Vườn cacao ở Long An
Bài và ảnh: Trần Công Nhung
Tôi đang nghĩ cách gặp ông nội cô hàng thì có một ông già trong nhà bước ra, đóan là ông chủ vườn, tôi hỏi thăm và nói ý định của mình, ông vui vẻ ngay. Ông dẫn tôi ra sau vườn, nói rõ xuất xứ giống cây Cacao.
Một vườn cây dầy đặc, cây cao quá đầu người và cành nhánh xòa ra ngay từ dưới. Cây trồng không hàng lối nên cứ phải luồn lách mà đi. Lá giống lá cà phê nhưng lớn hơn nhiều. Hoa trái không đều, cây quả lớn, chín vàng như xoài tượng, cây quả còn nhỏ như quả bàng, cây lại mới chớm hoa; hoa li ti bằng hột nút bóp, ra ngay trên thân tựa cây Sung. Hoa trắng, quả non màu xanh, quả chín màu vàng hoặc tím. [Xem thêm bài “Về lại Long An”]
Đến giữa vườn tôi dừng lại hỏi ông già:
- Bác lấy giống ở đâu, tôi chưa thấy ai có.
- Giống này do tụi Đài Loan mang sang trồng.
- Vậy sao, nhưng trên thị trường không nghe nói?
- Đài Loan nó trồng ở miệt Bình Đại, Ba Tri, Bến Tre.
Thấy tôi hăm hở nghe, ông già kể hết câu chuyện về cây Cacao. Nguyên là người Đài Loan đi nghiên cứu thổ nhưỡng để khai thác Cacao, thấy ở Bến Tre trồng được mới lập dự án cho dân vay tiền, ai có đất, mỗi mẫu được vay 50 triệu đồng. Họ cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng. Đến mùa thu hoạch, bán cho công ty 40 nghìn đồng 1 kí lô hột. Quả loại lớn, 10 quả được một kí hột. Dân mình thấy có người giúp vốn làm ăn, lại mua trước sản phẩm, ai cũng ham, đua nhau trồng. Hợp đồng có một điều kiện là không được bán quả hoặc cây ra ngoài. Công Ty Đài Loan, chế biến bột Cacao tại chỗ rồi mang về Đài Loan xuất khẩu. Kiểu giống như trà Sơn Tuyết ở Mộc Châu (3).
- Vậy sao bác có giống trồng?
- Tôi nhờ bà con dưới đó cho mấy hột rồi gầy ra từ từ.
- Cacao từ lúc ương đến khi có trái bao lâu bác?
- 3 năm.
Lúc trở vào ông già chỉ cho tôi một đám cây Cacao con và cho biết cây ông ươm, trồng hai năm có quả.
Cảm ơn ông già, tôi quay ra, thấy Nguyên đang chuyện trò với cô bán Cacao.
- Chiều rồi, mình đi kiếm gì ăn. Long An tôi không rõ lắm, để hỏi mấy xe ôm.
Xe ôm mà chuyên nghiệp thì thứ gì cũng biết. Họ như cuốn tự điển sống. Lắm lúc mình chẳng hỏi gì họ cũng tự động khai, quảng cáo những món đặc sản địa phương. Một bác xe giới thiệu Long An có lẩu dê Việt Ấn nổi tiếng . Chúng tôi chạy ngược lại lối vào thành phố, ngay gần ngã ba, một dãy lẩu dê. Việt Ấn rất đông khách, nổi tiếng là phải. Tôi kéo Nguyên ra vườn sau, chọn một chòi riêng, nhân viên phục vụ toàn nam, trẻ tuổi, cậu nào cũng vui vẻ mau mắn. Lẩu ăn với bún, một nồi lẩu cho hai người, thêm hai chai Heineken. Nhà hàng miệt vườn được cái không khí êm ả, vừa thưởng thức món ăn vừa chuyện trò, ôn lại sự việc trong ngày, và cũng là thời gian xả hơi thư giãn. Trái lại những khu ăn uống lớn ở Sài Gòn chỉ mệt mỏi vì tiếng la hét của bàn tiệc liên hoan “sơ kết, chung kết, tiễn đưa”.
- Em có nhận ra dê thật dê giả không?
- Thật giả sao chú?
- Có lần tôi ra một nhà hàng quen ở Bà Rịa (4), chủ nhà hàng cho biết, nhiều quán bán lẩu dê nhưng là bò giả dê. Nhất là vú dê làm gì mà nơi nào cũng có.
- Mình không chuyên cũng khó biết chú nhỉ?
- Đúng vậy, ở đời còn nhiều thứ nữa chứ đâu phải chỉ chuyện ăn. Có đi mới biết. Ngay chuyện của mình, lắm khi chú buồn cười trước những anh “múa rìu qua mắt thợ”.
- Nghĩa là sao chú?
- Chẳng hạn kinh tế học là môn chuyên của Nguyên, chú chỉ chuyên về ảnh, chú lại đăng đàn nói thao thao về kinh tế bằng những kiến thức thô thiển thì buồn cười quá.
- Nhưng cháu nhận thấy có người rất thành công.
- Vâng, thành công một, phá hoại mười. Nào, cạn ly.
Nói vậy mà cả hai chúng tôi chỉ nhắp nhắp chứ không ai có khả năng “dô 100%”.
Nồi lẩu đã cạn, bia còn nửa chai, ra khỏi quán, chúng tôi chạy một vòng qua các phố. Ban đêm Long An cũng hiền hòa, ít ra bộ mặt bên ngoài. Không có những “Làng nướng, làng lẩu, những trung tâm ăn uống, trung tâm vui chơi” như những nơi khác. Thói quen đi nghỉ sớm, tôi trở về khách sạn.
Sáng hôm sau, tôi đánh thức Nguyên dậy lúc 5 giờ, đi xem những sinh hoạt đầu ngày của thành phố. Thành phố không có cảnh nhóm lò tỏa khói hai bên hè, không có những bà nách xôi đi bán dạo. Sinh hoạt yên lặng ngăn nắp. Chạy tìm lanh quanh mới thấy có quán phở đông khách, phở Khánh Trang. Phở thì nơi nào cũng thế, khác nhau hương vị nước lèo. Vậy nên đi đâu phở cũng được tiếp đón như đón người quen thân.
Điểm tâm xong chúng tôi đến cà phê Mỹ Thuật. Vào cà phê như vào công viên cây xanh của nhà nước. Vườn trưng bày toàn cây kiểng nhiều chủng loại, nhiều dáng thế, nhiều “size”. Chậu nhỏ một người bê, chậu lớn hai ba người khiêng, có những gốc đại thụ như me, bồ đề thì phải dùng xe cần cẩu.
Một căn nhà giữa vườn, rải rác đó đây những chòi tranh một bàn vài ba ghế. Khách cặp hay nhóm nhỏ thường đến trước chiếm chỗ. Những chòi sát bờ hồ rất thơ mộng, nước trong mát, cây xanh rủ bóng, tha hồ chuyện tâm tình.
Cảnh nên thơ nhưng khách không đồng đều, nhìn qua thấy đủ các thành phần lao động, đủ lớp tuổi. Mốt ăn chơi bây giờ là thích kiểu cách cổ kính, bên ngoài khoác một lớp áo “văn hóa nghệ thuật cao”. Cà phê vuờn, nhà hàng cung đình, là mẫu mã đang được ưa chuộng. Tôi hỏi Nguyên thấy cây kiểng thế nào. Người bạn trẻ nhìn cây kiểng cũng như nhìn áo quần treo trong tiệm. Tôi nói một vài ý niệm về Bonsai và chỉ cho Nguyên cái đẹp của nghệ thuật chơi cây, cũng như những bất cập của chủ nhân trong một vài thế cây đáng lý phải được làm hay hơn thì lại làm cho cây tầm thường quá. Nguyên ngạc nhiên, không ngờ chuyện hàng ngày lại có ý nghĩa cao như vậy.
Cô hầu bàn đưa ra hai ly cà phê trong lúc tiếng hát của Elvis Phương phát ra từ mấy loa bự treo hai đầu quán. Những nhạc phẩm quen thuộc một thời trước 75: Nắng chiều, Nắng Thủy Tinh, Ai về bên bến sông Tương…gợi lại biết bao hình ảnh, bao kỷ niệm của ngày tháng đã qua. Nhưng thật tiếc, không hiểu sao tôi không thưởng thức được giọng hát ca sĩ này. Âm sắc bén như dao, nó xoáy vào màng nhĩ cách khó chịu. Theo tôi anh nên hát những bài như “Bão nổi lên rồi, Tiếng đàn Ta Lư, Tiểu đoàn 307” hay “Em đi làm tín dụng” (nhạc giải phóng), có lẽ thích hợp hơn. Lúc cô gái trở lại tính tiền, tôi hỏi mượn dĩa nhạc xem thử, dĩa Mộng Dưới Hoa, mười mấy bài do Elvis Phương hát. Tôi không ngạc nhiên khi nhìn hình ca sĩ in trên bìa, ảnh như ảnh tài tử “cải lương Thượng Hải”.
Hai hôm được nhìn thấy, được ăn uống, được nghe, bao nhiêu thứ, từ “cổ” tới “kim” mà không phải mất sức, không hao tốn bao nhiêu, thế cũng đáng cho một một chuyến ngoại dã. Tôi hỏi người bạn trẻ: “Em thấy chuyến đi thế nào?” - “Em thích lắm, đi với chú được biết nhiều thứ bên ngoài nhà trường, nếu không có những nhận xét của chú, em không nhận ra cái hay của tiếng hát E. Phương, không thấy được giá trị của nét văn hóa cổ, không biết được cuộc sống của tầng lớp dân nghèo…lại còn được hiểu thêm đôi nét nghệ thuật dân gian”.
Trần Công Nhung
8-2007
(3) Đọc Đi Hòa Bình (QHQOK 2)
(4) Đọc Bà Rịa Long Hải (QHQOK 5)
***************************************
source
Vien Dong Daily
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét