Thứ Tư, 18 tháng 11, 2009

Làng cổ Đường Lâm


Làng cổ Đường Lâm (phần 1)
Cập nhật lúc 7:30:55 PM - 29/06/2007

duonglam-1.jpgBài và ảnh Trần Công Nhung

Cổng vào Đường Lâm
Trong một bữa cơm khách, chủ nhà hỏi tôi: Bác đã về làng cổ Đường Lâm chưa, vừa rồi em thấy TV giới thiệu, đẹp lắm. Nghe qua tên làng tôi cứ ngỡ một nơi nào đó bên Tàu, na ná như Tô Châu, Hàn Giang, Quế Lâm. Thấy tôi ậm ự anh vừa nhâm nhi vừa nói: “Em mới được họa sĩ Phan Kế An, thủ lĩnh làng văn nghệ Hà Tây tặng tập Đặc San Xứ Đoài, nhiều bài hay lắm.


Bác đã viết về Hà Tây mà chưa qua làng cổ Đường Lâm là còn thiếu đấy”. Điều chủ nhà nói chí phải, đã mang tiếng lên Đông xuống Đoài, dọc ngang thiên hạ mà ú ớ Đường Lâm thì khó coi lắm. Kỳ thực, Hà Tây có xa gì, tôi đã mấy lần về chùa Thầy, chùa Tây Phương mà sao không nghe danh làng cổ này. Tôi hỏi mượn tập đặc san để tìm hiểu thêm trước khi đi.

Hôm sau nhờ người bạn ở Hà Nội có xe máy chở đi Đường Lâm. Chính người bạn nhỏ này tuy sinh trưởng ở đất Tràng An (Hà Nội) mà cũng không rõ Đường Lâm đi lối nào. Hỏi mãi mới có người chỉ cho: Theo đường Láng - Hòa Lạc, rẽ vào thị trấn Thạch Thất rồi hỏi đường lên thị xã Sơn Tây(1).

Lộ trình phác họa nghe đơn giản nhưng đường đi thì khá quanh co. Đoạn đường 6km vào Sơn Tây, toàn đất đỏ sình lầy rất dễ ngã xe. Tôi không hiểu sao thị xã của một tỉnh lớn như Hà Tây mà đường sá lại thảm hại vậy. Đi đường đã vất vả, vào trung tâm thị xã thấy sao mà đìu hiu, không người qua lại, chẳng mấy quán hàng, tôi có cảm tưởng dân cư địa phương rất ít, hoặc bỏ đi làm ăn nơi khác. Tìm mãi mới có quán cà phê trong ngõ hẻm: Cafe Chín. Buổi sáng mà cà phê như chợ chiều, vài ba khách le ngoe, không có nhạc, chỉ có con Cưởng đang tập nói, chốc chốc nó hít lên nghe ê cả tai. Nhưng cũng là nơi dừng chân phủi bớt bụi đường.

Qua khỏi thị xã 4km có một cổng chào màu mè (chẳng cổ tí nào) dựng ngay bên quốc lộ: “Làng Cổ Đường Lâm được xếp hạng di tích quốc gia”. nghe 3 chữ “được xếp hạng” tôi thấy chương chướng trong người. (2)

duonglam-2.jpg(Chợ Mía)

Xe rẽ vào chỉ mấy phút đã thấy chợ họp dài dài hai bên đường, chợ Mía. Ngoài con đường cái lớn, các lối vào xóm chỉ vừa cho xe máy chạy. Tôi không thấy chỉ dẫn đâu là Đường Lâm. Trong khi loanh quanh vào một ngõ thì gặp một nhân sĩ, ông cho biết thêm nhiều chi tiết cụ thể về làng cổ này. Nói là làng Đường Lâm, thực ra đây là một quần thể gồm 4 làng: Mông Phụ, Đông Sàng, Đoài Giáp và Cam Thịnh.

- Thưa bác, ngay đây là làng nào?

- Đây là Mông Phụ, có ngôi nhà cổ của Thám Hoa Giang Văn Minh. Ra ngoài đường cái có chợ Mía, chùa Mía, đấy là Đông Sàng. Cứ đường cái đi thẳng lên là Đoài Giáp, trên Đoài Giáp là Cam Lâm quê của hai Vua: Phùng Hưng và Ngô Quyền. Ngày 3 tháng 9 âm lịch năm nay, Hà Nam Ninh sẽ khởi công đúc tượng vua Phùng Hưng.(3)

- Hay quá, may gặp bác, chúng tôi chẳng có tài liệu gì, chỉ nghe tiếng mà đi thôi. Cảm ơn bác.

Tôi định quay đi thì ông khách lại cho biết thêm:

- Địa phương này có tiếng lắm. Hàng năm các ông lớn thường về chùa Mía lễ bái. Lại còn có một cô sinh viên Nhật Bản đến ở đây một năm để nghiên cứu xã hội học. Cô này bảo, người Hải Dương, Thái Bình rất căm thù Nhật, còn dân vùng này thì không.

- Xin hỏi thêm: Có phải hầu hết nhà đều xây bằng đá tổ ong?

- Vâng, vì đây là ngọn đồi đá tổ ong.

Có lẽ thời xa xưa là đồi thật, bây giờ, có để ý thì mới thấy, từ ngoài lộ vào có hơi dốc tí thôi, chứ không đồi gò rõ rệt như trên miền trung du, thượng du.

duonglam-3.jpg(Lối đi trong làng Đông Sàng)

Giã từ ông khách, tôi chạy vào các đường làng quanh khu vực chợ Mía. Tiếng là chợ nhưng chỉ là quán sạp dựng tạm bày bán hai bên đường, trông rời rạc luộm thuộm kiểu thôn quê. Nhà cửa đa phần đã xây cất chắp vá không còn nét cổ xưa. Tường đá tổ ong đã được tô xi măng, quét vôi màu, loang lổ vài ba mảng cho thấy đá. Làng cổ ở đây không có nét tập trung tiêu biểu như phố cổ Hội An, nó rời rạc và đã sửa sang hầu hết. Có thể nói nét cổ chung chung cũng như làng Cổ Loa, làng Chuông. Nét cổ nổi bật ở đây là chùa Mía, tên chùa mang tính dân dã có lẽ tên tục do dân quen gọi cũng như chùa Đậu vậy.

Đối diện cổng chùa có vài ba hàng nước, chúng tôi ghé nghỉ chân để hỏi thêm đôi điều. Chị bán quán đon đả mời, nước chè, bánh tẻ, chuối một bà cụ áo nâu sồng khăn mỏ quạ cũng mau mắn gợi chuyện với chúng tôi. Dáng cụ trên 80 nhưng tiếng nói còn oang oang. Tôi hỏi:

- Thưa cụ, sao lại gọi chùa Mía, chắc ngày trước đây là ruộng mía?

- Hai cháu ngồi uống nước rồi Bầm kể cho nghe. Chùa này linh có tiếng đấy cháu ạ.

Thấy bà cụ ăn nói còn tỉnh táo lắm, chúng tôi gọi nước chè và cái bánh tẻ lót dạ. Nước chè đã ngon, bánh tẻ (4) cũng ngon. Lần đầu ăn thứ bánh này tôi thấy hương vị gần với bánh lá của Huế, nhưng bánh lá gói đầy bằng nắm tay, bánh tẻ nhỏ như ngón chân cái và dài chừng một gang. Mỗi chiếc 1000 đồng, 2 bánh tẻ một cốc nước là yên bụng lo công việc. Tôi quay lại để nghe tiếp câu chuyện bà cụ.

- Lúc nãy cháu bảo nơi này trồng mía, không phải, đây là ngọn đồi đá tổ ong, nhà cửa quanh đây xây bằng đá ấy cả. Chùa này có từ lâu đời, nhưng theo sách sử Bầm biết thì vào thời Vua Lê Thần Tông, có cung phi Ngọc Dong còn gọi Ngô Thị Ngọc Diệu (5), vợ chúa Trịnh Tráng (1623 - 1657) vốn là người làng Nam Nguyễn tổng Mía Nhân, kêu gọi dân trong vùng Đông Sàng, Mông Phụ, Cam Thịnh, Cam Toàn, thuộc tổng Cam Giá (tổng Mía), góp công sức tiền của sửa sang tôn tạo. Dân chúng Tổng Mía đúc tượng bà đưa vào thờ trong chùa, và gọi bà là Bà Chúa Mía. Từ đó có tên chùa Mía, tuy chùa được tu bổ nhiều lần nhưng vẫn giữ nguyên qui mô cũ.

(còn tiếp)

Trần Công Nhung (November - 2006)

(1) Trước (..) nơi này có trại tù binh (...), một đội đặc nhiệm được đưa đến giải cứu nhưng khi nhảy xuống thì tù đã được chuyển đi nơi khác rồi. Người ta bảo nhờ điệp viên (...) tiết lộ tin.
(2) Qua nhiều nơi, tôi thấy nhiều di tích được xếp hạng nhưng lại chẳng coi ra gì: Thành Nhà Mạc (thị xã Thái Nguyên), cổng Thắng Quan (thành Đào Duy Từ) Đồng Hới.
(3) Phùng Hưng 9761-802), dòng dõi Quan Lang, có sức mạnh phi thường, một mình đẩy lui 2 trâu đang chọi nhau. thương và lo cho dân hết lòng nên được xem như bậc cha mẹ : Bố Cái Đại Vương.
(4) Bánh tẻ: gạo ngâm 1 ngày thay 4 lần nước. Xay bột lại ngâm và thay ngày 4 lần, nhân bánh: mộc nhĩ, thịt nạc
(5) Sách Chùa Chiền Lăng Tẩm của nhà Văn Hóa Thông Tin ghi Nguyễn thị Rong (trang 446)

Làng Cổ Đường Lâm (phần 2)

Cập nhật lúc 12:18:06 AM - 11/08/2007

LangCoduonglam-1-.jpgBài và ảnh Trần Công Nhung

(Cổng chùa Mía)
Lối gọi tên của người mình thật giản dị, chẳng có gì xa xôi. Nhưng cứ theo lời vị nhân sĩ và bà cụ thì chùa vừa có tiếng cổ vừa nổi tiếng linh thiêng. Nhưng sao hoang vắng, tưởng như không ai ngó ngàng đến.

- Thưa cụ chùa nổi tiếng thế mà có vẻ hoang phế, tưởng chẳng ai coi sóc?


- Đấy, từ lâu rồi chứ có phải mới đâu. Để Bầm đọc cho hai cháu nghe bài thơ của Bầm:

Khách qua chùa Mía mà xem

Lù lù cỏ rác hai bên cửa chùa

Trời nắng cứ tưởng trời mưa

Cống rãnh chảy bừa càng mất vệ sinh

Hỏi ai có việc của mình

Tại sao họ cứ mần thinh tảng lờ

Vì đâu họ cứ làm ngơ

Bài thơ còn mấy câu nữa, tôi ghi không kịp. Quả như lời của bà cụ, hai bên và trước chùa, lều sạp chợ búa trông chẳng đẹp mắt tí nào.

Chùa Mía không có Cổng Tam Quan mà chỉ có một cổng lớn kiểu vọng lâu, hai tầng tám mái, tam cấp ngay lề đường bước lên, cao hơn mét. Ngoài đường trông bề thế, bước lên mới thấy cảnh nhếch nhác, thúng rổ gióng gánh, rác rến bừa bãi như một góc nhà kho. Trên gác “vọng lâu” có treo chiếc chuông cổ, đúc từ thời Cảnh Hưng thứ 6 (1745) và một chiếc khánh đồng đúc năm Thiệu Trị thứ 6 (1846).(5)

Bên trong có khoảng sân rộng, có cây đa cổ thụ cao to. Một tòa tháp 9 tầng mới xây thờ xá lợi Phật. và cũng là biểu tượng ngọc bút kinh thiên trấn giữ “mạch văn” làng Đông Sàng. Tiếp đến qua một cổng nhỏ gọi là bát Nhã Môn, vào khu nội điện, gồm có Tiền Đường, Đại Hùng Bảo Điện, Thượng Điện, được kiến trúc theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Tiền đường là nơi khách sửa soạn tư thế lễ lạt để vào chánh điện chiêm bái Tam Bảo.

Chánh điện là một dãy nhà dài 7 gian. Gian chính giữa thờ thờ Phật. Bệ thờ nhiều bậc, bậc cao nhất trong cùng có tượng Thích Ca, rồi xuống dần mỗi bậc có nhiều tượng Phật và Bồ Tát. Các gian bên thờ Bà Chúa Mía, Bát Bộ Kim Cương, Chúa Liễu Hạnh. Trong chùa cũng thờ cả Nam Tào Bắc Đẩu, và nhiều vị Thánh râu ria áo mão, Phật tử trong Nam ra, sẽ rất ngạc nhiên. Hai hành lang hai đầu có bệ xi măng trưng bày tượng Thập Bát La Hán (mỗi bên 9 tượng). Hầu hết các tượng ở chùa Mía cũng cùng một phong cách như phần đông các chùa khác ở miền Bắc, tượng được sơn son thếp vàng, dù tượng gỗ hay đất. Chùa Mía có tổng cộng 287 tượng (6 đồng, 107 gỗ, 174 đất). Tuy sơn phết màu mè nhưng tượng của chùa Mía có nét nghệ thuật sắc sảo riêng, nhiều pho tượng thật sống động chứ không như đồ mã: Tượng Kim Cương, tượng Bá Đại Hòa Thượng v.v..

Đa số đình chùa miền Bắc cột bằng gỗ quí và lớn, chùa Mía cũng thế song mái rất thấp so với các chùa khác, y như lời bà cụ trước cổng chùa nói, nét nguyên thủy cổ xưa của chùa Mía vẫn còn nguyên. Chúng tôi đi quanh một vòng mà chẳng gặp vị Thầy nào, dường như chùa ở miền Bắc chỉ tấp nập vào những ngày hội lớn, ngoài ra lúc nào cũng tĩnh mịch. Trong Nam chùa thường có các sinh hoạt về xã hội nên lúc nào cũng đông người lui tới.

Rời chùa Mía tôi trở lại làng Mông Phụ để xem ngôi nhà của Thám Hoa sứ giả Giang Văn Minh. Rất tiếc, cửa đóng then cài, chẳng có ai để hỏi. Tôi đến ngôi nhà thứ hai, nhà ông Giang Nguyễn Biềucách đó không xa. Người đàn ông ra mở cổng tiếp tôi với dáng vẻ dè dặt. Tôi nói mấy câu để anh yên tâm và khi hỏi ra thì anh chỉ là người được mướn ở trông coi. Ngôi nhà do một cán bộ mua lại của dòng họ Giang. Ngôi nhà còn nguyên chưa sửa sang gì. Song nếu không có phương cách bảo trì thì thời gian sẽ xâm thực hư hại dần. Một di tích quí là bài sớ cầu an bằng chữ Hán do Thạc sĩ Hán Học Nguyễn Xuân Diện phát hiện và dịch (1979).

Đường Lâm quả thật có nhiều điều đáng xem, đáng nói nhưng xưa nay lại ít nghe, ngay trong tập Đặc san Xứ Đoài cũng không nhắc nhở mà toàn thơ ca nơi xa (Hà Nội heo may, Quan Tham đón Tết...). Người nữ sinh viên Nhật mãi tận phương trời Đông dành một năm để nghiên cứu Đường Lâm kể cũng còn ít. Không hiểu sinh viên Việt có ai về Đường Lâm chưa!

Trần Công Nhung (November - 2006)

(5) Niên đại theo tài liệu của chùa Mía, một vài sách lại ghi (1743, 1848)

*********************

Vien Dong Daily

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét