Thứ Tư, 2 tháng 12, 2009

Tản mạn đường xa (kỳ 2)



Cập nhật lúc 1:15:30 PM - 02/11/2008

184-tm1w.jpgBài và ảnh: Trần Công Nhung

Nhiều bạn đọc thắc mắc sao tôi dám lang thang một mình mà không đi với ai. Thực tình cũng muốn có bạn để chia sẻ, để giúp nhau những khi bất trắc dọc đường, nhưng, không phải muốn mà được.

[Quanh co lối đèo]


Lâu lâu mới có một chuyến như lần đi Chợ Tình Khâu Vai (1), hay mới đây đi chụp cừu và đồi cát Phan Rang, đi Gò Công chụp cảnh cào nghêu... Kỳ dư một mình một ngựa. Nhiều di tích rất ý nghĩa nhưng không (hoặc chưa) được qui hoạch vào các Tours du lịch thì đường đi chẳng đơn giản tí nào. Mình phải chịu khó mò mẫm, dò đường từng chặng, đôi khi rất mất thì giờ và khá vất vả.

Đi một mình tất nhiên nhiều điều bất lợi nhưng lại cũng là dịp cho mình được tự do thưởng thức những gì gặp gỡ trên đường, không phải cấn cái người đi cùng, không phải mất thì giờ chờ đợi bạn. Có những lúc mình cần dừng lâu để ghi chép và ghi hình, nếu đi với người không cùng sở thích cũng là một trở ngại. Đã có lần đi với một bạn về Điện Biên, trong khi tôi say sưa trước cảnh khói rạ trắng đồng thì anh bạn tỏ ra chán nản, tự nhiên hứng thú cũng vơi đi. Một bạn khác trong chuyến đi Hà Giang, lúc qua Phú Thọ nghe nói có “cây đa lịch sử” lạ lắm, tôi rẽ xe vào. Vừa dừng xe bên gốc đa thì có hai cô gái đi tới. Tôi hỏi ngay: “Cho chú hỏi thăm về sự tích cây đa”. Cô gái chưa kịp trả lời anh bạn nhảy ngay vào: “Em trông quen quen như người Hà Nội nhỉ”. Cứ thế, tôi một câu, anh bạn một câu, như chơi trò kéo co, cô gái ở giữa chẳng biết đâu trả lời.

Đi một mình cũng là dịp để tự thích nghi ứng phó với từng hoàn cảnh, nhất là chuyện “đột xuất” bất thường. Hôm chạy xe từ Hải Phòng lên huyện Vĩnh Bảo (Quảng Ninh) thăm đền Trạng Nguyễn Bỉnh Khiêm, lúc về gần đến Hà Nội bị hai cảnh sát giao thông chận xét hỏi. Nghe tiếng còi và thấy cây gậy ngoắc ngoắc, tôi thắng xe rề vào lề đường. Vừa xuống xe đã nghe ngay một câu dằn mặt:

- Kính xe không hợp lệ (kính vuông lại nhỏ xíu, chỉ có một bên). Giấy tờ xe?

Tôi đưa giấy chủ quyền nhưng không phải tên tôi.

- Bằng lái xe?

Tôi đưa bằng lái của DMV California. Anh cảnh sát nhướng mắt đọc rồi hất hàm hỏi tôi:

- Cái gì đây? Đờ rai vơ à?

- Vâng.

- Cái này phải viết bằng tiếng Việt, nghe chửa?

- Vâng, bận sau tôi bảo họ ghi bằng tiếng Việt (Làm sao mà mấy mụ da đen biết tiếng Việt để ghi, nhưng cứ vâng đại cho xong).

- Bảo hiểm xe?

Đến đây tôi buộc phải quyền biến, phải làm chủ tình thế, không thể thưa gửi vâng dạ theo xuôi. Tôi lên giọng nói một hơi:

- Các anh thấy đấy, xe chẳng phải xe tôi, biển số 79 là xe Nha Trang, tôi chạy từ Nha Trang ra, hai hôm nay tôi về Hải Phòng tìm cây đa 13 gốc, mấy anh biết cây đa 13 gốc ở đâu không, tôi đã hỏi một cụ già 80 sinh đẻ tại Hải Phòng thế mà ông cụ không biết nơi mình ở có cây đa nổi tiếng, tôi đã mất hai ngày để tìm cho ra cây đa, cây đa là biểu tượng của làng xã Việt Nam, là chứng nhân của lịch sử: cây đa Tân Trào, là di tích văn hóa: Cây đa Đình Bảng, cây đa Thổ Hà, cây đa am Mỵ Châu, cây đa Tây Thiên, cây đa Bàn Phủ, có cả cây đa ăn miếu tuốt trong Ba Đồn... Thần cây đa, ma cây đề, miền Bắc tự hào có nhiều cây đa nổi tiếng, miền Nam làm gì có...

Tôi làm một hơi hai anh cảnh sát chạy theo không kịp thở. Biết mình đã thành công với kế “Điệu hổ ly sơn”, tôi xuống giọng: “Nói có sách mách có chứng, sách đây”.

184-tm3w.jpg[“Em là người Hà Nội?”]

Tôi rút cuốn QHQOK đưa cho hai anh cảnh sát xem. Họ xúm vào lật lật từng trang, tôi đứng ngoài thuyết minh thêm:

- Đấy các anh thấy đấy, tôi đi từ Nam chí Bắc, cứ đọc mấy đầu đề bài viết là biết không nơi nào tôi không đặt chân tới. Tôi có phải sung sướng đi du lịch như người ta đâu.

Bỗng một anh nói to:

- Ồ, cô gái miền Tây đẹp thế, có cô gái miền Bắc không?

Tôi được thể lên giọng tiếp:

- Ôi thiếu gì, gái miền Tây, gái miền Trung, gái Tây Bắc, gái Tây Nguyên, gái Sài Gòn, gái Hà Nội... gì cũng có, nhưng in vào những tập trước, tập này là tập thứ 8 rồi.

Bấy giờ hai anh mới mỉm cười. Tôi bồi thêm:

- Ngày mai tôi phải chạy về Nha Trang trả xe cho con gái để chuẩn bị bay...

Hai người cảnh sát nhìn tôi cách hiền hòa và vui vẻ nói:

- Thôi thế sếp đi, nhớ chạy cẩn thận.

Tôi chợt nhận ra hai anh CSGT thật đáng mến, ít ra cũng có chút gì dành cho người đường xa gió bụi chứ cứ làm nhất loạt thì coi sao đặng.

Trên chặng đường từ Vinh vào Hà Tĩnh, lúc gần đến địa phận huyện Kỳ Anh, thấy có quán bán dừa trái, tôi dừng xe làm một quả. Tôi phải cẩn thận dặn nhà quán để nguyên trái đừng cho thêm gì vào (2). Cạnh tôi có 3 thanh niên đang kháo chuyện giọng sang sảng cười hô hố, tôi cố nghe xem họ nói gì mà tuyệt nhiên chẳng hiểu tí ti. Tôi sững sờ, đây là xứ sở mình, tiếng nói của mình mà sao có chuyện lạ vậy. Thế ra mình là người nước ngoài à. Tôi càng cố nghe càng không nín được cười, họ nói với nhau bằng thứ tiếng y như một loài chim đang líu lo đấu hót. Uống hết quả dừa, nghe tiếng được tiếng mất, tôi đoán chừng họ kể với nhau về một tai nạn ô tô.

Chạy qua các tỉnh từ Bắc vào, tôi thấy có một hình ảnh hơi lạ so với trong Nam. Những làng quê ngoài bắc, và miền Trung, làng nào cũng có cổng làng. Có làng còn nguyên cổng xây từ năm 1932 với 4 chữ: “Bảo đại kiến như” (cổng làng Nhị Khê quê của Nguyễn Trãi). Làng nào xây cổng mới thì cũng chỉ đề tên như: “Xóm Liên Nậu 1 xã Kim Liên” chẳng hạn. Đơn giản, không văn hóa văn minh gì cả. Trong khi miền Nam từ hẻm phố đến ngõ làng, chỗ nào cũng Khu Văn Hóa, Ngõ Văn Hóa, Khóm Văn Hóa, Làng Văn Hóa cho đến chỉ vài ba nhà cũng là Cụm Văn Hóa.... Hỏi tại sao, đã có người giải thích cách ngắn gọn như vầy: “Tại miền Nam sống trong thời Mỹ Ngụy không hề có “văn hóa” nên ngày nay phải dành “văn hóa” ưu tiên cho miền Nam”. Nghe mà không biết nên khóc hay cười.

Thực ra trong đời sống hai miền không thiếu những điểm khác biệt, khác biệt về phong tục tập quán, khác biệt về ngôn ngữ, khác nhau về nếp sống.... Trong Nam dừng chân dọc đường thích nhất là có võng nằm. Chạy suốt mấy tiếng đồng hồ, ghé quán thưởng thức một ly nước dừa, nằm võng đu đưa chốc lát, đấy là cách hồi sức rất nhanh. Miền Bắc, đốt đuốc tìm không đâu có “quán võng”, toàn những “Phong độ quán, Thịt chó quán, Lá đa quán, Sương gió quán...”.

Viết đến đây tôi lại thấy tiếng Việt ngày nay thật phong phú, biến thể không ngừng, sáng tạo liên tục. Có lần đọc báo thấy chữ “thi thoảng”, tôi không hiểu, được anh em giải thích: “Đấy là biến thể của thỉnh thoảng, viết thế cho nhanh, cần tiết kiệm thời gian”. Tôi nghi ngờ cho là nhà báo đánh máy nhầm, tôi cãi lại: “Chắc không phải thế, đấy là lỗi đánh máy thôi. Chứ biến như vậy thì chẳng mấy chốc vô địch thành “vô đi”, tham nhũng thành “tham nhu”, vĩ đại thành “vi đa”, rồi còn ra thể thống gì! Nghe tôi “phản biện” anh bạn bật người dậy thuyết cho tôi một hơi: “Bây giờ là thiên niên kỷ mới rồi, chữ nghĩa như ông ai đọc cũng hiểu là xưa rồi. Ngày nay ông thấy đấy thứ gì cũng cơ khí hóa, điện khí hóa, có hóa thế mới sáng tạo ra đồ mới mà xài. Chữ nghĩa cũng vậy, không những biến thể mà còn sáng tạo ghép chữ ghép câu sao cho thật tinh tế, may ra mới theo kịp nền văn chương học thuật xứ người...”.

Càng nghe tôi càng ngớ ra như ngỗng đực. Hình như anh bạn cũng nhận thấy điều đó nên hạ giọng đưa ra một số ví dụ để “khai hóa” cho tôi: “Đi đường ông thấy những chiếc cầu phá ra làm lại có cắm bảng: “Cầu đang gia tải”, đấy là ghép hai chữ gia tăng trọng tải nghĩa là cầu được nâng cấp đấy”. Sẵn đà anh dẫn chứng thêm: “Duy tu đường” là duy trì + tu sửa, trường “sư mẫu” là do 2 chữ sư phạm mẫu giáo, “giao hợp” là giao lưu hợp tác, “hành kinh” là hành động rút kinh nghiệm....

Tôi phải lên tiếng ngắt lời để ra khỏi con đường “sáng từ” (sáng tạo từ ngữ) của anh chứ đã đi quá xa đề bài. “Tản mạn đường xa” lại bàn toàn chuyện đường gần.

184-tm2w.jpg[Đường vào Thác Mơ Định Quán]

Nhu cầu dọc đường nhiều khi thật đơn giản song không phải lúc nào cũng sẵn có cho mình. Nhỡ đường, cần một chỗ nghỉ qua đêm thế mà nhiều thị trấn tuyệt nhiên không khách sạn không nhà nghỉ (3). Có lần cũng bí thật, hôm ở thị trấn Vĩnh Lộc cách Thanh Hóa 50km, tìm chỗ nghỉ để sáng hôm sau lên Lam Kinh (Kinh đô thời Lê Thái Tổ) còn 30km nữa, vậy mà tìm không ra một chỗ trọ. May lại gặp quới nhơn, ông chủ quán cháo gà nghe than thở ông cho ngủ nhờ. Ăn bát cháo 10 nghìn đồng lại được trọ một đêm miễn phí.

Anh bạn quí của tôi, anh Hoàn ở Westminster, hỏi: “Người ta đi là phải sắp đặt nơi ăn chốn ở trước rồi mới đi, ông sao đi ẩu tả vậy”. Tôi đùa: “Đấy là người ta đi kinh lý thưa ông, còn tôi “kinh hành”, nghĩa là hành cho thất kinh để đừng đi nữa”. Nói đúng ra ai chẳng muốn đàng hoàng chu tất mọi chuyện, nhưng như thế chỉ có ở nhà hoặc loanh quanh thành phố thôi. Người xưa bảo: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, tôi thì thấy đi một ngày đàng mới biết mình còn nhiều yếu kém, nhiều thứ chưa biết, và nhiều chuyện bất ngờ... những chuyện bất ngờ đã để lại bao hiêu hình ảnh, bao nhiêu cảm xúc, mãi mãi không mờ phai... (mời đón xem TM ĐX kỳ 3).

Trần Công Nhung

9 - 2008

(1) Khâu Vai huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang, đọc bài Chợ Tình Khâu Vai.

(2) Lần đi Khâu Vai Mèo Vạc ngang qua Vĩnh Phúc uống nước dừa, bà quán tự ý cho vào 2 muỗng đường uống cạn mới biết. Thế là người cứ gật gà buồn ngủ. Đường cao chỉ muốn nằm.

(3) Đọc Tràm Chim QHQOK tập 4, Đêm nghe tiếng cuốc QHQOK tập 7

*****************

source

Vien Dong Daily

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét