Thứ Tư, 2 tháng 12, 2009

Gốm Phù Lãng (2)


Cập nhật lúc 5:26:34 PM - 02/08/2008

pl-1.jpgBài và ảnh: Trần Công Nhung

Trời mỗi lúc mỗi xám màu chì rồi lất phất mưa. Nhìn ra ngoài thấy nhiều lò gạch đang nhả khói. Xe vừa qua trụ ki lô mét Đông Du, tôi định lên tiếng hỏi thì phụ xe đã báo: “Phù Lãng xuống nha”.


Tôi xuống ngay ngã ba, có con đường vào làng. Lố nhố mấy anh xe ôm ở quán gần đấy. Một người nhanh nhẹn đến chào:
- Bác đi em chở?
- Anh biết làng gốm Phù Lãng không?
- Dạ biết, bác vào nhà quen à?
- Tôi muốn đi thăm lò gốm.
- Nếu thế em đưa bác vào lò gốm nổi tiếng nhất, lớn nhất. Gốm Nhung.
- Không, tôi muốn gốm Phù Lãng cơ.
- Vâng, đúng là gốm Phù Lãng nổi tiếng đấy ạ.
- Nhưng anh vừa bảo Gốm Nhung?
- Vâng, lò gốm ông Nhung trước đây ở làng Phù Lãng, hàng của ông nổi tiếng bán đắt nên người ta nhái theo rồi phá giá, do đó ông về đây thuê đất xây lò mới. Vào xem bác khắc biết.
- Thế anh đưa tôi vào chừng tiếng đồng hồ ra lại đây. Bao nhiêu?
- Bác cho em ba chục (nghìn đồng).
- Được nhưng phải chính xác nhá.
- Vâng, đảm bảo bác.

Hỏi là hỏi chứ “đảm bảo” lắm khi chẳng bảo đảm gì, cứ gặp mặt gốm rồi tính. Trời bắt đầu mưa nặng hạt, tôi khom lưng che túi máy và giục anh xe chạy cho kịp trước khi mưa to. “Em chạy đường tắt nhanh cho bác đây”. Xe anh vào con đường đất trong làng rồi quanh co leo lên đồi. Càng lúc càng cheo leo khó đi, lác đác một vài nhà, tôi hơi lo lo. Chả biết cha này đưa đi đâu. Đường đất đỏ trơn trợt, rủi mà lăn xuống hố thì “Nhung lụa” cũng hết ham.
- Đường vào lò gốm gì mà kỳ vậy?
- Đường tắt mà bác. Đường xe chạy vòng thì xa.

Anh vừa nói thì chiếc xe lại gầm gừ chồm lên, lách qua hốc đá chẳng màng gì đến sự lo lắng của tôi. Lại xuống đồi lại vô xóm. “Gần tới chưa anh?” – “Sắp rồi bác”. Thêm mấy phút xe đến con đường lớn tráng nhựa, chạy thẳng vào lò gốm Nhung.

Lò gốm khá rộng, ngôi nhà văn phòng nằm bên trái cổng vào, bên phải liên tiếp mấy khu công nhân làm việc và lò nung. Tôi đi thẳng vào nơi đầu tiên, ở đây chỉ có hai nữ công nhân đang tạo sản phẩm bước đầu, dạng thô. Công việc cũng tương tự như bao lò gốm khác tuy nhiên bàn xoay chạy máy chứ không dùng chân đạp, công nhân có thể ngồi xuống nền nhà để làm. Gốm thô được chuyển qua khu chuyên vẽ hình. Công việc này nhiều thợ nam phụ trách. Dường như họ thuộc lòng mẫu vẽ nên người xem có cảm tưởng họ đang sáng tác. Dùng “bút dao” nhỏ tí, các nghệ nhân chăm chú đi từng nét trên da gốm sống: Họa tiết hoa văn, điển tích, mỗi loại hình cho mỗi dạng gốm. Họ làm việc trong yên lặng và thấy rõ sự chú tâm chẳng khác gì tín đồ trong nhà nguyện. Tôi không thấy ai hút thuốc lá, nói chuyện hay làm việc gì khác. Tôi quan sát, chụp ảnh, họ cứ tự nhiên với công việc của mình. Công việc chân tay nhưng cung cách rất nghệ thuật. Mỗi nghệ nhân tự do chọn một ví trí ngồi làm, tôi không thấy bản mẫu, nghệ nhân tự sáng tác hay khắc theo trí nhớ? Trên nền nhà rộng mấy chục mét vuông, sản phẩm chi chít lớn nhỏ theo từng vị trí của mỗi người, kết lại thành một tác phẩm sống, mỗi góc một hình ảnh khác nhau, bố cục thế nào cũng đẹp. Những ai mới cầm máy sẽ tha hồ “sáng tác”.

pl-2.jpgTiếp theo là bộ phận làm men thô. Men thô là lớp men lót, màu xám. Men lót có công dụng láng da gốm và cắn màu. Ở đây khoảng mười nữ phụ trách, đôi bàn tay mềm mại lăn cục men lớn bằng quả trứng gà lên mặt hình vẽ hoặc những vùng cần thiết. Sau đó gốm được chuyển qua khu men nước. Khâu này toàn các cô trẻ, và khá đông, đông nhất trong các công đoạn làm gốm. Các cô ngồi hai hàng dài đối diện nhau, nhưng việc ai nấy làm không hề sao nhãng. Tôi nghĩ, người chủ đã nhận ra tuổi trẻ, nhất là nữ, có năng khiếu nhạy bén với màu sắc, có đức tính tỉ mỉ nên chọn họ vào công việc này. Tôi tò mò hỏi một em:
- Cháu tô màu men theo ý mình?
- Dạ lúc đầu có mẫu, về sau thuộc lòng.
- Nhiều màu thế này nhỡ tô nhầm thì sao?
- Dạ bôi màu đất lên rồi vẽ lại.
- Cháu học vẽ lâu mau thì làm được?
- Dạ một tháng.

Đến đây người xem đã thấy mê, gốm tuy chưa nung, chưa thành phẩm nhưng đã rõ hình dáng màu sắc. Nghĩa là với một người không am hiểu các công đoạn làm gốm cũng thích thú rồi. Cuối cùng gốm đặt vào áo nung (1) cho vào lò, nung bằng củi hai mươi bốn giờ, để nguội một ngày mới lấy ra. Gốm Nhung không nung than như gốm Bát Tràng, đây cũng thuộc về bí quyết nghề nghiệp.

Tôi tự do đi xem, chụp ảnh, nơi này nơi kia, chẳng thấy ai ngoài các nghệ nhân. Lúc qua chỗ lò nung có một người đàn bà dáng mệnh phụ đang được một cô nhân viên hướng dẫn giải thích. Tôi dần đến nghe ké. Trời đổ mưa rào rào trên mái tôn, nhìn ra ngoài mù mịt chẳng thấy gì. Chờ lúc bà khách vơi chuyện tôi xen vào:
- Nghe nói lò gốm ở Phù Lãng mới dời về phải không cháu?
- Dạ đúng, trước ở thôn Phấn Trung xã Phù Lãng, mới về được bốn năm.
- Phù Lãng nổi tiếng xưa nay, sao phải dời?

Cô gái giải thích sự việc như anh xe ôm. Dời đi như một sự lánh nạn, nạn ăn cắp mẫu mã.
- Đây là xã nào?
- Dạ thôn Đồng Sàng, cũng không xa Phấn Trung bao nhiêu.
- Nhân công chắc là đông?
- Dạ, chừng một trăm năm chục, nhưng làm nhiều ca.
- Hiện nay ở Phù Lãng có nhiều lò gốm không?
- Dạ khoảng hai mươi nhà.

Thấy có hai chị đang làm một sản phẩm thô sơ, tròn sâu như cái khạp, hỏi ra đấy là áo nung. Áo nung cũng làm kỹ để rồi có thể bán theo dạng đồ dùng. Thôn quê đựng nước, khoai, đậu, bắp…

Công nhân có nhóm sửa soạn ăn trưa, nhóm “ra ca”, tôi hỏi thêm về lương bổng, và điều kiện sống, cô thư ký cho biết làm việc tuần bảy ngày, lương trung bình từ tám trăm nghìn, cao nhất hai triệu đồng. Ăn uống được miễn phí cho ca đêm hay những người ở xa. Công nhân đốt lò được nhiều quyền lợi nhất, vì làm công việc nặng nhọc suốt hai bốn giờ.
- Tôi muốn có ít tài liệu hoạt động của nhà máy, tìm ở đâu?
- Lát chú lên phòng trưng bày cháu gửi chú.

Trời mưa như trút, băng từ nhà này qua nhà kia thật khó khăn. Căn phòng trưng bày nhiều hàng gốm mẫu, có cả tranh gốm và một góc thành tích của chủ nhân qua các cuộc thi. Cô thư ký nói nhỏ cho tôi biết, người đàn ông gầy gầy ăn mặc như một nhân viên, đang tiếp khách là giám đốc nhà máy. Nếu không nói tôi không nghĩ đó là giám đốc của một cơ sở sản xuất tầm cỡ như vầy.

Tôi đi quanh xem các thứ và chụp ảnh tự nhiên. Đặc biệt trong phòng có bức tranh gốm dài hơn hai mét, rộng hơn mét, giá tranh gốm có bức trên hai triệu đồng. Tranh bán cho ngoại quốc chiếm 50%.

pl-3.jpgTranh gốm được ghép lại bằng nhiều mảng gốm rời. Nghệ nhân dựa vào bản vẽ bức tranh rồi phân ra nhiều mảnh để làm gốm, sau khi nung các mảnh được ráp lại như kiểu trò chơi ráp hình. Nghệ thuật ở đây là làm cho người xem không thấy chỗ rời rạc của bức tranh, mà là một tác phẩm nguyên vẹn. Những sản phẩm gốm trưng bày hầu hết ở dạng nghệ thuật, phảng phất nét Ai Cập, không thấy những tác phẩm phản ánh nét văn hoá dân gian cổ truyền như ở tranh Đông Hồ. Cô thư ký trao cho tôi một tờ Flyer, có ghi tóm tắt tiểu sử chủ nhân:
Vũ Hữu Nhung sinh 03-04-75 tại Phù Lãng, Bắc Ninh.
Tốt nghiệp điêu khắc trường đại học Mỹ Thuật Công nghiệp năm 1999. Từ 1996 đến 2005 đoạt nhiều giải:
Giải Đặc biệt “Nghệ nhân có đôi bàn tay vàng” do hội đồng Anh Quốc trao tặng tháng 11 năm 2001.
Giải 3 điêu khắc toàn quốc lần 4 (2000-2003) và nhiều giải khuyến khích.
Triển lãm cá nhân tại Hà Nội (2001) và Đà Nẵng (2004).

Sau khi ở lò Gốm Nhung về, tôi mới thấy gốm của hai cửa hàng trên đường Nguyễn Thái Học khác xa: Nét nghệ thuật thô cứng, gốm nung bị chảy, mẫu mã nghèo nàn, không thoát ra khỏi cái nhìn tầm thường dân dã.

Một lời nhận xét về Gốm Nhung:
Vũ Hữu Nhung hậu duệ của những người làm đồ sành Phù Lãng đã đưa gốm gia dụng lên hàng gốm trang trí đương đại và có chỗ đứng hẳn hoi trong địa hạt nghệ thuật ngày nay. Tài năng của anh đã góp phần không nhỏ trong việc khám phá nét nghệ thuật độc đáo từ chất liệu tầm thường lấy trong lòng quê hương: Đất sét.

Trần Công Nhung
6 – 2007

(1) Mỗi sản phẩm lớn nhỏ đều được nung qua “áo”, không nung trực tiếp. Cách này giữ cho màu men tươi không bị xám.

************************

source

Vien Dong Daily

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét