(Bài và ảnh Trần Công Nhung)
Sau khi xem cá bè, cá đầm (1), chúng tôi dược mời về nhà một “thân hào nhân sĩ” địa phương của cù lao Tân Lộc để dùng cơm trưa. Vị nhân sĩ này là bạn học cũ của anh “trưởng đoàn” Trần Xẻn. Ngôi nhà không lớn lắm mặt nhìn ra sông, có sân vườn khá rộng. Phía sau trồng rau Tần, trước chưng bầy nhiều chậu kiểng theo cung cách “bá hộ” chứ không phải chuyên nghiệp nghệ nhân.
Khách chủ mới gặp nhau lần đầu nhưng có vẻ rất thân mật, không có gì đãi đưa khách sáo, có lẽ nếp sống của người Nam nó thế, cho dù thời đại có đổi thay. Trong khi chờ giờ cơm, tôi được chủ nhà giới thiệu cơ sở tinh chế dầu từ cây rau Tần để làm thuốc ho. Khu nhà máy sát sau nhà ở, tiếp là vườn trồng rau Tần.
- Đây tôi trồng như thí nghiệm, để bà con thấy, còn rau thu mua từ các nhà dân.
- Lợi tức như thế nào, dân họ có tin để sản xuất không?
- Chúng tôi mua 1kg 2000 đồng, tính ra nếu trồng rau Tần lời hơn lúa rất nhiều. 1000m2 thu hoạch 20 triệu đồng mỗi năm (2).
Phần nhà chế xuất thì lời lãi thế nào?
- Cứ mỗi tấn mua 12 triệu, dầu làm ra bán được 18 triệu, công cán chi phí lặt vặt 3 triệu, lời 3 triệu.
Phải mất bao ngày để có một đợt dầu?
15 ngày.
- Như vậy tính ra không bao nhiêu, nhưng vẫn đỡ vất vả hơn làm lúa.
Đúng vậy. Bây giờ bà con đã đua nhau trồng rau.
Tôi hỏi thêm, dung dịch từ nồi chưng đâu đã phải tinh dầu?
- Chưa, vì còn nước, phải qua phòng chiết xuất để tách nước ra, mất thêm 4, 5 tiếng nữa mới có tinh dầu.
Vừa nói chuyện chủ nhà vừa chỉ cho tôi hệ thống chưng tinh dầu. Phương thức như cất rượu, nồi chưng gồm hai thùng chồng lên nhau, dưới nước sôi, trên rau Tần, hơi nước sôi hút dầu của rau chuyền qua một ống lạnh để ngưng thành dung dịch dầu. Công nghệ trông đơn giản và cũng chẳng tốn kém gì nhiều, vấn đề là nghĩ ra và dám làm.
Cơm đã dọn lên, mọi người tự động ngồi vào bàn, khách 6, chủ 4, vừa đủ một bàn tròn 10 người. Nhìn vào mâm cơm, đúng là “cây nhà lá vườn”. Cá hấp, cá canh chua, cá nướng, cá chim luộc sả cuốn bánh tráng rau sống, khô cá xé bóp gỏi. Một chai rượu thuốc màu hồng quân mang ra và chỉ mỗi cái ly cơ nhỏ. Tôi hiểu ngay lối chuốc rượu của người Nam: Uống xoay vần. Một ly đi quanh, đến phiên ai người ấy phải rót đầy và tu một hơi. Điều này gần như một luật định trong giới giang hồ nhậu nhẹt. Ai đã ngồi vào bàn nhậu là không có quyền từ chối. Uống cho đến lúc hết biết, thay vì dưa ly lên môi lại đổ rượu vào mũi, nghĩa là đã đến lúc nằm và bầy giờ mới được tha. Những lần về thăm quê ngoại các cháu ở Long An, tôi rất ngại những cuộc so tài này, nhưng cứ trốn liều một vài bận rồi thiên hạ cũng quen đi và coi như trường hợp ngoại lệ.
Ly rượu đi hết một vòng mọi người mới cầm đũa, chuyện xóm làng, chuyện bạn cũ thầy xưa, chuyện tình người xa xứ...râm ran, không khí rất vui và thân mật. Suốt bữa cơm tôi không nghe tiếng chủ nhà mời hay nhắc nhở thực khách, ăn món này dùng món kia như thường thấy trong bữa ăn ngoài miền Bắc. Mọi người tự nhiên thoải mái, tùy khẩu vị, hết món nào nhà bếp thêm món đó. Tôi thích cung cách tiệc tùng miền Nam, mình không phải giữ lễ quá, không phải ăn thứ mình không ưa. Đã có lần trong một tiệc cưới, tôi được bà khách người Bắc ngồi kề tiếp cho một cục thịt mỡ lớn bằng nắm tay. Tôi sợ mỡ như sợ cọp song cũng vui vẻ: “Cảm ơn chị”, rồi ôm cục mỡ cho đến khi tiệc tan. Tình thế này gọi là “dở khóc dở cười”.
Chai rượu đã vơi một nửa mà chưa ai có dấu hiệu say. Trong bàn có một nữ lưu xem ra uống rất “cứng”, đã mấy vòng rồi mà nét mặt vẫn bình thường, vẻ đẹp lại tăng thêm, trong khi nhiều đấng nam nhi đã hừng hừng “ánh bình minh”. Một vị cao tuổi cho nhận xét: “Cô nào uống mà không đỏ mặt thì chắc chắn ăn đứt tụi tui, tụi tui không sao uống lại”. Tôi để ý, thấy đúng như thế thật. Cô gái trong đoàn uống khỏe lắm, càng uống cô càng linh hoạt thông minh. Mỗi lần người trên đẩy chai và ly xuống, tôi lại chuyền cho người kế, lúc đầu còn có tiếng “Ế ế hổng được” nhưng một hai lần rồi chẳng ai còn để ý. Tôi thong thả thưởng thức các món ăn. món nào cũng hấp dẫn, nhưng càng ngon lại càng không được ăn nhiều. Bác sĩ tôi mỗi khi nghe tôi đi VN là cấm tôi đủ thứ.. Bác sĩ mà nói là không sai. Tôi biết có nhiều người vì không nghe lời bác sĩ mà mang bao nhiêu thứ khó trị về nhà để rồi lâm vào tình trạng “cô ma, cô quỉ” (hôn mê) khổ thêm cho người thân.
Sau bữa cơm, nhân lúc trà nước, tôi thăm dò chuyện “Đảo Đài Loan”. Tôi nói với bác chủ nhà:
- Trên chuyến bay từ Đài Bắc về Sài Gòn tôi gặp một tốp các cô gái trẻ, hỏi ra, họ là những cô dâu của Đài Loan. Nghe nói ở đây đa số con gái đều lấy chồng Đài Loan?
- Chuyện này báo chí đã khai thác nhiều. Thực có mà hư cũng có. Nó là vấn đề tế nhị. Mọi chuyện cũng từ xã hội mà ra, có người vui, có người buồn. Thôi,õ nên để chuyện nầy êm đi.
Dường như chủ nhà muốn tránh chuyện đang gây bức xúc mọi người. Có lẽ vì ông là người địa phương, hơn nữa cũng đã từng có tiếng trong làng ăn nói, ông sợ có ý kiến lại thêm rầy rà sau này. Một phần cũng do ông bạn hướng dẫn đã loan tin có “phóng viên nhà báo” về “làm việc” nên ông lại càng phải đề phòng. Tôi lái sang vấn đề khác.
Thưa anh cù lao Tân Lộc có rộng lắm không?
Ngang chừng 1 cây số rưỡi, dài 8 cây.
Trước đây nghề chính của dân địa phương ?
- Trồng mía nấu đường, trước 75 Tân Lộc nổi tiếng đường mía (3). Về sau do nhập đường Cuba nên đường trong nước xuống giá, bà con phải chuyển qua nghề khác.
Trong lúc ăn tráng miệng bằng thứ bưởi thật ngon, có tiếng hỏi:
Tại sao lại gọi Bưởi Năm Roi?
Chắc do ông Năm Roi trồng.
- Không phải đâu, năm roi là uýnh 5 roi. Chuyện này ông già vợ tui biết rõ, để mai tui nhắc ổng kể cho các bạn nghe. Bây giờ mình về lại chợ Thốt Nốt để đi Vườn Cò.
- Chủ nhà chưa muốn để khách đi nên gợi thêm chuyện:
- Rất tiếc hôm nay có bình rượu Ngũ Xà (ngâm 5 loại rắn độc) mà không dám mời các bạn. Thôi để dành lần tái ngộ.
Miền Nam nổi tiếng về rắn độc, tôi hỏi:
Trong các loại rắn, thứ nào độc nhất thưa anh?
- Người ta thường nói: Mái Gầm tại chỗ, rắn Hổ về nhà. Mái Gầm cắn là nọc độc vào tim ngay, không hiểu nó có chất gì mà chuyển nhanh như vậy. Rắn Hổ thì còn được vài ba tiếng. Rắn càng độc thịt càng ngon, dân nhậu khoái rắn hơn hết thảy.
Trời đã ngớt cơn mưa, anh trưởng đoàn nói lời cảm ơn chủ nhà, mọi người bắt tay giã từ. Xe ai nấy ôm về ngay bến đò qua chợ Thốt Nốt chứ không trở lại bến Trà Úi lúc sáng. Lên bến, mỗi người tự trả tiền xe rồi đi ô tô đến cầu Bàng Lăng, vô Vườn Cò.(Kỳ tới: Vườn Cò Thốt Nốt)
Trần Công Nhung (August - 2006)
(1) Bè cá QHQOK 6
(2) Vùng quê Quảng Bình 1 sào (100m2) mỗi mùa may ra lời 50 nghìn đồng, gặp lúc mưa bão thì mất luôn vốn
(3) Theo anh Xẻn, trước 75 cù lao Tân Lộc có ông ba Thận là chủ nhiều lò đường. Ông Thận có mấy người con thành công lớn trong doanh nghiệp. Họ là chủ nhân các tiệm Lee Sandwich ở Orange County và San Jose.
Thư độc giả
Rượu vào lời ra
Một độc giả trẻ từ trong nước viết cho tôi một email kể chuyện tâm tình, trong có đoạn như sau: “Cháu có người bạn gái đang du học bên Trung Quốc, bọn cháu yêu nhau đã mấy năm nhưng chưa lần nào cô ấy nói những lời thương yêu thắm thiết. Vừa rồi nhân ngày sinh nhật, bạn bè đến chia vui, cô ấy bị mời uống nhiều rượu quá, say mèm. Và chính trong lúc say cô ấy gọi điện nói những lời tình tứ nồng nàn với cháu. Người say nói có thật không hả chú”
Tự dưng mình trở thành người phụ trách mục “Gỡ rối tơ lòng”, đễ khỏi phụ lòng bạn độc giả, tôi phải “méo mó nghè” một tí:
Thế tục có câu: Rượu vào lời ra. Hễ có rượu là có chuyện để nói, hay dở không biết, nhưng càng uống càng nói. Cũng có người bảo: “Chỉ có bạn nhậu mới hết lòng (thực lòng) với nhau”. Như thế thì khi say người ta không còn nghĩ đến mình, không ích kỷ, không bày mưu tính kế để lừa nhau. Say người ta rất thành thật, thành thật nói ra những điều che dấu lâu nay.
Sau 75 Nha Trang có chuyện gia đình Lý Hàng (ở đường Lãn Ông) vượt biển, bị chủ ghe lừa giết lấy sạch vàng bạc. Không một ai hay biết, nhưng một hôm trong bàn rượu, chính những người gây tội ác,
tự nói ra điều bí mật của mình. Tất cả bị tóm vào tù. Đúng là rượu làm cho con người lộ hết bản chất của mình, có nhiều thi sĩ sáng tác lúc say mới hay. Thơ Say (Vũ Hoàng Chương) Lời người say đầy hào khí và tâm huyết. Người say nói thực.
Nhưng, rượu là một trong 5 giới cấm của nhà Phật, vì rượu là đầu mối của tội lỗi. Câu chuyện kể: Có một người đang đi đường gặp một vị Thần, ông Thần bảo: “Chọn một trong hai: Hoặc uống hết hũ rượu, hoặc về giết me (?)ï”ï. Người đàn ông nhận điều thứ nhất. Uống hết bình rượu về đến nhà, say không còn trí, anh đã giết hết mọi ngươi chứ không riêng mẹ anh. Pháp luật cũng không chấp nhận rượu, lái xe có hơi bia là bị còng (Cali). Và, chính người uống rượu cũng phản cung: “Rượu nói chứ phải tôi đâu”. Thế nhưng, đời sống vẫn phải có rượu, cưới hỏi mà không rượu thì nhạt lắm. Rượu đi liền với thuốc (Bắc); Rượu thuốc tức rượu ngâm thuốc, uống để trị bịnh. Rượu chát đỏ (Wine) uống trong chừng mực cũng là tốt cho tim. Lại còn: “Nam vô tửu như kỳ vô phong” (Đàn ông không rượu như cờ không gió). Cờ không gió là cờ rũ, cờ tang. Ngày nay, rượu còn đa dạng hơn, được chế biến từ nhiều nguôn vật liệu chứ không chỉ gạo, và bao lâu con người còn nghi lễ, còn muốn cuộc sống được tiếng phong nhã hào hoa thì rượu vẫn là thứ không thể thiếu.
**********************************
source
Vien Dong Daily
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét