này với tôi trăng không phải để gợi hứng mà là người bạn đường cần thiết, nếu trăng bị mây kéo thì tôi không biết sẽ ra sao. Lâu lâu có ánh đèn xe chạy ngược chiều, tự nhiên mình thấy yên tâm hơn. Qua cầu Bà Vải, hai bên đường là rừng chuối tối đen, bóng đen sát đường lộ. Tôi không nghe tiếng máy xe mà nghe những chuyển động hai bên đường. Tôi cố bình tĩnh giữ tay lái và đầu óc xua đuổi những chuyện bất trắc. Thật khó lòng. Nhà Thông Thiên Học Krisnamurti có bảo: “Khi anh thực sự sống trong cảnh khổ, anh sẽ không còn cảm thấy khổ”. Tôi đang lâm vào nỗi sợ bóng đêm mà sao càng lúc sự sợ hãi càng tăng! Một con vật như con mèo vụt băng qua đường, không có gì nguy hiểm, tôi cũng giật mình. Trong thời bình tướng nào cũng dũng cảm oai phong, khi lâm trận mới biết ai hèn ai can đảm. Ngày trước qua những đoạn đường như vầy các cô đội chiếu bị ôm là điều có thể hiểu. Kêu ai giữa nơi hoang vắng này.
Tôi lại tự trấn an: “Chỉ còn mấy cây nữa thôi”. Đến quán cà phê ban chiều tôi thấy người nhẹ hẳn, đã có ánh đèn. Rẽ qua chợ, một hai hàng thịt bắt đầu bán. Chị hàng thịt mập ú, với cây dao to bản đang chặt bôm bốp xuống khối thịt lợn chia cho bạn hàng. Dưới ánh đèn vàng leo lét, hình ảnh nhờ nhờ, cảnh như ở cỏi A Tỳ. Lên đến đầu cầu đã thấy chợ nhóm bên kia con kênh, không đông lắm, dăm ba chục, kẻ đứng người ngồi, hình ảnh mập mờ trong ánh đèn hắt ra từ hiên văn phòng xã. Tôi đứng trên cầu ngắm toàn cảnh một lúc rồi lần xuống chợ. Người ta thường bảo “ồn như họp chợ”, không đúng trong trường hợp này, chợ chiếu không lều sạp, không phân lô, không thứ tự.... Ai đến trước tùy thích chọn chỗ cho mình. Chiếu trên xe đạp, trên xe máy, trên đất. Chỗ này chiếu đứng, nơi kia chiếu nằm. Người bán chiếu đa số là đàn bà con gái, quần áo nhiều màu nhưng nét mặt ai cũng đăm chiêu. Cảnh chợ không huyên náo, người bán kẻ mua trao đổi âm thầm: Chợ Ma!
[Chợ chiếu nửa đêm]
Tôi đi quanh quan sát chụp ảnh, chẳng ai ngạc nhiên, có lẽ đã nhiều người đến đây làm công việc này. Ra chỗ bến sông nhìn xuống, vài chiếc ghe của thương lái đang đưa chiếu lên thuyền. Tôi không thấy cảnh thuyền bè chi chít, không thấy ánh đèn lập lòe trên sông, không thấy gì quá lạ như nhiều bài báo mô tả. Cảnh cho thấy một đời sống bình thường đơn giản và lặng lẽ cực nhọc. Tôi hỏi chuyện một bác thương lái:
- Bác mua chiếu rồi về bán tận đâu?
- Đi các tỉnh Long An, Đồng Tháp... Cần Thơ.
- Bác biết tại sao chợ họp về đêm?
- Thực ra thì đã lâu đời thành nếp quen. Riêng giới chúng tôi thấy cũng tiện, khuya ghe đến mua, sáng chở về các tỉnh bán, đỡ mất thời gian.
- Bán như thế lời có khá không bác?
- Nếu chiếu đi xa, mỗi chiếc lời 5000, gần lời 2000.
- Chiếu Định Yên so với chiếu nơi khác bác thấy sao?
- Chiếu Định Yên có tiếng xưa nay, nhiều mẫu mã đẹp: Chiếu bông con cờ, chiếu bông động phòng hoa chúc, chiếu trắng, chiếu hoa văn, chiếu vẩy ốc... Nhất là màu nhuộm giặt không phai. Chiếu Định Yên một đôi mất 6 - 7 ký lác. Cái hay của người Định Yên là cải tiến khung dệt và cách pha màu, móc trân.... Chiếu con cờ Cà Mau trân “long mốt”, chiếu Định Yên móc trân long hai (một sợi trân đan 2 sợi lác) và có từ 2 đến 5 màu trong mỗi khung cờ. Do vậy chiếu Định Yên hơn hẳn chiếu nơi khác.
- Thường mỗi chuyến bác mua bao nhiêu đôi, lâu mau thì trở lại?
- Mùa bán đắt như Tết có khi vài trăm đôi, hết thì quay lại.
Tôi dạo quanh thấy người bán giữ chiếu đứng, người mua đặt chiếu nằm, đây cũng là “qui ước” của chợ để tránh hỏi nhầm những chiếu đã bán, mất thì giờ. Điểm đặc biệt nữa là trong chợ không có hàng quà, chỉ có người và chiếu. Ai bán hết chiếu, về nhà lấy thêm, nếu đã ba bốn giờ sáng thì về luôn, chợ cứ thế vơi dần.
[Chợ Định Yên]
Gà đã gáy canh ba, tôi quay lại nhà trọ. Bây giờ trăng tỏ hơn, tôi không còn thấy e ngại như lúc đi. Tuy nhiên nghĩ cũng liều, chẳng may xẩy ra “sự cố” thì thật không biết cái giá phải trả là như thế nào.
Nếu bảo chợ chiếu Định Yên là điểm du lịch hấp dẫn, là cảnh quan kỳ lạ như nhiều bài báo đã ngợi ca cổ vũ, theo tôi không đúng lắm. Nói về chợ đêm thì còn nhiều nơi tấp nập hơn: Chợ rau cải Long Biên (Hà Nội), chợ đêm Đà Lạt, có nhiều thứ cho du khách dạo xem mua bán. Định Yên xa xôi, đường sá khó khăn khúc khuỷu, không chỗ nghỉ đêm, rất bất tiện đối với khách phương xa, trừ những ai tò mò muốn tìm hiểu sinh hoạt đời thường của một miền quê Nam Bộ thì chuyện lại khác.
Trần Công Nhung
4 - 2008
(5) VN rất thích dùng con số ngày tháng để đặt tên đường: 3/2, 26/3, 1/4, 2/9...là những ngày kỷ niệm các hoạt động của người cộng sản. Các nước khác chỉ dùng số thứ tự: 1st, 2nd, ....
(6) QHQOK (7)
******************
source
Vien Dong Daily
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét