Thứ Hai, 23 tháng 11, 2009

Đình Nại Nam và Thần Đèn


Cập nhật lúc 12:05:53 AM - 14/03/2008

Bài và ảnh Trần Công Nhung

0112-dnn1.jpgBuổi chiều anh bạn (1) đưa tôi về phía Nam thành phố để xem một vài công trình mở rộng đô thị, sau đó qua cầu Tiên Sơn đi xem khu Furama Resort qui mô không kém Resort Bảo Ninh (Đồng Hới), Victoria (Hội An), Mũi Né (Phan Thiết). Ở đây có Công Viên Nước (Water Park) rộng mênh mông nhưng rất vắng. Công viên nước hầu như tỉnh nào cũng có, khu vui chơi của trẻ em. Nhưng thực tế trẻ Việt Nam thiếu dinh dưỡng, thiếu tiền sách vở nên số được vui chơi chẳng bao nhiêu. Công viên dành cho con cháu các đại gia, các quan chức, dân dã thì họa hoằn lắm, năm một hai lần. Trong khu giải trí có đình Nại Nam, ngôi đình nặng hai trăm tấn, được cả nước biết đến do Thần Đèn Nguyễn Cẩm Lũy nâng cao nền lên hai mét. Tôi phải mua vé 5000 đồng để vào thăm Đình.


Đình nằm nép bên hông phải của công viên ở vị trí rất khiêm nhường. Nghe nói khi Công Viên Nước hoàn thành thì đình Nại Nam nằm dưới trũng sâu. Như vậy Đình sẽ hứng những thừa thải của công viên và sẽ bị ngập mỗi khi trời mưa. Sau khi được nâng nền, Đình nằm trên cùng mặt phẳng với mọi công trình khác chung quanh. Tiếng là Đình nhưng vóc dáng bé nhỏ và giản dị, chỉ lớn hơn miễu làng một tí, trái hẳn với những ngôi Đình miền Bắc. Sân Đình khá rộng có thể làm nơi mít tinh cho hàng trăm người. Từ cổng vào có bức bình phong dạng thư cuốn, ngoài đắp hình Hổ, trong đắp hình Lân, màu vôi còn mới, hai màu vàng đỏ nổi bật.

Đình Nại Nam có từ lâu nhưng do di dời tu sửa nên không có vẻ gì một di tích cổ. Không người trông nom. Bên trong thờ tự đơn giản, 4 bàn thờ, mỗi bàn có một bộ tam sự. Ngôi đình thờ 12 tộc họ người Hoa đầu tiên đến Đà Nẵng và thành lập làng Nại Nam. Bên cạnh Đình có nhà bia khắc tên mười hai họ sáng lập làng Nại Hiên Nam.

Tôi đi quanh một vòng, không phát hiện dấu vết gì việc di dời và nâng nền, tôi hỏi một người làm trong Công viên:

-Người ta cho hay Đình Nại Nam được nâng cao hai mét đúng không anh?

-Đúng thế, báo có loan tin.

-Theo anh nguyên trạng của Đình có bị ảnh hưởng gì trong khi nâng nền?

-Không bị sây sứt gì cả, hai cây cổ thụ đàng trước dời ra sau cũng y nguyên như chú thấy đó

Hiện tượng “Thần Đèn Nguyễn Cẩm Lũy” nhiều năm trước đây làm xôn xao dư luận trong nước. Với trình độ học vấn bậc tiểu học mà sáng tạo được phương cách di dời những công trình kiến trúc nặng hàng trăm tấn, những cổ thụ lâu đời từ nơi này qua nơi khác cả trăm mét mà vẫn giữ được an toàn. Một nhân vật có thể ví như Thạch Sanh trong cổ tích.

Cho đến năm 2002, Thần Đèn Nguyễn Cẩm Lũy đã thực hiện 150 công trình di dời. Đình Nại Nam nặng 200 tấn là một công trình ông phải suy tính nhiều ngày. Lối suy tính rút từ kinh nghiệm thực tiễn, do đó những sơ đồ ông phác thảo khó có ai hiểu, ngoại trừ người con phụ tá ông. Có người hỏi ông bí quyết, ông cho hay: "Phải mất vài tháng mới hoàn thành, công việc kéo dài nhiều ngày chứ không phải ngày một ngày hai".

Đình Nại Nam chân không móng, kết cấu mái bằng kèo gỗ theo lối chồng rường giả thủ, ngói âm dương. Nâng nó lên, làm sao khỏi chấn động, không nứt, gãy? Ông Nguyễn Cẩm Lũy cho biết đã làm hàng trăm công trình. Ông kể: "Ở quê tôi, bà con nông dân chở trứng gà trứng vịt lên Sài Gòn bán, ít khi nào trứng bị vỡ. Đó là do người ta lót bọc rơm giữa các trứng với nhau, bây giờ thì họ dùng sọt nhựa nên không có sự va chạm hoặc chấn động. Từ chuyện chở trứng tôi đã tìm ra cách tránh chấn động khi dời nhà". Nói thế nhưng theo tinh thần khoa học khó thuyết phục.

Đình Nại Nam ở Đà Nẵng, theo ông Lũy rất quan trọng, vì đây là di tích lịch sử cấp quốc gia. Hãng truyền hình NHK (Nhật Bản) và Hãng thông tấn AP đã đặt vấn đề ghi hình toàn bộ quá trình di dời, song Thần Đèn đã không chấp thuận (?).

Sau đình Nại Nam Thần Đèn muốn chỉnh sửa Chùa Cầu (Hội An). Chùa đã hơn bốn trăm tuổi có nguy cơ sụp móng. Trong thời gian thi công đình Nại Nam, ông Nguyễn Cẩm Lũy đã đến Hội An để tiến hành khảo sát hiện trạng chùa Cầu.

0112-dnn2.jpgQua xem xét, ông Nguyễn Cẩm Lũy khẳng định: "Tôi có thể sửa được chùa Cầu mà không cần phải đụng chạm gì đến phần thượng gia như phương án trùng tu phía Nhật Bản đưa ra trong hội thảo quốc tế về chùa Cầu năm 1998. Phương án thứ nhất là ép cọc bê tông chịu lực dưới móng chùa Cầu, sau đó trải vỉ móng bè cho dầm thép chạy ngang bên dưới móng để giữ cho chùa Cầu không bị lún nữa. Phương án này có nhược điểm là chỉ chống lún chứ không giữ được độ bền của toàn bộ công trình trong điều kiện thiên tai lũ lụt. Phương án thứ hai là làm lại cả trụ mới và móng mới, sau đó dùng đá ốp của trụ cũ để ốp vào móng mới trả lại nguyên trạng. Phương án này bền vững hơn nhưng bắt buộc phải làm trụ mới cho công trình.” Trong quá trình thi công, ông Lũy sẽ xem xét và chỉnh sửa lại độ nghiêng của chùa Cầu cho phù hợp.

Chùa Cầu là di sản văn hóa thế giới. Trong những năm gần đây, công trình độc đáo này đã bị lún phần móng và nghiêng nhẹ. Nguy cơ di tích này có thể bị hư hại hoặc sập đổ trong mùa nước lũ. Nhà cầm quyền địa phương đã bốn lần tổ chức hội thảo quốc tế về trùng tu phần móng chùa Cầu.

Trong các cuộc hội thảo này phía đối tác nước ngoài đưa ra phương án tháo dỡ toàn bộ phần mái (thượng gia) để tiến hành trùng tu phần trụ, móng (hạ kiều). Phương án này đã không được chính quyền thị xã nhất trí vì sẽ phá vỡ nguyên trạng của di tích quan trọng này. Một quan chức có trách nhiệm ở thị xã Hội An cho biết, nếu ông Nguyễn Cẩm Lũy làm được thì rất tốt. Nhưng trước mắt, ông Lũy phải lập phương án thi công cụ thể, rồi đến các bước cân nhắc tiếp theo.

Mới đây Thần Đèn Nguyễn Cẩm Lũy lại dời nguyên cổng chùa Vĩnh Nghiêm (quận Phú Nhuận Sài Gòn) nặng cả 100 tấn trên đường Nguyễn Văn Trỗi (Công Lý) vào sâu 4 mét để nới rộng lộ giới.

Ông Nguyễn Cẩm Lũy năm nay đã 60 tuổi, sinh năm Mậu Tý, trong một gia đình nông dân ở xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Ông chỉ học hết lớp 4 rồi nghỉ. Năm 21 tuổi, ông đã là một thợ xây dựng lành nghề. Ông Lũy cho hay: "Tôi cũng có bí quyết, nhưng bí quyết đó cũng phải xuất phát từ thực tế. Tôi là một anh nhà nông, làm việc gì cũng làm đến nơi đến chốn, làm miệt mài say sưa nên mới thành công như ngày hôm nay. Công việc của tôi tính toán kỹ lắm, không thể làm liều làm ẩu được. Mỗi công trình tôi đều có cách làm riêng nên buộc phải suy nghĩ cách làm liên tục".

Nay công ty của Thần đèn đã được thành lập, máy móc đã đóng vai trò quan trọng hơn. Khi di dời các công trình ông Lũy tính toán có khoa học, riêng bản vẽ thì chỉ có... mình ông và anh "thần đèn con" Nguyễn Trung hiểu mà thôi! Người khác nhìn vào như nhìn bụi tre gai!

Công việc của ông Lũy đối với các nước tiên tiến không có gì lạ, nhưng ở Việt Nam, một anh nông dân có sáng kiến như vậy trong khi hàng trăm công ty xây dựng khác không làm được là điều khó tin. Ước mong của "thần đèn" Nguyễn Cẩm Lũy hiện nay là cứu những di tích xuống cấp và viết hẳn một cuốn sách về kinh nghiệm di dời để cho những người trong nghề xây cất tham khảo. Một ý tưởng trong sáng như vậy tưởng nên mở rộng vòng tay chào đón và hoan nghênh.

Trần Công Nhung

(1) Đà Nẵng (QHQOK 8)

**********************************

source

Vien Dong Daily

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét