(Bài và ảnh Trần Công Nhung)
Nhà bên bờ lạch
Trước đây nhiều năm, tôi đã đi Vườn Cò của ông Tư Đê ở Thủ Đức (3). Lần ấy thực sự không phải đi xem vườn cò mà chỉ ghé qua để làm bữa nhậu sau khi đi thăm một ngôi chùa cổ, chùa Xơ Quít. Hôm nay là đi xem cò hẳn hoi. Theo lời anh bạn từ Cali thì chiều chiều, hàng nghìn cò trắng về trên đầu ngọn tre. Tôi nghĩ bụng, không khéo đứng dưới nhìn lên như kiểu vườn cò Tư Đê lại thấy tre nhiều hơn cò. Nhưng mọi người đều hăm hở nên mình cũng vui theo.
Chúng tôi từ giã các anh xe ôm (2) để lên chiếc xe Van đi về hướng Long Xuyên, Vườn Cò cách Thốt Nốt 3km. Trời lại mưa lâm râm, ánh sáng đã yếu nhiều, chẳng biết tới nơi có làm ăn được gì không. Đến cầu Bàng Lăng, theo sự hướng dẫn của anh Xẻn, chúng tôi dừng xe xuống đò máy, chiếc đò không mui che lại hay, chụp ảnh không vướng.
Đến Vườn Cò
Xành xạch đò chạy rất êm, con lạch không rộng, nước không sâu và đục vàng. Sông lạch miền Tây thì phù sa bốn mùa, chả có chỗ nào trong xanh. Chiều rồi nên hai bờ lạch có nhiều sinh hoạt của cư dân. Tắm giặt, làm gà làm vịt, thứ gì cũng cho xuống sông. Nghĩ đến vệ sinh không khỏi ái ngại. Một bà mẹ ẵm thằng bé chìa mông cho nó đại tiện, cách đó vài mét có người đang hì hụp tắm. Thói quen thật tai hại, vì quen mắt, không ai nghĩ đến chuyện nguy hiểm cho sức khỏe, đời sống như vầy mỗi khi có dịch khó mà ngăn chặn lây lan.
Cảnh nghèo khó, nhếch nhác nhưng đối với người cầm máy lại nhiều “chất nghệ thuật”, ai cũng chụp, cái đẹp thường ẩn trong cái tầm thường. Mái tranh rách nát, nhà sàn ọp ẹp, đều là những đề tài người chơi ảnh không thể làm ngơ.
Thỉnh thoảng con đò lại chui qua chiếc cầu xi măng mỏng manh không hơn gì cầu khỉ. Hình như chỉ mỗi chiếc thuyền của chúng tôi, không thấy ai theo, cũng không gặp thuyền nào ngược lại, con sông nhỏ êm đềm, dân hai bên bờ cũng không mấy ai để ý chúng tôi. Những ngày xa xưa có cảnh như vầy chắc cả làng túa ra coi.
Lâu lâu một vài chiếc xe máy chạy dọc theo sông, thì ra đến Vườn Cò còn đường bộ nữa chứ chẳng phải đi thuyền. Chừng 20 phút, đò đi vào vùng tre phủ, hai bên bờ toàn tre, loại tre thân nhỏ mà cao, không như tre vùng quê miền Trung. Người hướng dẫn cho biết sắp đến nơi, lúc này đã thấy cò nhấp nhô trên đầu ngọn tre hai bên bờ lạch.
Chiếc đò máy chui qua một chiếc cầu rồi cập bờ bên phải, ở đây có quán nước của chủ vườn. Trong quán lai rai vài người có lẽ khách địa phương. Chúng tôi lên bờ, anh Xẻn hướng dẫn:
- Bây giờ tụi mình qua chụp cò rồi trở lại quán thưởng thức thịt cò.
Tôi cho là câu nói đùa, không để ý, trong đầu đang tính toán chuyện chụp cò. Trời không mưa nhưng không còn nắng. Vườn cò bên kia cầu. Giờ thì chúng tôi đang đi dưới rừng tre, trên đầu tiếng cò về xào xạc, ngọn tre đong đưa, nhìn lên không thấy cò trắng mà đen vì ngược sáng. Tôi thầm nghĩ, chụp tre chứ làm sao chụp cò, không ngờ vào một đoạn, có cầu sắt cao mấy mét, cho khách lên đứng xem cò.
Chiếc cầu quá tầm ngọn tre, nhìn ra một rừng tre mênh mông, cò đã về từng đàn. Nơi này cò mẹ cho con ăn, nơi kia cò cắn nhau dành chỗ đậu, máy ảnh phải tiêu cự dài mới theo dõi kịp. Lúc ra đi, biết chụp cò nên tôi mang theo tele 600mm, rất tiện, chỉ phải chân ba càng (tripod) hơi yếu, nên không được thoải mái. Nắng không còn, ánh sáng từ bầu trời hắt xuống, cảnh vật trải đều dìu dịu, nhưng không hiểu sao lại nóng toát mồ hôi. Trên chiếc cầu dài gần 10m, không ai bảo ai, mỗi người tự lo công việc của mình, tiếng máy nhảy tạch tạch. Tôi mải mê theo dõi một gia đình nhà cò, mẹ 3 con, những đứa con không còn bé thế mà mẹ vẫn đút mồi. Đứa nào cũng ngóng cổ chồm lên mỏ mẹ, bên cạnh có mấy con cò lớn đánh nhau dành chỗ. Đầu một cành tre lẻ loi hai cò già mệt mỏi rỉa lông, xem ra không màng gì đến chuyện của thiên hạ chung quanh. Tôi vừa chụp vừa quan sát sinh hoạt cuối ngày của xã hội loài cò. Lâu lâu chỗ này nhao nhao bay lên đáp xuống, chỗ nọ xê dịch hay thêm vào, ấy là dao động mỗi khi có một đàn cò về. Tôi không hiểu trên ngọn tre thì có gì khác nhau mà chúng tranh giành! Chiếm hữu là bản chất của mọi sinh vật không riêng gì con người. Nhiều khi dư thừa vẫn muốn chiếm.
Cò về
Trời càng chiều, vườn cò càng êm ắng. Không hiểu chúng giao ước với nhau thế nào mà trông cũng trật tự lớp lang, già theo già, choai choai tụm với nhau, có gia đình thì riêng một góc.
Lúc tôi dừng tay thì mọi người đã xuống quán cả rồi, tôi và người bạn nhỏ còn nán lại thêm một lúc. Người bạn hỏi tôi:
- Anh à, máy của em thấy xa quá, chụp cả rừng tre.
- Chụp chim phải có ống kính tiêu cự dài, ít ra cũng 200mm. Em ráng dành tiền mua một tele.
- Có lần em thấy trong tờ Paris Match, một ông phóng viên chụp gì mà ống kính phải có người vác, nó dài gần cả mét.
- Đúng đấy, mấy tay đi săn ảnh dã thú họ dùng tele 1200mm. Thỉnh thoảng anh về “sân chim” ở Bolsa Chica, gặp mấy ông già cũng vác những chiếc máy có tele to như ống bệ thợ rèn, ngồi rình chụp chim cò.
Mình làm gì có khả năng.
- Mình chơi thì tương đối được rồi. Thôi ta xuống.
- Thấy chúng tôi mấy bạn nhao nhao: Mời chú, thịt cò ngon lắm. Phần chú đây.
Tôi không ngờ họ lại ăn cò thật. Một thoáng quá khứ quay về trong tôi:
Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.
Cò chân thật và nhân ái biết bao. Lại thêm một bài ca dao:
Cái Cò cái Vạc cái Nông
Sao mày ẫm lúa nhà ông hỡi Cò?
Không không tôi đứng trên bờ
Mẹ con cái Vạc đổ ngờ cho tôi
Không tin thì ông đi đôi
Mẹ con nhà nó còn ngồi đây kia.
Ngày nhỏ đi học tôi đã thấy thương con cò, nhất là những mùa mưa phùn gió bấc, nước ngập đồng, thân cò vẫn lủi thủi chịu rét giá chứ không như các loài thiên di đi tìm nơi ấm áp. Khi lớn lên lại thấy hình ảnh con cò trong thi ca:
Cái cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non
Tôi không rõ dựa vào đâu mà các nhà thơ (khuyết danh) cho con cò những đức tính đẹp vậy. Mà xét về dáng dấp thì quả không sai, nếu chọn chú bồ nông, con bói cá, con vịt trời thì không hợp tí nào.
Vừa ghi xong những hình ảnh đẹp của cò lại quay ra ăn thịt cò, tôi thấy không ổn, nhưng cũng không thể nói ra ý nghĩ của mình. Tôi lẳng lặng ngồi xuống bàn và gắp một miếng...không rõ tôi đã nuốt hay nhả ra. Tôi không cảm thấy ngon hay dở và thật sự tôi không biết mùi vị thịt cò như thế nào, trong khi mọi người đều khen ngon.
Ra về trong tôi vẫn còn chập chờn những cánh cò trắng, những cánh cò đã làm đẹp cho mọi miền quê hương. Cánh đồng xanh mà không một cánh cò thì chẳng khác gì món ăn ngon thiếu gia vị, như khuôn mặt đẹp mà thiếu nụ cười.
“Con cò bay lả lả bay la
Bay qua qua ruộng lúa, bay về về đồng xanh.
tình tính tang tang tính tình...“
Trần Công Nhung (August - 2006)
(1) Theo dân địa phương thì có người gọi Vườn Cò Bàng Lăng, nhưng tên thị trấn Thốt Nốt phổ biến hơn nên gọi VCTN cho dễ hiểu.
(2) Bè Cá trong QHQOK 6
****************************
source
Vien Dong Daily
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét