Thứ Tư, 2 tháng 12, 2009

Tản mạn đường xa (1)



Cập nhật lúc 2:45:36 AM - 26/09/2008

179_h3w.jpgBài và ảnh: Trần Công Nhung

(Loạt bài này xin ghi lại cảm nghĩ “nóng” qua nhiều chặng đường nên tôi không đi vào mô tả, kể chuyện như lâu nay. Độc giả đón xem những bài viết riêng về từng nơi trong những kỳ tới).

[Chiều Việt Bắc]


Nhiều năm tôi đã đi gần như khắp mọi miền đất nước, đất Mũi, Móng Cái, Hà Giang, những nơi mà từ thời thơ ấu cho đến nay chỉ biết qua bài vở sách đèn. Các nhà văn nhà thơ, nhạc sĩ quả là người có tài, tài thiên phú nên tác phẩm của họ lôi cuốn bao nhiêu lớp người, trong đó có tôi. Rồi tự lúc nào không biết, tôi đã mò mẫm tìm đến những nơi chốn xa xưa trong Vàng và Máu (Thế lữ), Hồn Bướm Mơ Tiên, Nắng Trong Vườn ( Khái Hưng)... Có những buổi sớm mai ra làng Ngọc Hà trên đê Yên Phụ để tìm hình ảnh những cô gái hàng hoa, để nghe lại nhạc phẩm Mơ Hoa, bài hát Dzoãn Mẫn sáng tác thời còn là học sinh trường Bưởi, ông yêu thầm cô nữ sinh hàng xóm rồi gởi hồn vào cô hái hoa:

“Cô hái hoa ơi, xin vào với tôi tôi, hoa dù héo khô,

tôi còn mến hoa”.

Tôi đã thả bộ trên đường Cổ Ngư vào những buổi tối mùa hè, nơi nam nữ dập dìu tình tự một thời rất đẹp trong văn chương Tự Lực Văn Đoàn. Tôi đã lên núi rừng Việt Bắc, ngắm cảnh hoàng hôn nhuộm ráng hồng để có những khoảnh khắc lâng lâng bồi hồi...

Vậy nhưng, tất cả cảm xúc đó không làm tôi hả hê, tôi ao ước mình chủ động hơn trong lúc trôi dạt đây đó, không lệ thuộc xe tàu, nhất là cứ theo ôm một ông xe máy, vừa mất thì giờ vừa trở ngại công việc.

Năm 2007 tôi quyết định mua một chiếc xe gắn máy. Xe máy ngày nay ở Việt Nam tràn lan như ngô khoai, tất nhiên có nhiều loại đắt rẻ khác nhau. Có thứ trên 8000 USD (Dayland) có loại vài ba chục triệu VND (xe ga Nhật), bình dân, nhà nghèo có xe Đại Hàn, Trung Quốc, VN, giá chỉ dăm bảy triệu.

Một buổi sáng cà phê bên hè đường Hồng Bàng (Nha Trang) có anh bạn khoe mới lấy chiếc xe rẻ, đẹp, 5 triệu rưỡi. Tôi nói ngay suy nghĩ của mình và nhờ hướng dẫn mua một chiếc. Không ngờ chủ tiệm là người đã mua căn nhà của tôi lúc tôi qua Mỹ định cư. Chủ xe “hồ hởi” hỏi thăm đủ thứ, ông bảo tôi khác hơn xưa, tôi có da có thịt và trẻ ra. Tôi mừng cho ông từ thợ may mui nệm trở thành ông chủ lớn. Tôi nói: “Bây giờ ông là đại gia, còn tôi chẳng có gì, theo ‘đế quốc’ chỉ thế này thôi”. Nửa đùa nửa thật ông khẳng khái: “Không đâu bác ạ, nếu cho em mang vợ con đi tất, thì qua Congo, da đỏ da đen gì em cũng đi”. Bàn sang chuyện mua xe, ông khuyên tôi: “Bác thêm một tí, lấy chiếc 6 triệu rưỡi, tốt hơn nhiều”. Sau khi hỏi rõ “chất lượng”, tôi đồng ý và thực hiện ngay chặng đường đầu tiên (1): Sài Gòn Định Quán Thác Mơ - Sài Gòn Long An Lấp Vò (Đồng Tháp).

179_h1w.jpg

[Hành trang]

Điều lý thú là mình chủ động được giờ giấc không phải đợi chờ, không bị thúc hối, nhanh chậm, do mình. Bất cứ lúc nào thích cứ thoải mái dừng xe chụp ảnh hay tu một hơi nước trà mang theo, ngắm nhìn cảnh trí hai bên đường từ bụi hoa dại dưới chân, đến cánh đồng lúa ngoài xa, hay giòng sông uốn mình trong nắng mai thấp thoáng mấy con đò... Mỗi địa phương, mỗi miền, quang cảnh đều khác nhau, không hề trùng lặp, càng đi càng được chiêm ngưỡng, càng có bao nhiêu cảm nghĩ mới tinh, bao nhiêu điều mà cho dù có mô tả hàng nghìn trang sách cũng chẳng thấm vào đâu.

Có những nơi đã đi qua, vài năm sau trở lại cảnh khác hẳn. Làng nổi La Ngà sáng chẳng giống chiều Hạ chẳng giống Thu. Đoạn đường từ Sài Gòn lên Định Quán chừng 150km nhưng muôn trùng hình ảnh cần ghi. Qua từng khu phố, từng vùng cư dân ngoại thành, từng thị trấn, quận huyện, mỗi nơi sinh hoạt đời thường một khác. Với tôi dường như cuộc sống lúc nào cũng mới mẻ, mới mẻ cả nỗi khổ niềm đau, cả những điều mỉa mai chua xót... Và tôi không hề thấy nhọc nhằn khi qua những đoạn đường bị cày xới như lúc chạy hơn 30km trên đỉnh núi trùng trùng từ Nà Hang (Tuyên Quang) lên Hà Giang trong lần tìm về Chợ Tình Khâu Vai (huyện Mèo Vạc), đoạn đường mà tôi nghĩ không còn gì cực nhọc hơn. Cũng có những ngày mưa tầm tả nhưng đang nhỡ đường không thể dừng chân, hay cả những đêm khuya phải chạy vì công việc bắt buộc (2). Nhiều bạn bè cho rằng tôi liều, ngay chiếc xe cũng đã nói lên điều đó. Đường xa một mình ai mà chạy thứ xe dổm như vậy. Tôi cũng hiểu thế, song với tôi không nệ chổ đẹp mã mà sử dụng hợp lý, vừa với sức mình. Tất nhiên qua thời gian cũng phải chỉnh sửa thay thế nọ kia mới tiếp tục được (3).

Chiếc Funky của tôi nhái theo xe Wave của Nhật, trông cũng “cáo cạnh” như ai, không ai tin xe sáu triệu. Tôi không bắt nó chạy quá mức, cũng như tôi, mệt thì nghỉ. Và, thử nghiệm một vài chặng, mỗi chặng vài ba trăm cây số, tôi thấy nó cũng good, không đến nỗi nào. Một điều mà sau nhiều năm tôi mới nhận ra là cố gắng thu gọn mọi thứ, gọn đến mức mọi thứ vừa đủ khoác trên vai. Trong lần trở lại Cali vừa rồi tôi tặng hãng Cathay 120 lbs. hành lý, tôi không có gì để gửi, những gì không cần thiết tôi bỏ lại dọc đường.

Đổi dời theo kiểu du mục, gọn bao nhiêu dễ xoay sở bấy nhiêu, mà chả riêng gì tôi, “Tây Ba Lô” cũng cùng kiểu cách, tuy nhiên do họ có sức lại có máu thích tha của lạ về khoe bạn bè nên anh chị nào cũng mang vác è vai. Trên đoạn đường QL 1 từ Vinh vào Hà Tĩnh tôi gặp một chàng thanh niên cắm cúi đạp xe. Cứ cách ăn mặc và hành trang thì anh không phải người địa phương. Tôi cặp xe vào hỏi chuyện, anh là người Đại Hàn, anh đi từ Hà Nội về Sài Gòn. Tôi cũng vui vẻ cho anh biết: “Tôi từ Hải Phòng về Sài Gòn, rất tiếc tôi không có xe đạp để làm bạn đường với anh”. Anh tỏ ra rất hứng khởi và cảm ơn tôi. Tôi nghĩ anh chàng này có lẽ vừa tốt nghiệp đại học, hoặc giả vừa hoàn tất một công trình nghiên cứu nên muốn làm một cuộc vi hành để thể nghiệm sức lực của mình, để có cơ ứng phó với thiên nhiên trên chặng đường dài.

Lần đầu tiên tôi biết thế nào là gió Lào; gió Lào do cấu tạo của dãy Trường Sơn chỉ thổi vào các tỉnh bắc Trung Bộ: Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh... vào những tháng hè. Phải nói là hơi lửa lò mới đúng, nóng bỏng da, nóng rát mặt, nóng muốn ngộp thở. Nóng quá tôi không dám dừng nghỉ, cố chạy về Đồng Hới trước khi trời chiều. Thế nhưng khi gặp quả núi như nón úp bên kia cánh đồng lúa chín vàng, ngọn núi đã bao lần tôi chụp từ trên xe khách đều thất bại do vướng đủ thứ linh tinh. Hôm nay lại có thêm một trời mây làm phông, thật tuyệt, tôi không còn thấy nóng, tôi xuống xe ngay chỗ có đàn vịt dưới mương bên đường. Tôi nhờ em chăn xua vịt lên lộ, vừa lúc có một chiếc xe vụt qua... tôi được tấm ảnh mơ ước lâu nay. Tấm ảnh mang vẻ đẹp mạnh mẽ của quê hương, một vùng quê bao la mà ấm cúng, vắng lặng mà không cô đơn. Tôi lên xe phóng nhanh để bù lại khoảng thời gian vừa dành cho nghệ thuật.

179_h2w.jpg

[Đường qua Hà Tĩnh]

Suốt hơn trăm cây số, hai bên đường không quán hàng nào có lấy một quả dừa. Dừa miền Bắc uống đỡ khát và an toàn chứ chẳng mùi vị gì. Tôi nghe nói đoàn hành hương của Thiền sư Nhất Hạnh về VN chỉ ăn bắp luộc và uống nước dừa (phòng ngộ độc?). Lần chạy xe từ Hưng Yên qua Hải Dương về Hải Phòng, một quán nghèo giữa đồng quê lại có nguyên quầy dừa tươi. Quán nép dưới bụi tre già, thật lý tưởng cho khách đường xa. Tưởng nơi chốn quạnh hiu thì hàng hóa thường đắt, thậm chí nói giá bao nhiêu cũng được, thế mà quả dừa chị chủ quán chỉ tính 7000 đồng. Tôi đưa luôn chị tờ 10000. Chị ra điều biết chuyện hỏi lại:

- Bố làm văn nghệ à?

- Không tôi chỉ thích đi ngao du đây đó.

- Thế Bố chạy từ đâu về đây?

- Hà Nội-Hưng Yên, bây giờ qua Hải Dương-Quảng Ninh rồi về Hà Nội.

- Bố chạy ác chiến thế!

Nước dừa tươi thấm mát ruột gan, tôi tiếp tục lên đường cứ như lúc mới khởi hành. Qua những cánh đồng lúa miền Đông Bắc bằng phẳng chạy dài, na ná đồng lúa miền Nam, qua những đoạn rừng già như rừng Cúc Phương hay chạy xe trên đê sông Hồng, sông Lam, sông Đáy, quả thật nhiều lý thú, nhiều cảm xúc, và thực sự tôi có nhiều đổi thay trong suy nghĩ về quê hương xứ sở.

Tôi không có mặc cảm gì về những quyền uy tranh giành sở hữu sơn hà xã tắc, cho dù đó là vị Đại Vương Vua Chúa một thời. Trái lại tôi sung sướng tự hào mình có một quê hương tuyệt vời, một xứ sở đi hoài không hết, một nơi chốn ấm áp tình tự dân tộc đã cho tôi bao kỷ niệm êm đềm. Nhưng cũng không ít nỗi buồn khi chứng kiến nhiều “công trình tôn tạo” mà phá hỏng, hủy đi giá trị của cảnh vật đã có từ bao đời nay. Những sửa sai đổi mới làm trì trệ đà phát triển đất nước chỉ vì lòng tự cao tự đại về sự hiểu biết thô thiển của mình... (4)

Trần Công Nhung

4 - 2008

(1) Đọc bài viết về mỗi nơi đã đăng, sẽ đăng.

(2) Chợ Ma bán chiếu

(3) Đứt sên bể bạc đạn ở Đức Thọ (Nghệ An), ruột xe xì ở Quảng Bình...

(4) Sửa đổi nền giáo dục mấy chục năm nay, tôn tạo di tích thắng cảnh để thu tiền du lịch... Thử nghe tiếng kêu trên báo hàng ngày, thử nhìn Hòn Chồng (Nha Trang), suối Cat Cat (Sapa), Thác Đa (Hà Tây)...

***********************

source

Vien Dong Daily

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét