(Bài và ảnh Trần Công Nhung)
(Chằm nón)
Người phụ nữ Việt Nam nếu chưa một lần đội chiếc nón lá và mặc chiếc áo dài, áo lụa Hà Đông, chắc sẽ chưa thấy cái duyên dáng, cái đẹp nên thơ nơi chính mình. Chiếc nón lá với người thiếu nữ Việt chẳng khác gì chiếc khăn Piêu (1) với người con gái Thái vùng Lai Châu Tây Bắc.
Nón lá tuy một dạng nhưng có nhiều kiểu khác nhau, do số vành và góc mở rộng hẹp. Thường thì nón có 16 vòng, Nón Bài Thơ xứ Huế, nón làng Chuông Hà Tây, nón Ba Đồn Quảng Bình, cho đến nón Diên Thủy Khánh Hòa, thảy đều theo chung một lối. Nón cho dân dã cuốc bẫm cày sâu bao giờ cũng dày, thô mà chắc. Nón cho các bà đi chợ, đơn giản dễ coi giá phải chăng. Nón cho tiểu thư đài các thì nhẹ hững, trong veo thấy trời, nón Bài Thơ, giữa hai lớp lá thế nào cũng có đôi câu:
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương
Hay lời của Trịnh Công Sơn mới ngày nào:
Những hẹn hò từ nay khép lại,
Thân nhẹ nhàng như mây...
Hoặc chỉ đôi ba chữ gợi lên cái đẹp của Huế:
Huế mộng mơ. – Huế Đẹp Huế Thơ
Nếu nón chỉ là một đồ dùng che nắng mưa như mũ đội của đàn ông, thì chẳng có gì đáng nói. Chiếc nón lá đẹp duyên dáng, dịu dàng, và, trong nhiều trường hợp còn quyến rũ đấng mày râu cách mãnh liệt.
Khi nghe: “Nghiêng nghiêng vành nón” hay “vành nón nghiêng nghiêng” có phải cả một bầu trời gợi cảm đã hiện lên trong tâm trí mỗi người? Sau vành nón thấp thoáng một nụ cười, một ánh mắt, một làn da..một sự lôi cuốn bí ẩn, một cái gì khêu gợi mà không ai có quyền hờ hững quay đi. Tôi có đọc một truyện ngắn, trong đó tác giả đã bị người con gái Huế cuốn theo, chỉ vì những lửng lơ sau vành nón. Người con gái áo tím với chiếc nón lá nghiêng nghiêng, mỗi câu hỏi là một tiếng “dạ” nhẹ nhàng trả lời.
- “Em đi học về?”
– “Dạ”.
– “Tôi đưa em về nhé ?”.
– “Dạ”.
– “Tôi mời em đi ăn cơm?”
– “Dạ”.
– “Thôi tôi về đây”.
– “Dạ”
...Vậy mà người theo không bất bình, chỉ vì chưa khám phá hết bí ẩn sau vành nón.
Nón lá phải đi với áo dài, trắng hay tím. Khi trời ngược gió, bước chân nghiêng, chiếc nón thả, tà áo bay, vừa uyển chuyển vừa kín đáo, và người con gái đẹp biết bao. Chiếc nón lá giúp cho đôi tay nói lên tâm sự thầm kín. Trước bao câu hỏi, đôi bàn tay mượt mà chỉ mân mê vành nón, vuốt vuốt chiếc quai, là đủ trả lời tất cả. Nếu có ai không hiểu thì rõ “uổng công Tạo Hóa” vô cùng .
(Nón đưa duyên)
Chiếc nón tạo cho người con gái thêm nét đẹp nhịp nhàng mềm mại. Mặc áo lụa Hà Đông mà để đầu trần tóc rối hay che một chiếc dù Thượng Hải thì nó lạ đời lắm, khó coi và mất hết ý nghĩa. Nón lá như thứ duyên nợ gắn bó với dáng người thiếu nữ. Càng trẻ, càng cần chiếc nón để điểm tô, để dáng dấp thêm đậm đà lôi cuốn. Đối với thế giới khi nhắc đến người con gái Việt, chắc chắn trong đầu óc họ sẽ hiện lên tà áo dài và chiếc nón lá muôn thuở.
Mấy mươi năm trước, mỗi buổi sáng mờ sương trên bến đò Thừa Phủ, từng tốp nữ sinh áo dài trắng, nón lá trên đầu, cặp sách trước ngực, đợi đò qua trường Đồng Khánh. Một hình ảnh đẹp tuyệt, một hình ảnh làm nao lòng thi nhân. Hình ảnh ấy nay không còn nữa, thiếc thay!
Nón lá không chỉ theo người phụ nữ đi đó đi đây mà nón lá còn lên sân khấu còn đi vào văn học nghệ thuật. “Múa nón”, “Chiếc nón bỏ quên”, “Qua cầu gió (nón) bay”, “Trôi theo dòng”...là những đề tài quen thuộc trong Ca vũ, Hội họa, Nhiếp ảnh.
Nhìn chiếc nón trôi bên hồ hay nằm lẻ loi trên đồi thông, ai cũng có thể hình dung bao nhiêu chuyện chung quanh chiếc nón.
Thuở quen nhau mà được tặng nón hay quai nón của người yêu là niềm hạnh phúc lớn. Tôi thích nón lá dù mình là một đấng nam nhi. Tôi không bao giờ quên cảm xúc khi được tặng chiếc quai nón màu tím năm nào. Và, tôi thích chụp hình những chiếc nón lá. Tôi đã tìm về thăm quê hương của nón.
Nón lá tuy đơn giản bình dị, nhưng để có một chiếc nón quả không dễ dàng. Làng Chuông ở Hà Tây, chuyên nghề nón.
Muốn ăn cơm trắng cá mè
Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông.
(Nón rộng vành)
Chuông cách Hà Nội hơn 20 cây số, đi về trị trấn Vân Đình, cùng hướng đi Chùa Hương.. “Người bạn nhỏ” chở tôi, rẽ xe vào một xóm làng bên phải con lộ 21B, qua một chiếc cầu thì vào ngay Chợ Chuông. Lúc đi, tôi đã hình dung những nhà làm nón đông người, tấp nập kẻ vào ra mua bán. Nhưng không, vắng hoe. Chợ họp lưa thưa ngay trong khu vực Đình Chuông. Thấy ngôi đình cổ kính tôi vào thăm và hỏi nơi làm nón. Các bô lão trong đình cho biết cả làng làm nón, song nhà ai nấy làm, rải rác chứ không tập trung. Vào xóm trong gặp được cô gái đi chợ, tôi chận lại:
- Tôi muốn thăm vài nhà làm nón, Em chỉ giùm cho.
- Hôm nay không ai làm đâu vì ngày rằm, mọi người nghỉ đi lễ chùa. Chú muốn mua nón ?
- Không, thế ngày thường nhà nào cũng làm?
- Trước kia chứ bây giờ, người ta đi làm nhiều thứ lắm. Nón chỉ làm thêm.
- Sao bảo làng Chuông chuyên nghề nón?
- Dạ đúng thế, nhưng nghề nón bây giờ không sống nổi nên phải sống nhờ công việc khác.
- Nghề khác là nghề gì cháu?
- Dạ nghề xây cất, thợ mộc, đi làm công nhân...
- Vậy nón làm lúc nào, bán cho ai?
- Dạ làm vào những ngày không kiếm ra việc. Một tháng có hai Phiên Chợ Nón, mồng 4 và 10 ngay chợ Chuông.
- Làng Chuông sản xuất nón thường hay có nón đặc biệt?
- Nón thường thôi, nón vành dành cho mấy nhà ngoài đầu cầu, và họ cũng chỉ làm khi có đơn đặt hàng.
Xã hội ngày nay đã thay đổi quá nhiều, nhu cầu, thị hiếu cũng phải đổi thay. Cá cô các bà nhất là ở nơi thị thành không ai còn đội nón. Chiếc mũ vải màu sắc dáng kiểu hấp dẫn giới phụ nữ hơn. Mà cũng chẳng riêng gì nghề nón lui dần mà những nghề mang tính truyền thống khác, như Tranh Đông Hồ cũng chung số phận...
(còn tiếp)
Trần Công Nhung (April - 2003)
(Một Đóa Hoa Ban QHQOK tập 1)
Thư Độc Giả
Ăn Tết vui không
Một thân hữu hỏi tôi: “Anh Nhung ăn Tết có vui không”. Câu hỏi gợi cho tôi có chuyện để nói. Thú thật từ ngày bày ra mục “Thư độc giả” (TĐG), tôi thấy vất vả hơn bài viết bình thường rất nhiều, bình thường thì có sẵn chi tiết chỉ ngồi mà thêu dệt thôi, còn TĐG là phải nghe ngóng, lượm lặt, oải vô cùng. Đã mấy lần bí quá, tôi làm lơ thì bị tòa soạn hỏi sao không gửi “TĐG”, có đâu mà gửi. Không có thì ông Layout bảo khó trình bày, trình bày không đẹp. Ngay như vị hỏi câu trên đây cũng bảo: “Chụp tờ báo là tìm đọc phần “TĐG” trước, nó như món khai vị, thiếu đi, bài chính cũng kém hấp dẫn”. Đã thế thì làm sao còn thoái thác.
Ăn Tết vui không? Đã bảo vui như Tết, tất nhiên Tết phải vui. Riêng cá nhân tôi, không phải ăn Tết vui mà vui vì có nhiều điều mới mẻ trong dịp Xuân về. Cả tháng giêng (là tháng ăn chơi), tôi ăn uống kém xa ngày thường, vì người nhà, bà con đều đi xa, tuy có đồ ăn trong tủ, và chợ cũng không thiếu gì, nhưng không biết nấu nướng nên cứ phở, bún, tô xe lửa cho hai bữa mỗi ngày. Song, không vì thế mà kém vui trong những ngày Tết.
Niềm vui lớn nhất là tôi đã được BS Mai “mở mắt” đúng vào sáng 30 Tết. Ước muốn của mọi người đầu năm là: “Xua đi cái tối tăm năm cũ, đón lấy ánh sáng năm mới”, cho mọi vật tươi thắm hơn. Tôi đã đạt điều này rất đúng lúc.
Điều vui thứ hai là trong dịp Tết, rất nhiều độc giả, thân hữu thăm hỏi và chuyển cho những hình ảnh đón Xuân tại quê nhà và hải ngoại. Những hình ảnh rực rỡ huy hoàng mà nếu mình có mặt cũng không sao chụp được.
Điều vui thứ ba là đã hoàn tất cuốn QHQOK tập 6 và gửi kịp đến độc giả trước giờ giao thừa.
Chuyện may mắn, phước đức thường chỉ một (phước bất trùng lai), nay mình có những ba, quả là niềm vui lớn, ngoài mong đợi, không còn muốn gì hơn nữa.
Chiếc nón lá (phần2)
(Bài và ảnh Trần Công Nhung)
Nón lá đời thường
Lúc chúng tôi quay ra thì gặp nhà đối diện chợ đang chằm nón. Tôi ngạc nhiên khi thấy “công nhân” là hai bé gái tuổi mới lên mười. Em bé có mái tóc dài và mướt như chải dầu. Tôi vào thăm, gọi chai nước ngọt vừa hỏi chuyện:
- Nhà chị làm nón do người ta đặt?
- Không ạ, làm bán vào phiên chợ.
- Thế, nhà tự làm tất cả các thứ?
- Dạ không, lá nón mua trong Vinh, vòng vành do dân Kim Tư, Tràng Xuân mang sang bán ở chợ nón.
- Cháu đây làm được bao lâu rồi mà có vẻ sành lắm.
- Dạ cháu làm đã hai năm.
Em bé mắt không rời mũi kim, miệng mỉm cười, khuôn mặt em tươi lên rất có duyên. Tôi lấy máy ra và đề nghị em ngồi theo một vài tư thế. Em bé hai tay lên xuống, khâu đều, chăm chú vào công việc. Tôi không phải vất vả, chỉ ngồi một chỗ mà cũng chụp được nhiều kiểu. Tôi chợt nhận ra: Có nhiều nghề tưởng là chuyên môn của phụ nữ, hóa ra đàn ông lại giỏi không kém. Làm bếp, may mặc, các bà không dễ gì theo kịp. Riêng nghề nón, chưa thấy người đàn ông nào. Cạn ly nước, trước khi ra xe tôi hỏi người bạn: “Mua cho em một chiếc nón nhé” – “Chạy xe máy ai đội nón bao giờ”?
Tùy sinh hoạt, tùy địa phương, nón có nhiều kiểu khác nhau để phù hợp với cuộc sống đời thường. Tôi thích nón chóp thông dụng ngày nay. Ngày xưa có nón dấu, loại nón làm bằng tre, rộng ngoài tai một tí, trên có chóp dành cho lính thú:
Ngang lưng thì thắt bao vàng,
Đầu đội nón dấu, vai mang súng dài.
(Nón lính Thú)
Nón dấu chỉ có thời vua quan có kẻ hầu người hạ, ngày nay không còn nữa. Nón rộng vành còn gọi nó quai thao, lại đòi hỏi y phục ngày hội, phải tứ thân, quần lĩnh, mới hợp cảnh, mặc dầu người xưa ca tụng:
Ai làm chiếc nón quai thao,
Để cho anh thấy cô nào cũng xinh.
Theo tôi, cô nào cũng xinh là các cô biểu diễn trên sân khấu. Đã lên sân khấu tất nhiên phải xinh. Trong Quốc Tử Giám ở Hà Nội, có nguyên một đội ca múa ăn mặc theo y phục cổ truyền, nón lá quai thao, trình diễn hàng ngày phục vụ du khách.
Chiếc nón lá tuy đơn sơ, không đáng giá bao nhiêu thế mà rất được yêu quí, ngay cả lúc rách tơi (nón mê) cũng dùng vào việc này việc nọ. Trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Dự Bị (Cours preparatoires) có bài Chăn Trâu:
Ai bảo chăn trâu là khổ?
Không, chăn trâu sướng lắm chứ!
Đầu tôi đội nón mê như lọng che.
Tay cầm cành tre như roi ngựa.
Nếu ở đây thay chiếc nón mê bằng chiếc nón lành thì “Bức tranh quê” chẳng còn gì là đẹp nữa.
Xem ra trong các nghề, nghề nón rất “cơ động”, không đòi hỏi hãng xưởng ồn ào, chỗ nào làm cũng được, lúc nào rảnh thì làm không lo chuyện dở dang. Việc làm nhàn nhã, yên tĩnh, giúp cho tâm trí bớt dao động. Làng nón Phú Cam Huế, một khu lao động nhỏ cạnh nhà thờ, các nghệ nhân chằm nón, qui tụ từng tổ dăm bảy người và làm việc trong trầm lặng. Làm nón mà hát xướng ồn ào, có khi đâm kim vào tay. Chằm nón cũng là “môn pháp tu”.
Ấy thế nhưng tâm tính con người thường xuyên bị tham sân che mờ nên đôi lúc làm mất tính cao quí của nghề nghiệp. Anh bạn mới quen phải mất gần tiếng đồng hồ, chở tôi chạy loanh quanh mới tìm ra làng nón Phú Cam. Nghe nói có Thí cụt một tay nhưng nghề rất giỏi. Nhiều người đến quay phim chụp hình, tôi phải tìm cho bằng được.
Chúng tôi vào đúng con hẻm nhà cô Thí, song nhà làm nón ngay đấy bảo “Cô Thí đi Sài gòn rồi, chú muốn chụp hình, tui kêu thợ tới cho”. Lúc quay ra, chị bán nước hỏi:
- Chú tìm ra nhà cô Thí không?
- Người ta bảo cô Thí đi sái Gòn rồi.
- Không mô chú ơi, họ giấu đó
- Sao lại giấu?
- Tại ai đến quây phim chụp hình cũng tìm cô Thí nên người ta ganh. Chú vào thêm vài nhà nữa là tới.
Đúng thế. Khi tìm ra nhà, cô Thí nói:
- Cháu có nghe tiếng chú hỏi nhưng người ta đã nói rứa mà mình lại ra mặt?
- Phải chi cô lên tiếng cho tôi đỡ sốt ruột, đỡ mất thì giờ. Nhà có đông người làm không?
- Dạ, chú muốn bao nhiêu cháu kêu, họ tới chừ (ngay).
Tôi nhìn căn nhà không rộng lắm, và đề nghị:
- Kêu giùm chú chừng 5 người.
Lát sau, cả chục người kéo đến. Trước đây chắc đã nhiều lần làm mẫu có “tiền bồi dưỡng” nên họ mạnh tham gia. Để vui lòng mọi người, tôi cho ngồi vào tất. Phân công mỗi người một việc, ủi (là) lá, trải lá, khâu lá, nứt vành. Một bức ảnh loạn xà ngầu, nhưng ai nấy đều hăm hở hết mình. Trong lúc bấm cho vui, tôi thấy chỉ mỗi cô Thí là người mẫu đáng nhờ. Ảnh chụp theo kiểu hợp tác xã chỉ để báo cáo thành tích sản xuất chứ chẳng nghệ thuật gì.
Bây giờ thì một mình cô Thí, khuôn nón trên tay, người hơi khom phí trước, cánh tay cụt cố vói ra chặn giữ khuôn nón, tay còn lại đưa mũi kim lên xuống. Nét mặt chăm chú mà hồn nhiên, bấm máy vào lúc môi hơi thoáng nụ cười: “Niềm vui tự tại”, bấm máy lúc này mới đáng giá. Trong khi nhìn vào khung máy, tôi chợt khám phá ra người thiếu nữ thương tật mới đẹp làm sao. Cô không trang điểm mà môi vẫn hồng. Lao động chân tay mà ánh mắt thanh thoát kỳ lạ. Tôi chụp hơi nhiều hơn thường lệ, bởi mấy khi gặp được người mẫu như vầy. Tôi xếp “đội hình” những nón đã làm theo nhiều kiểu khác nhau, và, góc nào cũng thấy hay...Tôi chụp thật nhiều, chụp mọi góc cạnh, chụp rồi cứ tưởng chưa...
Xong xuôi, tôi trao tiền “bồi dưỡng” cho cô Thí để tùy nghi chia cho các bạn. Lúc mọi người đã về, chỉ còn lại hai mẹ con cô Thí, tôi hỏi:
- Thưa bà làm sao mà cô Thí bị mất nửa cánh tay?
- Dạ tại khi có bầu uống trụ sinh nhiều quá.
- Sao bà phải uống trụ sinh?
- Dạ năm Mậu Thân, tui bị thương bác sĩ cho uống.
Người ta thường nói, “có tật có tài”. Cô thợ nón Phú Cam ngoài tài chuyên môn, cô còn nhiều nét đáng quí khác nữa.
(Giữa vườn nón)
Về Nha Trang, tôi lại theo người bạn ảnh trẻ đi thăm làng nón Diên Thủy, huyện Diên Khánh. Nghề nón ở Diên Thủy cũng theo lối thủ công cá nhân, mỗi nhà tự tổ chức làm riêng. Tôi vào thăm một nhà chằm nón mà trước đây nhiều bạn nhiếp ảnh đã đến “sáng tác”. Nhà có hai cô gái có tay nghề cao, dáng dấp khá, hôm nay bà mẹ cho biết cô chị đi vắng, chúng tôi ngỏ ý nhờ Loan (cô em). Cô bé lại e then, cứ tìm cách chối từ. Bà mẹ và chúng tôi hết lời năn Loan mới chịu ngồi làm. Tưởng là hình ảnh sẽ không được linh động, nhưng vào cuộc cô gái cũng mềm mại, thao tác nhịp nhàng và rất có thần. Nhiều kiểu rất hay, nhờ hàng chục chiếc nón làm sẵn, tôi xếp được nhiều ảnh có bố cục, đường nét khác nhau.
Kết thúc anh bạn trẻ mua 20 chục nón, anh có quán cà phê, có lẽ sẽ dùng vào việc trang trí. Tôi hỏi:
- Nón bán như thế nào cháu.
- Dạ bỏ mối cho bạn hàng Nha Trang.
- Giá sỉ bao nhiêu?
- Dạ 3 đến 5 ngàn đồng một nón. Họ bán ra 10 đến 15 ngàn.
Người làm ra sản phẩm chẳng được bao nhiêu! Mà cứ gì nón, nhiều mặt hàng khác cũng thế, từ gốc đến ngọn, giá cả chênh nhau một trời một vực. Thương cho những người lao động chân tay, làm nhiều ăn ít. Người chỉ tay năm ngón thì vơ không biết mệt, nhà cửa xe cộ không biết để đâu cho hết. Con người đi tìm công bằng bằng cách sống trên bất công và tội lỗi.
Nón lá ngày nay tuy có giảm số lượng người dùng, nhưng giá trị của nón lá vẫn phổ biến, vẫn được ca ngợi. Các thành phố du lịch, chiếc nón lá như một món hàng lạ, quí hiếm. Người ta còn chế ra những chiếc nón tí hon, làm đồ trang trí mà du khách người Âu rất thích.
Nón lá và áo dài như một cặp song sinh, áo dài còn thì nón lá còn. Nón lá đã gợi lên cả một trời thương nhớ quê hương nơi mỗi người dân Việt. Chiếc nón lá là hình ảnh đặc trưng, là biểu tượng muôn thuở của Quê Hương Việt Nam.
(Trần Công Nhung - April,2003)
Thư Độc gia
Đặt tên
Theo tục lệ ngày xưa, nhất là ở thôn quê, ít ai muốn đặt cho con cái tên hoa mĩ, sợ khó nuôi. Người ta cho rằng, tên đẹp dễ bị ma bắt. Bởi vậy, nhiều đứa bé về sau lớn lên, khổ sở với cái tên của mình. Mặt mày sáng sủa, đẹp thế mà lại mang cái tên Hĩm, Ủn, Ỉn, Đực..Đớp vv. Tôi nhớ trước 75 có một vị dân cử mang tên Mẹo, tuy không có gì xấu nhưng âm hưởng cũng buồn cười, nhất là đối với những vị có tiếng tăm trong xã hội. Cho dù có biết sau này con nó buồn vì cái tên, bố mẹ cũng cứ tìm những tên xấu đặt cho con, thà con buồn hơn mình buồn (vì con bị ma bắt). Tôi có thằng cháu nội 2 tuổi, thằng bé da thịt đầy đặn (trong khi anh nó ốm nhom), trong nhà cho nó cái nick Sumo, rồi thấy cu nó cong cong, thêm cho nó cái nick thứ hai: Cu dẹo. Mỗi lần đến thăm tôi hỏi cháu:
“Thằng Nhật đâu”
Cháu chỉ tay vào ngực:
“Thằng Nhật đây”
“thằng Sumo đâu”
“Thằng Sumo đây”
“Thằng Cu dẹođâu”
“Thằng Cu dẹo đây“
và đến đấy là mọi người cười ồ lên. Sau một thời gian ngắn, hỏi đến cái tên thứ ba, cháu trả lời “hổng biết”.
Thằng bé đã nhận ra cái tên “Cu dẹo” không hay, chỉ để mọi người cười.
Một thân hữu ở San Diego, chị Theresa vừa chuyển cho tôi câu chuyện “Tên xấu dễ nuôi”, xin chép ra đây để độc giả bốn phương cùng chung vui, và để thấy chữ nghĩa Việt Nam lắt léo lắm:
Tên xấu dễ nuôi
Nhà nọ có 3 người con trai được đặt tên : Cút, Cu và Đớp.
Một hôm, ông bố đi vắng, có ông bạn đến chơi. Người vợ thay mặt chồng tiếp đón ân cần, người bạn cũng vui lắm. Đến bữa ăn, người vợ bảo thằng út :
- Dọn cơm cho bác, Đớp !
Người bạn hơi phật lòng, ăn qua loa vài chén rồi đứng dậy. Người vợ bảo đứa thứ hai :
- Múc nước cho bác rửa, Cu!
Lần này ông bạn giận tím mặt, liền chào ra về. Người vợ ngớ ra, không hiểu là chuyện gì, bảo thằng con lớn:
Dắt xe cho bác, Cút !
Cảm ơn chị Theresa, đầu Xuân có chuyện vui vậy là yên trí cả năm không phải lo chuyện buồn. Hẳn độc giả cũng nghĩ như tôi?
*************************************
source
Vien Dong Daily
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét