Thứ Ba, 1 tháng 12, 2009

Châu Đốc đi Sa Đéc



Cập nhật lúc 12:51:06 AM - 25/04/2008

sadec-3.jpgBài và ảnh: Trần Công Nhung

Từ Châu Đốc tôi đi ngược về Long Xuyên rồi qua Sa Đéc. Tính tóan kỹ, thấy thong thả, nếu xe cộ không hư hỏng dọc đường. Người Miền Nam có sao nói vậy, đi ngoài đường có thể nhìn thấy tuốt trong nhà, không tường cao cổng kín. Dân chúng sống tự nhiên theo phong thổ, không bày vẽ gì cả. Cứ nhìn mâm cơm của Huế và mâm cơm của Sài Gòn là thấy ngay tâm tính hai miền.


Hai bên đường có những đoạn nhà cửa xây cất ngay bên lề. Nhằm ngày mùa nên bà con đổ lúa phơi, lấn ra nửa mặt lộ. Xe cộ qua lại liệu mà tránh nhau còn đồng bào thì cứ làm việc như trong sân nhà. Thỉnh thoảng tôi dừng xe chụp ảnh, họ cũng không mấy tò mò.

Các tỉnh miền Tây di chuyển không những đường bộ mà đường thuỷ cũng quan trọng không kém. Bởi thế thuỷ bộ thường đi cặp với nhau. Nếu không là sông thì cũng kênh đào. Đúng là trên bộ dưới thuyền. Những ngôi nhà lá nằm dọc theo bờ kênh bên kia nên từ lộ phải qua một chiếc cầu cây lắt lẻo, chiếc cầu đã làm cho ngôi nhà nghèo khó trở nên thơ mộng. Chờ một em bé đi học về hoặc một người quang gánh qua cầu là có tác phẩm ngay. Một tác phẩm đượm tình quê hương mộc mạc. Con kênh nổi tiếng ở Châu Đốc là kênh Vĩnh Tế. Con kênh có từ lâu mà dân sống theo đê vẫn còn quá nghèo.

Qua ngã ba Long Xuyên Rạch Giá, hàng quán nguyên một dãy cho khách đi đường dừng chân. Quán nào cũng quảng cáo toàn các món mắm: Lẩu Mắm, Mắm Lóc, Mắm Sặc, Mắm Thái.. . Tôi lại dị ứng với mắm. Vào quán tôi gọi món Lẫu Lươn. Có hai người ăn mà nồi lẩu to tướng, một con lươn bằng cán rựa nằm khoanh tròn. Màu vàng sậm của lươn lẫn với màu rau, giá, bạc hà.. mùi thơm hấp dẫn. Đặc biệt là cách bài trí đĩa rau sống ăn kèm. Người xếp rau rất có ý, cũng những thứ rau như trong tiệm phở nhưng được sắp thật khéo trong một rá mây bầu dục, lớn cỡ đĩa bàn, thoạt nhìn giống như một chậu kiểng. Có một thứ rau lá lớn chưa thấy bao giờ, tôi hỏi cô bán hàng:

sadec-1.jpg- Cô à, rau này thấy lạ, rau gì vậy?

- Dạ, rau Kèo Nèo.

- Kèo Nèo là rau gì ?

- Thì rau Kèo Nèo ăn với lẫu lươn đó.

Thấy mình hơi ngớ ngẩn, tôi không hỏi nữa. Thì cũng như Lá Mơ với thịt cầy hay Gừng với thịt vịt, Canh Giới với Bún Riêu thôi. Kèo nèo có lẽ là loại rau riêng vùng này trồng. Rau có vị đặc biệt làm tăng giá trị món lẫu lươn, nhưng tên Kèo Nèo nghe không mấy êm tai. Âm hưởng như nhắc nhở thực khách chớ nên keo kiệt. Cho đến bây giờ hương vị lẫu lươn ăn với Kèo Nèo thấy như vẫn còn đâu đây.

Lúc chúng tôi về đến Sa Đéc thì trời đổ mưa, mưa Miền Nam cứ từng chặp, có khi đầu phố mưa cuối phố nắng. Phố xá không lớn, có nét cổ xưa. Nơi đây có một vườn cây cảnh nổi tiếng: Vườn Hồng Tư Tôn. Có lẽ cả nước Việt Nam đều biết tiếng vườn ông Tư. Trước đây có một cán bộ đi công tác Sa Đéc về khoe:

- Vườn Hồng Tư Tôn rộng mênh mông, những luống hồng cao quá đầu, đi bên này không thấy bên kia.

- Hoa đẹp không ?

- Đẹp cực kỳ, hoa to như cái đĩa bàn.

Tôi nghi ngờ, làm gì có thứ hoa hồng to đến thế.

- Chắc Vườn Hồng Tư Tôn có đã lâu ?

- Mấy chục năm rồi. Hôm đó đoàn tôi được ông Tư đãi cà phê ngay ngôi nhà tiếp khách giữa vườn. Ông rất hiếu khách. Khách mua bán, khách thăm, vào ra nườm nượp. Công nhân hơn 30 người.

Gần chỗ tôi ở hồi trước có anh Lục trồng bông, một hôm tôi đến chơi anh cũng cho biết:

- Tôi đã vào Vườn Tư Tôn lấy giống. Ở đó có những giống hồng rất hiếm: Hồng Đen.

Anh chỉ cho tôi một cây hồng đang ra hoa. Hoa màu khói nhang hơi nhạt chứ không đen, lớn cũng chỉ bằng những hoa hồng khác. Nhưng qua những đồn đãi thực hư khiến tôi tò mò phải đến xem .

Vườn Hồng Tư Tôn nằm tại thị xã Sa Đéc, nhà ở ngay trong khu vườn rộng, vào vườn đi qua một cổng nhỏ có tấm biển không lớn lắm: Vườn Hồng Tư Tôn. Ông Tư tiếp tôi niềm nở và đưa tôi đi xem một vòng. Giữa vườn có cái nhà tranh lục giác, nơi ông tiếp khách. Ông Tư lôi ra một cuốn sổ lớn, tôi thấy nhiều khách ghi cảm tưởng. Có cả những ông Tây bà Đầm. Tôi cũng hạ bút mấy câu cho ông vui.

Gọi là Vườn Hồng nhưng vườn trồng đủ thứ, có nhiều giống lạ, các vườn hoa khác không có. Một loại cây tuy thông thường mà làm cho khu vườn rực lên là cây Giền Đỏ, cây trang trí rẻ tiền. Đúng là thứ gì ông Tư cũng trồng từng luống dài tăm tắp. Vườn không rộng mênh mông như lời đồn, người làm cũng chỉ dăm ba thôi. Dĩ nhiên đây là một vườn cây cảnh qui mô, đa dạng đáng thưởng lãm. Nhưng, nhìn chung không được khoa học, nó tạp nham lộn xộn, khác hẳn một vườn ươm trồng theo tổ chức qui mô. Lúc tôi ngỏ ý muốn có ít hạt giống để nay mai mang qua Hoa Kỳ thì ông Tư rất hoan hỉ. Ông dẫn tôi đi qua từng luống và tuốt hạt cho tôi. Vườn ông Tư không có cây kiểng theo lối chơi của nghệ nhân. Lác đác ông cũng tạo một vài tiểu cảnh với non bộ để trang trí một vài chỗ trong vườn chứ không hẵn là một tác phẩm. Vườn Hồng Tư Tôn là một tự điển bách khoa trang trí, có khả năng đáp ứng qui mô cho các tổ chức hội đoàn khi lễ lạc, hoặc cho nhà vườn mua sỉ.

Tuy là kinh doanh nhưng ông Tư cũng rất tình cảm, nghĩa là có máu chơi (nghệ sĩ) nên trong câu chuyện tôi không thấy khó chịu như lúc giao tiếp với những người chỉ biết ròng chuyện mua bán. Đó là lý do tại sao có nhiều người đến thăm vườn ông.

Trở lại nhà tiếp khách, trong lúc dùng cà phê tôi hỏi :

- Thưa Bác, một cơ sở lớn, tốn kém đủ thứ như vầy thì liệu phần thu có khá không Bác?

- Cũng đủ chi phí chăm sóc thôi.

- Thường vào dịp nào khách đông nhất hả Bác ?

- Vào mùa Tết và cũng chỉ các cơ quan nhà nước là mua nhiều.

- Còn khách ngoại quốc ?

- Do các tổ chức du lịch giới thiệu, họ đến thăm chớ ít khi mua.

Tôi nghe nói ngoài Bắc cũng có những nhà vườn lớn ở Ngọc Hà, Nghi Tàm nhưng chắc chắn không có cái phong cách như Vườn Hồng Tư Tôn. Một vườn cây cảnh đã tạo được tiếng vang cả nước, được du khách khắp nơi viếng thăm, đây là điểm son của Sa Đéc mà tôi mới biết lần đầu.



Trần Công Nhung

5-1992

**********************

source

Vien Dong Daily

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét