Thứ Ba, 1 tháng 12, 2009

Đền Vua Đinh


Cập nhật lúc 10:19:46 PM - 08/05/2008

denvuadinh-1.jpgBài và ảnh: Trần Công Nhung

Từ chùa Thầy về lại Hà Nội cũng gần một giờ trưa, chúng tôi vào một quán bún bò ở đầu phố gần lối ra Quốc lộ 1.


Trong khi anh em gọi món ăn, anh Thái chỉ dẫn đường đi:

- Lát nữa anh trở ngược lại lối mình vừa về, qua hai ngã tư, rẽ trái, chạy một đoạn sẽ gặp đường đi Ninh Bình.

- Vào Ninh Bình bao xa hả anh?

- Chừng 50 cây số.

- Thế thì thong thả nhẩn nhơ dọc đường.

- Vâng, trước khi vào Ninh Bình anh sẽ gặp động Hoa Lư.

- Hoa Lư nằm bên đường à ?

- Không, phải chạy vào núi khoảng vài ki lô mét.

Sau bữa ăn trưa chúng tôi từ giã Hà Nội, hai ngày với Nghìn Năm Văn Vật chẳng thấm vào đâu, nhưng cũng đành, vì hoàn cảnh không cho phép. Đúng như lời anh Thái, chúng tôi (tôi và người học trò cũ) nhập vào Quốc lộ 1 về hướng Nam Định cách dễ dàng. Hai bên đường quán hàng chen chúc, hàng hóa tương tự nhau, bánh dầy, bánh cốm, bia hơi. Đặc biệt bia hơi quán nào cũng có. Đọc các bảng quảng cáo mà buồn cười:

Cơm, Bún, Phở Bia Hơi.

Gạch, Ngói, Cát, Xi măng, Đá ốp Bia hơi.

Sửa xe, thay nhớt, Vá ép Bia hơi.

Hớt tóc, Chải gội, tẩm quất Bia hơi..

Bất cứ nghề gì, bán món gì, cái đuôi cũng là Bia hơi. Làm như thiếu bia hơi là tắt thở.

Miền Bắc có một giống cây mà trong Nam không có hoặc rất hiếm: cây gạo. Hôm từ Nha Trang Hà Nội ra đến Ninh Bình, Nam Định, ngồi trên tàu, nhìn những hàng cây hoa nở đỏ bên đường hoặc dọc theo bờ ruộng giữa đồng, tôi cứ ngỡ là cây vông. Giờ chạy Honda nhìn kỹ mới biết không phải, vông dáng thô kệch không như cây gạo, nhất là vông ở Mỹ thì lại xồ xề hơn. Cây gạo miền Bắc dong dỏng cao, thân thẳng lên như cây cau, trên ngọn, nhánh chia đều bốn phía. Mùa xuân hoa nở đỏ. Hai bên đuờng ruộng xanh mướt nhưng không phẳng lì mù khơi như trong Nam. Thỉnh thoảng điểm vài đụn núi vôi, đôi khóm nhà, thơ thẩn một người dắt trâu gặm cỏ. Đời sống ở Việt nam đâu đâu cũng hồn nhiên. Một người chăn một con trâu hay đôi ba con vịt là chuyện thường, không ai nghĩ đến giờ công như ở các nước Tây Phương. Không thấy họ nôn nóng vì thì giờ, ngay cả những người công chức.

Vào địa phận Nam Định, gặp một hàng cây gạo cao vút dài theo một bờ đê hoa còn nở đầy. Nghĩ xả hơi bấm mấy tấm. Chạy một đoạn nữa thì phong cảnh báo hiệu đã đến Ninh Bình. Hướng tây, chập chùng núi vôi, sương chiều và hơi núi làm mờ nhòa từng đợt, cảnh trí rất thơ mộng. Tôi rẽ theo con đường đất lớn, chạy mãi vào núi. Chốc chốc dừng lại ngắm cảnh, bên trái một quả đồi nổi lên giữa thảm lúa xanh, một hai túp nhà nép mình im lìm vắng vẻ. Cứ tưởng tượng đêm về tha hồ nghe nhạc đồng quê (ếch nhái). Qua một xóm nhà, có một xe ca chở khách chạy ra. Dừng bên đường tránh xe, gặp ngay một chị tay cầm liềm đang đi tới. Tôi hỏi thăm:

- Đây là đâu hở chị, trong kia có gì mà hình như xe chở du khách vào đấy ?

- Bác không biết à ? Khách vào tham quan Đền Vua Đinh.

- Vào đền còn xa không chị ?

- Dạ không, bác chạy khỏi xóm nhà kia là đến.

Chiếc xe khách chạy qua, chị nhà quê nhìn lại tôi và hỏi cách tự nhiên:

- Bác ở Hà Nội lên chơi à ?

- Không, tôi đi vào Ninh Bình, ngang qua thấy cảnh đẹp thì ghé thôi. Chị đi làm cỏ lúa hay cắt gì vậy ?

- Dạ em cắt rau ở hồ kia.

Chị vừa nói vừa chỉ về hướng một vũng ao lớn trước mặt ngay bên đường. Dường như ao rau muống. Tôi nảy ý muốn nhờ chị làm mẫu, nhưng rồi không nói mà chờ để chụp.

- Hồ nước có sâu lắm không?

Người đàn bà vừa đi vừa nói:

- Dạ cũng sâu.

- Thế chị lội xuống được à ?

- Dạ em có chiếc thuyền nhỏ sau bụi tre kia.

Thế thì hay quá.

- Bác bảo gì cơ ?

- Không, tôi nói để xem chị chèo thuyền cắt rau thì hay lắm.

Nghe câu nói có vẻ lạ, người đàn bà như lúng túng:

- Chèo thuyền mà hay cái gì hở bác ?

- Không tôi nói thế thôi, chị cứ đi làm việc. Cảm ơn chị.

Tôi vờ tảng lờ dẫn xe đi. Chờ cho chị xuống bến, tôi vội lôi máy ra, đặt lên chân ba càng. Canh đúng lúc chiếc thuyền nan ra giữa hồ, bấm cái xạch. Chị nhìn lên thấy tôi vội hỏi lớn:

- Bác chụp ảnh em đấy à ?

Tôi cũng la to cho chị nghe:

- Không, tôi chụp chiếc thuyền. Cứ thế chống cho mạnh vào.

Không ngờ lại gặp được người mẫu hay thế. Đúng là hay không bằng hên.

Lên xe chạy tiếp. Đền Vua Đinh nằm dựa lưng vào một dãy núi cong. Thời thơ ấu ai mà không biết bài hát Bóng Cờ Lau:

"Anh hùng xưa, nhớ hồi là niên thiếu.

Dấy binh lấy lau làm cờ, quên mình là mình giúp nước,

hết sức giữ gìn đất nước...."

Học lịch sử tôi cứ ngỡ mình học cái gì trừu tượng mơ hồ, không ngờ có ngày được đặt chân đến tận những nơi mà xưa kia cha ông đã lập nên biết bao chiến công hiển hách. Thành Nhà Mạc, Ải Chi Lăng, Thành Cổ Loa, Hoa Lư Động...đều có thật. Tự nhiên lòng vui sướng và hãnh diện vô cùng về đất nước của mình.

denvuadinh-2.jpgTrên bãi đất trống cạnh đền có mấy chiếc xe ca, du khách lố nhố bên trong đền. Vào đền qua Ngọ Môn Quan, rẽ theo hai lối đi lát gạch, giữa có hồ sen có Non Bộ. Vào một cổng nữa gọi là Nghi Môn Ngoại thì đến sân rồng trước khi vào bái đường. Khách Tây khá đông, nghe qua giọng nói, dường như phần lớn là người Pháp hoặc Thụy Sĩ. Họ xem rất kỹ, Camera ghi hình từng chi tiết những tượng và hiện vật trong đền, trong khi người mình đi lướt qua. Giữa toà Thiên Hương thờ bốn vị khai quốc công Thần nhà Đinh (Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ). Hậu Cung, giữa thờ tượng vua Đinh, hai bên có tượng các con. Tuy khuôn viên có đến năm mẫu nhưng đền thì không lớn, khách vào một hai xe là nghẹt cứng. Đền mang vẻ cổ kính mà không đồ sộ như lăng tẩm các vua triều Nguyễn ở Huế. Tôi xem một lúc rồi ra ngoài, hỏi mua một tập tài liệu. Liếc qua vài hình ảnh, không có thì giờ đọc, tôi hỏi ngay người bán:

- Xin lỗi, tôi hỏi cô vài điều được không ạ ?

- Dạ được, ông cứ hỏi.

- Hàng năm tế lễ vua Đinh vào dịp nào hả cô?

- Dạ vào tháng ba âm lịch.

Nói xong cô đọc ngay mấy câu:

Ai là con cháu Rồng Tiên,

Tháng ba mở hội Trường Yên thì về.

Về thăm đền cũ Đinh Lê,

Non Xanh nước biếc bốn bề như xưa.

- Sao lại gọi hội Trường Yên?

- Ấy là lễ hội do hai thôn Yên Thành, Yên Thượng tổ chức.

- Ngày thường tôi thấy cũng đã đông, đến ngày hội chắc khách đông gấp bội.

- Dạ đúng thế.

- Sao địa phương không mở rộng đường cho xe vào ra ?

- Dạ em chả hiểu.

- Đây là Đền, còn Lăng ở đâu cô ?

- Dạ Lăng đặt trên đỉnh núi Mã Yên Sơn. Từ đây lên lăng leo núi khoảng 20 phút

Cô bán sách nhìn vào cái máy ghi âm nhỏ tôi cầm nơi tay :

- Ông có cái đài nhỏ thế cơ.

- Đây là cái máy ghi âm, tôi phải nhờ nó giúp chứ không sao nhớ hết mọi thứ được.

- Ấy chết, nhỡ em nói tầm bậy ông cũng thu vào đấy luôn à ?

- Chẳng có gì quan trọng đâu, tôi chỉ cần những điều thiết yếu thôi mà. À, bên trong tôi thấy cái trống của vua Đinh, lâu đời thế mà vẫn còn nguyên nhỉ.

- Dạ phần lớn di vật đều được phục chế cả đấy ạ.

Câu chuyện đang dở, tự nhiên có một bà nhảy xổ vào :

- Quanh đây có bán gì ăn uống không cô ?

- Dạ thưa không.

Thấy bà khách còn lục vấn, tôi đi ra ngoài tìm chụp thêm vài tấm rồi chạy về Ninh Bình.

Mặt trời đã xuống. Vào đến Ninh Bình trời tối hẳn. Ngay chỗ rẽ vào thành phố có Nhà Nghỉ Công Đoàn, chúng tôi vào luôn. Nhà nghỉ hai tầng chừng mười mấy phòng, vắng khách. Nhà nghỉ tất không bằng khách sạn, song ngủ một đêm, chẳng hề gì. Trong văn phòng có hai cô làm việc. Trong khi làm thủ tục thuê phòng, tôi hỏi thăm:

- Ở đây vấn đề an ninh thế nào hả cô ?

- An ninh thì vô tư ạ. Các anh yên chí.

Một phòng hai giường, có máy lạnh, nước nóng, chưa tới mười Mỹ kim. Tuy bên ngoài có vẻ đủ tiện nghi, song thực tế rất lôi thôi. Nước khi nóng khi lạnh, máy lạnh khi chạy khi không...nhưng nghỉ đến giá cả, chúng tôi thấy chẳng có gì than phiền. Hơn nữa sự đòi hỏi phải tùy nơi, sống mà lúc nào cũng một mẫu mực thì chẳng mấy khi thoải mái.

Trần Công Nhung

9 - 2001

*********************

source

Vien Dong Daily

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét