Thứ Tư, 6 tháng 1, 2010

Chuyện lịch Canh Dần 2010 ở Sài Gòn


December 31, 2009


NGUYỄN THỊ LAN ANH - Việt Tribune

Cầm trên tay cuốn lịch Canh Dần 2010 in ấn mỹ thuật, nhiều người Sài Gòn lại chạnh lòng nhớ cuốn lịch Tam Tông Miếu ‘hồi nẳm’ với những tờ lịch bằng giấy pơ luya mỏng tang, đen thui, đem vấn thuốc hút thay giấy quyến được. Trên tờ lịch nhỏ bằng bàn tay, có đủ ngày âm ngày dương, ngày vía, ngày lễ tết, gieo sạ, quan trọng nhất là có hai mục ‘nên- cữ’như nên cạo đầu, đòi nợ, khai trương, cữ may áo, cưới gả, xuất hành…Dưới chót tờ lịch thường in một hai câu thơ khuyên dạy đạo lý. Tin- không tin, thích- không thích mặc lòng, đối với nhiều người bình dân Nam bộ thì đầu năm mua cuốn lịch Tam Tông Miếu để trong nhà bằng rước một hơi mấy ông thầy chùa, thầy bói, thầy giáo, thầy cãi, rất tiện dụng. Bây giờ, tuy không đến nỗi ‘tuyệt chủng’ nhưng trước sự xuất hiện của hàng loạt thế hệ lịch con cháu vừa tốt gỗ vừa tốt nước sơn, lịch Tam Tông Miếu dần dần bị quên lãng.

Một tiệm lịch trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. NGUYỄN THỊ LAN ANH/VIỆT TRIBUNE


Làng lịch Sài Gòn
Để ra được một tấm lịch đẹp, làng lịch Sài Gòn cũng trải lắm thăng trầm. Giai đoạn trước năm 2005, việc làm lịch là độc quyền của nhà nước. Chỉ từ sau năm 2005, tư nhân mới chính thức được tham gia, và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Chị H. chuyên bán lịch tôn giáo ở đường Nguyễn Thị Minh Khai cho biết ‘lúc trước khó nhất là chuyện chạy giấy phép, nay ngồi một chỗ cũng có nhà xuất bản đến gợi ý bán giấy phép’. Người làm lịch không phải chạy đôn chạy đáo lo thủ tục xuất bản mà dồn tâm sức vào việc nghiên cứu thị trường, dự đấu thầu, mở rộng hệ thống đại lý... Trong làng lịch Sài Gòn ai cũng biết tiếng ông Hòa, chủ công ty sách Văn Lang, kiêm chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Á Châu, đồng thời là ‘Lý trưởng làng lịch’, cách gọi khác của Câu lạc bộ lịch, Hiệp hội lịch. Dân ‘làng’ không nhiều, chỉ chừng hai ba chục người nhưng khi vào mùa lịch, chính Lý trưởng và họ sẽ ngồi lại ấn định mặt bằng giá chung cho từng loại lịch, khổ lịch. Tuy không có văn bản cụ thể nhưng cả làng đều trông nhau, ghìm nhau, cố không để hiện tượng phá giá xảy ra dẫn đến mất tình làng nghĩa xóm, thưa kiện lôi thôi.

Lịch nuy nhiều người ngắm, ít người mua. NGUYỄN THỊ LAN ANH/VIỆT TRIBUNE

Từ sau tết tới giữa năm, làng lịch mở rộng cửa tiếp đón các nghệ sĩ nhiếp ảnh tới chào hàng. Mỗi bộ ảnh chủ đề bốn mùa, đất nước, thiếu nữ, bon sai, kim hoàn… tùy giá trị mà dao động từ 1 triệu tới 5 triệu đồng/tấm. Mua ảnh xong, đem xin kiểm duyệt, sau đó giao công việc ‘đi-zai’, làm ‘ma-két’ cho bộ phận chuyên trách, xong xuôi để đó. Mỗi nhà lịch, tùy qui mô lớn nhỏ mà có từ vài mẫu tới vài chục mẫu ‘để đó’. Chị H. tâm sự ‘chúng em không trường vốn, không dám mạo hiểm, chỉ chuyên mẫu lịch tôn giáo. Hàng chủ yếu đánh về giáo phận quanh Sài Gòn, Biên Hòa và miền Tây Nam Bộ’. Một tiệm lịch trên đường Phùng Hưng- Chợ Lớn, chủ tiệm là anh C. nói cặn kẽ thêm: ‘Lịch có năm loại chính, kiểu gì cũng không ra khỏi năm loại ấy. Là lịch xé từng ngày (lịch bloc), lịch xé từng tháng (lịch cuốn), lịch để bàn có bìa cứng (lịch chữ A), lịch bỏ túi, lịch agenda (lịch sổ ghi chép). Năm nay xu hướng chung thiên về lịch bloc, tiệm nào cũng ‘đánh’ lịch bloc. Nếu khách có nhu cầu lịch cuốn, lịch chữ A, các tiệm thường gọi điện ‘mượn hàng’ của nhau, hoặc mách mối cho nhau thay vì ăn cắp mẫu để in. Chuyện ăn cắp mẫu tối kỵ. Nếu có (có nhiều là khác) thường ăn cắp mẫu nước ngoài không rõ xuất xứ, mà cũng chỉ xảy ra với các nhà lịch nhỏ, ít tiếng tăm.

Lịch bloc bìa lửng, in bốn màu, khổ 20x30, giá 100.000, bán khá chạy trong mùa lịch này. NGUYỄN THỊ LAN ANH/VIỆT TRIBUNE.

Tầm tháng Tám, khách hàng trong nam ngoài bắc và nhà lịch bắt đầu ‘tìm nhau như…góa phụ tìm mộ bia’( ). Theo luật định, nếu giá trị mua bán trên một trăm triệu, phải tổ chức đấu thầu công khai. Các khách hàng lớn như ngân hàng, công ty bảo hiểm, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố… có nhu cầu vài triệu sản phẩm lịch tết đều phải gửi thư mời thầu. Luật là vậy, nhưng các bên liên quan thích dùng ‘lệ’ hơn. Anh T. một người có thâm niên đấu thầu lịch của công ty phát hành Phương Nam thẳng thắn thừa nhận. Có thể khách nêu ý tưởng, chủ theo đó thực hiện. Cũng có thể chủ chào sản phẩm có sẵn, khách góp ý sửa đổi. Với các hợp đồng nhỏ dưới 5.000 sản phẩm coi như ‘chả bõ dính răng’, phải từ một triệu sản phẩm đổ lên- như trường hợp hợp đồng với công ty bảo hiểm Bảo Việt- mới có ăn. Sau một mùa lịch, đại gia lời tiền tỷ, còn thường thường bậc trung cũng vài chục triệu tới trăm triệu.

Coi vậy chứ không phải dzậy!
Thắng được một mùa lịch phải kết hợp yếu tố quen biết, tiền bạc với tính toán. Nói chung rất mệt mỏi, rất căng thẳng, chỉ cần sai một ly có thể đi luôn cơ nghiệp. Đơn cử năm nay thị trường chuộng lịch bloc không bìa (hoăc bìa lửng), in bốn màu, giấy láng, khổ 20×30 (gọi là lịch đại) hoặc khổ 30×40 (lịch siêu đại) với giá từ 50.000 đồng tới 200.000 đồng. Nhà nào ôm lịch tờ (1 tờ, 5 tờ, 7 tờ, 12 tờ) là lỗ. Đề tài người đẹp, áo dài, nhà cửa, phong cảnh nước ngoài mấy năm trước ăn khách, năm nay phải thay bằng non nước Việt Nam, thắng cảnh Thăng Long, nét đẹp chiếc yếm, tranh dân gian Đông Hồ…nhân sự kiện kỷ niệm 1000 năm Thăng Long sắp tới. Đặc biệt, lịch khỏa thân nghệ thuật (thêm hai chữ nghệ thuật để phân biệt với lịch ‘ở chuồng’ hạ cấp) cũng được phép bán và bán được (chủ yếu cho nam giới độc thân). Lý do phụ nữ không ưa lịch ‘nuy’ cũng dễ hiểu. Thứ nhất nhà thành phố thường hẹp, ăn ngủ, tiếp khách, bán hàng chung một chỗ, không tiện chường ‘của nợ’ trước mắt trẻ con, ông già bà cả. Chưa kể ‘đồ’ của mình với ‘đồ’ của nó y nhau. Đẹp hơn không nói làm gì, nếu xấu hơn, chỉ khiến ‘thằng chả’ ngầm so sánh, chê bai. Bởi vậy tuy biết lịch ‘nuy’ đẹp nhưng phụ nữ không mua, phụ nam có vợ rồi cũng không mua (chỉ ngắm lén lút rồi lén lút thở dài!)

Nhân đề cập vấn nạn in nối bản, anh T bảo đó là một trong những trò bẩn nhất làng lịch. Khốn nỗi, biết bẩn nhưng không ai ‘nỡ’sạch vì lợi nhuận do in nối bản quá lớn. Ví dụ xin giấy phép in 5.000 bản. Hết 5.000 bản đó, có nhu cầu thêm 10.000 bản nữa thì không xin giấy phép tái bản mà in nối luôn. Hình ảnh sử dụng trên lịch, chỉ trả tác quyền lần in đầu (và là lần duy nhất). Những lần in nối bản sau đó (thực chất là in lậu) nhà lịch giả vờ quên, lờ đi, không cho tác giả biết (để khỏi phải thêm trả tiền). Các đơn vị quản lý tuy quá rõ hiện tượng in lậu, in nối, nhưng lực lượng mỏng so với với thị trường lịch rộng lớn như Sài Gòn nên đành ‘một mắt nhắm, một mắt mở’.

Với người tiêu dùng
Thị trường lịch lắm thâm cung bí sử vậy nhưng hầu hết dân Sài Gòn không quan tâm. Với họ, làm sao ra cuốn lịch là chuyện của thiên hạ. Phần họ chỉ lo đầu năm treo lên, cuối năm gỡ xuống, treo cái mới. Lịch bao nhiêu tiền một cuốn, có những loại nào, giá cả đắt rẻ ra sao…đều ‘nô biết’. Nói về sự ‘lạm phát’ lịch, cô Huyền Nga nhăn nhó kêu khổ vì ‘đi dạy, học trò cho vài cuốn. Chồng về hưu, lãnh một cuốn. Con trai mở công ty làm ăn, hơn chục cuốn nữa. Thêm con dâu, cháu gái…Cứ thế nhà thành kho chứa lịch khổng lồ. Đành tuyển một hai cuốn đẹp nhất để treo, còn bao nhiêu đem cho hết’. Chắc nhiều người đã nghĩ và làm như cô Nga nên mới có chuyện nhà anh quét rác nhỏ tí, tuềnh toàng lại chơi một lúc mấy cuốn lịch ‘Ngân hàng Á Châu kính biếu’, ‘Ủy ban Nhân dân quận 7 thân tặng’, phòng trọ anh thợ hồ, chị bán rau, ông xe ôm cũng chưng lịch ‘Khoa Tài chánh, trường Đại học Kinh tế kính tặng’, Bảo hiểm Nhân thọ Prudential kính tặng’, ‘Tiệm vàng Khánh Phương kính biếu’(!)

Không dễ tánh ‘gì cũng chơi’ như thị dân, nông dân vùng sâu vùng xa chỉ ưu tiên lịch nhiều tờ, nhiều màu, in hình người đẹp, có lẽ phát xuất từ cuộc sống quanh năm thui thủi, không có gì giải trí, không tiếp xúc với văn hóa văn minh cao cấp chốn thị thành. Với họ, treo tấm lịch in hình nghệ sĩ cải lương, nội thất sang trọng, các kiểu nữ trang, xe hơi, kỳ hoa dị thảo…là nhất cử tam tứ tiện. Trước hết có cái coi ngày cúng quải, đi đứng, mua bán, sau để trang trí cho đẹp, sau nữa nhằm che bít khe vách hở hang. Nắm được tâm lý ‘nhà quê’này, trong các phiên chợ huyện, chợ xã luôn có các chiếu lịch xôn, bán ba bốn chục ngàn cuốn lịch lớn, sặc sỡ. Người mua, không để ý, hí hửng rước về. Chừng mở ra thấy phân nửa độn giấy trắng hoặc độn lịch năm ngoái…chỉ còn lắc đầu chửi trừ vì kẻ bán thường biến mất tăm sau vài buổi chợ. Những kẻ bán hàng ‘có lương tâm’nọ thường mua bán qua tay vài nấc đại lý- đại lý cấp 1 hưởng giá chiết khấu bằng 50% giá bán một cuốn lịch, sau đó bán lại cho đại lý cấp 2, cấp 2 bán cho cấp 3… tiền lời sau mỗi lần sang tay sẽ thấp dần, bắt buộc người bán lẻ chợ quê phải dùng thủ đoạn xé lịch, độn lịch mới có lời

Khác nông dân Nam Bộ thích lịch nhiều tờ, dân vùng cao Tây Bắc chuộng lịch plastic Trung Quốc, vì nói như một người gốc Lạng Sơn thì ‘nó chỉ có một tờ thôi, nhưng mà to, màu sắc, hình ảnh tuyệt vời hơn ta, lại rẻ, chỉ vài ngàn đồng’. Cũng theo ông này, lịch Việt Nam, nhất là lịch Sài Gòn, ở Lạng Sơn có bán nhưng không cạnh tranh nổi với lịch Trung Quốc. Lịch Trung Quốc dùng xong, lấy luôn làm tranh thờ, tranh treo, thỉnh thoảng phẩy bụi, dăm ba năm trông vẫn như mới… Từ thông tin của ông Lạng Sơn, kẻ viết bài ghi nhận thêm hiện tượng hơi lạ: lịch miền Nam đổ bộ ra Bắc, dân làng lịch trong Nam bay ra Bắc đấu thầu, trúng thầu tấp nập nhưng lịch Bắc không ‘xâm nhập’ nổi thị trường phía Nam, cả lịch lậu Trung quốc cũng không, trong khi dàn máy in ngoài Bắc (như dàn máy in của Cục Bản đồ) ‘chiến đấu’ cực kỳ, giới in lịch miền Nam nằm mơ cũng không sắm nổi.

Gặp một phụ nữ ở bưu điện Tân Bình đang làm thủ tục gửi lịch đi Mỹ, kẻ viết bài nghe chị tâm sự: ‘Bên đó chẳng thiếu thốn gì nhưng tết tây, tết ta, không gửi quà tặng thì kỳ mà gửi bánh mứt, quần áo, vải vóc vừa nặng vừa đắt lại chưa chắc được ưa thích nên chỉ gửi lịch bàn loại có bìa cứng (còn gọi là lịch chữ A) vừa có tình, vừa không sợ đụng hàng, không sợ mấy ông tiểu đường, mấy bà giảm béo chê’. Cuốn lịch để bàn in tranh Đông Hồ trang nhã được chị phụ nữ chọn gửi có giá chưa tới 2 đôla, chính xác là 30.000 đồng/cuốn, nhưng cước đi Mỹ mắc gấp năm lần. Tính nhẩm gửi sáu cuốn lịch bàn hết đứt 50 đôla. Quá mắc! Kêu mắc nhưng số người đứng chờ gửi lịch đi Mỹ, Úc, Canada, Pháp.. vẫn đông, trong số có cả Tr., nhân viên ma két của công ty phát hành lịch F. Thấy anh, kẻ viết bài buớc lại hỏi chuyện. Tr. bảo hơn mười năm ăn cơm làng lịch, mệt nhưng không thấy chán vì qua cuốn lịch nhỏ thấy hết quá trình tiến hoá của con người, từ thuở sơ khai định thời gian bằng bóng nắng, giọt nước, giọt cát, tới bây giờ bằng cuốn lịch giấy, đồng hồ tay, computer, mobile phone hiện đại. Người ta có thể không biết về thị trường lịch và những vui buồn dích dắc của nó nhưng hiệu quả (cả hậu quả) của lịch, công dụng của lịch thì không ai không công nhận. Vì lịch đi với sử thành lịch sử, với sự thành lịch sự, với duyệt thành lịch duyệt, với lãm thành lịch lãm…chi phối mọi hoạt động của con người. Mọi thứ dính tới lịch đều đáng trân quý, có lẽ chỉ trừ một thứ – bóc lịch trong tù (!)[NTLA]

Lời nhạc bài Tìm Nhau của Phạm Duy

source

Viet Tribune

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét