Bài và ảnh: Trần Công Nhung
[Chợ Cán Cấu]
Chúng tôi khởi hành sớm, trời đang mùa xuân, buổi sáng hơi lạnh. Ba người với chiếc xe hai cầu (4 wheel-drive) bốn chỗ ngồi, rộng rãi thoải mái. Chuyến đi dự tính 7 ngày, nhưng hành trang rất gọn, không dềnh dàng như kiểu gia đình đi picnic.
Qua cầu Chương Dương, xe bon bon ngon trớn. Vùng ngoại ô Hà Nội, ruộng vườn không có gì đặc biệt, nhưng qua các thị trấn thì nhà cửa mới xây cất rất nhiều. Miền Bắc có lối kiến trúc lạ: Nhà nhiều tầng bao giờ trên cùng cũng làm một tháp chóp nhỏ như chuồng chim. Màu sắc thường dùng màu nguyên, xanh, nâu. Hoa văn trang trí thì rườm rà thừa thải. Những kiểu nhà như thế hiếm thấy ở Âu Mỹ. Lúc xe ngang qua một thị xã có trụ sở Ủy Ban Tỉnh, anh lái xe đã nói một cách tự nhiên:
- Mấy ông lãnh đạo này chắc là cốt đồng bóng.
Tường rào, nhà cửa quét màu vôi xanh như màu rắn lục. Quả thật lối thẩm mỹ của đa số người mình bây giờ có hơi kỳ cục. Hoa hoè, lòe loẹt chẳng theo một nguyên tắc nào. Lại ý kiến của bác tài :
- Đấy là dám nghĩ dám làm, mà chẳng bố nào chịu thua bố nào, nên mẫu mã cứ loạn cào cào.
Trông bên ngoài thì rõ ràng có lớn mạnh, không biết bên trong ra sao. Chúng tôi đi qua Vĩnh Yên, Phú Thọ, quá nửa buổi thì dừng chân nghỉ xả hơi ở thị trấn Đoan Hùng. Tôi để ý, thấy các hàng quán bán một loại trái cây lớn bằng quả bưởi Biên Hòa nhưng vỏ xấu xí, màu mốc lốm đốm đen, trông không có gì hấp dẫn. Tôi hỏi chị bán hàng:
- Đây là loại quả gì hả chị?
- Ơ, bác không biết thật à? Bưởi Đoan Hùng đấy, nổi tiếng nhất nước đấy bác ạ. Bác mua ít chục về làm quà nhá.
Tôi cười thầm "Mua nhiều vậy để mở quán bán với chị sao". Anh tài đến nói nhỏ:
- Mua là lầm đấy, ăn tại chỗ thì được.
Chúng tôi ngồi vào bàn, gọi cô hàng gọt cho mấy quả. Không ngờ, ngoài trông xấu xí mà trong ngon thật ngon. Vị ngọt thanh, không có mùi the. Tôi thắc mắc:
- Sao ăn ngọt mà mua thì không được?
- Lúc mua là không phải giống bưởi ngon như thế.
- Thì cả đống giống nhau, sao lại không ngon?
Anh Thái quả quyết:
- Tôi đã bị nhầm một lần hai giỏ bội, mang về Hà Nội, bổ ra, ăn hăng bỏ xừ.
- Tôi không hiểu ?
- Anh thấy giống là giống bên ngoài, thật ra, nhiều loại khác nhau, có khi vì đất trồng. Bưởi Đoan Hùng thật, ít quả nên người ta pha trộn để bán cho có lời. Nước ta có ba giống bưởi ngon nổi tiếng: Đoan Hùng, Quảng Trạch, Biên Hòa.
- Lại có bưởi Quảng Trạch? Vùng nào hả anh?
- Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình, quê anh mà không biết sao?
Cũng lạ, đất nước mình có nhiều thứ ngon hiếm mà không ai chịu tìm cách phát triển, cái gì cũng bí truyền.
12 giờ trưa, chúng tôi đến ngã ba đi Bắc Hà và Laokai. Đây chỉ là thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Yên Bái. Yên Bái có hồ Thác Bà nổi tiếng, hồ rộng lớn trên 20.000 hec-ta, có hàng ngàn đảo nhỏ, có vô số loại cá cung cấp cho cư dân trong vùng. Chúng tôi ăn trưa ở một quán khá đông khách. Bữa cơm có món cá Lăng nướng là ngon tuyệt. Thân cá thon và dài như cá chuồn, thịt ngọt lại không có xương dăm. Cá Lăng đánh từ hồ Thác Bà.
Lúc ra xe anh Thái nói:
- Bây giờ mình theo lối này lên Bắc Hà, sáng mai đi chợ Cán Cấu. Sau đó trở lại đây đi Laokai.
Từ Yên Bái đi Bắc Hà đường càng lúc càng lên cao. Hai bên rừng nhiều cây Bương. Bương thuộc họ với Tre, thân không gai, lá lớn và dài, ít thấy dưới miền xuôi. Trong Nam miệt Bình Dương Lái Thiêu có giống tre tương tự, nhưng lá nhỏ thân nhỏ. Có người gọi là tre cán giáo (?). Anh lái xe cho biết Nhật đang thu mua lá bương, không hiểu để làm gì. Một giống cây nữa Nhật cũng rất thích là cây Sa Me. Hình dáng Sa Me giống như cây Cedar bên Mỹ, cây thuộc họ thông nhiều dầu. Người Nhật mua về chẻ mỏng thay ngói lợp nhà. Tuy nói thế nhưng nhiều người vẫn nghĩ họ còn khai thác gì nữa chứ không đơn giản có vậy.
Chạy chừng hai tiếng thì đã thấy rải rác bản làng người dân tộc. Tôi tỏ vẻ thèm thuồng, anh Thái bảo: "Lát xe sẽ đỗ ngay một bản H'Mong tha hồ chụp". Trời nhiều mây, lúc nắng lúc không, tôi hơi lo. Qua một đoạn đường quanh co và hơi xuôi dốc, đã hiện ra một bản làng nằm bên tay phải, chừng vài chục nóc nhà. Tôi chuẩn bị một mớ chocolat M&M mua ở chợ 99, trẻ con thì cứ kẹo là xong ngay.
Xuống xe, mở ba-lô cho máy vào cổ, vai vác tripod, tôi lần xuống dốc, qua một cầu nhỏ trên con suối cạn nước. Một đám H'Mong con đang ào tới. Trông chúng lèm nhèm áo quần luộm thuộm, chưa hay. Một chị H’Mông cùi con sau lưng đang đi tới. Được lắm. Tôi vui vẻ nói:
- Này đứng đây chụp ảnh, cho kẹo nhé.
Đám nhóc thanh niên nhe răng cười, nói giọng lơ lớ ngang ngang :
- Nó không thích kẹo đâu, cho tiền nó mới thích.
Đúng là cô ả muốn tiền, cứ đưa máy lên là quay mặt đi, phải hứa cho tiền, chị ta mới chịu. Trông người tuổi chừng 14, 15 mà đã đứa dắt đứa cùi. Trong lúc tôi bấm máy đám trẻ bu cứng chung quanh. Tôi muốn ngộp thở. Thiên địa ơi, sao mà chúng hôi thế. Chốc chốc tôi phải tháo ra ngoài vòng vây đứng chụp vào. Trận mở màn bấm cũng đã tay. Xong việc tôi cho 20 ngàn, cả đám đồng hô:
- 50 ngàn, 20 ít lắm, không lấy đâu.
Mấy anh kia nói cứng:
- Người ta làm một ngày có 10 ngàn, chúng mày sao tham thế, không lấy thôi, không cho nữa.
Vậy là cả đám xẹp như cái ruột xe hết hơi. Qua đầu Bản bên kia, có bà cụ đang khâu áo, kiếng đeo mắt phải buộc sợi giây kéo ngược lên đầu, chắc là nặng lắm. Tôi nhờ bà ngồi vào bậc cửa để có hậu cảnh tối, bà không chịu. Một thanh niên đứng cạnh giải thích:
- Không ngồi được.
- Tại sao?
- Tục lệ không cho phép.
Đàn bà H'Mong không được ngồi ngay bậc cửa ra vào. Đặt một khúc cây để ngồi thì không sao. Hình như trước đây người Kinh cũng kiêng cử điều này. Bà già dễ tính, bảo sao nghe vậy, không ngúng nguẩy như bọn trẻ. Lúc cho tiền bà vui vẻ nhận, không đòi hỏi gì. Lên xe anh Thái góp ý: “Mình đổi tiền lẻ 5,10 ngàn, chỉ thế thôi. Tụi này nó quen thói mấy thằng Tây đấy. Tây nó hay cho nhiều”. Tôi vẫn bị ám cái mùi H'Mong.
- Các anh à, sao người H'Mong họ hôi thế ?
- Thì nửa năm họ mới thay áo váy một lần.
- Đúng thế à?
Bác tài lại khôi hài:
- Vậy mà bọn Tây lại thích cái mùi đó, chúng cứ đòi mua bộ áo váy đang mặc chứ không chịu mua đồ mới, đồ mới không thật. Đám H'Mong lại chui vào bụi lột đồ cũ ra bán.
[Dinh Vua Mèo]
Đường càng lên cao, trời đã hanh nắng nhưng cảnh vẫn chưa có gì hấp dẫn lắm. Bên dưới thỉnh thoảng có ruộng bậc thang, song đường nét không tương phản nên không hay. Ruộng bậc thang phải đi vào mùa lúa vàng hay mùa bắt đầu cấy mới đẹp. Mùa này ruộng và bờ trơ một màu cỏ khô, chẳng có gì đáng bấm máy. Thỉnh thoảng chụp là vì tiếc rẻ hoặc ghiền. Thế thôi.
Bốn giờ chiều chúng tôi đến thị trấn Bắc Hà. Chỉ mỗi con đường chạy ngang thị trấn là tráng nhựa, những lối dẫn vào các buôn làng đều đường đất đỏ. Bao quanh là núi đồi âm u. Buổi chiều, mấy đỉnh núi phía bắc mây phủ nhập nhòa làm tôi liên tưởng đến núi Văn Dú trong tác phẩm Vàng và Máu (Thế Lữ). Trời còn nắng mà nghe chừng lành lạnh, cái lạnh muôn thuở của núi rừng Việt Bắc. Sau khi nhận phòng nghỉ, tôi dạo một vòng xem qua sinh hoạt của dân thị trấn. Một vài quán ăn, mấy bàn bi-da, một cửa hàng thuốc tây nho nhỏ. Cảnh đượm vẻ đìu hiu. Đây chỉ là chỗ dừng chân cho du khách chờ đi chợ Cán Cấu vào mỗi sáng thứ Bảy. Nó như là một ga xép trên lộ trình dài nên dịch vụ chỉ nhắm vào du khách chứ không cho dân địa phương. Tạt vào một quán café Internet để đọc điện thư (email), hỏi ra 1 phút 1000, ở Hà Nội, Huế, 1 giờ chỉ 3000 đồng. Tuy vậy máy không lên mạng được, vì trạm chuyển quá yếu.
Bắc Hà có một di tích đặc biệt, dinh Vua Mèo. Một ngôi dinh thự xây cất từ thời Pháp thuộc còn sót lại, hoang phế, không ai ở. Ngày trước, ở đây toàn người Mèo và được trị vì bởi một vị Vua. Dân địa phương cho hay, Pháp muốn thuê dinh này để khai thác về du lịch nhưng nhà nước Việt Nam không đồng ý. Bỏ hoang như thế để làm gì, chẳng ai biết.
Tôi đi thơ thẩn cho đến khi ngày tắt hẳn. Tiếng hót của vài chim họa mi trong lồng pha lẫn tiếng chim rừng, làm cho cảnh phố thị miền sơn cước có nét buồn đặc biệt. Tôi chợt nhớ hai câu trong bài thơ “Chiều” của Xuân Diệu:
Êm êm chiều ngẩn ngơ chiều,
Lòng không sao cả hiu hiu khẽ buồn...
Trần Công Nhung
4 - 2002
*********************
source
Vien Dong Daily
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét