Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2009

Hàng rong Hà Nội



Cập nhật lúc 4:29:38 AM - 28/11/2009

241h1.jpg


Bốt Hàng Đậu


Bài và ảnh: Trần Công Nhung

Mấy anh em nhiếp ảnh hẹn gặp nhau tại một quán cà phê ở góc đường gần khách sạn Hàng Dầu. Tôi dậy sớm, năm giờ đã mang máy xuống đường. Buổi sáng, phố xá thật yên tĩnh. Đa số là xe đạp của giới lao động qua lại.

Chọn một góc phố, tôi chờ những gánh hàng rong. Một vài hàng quán vỉa hè đang nhóm bếp, khói tỏa mịt mù. Nếu ở Cali, thế nào cũng có người gọi 911. Hàng rong đối với anh em địa phương có lẽ quá quen, với tôi, đó là hình ảnh "đặc sản" quê hương.


241h2.jpg


Hàng rong vỉa hè


Những cô gái ăn mặc đơn giản, gánh hai đầu rổ nào trái cây, hoa, bánh đa, bánh dầy ..., xem ra hàng hóa không có gì nhiều, cân lượng chẳng bao nhiêu. Họ thong dong từ phố này qua phố khác, như dạo chơi, không rao mời. Ai mua thì gọi, không thì cứ thế đi cho hết ngày. Có sống xa quê, có sống trong một xã hội tất bật máy móc, mới thấy cái dễ thương hiền hậu của quê nhà.

Hàng rong đầu ngày ở Hà Nội có nét rất "văn hóa nghệ thuật". Đó là những cô gái bán hoa. Những gánh hoa vàng tươi hay hồng thắm, họ đến rất sớm, xếp hàng dài, dọc theo lề đường. Trời không nắng mà lúc nào nón lá cũng trên đầu. Chiếc nón lá là hình ảnh muôn đời của nghệ thuật. Khách ngang qua, dừng xe, cúi xuống chọn lựa, mua bán rất thoải mái.


241h3.jpg


Hàng rong trên đường


Không phải tìm chỗ parking rồi mới lo công việc như ở Mỹ. Ở Mỹ, trong những khu buôn bán của người Việt, parking thật khó khăn. Parking là chỗ đậu xe, lại dành cho những chiếc ghế, những cái thùng giấy, vậy mà coi được. Không hiểu người bản xứ có cười cái lối ích kỷ lố bịch của người mình chăng. Điều này tôi không hề thấy trong khu thương mại của người Mỹ hay bất cứ của cộng đồng thiểu số nào. Người Việt đúng là có truyền thống lạ đời, sống xứ mình hay nơi xứ người chẳng có gì thay đổi, chẳng cần hội nhập chi cho mệt. “Đường ta ta cứ đi, ruộng ta ta cứ cày...”.

Trời đã sáng hẳn. Từ bên này ngã tư đường, ẩn mình sau một gốc cây, tôi bắt đầu bấm máy. Cô hàng hoa áo hồng, đang trao hoa cho khách, vừa lúc có chiếc xích lô chạy qua, "xạch", với tốc độ máy 30, xích lô sẽ bị nhòe một phần, ảnh có động và tĩnh. Lại một gánh hoa vừa tới nhập bọn, "xạch", thêm một hình ảnh mới. Tôi dời qua vị trí khác và tiếp tục bấm. Trong một thoáng tôi chợt nhớ truyện Gánh Hàng Hoa của Nhất Linh, một người tình tuyệt vời, một người vợ hết lòng lo sự nghiệp cho chồng. Rồi một âm thanh gợi nhớ nhạc phẩm Mơ Hoa của Hoàng Giác:

"Cô hái hoa tươi,

hãy dừng bước chân, trên đường thầm xa, tôi nhắn cô em đôi lời.

Lòng không lưu luyến, sao đành cô lãng quên, quên người gặp gỡ, trong một chiều mơ ..."

Tuổi hoa niên mà gặp được người tình “trong một chiều mơ” quả là lãng mạn. Hình ảnh đẹp ngày xưa ấy nay chắc hiếm.


241h4.jpg


Hàng rong Ô Quan Chưởng


Giữa phố phường Hà Nội, âm hưởng bài hát đưa tôi trở về với dư âm ngày cu. Tôi bồi hồi nhìn lại tuổi học trò của mình, mà thấy tiếc thương những mất mát thiếu thốn liên miên ... Cho đến ngày có điều kiện để nhận ra vẻ đẹp của quê hương xứ sở, thì thời gian đã mất đi quá nhiều, mất cách vô vị, và mình thì đã quá tuổi mộng mơ. Tôi mang tâm trạng của người ăn trả bữa sau cơn bệnh. Tôi say sưa ghi nhận, say sưa ngắm nhìn, và muốn ôm tất cả vào lòng. Tôi thương những con phố vắng thơ thẩn một cụ già, hay một gánh hàng rong đi qua, một gốc đa cổ buông tóc xuống vỉa hè hẳn đã chứng kiến bao nhiêu thăng trầm của thế sự.

“Lòng không lưu luyến, sao đành cô lãng quên, quên người gặp gỡ, trong một chiều mơ ...".

Bỗng dưng tôi được sống trong giây phút cái cảm xúc của nhạc sĩ Hoàng Giác, ngay trên quê hương. Tôi thấy bài nhạc quá hay và thấm thía hơn bao giờ, hay hơn khi nghe một ca sĩ thượng thặng hát trên sân khấu với trăm thứ ánh đèn màu ở Cali. Tôi nghĩ, có lẽ do thực tế gợi lại những hình ảnh đã một thời cùng âm hưởng của bài nhạc ăn sâu vào tâm khảm mình. Giữa thành phố Hoa Lệ Ước mà nghe nhạc bản Làng Tôi thì thật vô duyên lạc điệu. Mới đó mà đã mấy mươi năm. Thuở mộng mơ bay qua cái vèo. " Hãy dừng bước chân..." thời gian dù không vô tình cũng không sao dừng bước.

Nắng đã lên, sinh hoạt khu phố Hàng Dầu bắt đầu rộn rịp. Xe đạp, xe gắn máy chạy vù vù. Dân "cửu vạn" đi từng tốp, mỗi người sau xe đạp có cặp theo gióng gánh thúng rổ, áo quần lem luốc. Đàn bà thì nón, đàn ông thì mũ, đủ các loại, họ kéo nhau ra tụ họp ở một nơi nào đó, để chờ người mướn, giống như mấy anh Mễ đợi tìm việc ở khu chợ Vanco, Home Depot.vv... Cũng thì tìm việc, nhưng hai hình ảnh thật khác xa nhau. Một bên nét lam lũ khắc khổ thấy rõ, một bên như rỗi việc ngồi chơi. Tôi không hiểu đến mùa mưa dầm gió bấc, họ xoay sở ra sao.

Hàng hoa dạo chỉ bán buổi sáng, nửa buổi là các loại hàng rong khác. Rau đậu, gạo, trái cây... cứ từng gánh đi từ phố này qua phố khác. Hình ảnh tôi thích nhìn, nhìn trong sự hồi hộp, đó là gánh hàng rong băng qua đường. Ở Hà Nội bộ hành qua đường chỗ nào cũng được, không phải đến ngã tư có vẽ lằn trắng. Mặc xe chạy người cứ thong thả đi. Những chiếc xích lô Hà Nội thùng xe rộng và thấp, không cao như xe Sài Gòn. Nhưng tiếng chuông thì rất lạ, nó leng keng như tiếng chuông tàu điện. Phố ngắn đường hẹp, sinh hoạt linh tinh, âm thanh hỗn tạp, tất cả tạo ra sự tấp nập ồn ào rất "tiểu thương" của một khu phố lao động nghèo nàn.

Đã đến giờ hẹn đi ăn điểm tâm. Tôi trở lại quán, anh Đặng Ngọc Thái đến cùng với một anh nữa, người nào cũng mang một túi máy ảnh. Vừa dừng xe anh Thái đã quay sang giới thiệu:

- Đây là anh Nhung ở Mỹ mới về, đây là anh Minh cũng là dân nhiếp ảnh.

Sau màn chào hỏi tôi mời tất cả vào quán. Miến lươn có vẻ lạ, tôi gọi thử. Các anh, mỗi người một món. Hàng quán có vẻ bình dân không được tươm tất như những quán phở trong Nam. Chật hẹp đã đành, lại còn luộm thuộm, không được sạch sẽ. Đũa tre lớn gần bằng ngón tay út, vót cách sơ sài (rẻ tiền). Giấy lau bé tí và bằng đủ các loại giấy, không như napkin. Trong quán không có bảng giá. Sau 75, có lần phái đoàn nhiếp ảnh Hà Nội vào Nha Trang săn ảnh, lúc ngồi uống cafe bên Tháp Bà, một nhiếp ảnh gia Hà Nội, anh Chu Chí Thành, đã ngạc nhiên khi thấy mỗi tách cafe có một muỗng riêng. Anh nói:

- Ở Hà Nội, ngồi chung bàn chỉ có một cái thìa. Thìa còn bị đâm thủng ba lỗ.

Tôi không hiểu, hỏi:

- Sao vậy anh?

- Phải làm thế chứ không thì mất hết thìa.

Mọi người chưa hết ngạc nhiên, anh tiếp:

- Các anh biết, những tấm tôn kẻ bảng hiệu cũng vậy, cứ phải đâm thủng mới không bị gỡ.


241h5.jpg


Hàng rong phố Kim Liên


Bây giờ không đến nỗi, nhưng so với miền trong vẫn còn kém xa. Có một đặc điểm về sinh hoạt buôn bán của người Việt là hàng hóa lộn xộn (tạp hóa) và dọn lấn ra lề đường. Có lẽ một phần do người mua. Khách ngang qua, cứ ngồi yên trên xe mặc cả mua bán, thế nên hàng hóa phải lê dần ra. Đôi lúc nhờ thế mà phố xá có vẻ tấp nập hơn. Tôi không rõ ba mươi sáu phố phường ngày xưa ra sao, ngày nay không còn "chuyên ngành" như tên gọi. Phố hàng Hàng Dầu nhưng kinh doanh đủ thứ. May mặc, tạp hóa, ăn uống ..vv…mà chẳng thấy dầu đâu cả.

Món miến lươn tưởng có hương vị đặc biệt, hóa ra chẳng có gì ngon. Lươn xào khô róm như những cọng kim châm (nấu bún tàu), để sẵn, khi ăn rắc lên tô miến, không còn mùi vị của lươn nữa. Trong lúc uống nước anh Thái phác họa chương trình:

- Sáng nay mình đi Chùa Thầy. Ở đấy làm việc chừng hai tiếng đồng hồ.

- Có xa không anh ?

- Khoảng 20 km.

- Vùng nào anh?

- Hà Tây.

Điểm tâm xong quay ra, gặp một gánh hàng rong đi tới, chị bán hàng dừng lại mời:

- Bác mua hộ em nải chuối.

- Bao nhiêu một nải ?

- Dạ ba ngàn.

- Chị cho tôi hai nải.

Đúng là mua giúp chứ chẳng ai buồn ăn, vả lại mang xách lôi thôi. Gánh chuối của chị khoảng mươi nải, bán hết được ba chục nghìn. Tính nhẩm, nhiều lắm chừng hai chục. Khoảng hơn một đô la. Chuối bên mình trái ốm, không mập như chuối ở Mỹ, màu vàng sẫm và lấm tấm vỏ trứng chim, thơm và ngọt đậm đà. Một giống chuối ngày còn nhỏ tôi thường nghe là chuối Tiêu hay chuối Ngự, có huơng vị đặc biệt, bây giờ dường như tuyệt giống.


241h6.jpg


Hoa trên phố Hà Nội


Chúng tôi lên đường, tôi ngồi chung xe Honda với anh Minh. Dọc đường anh kể chuyện xứ mình xứ người, anh nói:

- Tôi có con gái ở Úc. Tôi đã đi du lịch sang đấy.

- Anh thấy thế nào

- Thì tất nhiên là mọi thứ đầy đủ hơn quê nhà, nhưng vẫn có cái gì đó không ổn. Nhất là đối với lớp người lớn tuổi như bọn mình.

- Tôi hiểu. Lắm khi mình thấy thiếu thốn và lạc điệu.

- Đúng thế. Thứ gì cũng có nhưng toàn đóng hộp và ướp lạnh. Ở đây muốn ăn gà chạy ra chợ lựa ngay một con vừa mập vừa tơ. Thịt gà ra thịt gà. Thịt heo ra thịt heo... Ở bên ấy, tôi ăn thịt mà như có cái mùi gì lạ lắm cơ.

- Có thể nói hầu hết các nước phương Tây đời sống đều tổ chức như thế cả. Về văn hóa có đôi nét khác nhau. Chẳng hạn Paris và Los Angeles đều là đô thị lớn, nhưng Paris có vóc dáng trí thức, cổ kính, còn Los Angeles thì máy móc và hỗn tạp.

- Bởi thế tôi đi một vòng cho biết chứ vẫn mê cái xứ sở của mình.

- Điều đó người Việt nào cũng cảm thấy như thế. Tuy vậy thực tế lại khó cho từng người, không phải ai cũng mong muốn mà được.

Quả thật “...quê tôi nghèo lắm ai ơi ...", nhưng mỗi hình ảnh của quê hương đã gợi cho tôi biết bao kỷ niệm, nhìn cái gì lòng tôi cũng như muốn rưng rưng… Tôi lại nhớ một câu trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư: “Không nơi nào đẹp bằng quê hương cả".


Trần Công Nhung

08-2001

*******************

source

Vien Dong Daily

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét