Thứ Năm, 12 tháng 11, 2009

Phố Hội


Cập nhật lúc 2:24:37 AM - 17/10/2009



Bến chợ Hội An


Bài và ảnh: Trần Công Nhung


Hội An chẳng phải là chỗ chôn nhau cắt rốn, cũng không phải là nơi tôi có họ hàng ruột thịt. Nhưng, Phố Hội có cái gì đó ẩn khuất trong tôi. Du khách tìm về Hội An vì đây là thành phố được Unesco thừa nhận như một di sản cổ của thế giới, có thể nói là một kỳ quan. Riêng tôi, mơ hồ như nghe có tiếng nhắn nhủ từ những hình ảnh ngày xưa chưa nhòa.

Tàu vào ga Đà Nẵng khoảng xế trưa. Nhận chiếc Honda ra khỏi ga, tôi vội tìm đường về Hội An. Xa Đà Nẵng mấy mươi năm, nay cảnh đã đổi thay nhiều. Trong cái to lớn còn nhiều lộn xộn ô tạp. Đường đi Hội An có hai lối. Một ra Non Nước, một lên ngã ba đi Huế rồi ngược quốc lộ 1 vào Vĩnh Điện. Tôi đi theo con đường mới. Con đường không lớn, rất ít xe, thong dong ngắm cảnh hai bên đường. Những thửa ruộng lúa đang ướm vàng. Thời gian này trong Nam lúa đã về nhà, miền Trung mới bắt đầu gặt.

Chưa đầy một tiếng đồng hồ tôi đã đến thành phố cổ.


235h2.jpg


Quán tạp hóa


Tôi chạy một vòng xem qua phố phường rồi về phòng trọ, một khách sạn đang xây trên đường Phan Đình Phùng. Sau đó, túi xách trên vai, tôi thả bộ qua các phố. Không cần phương hướng. Lối nào thì cũng đáng ngắm đáng xem. Đường phố vẫn như xưa, hẹp tí, nhà cửa vẫn mái ngói âm dương cổ kính. Nhưng, vẻ náo họat của cuộc sống thị thành thì thấy rõ. Hội An không còn trầm lặng. Những con đường chính như Nguyễn Thái Học, Lê Lợi, Bạch Đằng, hầu như nhà nào cũng mở toang cửa. Du khách vào ra tấp nập.


235h3.jpg


Nữ sinh Hội An


Hội An ngày nay hoàn toàn sống bằng nghề phục vụ khách du lịch. Nhiều nhất là tranh, tranh do họa sĩ sáng tác hoặc chép lại. Tranh treo dít vách, tranh trải dưới nền nhà. Họ dùng ngay phòng trước của nhà ở để bày bán. Một số tranh của họa sĩ Bé Ký cũng được chép lại, nét vụng về thấy rõ. Tuy không có những "phố chuyên nghề" như Hàng Than, Hàng quạt, Hàng Đào.. ...của Hà Nội, nhưng các nghề gần như cũng tập trung vào từng khu phố. Đường Lê Lợi nhiều nhà làm đèn lồng, những chiếc đèn lồng bằng vải, nhẹ, xếp được, rất tiện cho du khách làm quà.


235h4.jpg


Phục vụ du khách


Phố Phan Chu Trinh thì chuyên hàng Điêu Khắc và thêu may. Những tượng gỗ nhỏ đơn giản như Bé Chăn Trâu, đến những tượng lớn đầy nghệ thuật như Thập Bát La Hán, được các nghệ nhân còn rất trẻ, chạm khắc tinh vi. Đường Bạch Đằng thì hầu hết bán đồ sành sứ giả cổ.

Đi du lịch như tôi có phần vất vả, mang theo người đủ thứ lỉnh kỉnh, và thường cản trở lưu thông mỗi khi đặt chân ba càng (tripod) ra đường. Có những hình ảnh mà nơi khác không có, không nỡ bỏ qua. Gian hàng làm đèn lồng, những chiếc đèn bằng vải màu. Hai màu vàng đỏ, vừa vương giả, vừa cổ kính mà hiền hòa. Hàng chữ Hán khắc lên ống tre cũng có nét hay: Phước Như Đông Hải hay Khang Thái Giai Lão Bách Niên...tìm nơi đâu có. ..? Chỉ có trên ống tre Hội An.


235h5.jpg


Phố cổ


Một hình ảnh vừa xưa cổ, vừa thôn quê cũng chỉ còn lại nơi đây: Một bà già móm mém nhai trầu ngồi bên gốc đa cổ thụ ngổn ngang những bình vôi ông lò, bày đôi ba cái mẹt bán trầu cau, nhang đèn. Đơn sơ giản dị như cuộc đời của bà. Bà ngồi từ sáng tới chiều, nắng cũng như mưa, không đòi hỏi không thở than.

Ngày nay dân số Hội An chắc đã tăng hơn xưa rất nhiều. Nhưng phố xá thì lưa thưa xe đạp, xe gắn máy, không ồn ào tấp nập như ở Sài Gòn. Phong tục đi bộ dưới lòng đường vẫn còn nguyên. Mấy mươi năm về trước, lúc mới tới Hội An lần đầu, tôi lấy làm lạ, sao lại cứ hàng ba, hàng bảy đi giữa đường. Hồi đó còn thanh niên, thích những mái tóc dài, những tà áo trắng tha thướt, nên lợi dụng bóp chuông chọc chơi. Bây giờ thì đi giữa lòng đường là cái "mốt". Không những đẹp mà còn cần thiết, một kiểu cách của Hội An. Từ trên một tòa nhà cao nhìn xuống, con phố vừa hẹp vừa quanh co, mái xanh rêu hay đen thẩm, loáng thóang cỏ mọc. Giữa đường đầy người đi bộ, cảnh thật thanh bình., không một thành phố nào có.


235h6.jpg


Chợ Hội An


Qua một hàng thêu tranh, tôi dừng lại nhìn bàn tay trắng nõn của cô gái đang kéo chỉ lên xuống đều đặn. Cô chú mục vào công việc, nhưng thấy tôi đứng hơi lâu, cô ngẩng lên, cười nhẹ như một lối thầm chào. Tôi cũng cười và hỏi thăm đôi câu.

- Tranh thêu bán có khá không hả cô?

Cô gái vẫn cúi xuống khung thêu, tiếp tục công việc:

- Dạ cũng được.

- Thường khách nước nào mua nhiều?

- Nói chung là khách nước ngoài chứ nước nào thì cháu chịu.

- Trung bình mỗi bức giá bao nhiêu?

- Dạ tùy theo kiểu mẫu, lớn nhỏ và nhiều màu hay ít.

- Chắc thợ thêu đều là người nhà?

- Dạ cũng có thợ ngoài nhưng người nhà là chủ yếu.

- Một tuần làm mấy ngày?

- Dạ ngày nào cũng làm.

Qua một gian hàng điêu khắc, một đám chừng mươi thanh thiếu niên, đang ngồi trệt giữa nền nhà, có em đánh trần, gò mình xuống, tay cầm dùi gỗ gõ đều đều lên đầu cán mũi chạm, tiếng vang cóc cóc như tiếng mõ trong chùa. Dường như đã quen với lối tò mò của khách, nên chẳng ai để ý sự hiện diện của tôi. Ngắm một lúc, tôi xin phép để chụp vài tấm ảnh. Bấy giờ các nghệ nhân như đồng loạt dừng công việc nhìn tôi, vừa ngạc nhiên vừa cười một cách dễ dãi. Ánh sáng hắt từ ngoài vào, tuy không yếu lắm nhưng tôi cũng rút ra mấy cây đèn cầy trong túi xách, đốt lên phụ họa vào, đồng thời tạo thêm nét cho bố cục ảnh.

- Các em cứ làm việc tự nhiên, đừng để ý gì đến chú.

- Em cúi xuống thêm chút nữa, tay trái cứ giữ yên mũi đục, tay phải gõ nhẹ.

Lúc bấy giờ dường như tôi cách ly hẳn với sinh hoạt đường phố ngay sau lưng. Quì người xuống, nhìn vào máy, tôi chỉ còn thấy hai cánh tay của người nghệ nhân trẻ tuổi đọng lại trong khoảng không gian khép kín của miếng phim. Âm thanh trong gian nhà nghe thật rõ, nghe như một loạt hàng chục tiếng mõ trong đục hòa nhau. Tôi thay máy và chụp nhiều lần, làm việc trong yên lặng. Tôi nghe rõ nhịp đập của trái tim mình. Chuyển qua một góc khác, tôi chỉ huy một người thợ trẻ, tôi bảo sao họ làm vậy. Lạ thay, không ai phản đối hay tỏ vẻ khó chịu. Tôi xếp máy đứng dậy:

- Cảm ơn các em thật nhiều, mời các em hút điếu thuốc.


235h7.jpg


Điêu khắc


Các nhà điêu khắc đồng loạt ngưng tay, nhìn bao thuốc "3 số" tôi đang cầm. Tôi phát mỗi em một điếu. Tôi biết như thế là phạm pháp. Hầu hết các nghệ nhân chưa quá 18 tuổi, tuổi không được mua rượu mua thuốc lá ở xứ Mỹ. Việt Nam được cái nổi tiếng về ăn chơi, không có luật hạn chế tuổi. Sau (...), cuộc sống trở nên khó khăn, miền quê còn cơ cực hơn trăm lần. Ngày đông tháng giá, lạnh cắt da, chỉ có điếu thuốc chống đỡ qua loa. Chuyện lao phổi vì hút thuốc là chuyện huyễn đối với dân nghèo. Mời các em hút thuốc là không nên, nhưng Mỹ khác, Việt khác. Nhập gia tùy tục, thiếu "hành động phạm pháp" này, tôi sẽ là người kém xã giao, không biết sống. Và còn mang tiếng Việt kiều keo, làm mất hương thơm của người Việt hải ngoại.

(Còn tiếp)


Trần Công Nhung

08-2001

******************

source

Vien Dong Daily

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét