Thứ Năm, 3 tháng 12, 2009

Chùa Bà Thiên Hậu


Cập nhật lúc 12:15:51 AM - 24/04/2009

206-h2.jpg

(Chùa Thiên Hậu)
Bài và ảnh: Trần Công Nhung

Đã là dân nhiếp ảnh không ai không biết Chùa Bà, một trong những ngôi chùa lớn của người Hoa ở Chợ Lớn. Ngôi chùa tọa lạc tại 710 đường Nguyễn Trãi, quận 1 Sài Gòn.


Thật tình tôi cũng không rõ lắm về gốc tích ngôi chùa này. Có người gọi Chùa Bà Thiên Hậu. Chùa kiến trúc và thiết trí thờ phượng theo lối người Hoa. Chùa có chuông đồng đúc từ năm 1830. Đặc điểm của ngôi chùa ngoài công trình kiến trúc đồ sộ còn hình ảnh những giây nhang vòng xoắn trôn ốc, treo đầy khoảng sân phía trước Chánh Điện. Nắng lên cao, soi bóng những vòng nhang xuống nền gạch, tạo những hoa văn lạ mắt. Ngày vía lễ, khói nhang tỏa đặc, làm cho hình ảnh các giây nhang ẩn hiện mờ tỏ đượm vẻ linh thiêng.

206-h3.jpg

(Nhang vòng trong chùa)

Chùa thờ bà Thiên Hậu là chính. Bà được người Quảng Đông gọi là “A Phò” (Đức Bà). Người Phúc Kiến và Hải Nam thích gọi bà là "Đạo Mẫu". Bà có tên thật là Mi Châu, sinh ngày 23 tháng 3 (âm lịch) năm Giáp Thân (1044) ở Phước Kiến (Trung Quốc). Theo truyền thuyết thì một hôm cha Bà là Lâm Tích Khánh cùng hai anh trai đi thuyền chở muối đến Giang Tây, giữa đường gặp bão lớn. Lúc đó Bà đang ngồi dệt vải cạnh mẹ, xuất thần biến đi cứu cha và hai anh. Trong lúc Bà đang dùng răng cắn áo cha, hai tay nắm hai anh kéo vào bờ thì nghe tiếng mẹ gọi, ép Bà trả lời, Bà vừa mở miệng thì sóng cuốn cha đi mất dạng, chỉ cứu được hai anh. Từ đó những ai đi biển gặp nạn, đều khấn vái Bà. Năm Canh Dần (1110) nhà Tống sắc phong cho Bà là "Thiên Hậu Thánh Mẫu". Những nơi có đông người Hoa cư ngụ thường có chùa Bà, như chùa Bà trên đường Chi Lăng gần bến đò Cồn (Huế), Chùa Bà Bình Dương… đến ngày vía lễ không những người Tàu mà cả người Việt cũng đi lễ rất đông.

Sáùch Đại Nam Nhất Thống Chí ghi: Cách huyện Bình Dương 12 dặm, ở phía tả và phía hữu đường quan lộ. Nơi chợ có đường thông ra tứ phía đi liên lạc như hình chữ "điền", nhà cửa phố xá liên tiếp thềm mái cùng nhau, người Hán, người Thổ ở chung lộn dài độ 3 dặm, đủ cả hàng hóa trăm thức, ở bên sông Nam và Bắc không thiếu món gì, đầu phía Bắc đường lớn có đền Quan Công, quán Tam Hội, xây cất đối nhau phía tả và phía hữu. Phía Tây đường lớn có chùa Thiên Hậu...

Kiến trúc Chùa Bà hoàn toàn theo đặc trưng của người Hoa, đây là tổ hợp 4 ngôi nhà liên kết tạo thành mặt bằng giống hình chữ "khẩu" hoặc chữ "quốc". Ba dãy nhà ở giữa tạo thành tiền điện, trung điện và hậu điện. Giữa các dãy nhà này có một khoảng trống gọi là thiên tỉnh (giếng trời), giúp không gian chùa thoáng đãng, đủ ánh sáng cho hậu cung và có chỗ thoát khói nhang. Trang trí ở các điện là hình hoa lá, chim thú và hoành phi, câu đối, thường là màu đỏ, vàng, tạo sự ấm áp, tin tưởng. Chùa còn có các bức tranh đắp nổi hình thú thuộc "tứ linh". Chùa có gắn các phù điêu bằng gốm dày đặc từ trên nóc chùa, mái, hiên chùa cho đến các bàn thờ, vách tường... do 2 lò gốm Bửu Nguyên và Đồng Hòa sản xuất vào năm 1908. Kiến trúc độc đáo này được nhà cổ ngoạn Vương Hồng Sển khen ngợi như sau:

...Chùa ngày nay như ta thấy, toàn xây bằng vật liệu bên Tàu đem qua, từ viên gạch, tấm ngói, đến những đồ gốm gắn trên mái nóc đều do thuyền buồm chở sang đây, đến cách thức phong tô cũng giữ y thể thức Tàu, gạch xây liền mí không tô hồ, đếm rõ từng tấm một, lằn hồ thẳng đường thẳng lối khít rịt và ngay bon như vẽ, thiệt là rất khéo và tưởng chừng thợ kim thời khó làm sắc sảo hơn được nữa. Truy ra chùa nầy trùng tu năm 1860 (Hàm Phong năm thứ 10). Ngày nay đứng sân chùa ngắm lên các cảnh chưng trên nóc bằng đồ gốm nung bên Tàu là biết được những phong tục Trung Hoa cổ thời, thưở vua chúa còn trị vì: Đả võ đài, thi đậu vinh quy, công chúa tuyển phò mã, v.v., những vật này đáng được liệt kê vào sổ cổ tích vậy.

Trong chánh điện còn 2 đại đồng chung niên hiệu Càn Long năm thứ 60 (1796) và Đạo Quang năm thứ 10 (1830). Trung điện có bộ lư phát lam lớn niên hiệu Quang Tự thứ 12 (1886). Trong tủ kính lớn ở chánh điện là tượng Bát Tiên và tướng lịnh của D'Ariès (1860) cấm các binh sĩ Pháp và Y Pha Nho phá phách. Hai bên bộ lư là kiệu sơn son thiếp vàng, bằng gỗ tốt, dành rước Bà vào ngày vía với chiếc thuyền rồng chạm hình nhân, rước theo cùng với kiệu Bà. Ngoài ra, chùa còn khoảng 400 đồ cổ, gồm nhiều tượng gỗ, tượng đá, bia đá, chuông nhỏ, lư đồng, lư đa, hoành phi câu đối, tranh đắp nổi… Tất cả những cổ vật này đều được chế tác rất công phu, tỉ mỉ với những đường nét tinh tế.

Đối với giới nhiếp ảnh thì Chùa Bà hấp dẫn nhất là trong ngày lễ hội, nhang vòng treo dày đặc trong chánh điện, khói hương mịt mù ánh sáng trời xuyên qua vẽ từ vùng hào quang lung linh giữa đám người lễ bái. Đã có nhiều tác phẩm trúng giải quốc tế nhờ chủ đề Chùa Bà.

206-h1.jpg

(Lễ chùa – ảnh Lê Nguyên Anh)

Mấy năm trước tôi có ghé qua Chùa Bà Thiên Hựu, và trong khi đi tìm “đề tài” tôi đã đã gặp một người “thầy thuốc”. Chuyện người “thầy thuốc” tôi có viết trong cuốn QHQOK 2. Do chưa đủ thời gian kiểm chứng tôi đã ngộ nhận lúc đầu và đã làm cho không ít độc giả tin theo (1). Xin trích một đoạn:

“Chiều hôm sau Khánh (người thầy thuốc) gọi hỏi thăm, không hiểu trao đổi với anh như thế nào mà anh biết tôi có bệnh tiểu đường. Anh hỏi cặn kẽ rồi kết luận:

- Bệnh của chú như vậy là nhẹ, mới chớm, nhưng nên chữa dứt từ đầu. Sáng mai chú đến cháu bắt mạch làm thuốc cho chú….

Đúng hẹn, tôi mang ảnh đến cho Khánh, anh ở tại 55 Lương Nhữ Học P10, Q5-Sài Gòn. Đến nơi tôi thấy trước nhà có treo bảng hiệu “An Ngươn Đường”... Khánh bảo tôi ngồi nghỉ một lúc rồi xem mạch. Anh nói:

- Tiểu đường là do Tụy Tạng yếu, không đủ lượng insulin để tiêu thụ đường. Phải chữa ngay tụy tạng.

Lối chữa của Đông Y là chận ngay từ gốc. Tây Y thì phát đâu đánh đó. Gãy tay gãy chân, mổ xẻ, là phần việc của Tây Y. Ngày nay không ai chối cãi "quyền thay tạo hóa" của Y Khoa. Những trường hợp thay tim, thay thận...

Tôi hỏi dò để biết thêm:

- Ngoài cháu còn ai làm thuốc nữa không?

- Ông nội cháu, truyền lại cho ba cháu, nhưng ba cháu không thích lắm. Cháu thì thấy hay, phụ việc cho ông nội và ba cháu, học nghề luôn từ nhỏ.

- Làm sao mà cháu phải ngồi xe lăn?

- Cách nay tám năm, cháu chạy Honda đi giao thuốc và bị tai nạn...

- Lúc nãy cháu bảo dùng thuốc rồi thì ăn uống bình thường, đường không trở lại?

- Dạ đúng vậy. Có những người bệnh nặng, bị lở lói mà cháu chữa vẫn lành.

Tôi đồng ý để Khánh làm thuốc. Thuốc Bắc, tán thành bột, uống 2 tháng. Trước khi ra về tôi nói :

- Cảm ơn cháu, nhưng có điều này chú nói trước: Nếu quả thật thuốc tốt như lời cháu, chú sẽ viết một bài báo cho mọi người biết để bà con tùy nghi. Ngược lại, chú cũng viết để mọi người biết mà tránh.

Qua mấy năm sau, tôi nghiệm ra công hiệu của thuốc không như lời “thầy” đã cam kết (1). Có người bảo “đấy là do thuốc không hạp với ông”, cũng có thể như thế, nhiều điều tốt cho người này mà xấu cho người kia là chuyện thường. Nếu độc giả nào dùng thuốc mà lành bệnh, người viết xin chúc mừng, ngược lại xin thông cảm thứ lỗi cho. Vấn đề chính là mình đi vãn cảnh chứ không đi chữa bệnh. Đây chẳng qua là chuyện không may, nhưng không có gì (side effect) xẩy ra, vậy cũng là điều đáng quí.

Trần Công Nhung
7 - 2008

(1) Sau khi uống hết thuốc tôi thử máu theo chu kỳ khám, cứ 6 tháng 1 lần, thời gian đầu chừng hơn năm, không thấy đường lên, nhưng rồi thấy đường trở lại 130, tôi đến bác sĩ chuyên tiểu đường, BS bảo bệnh chưa có gì, có người còn lên 4-5 trăm, khi được giảng về cách đo đường trong máu lúc đói và lúc no, tôi mới hiểu lâu nay kết quả thuốc “thầy Khánh” là không thực. Đã thế làm cho bệnh tăng thêm vì ỷ y không uống thuốc. Những người bị nhẹ như tôi thì lúc đói (sau 20 giờ không ăn) bao giờ đường cũng thấp, trái lại ăn xong sau 2 giờ đo máu sẽ thấy đường cao 170-200. Tôi dùng máy cá nhân đo thấy đúng. Báo cho anh Khánh biết, anh hứa sẽ điều lại thuốc và gửi qua cho tôi. Thuốc lần hai (miễn phí) tôi theo dõi vẫn không ăn thua, tôi nghi trong thuốc có chất gì đó chỉ tác dụng tạm thời mà thôi. Trở lại tây y, tôi phải dùng thuốc hàng ngày ( liều nhẹ mỗi bữa ½ viên Stalic trước khi ăn), kèm theo chế độ ăn uống, cốt giữ quân bình lượng đường. Lúc đói 105, lúc no sau khi ăn 2 tiếng, 140 hay trên dưới chút đỉnh là tốt.

Một bạn bác sĩ ở Nha Trang cho biết, trong y dược có một chất (tôi không nhớ tên), tán trộn vào cao đơn hoàn tán là trị bá bệnh, nhưng có thể hại sức khỏe do liều lượng không đúng. Tôi rất lấy làm tiếc đã vô tình gây ngộ nhận cho một số độc giả. Thành thật cáo lỗi và mong được thông cảm

***********************************************

source

Vien Dong Daily

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét