Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

ĐẤT NAM KỲ


ĐẤT NAM KỲ
COCHINCHINA

Khảo sát lịch sử ra đời những tên gọi cho miền đất
phương Nam của Tổ quốc, có thể xác định năm 1834
(đời vua Minh Mạng) địa danh Nam Kỳ bắt đầu xuất
hiện, theo nghĩa Kỳ 圻 là một cõi đất; Nam Kỳ là cõi
đất phương Nam. Mãi đến tháng 5-1945, sau khi phát
xít Nhật lật đổ thực dân Pháp (09-3) báo chí mới bắt đầu
dùng tên gọi Nam Bộ thay cho Nam Kỳ, theo nghĩa
Bộ 部 là một phần; Nam Bộ là một phần đất nước ở
phía Nam.

Ở đây tên gọi Nam Kỳ được tạm hiểu là cái tên mang tính văn hóa,
nó liên hệ thời gian từ những năm 20 của thế kỷ 20
trở ngược về thế kỷ 17 (thời Nam
tiến khẩn hoang, phá rừng dựng nước của các thế hệ lưu
dân triều Nguyễn) chứ không chỉ hạn định từ năm 1834
trở đi, khi danh xưng Nam Kỳ Lục Tỉnh chính thức đi
vào lịch sử dân tộc.

Nam Kỳ gồm miền Đông Nam Kỳ rộng 27.920km2
và miền đồng bằng châu thổ sông Cửu Long rộng
39.950km2, hình thành hai vùng thiên nhiên rõ rệt. Với
diện tích 67.870km2, Nam Kỳ là châu thổ lớn nhất của
vùng Đông Nam Á và là đồng bằng lớn nhất của Việt
Nam. Ở vào vị trí trung tâm của Đông Nam Á, Nam
Kỳ từ lâu đã được xem là “địa bàn thuận tiện nhất trong
việc nối liền và giao lưu mọi mặt với các nước láng
giềng trong khu vực”.

Có người xem Nam Kỳ là vị trí ngã tư đường của các
cư dân và các nền văn hóa, văn minh. Do đó Nam Kỳ
đã sớm là vị trí hội tụ các luồng văn hóa Đông Tây, một
giao điểm động, thoáng, và mở. Tinh thần bao dung
tôn giáo ở Nam Kỳ cũng là đặc điểm chung của các tôn
giáo ở Đông Nam Á, chấp nhận cùng hiện hữu, không
kỳ thị và không có xung đột, chiến tranh tôn giáo.

Sông ngòi, kênh rạch của Nam Kỳ nhiều và chằng
chịt. Có sách cho rằng tổng số chiều dài sông và kênh
rạch lớn lên tới trên 5.000km.(27)
Đồng bằng sông Cửu Long hai mặt giáp biển. Trên
cùng một châu thổ có những con sông chảy ngược chiều
nhau: có sông đổ ra biển Đông, có sông đổ ra vịnh Thái
Lan ở phía Tây. Hơn nữa, những con sông đó lại được
các con kênh nối với nhau, như thể nối nước chảy về
bên Đông với nước chảy về bên Tây.

Theo Huỳnh Lứa, làng ở Nam Kỳ, đặc biệt ở đồng
bằng sông Cửu Long, “thường được hình thành dọc theo
sông rạch. Thôn xóm thường được trải dài theo hai bên
bờ sông, bờ kênh rạch, không có lũy tre bao quanh, nhà
cửa nằm ở giữa vườn cây trái, đằng trước nhà là dòng
nước, nơi ghe thuyền qua lại, phía sau là đồng
ruộng.”
Một cách tỉ mỉ hơn, Thạch Phương phân chia làng
Nam Kỳ ra bốn dạng quần cư chính:
i. “Phổ biến nhất là loại hình làng xóm thiết lập
dọc theo các tuyến sông rạch; vườn nhà này nối tiếp
vườn nhà khác, hoặc cách quãng bởi ruộng lúa.”
ii. “Khi đường bộ phát triển thì lại xuất hiện loại
hình làng xóm chạy dài theo trục lộ, nhưng thường
thường nhà cửa, vườn tược không liên tục như ở tuyến
sông rạch.”
iii. “Một loại hình làng nữa được thiết lập ở nơi
vàm sông, ở chỗ giáp nước (nơi hai dòng nước do chịu
sự tác động của thủy triều gặp nhau). Những tụ điểm
dân cư này thường có xu hướng phát triển thành thị tứ
(hay thị trấn) vì là nơi tập trung quán xá, cơ sở dịch vụ
sửa chữa, cửa hàng, chành vựa và có khi cả chợ búa.”
iv. Ở miền đông Nam Kỳ: “Làng xóm nằm trên
các đồi, gò, hay trên những giồng đất cao...”
Làng Nam Kỳ không có lũy tre bao quanh, không tạo
thành một quần thể riêng biệt, không cách bức với các
làng khác như ở Bắc Kỳ.
Nói về tính mở của làng Nam Kỳ, và so sánh sự
tương phản với làng Bắc Kỳ, đáng lưu ý tới ý kiến của
Trần Đình Hượu, một tác giả miền Bắc. Ông nhìn thấy
mỗi một làng miền Bắc giống như một hòn đảo tách
biệt, có lũy tre bao quanh, với lối độc đạo vào làng, đi
qua một cổng kiên cố bằng gạch, có cánh cửa gỗ lim.
Do đó, làng Bắc Kỳ mang ý nghĩa bố phòng, không thân
thiện, ít hiếu khách. Cũng vậy, trong Nông dân đồng
bằng Bắc Kỳ, P. Gourou nhận xét rằng mỗi làng ở Bắc
Kỳ là một quần thể khép kín, với lũy tre bao bọc quanh
làng, với rào hay tường bao quanh từng nhà

Ngoài mặt địa hình mở, làng Nam Kỳ còn mang tính
mở về mặt thiết chế.
Giải thích lý do hình thành thiết chế mở ở làng Nam
Kỳ, điều mà làng Trung Kỳ và Bắc Kỳ không có, Thạch
Phương lập luận rằng Nam Kỳ là đất mới do lưu dân
khai phá, “nên làng xóm ở đây có một lịch sử hình thành
và phát triển ngắn hơn làng xóm ở Bắc và Trung. Các
sinh hoạt của cộng đồng thôn xã cũng lỏng lẻo hơn,
không bị ràng buộc bởi hệ thống quy tắc chặt chẽ và
những nghi thức rườm rà, phiền phức như ở nơi đất
cũ.”(38)
Làng Nam Kỳ không có hương ước, thần tích, thần
phả cho nên, nói theo Thạch Phương, “kể cả những
làng tương đối lâu đời, thường khá lỏng lẻo về mặt thiết
chế. (...) Dân làng nói chung không bị những quy ước,
những lệ làng ràng buộc, câu thúc chặt chẽ như ở Bắc
và Trung.”
Đồng quan điểm như trên, Huỳnh Lứa lập luận rằng
làng ở đất mới “chưa bị ràng buộc bởi luật lệ, quy chế
nghiêm ngặt với những lệ làng, hương ước phức tạp. Và
cũng không có sự phân biệt giữa người đã ở lâu với
người mới đến, giữa dân chính gốc và người ngụ cư. Từ
sau khi nhà Nguyễn thiết lập và củng cố bộ máy quản lý
hành chánh, tình hình có thay đổi khác hơn, nhưng nhìn
chung thiết chế làng xã ở đây vẫn lỏng lẻo hơn so với
làng xã ở đồng bằng Bắc Bộ.”
Làng Bắc Kỳ hầu hết là làng cổ. Mỗi làng thường có
một truyền thống và dân làng tự hào được bảo thủ cái
truyền thống xưa cũ đó. Làng Bắc Kỳ vì thế thường là
cộng đồng của một số dòng họ. Trái lại, Nam Kỳ là đất
mới, thu hút lưu dân tứ xứ tụ về. Làng Nam Kỳ vì thế
cũng mang tính động, như là một thuộc tính của vùng
đất mới. Tác nhân chủ yếu tạo thành tính động này
chính là những cuộc di dân.
Sử liệu có một bằng chứng cụ thể về tính động này.
Thực vậy, sau khi đàn áp cuộc khởi nghĩa ở làng An
Định (tỉnh Châu Đốc), để kiểm soát dân làng, năm 1887
Pháp lập thống kê. Kết quả cho thấy 407 gia đình có gốc
gác từ 13 tỉnh khác nhau ở Nam Kỳ, và truy ngược nữa,
thì họ lại từ miền Trung vào.
Do tính tứ chiếng này mà ở Nam Kỳ hầu như không
có gia phả của dòng họ, và Sơn Nam giải thích: “Về gia
phả gần như không có, người khẩn hoang ở Nam Bộ
[Nam Kỳ] không ghi chép lại để che giấu lý lịch, đề
phòng trường hợp tru di tam tộc, theo luật phong
kiến.”

Theo Huỳnh Lứa: “Nam Bộ [Nam Kỳ] nói chung,
vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, ngay trong
buổi đầu khai phá, đã có nhiều dân tộc sống chung, xen
kẽ với nhau. Đó là một điểm đáng chú ý so với bất cứ
vùng nào trên đất nước Việt Nam.”(48)
Thực vậy, tính luôn người Việt (còn gọi là người
Kinh), trên toàn lãnh thổ Việt Nam có năm mươi bốn
dân tộc khác nhau. Riêng ở Nam Kỳ, ngoài người Việt
(Kinh) và Hoa (Hán) ra, có bảy dân tộc khác như sau:
Khơ-me (Khmer), Cơ Ho (K’Ho), Chăm (Chàm),
Mnông, Xtiêng (Stieng), Mạ và Chu Ru.
Dân tộc Việt. Người Việt vào khai phá và định cư ở
Nam Kỳ từ thế kỷ 17. Quá trình di dân liên tục của
người Việt diễn ra đồng thời với chiến tranh Trịnh-
Nguyễn. Cuộc di dân càng ồ ạt khi các chúa Nguyễn thi
hành chính sách Nam tiến.
Dân tộc Hoa. Cuối thế kỷ 17, người
Hoa từ các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến,
Triều Châu, Hải Nam đã đến lập nghiệp ở Nam Kỳ (Mỹ
Tho, Biên Hòa, Hà Tiên, đồng bằng sông Cửu Long).
Dân tộc Khơ-me. Trước thế kỷ 17,
khi chưa có những đợt di cư của người Việt,
người Hoa và người Chăm tới Nam Kỳ thì người Khơ- me và văn hóa Khơ-me giữ vai trò chủ thể ở miền đất
này.
Dân tộc Chăm. Vào thế kỷ 17, 18 một số người Chăm
ở miền nam Trung Kỳ đã sang Cao Miên và Xiêm (Thái
Lan), đã tiếp xúc và chịu ảnh hưởng của các nhóm dân
cư gốc Mã Lai và Ấn Độ. Đầu thế kỷ 19, trở về định cư
ở Châu Đốc và một số tỉnh khác ở Nam Kỳ, họ đã mang
theo ít nhiều ảnh hưởng văn hóa của người Miên, Xiêm,
Mã, Ấn. Năm 1880, dân tộc Chăm ở Châu Đốc có
khoảng 13.200 người.
Các dân tộc khác. Ngoài các dân tộc đã có mặt sẵn ở
Nam Kỳ trước khi người Việt đặt chân tới, còn có các
giống dân từ nước ngoài cũng sớm tìm đến. Sự kiện này
được ghi nhận trong vài tác phẩm viết vào khoảng cuối
thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Chẳng hạn:
– Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức
(1765-1825) ghi nhận điều ấy như sau: “Gia Định là đất
phương nam của nước Việt. Khi mới khai thác, lưu dân
nước ta [Việt] cùng người kiều ngụ như người Đường
[Hoa], người Cao Miên [Khơ-me], người Tây phương,
người Phú-lang-sa [Pháp], người Hồng mao [Anh],
người Mã-cao [Macao], người Đồ-bà [Java] ở lẫn lộn
nhưng về y phục, khí cụ thì người nước nào theo tục
nước ấy.”
– Cổ Gia Định phong cảnh vịnh, tương truyền của
Ngô Nhơn Tịnh ,kể rằng khi người châu Âu da
trắng, người Chà-và (Java) da đen với mớ tóc quăn xoăn
tít xuất hiện ở Nam Kỳ, bề ngoài khác lạ của họ đã từng
khiến cho con gái đi chợ bỏ chạy, còn bọn trai chèo ghe
thì tò mò nhìn theo:
Lũ Tây dương da trắng bạc,
Mồm giột giạt, miệng xếch xác, hình vóc khác,
Giống thần quỷ, thần ma, thần sát.
Con bưng rổ te te chạy vát.
Quân Ô Rồ mặt đen thui,
Thể lọ nồi, đầu quăn riết, miệng trớt môi.
In thiên bồng, thiên tướng, thiên lôi,
Thằng cầm chèo hất hất đứng coi.

Tính đa dân tộc của Nam Kỳ tất yếu đưa đến tính đa
tín ngưỡng. Giải thích lý do đa tín ngưỡng, Hồ Lê viết:
“Thời gian dài hơn hai trăm năm, bắt đầu từ thế kỷ 17
sang nửa cuối thế kỷ 19 này, cũng là thời gian lắm
chinh chiến, loạn ly. Bao nhiêu người bị nạn dưới làn
tên mũi giáo. Bao nhiêu gia đình tan tác, cha lìa con, vợ
xa chồng... Đi khai hoang nơi ‘biên địa’ đã là một sự
đánh cuộc với đời, phải chấp nhận rủi ro nhiều hơn
nữa. Trong khung cảnh như vậy, người dân Nam Bộ
[Nam Kỳ] tự nhiên phải tin tưởng nhiều vào sự hên, xui,
may, rủi. Và để khỏi bị xui, bị rủi thì họ phải khấn vái,
cầu xin sự phò hộ độ trì của Trời Phật, thần linh, tổ tiên
ông bà và cả những người ‘khuất mặt’. Nam Bộ [Nam
Kỳ] là mảnh đất của nhiều tôn giáo, nhiều tín ngưỡng
một phần là vì thế.”
Tuy khảo sát chưa đầy đủ, về mặt tín ngưỡng của các
dân tộc cùng sống xen kẽ với người Việt ở Nam Kỳ, có
thể nói vắn tắt rằng ngoài Tam giáo (Nho, Thích, Lão)
và Thiên Chúa giáo ra, đất Nam Kỳ có nhiều sắc thái tín
ngưỡng như sau:
– Người Khơ-me theo Phật giáo tiểu thừa, cũng gọi
Phật giáo nguyên thủy (Theravada). Vì tin có kiếp
sau, có luân hồi nên họ sống hiền lành, không đua chen
giành giựt. Khi dành dụm được nhiều tiền, họ thường
lập chùa, nuôi sư để tích phước cho kiếp sau. Con trai
Khơ-me lớn lên phải vào chùa để học chữ và giáo lý
trong ba năm. Sau đó hoặc tu luôn hoặc hoàn tục.
– Người Chăm (Chàm) theo chế độ mẫu hệ, chịu
nhiều ảnh hưởng Hồi giáo (Islam), Ấn giáo (Bà la môn
giáo). Họ tin có ngày tận thế, tin có cuộc phán xét
cuối cùng, có sự tái sinh ở kiếp sau.
– Người Xtiêng thờ đa thần, trong đó quan trọng nhất
là thần mặt trời.
– Người Chu Ru theo chế độ mẫu hệ, nơi thờ cúng
thường là một cổ thụ gần làng. Nói khác đi, họ theo
tín ngưỡng vật linh (animism).
– Người Hoa đến Nam Kỳ từ nửa sau thế kỷ 17, đưa
vào miền đất mới những tập quán tín ngưỡng riêng của
họ. Hơn thế, họ còn mang vào Nam Kỳ xu hướng truyền
thống là lập hội kín, pha trộn chính trị và đạo giáo.

CÁ TÍNH NGƯỜI NAM KỲ
Một hạt giống gieo trên đất màu mỡ sẽ lớn lên nhanh
và tươi tốt hơn so với khi nó được gieo ở đất cằn. Một
thân cây trồng trong chậu gốm nhỏ sẽ bị thúc ép, gò bó
hơn nhiều so với một cây trồng thẳng xuống đất vườn
rộng rãi và có phân nước đầy đủ. Một vùng đất với thổ
nghi đặc trưng thường cho một sản vật ngon ngọt đặc
trưng. Sơn Nam viết: “Người ta là hoa của đất, đất nào
sanh ra hoa lá của đất ấy. Đại khái, có thứ đất sinh ra
trái cam chua, có thứ đất sinh ra trái cam ngọt, khó
thay đổi.” Không phải vô lý mà từ lâu đời dân gian
đã thừa nhận giá trị những đặc sản địa phương như:
bưởi Biên Hòa, cam Cái Bè, sầu riêng Cái Mơn, xoài cát
Hòa Lộc, măng cụt Lái Thiêu...
Con người cũng thế. Cá tính con người không thể
không chịu sự chi phối của môi trường thiên nhiên, của vùng đất người đó sinh sống. Do đó, khi nói đến cá
tính Nam Kỳ thì cũng cần biết qua về thiên nhiên Nam
Kỳ.
Khi Nam Kỳ còn là đất hoang, chưa được khai phá,
thiên nhiên miền đất mới này cực kỳ khắc nghiệt.
Huỳnh Lứa viết: “Nam Bộ [Nam Kỳ] là một vùng đất có
môi trường thiên nhiên rất phong phú và đa dạng, vừa
có nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn đối
với cuộc sống con người.”
Theo Sơn Nam, đất Nam Kỳ là “thiên đường của cọp,
sấu, rắn độc, muỗi mòng với bệnh sốt rét, ẩm thấp, mặt
đất lè tè, sông rạch khá nhiều với nhiều ao vũng, đầy
chim cò vùng ngập nước. Đồng cỏ vàng lườm, cháy khô
vào mùa nắng nhưng mưa đến là mọc nhanh, cao khỏi
đầu.”
Nhiều thế hệ lưu dân đã nối tiếp nhau tìm đến Nam
Kỳ khai khẩn rừng hoang, cải tạo các trũng thấp sình lầy
để trồng cấy và sinh sống. Phong trào khẩn hoang này phát khởi từ thời Chúa Nguyễn (thế kỷ 17).
Trong quá trình Nam tiến, các lưu dân phải liên tục
chống chỏi với các loài thú dữ, cá sấu, rắn rết, muỗi
mòng, sơn lam chướng khí, và bệnh tật. Thiên nhiên
Nam Kỳ buổi ấy đã làm giàu cho tiếng Việt những câu
nói và ca dao của một thời phá rừng dựng nước:
– Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tợ bánh canh.
– Cỏ mọc thành tinh, rắn đồng biết gáy.
– Tới đây nước mặn đồng chua,
Hổ mây, cá sấu thi đua vẫy vùng.
– Chèo ghe sợ sấu cắn chưn,
Xuống sông sợ đỉa, lên rừng sợ ma.
– Đồng Nai xứ sở lạ lùng,
Dưới sông cá lội trên rừng cọp um.
– Tới đây xứ sở lạ lùng,
Con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh.
Năm 1753, Nguyễn Cư Trinh (1716-1767) đặt chân
đến Nam Kỳ sau khi miền đất này đã có hơn một trăm
năm được khai phá, thế mà ông vẫn còn phải buồn bã
ghi nhận rằng: 殘荷帶濕, 折柳霑泥. Tàn hà đái thấp,
chiết liễu triêm nê. (Sen tàn hơi ẩm thấp; khí hậu độc
địa, nhánh cây bần gãy rụng đẫm bùn.)
Ông cũng ghi nhận: 千家流到蠻夷土.
水多鱷魚陸蛇虎. Thiên gia lưu đáo man di thổ. Thủy
đa ngạc ngư, lục xà hổ. (Ngàn nhà đi tới đất hoang
dã. Dưới nước nhiều cá sấu; trên đất lắm rắn, cọp.)

. Lòng hiếu khách, bao dung, và hào sảng

Một tác giả cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 là Trịnh
Hoài Đức khi viết về phong tục ở Nam Kỳ (Gia Định
thành thông chí, Phong tục chí) ghi nhận rằng: “Có
khách đến nhà, đầu tiên gia chủ dâng trầu cau, sau đó
dâng cơm bánh, tiếp đãi trọng hậu không kể người thân
sơ, quen lạ, tông tích ở đâu ắt đều thâu nạp khoản
đãi...”
Cho đến ngày nay, nhiều nơi ở miền Nam vẫn còn
giữ tập quán để lu nước mát và cái gáo trước hiên nhà,
mà nhà lại không có hàng rào, nếu có thì khách bộ hành
vẫn có thể dễ dàng đẩy cánh cổng khép hờ, và cứ tự nhiên múc nước uống giải khát, đỡ cơn nắng trưa.
Sơn Nam giải thích: “Nơi hẻo lánh, khách tha
phương lập nghiệp luôn luôn thấy cô độc, vì vậy rất
hiếu khách. (...) Gặp khách quen thân [cùng] một quê
xứ, cần tiếp đón để có lượng thông tin về quê cũ của
mình. Gặp khách lạ lại càng thú vị, họ sẽ kể lại bao
chuyện mà chủ nhà chẳng bao giờ nghe được lần
nào.”
Thạch Phương viết: “Thêm vào đó cuộc sống nơi đất
mới có nhiều thuận lợi, ưu đãi hơn, con người không
phải vất vả, bon chen như ở nơi đất hẹp người đông. Có
nhiều nhân tố để con người sống rộng rãi, cởi mở, hào
hiệp hơn.”

Là lưu dân tứ chiếng quy tụ nơi đất rộng người thưa,
tìm sự sống trong muôn vàn gian nguy chết chóc, không
trọng nghĩa, không hào hiệp, không nhân ái thương
người sa cơ lỡ bước thì không dễ sống còn. Ca dao
Nam Kỳ có câu:
Rồng chầu ngoài Huế,
Ngựa tế Đồng Nai.
Nước sông trong sao cứ đục hoài,
Thương người xa xứ lạc loài đến đây.
Tới đây thì ở lại đây,
Bao giờ bén rễ xanh cây thì về

Cuối bài xin tặng mọi người 1 bản nhạc mang đậm chất miền quê Phương Nam sau 1 tuần dài với công việc

Nắng hạ đi
mây trôi lang thang cho hạ buồn
coi khói đốt đồng, để ngậm ngùi chim nhớ lá rừng

Ai biết mẹ buồn vui khi mẹ kêu cậu tới gần
biểu cậu ngồi mẹ nhổ tóc sâu, hai chị em tóc bạc như nhau

Đôi mắt cậu buồn hiu phiêu lưu
rong chơi những ngày đầu chừa ba vá miếng dừa
đường mòn xưa, dãi nắng dầm mưa

Ai cách xa cội nguồn,
ngồi một mình
Nhớ lũy tre xanh dạo quanh khung trời kỷ niệm
Chợt thèm rau đắng nấu canh

Xin được làm mây mà bay khắp nơi giang hồ
Ghé chốn quê hương xa rời từ cất bước ly hương
Xin được làm gió dập dìu đưa điệu ca dao
Chái bếp hiên sau cũng ngọt ngào một lời cho nhau

Xin sống lại tình yêu đơn sơ,
rong chơi những ngày đầu chừa ba vá miếng dừa
đường mòn xưa, dãi nắng dầm mưa

Xin nắng hạ thổi buồn để mình ngồi nhớ lũy tre xanh
dạo quanh, khung trời kỷ niệm
Chợt thèm rau đắng nấu canh ...

source

Follow · Yesterday · 

ĐẤT NAM KỲ
COCHINCHINA

1 nhận xét: