Thứ Hai, 16 tháng 11, 2009

Hồ Ba Bể


Cập nhật lúc 4:57:13 PM - 18/05/2007

babe-1.jpgBài và ảnh Trần Công nhung

(Thành phố Bắc Cạn)
Trời đã sáng mà thành phố còn ngủ êm. Tiếng loa phát thanh công cộng lẫn với tiếng nhái ở bìa rừng làm cho tôi có cảm tưởng như mình đang sống trong một thành phố mới hồi cư. Thành phố đang phá núi đồi nới dần ra, nên ngồi trong phố mà nghe được tiếng động của rừng núi ngoài xa, song tuyệt nhiên không nghe tiếng chim. Ở Hà Nội sáng sớm, tiếng Họa Mi, tiếng Khướu hót vang, đây là quê hương của chim thì lại không nghe tí gì. Nhưng âm thanh nhiều quá có khi làm cho chúng ta thêm mệt mỏi. Đôi lúc vắng vẻ lại hóa hay. Trời đã sáng mà thành phố còn ngủ êm. Bến xe miền núi sao mà buồn, lơ thơ có mấy chiếc, khách chẳng một người.


Theo lời chỉ dẫn của nhà trọ, tôi cứ ra bến xe cách nhà chỉ mấy phút đi bộ. Gọi ly cafe ở quán ngay cửa vào bến, tôi ngồi chờ xe. Bến xe khách chia thành nhiều lô, mỗi tuyến xe có vị trí riêng. Chỗ xe Chợ Rã đang bỏ trống. Mãi đến gần 7 giờ mới có tiếng loa mời khách lên xe. Điều này ít nơi nào có, tôi nghĩ, do sinh hoạt vắng lặng quá nên nhân viên bày chuyện mời gọi cho xôm trò vui tai, chứ khách có bao nhiêu đâu. Không mời họ cũng chằm hăm chực sẵn, còn giành nhau lên nữa là khác. Dù vậy, tôi cũng rời quán cafe. Lúc ngang qua phòng điều hành bến, chị nhân viên làm vệ sinh than phiền: “Một tên làm bẩn môi trường bến”. Một hành khách nào đó vừa vứt bao thuốc lá giữa sân.. Thói quen của người dân trong nước là ưa dùng từ một cách quá trịnh trọng trong những trường hợp thông thường. Năm 75, lúc còn làm nghề thầy, một em học sinh miền Bắc cũng đã nói một câu rất tự nhiên : “Yêu cầu các bạn ghi vào sổ nghị quyết của Tổ”. Chuyện học tập ghi chép bình thường, có gì quan trọng mà phải thế.

Xe Chợ Rã đã đến, chiếc xe 15 chỗ ngồi, tôi là người đầu tiên. Đúng giờ xe chuyển bánh, nhưng lại chạy bốc hàng, đón khách chỗ này chỗ nọ, khách chẳng vui tí nào. Phải tập thói quen chịu đựng, nôn nóng chẳng ích gì. Tôi được dịp “tham quan” quanh thành phố Bắc Cạn. Thành phố vắng hoe, quán hàng lại ít . Chẳng có gì đặc biệt, có lẽ những tỉnh miền Việt Bắc có lịch hoạt động vào thời điểm riêng mà mình chưa gặp. Cảm giác chung chung là buồn trầm lắng.

Xe chạy lòng vòng kiếm thêm khách lấy thêm hàng một đỗi, mới chịu rời thành phố.

babe-2.jpg(Bên đường về hồ Ba Bể)

Hồ Ba Bể là thắng cảnh nổi tiếng và đáng xem, cách Bắc Cạn chừng 60km, đi hướng Chợ Rã. Từ Phủ Thông về chợ Rã qua 3 con đèo: Vi Hương, Mỹ Phương và Chu Hương. Đèo không cao nhưng trên đèo nhìn xuống cảnh bản làng có chỗ rất đẹp, nhất là đoạn sắp xuống đèo vào chợ. Những nếp nhà sàn lợp tranh rải rác theo triền núi xanh, hay chiếc cầu nhỏ qua con suối cạn, có người đàn bà gùi con che dù đỏ, những màu sắc ngẫu nhiên, tạo nên bức tranh đẹp.

Từ chợ Rã đi Ba Bể chỉ có xe ôm. Khách đi Ba Bể bất thường, lại ít, nên không có buýt đưa đón như những nơi khác. Khác đoàn thì có xe riêng đi từ Bắc Cạn. Lúc xuống xe, bác tài nói nhỏ với tôi: “Để xem thằng nào đàng hoàng tôi gọi cho bác, đây bọn hút đông lắm”. Anh đảo quanh một vòng rồi kêu cho tôi một anh lớn tuổi, vẻ mặt hiền lành. Tôi phác họa lịch trình với anh xe:

- Thường mấy giờ còn xe về Bắc Cạn?
- Dạ hai ba giờ là hết xe.
- Vậy đi một vòng Ba Bể rồi về lại có kịp không? Bây giờ mới 9 giờ?
- Dạ kịp.
- Đi, về, anh tính bao nhiêu?
- Dạ 40 nghìn.
- Được rồi, chúng ta đi ngay.

Đèo Ba Bể, một phần thuộc khu Vườn Quốc Gia. Theo tài liệu thì Vườn Quốc Gia Ba Bể có nhiều loài động vật và thực vật quí hiếm, đặc biệt có 400 loài bướm. Đèo Ba Bể không cao lắm nhưng ngoằn ngoèo. Suốt từ chỗ trạm kiểm soát cũng nơi đặt văn phòng của Vườn Quốc Gia không có nhà dân ở. Lúc xuống gần hết đèo, trước mắt tôi hiện ra một vùng nước trong xanh, bao quanh là núi. Tôi đập vào vai anh xe mấy cái, xe dừng, tôi tìm một chỗ cao để chụp ảnh. Anh xe làm ra vẻ hiểu biết: “Xuống bến còn nhiều cảnh đẹp, bác tha hồ chụp”. Tôi lặng nhìn hồ nước bao la, không thuyền qua lại, rừng cây soi bóng lung linh, cảnh thật hoành tráng và đẹp khôn tả. Một ý nghĩ thoáng qua “Đất nước thế này mà con người cứ lôi nhau ra quần thảo triền miên kể cũng lạ”. Từ thời Thập Nhị Sứ Quân đến thời Trịnh Nguyễn qua thời cận đại, người dân cứ phải lo chống đỡ tên đạn gươm đao thì xứ sở làm sao theo kịp người.

Tiếp tục ngồi xe, tôi hỏi:

- Có 3 hồ, đây là hồ thứ mấy?
- Hồ thứ nhất.
- Hai hồ kia cũng nằm gần đây?
- Dạ ba hồ chung một, thông nhau bằng mấy eo nhỏ.

babe-3.jpg(Hồ Ba Bể)

Vài phút sau, xe xuống một bến đò. Hồ bây giờ trước mặt tôi là vùng nước trong xanh. Xa tít bờ bên kia, một khóm nhà mái ngói đỏ. Anh xe bảo đấy là bản Pó Lù và là bến đò đi chợ Đồn. Tại bến vài ba chiếc thuyền máy cho khách thuê, thuyền có ghế và mui che, khách có thể ngồi nhìn ra bốn phía để ngắm cảnh và chụp ảnh.

Trên bến, mấy anh nhân viên chơi bài, đấu láo tại bàn giải khát của quán nước. Gần đấy có một nhà hàng, không thấy ai vào ra. Tôi hỏi thuê thuyền đi xem hồ. Người nhân viên ngưng tay bài:

- Đi một vòng hồ, thăm Ao Tiên (Fary Pond), thác Đầu Đẳng, giá 150 nghìn. Nếu giá 100 nghìn thì chỉ đi Ao Tiên, thăm hồ rồi quay về.

Tôi sợ không kịp giờ nên chỉ đi theo giá 100 nghìn đồng thôi. Du thuyền kiểu bình dân, không như thuyền rồng sông Hương xứ Huế. Tôi rủ anh xe cùng đi, tiện thể nhờ anh mang ba lô. Trước khi xuống thuyền tôi mua chai nước khoáng, mấy bánh “lương khô”. Quán nghèo đến quả chuối củ khoai cũng không có.

Con thuyền máy chạy rất êm, vận tốc vừa phải, tôi ngồi đầu mũi thuyền cho dễ làm việc. Lần đầu tiên tôi phân biệt được rừng nguyên sinh khác với rừng thường. Rừng nguyên sinh là rừng chưa có bàn tay người sờ vào, cây mọc thẳng tắp, tàng lá xếp lớp gọn gàng và mượt mà. Tôi có cảm tưởng toàn khu rừng là những cây kiểng gom lại. Có những cây lá hoe vàng trong thế trực (upright), tàng lá phân từ dưới lên, đều đặn và đúng cách chẳng khác gì một cây kiểng hoàn chỉnh. Và quả thật nghệ thuật Bonsai là nghệ thuật bắt chước thiên nhiên để thu gọn cây trong chậu. Rừng nguyên sinh như mái tóc của người con gái được chải bới gọn gàng mướt bóng, không như những khu rừng bị chặt phá, cành nhánh đâm loạn xạ như một đầu tóc khô khốc rối bù.

Anh sáng bây giờ trong hơn, cảnh trí sắc hơn, tuy nhiên đầu núi vãn âm âm mâu mú, có gì đó hơi huyền bí. Cứ theo trí tưởng tượng thì vào những hang động trên cao ấy chắc gặp nhiều điều kỳ bí. Chẳng vậy mà xưa nay người ta kể lại bao nhiêu chuyện thần tiên. Tôi thở mấy hơi thật sâu, người sảng khoái thật sự.

(còn tiếp)

Trần Công Nhung (May - 2003)

Thư Độc Giả

Vui một thoáng

Lại một thân hữu tâm đắc đọc Thăng Trầm rồi viết cho tôi như sau:
“Thấy tựa đề cuốn sách, tôi đã rùng mình. Không biết có phải “Kinh cung chi điểu” chăng. Thăng trầm là lên xuống, nhưng thăng trầm của một đời người đâu phải thăng trầm của thi ca, của âm nhạc! Nó như một đóa hoa nở bung, một bầu trời rực sáng hoa đăng và rồi sụp tối đầy bi thiết sầu thảm. Tôi chưa đọc hết tập sách, chỉ mới một hai truyện, quả thật tác giả đã sống trong thăng trầm. Cái làm cho tôi lý thú là bị thăng trầm lôi cuốn một mạch, và khiến tôi không còn sợ “Thăng Trầm” như lúc đầu. Nhưng nếu hỏi tôi: “Muốn thăng trầm không? Xin thưa: Chả dám”.

Cảm ơn quí thân hữu đã chia sẻ với người viết về những ghi nhận trong Thăng Trầm. Vâng, “Thăng Trầm” không là cung bậc của bản nhạc mà là cung bậc của cuộc sống. Có ai muốn nghe bản nhạc chỉ có một cung, một âm? Cuộc sống mà không cung bậc thì quả thật buồn hơn cả mùa Đông. Trong văn chương sử sách, không thiếu gì những cuộc đời sóng gió và cũng đã có người bảo rằng:

Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả
Anh hùng hào kiệt có hơn ai.

Với một người bình thường như tôi, quanh quẩn cơm áo qua ngày, tình cảm bâng quơ, thì Thăng Trầm chỉ là một số hoài niệm tiếc thương ray rứt riêng tư, nay có người đồng cảm, thật quí hóa vô cùng. Vị độc giả còn tiết lộ thêm: “Chữ ký của anh như sóng biển mùa Surfing, cũng còn thăng trầm đấy.”

Vâng, có thể thế thật.

“Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao”

Vậy thôi, tôi biết làm sao bây giờ.

Hồ Ba Bể (phần 2)

Cập nhật lúc 5:51:03 PM - 26/05/2007

babe-1mail.jpgBài và ảnh Trần Công Nhung

Nhìn qua bản Pó Lù
Hồ Ba bể rộng bao la nhưng không giống như những hồ tôi thường biết, Hồ gươm, hồ Than Thở, (Hà Nội) hồ Lòng Hồ (Tây Ninh) ...Thường hồ nào cũng có bờ hồ chạy quanh. Ở đây hồ là một thung lũng ngập nước, và nước sâu lắm nên mặt hồ mới rộng mênh mông như thế. Nhưng tên hồ không thấy sinh hoạt gì của ngư dân. Chỉ thấy một hai thuyền độc mộc buông lưới. Chiếc thuyền bé tí và dài như lá tre, thật mỏng manh, tương phản với cảnh trí hoành tráng, gợi cho tôi ý niệm sáng tạo nghệ thuật cách sinh động. Sát bờ bên kia có chiếc lưới cá màu đỏ, không hiểu vì thói quen dùng màu hay do ý thức nghệ thuật, chiếc rớ màu đỏ nổi hẳn lên nền núi xanh thật bắt mắt.


Thuyền chạy gần bờ bên tả, có nhiều vách đá đẹp như những tác phẩm tranh sơn dầu. Từng vẹt màu vàng sẫm, màu cam, màu cơm cháy, màu xám mốc, vẽ theo nhiều hình thù kỳ dị vĩ đại, mà trí con người khó tưởng tượng được. Có chỗ, gân đá như nét vẽ bút lông, trông chẳng khác gì tranh thủy mạc! Thỉnh thoảng một vài cây lâu đời nằm ngã ra mặt hồ, bóng soi trong vắt mượt mà, đẹp kỳ lạ. Thật sự là nhìn không chán mắt. Thì ra con người học ở thiên nhiên nhiều thứ và còn nhiều thứ chưa được học. Tôi lại chợt nhớ câu nói của vị Bác Sỹ khám bệnh thường kỳ cho tôi, “...Trong vũ trụ còn cả triệu điều bí ẩn, con người chưa khám phá ra, nên con người thường tự cao tự đại về cái biết của mình”.
babe-2-mail.jpg(Vách đá Ba Bể)

Hôm nay trời khá trong, đi trên hồ mát thoáng, người thấy nhẹ và sảng khoái vô cùng. Giá có thì giờ cho thuyền chạy mãi thì còn gì thú bằng. Tiếng máy nổ tự nhiên hạ thấp, thuyền chậm lại và từ từ vào bờ. “Chú lên tham quan Ao Tiên”, nói xong người tài công lại châm một câu hài:

Có gặp Tiên chú cũng phải về, kẻo cháu mất công báo cáo nghe chú.

Tôi cũng thấy vui:

- Cậu yên tâm. Tôi đã từng gặp Tiên, không sao đâu.
- Đường lên Ao Tiên theo những bậc đá tự nhiên, có chỗ dốc đứng, khó đi. Song cũng chỉ một chốc là đến. Không hiểu sao gọi là ao, thực ra đây là hồ, hồ khá rộng. Ao Tiên ở độ cao tách hẳn với Hồ Ba Bề, nhưng người địa phương cho biết khi nước hồ xuống thì nước ao cũng xuống. Hồ và Ao có ăn thông nhau? Nếu ăn thông thì nước Ao đã trút hết xuống Hồ.

Ngay chỗ đầu tiên bước lên, có một sàn gỗ tay vịn trườn ra mặt hồ, vừa cho một hai người đứng để chụp ảnh. Cảnh trí đẹp đối với con người trước thiên nhiên, về mặt thẩm mỹ thì bình thường. Ai đã đặt tên Ao Tiên?

Theo truyền miệng, ngày xưa, đêm đêm, nhất là lúc có trăng, Tiên thường xuống tắm, và cả bầy chứ không phải một hai. Nhưng rồi vì người trần rình xem, nên Tiên không xuống nữa. Tôi thì cho rằng trước đây vùng này có người Dân Tộc ở, Ao Tiên là chỗ phụ nữ tắm hàng ngày, người mình bắt gặp và thấy đẹp cho là Tiên.

Những thiếu nữ da ngăm, thân hình nẩy bở tự nhiên, da thịt rắn chắc, bấy nhiêu cũng đã khác với các tiểu thư ẻo lả, vậy mà “một đàn tang tình” xuống tắm thì không Tiên hỏi ai vào đây. Trần thèm Tiên chứ Tiên ước mơ gì Trần, biết lòng dạ của Trần, Tiên phải bỏ đi nơi khác.

Chụp một ít ảnh, tôi trở lại thuyền và đi tiếp. Người tài công thấy còn sớm nên nài mời tôi đi thác Đầu Đẳng.

- Đến đây là hết Hồ Ba, trên đường về qua Hồ Hai và Hồ Một. Còn sớm, chú đi thác Đầu Đẳng cháu đưa đi.
- Em liệu 1 giờ về bến được không? Chú phải có mặt tại Chợ Rã lúc 2 giờ để về Bắc Cạn.
- Đảm bảo chú kịp, cháu chạy quen cháu biết.
- Vậy thì đi.

Máy sình sịch nổ, thuyền tiếp tục chạy về hướng Bắc. Cảnh sắc thay đổi liên tục, có những cây xanh màu lá mạ soi bóng mặt hồ, đẹp ơi là đẹp. Những hang đá miệng toang hoác, tối om, như những con quái vật đang há mồm. Một lát sau, tự nhiên thuyền vào một vùng nước đục ngầu. Anh xe ôm cho biết do nước mưa trên nguồn đổ về theo con sông Năng. Tôi lại ngạc nhiên hỏi:

- Vậy Hồ Ba Bể thông với sông à?
- Dạ đúng thế, đây là sông Năng đổ ra thác Đầu Đẳng rồi chảy về Tuyên Quang.
- Điều làm cho tôi chưng hửng là, lâu nay, cứ tưởng Hồ Ba Bể nằm tách biệt trên đỉnh núi. Hóa ra cũng là hồ bình thường ăn thông với sông. Thuyền ghé vào một bến đã có mấy thuyền khách tới trước.
- Mời chú xuống đi bộ ra thác.
- Thác còn xa không?
- Dạ gần đây thôi.

babe-3-mail.jpg(Hồ Ba Bể)

Trên bến có chừng dăm nhà dân, hầu như toàn người Dân Tộc. Nhà vừa là quán hàng, quán hàng kiểu thôn quê, mấy lon nước ngọt, vài gói thuốc lá...
Theo con đường mòn ven sông, đi một lát thì vào một khu cây cối um tùm rậm rạp. Tôi đã nghe tiếng nước đổ. Càng gần càng mạnh. Lúc leo lên một dốc khá đứng thì có tiếng người nói lao xao. Một đoàn khách bắt đầu ra về. Bây giờ đã rõ tiếng thác. Thác không cao như thác Prenn ở Đà Lạt, không lớn như thác Bản Giốc Cao Bằng (1), nhưng hung hãn lắm. Thác đổ qua nhiều dốc đá nên dòng nước chảy mạnh, âm vang rầm rầm cả một vùng rừng núi.
Anh xe kể cho tôi chuyện trước đây có hai người vô ý trượt chân, bị thác nuốt luôn không tìm thấy xác. Một cô gái người ngoại quốc, tuổi mới đôi mươi, một cậu trai người Tuyên Quang chưa có gia đình. Bình thường thiên nhiên trông hiền lành êm đềm, nhưng khi nổi cơn thịnh nộ thì sức người khó mà chống nổi.
Trở lại bến vừa đúng mười hai giờ. Khách đang dùng cơm trưa đầy các quán. Tôi dục thuyền quay về cho kịp giờ xe. Ngồi thuyền ngắm cảnh hai bên hồ vẫn thích. Không một tiếng động nào ngoài tiếng máy nổ. Thỉnh thoảng thấy một vài con ó, anh xe cho biết trước đây vùng này khỉ rất nhiều nhưng người Dân Tộc săn bắt hết.
Trở về, thuyền chạy vòng qua hồ hai rồi cập bến. Về lại chợ Rã đúng 2 giờ chiều. Tôi đinh ninh vẫn còn xe đi Bắc Cạn, nhưng ra ngã ba ngồi chờ một lúc không có xe. Tôi hơi lo, nếu phải ở đến hôm sau thì nhỡ hết công việc. Anh xe trấn an tôi: “Bác không phải lo, em chở bác ra Phủ Thông đón xe Cao Bằng về, lúc nào cũng có”. Cuối cùng tôi phải đi xe ôm qua 3 con đèo ban sáng, 40 cây số, vừa nắng vừa mệt. Nhưng bù lại cũng chụp được nhiều ảnh hay.

Tại ngã ba Phủ Thông, chờ cả tiếng đồng hồ vẫn không thấy xe Cao Bằng. Mấy anh xe ôm lại kè kè gạ gẫm. Ôm thì cũng được nhưng vừa ôm suốt 40 cây số nên ngán lắm, ôm không cũng chẳng ham. Để khỏi sốt ruột, tôi hỏi mua một ki lô trái vải, giải khát trong khi chờ đợi. Cô chủ quán nhìn tôi có vẻ lạ nên hỏi:
- Chú đi có một mình thôi à?

Mấy mình thì cô đã thấy. Tôi làm thinh, người cứ như say nắng, chỉ muốn nghỉ một lúc cho khỏe. Cô gái lại hỏi:
- Chú đi Ba Bể về?
- Vâng, thường giờ này còn xe về Bắc Cạn không cô?
- Chợ Rã còn một chuyến chưa lên sao chú không đi?

Chợt có người hô “Xe kìa”. Đúng! Một xe đò lên từ hướng chợ Rã. Tôi mừng rỡ nhảy ra đón. Hỏi mới hay, lúc nào Chợ Rã cũng còn chuyến xe cuối, 3 giờ chiều. Anh xe đã dấu tôi. Lúc ở ngã ba, anh trao đổi bằng tiếng Dân Tộc với ông chủ quán bên đường và ông này khẳng định với tôi, không còn xe Chợ Rã nữa. Anh đã lừa tôi để chạy thêm 40km. Nghĩ thế thôi chứ cũng không phiền gì, chuyện cơm áo còn khối người mánh mung táo tợn hơn nhiều. Kết thúc một ngày thế là tốt đẹp. Trở lại nhà nghỉ, tôi chuẩn bị ngày hôm sau đi Cao Bằng.

Trần Công Nhung (May - 2003)
(1) Thác Bản Giốc QHQOK 3

Thư Độc Giả

Vạch lá tìm sâu
Sâu là thứ phá hại mùa màng, trồng lúa mà không thuốc trừ sâu là xem như mất không lúa giống. Rau lại càng dễ bị sâu, sâu rau còn khó hơn sâu lúa, nó núp trong kẽ lá, đêm xuống, bò ra gặm nhấm, rau cải rau xà lách dù cho xanh tốt mà có dấu sâu cắn là không ai mua. Ai chơi cây kiểng, có trồng hoa hồng (nhất là bên nhà), mới thấy sự vất vả vạch lá tìm sâu. Phải dùng đèn pin, soi từng ngọn lá vào ban đêm mới bắt được sâu. Chuyện vạch lá tìm sâu tôi biết rõ khi còn ở bên nhà. Hồi ấy gần chỗ tôi (đường Đồng Nai, khu trồng bông Nha Trang) có một chuyên gia trồng hồng, anh Lục, đêm nào anh cũng vạch lá tìm sâu.

Trong đời thường, khi nói “vạch lá tìm sâu” là ám chỉ người có tính ưa xoi bói. Chuyện chẳng đáng gì cũng làm ầm lên, chuyện bé xé ra to. Làm kiểu “Chí Phèo ăn vạ”. Tôi nhớ mấy năm trước trong một bài viết, đánh máy nhầm con số năm sinh của cụ Nguyễn Huỳnh Đức, đã bị một người tự xưng đại tá F 5, vua Furniture ở Bolsa gửi thư chửi bới thậm tệ.

Bất cứ địa hạt nào, hễ đã dấn thân ắt không thể tránh khỏi lỗi lầm, (lớn hay nhỏ, vì chúng ta không là Thánh). Có lần tôi nghe câu trả lời của học giả Thái Văn Kiểm cho một người phàn nàn chuyện đúng sai, ông bảo: “Muốn không sai thì đừng làm gì cả”. Thật vậy, cứ làm ông bình vôi, ông phỗng đá là chẳng bao giờ sai.

Chuyện phải làm, thích làm, cứ làm và sẵn sàng chấp nhận sự phê phán, nhưng phê phán khác với “vạch lá tìm sâu”.

******************

source

Vien Dong Daily

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét